G
ió thổi lồng lộng từ hướng Đông Nam mang theo hơi lạnh và ẩm ướt. Vào giữa trưa, mọi người tụ tập đông đủ quanh bia đá tưởng niệm những người đánh cá bỏ mình trên biển. Hôm nay lại có thêm bốn người ở lại với đại dương bao la. Tất cả đều xa lạ với tôi, vậy mà tên tuổi của họ lại in sâu vào trí nhớ của tôi như thể họ là những người thân của mình vậy. Đó là:
Kirk Pringle, 40 tuổi
Alex Kovack, 34 tuổi
Joe Fischer, 53 tuổi
Les Bronsema, 72 tuổi
Pringle, Kovack, Fischer và Bronsema, tôi vốn không biết gì về họ ngoại trừ những thông tin mà báo chí đăng tải hoặc thông qua những cuộc chuyện trò trên bến cảng. Thế nhưng, không hiểu tại sao cái chết của họ lại tác động đến suy nghĩ và cảm xúc của tôi nhiều như vậy. Họ là những ngư dân, cuộc đời hầu như gắn liền với sóng nước bao la. Và tôi được biết họ đều là những con người tốt bụng và là những trụ cột trong gia đình.
Một buổi sáng, khi hầu hết dân chài yên ấm bên gia đình thì bốn người này vẫn ra khơi trên hai con thuyền lớn, Pringle và Kovack trên chiếc Lisa còn Fischer và Bronsema trên chiếc Best Girl. Ngọn cờ báo động màu đỏ được giương cao, bay phấp phới trên bến cảng. Ngoài khơi, gió mỗi lúc một lớn, những sóng cao dồn dập đổ về từ phương Bắc và chỉ trong phút chốc, cả bốn con người tội nghiệp đó lần lượt bị cuốn vào một xoáy nước. Những chiếc lồng bắt cua lắc lư hai bên mạn thuyền. Hai con thuyền bị sóng đánh dữ dội và chìm dần xuống đáy đại dương trong cơn gào thét dữ dội của gió.
Ở đầu kia của cầu cảng, tiếng kèn túi vang réo lên những âm thanh rầu rĩ thê lương như tiếng kêu của bầy chim choi choi. Trên một đoàn thuyền đánh cá, thân nhân của những người xấu số ấy lặng lẽ ra khơi và rải những bông hoa xuống biển để tiễn đưa người thân của họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Buổi lễ tưởng niệm kết thúc, mọi người lầm lũi trở về trong niềm đau xót khôn cùng. Từng chiếc thuyền rẽ sóng, chậm chạp tiến về phía cảng và neo đậu tại chỗ dành riêng cho nó. Mọi người rời thuyền xếp thành hàng dài bước theo người chơi kèn túi về phía bia tưởng niệm. Họ lặng lẽ ngồi xuống, xung quanh tràn ngập hoa tươi và những vòng hoa tang kết cườm.
Tôi đứng lẫn trong đám đông đến cả trăm người, cố tìm kiếm một gương mặt thân quen nào đó nhưng không thấy ai. Cha xứ xuất hiện, xướng danh và ca tụng những người đã khuất. Sau mỗi cái tên được ông xướng lên, cô bé đứng bên cạnh liền gõ vào chiếc chuông thường treo trên các chiếc thuyền. Âm thanh trầm buồn vọng nỗi tang thương khắp cầu cảng.
Một người bắt đầu hát một bản nhạc của dân chài. Tiếp sau đó, một phụ nữ bất hạnh mà cả chồng và con đều chết trên những chuyến đánh cá trước đây đứng ra đại diện nói lời chia buồn với những gia đình bất hạnh. Những người tham dự tang lễ lần lượt đứng dậy và làm theo, nhưng có lẽ không lời nào có thể nói hết được nỗi đau thương và mất mát lớn lao này.
Tôi thả bộ dọc theo cảng và ngắm những chiếc thuyền đang neo đậu san sát dưới bến. Chỗ của Lisa và Best Girl vẫn để trống. Tôi tự hỏi tất cả giờ đang ở đâu giữa đại dương bao la kia. Nếu không gặp nạn, hẳn hai chiếc tàu đã có mặt ở đây và chủ nhân của nó lúc này đang vui vẻ bên gia đình. Tôi thực sự xúc động khi nghĩ đến sự chênh lệch về tuổi tác của họ, người trẻ nhất 34 tuổi và người lớn nhất hơn gấp đôi số tuổi ấy!
Suy nghĩ miên man, tôi lại nghĩ về cái chết của mẹ tôi. Sẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được khuôn mặt nhợt nhạt, tái xanh lúc mẹ được đặt vào trong cỗ quan tài. Tôi nhìn mẹ như một phụ nữ xa lạ, bởi lúc đó mẹ trông thật khác với hình ảnh mà tôi thấy hằng ngày. Người ta xức nước hoa cho mẹ làm sực nức cả phòng tang lễ. Chỗ mẹ nằm tràn ngập hoa hồng. Tôi cúi xuống nhặt một nhánh hồng ở chỗ đặt quan tài mẹ mang về ép khô giữa cuốn Kinh Thánh. Nhiều năm trôi qua, tôi lại kẹp nó trong cuốn Thánh Ca. Mỗi lần giở sách, cầm nhành hồng lên ngắm nghía và xoay xoay trong tay, tôi lại nhớ đến mẹ khi bà còn sống.
Lúc tôi còn nhỏ, mẹ thường đặt tôi ngồi sau yên xe đạp và chở tôi vòng vòng khắp những con đường dọc bãi biển Manhattan – nơi mẹ sinh ra và lớn lên. Mẹ thường vẫy tay và mỉm cười chào tất cả những người thân quen nhìn thấy trên đường. Đó là thói quen xã giao của mẹ, và cũng chính là một tính cách mà tôi kế thừa được từ mẹ.
Cành hồng mỗi ngày một khô và những cánh hoa bắt đầu rơi ra. Cuối cùng, dù không muốn nhưng tôi cũng phải bỏ đi vì nếu cố giữ lại, nó cũng chẳng thể chuyển tải được những ký ức về mẹ. Giờ đây, tôi bỗng muốn kể tất cả những ký ức mà mình còn giữ lại về người phụ nữ đã sinh ra tôi với con cháu của mình để những ký ức ấy không bị chìm vào quên lãng.
Thế nhưng tôi hiểu rằng, việc lãng quên là điều không thể tránh khỏi. Một ngày nào đó, sẽ chẳng còn ai nhớ đến mẹ tôi, cả tôi và bốn người xấu số kia cũng vậy. Tôi biết không phải ai cũng muốn lưu giữ những ký ức buồn về những thế hệ đi trước như mình. Cái chết của tôi sẽ chôn vùi mọi ký ức của tôi về cuộc sống, về những người họ hàng thân thuộc của mình vào lòng đất.
Tôi tự hỏi khi mình chết đi, liệu các thế hệ cháu con tôi có còn nhớ đến những việc tôi đã làm hay những điều mà tôi yêu thích? Và liệu chúng có còn nhớ tôi đã từng yêu thích việc lái chiếc thuyền buồm một cánh, hoặc tôi đã từng biên tập cho một tờ báo, hay đã dạy cho các con những bài học vỡ lòng... Và điều gì sẽ xảy ra khi các cháu tôi qua đời? Tôi sẽ còn đọng lại trong ký ức của ai đây?
Có một thời gian, tôi sống trong căn nhà trên đỉnh đồi mà dưới chân nó là một nghĩa trang có từ thế kỷ XIX. Thỉnh thoảng tôi trèo qua bức tường đá thấp và lang thang trong nghĩa trang ấy, nhìn và suy ngẫm về những bia mộ đã bạc thếch theo thời gian. Tôi đặc biệt chú ý đến sáu ngôi mộ được chôn liền nhau. Tôi thử hình dung mối quan hệ giữa họ qua những dòng chữ được khắc trên bia. Nhưng dưới sự bào mòn của gió cát và thời gian, tôi đã không làm được việc đó.
Tôi tự hỏi liệu còn ai nhớ đến những người này nữa không? Dáng hình của họ ngày trước ra sao, họ đã sống như thế nào và sở thích của họ là gì? Tôi ngậm ngùi khi nghĩ đến tất cả bây giờ chỉ còn là những nấm mồ nằm trơ trọi và lạnh lẽo giữa nghĩa trang này.
Họ chỉ là sáu trong hàng bao nhiêu tỷ người từ thuở hồng hoang của nhân loại đã đến và ra đi, không lưu lại vết tích, cũng chẳng có một chút hóa thạch nào để lại cho người đời sau biết rằng họ đã từng có mặt trên đời. Những vị vua chúa, tướng lĩnh, những nhà chính trị hay các nghệ sĩ, thi sĩ, đều được chúng ta biết đến qua những trang sử. Nhờ đó, chúng ta biết được đại thi hào nào là tác giả của Hamlet, nhà soạn nhạc thiên tài nào đã sáng tác bản Eroica bất hủ, nhà toán học tài ba nào đã tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn[10]… Chúng ta biết tên tuổi của họ, biết đến những công trình, kiệt tác mà họ đã sáng tạo. Nhưng ngoài những thứ mang lại danh vọng cho họ thì hầu như chúng ta chẳng biết được bao nhiêu về cuộc sống đời thường của họ. Họ khao khát điều gì? Công việc thường ngày của họ ra sao? Họ kỳ vọng gì ở con cái? Hầu như tất cả chúng ta đã lãng quên cuộc đời thật của họ.
[10] Tác giả muốn nhắc đến các danh nhân: nhà thơ, nhà soạn kịch William Shakespeare (1564-1616); nhạc sĩ Ludwig van Beethoven (1770-1827); nhà vật lý, toán học và thiên văn học Isaac Newton (1642-1727)
Cách đây khoảng hơn mười năm, tôi đến thăm một người bạn thân ở trang trại tại trung tâm tiểu bang New York. Anh vừa bình phục sau một cơn đau tim nặng. Anh là người có tính cách rất mạnh mẽ, thích sống phiêu lưu và tìm tòi những điều mới mẻ. Anh là giáo viên môn Lịch sử. Sau 30 năm giảng dạy, anh về hưu và mua sáu mươi mẫu đất để thử nghiệm nuôi beefalo – loại gia súc lai giữa bò rừng và bò sữa. Ngoài việc thử nghiệm giống vật nuôi mới, những lúc rảnh rỗi, anh thường vẽ tranh, chơi kèn trombone, tham gia các hoạt động chính trị và điều hành một trung tâm y tế công cộng.
Sau cơn bạo bệnh, tôi nghĩ anh sẽ phải hạn chế bớt các công việc của mình. Thế nhưng, trái với những suy nghĩ của tôi, anh làm việc một cách hăng say, thậm chí còn hơn cả trước khi ngã bệnh. Khi tôi đến, anh đang đứng ở cổng với chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ và một cái xô trên tay. Hàm râu anh tuy đã bạc trắng nhưng vẫn rậm rạp như xưa.
Chúng tôi vừa bước dọc theo bờ rào vừa trò chuyện, thỉnh thoảng cúi xuống nhặt những quả mâm xôi bỏ vào xô, rồi lại lặng yên ngắm cánh đồng quê yên ả, kho chứa cỏ, vựa lúa, những trang trại... thấp thoáng giữa những ngọn đồi. Bất thình lình, anh quay sang hỏi tôi:
– Anh nghĩ như thế nào về cái chết?
Tôi sững lại nhìn anh một lúc, chẳng biết nên trả lời thế nào. Tôi đang cùng anh đi hái quả mâm xôi, thực sự tôi không nghĩ rằng anh lại đặt câu hỏi đó lúc này. Tôi biết anh vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh và giờ đây đang bị nó ám ảnh. Tuy vậy, thành thật mà nói, tôi hoàn toàn lúng túng trước câu hỏi của anh. Có lẽ đọc được sự bối rối trong mắt tôi nên anh đã hướng cuộc nói chuyện sang đề tài khác. Cả hai tiếp tục đi dọc bờ rào và nhặt những quả mâm xôi cho đến khi đầy cả hai xô.
Nhưng giờ đây, sau khi tham dự buổi tưởng niệm những người đánh cá xấu số, tôi thật sự ước anh có mặt ở đây, và tôi sẵn sàng trả lời bất kỳ câu hỏi nào của anh – những câu hỏi về cái chết mà tôi đã cố tình lảng tránh lúc trước. Tôi sẽ nói với anh rằng, nhận thức về cái chết đã giúp tôi tìm thấy được ý nghĩa của sự sống. Khi chúng ta mất đi sự cảm nhận về cái chết thì đó cũng chính là lúc chúng ta đối mặt với một cái chết khác – chết khi đang sống. Và đây mới là cái chết tồi tệ và đáng sợ nhất.
Cũng giống như bao người khác, tôi có quyền lựa chọn cách sống cho mình. Tôi có thể sống một cuộc sống phù phiếm, cố gây ấn tượng với người khác bằng những vật chất tầm thường mà mình đang sở hữu: ngôi nhà tiện nghi, những bộ quần áo đắt tiền, chiếc xe hơi sang trọng… Hay tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác bằng cách tạo dựng danh vọng và quyền lực. Hoặc đắm mình vào những cuộc ăn chơi xa xỉ và trác táng. Hoặc cũng có thể dùng những lời than thân, trách phận như một cách để chối bỏ trách nhiệm đối với cuộc đời. Tôi hiểu đó là những hình mẫu của sự phù phiếm và thực dụng nên đã không làm thế. Cuộc sống là món quà quý giá của Thượng đế, vì vậy chúng ta cần phải nỗ lực và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình.
Trong lời bạt của vở kịch Man and Supper man (Con người và Siêu nhân), George Bernard Shaw đã viết: “Con người là một phần thế lực của tự nhiên chứ không phải một viên đá nhỏ nhoi, sốc nổi và luôn than vãn. Nếu chỉ biết chú tâm cho một mục đích tầm thường nào đó thì cuối cùng con người cũng sẽ bị bào mòn và tan thành khói bụi mà thôi”.
Tôi không biết liệu bốn người đánh cá ấy có từng biết đến những lời này của Shaw hay không, và tôi tự hỏi tại sao họ lại quyết định ra khơi vào cái ngày oan nghiệt ấy? Họ đã cùng những người đánh cá khác hạ buồm đình công ba tuần trước. Theo lời nhiều người thì dường như họ đang gặp khó khăn về tài chính. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng nếu họ ở nhà thêm một vài ngày chắc cũng chẳng khiến gia đình họ chết đói.
Tôi tin rằng có điều gì đó đã mời gọi những người đánh cá này ra khơi ngày hôm đó. Sự thôi thúc này còn sâu xa và mạnh mẽ hơn sức mạnh của đồng tiền rất nhiều. Họ chính là một phần của thế lực tự nhiên và cuộc đời họ gắn với những chuyến đi mạo hiểm. Do vậy, họ đã giong buồm ra khơi, đi theo tiếng gọi của niềm đam mê cháy bỏng bất chấp những mối hiểm nguy đang đợi chờ phía trước.
Tôi rời cảng biển và về nhà theo lối sau, đi ngang qua chỗ neo thuyền, ngang qua bờ đê chắn sóng và xuống bờ biển đầy cát. Biển êm dịu, hầu như không một gợn sóng. Tuy vậy, lẫn trong âm thanh rì rầm từ xa xăm biển khơi, tôi vẫn nghe trong gió tiếng còi trầm báo hiệu có sương mù trên biển. Tiếng còi ấy thường vang lên đều đều vào mỗi buổi sáng nhưng chưa bao giờ tôi thực sự để tâm. Vậy mà với tôi lúc này, tiếng còi ấy nghe não nề như được vọng về từ cõi âm. Nó không hề biến mất theo sự hờ hững của tôi mà trái lại, luôn hiện hữu, kêu réo tôi như cách biển cả đã réo gọi những người đánh cá ấy. Rồi đến một lúc nào đó nó cũng sẽ mang tôi đi như nó đã mang những người kia vậy.
Cái chết của những người đánh cá khiến tôi thực sự băn khoăn không biết mình còn lại bao nhiêu thời gian. Vài phút, vài giờ hay vài năm? Biết đâu, có thể ngay bây giờ tôi bất ngờ ngã quỵ xuống và trút hơi thở cuối cùng trên bãi biển Miramar này. Hoặc biết đâu tôi có thể sống tới trăm tuổi với một cuộc sống mới đang mở rộng và đón chờ tôi phía trước. Cuộc sống vốn vô định và chúng ta chẳng thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng dù thế nào chăng nữa nó cũng không khiến tôi quá bận tâm. Tôi vẫn sẽ sống mạnh mẽ và dũng cảm như tôi đã và đang sống.
Bước thêm vài bước nữa, không khí tang thương trên bãi biển ban sáng dần được thay bằng những hình ảnh sinh động của sự sống. Một ngôi nhà tọa lạc trên triền dốc đẹp tựa như bức ảnh của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tôi dừng lại, ngây người ngắm ngôi nhà ấy như mọi khi. Không hiểu sao mỗi lần nhìn ngắm ngôi nhà này, tôi lại thấy kiến trúc của nó một khác. Lúc thì tôi thấy nó như một nhà thờ ở Na Uy, khi thì như đền thờ đạo thần Shinto, và cũng có khi nó trông tựa con thuyền được nhiều tấm ván ghép chồng lên nhau đang băng băng rẽ sóng. Đứng giang chân trên mái nhà ấy là một tượng bằng gỗ khắc hình người phụ nữ với bộ ngực trần và đôi tay vươn lên như muốn ôm lấy cả bầu trời.
Xa hơn nữa, tôi trông thấy một đứa bé trai và một đứa bé gái đang xây những ngôi nhà trên cát. Chúng chạy tới chạy lui xuống mép nước, kéo những cây cọ biển và trồng nó xung quanh “khu nhà nghỉ”, sau đó đặt một số bụi cây nhỏ lên những ngọn cây ấy để chúng trông giống như những cây nhiệt đới đang đung đưa trong làn gió biển.
Đi một đoạn nữa, tôi phát hiện thấy một đụn cát được khoét lỗ tròn chính giữa. Bên ngoài có hai vòng tròn, vòng tròn bên trong mọc nhiều cây sung biển, còn vòng tròn bên ngoài chứa đầy những vỏ sò nhỏ lấp lánh muôn sắc màu dưới nắng vàng.
Ngay mép nước vẫn nguyên vẹn còn đó dòng chữ tròn trịa giống chữ của một em bé: “Chúc mừng sinh nhật Bố!” . Gần đó tôi lại bắt gặp một lời nhắn trên cát với nội dung: “Lindsay, mong bạn luôn khỏe mạnh!”.
Tôi bước dọc bờ biển và tiếp tục cuộc hành trình khám phá thú vị. Chợt bước chân tôi dừng lại ở hình vẽ một trái tim, ở giữa có viết: “Pamela đã ở đây! Amelia đã ở đây! Claudia đã ở đây!”. Kế bên nó là dòng chữ: “Tôi đang ở đây!”. Tôi mỉm cười, cũng cúi xuống và viết bên dưới: “Tôi cũng đang ở đây!”.
Thủy triều đang lên. Chỉ một lát nữa thôi những cơn sóng sẽ tràn bờ và xóa đi hết những bút tích của tôi cũng như của những người đã viết trước đó. Nhưng ngay lúc này, tôi bỗng thèm được khẳng định mình và chứng tỏ cho thế giới biết rằng tôi đã từng đi qua đây!