C
ó rất nhiều cách để tìm thấy những tặng vật vô giá từ biển khơi: hoặc nhận ra chúng lênh đênh theo những con sóng bạc, hoặc nhìn thấy chúng vùi mình trong bãi cát lấp lánh. Với tôi, cả hai cách đó đều khiến tôi cảm thấy thích thú và tôi thường không biết nên chú tâm vào những con sóng hay sẽ cúi đầu khi đi dạo trên những bãi cát.
Sáng nay, tôi chậm rãi bước về phía Nam bờ cát và ngoái đầu nhìn lại những dấu chân mình đã in trên bãi biển. Cuộc sống là một vòng xoay vô tận mà đôi lúc tôi có cảm giác mình như một loài chim di cư nào đó, luôn bị chi phối bởi các thế lực tự nhiên. Đó có thể là ánh sáng mặt trời, là những cơn gió thổi hoặc cũng có thể là những đợt thủy triều lên xuống bất thường. Và dường như tất cả đã hòa lẫn vào nhau trong tâm trí tôi, dẫn bước tôi đi.
Tôi đứng trên bãi cát, dõi mắt theo vạt cát rộng ẩm ướt mà thủy triều để lại. Cách đó chừng vài bước chân, những con chim sanderling đang mải mê sục chiếc mỏ nhọn dưới cát tìm thức ăn. Chân chúng nhỏ, ngắn chỉ xấp xỉ bằng ngón trỏ của tôi, thế nhưng chúng lại đi nhanh gấp hai lần tôi. Tôi ước chừng nếu mình cũng đi với tốc độ của những chú chim này, có lẽ tôi đã đi được rất xa rồi.
Tôi bắt đầu cảm thấy thích lũ chim ấy, bởi suy cho cùng, cả tôi và chúng đều có chung một mục đích khi xuất hiện trên bãi biển này. Trong khi chúng tìm kiếm thức ăn, tôi lại tìm những tặng vật của biển. Chẳng ai có thể biết được cuộc mưu sinh của tôi và của những chú chim sanderling này, cái nào quan trọng hơn.
Ngoài kia, những con sóng liên tục đuổi nhau cùng ập vào bờ cát, và cùng vỡ tan thành bọt. Tôi tự hỏi tại sao chúng có thể hòa hợp với nhau trong trò đuổi bắt giữa biển khơi luôn ồn ào dậy sóng như thế. Dường như chúng ý thức được “cuộc đời” ngắn ngủi của một con sóng nên bao giờ cũng biết cách hợp sức với nhau trong cuộc chạy đua vào bờ dẫu sau đó vỡ tan và nhanh chóng rút đi theo từng đợt thủy triều.
Khi mới đặt chân đến Miramar, tôi không “giàu có” như bây giờ. Tất cả những gì tôi có lúc đó là một chiếc xe tải, ít quần áo, một cái máy đánh chữ, máy thu âm, một cuốn từ điển thông thường và vài cuốn sách mà tôi yêu thích.
Thêm nữa, tôi vẫn còn một tấm séc mà nếu đổi ra tiền mặt, nó có thể chứa đầy một chiếc hộp với những tờ bạc mệnh giá 20 đô-la. Đó là tất cả tài sản còn lại của tôi sau cuộc ly hôn với vợ. Tôi làm ra tiền nhưng không cần tiền, còn cô ấy không kiếm được tiền nhưng lại rất cần nó. Vì sự mâu thuẫn này, chúng tôi đi đến thỏa thuận làm hài lòng cả hai. Cô ấy có được sự bảo đảm về tài chính còn tôi được theo đuổi tự do. Đối với tôi, sự tự do còn quan trọng hơn cả hơi thở.
Trước quyết định đó của tôi, bạn bè và cả người tư vấn đều cảnh báo rằng: “Sẽ có lúc anh hối hận về quyết định của mình và chỉ ước lấy lại được số tiền mình đã cho cô ta!”. Có lẽ họ đã đúng, bởi vì ngay sau đó, tôi gặp rắc rối về chuyện tiền bạc.
Thế nhưng giờ đây, sau những trải nghiệm trong cuộc đời, tôi nhận ra rằng: tiền bạc không phải là một thứ gì đó bất biến. Nó tựa như một thứ chất lỏng vậy. Khi đổ đi ở bên này, ta lấy lại được ở bên kia. Kết thúc cuộc hôn nhân của mình sau ba mươi năm lún sâu vào sai lầm, tôi ra đi với hai bàn tay trắng, không tài sản thế chấp, không thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng cũng không. Tất cả những gì tôi có được lúc đó là một la bàn vạch sẵn trong đầu, mách bảo tôi phải hướng về đâu. Tôi lái xe băng qua những đồng cỏ, những cánh đồng bắp phủ trắng tuyết, băng qua Continental Divide, đi từ bãi biển này đến bãi biển khác, với mong muốn tìm thấy một nơi có thể xem là ngôi nhà thực sự của mình.
Và cuối cùng tôi đã đến Miramar.
Tôi đi dọc bờ biển, yên lặng quan sát những chú chim đang kiếm ăn dọc bờ. Cũng như tôi, chúng sống bằng sự chăm chỉ, cần mẫn của mình, tìm kiếm bất cứ những thứ gì có thể nuôi sống chúng từ biển cả.
Tôi đã từng tự hỏi làm sao mình có thể sống tốt trong tình trạng nghèo nàn như vậy? Tuy nhiên, tôi thậm chí đã tìm được câu trả lời trước khi câu hỏi đó xuất hiện trong đầu. Tôi hiểu rằng một nửa câu trả lời của tôi nằm trong những thứ mà mình đã từ bỏ, những thứ đã đè nặng lên cuộc sống của mình suốt nhiều năm qua. Nửa còn lại thuộc về những tặng vật tuyệt vời mà biển đã ban tặng cho tôi: đồ trang sức rẻ tiền, những món đồ của người tiền sử, di chỉ của các nền văn minh xưa cũ, chai lọ thủy tinh...
Tôi cảm giác như giữa biển và mình có một mối gắn kết linh thiêng kỳ diệu, bởi hầu hết những suy nghĩ, mong mỏi của tôi đều được biển đáp ứng kịp thời. Một lần, tôi vô tình vấp phải một cái rương bằng gỗ tếch mà có lẽ người nào đó đã ném xuống khi đi ngang qua đây trên một chiếc thuyền. Tôi tin rằng biển biết lúc này tôi đang cần một cái rương nên đã mang nó đến cho mình. Tôi kéo lê chiếc rương về nhà, đem chà rửa sạch sẽ, hong khô dưới ánh mặt trời, và đặt nó yên vị ở một góc trong phòng khách.
Trước mắt tôi, một vùng bờ biển rộng mênh mông bị tảo bẹ phủ kín. Nhìn đám bọ cát lúc nhúc, một cảm giác ghê ghê xuất hiện trong tôi. Tôi sợ loài động vật ăn xác thối này sẽ chui vào hai ống quần dài xăn cao và đốt mình nên gần như ngay lập tức, tôi đổi sang hướng khác. Bước ra xa hơn chút nữa, cảm nhận cảm giác đặc biệt khi những con sóng đùa giỡn dưới chân. Thủy triều xuống và nước rút theo, trên cát, một vật trăng trắng dần lộ ra.
Đó là một đồng tiền nhỏ. Tôi nhặt lên và đặt nó nằm sấp trong lòng bàn tay. Đồng tiền có khắc hình hoa năm cánh, những vết khắc tinh xảo được thực hiện trên một bề mặt nổi. Có lẽ đó là tác phẩm của một nghệ sĩ tài hoa, một bản giao hưởng tuyệt diệu trên đá.
Tôi dễ dàng tìm thấy đồng thứ hai, rồi thứ ba sau mấy lần nước rút. Mệnh giá đồng sau nhỏ hơn đồng trước, ước chừng tương tự như đồng 50 xu và 25 xu - mặc dù ngân hàng ở đây cho rằng nó không có giá trị trao đổi. Tôi sắp cả ba đồng tiền trong lòng bàn tay rồi nhìn qua một lượt. Trên đồng tiền nhỏ nhất, tôi phát hiện ra dấu tích của loài hoa oải hương thơm ngát.
Những ngón chân bắt đầu tê buốt vì nước lạnh, tôi đi lên bãi cát ấm để hong khô chân. Bãi biển phía trên rải đầy những tảo, mảnh vụn rơi ra từ cây hồng đào, những nhánh rong biển… Khi dừng lại quan sát một mẩu vụn của vỏ cây bần, tôi phát hiện ra bốn tờ bạc ướt đẫm dưới chân mình. Ánh mắt của George Washington(*) đang nhìn chằm chằm vào tôi. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhặt tất cả lên, kẹp chúng giữa các ngón tay và đưa lên soi dưới ánh nắng mặt trời. Ở góc trái của tờ giấy bạc, tôi đọc được dòng chữ “Tờ bạc này có giá trị sử dụng cho mọi việc chi trả trong cộng đồng hoặc cá nhân”.
Vô cùng phân vân với số tiền trên tay, tôi hết ngước lên rồi lại nhìn xuống biển. Có thể số tiền này là của một tay lướt ván nào đấy, nhưng rõ ràng ngoài khơi chẳng có bất cứ dấu hiệu nào của một cái đầu đang nhấp nhô trên sóng. Cuối cùng, tôi quyết định cất chúng vào túi, bởi nếu để lại trên cát thì thủy triều cũng sẽ cuốn đi trước khi người chủ thật sự của chúng trở lại. Tôi có cảm giác số tiền ẩm ướt này không có gì khác chiếc rương gỗ tếch, chai lọ thủy tinh hay bất cứ tặng vật nào mà biển cả đã hào phóng ban tặng cho tôi. Đi ngược lên bãi biển và ngồi phịch xuống một đụn cát, tôi nhắm mắt lại và cố gắng giải thích về sự trùng hợp giữa những món tiền tìm được ban nãy. Khi tôi nhặt được những đồng tiền trong cát, thì gần như ngay sau đó tôi nhìn thấy những đồng tiền thật. Nhưng khi cố tìm tiền thật, tôi lại chẳng bao giờ thấy chúng. Có thể một đôi lần nào đó tôi đã dẫm lên những đồng tiền ấy mà không hề hay biết. Bất chợt, tôi phát hiện ra ngay chính bản thân mình cũng có rất nhiều điều chưa khám phá hết.
Tôi đã từng là một triệu phú, đúng theo nghĩa đen của nó. Nhiều năm trước, rất lâu trước khi tôi đến Miramar, tôi làm việc cho một công ty quan hệ công chúng ở New York, thuộc một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Công ty này có chế độ lương bổng khá hấp dẫn nhưng mỗi năm, công ty sẽ trích giữ lại một số phần trăm cố định trong lương của nhân viên nhằm giữ chân họ. Nếu nghỉ việc sau 10 năm làm việc cho công ty, tôi sẽ được nhận lại toàn bộ số tiền ấy, một số tiền đủ để sống sung túc một thời gian dài. Sau hai mươi năm, tôi sẽ là một người giàu có. Nếu rời công ty sau ba mươi năm, tôi sẽ tích lũy được một số tiền đủ để con cháu tôi sống sung sướng cả đời. Còn nếu ra đi trước khi làm việc đủ 10 năm, tôi sẽ mất tất cả.
Khi tôi đồng ý gia nhập công ty, vị phó giám đốc tài chính bảo đó là cách đơn giản nhất để tôi gầy dựng một gia tài. Và ông đinh ninh rằng ai cũng muốn như thế. Và quả thật trong thời gian đầu, tôi không mong gì hơn như vậy. Nhưng cái phòng làm việc nhỏ lúc nào cũng đóng kín cửa sổ, ngột ngạt với một bầu không khí hôi hám lởn vởn quanh công việc làm tôi khó chịu. Ấy vậy mà đó là nơi tôi phải chui ra chui vào mỗi ngày.
Thời gian đó, tôi có một thói quen không thể bỏ là cứ đúng giữa trưa, tôi lại rời văn phòng và đi lang thang khắp các con phố, ngắm nhìn và lắng nghe mọi thứ xung quanh. Thỉnh thoảng, tôi tản bộ qua Trung tâm mua sắm United Nations, tựa lưng vào lan can bên bờ sông phía Đông nhìn tàu thuyền nối đuôi nhau qua lại. Hôm khác tôi lại đi dạo quanh khu Trung tâm Rockefeller, ngả lưng trên một chiếc ghế dài ở nhà thờ Thánh Thomas, hoặc ghé qua Công viên Trung tâm.
Sau đó, tôi còn kéo dài hơn những cuộc dạo chơi của mình. Tôi đi xuống bến tàu ở Battery, hay ngược lên bờ sông Drive, gần khu Hudson – nơi tưởng niệm những người lính và thủy thủ – hoặc băng qua cả khu phố để đến chỗ sầm uất ở quảng trường Times.
Sếp không phàn nàn gì về việc tôi đi ăn trưa quá lâu, vì ông biết tôi là một nhân viên giỏi và luôn có cách để bù lại giờ làm việc. Có năm, tôi giành được phần thưởng 1.000 đô-la cho dự án mang tính sáng tạo nhất ở công ty. Nhưng tôi không cảm thấy hài lòng vì hầu như nó chẳng mang một ý nghĩa nào với bản thân tôi. Đồng đô-la hiện diện, nhưng vẫn thiếu một điều gì đấy rất quan trọng, như một đám cưới mà không có cô dâu.
Sau 6 năm miệt mài cống hiến, tôi quyết định từ bỏ món lợi tức cổ phần tích lũy được, trong khi các đồng nghiệp khác thì trụ lại. Đây là một điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống. Khi bạn còn hứng thú, đam mê với công việc mình đang làm, bạn sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho nó. Nếu không, bạn dễ dàng quay lưng không một chút luyến tiếc dù điều kiện làm việc, cơ hội kiếm tiền của bạn đang rộng mở trước mắt.
Nhưng tôi không đi thẳng tới Miramar, tôi có cuộc sống khác phải theo đuổi vì tôi phải có trách nhiệm với một người vợ và bốn đứa con. Tôi làm nghề viết văn tự do, viết bài cho các tạp chí và viết diễn văn cho các đối tác. Họ không trả tiền cho tôi theo số giờ làm việc mà theo sản phẩm tôi làm ra, nên khi nhận được một tấm séc nào qua đường bưu điện, tôi biết rất rõ nó được trả cho sản phẩm nào.
Công việc đó đưa tôi vào một thế giới gần gũi với mình hơn. Tôi từng đến Indiana để quan sát cái lò đốt hừng hực của nhà máy tôn; đến Vermont để thấy các con chip điện toán trên các dây chuyền sản xuất tự động; đến khuôn viên một trường đại học ở Sierra phỏng vấn một nhà kinh tế học lỗi lạc về nguyên nhân tiềm ẩn gây lạm phát; đến Washington D.C. để tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng trì trệ trong công nghiệp. Tôi cũng đã từng gặp một chủ tịch tập đoàn đầu tư chứng khoán trên sân thượng một tòa nhà chọc trời ở Wall Street cũng như tiếp xúc với một người điều khiển băng tải dưới một hố cát.
Tôi đã đến những nơi đó, gặp những người cần gặp với một sự thích thú đặc biệt. Những chuyến đi này đã giúp tôi khá nhiều trong việc khẳng định mình là ai. Thế nhưng rồi cũng đến ngày những đứa con tôi khôn lớn. Chúng bắt đầu đi tìm cuộc sống của riêng mình, và tôi cũng vậy.
Giờ đây, tôi đang đứng trước biển, sóng dồn dưới chân và những lời nói từ hai ngàn năm trước vọng về trong tâm trí tôi như những bụi nước bắn lên theo từng nhịp sóng: “Hãy nhìn những bông hoa lily, xem chúng nở như thế nào....”. Tôi tự hỏi chính mình và hiểu rằng, nếu như tôi vẫn tiếp tục bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền, có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể đặt chân đến được vùng đất Miramar xinh đẹp này.
Một cơn gió nhẹ thoảng qua cuốn đi chiếc lông vũ màu xám mà tôi đang định cúi xuống nhặt. Tôi đuổi theo bắt lại, se se chiếc lông giữa hai ngón tay. Trông nó như một chiếc đũa thần nhỏ xíu, mảnh khảnh. Dựa vào chiều dài và màu sắc, tôi đoán đó là một chiếc lông đuôi mà một con mòng biển phương Tây nào đó đã không còn cần đến nữa. Có thể vì thế mà nó đã bỏ lại cho tôi trên bãi biển này. Tôi định dùng nó làm bút, nhưng rồi tôi nhận ra rằng mình không thể làm gì để nó có giá trị như khi nó còn nằm trên chính bộ lông của con mòng biển. Mang về nhà, tôi đặt chiếc lông vũ ấy trên bàn làm việc của mình, như một lời nhắc nhở về sức mạnh phi thường của một thứ nhẹ tênh.