T
rong không gian yên tĩnh, không kèn, không trống, người xếp tượng lại đến Miramar. Tôi ngắm nhìn các tác phẩm của ông, từng viên đá chồng lên nhau, hết viên này đến viên khác, trải dài theo bờ biển đầy sỏi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp trực tiếp người nghệ sĩ này. Ông có dáng người mảnh khảnh, lưng hơi gù và đeo đôi kính râm đậm màu, trên đầu vấn một chiếc khăn in hoa sặc sỡ. Ông di chuyển thật nhịp nhàng, tỉ mỉ lựa chọn từng viên đá nhẵn thín, xếp chúng chồng lên nhau tạo thành những hình người.
Tôi chăm chú theo dõi cách ông sắp xếp những hòn đá nhỏ to và biến chúng thành một công viên đá trải dài suốt bờ biển. Ông nhấc một khối đá có mặt lõm đặt lên trên một tảng đá có hình thuôn dài rồi chọn một hòn đá tròn và nhỏ hơn một chút đặt lên trên cùng. Ba hòn đá khác nhau về hình dáng và kích thước được ông khéo léo sắp xếp thành một tổng thể hài hòa. Chúng trông giống như một phụ nữ đứng trong cát, mặc một chiếc váy xếp ly, cánh tay vươn dài đang cầm một vật gì đó.
Được xếp đặt theo một kết cấu hoàn hảo, tượng người phụ nữ mang một vẻ cao sang và duyên dáng lạ kỳ. Nó có thể mê hoặc người xem như những tượng cổ mà tôi từng được chiêm ngưỡng ở các viện bảo tàng. Tôi tiến lại bức tượng một cách nhẹ nhàng, lòng thấp thỏm lo sợ bước chân của mình sẽ khiến nó bị đổ.
Người xếp tượng quay sang nhìn tôi và bảo:
– Anh thử thổi mạnh vào nó xem sao!
Tôi lấy hơi thật sâu rồi dùng hết sức mình thổi mạnh vào bức tượng ấy, nhiều lần và theo nhiều hướng khác nhau. Tôi nghĩ bức tượng đó sẽ đổ khi phải chịu đựng những luồng hơi rất mạnh của tôi. Thế nhưng nó vẫn không hề suy suyển.
– Nếu như nó không bị đổ khi ông thổi như thế, – người tạc tượng nói, – thì nó chỉ có thể bị đổ khi thủy triều lên cao hay gió thổi mạnh mà thôi.
– Và nếu như thế thì sao? – Tôi hỏi.
– Nếu điều đó xảy ra thì một ngày nào đó tôi sẽ trở lại và xếp lại chúng! Đơn giản vậy thôi. – Ông nhún vai đáp.
Tôi nhẹ nhàng sờ vào cấu trúc ấy, và thực sự ngạc nhiên trước sự vững chắc của nó. Tôi hỏi người đắp tượng, liệu ông có dùng một thứ keo hồ nào đó, hoặc cột chúng lại bằng những cọng dây kẽm giấu kỹ bên trong không. Tôi vừa dứt lời, ngay lập tức ông móc hết hai túi quần để chứng tỏ rằng ông không hề dùng bất cứ dụng cụ hay vật liệu nhân tạo nào khi kiến tạo chúng. Ông chỉ dùng những ngón tay khéo léo, điêu luyện và đôi mắt tinh tế để cảm nhận và phán đoán.
Tôi tiếp tục hỏi:
– Ông dùng cách gì để có thể xếp chúng một cách khéo léo và vững chãi như vậy?
Người xếp tượng có vẻ không muốn trả lời câu hỏi của tôi. Ông vẫn chăm chú vào công việc, xoay những hòn đá hết chiều này sang chiều khác để có thể sắp chúng theo ý muốn của mình. Dù vậy, tôi vẫn chờ đợi. Một lúc sau, ông chậm rãi nói:
– Tôi chẳng dùng cách gì cả, tôi chỉ nhặt rồi sắp xếp chúng chồng lên nhau, thế thôi!
Không để ý đến phản ứng của ông, tôi vẫn đứng lại đó với mục đích tìm hiểu thêm về ông. Cuối cùng tôi cũng được biết ông làm việc ở một nông trại trồng hoa trên một ngọn đồi gần đó, và việc xếp tượng trên bờ biển là thú vui của ông mỗi khi nhàn rỗi. Tôi cố hỏi thêm vì sao những hòn đá kia lại có sức hút với ông đến thế, và tại sao ông lại tha thiết muốn biến chúng thành những hình thể và cử chỉ của con người như vậy? Rõ ràng, việc làm này hầu như chẳng mang lại cho ông bất kỳ lợi ích nào về mặt kinh tế cũng như danh vọng. Nhưng dường như ông chẳng mấy tự hào trước những tác phẩm của mình hoặc cảm thấy vui trước sự ngưỡng mộ của tôi. Ông chỉ im lặng không nói gì ngoài cái nhún vai thờ ơ và tiếp tục sắp xếp những hòn đá theo ý mình.
Tôi chào ông và bước đi với muôn vàn những câu hỏi trong đầu về sức sáng tạo của loài người. Tôi nhớ lại lời khuyên của Paul Cézanne[13] khi ông kêu gọi các họa sĩ trẻ hãy nhìn thiên nhiên như một tổng thể của các hình nón, hình chữ nhật, hình tròn hoặc hình vuông. Đó chính là cách ông cảm nhận về thế giới này và thể hiện sự cảm nhận đó qua tranh tĩnh vật và phong cảnh. Nhưng khi nói về hình thể lại liên quan đến Pythagoras, nhà toán học người Hy Lạp. Khi Pythagoras quan sát hình tam giác vuông, ông đã hành động, không phải để vẽ mà là để đo đạc. Đó là dạng khác của nghệ thuật. Từ nghiên cứu của mình, ông đã khám phá ra trong tam giác vuông, bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại. Thời học phổ thông, tôi chấp nhận định lý ấy như là một sự thật, một chân lý mà không ai có thể bác bỏ được. Nhưng giờ đây tôi tự hỏi, khi nhìn vào hình tam giác đơn giản ấy, điều gì đã khiến cho bộ óc vĩ đại ấy khám phá ra những công thức, những phương trình, định lý về mối tương đồng giữa các góc, các cạnh?
[13] (*) Paul Cézanne (1839-1906): Họa sĩ người Pháp, được coi là cha đẻ của hội họa hiện đại, có tác động sâu sắc đến nhiều họa sĩ tài năng khác ở thế kỷ XX.
Bộ não của họ hẳn phải rung như những sợi dây của chiếc đàn hạc mới có thể tương đồng với những gì mà nó nhận thức. Một người nắm bắt thiên nhiên để thể hiện thành một bức tranh; một người quan sát nó để đưa ra những phương trình, còn người lại biến nó thành một quần thể những bức tượng trải dọc bãi biển. Từ cách hiểu và cảm nhận thế giới xung quanh, con người đã tạo ra những “tác phẩm” thật thú vị và độc đáo. Phong cách là điều gì đó rất riêng tư và cá biệt, nó không nảy sinh từ một quyết định có tính toán mà tuôn trào như một dòng sông được tạo nên từ những con suối vô hình.
Tôi nghĩ đến những nghệ sĩ tài năng của thời đại mình, từ vũ công Fred Astaire, ca sĩ Ella Fitzgerald, nhạc sĩ Benny Goodman đến cầu thủ Joe DiMaggio. Tôi tin rằng tài năng của họ được định hình ngay từ khi mới sinh ra. Không phải bản thân họ lựa chọn con đường khiêu vũ, ca hát hay thể thao mà chính những bộ môn đó đã lựa chọn họ. Phong cách được tạo ra từ chính sự sống động mãnh liệt của chính người nghệ sĩ, và trở thành nét đặc trưng của riêng người ấy.
Tài năng thiên bẩm cùng những ngày tháng khổ luyện đã đưa Fred, Ella, Benny, Joe trở thành những nghệ sĩ tài danh của thời đại. Cũng như vậy, tôi tin người đắp tượng trên bãi biển nhặt những hòn đá và sắp xếp chúng một cách ngẫu hứng, không suy nghĩ, tính toán gì. Nhưng tôi tự hỏi phải chăng ông cũng phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ nào đó trước khi tạo được những bức tượng sinh động như thế.
Nếu trước kia tôi luôn băn khoăn về những điều tưởng chừng rất đơn giản đó thì giờ đây tôi đã hiểu rằng mình đã tới rất gần và sắp đạt được điều mà mình muốn trên vùng biển Miramar này. Cuộc hành trình đến vùng biển này của tôi thật không dễ dàng, và tôi biết mình còn phải vượt qua khoảng đường đầy gian khổ phía trước mới thực sự đến được cái đích mình chờ đợi. Nhưng giờ đây, tôi đang cố hết sức để trút bỏ những lớp mặt nạ vô hình để được trở về với chính mình.
Tôi tin rằng khi còn trẻ, mỗi chúng ta đều cảm nhận được sức mạnh của niềm đam mê tiềm ẩn trong tâm hồn. Càng ngày, niềm đam mê ấy càng lớn và thúc giục chúng ta tiến về phía trước. Bằng trực giác, chúng ta biết mình là ai và sẽ đi về đâu, tựa như phản ứng của những chú chim trốn tuyết vậy. Chúng luôn biết phải bay lên hướng Bắc khi xuân về, và bay xuống phía Nam khi thu sang. Thế nhưng khi đã trưởng thành, chúng ta lại chấp nhận sự rập khuôn cả trong suy nghĩ, cảm nhận lẫn hành động của mình.
Viết lách là niềm đam mê của tôi từ khi còn là một cậu bé. Tuy vậy, khi đó tôi còn quá trẻ để hiểu về nó. Những dòng chữ cứ tuôn trào theo dòng cảm xúc nóng hổi và chân thật của tôi, và các bạn cùng lớp đã khóc, đã cười khi nghe tôi đọc chúng. Nhưng khi lớn lên, tôi bắt đầu viết theo suy nghĩ và sở thích của người khác để được chấp nhận hoặc ngợi khen vì tôi nghĩ rằng những người đó sẽ làm cuộc sống của tôi thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhưng chỉ đến khi được viết theo những suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình như thời thơ ấu thì những dòng chữ trong tôi mới lại tuôn trào một cách dễ dàng.
Việc sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đích thực hay kiến tạo nên một cuộc sống chân chính đều giống nhau và chung quy lại chỉ là một. Nếu trong quá trình sáng tạo, chúng ta để cho sự giả dối xen lẫn và làm vướng bận thì chắc chắn chẳng bao giờ ta đạt được thành quả như ý. Nếu cuộc sống bị ẩn giấu sau chiếc mặt nạ thì bản thân cuộc sống của người chấp nhận mang nó đã hoàn toàn thất bại. Cách đây không lâu, một người bạn của tôi đã qua đời vì đeo trên người chiếc mặt nạ như thế. Chúng tôi làm bạn với nhau trong một thời gian dài và tôi thực sự sửng sốt khi nghe tin anh ấy tự sát. Tôi không thể hiểu được tại sao một con người duyên dáng, tự tin và dày dạn kinh nghiệm như anh lại có thể tự kết liễu cuộc đời mình!
Khi đọc lời tiễn biệt trong tang lễ, tôi đã than khóc cho anh ấy và cho cả bản thân mình. Tôi chợt nhận ra rằng người đàn ông mà tôi cứ ngỡ là bạn, thật ra chỉ là một người xa lạ. Tất cả những gì mà tôi được biết về anh chỉ là cái vỏ bọc để che giấu một thảm kịch mà anh phải chịu đựng. Tôi nhớ đến hai câu thơ của Edwin Arlington Robinson mà tôi đã được học từ thời trung học.
Và Richard Cory, trong một đêm hè êm ả,
Đã trở về nhà và tự bắn vào đầu mình.
Quả thật, lần đầu tiên đọc những dòng thơ này tôi chẳng hiểu gì cả. Làm sao một người như Richard Cory[14] lại có thể làm như vậy? Tại sao Richard Cory – một “quý ông lịch duyệt”, “giàu có hơn cả vua chúa”, một người “được dạy dỗ để phong nhã trong từng cử chỉ” lại có thể tự kết liễu đời mình bằng một phát súng bắn vào đầu?
[14] Richard Cory: Tên một nhân vật trong tác phẩm cùng tên của Edwin Arlington Robinson (1869-1935), nhà thơ xuất xắc nhất thế kỷ XIX của Mỹ. Richard Cory là chân dung điển hình và ảm đạm về một người giàu có nhưng bế tắc, cuối cùng phải tự kết liễu đời mình.
Tuy vậy, tôi hiểu rằng tác giả đã hiểu được điều mà rất nhiều người trong chúng ta chưa biết. Ông đã biết rằng Richard Cory không là một người dị thường. Mỗi lần ra phố, Cory dừng lại chuyện trò với mọi người một cách ân cần, thân mật. Trong mắt mọi người, Cory là một người nhã nhặn, lịch duyệt. Thế nhưng, tất cả những biểu hiện đó chỉ là một mặt nạ, một sự ngụy trang khéo léo và hoàn hảo để che đậy con người thật của ông. Và đó chỉ là một cuộc sống giả tạo mà thôi.
Đáng buồn thay, thế gian này luôn đầy rẫy những Richard Cory. Cũng như người bạn của tôi, họ đang chết, đã chết mà chúng ta chẳng thể hiểu vì sao. Cái chết là con đường tất yếu mà họ tìm đến như một sự giải thoát. Họ khinh bỉ con người mà họ đã cải trang, nhưng lại không đủ can đảm để trở về với con người thực của mình.
Tôi không biết điều gì đã khiến bạn tôi cảm thấy ưu phiền đến độ phải tự kết liễu đời mình. Có thể anh ấy đã bị đe dọa, dằn vặt liên tục trong một mâu thuẫn nội tâm sâu sắc mà anh ấy chẳng dám hé lộ. Nó cũng tương tự như những người đồng tính. Họ rất khổ tâm và hầu như luôn rất xấu hổ khi bộc lộ chính mình.
Kể từ sau vụ tự sát của người bạn, tôi tin rằng có rất nhiều người trong chúng ta thà chọn lấy cái chết còn hơn tháo bỏ chiếc mặt nạ và sống thật với chính con người mình.
Trên bãi biển, một cặp vợ chồng luống tuổi đi bên nhau, tay trong tay, đang tiến gần về phía tôi. Người vợ có đôi môi dày, cái mũi rất to và trên má lại có một mụn cóc rất lớn. Người chồng thì hói đầu, có một cặp lông mày rậm và có nhiều nọng dưới cằm. Họ đi chân trần, bước từng bước chậm rãi trên bãi cát và chăm chú vào câu chuyện đang kể với nhau. Thế nhưng khi đi ngang qua tôi, họ quay sang và gật đầu chào rất vui vẻ. Trong giây phút ấy, tôi chợt nhận ra dường như họ đã chấp nhận sự đồng hành của tôi trong chuyến đi cũng như cả trong câu chuyện của họ vậy.
Ngay lập tức tôi nghĩ đến việc người phụ nữ kia có thể che giấu những cái mụn của bà dưới lớp phấn son dày cộm còn người đàn ông thì có thể đi giải phẫu thẩm mỹ để cắt bớt lớp mỡ thừa dưới cằm. Với sự hỗ trợ của một chuyên viên sắc đẹp và giải phẫu thẩm mỹ, họ có thể xuất hiện với những gương mặt đẹp đẽ hơn. Thế nhưng nếu làm thế, gương mặt giả kia sẽ điều khiển cách ứng xử, chuyện trò của họ và họ sẽ đánh mất đi sự thuần khiết trong những nụ cười - điều luôn làm cho cuộc sống trở nên tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.
Trên một chiếc bàn trong ngôi nhà mình, tôi bày một loạt bưu ảnh chân dung. Những gương mặt tràn đầy sức sống. Một bức là gương mặt của St. Ambrose do Peter Paul Rubens nghiên cứu và sưu tầm. Cái đầu thật vĩ đại, mũi khoằm và hàm râu quai nón loăn xoăn, rậm rạp. Chân dung St. Ambrose có thật như thế này hay đó chỉ là sản phẩm do trí tưởng tượng của Ruben tạo thành? St. Ambrose đã chết mười hai thế kỷ trước khi Rubens chào đời. Tuy nhiên, qua bức bưu ảnh, cả hai như hòa vào nhau: một nghệ sĩ chân chính cho chúng ta thấy chân dung một vị thánh chân chính.
Cũng còn một số chân dung khác trong bộ sưu tập cá nhân của tôi. Bức một cô gái rất quyến rũ đang đưa tay vén chiếc mạng che mặt của Bartolomé Esteban Murillo. Bức vẽ người đàn ông tuyệt vọng của Paul Cézanne. Một nàng bướm vô tư của Winslow Homer. Mỗi khi nhìn ngắm chúng, tôi lại tự nhủ rằng niềm hy vọng của thế giới không nằm trong tay những vị tu hành, những chính khách hay các chính trị gia mà nó thuộc về những người đàn ông và những người phụ nữ như thế này – những người đã không chấp nhận để dối trá hiện hữu trong cuộc đời. Họ đã đi trước, và sự hiện hữu của họ đã tác động đến cách suy nghĩ và hành động của thời đại họ cũng như các thế hệ sau.
Đắm chìm trong những suy nghĩ này, tôi dường như chẳng còn khái niệm về sự tồn tại của thời gian. Chợt bừng tỉnh, tôi nhớ ra là mình cần đến bưu điện để nhận thư. Hộp thư của tôi ở dưới thấp nên mỗi lần muốn lấy thư, tôi đều phải cúi gập người xuống. Và khi vừa đứng thẳng lên, tôi gặp một phụ nữ tóc tai rối bời, áo váy nhàu nát. Bà nhìn tôi rồi toét miệng cười – một nụ cười hiền hậu.
Trước đây tôi đã từng gặp người phụ nữ này. Bà thường cưỡi chiếc xe đạp ọp ẹp trên con đường đầy bụi dẫn xuống bãi biển, đi từ thùng rác này sang thùng rác khác để tìm những chai, lọ, lon hộp và cả những mẩu thức ăn thừa.
– Tôi biết ông là ai rồi. – Giọng bà oang oang. – Ông là người đồng nát ở Miramar!
Lúc đó là buổi trưa, bưu điện đông nghẹt người. Người mua tem, kẻ gởi bưu kiện hoặc xem xét các tủ thư của họ. Họ đều ngừng lại và nhìn. Tôi cảm thấy xấu hổ đến mức muốn bỏ đi ngay lập tức. Thế nhưng cái cảm giác ấy đã mất đi rất nhanh chóng.
– Người đồng nát ở Miramar à? – Tôi trả lời. – Vâng, đúng rồi, chính tôi đây!