Một hồi chuông vang lên giận dữ và, khi Miss Parker bước lại nhấc máy, một giọng Bắc Ireland the thé bực tức cất lên:
- Cho gọi ngay Farrington lên đây!
Miss Parker quay lại máy chữ của mình, nói với người đàn ông đang ngồi viết ở bàn bên cạnh:
- Ngài Alleyne1 muốn gặp anh trên gác.
1 Ngài Alleyne: Gifford cho biết thời đó có một luật sư tên C. W. Alleyne có văn phòng tại số 24, phố Dame, góc phố Eustace, khu trung tâm bờ nam Dublin.
Người đàn ông lẩm bẩm rất khẽ: Gã trời đánh! và đẩy ghế đứng dậy. Khi đứng anh ta trông khá cao lớn. Mặt anh ta nhão nhoẹt, màu rượu chát, lông mày và ria hoe vàng: mắt hơi lồi và lòng trắng đục ngầu. Anh ta nhấc mặt quầy lên, đi qua đám khách hàng, nặng nề lê bước ra khỏi phòng.
Anh ta bước nặng nhọc lên cầu thang đến tầng hai, chỗ cánh cửa treo tấm biển bằng đồng đề chữ Ngài Alleyne. Đến đây anh ta dừng lại, phì phò bực bội, và gõ cửa. Giọng the thé kêu lên:
- Vào đi!
Người đàn ông bước vào căn phòng của Mr Alleyne. Cùng lúc đó Mr Alleyne, một người đàn ông nhỏ thó đeo kính gọng vàng trên một khuôn mặt nhẵn nhụi, ngẩng phắt đầu lên từ đống giấy tờ. Cái đầu cũng hồng hào và trơn láng đến nỗi trông như một quả trứng lớn ngự trên đống giấy. Mr Alleyne không bỏ phí một giây:
- Farrington? Thế này nghĩa là sao? Tại sao lúc nào tôi cũng phải than phiền về anh vậy? Tôi có thể hỏi tại sao anh chưa chép lại bản hợp đồng vụ Bodley và Kirwan không2? Tôi đã bảo anh là phải xong trước bốn giờ kia mà.
2 Farrington là thư ký chuyên đi chép tay lại những văn bản giấy tờ liên quan đến luật pháp, bởi vào đầu thế kỷ XX giấy tờ pháp lý đánh máy không được coi là hợp lệ và có giá trị pháp lý (Gifford).
- Nhưng ngài Shelly nói là, thưa ngài...
- Ngài Shelly nói là, thưa ngài... Làm ơn lắng nghe những gì tôi nói chứ không phải những gì ngài Shelly nói, thưa ngài. Lúc nào anh cũng có lý do này nọ để trốn việc. Tôi xin được nói với anh rằng nếu hợp đồng đó không được chép lại xong trước tối nay tôi sẽ mang chuyện này báo cáo lên ngài Crosbie... Anh có nghe tôi nói không đấy?
- Vâng, thưa ngài.
- Anh có nghe tôi nói không đấy?... À còn một vấn đề nhỏ nữa! Nói với anh thế này thà nói với đầu gối còn hơn. Tôi nói cho anh hiểu chỉ một lần này thôi rằng anh có nửa tiếng ăn trưa chứ không phải một tiếng rưỡi. Anh muốn ăn bao nhiêu món cơ chứ? Tôi muốn biết lắm... anh có nghe tôi nói không đấy?
- Vâng, thưa ngài.
Mr Alleyne lại cúi đầu xuống đống giấy tờ. Người đàn ông nhìn chằm chằm vào cái sọ bóng mượt đang hướng xuống hồ sơ vụ Crosbie & Alleyne, đánh giá độ mỏng của nó. Một cơn giận bùng lên thắt nghẹn cổ họng anh ta mấy giây rồi tan dần, để lại một cảm giác khát cháy. Người đàn ông nhận ra cảm giác đó và cảm thấy tối nay nhất định anh ta phải uống đã đời. Đã hết nửa tháng, nếu anh ta có thể chép xong kịp bản hợp đồng, Mr Alleyne có thể ký giấy cho anh ta lấy lương. Anh ta đứng im, nhìn chằm chằm vào cái đầu ngự trên đống giấy tờ. Đột nhiên Mr Alleyne lục tung đống giấy, tìm cái gì đó. Rồi, như thể đến giờ ông ta mới nhận ra người đàn ông vẫn ở đó từ nãy, ông ta lại ngẩng phắt đầu lên, nói:
- Sao? Anh định đứng đó cả ngày đấy hử? Thề chứ, Farrington, anh coi thường mọi thứ quá đấy!
- Tôi đang chờ để xem...
- Tốt lắm, anh không cần chờ để xem gì cả. Xuống làm việc của anh đi.
Người đàn ông bước nặng nhọc về phía cửa và, khi ra khỏi căn phòng, anh ta nghe thấy Mr Alleyne quát đằng sau rằng nếu bản hợp đồng không được chép xong trước tối nay thì ngài Crosbie sẽ được báo cáo mọi chuyện.
Anh ta trở lại bàn mình trong căn phòng tầng dưới và đếm số trang còn lại phải chép. Anh ta nhấc bút lên và nhúng nó vào lọ mực, nhưng lại tiếp tục nhìn đờ đẫn vào những dòng chữ vừa viết lúc trước: Trong tất cả các trường hợp ngài Bernard Bodley buộc... Buổi tối đang đến gần và trong mấy phút nữa thôi người ta sẽ thắp đèn gas: lúc đó anh ta có thể viết. Anh ta thấy phải làm dịu cơn khát trong cổ họng. Anh ta đứng dậy rời khỏi bàn và, lại nhấc mặt quầy lên như lúc trước, đi ra khỏi phòng. Khi ngang qua viên thư ký trưởng, ông ta nhìn anh dò hỏi.
- Không có chuyện gì đâu, ngài Shelly, - người đàn ông nói, ra dấu diễn tả mục đích ra ngoài của mình.
Viên thư ký trưởng liếc nhìn giá treo mũ, nhưng, thấy số mũ vẫn đủ, ông ta không nói gì cả. Vừa ra đến hành lang người đàn ông rút khỏi túi áo một chiếc mũ dạ, đội lên đầu và chạy thật nhanh xuống cái cầu thang ọp ẹp. Ra đến phố anh ta đi lén lút sát bên lề đường về phía góc phố và đột nhiên rẽ vào trong một cánh cửa. Giờ anh ta đã an toàn trong căn phòng nhỏ tối mờ của quán O’Neill3, và thò gương mặt đỏ rực của mình, không biết là đỏ màu rượu chát hay màu thịt bò vào ô cửa nhỏ mở vào quầy rượu, gọi to:
- Này, Pat, mang cho tớ một choác porter4 nào, anh bạn.
3 Quán tại số 28, phố Essex, bờ nam Dublin, song song với phố Dame phía tây bắc (Gifford).
4 Nguyên văn: “a g.p.” - “a glass of porter”, từ lóng để chỉ bia porter (bia nâu làm từ lúa mạch, mạnh, vị hơi ngọt) đựng trong cốc dung lượng nửa pint (284 ml), đơn vị đo phổ biến trong các quán bia ở Anh và Ireland.
Người phục vụ mang cho anh ta một cốc bia porter. Người đàn ông dốc ừng ực hết một hơi rồi hỏi xin ít hạt thì là5. Anh ta đặt đồng xu lên mặt quầy và, để mặc người phục vụ dò dẫm tìm nó trong bóng tối, rút lui khỏi quán cũng với vẻ lén lút như lúc đến.
Bóng tối, cùng với làn sương dày đặc, đang bắt đầu phủ lên buổi hoàng hôn tháng Hai và đèn đường trên phố Eustace6 đã bật sáng. Người đàn ông đi men theo những ngôi nhà cho đến khi tới cửa văn phòng, tự hỏi liệu anh ta có thể chép xong kịp giờ không. Trên cầu thang một mùi nước hoa ẩm ướt hăng hắc xộc vào mũi anh ta: rõ ràng Miss Delacour đã đến khi anh ta đang ở quán O’Neill. Anh ta vò chiếc mũ đút lại vào túi và bước vào văn phòng, nét mặt làm ra vẻ lơ đãng.
5 Hạt thì là: Nhai hạt thì là có tác dụng làm mất hơi bia rượu phả ra, thường có sẵn ở các quán rượu thời đó.
6 Phố Eustace: Phố ở khu trung tâm bờ nam Dublin.
- Ngài Alleyne cho gọi anh mãi, - viên thư ký trưởng nói nghiêm khắc. - Anh vừa đi đâu vậy?
Người đàn ông nhìn nhanh hai khách hàng đang đứng trước quầy như thể muốn ám chỉ sự có mặt của họ làm anh ta không trả lời được. Bởi cả hai người khách đều là đàn ông, viên thư ký trưởng tự cho phép mình cười phá lên.
- Tôi biết tỏng cái trò đấy rồi, - ông ta nói. - Nhưng năm lần trong một ngày thì cũng hơi... Thôi, anh nên chỉnh tề lại đi rồi mang tập sao thư từ vụ Delacour lên cho ngài Alleyne.
Bài diễn văn ở ngay chốn đông người, rồi chuyện phải chạy hộc tốc lên gác, và chỗ bia anh ta vừa vội vàng nuốt chửng, tất cả làm tâm trí người đàn ông rối bời và khi ngồi xuống bàn mình để tìm cái đang được yêu cầu, anh ta nhận ra chuyện phải chép xong bản hợp đồng trước năm giờ rưỡi sao mà xa vời. Buổi tối ẩm ướt tối tăm đang đến gần và anh ta chỉ muốn sao tối nay được tới quán rượu, uống với bạn bè trong ánh đèn gas rực rỡ và tiếng chạm cốc lanh canh. Anh ta lấy tập giấy tờ vụ Delacour và rời khỏi phòng. Anh ta hy vọng Mr Alleyne sẽ không phát hiện ra việc bị thiếu hai lá thư cuối.
Mùi nước hoa ẩm ướt hăng hắc rải suốt đường đi lên phòng Mr Alleyne. Miss Delacour là một phụ nữ trung niên có vẻ bề ngoài của người Do Thái. Mr Alleyne bị đồn là luôn tỏ ra dịu ngọt với bà ta hay tiền của bà ta thì cũng không rõ. Bà ta rất hay đến văn phòng và mỗi lần đến thì đều ở lại rất lâu. Giờ đây bà ta đang ngồi bên bàn của ông ta, sực nức nước hoa, tay vuốt vuốt cán ô và gật gật chiếc lông chim lớn gài trên mũ. Mr Alleyne đã quay ngược ghế của mình lại để ngồi đối diện với bà ta và vui vẻ gác chân chữ ngũ. Người đàn ông đặt tập thư từ lên bàn và cúi chào kính cẩn, nhưng cả Mr Alleyne lẫn Miss Delacour đều không thèm liếc mắt nhìn cái cúi chào ấy. Mr Alleyne gõ gõ một ngón tay lên tập thư rồi bật tách tách nó về phía anh ta như để nói: Được rồi, giờ anh có thể đi.
Người đàn ông trở lại căn phòng tầng dưới và ngồi xuống bàn. Anh ta nhìn chăm chú vào dòng chữ dở dang: Trong tất cả các trường hợp ngài Bernard Bodley buộc... và nghĩ đúng là kỳ cục khi ba từ cuối cùng lại bắt đầu cùng một phụ âm. Viên thư ký trưởng bắt đầu giục Miss Parker, nói cô sẽ không bao giờ đánh máy xong đống thư để kịp gửi bưu điện mất. Người đàn ông lắng nghe tiếng lạch xạch của cái máy một lúc rồi bắt đầu chép nốt. Nhưng đầu óc anh ta cứ rối tung lên và tâm trí anh ta mơ tưởng đến ánh rực rỡ và tiếng lanh canh của quán rượu. Tối nay đúng là một tối sinh ra để dành cho rượu punch nóng. Anh ta tiếp tục đánh vật với tờ giấy, nhưng khi đồng hồ điểm năm giờ anh ta vẫn còn tận mười bốn trang nữa phải chép. Chết tiệt! Anh ta sẽ không xong kịp mất. Anh ta chỉ muốn được chửi rủa thật to, được đấm xuống thứ gì đó thật mạnh. Anh ta tức giận đến nỗi đã viết nhầm Bernard Bodley thành Bernard Bernard và lại phải viết một tờ khác.
Anh ta cảm thấy giận đến nỗi có đủ sức đập tan cái văn phòng này chỉ bằng mấy cái quờ tay. Cơ thể anh ta muốn được làm một cái gì đó ghê gớm, được bùng thoát ra ngoài và đập phá. Tất cả những thứ tầm thường anh ta vẫn phải làm từ trước đến nay làm anh ta giận điên lên. Anh ta có thể hỏi riêng người thủ quỹ nhờ ứng trước chút tiền không? Không, người thủ quỹ chẳng được tích sự gì, chẳng được tích sự chết tiệt gì cả: hắn ta sẽ không tạm ứng gì hết... Anh ta biết sẽ gặp được bọn bạn: Leonard, O’Halloran và Nosey Flynn ở đâu. Phong vũ biểu cảm xúc của anh ta điểm đến vạch nổi loạn.
Trí tưởng tượng làm anh ta đắm chìm đến nỗi tên mình vang lên tận hai lần anh ta mới đáp lại. Mr Alleyne và Miss Delacour đang đứng bên ngoài quầy, còn tất cả đám thư ký đều đã quay hết lại chờ xem điều gì sắp xảy ra. Người đàn ông đứng dậy khỏi bàn. Mr Alleyne bắt đầu một tràng chửi rủa, bảo có hai lá thư bị thiếu. Người đàn ông trả lời anh ta không biết gì về chuyện đó, rằng anh ta đã chép lại tất cả đống thư từ y như bản gốc. Tràng chửi rủa tiếp tục: nó nghe thật mỉa mai và độc địa đến nỗi người đàn ông phải cố gắng lắm mới kìm giữ được nắm đấm của anh ta không giáng xuống cái đầu của gã lùn trước mặt:
- Tôi không biết gì về hai lá thư khác hết, - anh ta nói ngây độn.
- Anh-không-biết-gì-hết. Tất nhiên là anh không biết gì hết, - Mr Alleyne nói. - Nói xem nào, - ông ta tiếp sau khi đã liếc nhìn chờ sự hưởng ứng từ quý bà bên cạnh, - anh cho tôi là thằng ngu hả? Anh cho tôi là thằng đại ngu hả?
Người đàn ông nhìn nhanh từ khuôn mặt của quý bà sang cái đầu hình quả trứng bé xíu rồi ngược lại; và, gần như trước khi anh ta kịp nhận ra, lưỡi anh ta đã tìm được một khoảnh khắc thuận lợi:
- Tôi không nghĩ rằng, thưa ngài, - anh ta nói. - Câu đấy mà hỏi tôi thì phù hợp cho lắm.
Tất cả đám thư ký ngừng thở. Ai nấy đều kinh ngạc (ngay cả tác giả của câu mỉa mai cũng không kém kinh ngạc) và Miss Delacour, một người mạnh mẽ dễ gần, nở một nụ cười lớn. Mr Alleyne đỏ rần đến tận chân tóc và miệng ông ta méo xệch trong cơn giận dữ của một anh lùn. Ông ta giơ nắm đấm lên mặt người đàn ông cho đến khi nó rung lên bần bật như tay nắm máy chạy điện:
- Đồ lưu manh hỗn láo! Đồ lưu manh hỗn láo! Tôi sẽ không tha cho anh đâu! Cứ chờ đấy! Anh sẽ phải xin lỗi tôi vì sự hỗn láo của anh hoặc anh sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Anh sẽ bị đuổi việc, tôi nói cho mà biết, hoặc anh phải xin lỗi tôi!
Anh ta đứng khuất dưới cánh cửa đối diện văn phòng, chờ xem người thủ quỹ có đi ra một mình không. Tất cả đám thư ký đã ra hết và cuối cùng người thủ quỹ cũng bước ra cùng viên thư ký trưởng. Bây giờ mà có nói lời nào với hắn ta cũng chẳng ích gì vì có viên thư ký trưởng ở đó. Người đàn ông cảm thấy tình thế của mình thật không gì thảm hại hơn. Anh ta đã buộc phải hèn hạ xin lỗi Mr Alleyne vì sự hỗn láo của mình, nhưng anh ta hiểu từ bây giờ văn phòng này sẽ trở thành tổ kiến lửa với anh ta. Anh ta vẫn còn nhớ cái cách Mr Alleyne đã buộc Peake bé nhỏ phải rời khỏi văn phòng như thế nào để nhường chỗ cho cháu ông ta. Anh ta cảm thấy giận dữ và thèm khát trả thù, tức giận với chính mình và với những người khác. Mr Alleyne sẽ không bao giờ cho anh ta một tiếng đồng hồ nghỉ giữa giờ nữa; cuộc sống của anh ta sẽ trở thành địa ngục.
Lần này anh ta đã tự biến mình thành một gã ngốc chính cống. Giá như anh ta có thể giữ mồm giữ miệng? Nhưng trước đây họ, anh ta và Mr Alleyne, cũng đã bao giờ thân thiện được với nhau, nhất là từ ngày Mr Alleyne tình cờ nghe thấy anh ta đang nhại giọng Bắc Ireland của ông ta để mua vui cho Higgins và Miss Parker; đó chính là khởi đầu mọi chuyện. Đáng lẽ ra anh ta có thể thử hỏi vay Higgins tiền, nhưng Higgins lo thân mình cũng chẳng đủ. Một người đàn ông phải gánh miệng ăn cho tận hai gia đình, tất nhiên hắn ta không thể...
Anh ta lại cảm thấy cơ thể to lớn của mình đòi hỏi được cảm thấy dễ chịu nơi quán rượu. Sương đêm bắt đầu làm anh ta lạnh cóng và anh ta tự hỏi liệu có thể giật tạm của Pat ở quán O’Neill. Anh ta sẽ không thể vay Pat hơn một shilling - mà một shilling thì chẳng ích gì. Nhưng thế nào đi nữa anh ta nhất quyết cũng phải giật tạm từ mối nào đấy: anh ta đã dùng đồng xu cuối cùng cho cốc bia lúc nãy và chẳng mấy chốc sẽ quá muộn để tìm mối vay. Đột nhiên, khi đang xoay xoay cái dây xích đồng hồ, anh ta nghĩ đến hiệu cầm đồ Terry Kelly trên phố Fleet7. Đấy chính là lối thoát! Làm sao mà anh ta không nghĩ ra sớm hơn kia chứ?
7 Tiệm cầm đồ của Terry Kelly, số 48, phố Fleet, song song với phố Dame phía đông bắc (Gifford).
Anh ta rảo bước xuyên qua phố Temple Bar8 hẹp, miệng lẩm bẩm cả lũ chúng nó cứ xuống địa ngục hết đi, bởi anh ta sẽ xả láng ở đây cả đêm luôn. Người trông hàng tiệm Terry Kelly phán Một curon! nhưng viên nhân viên ký gửi lại cho giá sáu shilling9; và cuối cùng sáu shilling đã được giao cho anh ta. Anh ta vui sướng ra khỏi tiệm cầm đồ, kẹp chồng đám xu giữa ngón cái và ngón trỏ. Phố Westmoreland chật cứng đàn ông và phụ nữ trẻ mới tan sở, và những thằng nhóc rách rưới chạy náo loạn miệng rao báo buổi tối. Người đàn ông đi xuyên qua đám đông, bao quát cảnh tượng trước mắt với vẻ hài lòng kiêu ngạo và hách dịch nhìn ngắm đám con gái công sở. Đầu anh ta ngập tràn tiếng còi xe điện và tiếng xe kéo cọt kẹt, mũi anh ta chưa gì đã ngửi thấy những làn khói tỏa lên từ cốc rượu punch. Trong lúc bước đi anh ta định trước trong đầu những từ sẽ dùng để kể lại sự việc hôm nay cho lũ bạn:
8 Phố Temple Bar: Phố trung tâm khu nam Dublin, dẫn vào phố Fleet.
9 Đồng curon: Tương đương năm shilling. Sáu shilling (bảy mươi hai xu) là một món tiền lớn; cốc bia của Farrington giá một xu.
- Thế là, tớ chỉ nhìn lão ta - thờ ơ, các cậu biết đấy, rồi nhìn sang mụ ta. Rồi tớ quay nhìn lại lão ta - để kéo dài thời gian các cậu biết đấy. Tôi không nghĩ rằng câu đấy mà hỏi tôi thì phù hợp cho lắm, tớ nói.
Nosey Flynn đang ngồi trong góc ưa thích của mình trong quán Davy Byrne10, và khi nghe xong câu chuyện, hắn mua cho Farrington cốc nhỏ whisky, bảo đó là câu trả lời thông minh nhất mà hắn từng nghe. Farrington mời lại bạn một cốc nhỏ. Một lúc sau O’Halloran cùng Paddy Leonard bước vào và câu chuyện lại được kể lại cho bọn họ. O’Halloran mua cho cả bọn mỗi người một cốc nhỏ rượu malt11 nóng và kể lại chuyện mình đã đối đáp trả đũa viên thư ký trưởng hồi còn làm ở hãng Callan trên phố Fownes12 ra sao; nhưng, bởi câu trả đũa của hắn ta là theo kiểu mục đồng chân chất trong các bài thơ cổ, hắn ta phải thừa nhận rằng nó không thông minh bằng câu trả đũa của Farrington. Đến đây Farrington bảo đám bạn hãy cùng trăm phần trăm và gọi tiếp chầu nữa.
10 Davy Byrne: Quán rượu tại số 21, phố Duke, cắt phố Grafton.
11 Malt: Rượu whisky mạch nha.
12 Có thể hãng luật này là hư cấu (Gifford).
Vừa lúc họ đang lần lượt gọi các loại nước cay tiếp theo, thì xem ai bước vào nếu không phải là Higgins! Tất nhiên gã ta phải nhập bọn với bọn họ. Cả bọn đòi gã này kể lại câu chuyện mà gã ta chứng kiến, và gã làm vậy bằng một giọng cực kỳ sôi nổi, bởi hình ảnh năm cốc rượu whisky trước mặt thật đáng hồ hởi. Cả bọn cười phá lên ầm ĩ khi gã ta diễn lại cảnh ngài Alleyne run run giơ nắm đấm trước mặt Farrington. Rồi gã ta nhại lại giọng Farrington, nói, Và đây, chiến hữu của tôi, luôn phớt đời như các quý vị hằng tưởng tượng, trong khi Farrington nhìn xuống các bạn từ đôi mắt hùm hụp đục ngầu của anh ta, mỉm cười và chốc chốc lại dùng môi dưới liếm những giọt rượu đọng trên ria mép.
Khi chầu đó kết thúc, cả hội ngừng lại. O’Halloran có tiền, nhưng cả hai người kia chẳng ai có vẻ có đồng nào; thế là cả bọn rời khỏi quán có phần luyến tiếc. Tại góc phố Duke, Higgins và Nosey Flynn rẽ trái, trong khi ba người kia quay lại đi về phía thành phố. Mưa phùn đổ lên những con phố lạnh lẽo và, khi đến Ballast Office13, Farrington đề nghị họ vào quán Scotch House14. Quán rượu rất đông và ầm ĩ tiếng nói cười chạm cốc. Ba người đàn ông đi qua đám nhóc bán diêm đang nhai nhải mời chào ở cửa và đứng chụm với nhau ở góc quầy. Họ bắt đầu tán chuyện.
13 Ballast Office: Tòa nhà nơi có Sở Cầu cảng, phụ trách hoạt động giao thương của cảng Dublin, nằm trên phố Westmoreland.
14 Scotch House: Quán rượu tại số 6-7, Burgh Quay, cạnh Ballast Office (Gifford).
Leonard giới thiệu hai người kia với một chàng trẻ tuổi tên Weathers, nghệ sĩ nhào lộn kiêm hát và đọc thơ đang biểu diễn tại Tivoli15. Farrington gọi rượu cho cả bọn. Weathers nói cậu ta sẽ uống một cốc Ireland nhỏ pha Apollinaris16. Farrington, tỏ ra sành sỏi, hỏi hai người kia họ có muốn uống Apollinaris không; nhưng họ bảo Tim mang cho họ whisky nóng. Câu chuyện trở nên hoành tráng. O’Halloran mời một chầu và rồi Farrington mời chầu tiếp theo, trong khi Weathers phản đối rằng sự hiếu khách này Ireland quá17. Cậu ta hứa sẽ mời họ vào hậu trường và giới thiệu cho họ mấy em đáng yêu. O’Halloran nói hắn và Leonard nhất định sẽ tới, nhưng Farrington thì không bởi anh ta đã có vợ; và đôi mắt hùm hụp đục ngầu của Farrington liếc về phía bạn tỏ ý anh ta biết mình đang bị trêu. Weathers mời cả bọn nhấp miệng thêm một chầu nữa, lần này cậu ta trả và hẹn gặp lại cả bọn lúc sau tại quán Mulligan trên phố Poolbeg18.
15 Tivoli: Nhà hát tạp kỹ Tivoli, tồn tại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Burgh Quay.
16 Cốc nhỏ Ireland pha Apollinaris: Pha rượu whisky Ireland với nước khoáng Đức Apollinaris.
17 Có nghĩa quá rộng rãi, hào phóng.
18 Quán Mulligan trên phố Poolbeg: Quán rượu số 8, phố Poolbeg, song song với đường Burgh Quay.
Khi Scotch House đóng cửa họ vòng sang quán Mulligan19. Họ đi vào căn phòng nhỏ phía trong và O’Halloran gọi cho cả bọn loại nhỏ nóng đặc biệt20. Cả bọn ai cũng bắt đầu thấy chuếnh choáng. Khi Weathers quay lại, Farrington mới đang chuẩn bị gọi tiếp chầu nữa cho cả bọn. Farrington nhẹ cả người vì lần này cậu ta chỉ gọi một cốc bitter21. Ngân khố đang cạn dần nhưng vẫn còn đủ để họ tiếp tục. Giờ có hai phụ nữ trẻ đội mũ rộng vành và một người đàn ông mặc com lê kẻ ca rô bước vào và ngồi ở bàn bên cạnh. Weathers chào họ và bảo cả bọn rằng những người này làm cùng đoàn ở Tivoli. Mắt Farrington nhìn chằm chằm về phía một trong hai người phụ nữ.
19 Quán Scotch House chỉ có giấy phép loại kinh doanh hạn chế, nên nó đóng cửa sớm hơn các quán rượu khác (các quán này mở cửa đến mười một giờ đêm) (Gifford).
20 Whisky nóng pha nước đường.
21 Một cốc bitter: Bia bitter (nâu nhạt, vị đắng) đựng trong cốc nửa pint.
Có một cái gì đó thật ấn tượng ở vẻ bề ngoài của cô ta. Chiếc khăn muslin vĩ đại màu xanh cổ vịt phủ quanh mũ và được thắt lại thành một cái nơ lớn dưới cằm cô ta; và cô ta đeo găng tay màu vàng tươi, dài đến khuỷu. Farrington đắm đuối nhìn cánh tay mũm mĩm cử động liên tục với vẻ điệu đà; và khi, sau một lúc, cô ta nhìn đáp lại, anh ta lại càng đắm đuối nhìn đôi mắt to đen của cô ta. Vẻ kiêu kỳ của chúng làm anh ta mê đắm. Cô ta liếc lại một hay hai lần gì đó và, khi bọn họ rời khỏi phòng, cô ta quệt sát vào ghế anh ta và nói: Ôi, xin lỗi bằng giọng London. Anh ta nhìn theo, hy vọng cô ta sẽ quay đầu nhìn lại, nhưng anh ta bị thất vọng. Anh ta nguyền rủa cảnh thiếu thốn tiền nong của mình và nguyền rủa tất cả chỗ rượu mà anh ta đã trả tiền, nhất là chỗ whisky và Apollinaris anh ta phải trả cho Weathers. Nếu trên đời này anh ta ghét nhất điều gì thì đó chính là bọn ăn chực. Anh ta giận dữ đến nỗi không theo được hội bạn đang nói gì.
Khi Paddy Leonard gọi, anh ta mới nhận ra họ đang nói về chuyện thi thố sức mạnh. Weathers đang khoe bắp tay trước cả bọn và huênh hoang đến nỗi hai người kia phải cầu cứu Farrington hãy cứu lấy thể diện quốc gia22. Thế là Farrington kéo ống tay áo lên và chìa cho cả bọn xem bắp tay của anh ta. Hai cánh tay được xem xét và so sánh và cuối cùng cả bọn thỏa thuận tổ chức một cuộc đọ tay xem sao. Cốc được dọn đi và hai người đàn ông chống khuỷu lên bàn, đan tay vào nhau. Khi Paddy Leonard hô Bắt đầu!, mỗi người phải cố gắng hạ tay người kia xuống bàn. Farrington trông rất nghiêm túc và quyết tâm.
22 Weathers là người Anh còn Farrington và các bạn là người Ireland.
Cuộc tỉ thí bắt đầu. Sau khoảng ba mươi giây Weathers từ từ hạ tay đối thủ xuống mặt bàn. Khuôn mặt màu rượu chát của Farrington trở nên thẫm và đanh lại đầy tức giận và nhục nhã vì bị thua bởi một thằng nhóc con như vậy.
- Cậu không được tì người lên. Chơi đúng luật đi, - anh ta nói.
- Ai không chơi đúng luật ở đây chứ? - người kia nói.
- Bắt đầu lại. Ai được hai trên ba lần sẽ thắng luôn.
Cuộc tỉ thí bắt đầu lại. Gân trên trán Farrington nổi chằng chịt, còn nước da xanh xao của Weathers chuyển sang màu tía. Bàn tay và cánh tay của họ rung bần bận vì gắng sức. Sau một hồi lâu vật lộn Weathers lại từ từ hạ tay địch thủ xuống bàn. Từ phía khán giả vang lên tiếng rì rầm tán thưởng. Người phục vụ, đang đứng cạnh bàn, gật gật cái đầu tóc đỏ của cậu ta về phía người chiến thắng và nói với giọng bỗ bã quê mùa:
- A, bác này khá quá!
- Mày thì biết cái quái gì chứ? - Farrington nói một cách dữ tợn, quay sang chàng trai. - Chỉ giỏi lẻo mép.
- Suỵt, suỵt! - O’Halloran nói, nhìn thấy vẻ giận dữ trên nét mặt Farrington. - Chuẩn bị chuồn thôi, các cậu. Mình uống thêm tí đỉnh nữa rồi ngược nhé.
Một người đàn ông nét mặt cực kỳ sưng sỉa đứng ở góc cầu O’Connell23chờ chuyến xe điện Sandymount24 về nhà. Lòng anh ta nung nấu đầy giận dữ và trả thù. Anh ta cảm thấy nhục nhã và bất mãn; thậm chí anh ta không còn cảm thấy say nữa; và anh ta chỉ còn hai xu trong túi. Anh ta nguyền rủa mọi thứ. Anh ta đã tự làm hại mình ở văn phòng, đi cầm đồng hồ, tiêu sạch tiền; và thậm chí đến say cũng không cảm thấy. Anh ta lại cảm thấy khát và muốn được trở lại quán rượu nóng bức sặc mùi. Anh ta đã đánh mất danh tiếng là người đàn ông khỏe nhất, bị đánh bại hai lần chỉ bởi một gã oắt con. Lòng anh ta quặn lên giận dữ và, khi nhớ lại người phụ nữ đội mũ rộng vành đã quệt qua anh ta và nói Xin lỗi!, cơn giận dâng lên suýt nữa làm nghẹt cổ anh ta.
23 Cầu O’Connell: Cầu lớn bắc qua sông Liffey, nối khu trường Trinity College ở phía nam với phố lớn Sackville (giờ là phố O’Connell) bên bờ bắc.
24 Sandymount: Khu ngoại ô cách Dublin 3 dặm (khoảng 5 km) về phía đông nam.
Xe điện thả anh ta xuống đường Shelbourne25 và anh ta lê cơ thể kềnh càng của mình dọc theo bóng bức tường của khu doanh trại26. Anh ta thấy chán ghét phải về nhà. Khi bước vào qua cửa ngách anh ta thấy phòng bếp trống trơn và lò sưởi đã gần tàn. Anh ta gào vọng lên gác:
25 Đường Shelbourne: Nằm phía nam kênh Grand, nhưng vẫn nằm trong địa phận Dublin, chưa tính là ngoại ô, là khu dân trung lưu nghèo (Gifford).
26 Doanh trại: Doanh trại quân đội Anh trên đường Shelbourne.
- Ada! Ada!
Vợ anh ta là một người phụ nữ nhỏ bé nét mặt sắc sảo hành hạ chồng khi anh ta tỉnh và bị anh ta hành hạ lúc anh ta say. Họ có năm đứa con. Một thằng bé chạy xuống gác:
- Ai đấy? - người đàn ông hỏi, căng mắt nhìn trong bóng tối.
- Con, bố ạ.
- Mày là đứa nào? Charlie à?
- Không, bố ạ. Tom.
- Mẹ mày đâu rồi?
- Mẹ đi lễ ạ.
- Ừ phải... Mẹ mày có nhớ phần tao tí bữa tối nào không?
- Có, bố ạ. Con...
- Thắp đèn lên. Mày làm gì mà để nhà cửa tối tăm thế này? Mấy đứa khác đã đi ngủ chưa?
Người đàn ông ngồi phịch xuống một chiếc ghế trong khi thằng bé thắp đèn. Anh ta bắt đầu nhại lại giọng đều đều của thằng con, mà cũng như nói với chính mình: Đi lễ. Đi lễ. Đi lễ ạ! Khi đèn đã được thắp anh ta đấm tay xuống bàn và hét lên:
- Bữa tối của tao đâu?
- Con chuẩn bị... nấu đây, bố, - thằng bé nói.
Người đàn ông nhảy dựng lên giận dữ và chỉ vào lò:
- Nấu trong cái lò thế kia hả? Mày để tắt à? Thề có Chúa tao sẽ dạy mày xem có dám làm thế nữa không!
Anh ta nhảy một phát đến sau cửa và tóm lấy cây can dựng trong góc.
- Tao sẽ dạy mày thế nào là để lò tắt! - anh ta nói, xắn ống tay áo để đánh dễ hơn.
Thằng bé kêu lên Ôi, bố ơi!, và vừa khóc thút thít vừa chạy quanh bàn, nhưng người đàn ông đuổi theo và túm được áo nó. Thằng bé nhớn nhác nhìn lên mặt bố, nhưng thấy không còn cơ thoát được, nó quỳ xuống.
- Nào, xem mày có dám để lò tắt nữa không! -người đàn ông nói, đánh liên tục vào thằng bé bằng cây can. - Cho mày chết này, đồ oắt con!
Thằng bé ré lên đau đớn mỗi khi cái gậy đập xuống đùi. Nó chắp hai tay lại và giọng lạc đi hoảng sợ.
- Ối, bố ơi! - nó khóc. - Đừng đánh con, bố ơi! Con sẽ... con sẽ đọc một bài kinh Kính Mừng27 cho bố... Con sẽ đọc một bài kinh Kính Mừng cho bố, bố ơi, bố đừng đánh con... Con sẽ đọc một bài kinh Kính Mừng...
27 Kinh Kính Mừng (Hail Mary) của người Công giáo cầu xin Đức Mẹ Maria nguyện cầu cho những tội lỗi của họ được tha thứ.