T
rong những ngày tháng ở Miramar, hầu như đi đến nơi nào tôi cũng gặp phụ nữ. Họ có mặt khắp nơi, khi thì tắm nắng, lúc lại xây lâu đài trên bãi cát, thả bộ dọc bờ biển... Nhưng chẳng nơi đâu tôi có thể tìm được người phụ nữ của mình.
Tôi đi dọc con dốc dẫn ra bến tàu, sau đó bước vào một nhà hàng gọi một chén xúp nghêu và một ly rượu vang. Xong bữa trưa, tôi tản bộ xuôi theo cầu cảng.
Ở cuối cầu, tôi gặp một phụ nữ đi chân không, đang đứng câu cá. Tóc cô ấy đen nhánh, tết thành một bím, thả dài xuống ngang lưng. Cô mặc chiếc quần jeans bạc màu và cái áo mỏng, xanh nhạt, rộng thùng thình, bay phất phơ mỗi khi cơn gió nhẹ thoáng qua. Cô xắn cao tay áo lên, để lộ làn da màu đồng, đặc trưng của dân xứ biển. Cô vẫn tiếp tục quăng câu qua những chấn song của cầu tàu và chậm rãi cuộn dây câu một cách khéo léo tựa như cô đoán được cái gì đang ở dưới đại dương kia vậy.
Tôi bước lại, nhìn vào cái xô bên cạnh cô, cố gắng đếm xem cô đã câu được bao nhiêu cá. Người phụ nữ quay sang nhìn tôi, rồi cô lại nhanh chóng tiếp tục công việc của mình như thể nếu dừng lại nói chuyện, cá sẽ chẳng cắn câu. Tôi cũng đứng yên lặng, chăm chú nhìn xuống mặt nước chờ xem thành quả của cô. Mặt nước động đậy, có tiếng quẫy đuôi của cá, cô nhanh nhẹn cuộn dây câu lại, gỡ cá ra và thảy vào trong xô.
– Cô câu được bao nhiêu rồi? – Lúc này tôi mới dám bắt chuyện với cô.
– Tám. – Người phụ nữ đáp gọn lỏn.
Cô tiếp tục buông câu. Tôi hỏi về những đồ nghề đi câu của cô, nào cần, nào dây câu, nào mồi... và mỗi câu hỏi đều được đáp lại một cách ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ thông tin.
– Cô có vẻ giỏi và hợp với nghề này đấy! – Tôi nhận xét.
– Hẳn nhiên như thế rồi! – Cô nhìn tôi nở một nụ cười nhẹ. – Tôi đã làm việc này từ ngày còn bé xíu cơ mà.
Câu chuyện của chúng tôi dần trở nên cởi mở hơn, và cô bắt đầu kể về mình. Cô tên là Anna, người Bồ Đào Nha, và đã sống ở vùng biển này từ khi còn bé. Tuy giọng nói cô hơi khàn, nhưng tôi cảm nhận được sự mạnh mẽ và kiêu hãnh ẩn chứa trong đó.
Cô vừa nói chuyện, vừa câu cá, thỉnh thoảng ngước lên nhìn tôi hoặc chăm chú nhìn vào những gợn sóng lăn tăn. Sau khi Anna dứt lời, tôi kể cho cô ấy nghe về cuộc đời mình. Từ khi đến đây, tôi sống khép kín và luôn tự ngăn cản mình tiếp xúc với mọi người xung quanh. Vậy nhưng khi nói chuyện với cô, tôi đã tự phá bỏ những nguyên tắc mà mình đã đặt ra. Tôi có cảm giác mọi bức tường ngăn cách đều tan biến và câu chuyện của chúng tôi càng lúc càng sôi nổi và thu hút đối phương nhiều hơn.
Trước câu chuyện đầy hứng thú của chúng tôi, các chú cá dường như cũng đang lắng nghe nên chẳng buồn cắn câu.
– Hình như cá đã đi đâu hết rồi ấy! – Tôi trỏ tay xuống nơi cô đang buông câu.
– Ừ nhỉ, thủy triều đang xuống. – Cô nhoẻn miệng cười và cúi xuống thu dọn đồ nghề.
Tôi nhìn cô cẩn thận gỡ lưới, cuộn dây câu. Sau khi xong mọi việc, cô cầm lấy xô, đôi mắt nhìn xa xăm ra biển một lát rồi quay sang tôi hỏi:
– Anh có biết Chamarita không?
– Chamarita à? Không! Nó là gì vậy? – Tôi lắc đầu và hỏi lại.
– Tôi sẽ đưa anh đi dự Chamarita – Cô nói. – Lúc đó anh sẽ biết Chamarita là gì!
Tôi đứng ở cầu cảng nhìn theo bóng Anna khuất dần, bên tai như vẫn còn văng vẳng tiếng nói và nụ cười của cô.
Vừa về đến nhà, tôi lập tức giở cuốn tạp chí trên bàn – cuốn tạp chí đã cùng tôi du hành suốt nhiều năm qua. Trong trang được đánh dấu sẵn, tôi chăm chú nhìn bức ảnh của một người phụ nữ mặc một chiếc áo mỏng, ngắn ngang eo, đang đứng câu cá ở cầu cảng. Cô đi chân đất, tay cầm một chiếc cần và đang quăng câu xuống mặt biển. Có lẽ tôi đã ngắm nhìn bức ảnh này đến hàng ngàn lần, và nhận thấy nó xứng đáng được treo trên tường dù tôi đã không làm như vậy.
Tôi nghĩ đến hình ảnh Anna mặc cái áo xanh rộng thùng thình, đứng quăng câu ở cuối cầu cảng. Tôi tự hỏi liệu Anna có phải là thật, hay đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự khao khát của bản thân mình? “Tôi sẽ đưa anh đi dự Chamarita, rồi anh sẽ biết!”. Nhớ đến câu nói của Anna, tôi hồi hộp chờ đợi.
Trời trong như pha lê khi tôi đi cùng Anna về phía trung tâm thành phố. Hôm ấy Anna mặc một cái áo trắng và váy tím, chiếc váy bay chập chờn trong làn gió nhẹ buổi ban mai. Trên đầu, những con mòng biển đang đập cánh bay ngang trời. Anna nhìn chúng, mỉm cười. Cô thích thú nhún nhảy và hát “Chama Rita! Chama Rosa! Qué bonita! Qué formosa!”.
Trên đường đi, Anna bắt đầu giới thiệu về Chamarita. Theo lời cô, đó là một bài hát và điệu nhảy dân gian của Bồ Đào Nha. Đặc biệt vũ hội Chamarita và lễ hội mừng Chúa Thánh Thần cùng được tổ chức một ngày.
– Đây là lễ Tạ ơn của chúng tôi, là cách chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với những người vùng Azores đã sống cách đây năm thế kỷ. – Anna nói.
Vào thế kỷ XV, núi lửa phun trào trên hòn đảo này, hạn hán và nạn đói hoành hành khắp nơi. Những người dân ở đây đã họp nhau lại và cùng cầu nguyện, xin Đức Chúa Thánh Thần cứu giúp. Lời nguyện cầu hiển linh, và trong buổi lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống[11], mặt trời trên cao chói lọi, và trong ánh mặt trời ấy, người Azores thấy hiện ra một con tàu chở đầy thực phẩm.
[11] Đây là một lễ của Thiên Chúa giáo, tổ chức hàng năm vào Chủ nhật sau lễ Phục sinh.
Khi nữ hoàng Isabel I biết về tai họa của dân làng, bà đã ra lệnh tổ chức lễ mừng Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống một cách thật long trọng cùng với chiếc thuyền đầy ắp thực phẩm cho họ. Cùng với những nàng hầu, Nữ hoàng hai tay cầm chiếc vương miện của mình, đi dọc các đường phố của Lisbon hướng về Thánh Đường. Bà đặt chiếc vương miện lên bàn thờ để bày tỏ lòng cảm ơn. Từ đấy, dân làng Azores tổ chức lễ này để bày tỏ lòng biết ơn đối với Nữ hoàng Isabel vì sự quan tâm của bà đối với dân làng. Và lễ hội này đã được duy trì cho đến bây giờ.
Anna và tôi vừa vào đến thành phố thì cũng là lúc xe cộ bị cấm lưu thông. Mọi người đã tụ tập khá đông – ngồi trên lề đường hoặc đứng đầy các góc phố. Trẻ con thì tung tăng chạy nhảy khắp nơi. Anna mỉm cười gật đầu chào những người quen biết – người thợ may và các con của ông, người hầu bàn và vị hôn phu của cô ấy, chuyên viên thẩm mỹ và chồng của bà ta, ông thư ký ngân hàng và vợ... Có vẻ như tất cả mọi người đều biết Anna và cô cũng vậy. Anna cùng tôi tìm một chỗ tương đối tốt để đứng xem hội. Đó là một chỗ khá rộng, đối diện với nhà thờ, nơi đoàn diễu hành sẽ dừng lại biểu diễn.
Một lát sau, đoàn diễu hành di chuyển qua chỗ chúng tôi đứng một cách chậm chạp. Họ cầm những biểu tượng, biểu diễn một cách ngẫu hứng chứ không theo một khuôn phép hay thứ tự nào cả. Đoàn sáo và trống chơi bài “Tradition” từ tác phẩm “Fiddler on the Roof” – một tác phẩm nói về người Do Thái dưới các triều đại Nga hoàng. Các nhạc công mặc áo khoác màu đỏ, quần trắng, đầu đội nón nhà binh rộng vành cũng có tua màu đỏ và trắng.
Đó là những ban nhạc của Miramar, Pescadero, San Gregorio, Santa Cruz và San Jose. Phía trên khán đài, những cô gái đội nón trắng, những bà mẹ mặc váy hoa, những ông già mặc áo ghi-lê xám trịnh trọng đang say mê thưởng thức. Tiếp đó, chiếc thuyền chất đầy bánh mì đi qua, trên đó có nhiều cậu bé mặc áo trắng, thắt khăn quàng đỏ. Đầu xe, một cậu bé tay cầm cây dù bằng lụa rất mỏng đi theo che cho một cô bé mặc áo đầm dài màu trắng. Cô bé trân trọng nâng một chiếc gối, đưa ra phía trước mặt, trên chiếc gối là một chú chim bồ câu.
Cuối đoàn diễu hành là ba thiếu nữ bước chầm chậm. Người đứng giữa cầm chiếc vương miện bằng bạc trắng, được “đóng khung” bằng một vòng hoa hình chữ nhật. Cô mặc chiếc áo đầm trắng, vai khoác áo choàng màu xanh đậm, đuôi áo choàng dài đến mức kéo lê trên đường. Khi cô bước vào nhà thờ, cũng là lúc cuộc diễu hành kết thúc. Anna nắm tay tôi, chúng tôi cùng chen chúc, len lỏi trong đám đông. Xung quanh tôi, mọi người đều nói tiếng Bồ Đào Nha.
Sau một hồi len lỏi, chúng tôi cũng tiến được vào nhà thờ để dự lễ Tạ ơn. Vị linh mục đọc một đoạn thánh kinh theo Thánh Gio-an, nhưng tôi không chú ý đến điều đó mà bị cuốn hút vì những tấm kính có in hình các Thánh với màu sắc sặc sỡ, treo ở khung cửa sổ. Mọi người cùng hát bài Come Holy Ghost (Xin Chúa Thánh Thần Hiện Xuống) và Amazing Grace (Hồng Ân Cao Quý) và buổi thánh lễ kết thúc.
Khi chúng tôi vừa ra khỏi nhà thờ, một bé gái chạy tới Anna, vòng tay ôm lấy cổ cô, hôn một cái rồi lại chạy đi.
– Đó là cháu của tôi đấy! – Anna nói. – Một ngày nào đó nó sẽ là Nữ hoàng và tay sẽ cầm vương miện.
Tôi hỏi:
– Thế cô có lần nào làm Nữ hoàng chưa?
– Có chứ! Tôi đã từng làm Nữ hoàng rồi! – Anna gật đầu trả lời.
“Tôi sẽ dẫn anh đến Chamarita và anh sẽ hiểu!”, giờ thì tôi đã hiểu ra câu nói của Anna. Cô thuộc về nơi này, nó là một phần của cô, và cô cũng là một phần của nó. Tôi nhận thấy Anna có cái gì đó riêng, rất riêng, cả khi lắng nghe, chuyện trò lẫn khi hòa quyện hiện tại với quá khứ. Cô chân thật với chính bản thân mình.
Đám đông đã giải tán, giao thông được phục hồi. Chúng tôi tiếp tục lang thang trên những con đường. Anna khẽ chạm vào tay tôi rồi chỉ về phía dải đất chạy dài trên bờ biển, mờ ảo dưới làn mưa xuân. Nó trải dài từ Bắc sang Đông, dốc thoai thoải, nối vào phía cuối của mọi con đường dẫn ra biển. Không có lời nói nào nhưng cử chỉ nhẹ nhàng của Anna đã diễn đạt tất cả mọi điều cô muốn chuyển tải.
Một hương thơm dịu nhẹ thoảng qua trong không khí. Chúng tôi đi dạo qua khu chợ hoa, hai bên đường ngập tràn sắc màu như thể chính danh họa Pierre-Auguste Renoir[12] đã đến và vẽ lên khung cảnh của thành phố này vậy. Đàn ông, phụ nữ, trẻ con đi dạo dưới mái vòm của những gian hàng, mua bán và ôm trên tay những bó hoa rực rỡ. Anna chỉ tay vào từng loại hoa và giới thiệu về chúng. Tôi mua cho Anna một đóa hoa trà màu vàng, và ngay lập tức cô cài lên tóc.
[12] Pierre-Auguste Renoir (1841-1919): Họa sĩ người Pháp, là một trong những họa sĩ hàng đầu của trường phái Ấn tượng. Với 60 năm sáng tác, ông để lại 6.000 tác phẩm và thành quả này được coi là rất phong phú, chỉ đứng sau các công trình của Pablo Picasso.
Đối diện với chợ hoa là một ngõ hẻm, chúng tôi bước dọc theo và nhìn thấy một tiệm bán đồ cổ. Chúng tôi đứng lại trước cửa tiệm một lát rồi quyết định bước vào. Tiệm quá nhỏ, hầu như không đủ chỗ để hai người cùng di chuyển. Hàng hóa chồng chất trên những quầy và mặt bàn. Tôi nhìn thấy một cái ví nữ dùng để đi dự tiệc tối bằng nhung đen và đăng-ten màu ngà. Tôi cầm nó lên xem và sờ nhẹ vào chiếc móc có gắn kim cương giả của nó. Tôi mở ví, rút ra một chiếc lược xếp được bằng đồi mồi. Chuôi lược có hình dáng rất kỳ lạ.
Anna tinh nghịch lấy chiếc lược từ tay tôi và mở ra:
– Phụ nữ thường chải đầu như thế này này…
Cô nhanh nhảu dùng nó chải mái tóc đen dài của mình và tiếp tục giải thích cho tôi hiểu về cấu trúc của nó: “Dùng cái đầu nhọn “đuôi-chuột” này để cuốn những đuôi tóc”. Cô ra sức diễn tả cho tôi. Xong cô trao lại tôi chiếc lược và hỏi:
– Anh thích chiếc lược này hả?
Tôi để cây lược vào trong ví và đặt lại trên bàn.
– Không! – Tôi đáp. – Tôi không thích những chiếc ví dạ vũ, cũng chẳng thích những lọn tóc quăn.
– Vậy anh có biết anh thích gì không? – Anna tiếp tục hỏi.
– Dĩ nhiên là tôi biết tôi thích cái gì chứ! – Tôi đáp.
– Thế anh thích cái gì nào?
Tôi nhìn xung quanh gian phòng một lượt. Ở góc phòng có một chiếc ghế dựa lưng thẳng và một mảnh vải lớn hình tam giác vắt trên lưng ghế. Nó màu đen – đen như tóc của Anna. Tôi vuốt nhẹ dọc theo đường viền thanh mảnh và óng mượt như tơ của nó .
– Tôi thích cái này. – Tôi nói.
– Thật hả? Đây là một cái khăn choàng bằng len mỏng, kiểu rất xưa. – Anna nhìn tôi ngạc nhiên.
Rồi cô cầm nó lên, choàng thử lên vai mình. Cô cột rồi thả lỏng một đầu khăn trên cánh tay. Ngắm nghía một lúc, xếp nó lại và đặt lại nó trên mặt chiếc ghế.
– Và tôi thích cái này nữa.
Tôi nói và cầm lấy một chiếc nón rơm rộng vành. Anna lại đội thử cái nón lên đầu mình cho tôi xem, cô bẻ một bên vành nón, rồi một nửa bên còn lại và đẩy cái vành nón lên cho khỏi che mắt. Trong tiệm tối mờ mờ nhưng tôi có thể tưởng tưởng thấy ánh nắng xuyên qua vành chiếc nón rơm đẹp như thế nào.
– Nếu tôi biết vẽ, tôi sẽ vẽ cô đội cái nón này. – Tôi nhìn Anna.
– Tôi sẽ vẽ anh đội nó. – Cô nói ngược lại lời tôi. Và không kịp nghe câu trả lời của tôi, cô đi ra quầy hàng, mua chiếc nón và trao nó cho tôi. Tôi đội thử, vừa khít.
Chúng tôi rời cửa tiệm, đi thêm một vòng quanh phố, rồi trở về nhà theo lối cũ. Chúng tôi đi dọc bờ biển, thỉnh thoảng dừng lại trao đổi một vài điều rồi lại tiếp tục đi.
Khi chỉ còn lại một mình trong màn đêm bao phủ, tôi bỗng tự hỏi: “Tại sao hồi trẻ mình lại không gặp được Anna nhỉ?”. Tôi đã không gặp là vì tôi đã không nhìn thấy cô, mặc dù có thể tôi đã nhiều lần đi ngang mặt cô, hay một ai đó như cô mà không để ý đến sự hiện diện của cô trên cõi đời này. Như một đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, mắt tôi chưa mở hết ra được.
Sau những ngày đã được sống trên bãi biển Miramar, tôi mới ngộ ra một điều rằng, tôi chỉ nhìn thấy những gì hiện hữu trước mắt, và chỉ thấy khi nào tôi sẵn sàng muốn thấy mà thôi. Mỗi ngày mới đều bắt đầu bằng bình minh. Bình minh đến rồi đi theo quy luật của tự nhiên, chỉ có buổi bình minh trong con người là vĩnh cửu. Nếu chúng ta thức tỉnh cùng với nó, nó sẽ từ từ rạng sáng. Dù không nhìn thấy nhưng mỗi ngày nó đều ở trong ta, đồng hành cùng ta trong suốt cuộc đời. Mỗi ngày mới đến, nó sẽ đánh thức chúng ta để ta ngắm nhìn cuộc đời tươi đẹp này bằng đôi mắt tỉnh táo và tươi nguyên.
Tôi đã đến Miramar với mong ước chấm dứt nỗi cô đơn đang ám ảnh mình mỗi ngày. Và trước khi tôi gặp được Anna, tôi đã tự khám phá chính bản thân mình. Tôi đã định vị được dòng chảy trong tâm hồn mình và chắc chắn rằng nó sẽ cùng tôi đi đến cuối hành trình của cuộc đời. Tôi chắc rằng một khi mình đã có đủ can đảm để thực hiện điều đó, người phụ nữ mà mình luôn kiếm tìm sẽ xuất hiện, không phải là ảo ảnh mà là một con người thực sự – một con người bằng xương bằng thịt.
Những dòng suy nghĩ miên man đưa tôi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng. Trong giấc mơ, tôi thấy mình đang ở cuộc diễu hành Chamarita. Anna ở bên tôi và chúng tôi đang sánh vai xem cuộc diễu hành. Suốt một đêm, tôi cứ mơ rồi tỉnh, tỉnh rồi lại mơ và giấc mơ cũng chỉ có bấy nhiêu đó: Tôi đi dự lễ Chamarita cùng với Anna, nhìn cậu bé tay cầm cây dù lụa và cô bé tay nâng chim bồ câu, rồi Nữ hoàng với vương miện. Tôi choàng tỉnh dậy, giấc mơ như vẫn còn đó: Anna và tôi cùng đứng trên một vệ đường, hai con người riêng lẻ cùng chia sẻ một không gian chung, một khoảnh khắc quý giá.
Tôi bước ra ban công ngắm biển. Từ phía xa xa, tôi nhìn thấy một người mặc váy tím dần dần tiến về phía ngôi nhà của mình. Thì ra là Anna đang đi dọc theo triền nước, một tay cầm cái túi vải to, tay kia cầm vạt váy vì sóng biển vỗ tràn qua cả chân của cô. Khi cô đến gần căn nhà của tôi, cô biến mất sau một đụn cát rồi lại xuất hiện ngay dưới hiên nhà. Cô leo lên những bậc thang, khi lên đến bậc trên cùng, cô đặt cái túi vải to xuống, nhìn thẳng vào tôi rồi hỏi:
– Anh đã sẵn sàng chưa?
Tôi khẽ gật đầu.
Chỉ chờ có thế, Anna lập tức bắt tay vào “công việc”.
– Ngồi đây, và ngồi nguyên như thế! – Anna ấn tôi ngồi xuống cái ghế mây đặt trước hiên nhà.
Như một cái máy, tôi ngồi xuống theo sự điều khiển của cô. Xong, Anna nhặt chiếc mũ rơm, đội nó lên đầu tôi. Tôi với tay định giúp nhưng cô đập nhẹ vào tay tôi.
– Không được đụng vào! – Cô nói như ra lệnh.
Cô ấy luôn nhắc nhở tôi phải ngồi yên, nhưng hình như không quan tâm đến vẻ láu lỉnh của tôi. Tôi hướng đôi mắt về phía Anna, cô ngồi trên ghế với bảng màu để trên đùi. Tôi nhìn ra biển rồi lại nhìn Anna. Có một điều mà cô không hề hay biết là trong lúc cô đang vẽ tôi, tôi cũng đang phác họa bức chân dung cô trong đầu mình.
“Thế là thế nào nhỉ? Như vậy là sao?” – Tôi thầm hỏi. – “Tình yêu có thể đến nhanh như thế sao?”. Nó giống như một phép màu đến thật bất ngờ, như cơn mưa mùa hạ. Lúc tôi đang dạo bước trên những dải cát đơn độc; thình lình tôi nói chuyện với một phụ nữ câu cá ở bến tàu. Cô mời tôi đi dự hội Chamarita. Tôi mua tặng cô một cành hoa, cô tặng lại tôi cái mũ rơm. Giờ đây, cô đang đứng trên thềm nhà tôi, nhìn ngắm tôi thật kỹ càng, cái đầu nghiêng nghiêng, môi mím chặt với chiếc bút chì vẽ trong tay.
Anna hoàn thành xong tác phẩm của mình thì cũng vừa lúc trời nhập nhoạng tối. Mặt trời đã khuất sau những đám mây chiều. Những áng mây đỏ tía giăng đầy trời. Tôi đứng dậy và thận trọng tiến về phía Anna, hồi hộp được nhìn thấy chính mình qua nét vẽ của cô. Dường như cũng đoán được sự hồi hộp của tôi, cô nhanh nhảu chìa bức ảnh về phía tôi. Tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nhìn thấy nó: Anna đã vẽ tôi như chính hình ảnh của tôi.