B
ầu trời đang sáng bỗng dưng tối sầm. Gió bắt đầu thổi mạnh và nhanh như cắt, bão đã nhanh chóng đổ bộ vào miền biển xinh đẹp này. Trong chốc lát, nước biển dâng cao, những con sóng hung hăng xô bờ dồn dập, bọt tung trắng xóa. Mỗi khi bão nổi lên, những con sứa thân trong suốt như pha lê bị sóng dập tơi tả. Sau mỗi đợt sóng đánh vào bờ, chúng lại bị đẩy lên và phơi mình trên bãi cát. Ước chừng có đến cả ngàn con nằm phơi xác trên bãi biển này sau cơn bão.
Tôi gọi những con sứa biển này là những chàng thủy-thủ-lướt-gió. Quả thật, chúng có cái buồm hình tam giác nhưng không có bánh lái nên không thể lèo lái được. Chúng cũng không thể xác định được phương hướng cho mình cho nên luôn bị sóng đánh trôi dạt khắp Thái Bình Dương và hoàn toàn phụ thuộc vào chiều gió.
Tôi dùng một mảnh vỏ sò lớn múc vài con đem về phơi trên hàng rào để có dịp quan sát chúng kỹ hơn. Những con sứa chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút, nom như những món đồ chơi bằng nhựa dẻo và trong suốt được đúc ra từ một khuôn. Tôi nhìn về phía biển, hình ảnh những con sứa nằm la liệt trên bãi cát hiện ra trong đầu tôi rõ mồn một như thể chúng đã được vẽ trong trí nhớ của tôi vậy! Những con sứa trông như những con tàu đợi nhổ neo theo hướng gió.
Nhìn những con sứa, ký ức tôi lại miên man trở về một chiều hè nóng như thiêu đốt ở miền núi Pocono. Khi ấy tôi cùng một người bạn thời sinh viên ngồi bên cái hồ hình quả lê cạnh triền đồi gần nhà anh ấy. Anh bạn tôi có một trí tuệ thông thái đặc biệt, hơn hẳn những người bạn khác mà tôi từng biết. Thi thoảng chúng tôi nhấp một ngụm nước để làm dịu phần nào cái nóng hầm hập đang bủa vây xung quanh. Chúng tôi nói chuyện về cuộc sống gia đình cũng như cách để chia tay êm thấm với vợ.
Trước đó, khi tham dự lễ cưới của nhau, mỗi chúng tôi đều tin rằng cả hai cuộc hôn nhân của chúng tôi sẽ luôn vững bền. Và giờ đây, hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, chúng tôi lại ngồi bên nhau để nói về sự thất bại trong hôn nhân của cả hai. Cuộc trò chuyện diễn ra khá thân mật, cởi mở và chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt buổi chiều hè oi ả đó. Tuy vậy, dường như quá mệt mỏi, cuối cùng cả hai chìm vào im lặng.
Anh bạn tôi cúi gằm mặt xuống, liên tục luồn những ngón tay mũm mỉm của mình vào những lọn tóc trắng xoăn, đăm chiêu suy nghĩ. Tôi im lặng chờ đợi những động thái hoặc một lời nói tích cực nào từ anh ấy, nhưng cuối cùng anh dập tắt những hy vọng của tôi khi bất thình lình giơ cả hai tay lên trời như đầu hàng và nói: “Những người như chúng ta không thể nào ly dị được, nên chấp nhận là hơn!”.
Vài tháng sau, tôi đã giải quyết xong chuyện hôn nhân của mình, còn anh ấy vẫn chưa thể. Sợ dư luận và những định kiến xã hội, anh hầu như không tìm thấy lối thoát nào cho mình và ngày càng chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng. Một năm sau ngày chúng tôi trò chuyện bên bờ hồ đó, anh bị một cơn đột qụy nặng, sống lay lắt một thời gian rồi qua đời.
Ký ức lại tiếp tục mang tôi trở về những ngày xa xưa khi tôi được mười hai tuổi và sống chung với dì và dượng – những người giám hộ của tôi. Một hôm, tôi và dì đang ngồi xem ti-vi trong nhà thì chuông cửa reo vang. Dì bước ra mở cửa. Đó là ông hàng xóm, ông ấy than phiền rằng những viên sỏi trải trên lối đi của nhà chúng tôi đã đổ tràn sang bên vườn nhà ông. Dì tôi tỏ ra rất bối rối hệt như có chuyện gì đó nghiêm trọng vừa xảy ra mà dì là người hoàn toàn có lỗi vậy.
– Chúng tôi thành thật xin lỗi ông! Chúng tôi sẽ....
Dì ngưng câu nói, chắc đang tìm một cách giải quyết hợp lý nhất. Tôi đứng phía sau lưng dì, chờ đợi xem dì sẽ xử lý như thế nào. Và dì nói tiếp:
– Tôi sẽ.... bảo... thằng bé sang dọn ngay cho ông!
Nghe dì tôi nói thế, gương mặt người hàng xóm giãn ra với vẻ hài lòng và ông nhanh chóng quay về nhà.
Tôi ra nhà để xe, cầm lấy cái xẻng và đi sang nhà ông. Với tôi, đó chẳng phải là công việc nặng nhọc gì. Hai mươi phút sau, tôi đã xúc hết những viên sỏi trả về lối đi cũ. Nhưng mỗi lần đặt xẻng xuống xúc những viên sỏi lên, câu nói của dì lại văng vẳng bên tai tôi: “Để tôi bảo thằng bé sang dọn!”. Thằng bé đó chính là tôi.
Mẹ tôi qua đời, dì là người chăm lo bảo bọc cho tôi. Dì cảm thấy có trách nhiệm phải mang tôi về nuôi nấng, dạy dỗ thay cho người chị vắn số của mình. Và mỗi ngày trôi qua, dì luôn buộc mình phải làm tròn trách nhiệm cũng như đòi hỏi tôi phải đáp lại bằng tất cả lòng biết ơn. Dì cứ nghĩ rằng mối quan hệ gia đình sẽ tốt đẹp hơn nếu được xây dựng trên nền tảng đó. Chưa bao giờ dì thể hiện tình thương yêu hay thái độ trìu mến đối với tôi. Ý thức trách nhiệm đã làm lu mờ tất cả ý niệm về tình cảm của dì. Chẳng hạn hôm đó, thay vì gọi “cháu tôi”, dì đã gọi tôi là “thằng bé”.
Tính cách của anh bạn tôi và dì tôi hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên giữa họ có một nét chung đó là không có lập trường riêng. Họ luôn làm hết sức mình để khiến người khác cảm thấy họ rất vững vàng và lúc nào cũng hoàn thành bổn phận của mình. Giờ đây, trong suy nghĩ của tôi, họ giống như con thuyền không có bánh lái, chỉ biết phó mặc hướng đi theo chiều gió. Họ cứ loay hoay mà không biết làm sao để kiểm soát và định hướng cho cuộc đời mình.
Tôi bước đến bên giá sách, với tay lấy cuốn sách hướng dẫn tham quan vùng Thái Bình Dương và tìm thuật ngữ thủy-thủ-lướt-gió. Trong cuốn sách này, cụm từ thủy-thủ-lướt-gió được định nghĩa là những sinh vật có hình oval dẹt với những túi căng đầy khí, có những xúc tu để kiếm ăn xếp thành từng vòng quanh bộ phận sinh sản và rất nhiều đốm xanh lơ ở quanh viền. Tôi lấy một cuốn sách khác với mục đích tương tự. Một nhà sinh vật biển đã định nghĩa: “Chúng là những quần thể khác biệt, được xem như những bầy đàn của các cá thể họ sứa gọi là “con người”. Sự xuất hiện bất ngờ của từ “con người” với tất cả hàm ý của nó khiến tôi giật mình. Tôi đặt những cuốn sách trở lại chỗ cũ và lững thững thả bộ ra biển. Những “con người” vẫn đang nằm rải rác trên mặt cát từ lúc bị trôi dạt vào bờ. Tôi ngồi lặng yên trên cát, nhắm mắt lại hít thở bầu không khí trong lành sau bão. Từng tia nắng ấm áp của mặt trời lan tỏa khắp người tôi khiến tôi có cảm giác như mình đang bay bổng.
Tôi đã nhận ra điều mà khi còn trẻ, mình đã không để ý: Những người càng tỏ ra cương quyết, vững vàng nhất thì lại là những người đang mất phương hướng nhất. Họ mất rất nhiều thời gian và sức lực để tô vẽ chân dung của mình trước mọi người. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người xung quanh sẽ nhìn xuyên qua lớp vỏ bọc ấy và nhìn thấy rõ những tâm hồn yếu đuối, dễ bị tổn thương trong con người họ.
Tôi đã chọn vùng biển Miramar này – nơi cách biệt với thế giới ồn ào và đầy rẫy đua chen về giàu sang và quyền lực – làm nơi trú ngụ cho riêng mình. Cuộc sống bình lặng nơi đây đã giúp tôi thẳng thắn hơn trong việc nhìn nhận bản thân cũng như với tất cả những vấn đề nảy sinh xung quanh, điều mà trước kia tôi đã không dám làm.
Tôi hiểu rằng sự thiếu quyết đoán của mình trong quá khứ chính là dấu hiệu của sự yếu đuối, nhu nhược. Vì vậy, tôi luôn khao khát một sự thật tuyệt đối, một lý tưởng, hay bất kỳ điều gì đó tương tự như vậy để có thể bảo vệ tôi trước những biến cố bất ngờ của cuộc sống. Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm của các đại thi hào và triết gia nổi tiếng như Lão Tử, H. D. Thoreau, W. Whitman, B. Shaw. Tôi hiểu rằng trong mỗi tác phẩm của họ đều mang đến cho tôi một bài học bổ ích, cần thiết cho những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trong một tác phẩm, W. Whitman đã tự hỏi: “Tôi có đối lập với chính mình không?”, và khi đó tôi nhận thấy mình cũng đang cùng tâm trạng với ông. Tôi cũng đang tự đối lập với chính mình.
Nhưng giờ đây, tôi hiểu ra một điều rằng, sự bối rối, lúng túng đôi khi lại tạo ra sức mạnh. Nó giúp chúng ta nhìn nhận lại cuộc sống của mình và điều chỉnh lại phương hướng để sống tích cực hơn. Gần như mất cả cuộc đời, tôi mới chiêm nghiệm được điều này. Tuy vậy, ngay khi thấu hiểu, tôi có cảm giác như mình được chắp thêm đôi cánh để tự do khám phá thế giới xung quanh và tìm kiếm những điều mình tin tưởng.
Tôi từng gặp rất nhiều người mà suốt đời phải sống chung với những tín điều cứng nhắc, bệnh hoạn. Điều đó thể hiện qua giọng họ nói, cử chỉ, điệu bộ của họ khi giao tiếp với những người xung quanh. Đôi khi tôi muốn giúp họ thoát khỏi tình trạng đó để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy vậy tôi cũng hiểu rằng, việc ấy thực sự chẳng dễ dàng bởi những tín điều kia đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Nó trở thành một đức tin để họ tồn tại trong cuộc sống này. Và vì quá phụ thuộc vào nó nên họ không dám tự mình đưa ra một quyết định nào khác.
Những kẻ luôn dương dương tự đắc cho rằng mình có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề chính là những kẻ thực sự hèn yếu, và cũng chỉ những kẻ đó mới tỏ ra vênh váo, khoác lác khi đứng trên các bục cao nói trước đám đông hoặc nuôi tham vọng điều khiển suy nghĩ và hành động của người khác bằng cách mị dân.
Hitler từng huênh hoang rằng hắn có trong tay một chân lý tuyệt đối. Mussolini cũng thế... Họ chính là nỗi kinh hoàng trong suốt thời niên thiếu của tôi, những con người mà bàn tay họ đã vấy đầy máu của hàng triệu sinh linh. Giết chóc, tàn sát hay giết người hàng loạt... chẳng là gì đối với những kẻ chuyên quyền, tàn bạo này bởi họ đã bám vào cái chân lý tuyệt đối, cái đã bóp méo, xuyên tạc nhận thức, thần thánh hóa những hành vi cuồng sát của họ.
Những người này hoàn toàn đối lập với các nhà lãnh đạo chân chính và tài năng như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Franklin Roosevelt… Tất cả họ không phải là những tư tưởng gia, cũng chẳng thuộc phe Bảo thủ hay Tự do…. Họ là hiện thân của những vấn đề cấp thiết của thời đại; những vấn đề như bạo lực chuyên chế, nô lệ, hay các cuộc thế chiến.
Có thể họ cũng xảo quyệt khi cần phải làm thế. Họ cũng rất chính trị, biết chọn thời cơ thuận tiện để lên tiếng, để hành động. Tôi chấp nhận tất cả những điều đó như những nét riêng cá tính của từng người. Và trong thâm tâm tôi thấy ngưỡng mộ những con người này vì họ không bị ảnh hưởng bởi một hệ tư tưởng nào, mà tất cả những gì họ làm đều bắt nguồn từ sự uyên thâm trong suy nghĩ và trình độ của họ; vì sự cảm thông, lòng trắc ẩn hiện hữu trong con người họ chứ không phải là những đức tin, cũng chẳng phải các học thuyết hay giáo điều gì cả. Tuy vậy, nó đã có sức lay động và góp phần làm thay đổi cả thế giới!
Có nhiều người cho rằng việc đến Miramar là một cách trốn chạy của tôi - trốn chạy khỏi những áp lực của cuộc sống. Gần đây, tôi nhận được bức thư của một người bạn. Trong thư anh hỏi thăm cuộc sống của tôi trên vùng đất mới và muốn biết khi nào tôi sẽ chấm dứt cuộc sống lang bạt hiện tại của mình. Tôi trả lời thư anh bằng một bưu thiếp cảm ơn sự quan tâm của anh. Dù không trực tiếp trả lời câu hỏi của anh, nhưng tôi đã muốn nói với anh rằng, cuộc sống của tôi sẽ đi đến nơi nó cần đến và chấm dứt khi cần chấm dứt.
Một mình lang thang ở biển, ngắm nhìn những đợt sóng rì rào vỗ bờ, hơn ai hết tôi hiểu rõ mình đang làm gì lúc này. Tôi không sống phiêu bạt như nhiều người vẫn nghĩ. Trái lại, khi quyết định làm một việc gì đó, tôi luôn suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ. Tôi làm mọi việc mà mình cảm thấy cần thiết cũng như hiểu rõ khi nào cần từ chối, khi nào nên chấp nhận và bao giờ thì cần nhẫn nhục đợi chờ.
Tôi nhổm dậy, bước thêm một dặm, hai rồi ba dặm nữa. Những bước chân khó nhọc vì sóng vẫn đang dồn dập vỗ bờ. Những con sứa cuộn vào chân tôi. Những thủy-thủ-lướt-gió vẫn nằm im lìm trên cát và thật bất hạnh, cũng tại nơi đây, chúng sẽ khô héo rồi chết.