T
ôi cứ nghĩ mãi về Paul Gauguin. Khi ngồi trên bãi biển đọc tập nhật ký của ông, tôi khám phá ra rằng cuộc hành trình của ông đến thiên đường chẳng khác mấy với chuyến đi của tôi đến vùng biển Miramar này.
Năm hai mươi ba tuổi, Gauguin được một người bạn của gia đình giới thiệu vào làm trong một công ty môi giới chứng khoán. Hai năm sau, ông kết hôn với Mette Sophie Gad, một cô gái Đan Mạch nghiêm trang và hay e thẹn. Trong suốt mười năm chung sống, họ đã có với nhau năm người con và ông rất yêu các con mình.
Năm ba mươi mốt tuổi, Gauguin vẽ bức Mette Sewing (Mette khâu vá) – một bức chân dung đơn sơ nhưng thắm đượm tình cảm gia đình. Bức tranh ấy vẽ Mette ngồi ở cạnh bàn, mặc một tấm áo rộng, chỉ trông thấy khuôn mặt và đôi tay. Cùng thời gian này, ông vẽ một bức tranh khỏa thân với tựa đề Suzanne Sewing (Suzanne khâu vá). Bức tranh vẽ toàn thân một người phụ nữ – một người mẫu chuyên nghiệp – đang ngồi cạnh một chiếc giường trải drap trắng và đang vá một thứ gì trông như một chiếc áo lót bằng satin. Phía sau người phụ nữ là một chiếc đàn mandolin treo trên một bức tường màu tím chứa đầy ẩn ý. Khi bức tranh ra mắt công chúng, một nhà phê bình đã lấy Suzanne làm hình mẫu của “người phụ nữ của thời đại chúng ta”. Nhưng Mette tỏ ra khinh miệt bức họa đó và từ chối treo nó trong nhà.
Thế nhưng, cuộc sống của Gauguin càng ngày càng trở nên khó khăn. Sau một thời gian, ông và Mette chuyển từ Paris đến Rouen rồi cuối cùng về Đan Mạch, quê hương của Mette. Từ người môi giới chứng khoán, Gauguin chuyển sang làm nhân viên ngân hàng rồi trở thành người đi bán vải dầu. Nhưng dù cuộc sống diễn ra như thế nào thì Gauguin vẫn luôn giữ trong mình niềm đam mê hội họa. Sau một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt, Gauguin quyết định từ bỏ công việc thương mại, quay về với hội họa vì ông hiểu rằng, chỉ có bộ môn nghệ thuật này mới có thể giúp ông tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Và vào một ngày đẹp trời, không một lời từ biệt, Gauguin lặng lẽ bỏ đi Papeete, từ một thương gia trở thành người nghệ sĩ, bỏ lại cả vợ và con trong một chuyển biến đột ngột, không ai ngờ được. Nhưng con đường đưa ông đến một hòn đảo Tahiti nhỏ bé, xanh um vùng nhiệt đới này quả thật quanh co. Ông đã đi từ Đan Mạch sang Paris, rồi đến Brittany rồi Martinique. Xong lại trở về Paris, rồi Brittany. Và một thời gian sau đó, khi vừa chớm độ tuổi bốn mươi, ông mới đến được Tahiti – nơi duy nhất trên trái đất này cho ông cảm giác như là ngôi nhà của mình.
Ở vùng đất ngát hương đó, ông đã say sưa vẽ để thỏa mãn niềm đam mê. Hầu hết các bức tranh của Gauguin đều chứa đựng những sắc màu hoang sơ của rừng núi, bộ lông sặc sỡ của những con vẹt với màu tím nhạt, xanh lơ đậm, màu đỏ son, màu vàng cam hay vàng đậm. Ông vẽ phong cảnh, vẽ phụ nữ, vẽ tĩnh vật và tất cả những gì ông thích mà không chịu bất kỳ sự chi phối nào của nền văn minh phương Tây hay của cuộc sống hiện đại. Ông vẽ theo dòng cảm xúc đang trào dâng trong tâm hồn mình, giữa cảnh nghèo túng và bệnh tật như thể nếu không vẽ, ông sẽ không còn tư duy.
Năm 1891, chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Tahiti, Gauguin đã vẽ bức Vahine No Te Tiare (Người phụ nữ cài hoa), một trong những bức chân dung đầu tiên về người phụ nữ bản xứ. Bức họa là một tác phẩm tinh tế và ấn tượng: Trên dải hoàng hôn rực đỏ, ông vẽ một cô gái mặc chiếc áo đầm màu xanh thẫm với cổ áo màu trắng và một bông hoa trắng ẩn hiện trong làn tóc đen xõa dài của cô. Những cánh hoa trắng muốt tựa như những cánh bướm rập rình trên mái đầu ngẩng cao của cô gái trong khi bàn tay mềm mại của cô đang cầm một nhành hoa xanh mướt.
Trong tác phẩm tự truyện “Noa Noa”, ông đã ghi lại những cảm xúc của mình khi sáng tác bức họa này như sau:
“Tôi đã hoàn thành tác phẩm của mình rất nhanh với niềm say mê mãnh liệt. Trong bức chân dung này, tôi đã cố gắng lột tả chân thực những gì trái tim mình cảm nhận. Tôi tin rằng vượt lên trên tất cả cảnh vật tầm thường, từ trong sâu thẳm mỗi người có một điều gì đó thoát thai và bùng lên mãnh liệt. Người phụ nữ cài hoa trên tóc có gương mặt đầy vẻ cao quý với đôi gò má nhỏ và cao. Điều này gợi cho tôi nhớ đến một câu của E. Poe: “Không có vẻ đẹp hoàn hảo nào mà không có chút tì vết!””.
Cô chính là điềm báo về Tehamana, mà biết đâu cũng chính là Tehamana. Tehamana là người phụ nữ bản xứ đã tự nguyện sống cùng Gauguin như chính con người ông – một người nghệ sĩ thực thụ. Cô đã nâng đỡ ông giữa cơn tuyệt vọng để giúp ông tiếp tục những đam mê của mình. Cô chẳng hề đòi hỏi hay trông đợi điều gì nơi ông. Cô luôn ở đó – ngay bên cạnh ông những khi ông làm việc, những lúc ông mộng mơ; luôn đợi chờ trong thinh lặng, biết khi nào cần lên tiếng, khi nào không và mang hương thơm từ chính bản thân mình ướp khắp căn lều họ trú ngụ.
Ở nơi quê nhà, Mette cũng đang đợi chờ ông nhưng không phải với tình yêu thương mà là thái độ căm ghét. Bà luôn chê bai những bức vẽ của ông dù chẳng hiểu chút nào về chúng. Mặc dù vậy, bà luôn luôn đòi ông gửi tiền về - điều mà ông chẳng bao giờ có thể đáp ứng được! Trong cách nhìn của bạn bè và gia đình bà thì bà là người phụ nữ đáng thương và đáng được bênh vực, vì Gauguin đã có Tahiti, còn bà thì phải chăm sóc và nuôi dạy các con.
Năm 1893, ông trở về và mở cuộc triển lãm ở Paris. Tuy nhiên, sức cuốn hút của vùng biển phía Nam quá mạnh, nên vào năm 1895, ông trở lại thiên đàng của mình, và lần này là vĩnh viễn. Nhưng trách nhiệm đối với gia đình vẫn không ngừng ám ảnh ông, và trong bức thư gửi cho một người bạn, ông đã viết:
“Thực sự tôi rất tiếc về cách cư xử của tôi với gia đình mình. Tôi đột ngột bỏ đi không một lời từ biệt để cả nhà phải tự giải quyết lấy tất cả những khó khăn mà lẽ ra tôi phải là người xoay xở. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi yêu mảnh đất Tahiti này. Chỉ có ở đây tôi mới có thể tìm thấy chính mình và thực hiện niềm đam mê của mình. Nhưng dù nói thế nào đi nữa tôi vẫn cảm thấy mình là một người chồng nhẫn tâm, người cha vô trách nhiệm. Tôi biết thế, nhưng không thể tìm ra cách giải quyết nào hợp lý hơn.”
Tháng Tám năm 1897, ông viết cho Mette:
“Tôi biết là tôi không phải với bà rất nhiều, nhưng tôi đã rất mong vào sinh nhật của mình, ngày mồng bảy tháng sáu vừa qua, tôi nhận được dòng chữ “Bố thân yêu” mà các con mình viết tặng và ký tên vào đấy. Vậy mà bà đã lạnh lùng: “Ông không có tiền! Đừng có trông mong gì về điều ấy!”.
Tôi muốn nói: “Xin Chúa che chở cho bà! Mong sao lương tâm của bà ngủ yên để bà không phải chờ đợi cái chết như một sự giải thoát””.
Đó là những lời Gauguin viết cho người vợ của mình.
Tôi lang thang trên bãi cát, hồi tưởng lại lúc các con tôi còn nhỏ. Khi đó, với đồng lương ít ỏi của một nhà báo, tôi và gia đình phải sống trong một căn nhà chẳng lấy gì rộng rãi. Nhân khẩu trong gia đình mỗi ngày một tăng, tôi buộc lòng phải tìm một căn nhà khác. Tuy vậy, để tìm được căn nhà hợp với sở thích và túi tiền của tôi khi ấy thật không phải dễ dàng. Vào một buổi chiều, trong lúc lái xe đi dọc con đường rợp bóng cây ở một khu khá riêng biệt của thành phố, vợ tôi tình cờ đậu xe trước một căn nhà màu trắng theo kiểu nhà thuộc địa của Hà Lan. Ngôi nhà có một tiền sảnh chạy dài, một phòng ăn trang trọng, một phòng khách có lò sưởi xây bằng gạch và các cửa đều làm theo phong cách Pháp. Mỗi bên ngôi nhà đều mở ra một cái cổng vòm, một phòng sinh hoạt gia đình lát bằng gỗ sồi, một cái cầu thang dẫn đến một bệ cửa sổ và đưa thẳng lên trên tầng trên.
Trước khi lập gia đình, tôi vẫn thường nghĩ mình sẽ nương náu ở gác xếp trong căn nhà của một nghệ sĩ nào đó và sau một thời gian sẽ được dọn đến một ngôi nhà màu trắng với các mành cửa xanh và một khu vườn có những thảm cỏ xanh rờn tương tự như vậy. Tôi có một khoản tiền nhỏ được thừa kế và nó được sử dụng làm tiền ứng trước để gia đình tôi dọn về sống trong căn nhà kiểu thuộc địa Hà Lan ấy. Và chúng tôi đã sống ở đó được mười hai năm. Nhưng tính nghệ sĩ vẫn luôn tồn tại trong tôi, sục sôi dưới vẻ ngoài lặng lẽ. Càng ngày tôi càng cảm thấy cuộc sống của mình ngột ngạt. Cuối cùng, đi theo tiếng gọi từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi quyết định từ bỏ cuộc sống của một “kẻ mạo danh”, một người sống vật vờ trong căn nhà mà hắn chẳng hề thiết tha gắn bó.
Phải chăng đó cũng là cảm giác của Gauguin khi ông trải qua những bước đi lầm lỡ thời trai trẻ? Gauguin và Mette có một bức hình chụp chung ở Copenhagen nhân kỷ niệm mười hai năm ngày cưới. Trong ảnh, Mette mặc một chiếc áo váy dài và một chiếc áo khoác tay ngắn cổ viền. Bà ngồi đó, nghiêm trang trên chiếc ghế uốn cong. Ông đứng phía sau, thân mình hơi nghiêng về trước, chân bắt chéo, tay trái chống lên hông, tay phải tựa vào quyển sách để trên bàn. Nhìn bức ảnh, tôi tự hỏi mình không biết ai là người đã dựng nên tác phẩm lừa bịp này?
Gauguin đã rời bỏ gia đình để sống trọn vẹn với hội họa trong khoảng mười năm cuối cùng của cuộc đời mình. Tôi nghĩ, sâu thẳm trong lòng, ông cũng biết mình đã bỏ lại sau lưng những gì. Thế nhưng bất kể phải trả giá như thế nào cho lựa chọn của mình, ông vẫn cứ đi theo con đường hội họa, đi theo tiếng gọi của trái tim.
Suy nghĩ của tôi bị gián đoạn bởi những tiếng vó ngựa tung trên cát. Người kỵ mã và con ngựa xuất hiện đột ngột và lướt qua nhanh đến mức khiến tôi gần như ngừng thở. Tôi thấy như thể họ đang bay xuống bãi cát và biến mất trong làn sương mỏng. Trên bãi biển, các nhà chức trách để tấm bảng “Cấm cưỡi ngựa trên bãi biển”, nhưng hầu như ngày nào tôi cũng thấy người ta cưỡi ngựa ngay trên bãi biển này một cách rất tự nhiên.
Tôi đứng dậy và đi về phía bãi biển, nơi con ngựa vừa phi qua. Bất chợt người kỵ mã và con ngựa lại hiện ra từ trong màn sương mù và phóng vọt qua tôi theo hướng ngược lại. Tôi nhìn con ngựa và thán phục sức mạnh của nó, dáng vẻ của nó. Và tôi cũng thán phục cả cái dáng trang nhã của người kỵ mã. Anh ngồi thẳng tắp trên yên, thật là hoàn hảo.
Sau lưng tôi, một tiếng còi bỗng ré lên. Tôi quay lại và nhìn thấy người bảo vệ bãi biển lái một chiếc ôtô chạy hết tốc độ đuổi theo người kỵ mã kia, để lại những vết bánh xe sâu và dài trên cát. Cuộc chạy đua bắt đầu. Người bảo vệ rượt theo người kỵ sĩ, trong khi người kỵ sĩ lại cố phi thật nhanh để thoát khỏi sự truy đuổi.
Tôi tiếp tục đi về hướng ngược lại, suy ngẫm về những lựa chọn của mình cũng như về tốc độ mà tôi đã đi qua cuộc đời này. Tôi đi trên bãi biển với tốc độ của một người bình thường, hai, hay ba kilômét một giờ. Nhưng cưỡi ngựa, tôi có thể phi hai mươi lăm kilômét một giờ. Và với chiếc xe, tôi lại chuyển sang thời gian của lực cơ khí. Đó là một chiếc đồng hồ nhân tạo – ngày thu lại thành giờ, giờ biến thành phút, và phút biến thành giây –, cái mà tôi luôn bị buộc phải tuân theo nếu rời Miramar.
Mỗi khi ngồi trên xe, người tài xế thường cố gắng rút ngắn thời gian đi đường bằng cách tăng tốc. Thế nhưng, anh ta chẳng thể nào biết được cuộc đời của mình đã bị rút ngắn đi thay vì số thời gian tiết kiệm được.
Chúng ta đang sống trong thời đại của tốc độ. Có lần tôi đã bay qua hai múi giờ trong một buổi sáng, và buổi chiều lại bay ngược về qua hai múi giờ ấy, để rồi mấy ngày sau đó vẫn còn bị choáng váng và mất định hướng.
Trong tất cả các sinh vật tồn tại trên mặt đất này, chỉ con người là có thể du hành nhanh hơn tốc độ chuyển động đích thực của đôi chân mình. Trong suy nghĩ của tôi, càng đi nhanh bao nhiêu, chúng ta càng mau chóng biến thành những con ngựa già nua, ốm yếu bấy nhiêu. Càng buồn chán, chúng ta càng nhấn ga mạnh để xe lao đi, không kiểm soát được tốc độ và bất chấp những hậu quả có thể xảy ra. Với tốc độ 100 km/giờ, chúng ta đánh mất phương hướng, thậm chí quên cả mình là ai. Chúng ta nhấn mạnh ga, hy vọng sẽ tìm thấy con người thực mà mình đã đánh mất đâu đó trên đường.
Paul Gauguin đã làm một cuộc đào thoát về miền biển phía Nam. Chỉ có một vài bạn thân của ông thông cảm, còn lại tất cả đều coi ông là con người quái dị, là họa sĩ ngoan cố của những con sông màu cam và những con chó màu đỏ. Dường như cuộc đời ông gắn liền với những cuộc hành trình kiếm tìm mải miết. Ông đã tâm sự với một nhà phê bình nghệ thuật rằng: “Để có thể tạo ra điều gì đó mới mẻ, chúng ta phải quay về với cội nguồn của nó, trở về thời phôi thai, ấu thơ của nhân loại”.
“Điều mới mẻ” mà ông tạo ra trong sự nghiệp hội họa của mình chính là con người ông, một Paul Gauguin đích thực. Rã rời vì bệnh tật, đau khổ vì nghèo đói, phiền muộn vì cái chết của đứa con gái, đó là một trong những lý do để ông quyết tâm thực hiện một tác phẩm hơn hẳn tất cả các họa phẩm khác. Trong tháng Hai năm 1898, Gauguin đã viết cho một người bạn: “Tôi quyết định trước khi chết phải vẽ cho được một kiệt tác. Bức tranh ấy đã được phác họa trong đầu tôi và tôi đang vẽ nó trong một nỗi say mê khác thường!”.
Bức tranh được ông đặt tựa là “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đang đi về đâu?”. Đó là một tác phẩm đầy tính biểu tượng, được thể hiện theo xu hướng nguyên thủy với chủ tâm phá vỡ mọi luật phối cảnh. Ở góc phải, một đứa trẻ ngủ bình yên bên cạnh ba người phụ nữ ngồi tránh nắng dưới bóng cây nhiệt đới cao to; góc trái là một bà lão ngồi vùi đầu trong đôi tay, đầy vẻ cam chịu. Ở giữa là một số hình ảnh khác như một đứa trẻ đang ăn trái cây trong khi một phụ nữ đang hái quả, và một phụ nữ khác dường như đang lắng nghe chăm chú một tượng nữ thần được đặt trên bục bằng đá. Gauguin đã viết: “Tượng thần, với đôi tay vươn lên cân xứng và huyền diệu là biểu tượng của tương lai”.
Những hình ảnh phụ nữ khỏa thân ở tiền cảnh được làm nổi bật bằng sắc cam sáng chói. Hậu cảnh là một dòng suối chảy ra biển và gần đó có một hòn đảo nhỏ. “Bức tranh là sự pha trộn của rất nhiều màu sắc. Nhưng màu nền của nó là màu xanh lơ và xanh lá cây, như gam màu của thành phố Verona” – chính Gauguin từng thổ lộ như vậy.
Kiệt tác lạ lùng và hấp dẫn này trở thành đề tài thu hút sự chú ý của không ít nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật. Tuy nhiên, để đưa ra những kiến giải hợp lý về nó hoàn toàn không phải là chuyện dễ dàng. Con chim trắng kia ngụ ý gì? Còn bức tường màu xanh lơ và còn con dê cái màu tím nữa? Tại sao cô gái khỏa thân màu cam này ngồi xoay lưng lại, và đôi tay của cô sao lại vòng quanh đầu? Hai người phụ nữ khoác áo choàng tím đứng trong bóng lá râm mát kia là ai và họ đang nói về điều gì?
Vào một thời điểm khác của cuộc đời, tôi chắc chắn cũng sẽ đặt ra những câu hỏi tương tự như thế. Nhưng giờ đây, tôi gạt những biểu tượng của Gauguin sang một bên, và xem đó như là một khía cạnh bình thường trong những sáng tác của ông. Với tôi, sức mạnh của họa phẩm này không nằm ở nội dung nó muốn diễn đạt mà chính là ở chỗ nó vẽ cái gì. Tác phẩm thể hiện sự cân bằng nội tại nhưng trước nay vẫn bị hiểu nhầm là hình ảnh về những nỗi thống khổ của cuộc đời tác giả.
Sau khi hoàn thành tác phẩm, Gauguin lên núi và uống thủy ngân để tự tử nhưng lượng độc dược quá ít, không đủ để ông thực hiện ý đồ của mình. Và tám năm cuối đời tại vùng biển phía Nam đã trở thành những năm tháng sáng tác sung mãn nhất của Gauguin. Ông đã cho ra đời một trăm họa phẩm, bốn trăm tượng khắc gỗ và rất nhiều tác phẩm khác. Ông mất vào tháng Năm năm 1903, là một người nghèo kiết xác với nợ nần chồng chất và sẽ chẳng bao giờ biết được thế giới này nợ ông bao nhiêu!
Tôi nhìn lại mình và cảnh vật xung quanh. Bờ biển, những đụn cát, những vách đá dựng đứng bỗng chốc biến thành những mảng màu. Một bức tranh về biển từ từ rõ nét với những chuyển biến mềm mại, thanh mảnh cùng vô vàn sắc màu tinh tế. Những ranh giới biến mất và tôi có cảm giác mình dần hòa vào bức tranh nhiều màu sắc đó.
Tôi trở về căn nhà trên bãi biển với một niềm khao khát mãnh liệt vừa dấy lên. Nhiều tháng trời sống trên bãi biển này, tôi thấy mình chẳng khác gì một kẻ đồng nát khi suốt ngày thơ thẩn ngoài biển nhặt nhạnh từng mảnh sò, viên đá. Giờ đây tôi lại muốn thoát ra khỏi ranh giới của Miramar hơn lúc nào hết. Lái xe ra khỏi thành phố, tôi dừng trước viện bảo tàng ở công viên Cổng Vàng và thơ thẩn dạo khắp các gian phòng trưng bày các họa phẩm, tìm kiếm những tác phẩm của Gauguin. Nhưng tôi không tìm thấy được bức tranh nào của ông ở đây. Đổi lại, tôi tình cờ phát hiện ra bức tranh sơn dầu trên vải của Elihu Vedder có tên là The Sphinx of the Seashore (Tượng Nhân Sư trên bờ biển) nằm lặng lẽ trong góc phòng.
Hậu cảnh của bức họa là cảnh đổ nát, hoang tàn: những vòm cung thời La Mã, những chiếc xuồng trắng xóa, những vỏ ốc xà cừ, mảnh tàu vỡ, một cái neo và một sợi xích bị chôn vùi một nửa trên bãi cát. Bầu trời được thể hiện rất thấp và đầy vẻ hiểm nguy với ráng chiều đỏ rực xuyên qua những tầng mây trắng.
Tiền cảnh là con nhân sư nằm dài trên bãi cát, không phải là một tượng đá mà là một sinh vật sống, một nhân sư có đầu của người phụ nữ với đôi ngực trần và phần thân dưới có cái đuôi rất mềm mại. Những lọn tóc hung đỏ xõa xuống trán; gương mặt toát lên vẻ đau thương. Con nhân sư nằm soài trên bãi biển, đôi môi hé mở, mắt nhìn chăm chú như mong đợi điều gì. Và nó đã hút hồn tôi ngay từ ánh nhìn đầu tiên.
Trong khi đang ngây người đứng ngắm bức họa ấy, tôi chợt nhớ tới câu chuyện về những cuộc hành trình của Oedipus. Để tìm hiểu về nguồn gốc của mình, Oedipus đã đi từ Corinth đến Thebes. Khi đến cổng của thành cổ này, Oedipus thấy có một con nhân sư chặn trước lối đi của mình. Mọi người trong thành đều bị con nhân sư này giam cầm và nó giết bất kỳ ai đi qua cổng thành này mà không thể giải được câu đố của nó:
“Con gì đi bằng bốn chân, hai chân, rồi ba chân,
Nhưng càng đi bằng nhiều chân thì càng yếu?”
Oedipus lập tức đáp lại: “Đó là con người - thuở nhỏ thì bò bằng cả tay lẫn chân; khi lớn lên thì đi bằng hai chân; và lúc về già thì phải chống gậy”. Con nhân sư quá buồn phiền và quẫn trí vì việc Oedipus đã giải được câu đố nên đã tự sát. Thế là nhân dân thành Thebes được giải thoát.
Tôi rời viện bảo tàng mang theo câu đố của con nhân sư trong đầu. Tỳ tay lên lan can, tôi lặng ngắm thành phố dần chìm trong ánh tà dương. Sắc đỏ hồng rực rỡ của mặt trời lúc sắp lặn phản chiếu vào những ngọn đồi xung quanh. Thành phố trông thật hiện đại – hiện đại như mọi thành phố khác nhưng tôi biết nó vẫn phải đương đầu với một thách đố gay go giữa ranh giới của sự sống và cái chết như dân thành Thebes.
Câu hỏi của nhân sư cũng chính là câu đố của tất cả chúng ta. Đó cũng là điều mà Gauguin đã đặt ra khi ông sáng tác bức kiệt tác của mình. Câu hỏi đó đồng thời còn là nền tảng của mọi câu hỏi khác. Và nếu tôi chân thành đặt câu hỏi ấy, câu trả lời cũng sẽ chân thành hiện ra như một lời cầu nguyện.
Có quá nhiều thứ tôi muốn làm và cũng có quá nhiều điều tôi muốn đạt được. Tôi muốn đọc hết các tác phẩm của đại văn hào Dostoyevsky; muốn chèo thuyền qua những vịnh biển hẹp của Puget Sound; muốn tìm được một người phụ nữ sẽ đem đến cho mình niềm vui... Chiều nay, mặt trời sẽ lặn vào lúc bảy giờ bốn mươi ba phút, và ngày mai sẽ lặn vào lúc bảy giờ bốn mươi mốt phút. Ngày mỗi lúc một ngắn dần. Tôi cảm thấy thời gian của mình còn lại quá ít trong khi có quá nhiều thứ cần phải thực hiện.
Thuở trước tôi còn là một cậu bé, bây giờ tôi đã là một người lớn, và chẳng bao lâu sẽ trở thành một ông lão. Tôi tự hỏi chẳng lẽ cuộc đời mình sẽ trôi qua với những bước sải dài từ trạng thái này sang trạng thái khác mà không lưu lại dấu ấn gì từ những điều mình đã được trải nghiệm hay sao? Cách đây không lâu, tôi cảm thấy cuộc đời mình tựa như một hành trình hăm hở tiến về phía trước mà không biết làm thế nào để dừng lại. Nhưng chính khi ấy, tôi đã nhận ra đó là sự hoang phí thời gian không thể chấp nhận được.
Tôi nhận ra rằng cuộc đời mình cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều được bắt đầu bằng những nét phác thảo đơn giản, để rồi chẳng biết sau khi hoàn tất nó sẽ trông như thế nào, đẹp hay xấu, được ngợi khen hay bị chê bai… Dù cần cả đời người để hoàn thiện thì tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng để bức chân dung đời mình không bị dở dang: sắp xếp những phần rắc rối, lấp đầy những khoảng trống bằng những đường nét, màu sắc đa dạng.
Tôi lái xe trở về nhà trong ánh đèn mờ ảo. Lúc về đến nhà thì mặt trời cũng đã khuất ở cuối chân trời và mặt trăng đang dần ló dạng. Tôi ngồi một lát ngoài hiên nhà, ngắm nhìn ánh trăng mà trong đầu vẫn còn văng vẳng câu đố của con nhân sư. Oedipus thật thông minh khi đã đưa ra câu trả lời chính xác và giải thoát được cho cả thành Thebes. Còn tôi, tôi cũng đã có câu trả lời và đã giải thoát được cho chính mình.