G
ió đã chuyển sang thổi từ hướng Nam, một làn sương mù mỏng manh thổi từ biển vào bờ se se lạnh. Trước mắt tôi là một bãi biển hoang tàn, vắng vẻ tựa như đã bị bỏ quên từ rất lâu. Quang cảnh ấy khiến tôi liên tưởng đến cảnh con người chạy trốn lên những miền đất cao hơn vì sợ hãi một tai họa khủng khiếp nào đó mà biển có thể bất ngờ giáng xuống. Không biết vì sao, nhưng sáng hôm nay tôi cũng có một linh cảm không lành.
Nhìn bãi biển qua làn mưa phùn, tôi thấy một người câu cá đơn độc trên biển. Ông đội chiếc mũ rộng vành có che gáy của dân đi biển, mặc chiếc áo mưa màu vàng và đi một đôi ủng cao ôm gọn ống chiếc quần jeans. Hình ảnh ấy bất chợt đánh thức những ký ức đã ngủ quên trong tôi, vì có một thời tôi cũng đã là ngư dân. Bước ra ngoài làn mưa nhẹ, tôi đến trò chuyện cùng ông.
Người ngư phủ cho biết ông đã chín lần quăng câu trong buổi sáng này, và ông dự định quăng câu lần cuối cùng nữa trước khi thủy triều xuống. Đồ nghề của ông thật đơn giản: một cần câu bằng tre nhỏ có một cần cuộn nhẹ, mồi câu là những con trùn cát. Bất thình lình, dây câu bị giật mạnh.
– Dính rồi! – Ông đứng phắt dậy hét lên thật to và nhanh chóng kéo chiếc cần lên.
Chiếc cần câu oằn xuống tưởng chừng sắp gãy, cuộn dây câu dường như cũng quá nhẹ so với con cá câu được – nếu thật sự đó là một con cá! Con cá này thật lạ, không vùng vẫy như con cá đuối hay cá sọc vằn. Có thể nó nằm rất sâu dưới nước, hoặc không chừng nó đã bị mắc vào một tảng đá ngầm. Có thể nó là một con cá tuyết rất to, nhưng cũng có thể là bẹ tảo lớn. Tôi suy đoán trong khi ông lão cố sức kéo chiếc cần câu lên khỏi mặt nước.
Ông cắm chiếc cần câu vào đụn cát rồi từng chút, từng chút một dùng sức kéo vật bị mắc câu lên. Tôi chăm chú theo dõi chiếc dây câu ở chỗ nó tiếp xúc với mặt biển, hy vọng đó là một con cá to, như thế sẽ thú vị hơn là một đám rong biển. Một cách chậm rãi và nặng nhọc, lão ngư phủ nắm lấy đầu chiếc dây câu kéo lên. Có lẽ cũng như tôi, ông cũng hồi hộp muốn biết cái gì bị mắc trong lưỡi câu. Cuối cùng, sự hồi hộp lẫn chờ đợi của cả hai chúng tôi đã được thỏa mãn. Một con cá pecca[5] nhỏ và một con cua đỏ bám vào cục chì được kéo lên khỏi mặt nước trong sự ngỡ ngàng của cả tôi và ông.
[5] Cá pecca: Một loại cá thuộc họ cá rô, sinh trưởng ở hầu hết các loại sông suối.
Dường như không thể tin vào mắt mình, ông lão quỳ xuống cát và chăm chú nhìn những thứ vừa dính câu. Nhẹ nhàng gỡ con cua ra và để nó bò trở về với biển cả, ông chỉ giữ con cá lại và quay sang tôi:
– Tôi đã sáu mươi lăm tuổi, và đã hơn năm mươi năm làm nghề này nhưng chưa có ngày nào như hôm nay. Năm ngoái tôi bị một cơn đau tim... – Nói đến đó đột nhiên ông dừng lại, dùng bàn tay vỗ nhè nhẹ lên ngực trái rồi nói tiếp – Trước đây, tôi ăn quá nhiều bò hầm, bắp cải, bít-tết và cả trứng nữa. Nhưng giờ tôi chỉ ăn những con cá do chính tôi câu được mà thôi!
Một cảm giác ấm áp nhẹ nhàng lan tỏa khắp người tôi. Tôi chào ông và tiếp tục đi dọc bãi biển. Ngoài khơi xa, những con bồ nông nâu đang nô đùa trên mặt sóng. Gần hơn, một con én biển bay lượn vòng cung trên đầu những con sóng và gần hơn nữa là một người thợ lặn vừa lặn xuống để lại những vòng tròn lăn tăn trên mặt nước. “Tất cả họ” đều là những người câu cá trên sóng nước và dùng sản vật của biển để tồn tại.
Một lần, khi còn làm việc ở Manhattan, tôi đã đến tiệm Abercrombie & Fitch trên đường Madison, một tiệm chuyên bán quần áo và dụng cụ thể thao sang trọng dành cho giới thượng lưu. Tôi lên tầng trên cùng, nơi chuyên bán dụng cụ đi câu để nhờ tư vấn:
– Tôi rất thích câu cá khi sóng triều lên. Ông nghĩ tôi nên mua những thứ gì?
Người bán hàng là một người đàn ông cao ráo, đang ngồi trên ghế ngước nhìn tôi với vẻ mặt khinh khỉnh:
– Câu cá ở bãi biển à? Sao ông lại thích làm cái công việc ngớ ngẩn đó nhỉ? Câu cá là nghề cho thu nhập kém nhất mà tôi được biết.
Không chờ người đàn ông đó nói thêm lời nào, tôi nhanh chóng bước ra khỏi cửa hàng và không bao giờ quay trở lại đó nữa.
Cuối cùng, tôi cũng tìm được những thứ mình cần trong một tiệm bán mồi và dụng cụ câu cá tồi tàn ở cầu cảng gần thành phố biển nơi tôi ở. Ông chủ tiệm già nua với bàn tay gầy guộc, xương xẩu lấy ra một nắm dây bằng sợi thủy tinh trên kệ gỗ đưa cho tôi xem rồi nói:
– Cái này dài ba mét, anh chỉ cần thế thôi! Một số thợ câu muốn những sợi dây dài sáu, bảy mét. Họ cho rằng phải quăng đến tận giữa biển mới bắt được cá cơ đấy. Nhưng tất cả những gì anh cần làm là quăng đúng đỉnh con sóng, đó chính là nơi những con cá trích, cá hồng... hay ăn. Anh hiểu ý tôi nói chứ?
Nói rồi ông chủ tiệm nhanh chóng gắn ròng rọc, cần quay, phao tiêu; còn tôi thì gắn cục chì, mồi câu... và đứng ngay trên thành cầu cảng để quăng thử. Chiếc cần đó có độ cong vừa phải, không mềm oặt mà cũng không cứng ngắc. Tôi nghĩ dường như nó được làm ra cho riêng tôi.
Tôi bắt đầu nghề câu cá của mình như thế, từ đồi cát dài ở bờ biển phía Nam của Long Island nhìn ra Đại Tây Dương. Từ tháng Chín đến tháng Mười Một hằng năm, vào mỗi sáng thứ Bảy, tôi cùng một người bạn tên là Bob Behn đi bộ trên dải đất nối ra biển, dõi mắt nhìn tận chân trời để xem cái cách những con hải âu kiếm ăn và quyết định quăng câu ở khúc nào. Bob là người đầu tiên đi câu với tôi và nhiệt tình chỉ cho tôi những mẹo nhỏ để có những chuyến đi câu thắng lợi.
Lần đầu tiên đi câu, Bob đã bảo tôi:
– Quăng câu ba lần ở một điểm, nếu không bắt được con cá nào thì tiếp tục đi dọc bãi biển độ năm, mười bước nữa rồi lại quăng tiếp ba lần nữa. Cứ thế mà làm, chỉ đơn giản vậy thôi.
Và cả hai chúng tôi luôn thực hiện theo cách đó trong những lần đi câu tiếp theo, tuần này sang tuần khác, năm này qua năm nọ. Cứ mỗi độ thu về, Bob và tôi lại rủ nhau đi câu ở bãi câu thuộc bờ biển phía Nam. Tuần qua tuần, năm tiếp năm, chúng tôi cứ quăng câu rồi đi, quăng câu rồi lại đi... từ mờ sáng đến xế trưa. Và cũng ngần ấy thời gian chúng tôi chỉ đi về tay không, chẳng câu được một con cá nào!
Tuy nhiên, những chuyến đi câu đó với tôi không phải hoàn toàn vô bổ. Giữa những lần quăng câu, chúng tôi luôn có những cuộc trò chuyện rất thú vị. Bob và tôi hay ngồi tựa lưng nhau trên đụn cát, bình luận về những tác phẩm chúng tôi đã đọc, hay chia sẻ ý tưởng về những gì chúng tôi viết. Là một giáo viên dạy tiếng Anh nhưng Bob yêu văn chương bằng một tình yêu mãnh liệt. Bob đã tặng tôi một tập truyện ngắn , và một truyện trong tập truyện ngắn ấy đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi. Đó là truyện của Caroline Gordon – một câu chuyện đầy ám ảnh về ông già Maury. Ông Maury sống bằng nghề câu cá nước ngọt, mọi người trong gia đình ông kịch liệt phản đối điều đó, vì cho rằng cái nghề đó sẽ phá hỏng cuộc đời ông. Mọi lúc mọi nơi, họ đều thúc giục ông từ bỏ công việc ông yêu thích và tập trung vào kinh doanh một cái gì đó, nhưng ông vẫn kiên định giữ nếp sống quen thuộc của mình. Không thay đổi được ông, họ quay sang chì chiết và bỏ mặc ông chết dần trong sự héo mòn. Ngày qua ngày, ông vẫn cần mẫn vác chiếc cần câu đi khắp nơi, đôi khi chỉ câu được những con cá vược, cá tráp.
Mặc dù rất xúc động khi đọc truyện này nhưng khi Bob hỏi nhận xét của tôi, tôi thật sự không biết trả lời thế nào. Tôi thích đi câu nhưng chẳng bao giờ lý giải được tại sao mình lại thích nó như vậy. Tôi cũng tự hỏi tại sao ông Maury và nhiều người khác cũng thích đi câu cá?
– Có lẽ ông ấy bị ám ảnh với việc đi câu. – Tôi trả lời. – Hoặc đó là vì tác giả muốn viết như thế!
Bob giải thích:
– Thật ra, theo tôi, ông Maury đi câu cá là vì ông có một khát vọng muốn làm viên mãn cuộc sống của mình. Dùng ruồi giả làm mồi câu là cả một nghệ thuật, đồng thời cũng là một cách giải trí của ông ấy. Không có cái gì là giả tạo trong thế giới của ông ấy cả. Ông giống như những con chim choi choi[6] thường kiếm ăn dọc bờ biển. Chúng tìm mồi, nghỉ ngơi, bơi lội, tự do bay lượn mà không cần một khoảng thời gian nào để phục hồi.
[6] Chim choi choi: Một loài chim có chân dài, đuôi ngắn, sống ở vùng đầm lầy gần biển.
Hôm ấy là một ngày vào giữa tháng Mười Một, gió Bắc thổi giật từng cơn sau lưng, và chúng tôi biết rằng mình sẽ phải chờ đến mùa thu sang năm mới có thể trở lại câu cá trên những con sóng này. Chúng tôi ngồi câu lâu hơn thường lệ. Suốt buổi trưa rồi cả xế chiều, chúng tôi cứ quăng câu trên những đỉnh sóng và đi dọc bờ biển năm mười bước, rồi lại quăng câu. Mỗi lần quăng câu, tôi lại nghĩ đến ông Maury và về những con cá mà ông câu được từ cái ao nhỏ xíu của mình. Trong khi đó, với một Đại Tây Dương mênh mông, rộng lớn ở dưới chân mà tôi lại chẳng hề câu được một chút gì.
Mặt trời xuống giữa lưng chừng trời và những tia nắng bắt đầu dịu hẳn, Bob quay sang tôi cười với vẻ chán nản:
– Một ngày trôi qua với cái túi rỗng không, vui nhỉ?!
Nói rồi anh thu xếp đồ đạc, bỏ tất cả vào cái túi vải, gỡ cục chì ra khỏi chiếc phao tiêu. Tôi ngước lên, nhìn anh và đề nghị:
– Thử vận may một lần nữa xem sao!
Tôi đứng dậy, tháo chiếc móc câu bằng sắt ra và thay vào đó một cái móc gỗ. Tôi không hiểu vì sao mình lại hành động như thế. Đó chẳng phải là kỹ năng đặc biệt hay trực giác gì. Tôi thậm chí còn không hiểu chiếc nút gỗ bập bềnh này liệu có tốt hơn chiếc móc bằng kim loại sáng bóng kia không nữa. Dùng hết sức mình, tôi quăng dây câu thật cao vào một chỗ nước xoáy, và chiếc nút gỗ rơi xuống nhẹ như không. Gần như ngay lúc ấy, tôi cảm giác có một sự chuyển động nào đó ngay chỗ tôi vừa buông câu. Một con cá đã cắn câu, tôi hét lên thật to và giật mạnh chiếc cần vút lên khỏi mặt biển.
Bob nhảy cẫng trên bãi biển, anh bảo tôi phải giữ chiếc cần thẳng lên, nhử lên nhử xuống để con mồi vùng vẫy thêm chút nữa trong làn nước, rồi nhanh tay cuốn dây ròng rọc. Di chuyển chiếc cần chậm rồi nhanh, nhanh rồi chậm, tự dưng tôi có cảm giác mình đã vuột mất con cá. Thế nhưng cuối cùng, tôi và Bob cũng đã bắt được nó.
– Ôi trời, một con cá sọc. Nó lớn hơn tôi tưởng tượng! – Bob reo lên.
Khi tôi kéo được con cá lên, nó gần như muốn giằng đứt lưỡi câu ra, và giãy đành đạch trên bãi cát ướt. Tôi và Bob đứng sững sờ nhìn con cá tội nghiệp đang cố hết sức thoát thân để trở về với biển cả. Chúng tôi đã đến từ đây nơi rất xa, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm kia để câu cá. Giờ đây, sau những nỗ lực rất lớn của cả hai và vào lần câu cuối cùng của đợt đi câu này, chúng tôi cũng đã câu được một con cá thật to. Thế nhưng nhìn con cá, cả hai chúng tôi đều không biết nên làm gì với nó. Bỗng một con sóng lớn vỗ tràn lên bãi cát, cuốn lấy con cá tội nghiệp trở lại với biển cả.
– Nó bơi mất rồi! – Bob nhìn tôi lắc lắc đầu.
– Ừ, thì nó đi rồi! – Tôi nhún vai, đáp một cách yếu ớt.
Chúng tôi vác cần câu lên vai, bước những bước chân nặng trĩu trở lại bờ và lặng lẽ lái xe đi về.
Mùa xuân năm đó Bob nhận lời đi dạy ở vùng Midwest. Trời vừa chớm vào hè anh đã thu dọn đồ đạc để chuẩn bị lên đường, còn tôi vẫn tiếp tục ở lại. Để có bạn đi câu, tôi mua thêm hai cây cần câu nhỏ hơn và rủ Jeff và Keith, hai cậu con trai của mình đi câu mỗi khi mùa cá đến. Mồi câu của cha con tôi thường là mực, giun... Các con tôi tỏ ra rất có duyên với những chuyến đi câu này. Hầu như bao giờ chúng cũng câu được rất nhiều cá. Cả Jeff và Keith đều cảm thấy rất vui và tự hào rằng chúng câu cá giỏi hơn bố gấp nhiều lần. Thậm chí ngay khi lớn lên chúng vẫn luôn tự hào về tài “săn” cá của mình.
Keith hay nói:
– Điều khác nhau giữa con và bố khi đi câu là bằng mọi giá con phải câu bằng được cá!
Keith vẫn thường đi câu ở Thái Bình Dương, phía Nam California và Baja, trên một chiếc thuyền cao tốc nhỏ có thể chở theo xe. Nó thường chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết, từ các loại cần, lưỡi câu cho đến mồi câu. Keith thường đi từ lúc mờ sáng, ngừng lại ở bãi câu rồi lái tàu ra tận khu giếng dầu cách bờ hàng chục kilômét. Nếu hôm nào không may mắn thì nó chuyển sang chơi những môn thể thao yêu thích khác. Tuy vậy, hầu như chiều nào Keith cũng câu được khá nhiều cá, có thể là cá ngừ, cá vược, cá nục heo, thậm chí là cá đuôi vàng.
Phải thừa nhận một điều rằng Keith rất nhạy trong việc xác định luồng cá, và cách câu của nó cũng rất khác tôi. Bên cạnh đó, lý do đến với biển của chúng tôi cũng hoàn toàn khác nhau. Keith đến với biển để câu cá, còn tôi không đơn thuần chỉ là câu cá mà dường như là để câu một “thứ gì đó” mà tôi không thể gọi thành tên. Nó có thể đang ẩn mình bên dưới đáy đại dương sâu thẳm kia, có thể đó là một vật mà tôi đã đánh mất từ lâu, chẳng hạn như một con dao nhíp, một mũi tên bằng mã não hay một chiếc găng tay chơi bóng chày đã sờn rách.
Ông ngoại tôi, Henry Isidore Lewis mà chúng tôi thường gọi tắt là Izzy, là một người câu cá tuyệt vời. Tôi vẫn còn giữ tấm hình của ông trong album ảnh gia đình. Trong bức ảnh, ông đứng trước phông màn đen, một tay cầm chiếc cần, tay kia xách một con cá vược vằn khổng lồ. Ông đội chiếc nón kéo ngược ra sau đầu, vài lọn tóc bạc ló ra dưới vành nón, lòa xòa trên trán. Có lẽ ông muốn chụp tấm ảnh này để giữ lại cho con cháu đời sau.
Tôi nhớ có một lần ông đã dẫn tôi đi câu cùng ông ở chiếc cầu dành riêng cho người đi bộ trên vịnh Sheepshead. Ngày hôm ấy hầu như chúng tôi chẳng thu hoạch được gì, tuy vậy ông đã dạy tôi một bài vè của dân câu mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in.
Khi gió bắc thổi, cá chẳng cắn câu,
Gió đông về thì cá kém ăn,
Cá ăn tham lúc gió nam,
Gió tây về, cá ăn đầy bụng!
Tôi chẳng mấy quan tâm bài vè này có đúng hay không vì dẫu sao nó cũng không phải là thứ mà tôi khao khát kiếm tìm.
Cách đây vài năm, một người dì của tôi đưa cho tôi một bản sao giấy chứng tử của ông ngoại. Qua bản sao đó, tôi được biết ông ngoại mình sinh năm 1870 ở thành phố New York. Ngay lập tức tôi tìm kiếm những cuốn sách viết về lịch sử nước Mỹ với hy vọng hiểu thêm về giai đoạn mà ông đã sống. Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết ông được sinh ra dưới thời Ulysses S. Grant[7]. Đó là thời chưa có xe điện và cũng chưa xảy ra trận chiến ở Little Bighorn[8]. Bất chợt tôi cảm thấy hụt hẫng khi nghĩ đến tất cả những ký ức của ông đã bị chôn vùi cùng cái chết của ông, và mãi mãi sẽ bị rơi vào quên lãng. Lẽ ra tôi cần ghi chép lại những câu chuyện mà ông đã kể. Vậy mà buồn thay, tôi đã không làm điều đó.
[7] Ulysses S. Grant: Vị tổng thống thứ 18 trong lịch sử nước Mỹ, nhiệm kỳ 1869-1877.
[8] Little Bighorn: Trận chiến giữa chính quyền Mỹ và các thổ dân da đỏ, diễn ra vào năm 1876.
Ông tôi có một số đồng tiền vàng rất đẹp. Mỗi khi tôi đến chơi, ông đều lấy cho tôi xem và kể về xuất xứ của nó. Đó là những đồng tiền vàng được giữ lại từ thời kỳ ông cố tôi, là thời kỳ của những “cuộc đổ bộ đi tìm vàng” – Gold Rush – năm 1849. Những đồng tiền ấy đã biến mất từ rất lâu và thật sự giờ tôi cũng chẳng biết chúng đang lưu lạc ở đâu. Có lẽ đây chính là những thứ mà tôi đi câu để mong tìm lại được.
Vài năm trước đây, trong lúc đi du ngoạn xuống vùng Scottish Highlands, tôi đi thuyền dọc theo con kênh Caledonian để đến Loch Ness[9]. Tiết trời ở đây khá u ám và sương mù dày đặc che khuất tầm nhìn khiến tôi chẳng thể phân biệt được đâu là bờ, đâu là bến. Đứng một mình trên boong tàu, nhìn xuống làn nước đen ngòm, tôi tưởng tượng ra con quái vật nổi tiếng ở hồ này đang ẩn mình lượn lờ dưới mặt nước, phù phép khiến tôi bị kẹt cứng tại chỗ, và con thuyền sẽ xoay từ từ theo con nước rồi chìm hẳn xuống đáy đại dương – nơi cư ngụ của loài quái vật gớm ghiếc kia. Thế nhưng thật may mắn là những suy tưởng của tôi đã không thành sự thật.
[9] Loch Ness: Một hồ lớn và sâu tại cao nguyên Scotland, có bề mặt cao hơn mực nước biển 15,8 m. Hồ này nổi tiếng về huyền thoại của “Quái vật hồ Loch Ness”.
Sáng sớm hôm sau, tôi lên chuyến tàu sớm nhất đi Aberdeen, thế nhưng khát vọng được thấy con quái vật ở hồ Loch Ness vẫn cứ thôi thúc tôi quay lại nơi đó. Thậm chí giờ đây, khi đi trên bãi cát trải dài dọc bờ biển Miramar này, con quái vật huyền thoại ấy vẫn cứ còn ám ảnh tôi.
Con dao nhíp, mũi tên mã não, chiếc găng bóng chày rách nát, những đồng tiền vàng… tất cả đã từng ngụp lặn trong ký ức của tôi bây giờ tụ hội lại và hòa vào nhau. Tất cả những mất mát trong quá khứ của tôi tưởng chừng đã chìm sâu và chôn vùi cùng với con quái vật của sông hồ, ao biển. Thế nhưng, nó lại là lý do tôi tìm đến với đại dương mênh mông, đến với những chiếc cần và dây câu.
Tuy chưa bao giờ trông thấy nhưng tôi tin rằng con thủy quái ấy không có một hình dạng nhất định nào. Nó chính là một phần của con người tôi. Và tôi muốn lôi nó lên khỏi mặt nước để đối diện trực tiếp với nó cũng như để nhìn thấy mình một cách trọn vẹn. Tuy vậy, tôi cũng biết đó là điều không thể.
Một cơn mưa phùn nhỏ bất chợt đến trên bãi biển Miramar. Những hạt mưa trong trẻo như những giọt sương nhẹ vương đầy tóc khiến tôi cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng đến lạ. Tôi bước chầm chậm về căn nhà nhỏ của mình nằm ven biển cách đó một dặm trong trạng thái lâng lâng, cảm giác như mình đã trút bỏ được gánh nặng đã đè nén trong lòng từ bấy lâu.
Trên cao, gió vẫn lồng lộng thổi. Bên dưới thủy triều bắt đầu dâng lên. Hướng mắt nhìn về phía những con sóng bạc đầu, chợt cảm hứng đi câu của tôi trào dâng mãnh liệt. Lúc này, tôi bỗng muốn được nghe tiếng rỉa mồi của những con cá đi kiếm ăn. Và nếu may mắn, biết đâu tôi sẽ câu được một con pecca cũng nên.
Tôi bỗng sực nhớ đến chiếc cần câu với dây câu dài ba mét của mình mấy năm trước. Nếu có nó lúc này, tôi nhất định sẽ cầm lấy và quăng câu ngay. Nhưng cũng lúc đó, tôi sực nhớ ra rằng mình đã để toàn bộ đồ nghề ấy ở tận bên kia bờ đại dương – chỗ Jeff – con trai tôi.
Khi vừa về đến nhà, tôi lập tức gọi điện thoại cho Jeff và hỏi xem nó có còn giữ chiếc cần câu ấy hay không.
– Dĩ nhiên là con còn giữ chứ ạ! – Jeff trả lời. – Con mới lấy ra dùng mấy ngày trước đây mà.
Rồi Jeff kể với tôi về việc nó đã đưa Trevor - cậu con trai năm tuổi của nó, đến đồi cát nơi mà khi xưa tôi và Bob vẫn thường đi câu. Một con cá chào mào đỏ bị mắc lưới và Trevor mừng rỡ kéo nó lên. Jeff nói tiếp:
– Thế là bây giờ ngày nào Trevor cũng đòi con dẫn đến đó để câu cá bố ạ!
Tôi bước ra hiên nhà và nhìn ngắm những cơn sóng cuộn cao rồi đổ ập vào bờ. Trời mưa như trút nước, thấm vào da thịt tôi lạnh căm nhưng tôi chẳng mấy để ý đến điều đó. Điều tôi quan tâm lúc này là làm sao cho quá khứ, hiện tại và tương lai quanh tôi được kết nối. Sao cho đời ông ngoại tôi – Izzy, đến cháu nội tôi – Trevor, tất cả đều là những người thích đi câu.