Người quản lý đã cho phép bà được đi ngay sau khi bữa tiệc trà của đám phụ nữ kết thúc, và Maria1 nôn nóng chờ đợi buổi tối của bà. Bếp đã sáng bóng: người đầu bếp bảo chỗ nồi đồng giờ đã có thể soi gương được. Lửa trong lò cháy đều và trên chiếc bàn kê sát tường đã bày sẵn bốn cái bánh barmbrack2 rất lớn. Bánh trông như chưa được cắt; nhưng nếu đến gần sẽ thấy chúng đã được chia thành những lát dày đều tăm tắp, sẵn sàng cho bữa trà. Maria đã tự tay cắt bánh.
1 Maria cũng là tên của Đức Mẹ Đồng trinh Maria, tiếng Anh là The Blessed Virgin Mary, trong Ki-tô giáo.
2 Barmbrack: Loại bánh truyền thống Ireland cho dịp lễ Halloween ngày 31 tháng 10, điểm các loại nho khô, có vị men bia. Bánh được sử dụng trong các trò đoán trong dịp này, bởi người ta tin rằng trong đêm Halloween, linh hồn những người đã chết sẽ về giúp người sống đoán tương lai. Khi nướng bánh người ta sẽ cho thêm vào một số vật tượng trưng dự báo, ví dụ nếu ai nhận được phần bánh có đồng xu thì sẽ có nhiều tiền bạc, và ai nhận được phần bánh có chiếc nhẫn sẽ đính hôn trong năm đó.
Maria đúng là một người rất, rất nhỏ bé nhưng lại có một cái mũi cùng một cái cằm vô cùng dài. Giọng bà hơi nghèn nghẹt, bao giờ cũng nhỏ nhẹ: Đúng rồi, em và Không đâu, em. Bà luôn được cử đến dàn xếp mỗi khi đám phụ nữ cãi cọ ganh bì chuyện chậu giặt và luôn hòa giải3 thành công. Một hôm người quản lý bảo:
3 Nhà hòa giải: Kinh Tân ước, sách Thánh Matthew, chương 5, câu 9: Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời. (Bản dịch Kinh Tân ước của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, Nhà xuất bản Tôn giáo, 2002, trang 4), là một trong các phước lành (Beatitudes) trong Bài giảng Trên núi của Chúa Jesus. Từ “Beatitudes” tiếng Latin tương đương với từ “blessed” trong tiếng Anh, có nghĩa là “được hưởng phúc”, là tính từ đi liền với Đức Mẹ Đồng trinh Maria.
- Maria, bà đúng là một nhà hòa giải!
Người phó quản lý và hai quý bà trong Ủy ban4 cũng đã nghe được lời khen đó. Còn Ginger Mooney thì luôn miệng nói nếu không nể Maria thì cô ta đã cho cái con bé ngu đần trong tổ là một trận. Ai cũng vô cùng yêu quý Maria.
4 Các nhà nghiên cứu như Tindall và Brown cho rằng tiệm giặt Dublin dưới Ánh đèn đêm nơi Maria làm việc là một cơ sở từ thiện của nhà thờ Tin Lành nhằm mục đích cứu giúp những phụ nữ “lạc lối” (nghiện rượu, có con hoang). Tiệm được một Ủy ban quản lý, do một đức cha đứng đầu, họ giúp những phụ nữ này có công việc lương thiện ở tiệm giặt (nếu không họ đã phải vào tù). Maria không thuộc những phụ nữ kia bởi bà được cho phép đi chơi buổi tối, và có lẽ công việc ở tiệm của bà là rửa bát trong bếp chứ không phải là một người trong đám thợ giặt.
Đám phụ nữ có bữa trà lúc sáu giờ vậy là bà sẽ có thể rời tiệm trước bảy giờ. Từ Ballsbridge5 đến Pillar6, hai mươi phút; từ Pillar đến Drumcondra7, hai mươi phút; và hai mươi phút mua đồ. Bà sẽ có mặt ở đó trước tám giờ. Bà lôi chiếc ví có khóa bạc ra, đọc lại dòng chữ Kỷ niệm Belfast8. Bà rất thích chiếc ví này bởi chính Joe đã mua cho bà năm năm trước, khi nó và Alphy tới Belfast trong dịp Ngày thứ Hai lễ Hạ trần9.
5 Ballsbridge: Một khu ngoại ô giàu có phía đông nam Dublin, chủ yếu là người Tin Lành sinh sống.
6 Pillar: Nelson’s Pillar. Cột tưởng niệm Đô đốc Horatio Nelson (1758-1805) hy sinh khi lãnh đạo quân Anh đánh bại quân Pháp trong trận Trafalgar năm 1805. Cột này được người Anh dựng ở Dublin năm 1808, trên phố Sackville (nay là phố O’Connell), là một trong những điểm trung tâm chính của thành phố cho đến khi bị ném bom phá hủy năm 1966 bởi Lực lượng Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) trong dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc Nổi dậy Phục sinh 1916.
7 Drumcondra: Khu ngoại ô phía bắc Dublin, có Tòa Tổng Giám mục Dublin, và nhiều tổ chức Giáo hội Công giáo Rô-ma Ireland.
8 Belfast: Từ năm 1920 đến nay là thủ đô Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh. Đạo luật Chính phủ Ireland năm 1920 công nhận thực tế phân chia tôn giáo này bằng cách tuyên bố tách Ireland thành hai chính thể riêng biệt: miền Nam Ireland chủ yếu là Công giáo và miền Bắc Ireland chủ yếu là Tin Lành. Sau đó miền Nam cắt mọi liên hệ với Anh, tách ra độc lập thành nước Cộng hòa Ireland vào năm 1949. Sáu hạt của Bắc Ireland vẫn thuộc Vương quốc Anh. Trong truyện, Maria là người Công giáo còn gia đình Joe và Alphy là người Tin Lành.
9 Ngày thứ Hai lễ Hạ trần: Ngày thứ Hai sau Chủ nhật thứ bảy (Whit- Sunday) kể từ Lễ Phục sinh. Lễ này cùng với Whit-Sunday (Lễ Hạ trần) còn được gọi là lễ Pentecost, đánh dấu sự kiện Chúa Thánh thần, một ngôi vị trong màu nhiệm Chúa Ba ngôi (Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Thánh thần) hiện xuống trên các thánh Tông đồ, được chép trong Sách Công vụ Tông đồ (2:1-11).
Trong ví có hai nửa đồng curon10 và mấy xu lẻ. Bà sẽ còn lại tận năm shilling sau khi trả tiền vé xe điện. Họ sẽ có một buổi tối tuyệt vời, bọn trẻ sẽ hát hò say sưa! Chỉ có điều bà hy vọng Joe sẽ không về nhà trong bộ dạng say xỉn. Nó trở nên khác hẳn mỗi khi uống rượu.
10 Hai nửa đồng curon: Giá trị hai đồng tiền xu mệnh giá nửa đồng curon tương đương với năm shilling. Đây là một món tiền lớn đối với Maria, một người làm trong tiệm giặt là.
Nó vẫn luôn muốn bà đến ở cùng gia đình nó; nhưng khi đó bà sẽ cảm thấy mình chỉ gây phiền (mặc dù vợ Joe đối xử rất tốt với bà), vả lại bà đã quen với cuộc sống ở tiệm giặt là. Joe là một người tốt. Bà đã nuôi nấng nó và cả Alphy nữa; và Joe vẫn thường nói:
- Mẹ thì vẫn là mẹ; nhưng Maria mới đúng là mẹ tôi.
Sau khi gia đình ly tán, bọn con trai đã tìm cho bà một chân trong tiệm giặt là Dublin dưới Ánh đèn đêm, và bà thích công việc ở đây. Bà từng có ấn tượng không mấy tốt đẹp về những người theo đạo Tin Lành nhưng giờ bà nghĩ họ là những người rất tốt, tuy hơi ít nói và nghiêm trang, nhưng vẫn là những người rất tốt. Rồi bà có được những cây riêng của mình trong nhà kính và rất thích chăm sóc chúng. Bà có mấy cây dương xỉ và lan tai cáo rất xinh và, mỗi lần có ai đến thăm, bà luôn biếu họ một hai cành về giâm. Có một điều bà không thấy thích lắm, đó là những bài răn hiếu lễ11 trên tường; nhưng người quản lý là một người rất dễ chịu, rất lịch thiệp.
11 Bài răn hiếu lễ: Tiệm giặt là Tin Lành treo các bài giảng đạo và đoạn trích Kinh Thánh trên tường với mục đích khuyến khích người làm nhập đạo và tu dưỡng đạo đức.
Khi người đầu bếp bảo bà mọi thứ đã sẵn sàng bà đi vào phòng dành cho người làm nữ và bắt đầu rung cái chuông lớn. Chẳng mấy chốc đám phụ nữ đã túm tụm hai, ba người đi vào, vừa đi vừa chùi hai bàn tay còn đầy hơi nước của họ vào váy lót rồi kéo ống tay áo xuống phủ hai cánh tay đỏ lựng. Họ lục tục ngồi xuống trước những cái ca rất lớn mà người đầu bếp và con bé giúp việc vừa đổ đầy trà nóng, đã có sẵn sữa và đường đổ từ những bình thiếc to đùng12. Maria coi sóc việc chia bánh barmbrack sao cho mỗi người đều nhận được bốn lát. Tiếng cười nói pha trò râm ran suốt bữa trà.
12 Đã có sẵn sữa và đường: Theo phép lịch sự thông thường khi uống trà, người uống được quyền lựa chọn có thêm sữa hoặc đường vào trà của mình không, nhưng ở đây những phụ nữ làm ở tiệm giặt là đã bị từ chối không được có quyền này.
Lizzie Fleming nói thể nào rồi Maria cũng sẽ bắt được nhẫn13 và, mặc dù Fleming đã nói thế bao nhiêu đêm Halloween, Maria vẫn phải cười phá lên và nói bà không muốn nhẫn cũng không muốn ông chồng nào hết; khi bà cười đôi mắt xanh xám thoáng chút ngượng ngùng thất vọng và đầu mũi bà gần chạm chỏm cằm14. Rồi Ginger Mooney nâng ca trà của mình lên chúc sức khỏe Maria, trong lúc tất cả những người khác gõ ca lách cách xuống mặt bàn, và Ginger Mooney nói chán quá, giá mà cô có chút bia đen để uống mừng sự kiện này. Và Maria lại phá lên cười cho đến khi đầu mũi bà gần chạm chỏm cằm và cho đến khi thân hình nhỏ xíu của bà gần như gập làm đôi, bởi bà biết Mooney thật sự có ý tốt, mặc dù tất nhiên cô ta cũng chỉ là một người đầu óc đơn giản.
13 Bắt được nhẫn: Xem chú thích 2 trang 187.
14 Đầu mũi bà gần chạm chỏm cằm: Hình ảnh này được nhiều nhà nghiên cứu cho là của một mụ phù thủy, mà đêm Halloween là đêm các mụ phù thủy ra đường (trong văn hóa châu Âu, phù thủy thường mũi dài, cằm dài).
Nhưng quả thật Maria thấy nhẹ cả người khi đám phụ nữ kết thúc bữa trà và người đầu bếp cùng con bé giúp việc bắt đầu thu dọn. Bà đi vào căn phòng nhỏ của mình và, nhớ ra sáng mai là sáng đi lễ15, bà vặn kim đồng hồ từ bảy giờ lên sáu giờ. Rồi bà cởi bỏ chiếc váy và đôi ủng mặc khi làm việc, đặt chiếc váy đẹp nhất lên giường cùng đôi giày đi chơi nhỏ xíu của mình cạnh chân giường. Bà thay cả áo nữa và, lúc đứng trước gương, bà nghĩ lại hồi xưa khi còn thiếu nữ mỗi lần đi lễ sáng Chủ nhật bà từng ăn mặc như thế nào; và bà ngắm nhìn cơ thể nhỏ xíu của mình với vẻ trìu mến lạ lẫm, cơ thể bấy lâu nay bà vẫn chăm chút. Dù đã bao nhiêu năm trôi qua bà vẫn thấy nó thật xinh xắn gọn ghẽ.
15 Câu chuyện diễn ra vào đêm Halloween, đêm trước Lễ Các Thánh. Halloween bắt nguồn từ lễ hội cổ Samhain của Ireland Celtic cách đây trên 2000 năm, với mục đích ăn mừng mùa hè kết thúc, mùa màng được thu hoạch và đón chào năm mới, theo lịch Celtic bắt đầu vào ngày 1 tháng 11. Họ tin rằng thời điểm giao giữa năm mới và năm cũ là lúc ranh giới giữa thế giới của người sống và người chết mờ đi, và những người chết có thể đi lên hạ giới. Sau đó người La Mã tiến vào vùng Celtic, họ đã đồng hóa lễ hội này với lễ hội tưởng niệm người chết và lễ cây trái của họ. Vào thế kỷ VIII ảnh hưởng Ki-tô giáo đã lan đến vùng Celtic và Giáo hoàng Gregory III (731-741) quyết định ngày 1 tháng 11 sẽ là ngày tưởng niệm tất cả các vị thánh đã vinh danh Chúa, và từ đó lễ hội Celtic ngoài đạo trở thành một ngày lễ do nhà thờ bảo trợ. Đây là ngày đi lễ của người Công giáo và sáng hôm sau Maria sẽ dậy sớm dự lễ Misa tại nhà thờ.
Khi bà ra đến ngoài, đường phố lấp lánh dưới làn mưa và bà mừng vì đã mang theo cái áo mưa cũ màu nâu của mình. Xe điện chật cứng và bà phải ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ phía cuối, đối diện với mọi người, chân chỉ hơi chạm sàn. Bà sắp xếp trong đầu những việc mình sắp làm, và nghĩ rằng được tự do, có một chút tiền trong túi thế này quả là tốt hơn. Bà hy vọng họ sẽ có một buổi tối vui vẻ. Bà chắc chắn sẽ như vậy, nhưng bà không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến chuyện giờ Alphy và Joe không còn nói chuyện với nhau nữa. Hai đứa giờ đây luôn xung đột, nhưng khi còn nhỏ chúng đã từng là bạn thân nhất của nhau; cuộc đời là thế mà.
Bà xuống xe điện tại bến Pillar và len lỏi qua đám đông. Bà đi tới tiệm bánh Downes16 nhưng nơi này đông khách đến nỗi phải một lúc lâu sau mới đến lượt bà. Bà mua một chục bánh ngọt nhỏ đủ các loại, và cuối cùng cũng ra khỏi tiệm với một túi lớn nặng trĩu. Rồi bà nghĩ mình sẽ mua thêm: bà muốn mua thứ gì đó thật ngon. Nhà họ chắc hẳn đã có đầy táo và hạt óc chó17. Thật khó biết nên mua thêm thứ gì, tất cả những gì bà có thể nghĩ ra bây giờ là mua bánh. Bà quyết định mua một ít bánh nhân mận, nhưng bánh mận tiệm Downes phủ quá ít đường hạnh nhân, thế là bà rẽ vào một tiệm khác trên phố Henry18. Ở đây bà ngắm nghía các loại thật lâu và quý cô ăn vận thời trang đằng sau quầy, rõ ràng hơi bực mình vì bà, hỏi có phải bà muốn mua bánh cưới không. Điều này làm Maria đỏ mặt và mỉm cười với quý cô trẻ tuổi; nhưng cô gái trông hoàn toàn nghiêm nghị và cuối cùng cắt một lát dày bánh nhân mận, bọc lại và nói:
16 Theo Gifford, tiệm bánh Downes là của Sir Joseph Downes, số 6, phố Earl Street North, gần Nelson’s Pillar, trung tâm thành phố, nổi tiếng về sự sang trọng cũng như về người chủ được phong tước hiệp sĩ (“Sir” là tước hiệu được ghi trước tên người là nam giới được phong hiệp sĩ).
17 Táo và hạt óc chó: Halloween bắt nguồn từ lễ hội thu hoạch Celtic nên rất nhiều trò chơi truyền thống dịp này sử dụng hoa quả thu hoạch được, nhiều nhất là táo và hạt óc chó.
18 Phố Henry: Phố trung tâm Dublin, cắt phố Sackville ở phía tây, có nhiều cửa hàng buôn bán nhộn nhịp.
- Hai shilling bốn xu, thưa bà.
Bà tưởng sẽ phải đứng trên xe điện từ Drumcondra bởi đám trai trẻ dường như không ai để ý thấy bà nhưng một quý ông đứng tuổi đã nhường chỗ cho bà. Đó là một quý ông người chắc mập, đội mũ quả dưa màu nâu; ông có gương mặt chữ điền hồng hào và bộ ria xám nhạt. Maria nghĩ trông ông hơi giống một vị tướng19 và nhớ lại ông đã lịch thiệp với bà hơn bao nhiêu so với đám thanh niên chỉ biết giương mắt nhìn họ. Quý ông bắt chuyện với bà, ông nói về lễ Halloween và về thời tiết mưa gió. Ông nói chắc hẳn chiếc túi kia của bà đang đựng toàn món ngon lành cho lũ trẻ và nói cũng phải thôi đúng là bọn trẻ có quyền vui chơi khi đang còn là trẻ con. Maria bày tỏ sự tán thành của mình bằng những cái gật đầu và hắng giọng kín đáo. Ông tỏ ra rất tốt với bà, và khi sắp xuống bến Canal Bridge20 bà cảm ơn rồi cúi chào ông, ông cũng cúi chào bà, nâng mũ và mỉm cười lịch thiệp; và khi đã đi dọc dãy nhà, cúi mái đầu nhỏ tránh mưa, bà vẫn nghĩ được làm quen với một quý ông như vậy thật dễ chịu ngay cả sau khi ông ấy vừa uống tí chút21.
19 Tindall và Brown đều cho rằng Joyce ám chỉ quý ông này là một quan chức quân đội Anh đã nghỉ hưu. Brown còn nói như vậy quý ông phải là người Tin Lành Ireland gốc Anh, thuộc tầng lớp thượng lưu hoặc trung - thượng lưu.
20 Canal Bridge: Cầu trên kênh Royal, phía bắc thành phố, khu Drumcondra.
21 Theo Brown, cụm từ “vừa uống tí chút” ở đây được dùng như một uyển ngữ ở Dublin, có thể để chỉ các trạng thái từ mức hơi loáng choáng say đến mức say bí tỉ.
Ai cũng kêu lên: Ôi, dì Maria đây rồi! khi bà bước vào nhà. Joe đang ở đó, vừa từ sở làm về, và tất cả bọn trẻ đều mặc những bộ quần áo đi lễ Chủ nhật. Có hai cô bé con nhà hàng xóm cũng ở đó và cả nhà đang chơi trò chơi. Maria đưa túi bánh cho cậu chàng lớn nhất, Alphy, để chia, và Mrs Donnelly nói bà thật tốt vì đã nhọc công mang đến túi bánh to như vậy và ra lệnh cho bọn trẻ đồng thanh:
- Cảm ơn dì Maria.
Nhưng Maria nói bà còn mang một thứ đặc biệt cho bố mẹ chúng, một thứ chắc chắn họ sẽ thích, rồi bà bắt đầu lục tìm gói bánh nhân mận của mình. Bà thử tìm trong túi bánh tiệm Downes lẫn túi áo mưa của mình, rồi tìm trên mặt tủ treo áo khoác, nhưng không thấy đâu cả. Rồi bà hỏi bọn trẻ liệu có đứa nào đã ăn mất rồi không - lỡ ăn, tất nhiên - nhưng lũ trẻ đều nói không và có vẻ chúng nó sẽ từ chối không còn muốn ăn bánh nữa nếu như bị buộc tội ăn trộm. Mỗi người đều đưa ra phỏng đoán về điều bí ẩn này và Mrs Donnelly nói đơn giản là Maria đã để quên bánh trên xe điện. Maria, nhớ lại chuyện quý ông với bộ ria xám nhạt đã làm bà bối rối thế nào, đỏ bừng mặt xấu hổ xen lẫn bực dọc và thất vọng. Nghĩ đến chuyện điều ngạc nhiên nho nhỏ của mình thế là tan thành mây khói rồi còn món tiền hai shilling bốn xu cũng đi tong bà suýt nữa thì òa khóc.
Nhưng Joe nói không sao cả và dẫn bà lại ngồi cạnh lò sưởi. Nó thật tốt với bà. Nó kể cho bà nghe chuyện ở sở làm, nhắc lại cho bà câu trả lời thông minh nó đã đáp lại viên quản lý ra sao. Maria không hiểu tại sao Joe lại cười về chuyện câu trả lời kia nhiều thế nhưng bà vẫn nói chắc hẳn viên quản lý phải là một người khó chịu hết sức. Joe nói thực ra ông ta cũng không đến nỗi khó ưa lắm nếu biết cách, rằng ông ta cũng tử tế miễn là đừng có trêu ngươi ông ta. Mrs Donnelly chơi piano cho lũ trẻ và chúng nhảy và hát. Rồi hai cô bé nhà bên chia hạt óc chó cho mọi người. Không ai tìm thấy cái đập óc chó đâu cả, Joe suýt nữa thì cáu nhặng lên vì chuyện này và hỏi làm sao chúng có thể ngồi chờ Maria đập óc chó nếu như không có cái đập. Nhưng Maria nói bà không thích óc chó và họ không phải bận tâm về bà. Rồi Joe hỏi bà có muốn uống một chai bia stout22 không, còn Mrs Donnelly nói trong nhà cũng có cả rượu pooc-tô23nữa nếu bà thích uống. Maria nói họ không cần phải mời bà gì đâu: nhưng Joe cứ cố nài.
22 Bia stout: Loại bia nâu, vị hơi đắng khét.
23 Rượu pooc-tô: Rượu vang ngọt, thường được dùng khai vị.
Thế là Maria phải để nó làm thế và họ ngồi bên lò sưởi nói về những năm tháng xa xưa; Maria nghĩ bà sẽ lựa lúc thuận tiện để nói giúp cho Alphy. Nhưng Joe kêu lên trời đánh thánh vật nó nếu phải nói dù một lời với thằng em và Maria nói bà rất tiếc đã gợi lại mọi chuyện. Mrs Donnelly bảo chồng nói thế về người em máu mủ của mình thì thật đáng xấu hổ, nhưng Joe nói không có anh em gì với Alphy hết, rồi mọi chuyện suýt nữa biến thành trận đấu khẩu. Nhưng Joe nói vì đêm nay là đêm lễ nên nó sẽ không nổi khùng và bảo vợ mở thêm một ít bia stout. Hai cô bé nhà bên đã chuẩn bị sẵn mấy trò Halloween và mọi thứ nhanh chóng lại trở lại vui vẻ. Maria sung sướng khi thấy bọn trẻ vui vẻ, cả Joe và vợ nó cũng vậy. Hai cô bé nhà hàng xóm đặt mấy cái đĩa lên bàn và dẫn bọn trẻ tới gần bàn, bịt mắt24 lại. Một đứa sờ được quyển kinh còn ba đứa kia sờ phải nước, và khi một trong hai cô bé hàng xóm được cái nhẫn thì Mrs Donnelly huơ huơ ngón tay trước mặt cô bé đang đỏ bừng mặt như thể muốn nói: A, ta biết hết rồi nhé! Bọn họ nhất định muốn Maria phải bị bịt mắt và dẫn bà đến chiếc bàn xem bà sẽ chọn được gì; và, trong khi họ bịt mắt bà, Maria phá lên phá lên cười cho đến khi đầu mũi gần chạm chỏm cằm.
25 Trong trò chơi đoán này, người chơi sẽ bị bịt mắt và chọn một trong những thứ đặt sẵn trong bốn cái đĩa: sách kinh - điềm báo người chơi sẽ vào tu viện, nhẫn - dự báo đám cưới, nước - thể hiện sống lâu hoặc sắp đi xa, và đất sét - điềm báo người chọn phải chúng chẳng bao lâu sẽ chết. Nhưng trên thực tế, người ta thường bỏ đất sét đi, không đưa vào trò chơi.
Họ dẫn bà đến bên bàn giữa tiếng cười nói pha trò, và bà đưa tay ra phía trước theo lời chỉ dẫn. Bà huơ huơ tay trong không khí và chạm phải một trong những chiếc đĩa. Bà cảm thấy một chất mềm mềm ẩm ướt chạm vào ngón tay và thấy thật ngạc nhiên bởi không ai nói gì cũng không bỏ dải băng che mắt ra cho bà. Một khoảng im lặng mấy giây; rồi sau đó là rất nhiều xáo trộn và thầm thì. Ai đó nói gì đó về khu vườn và cuối cùng Mrs Donnelly nói gì đó với một trong hai cô bé hàng xóm bằng giọng rất tức giận và bảo cô bé vứt nó đi ngay lập tức: đây không phải trò chơi. Maria hiểu rằng lần này đã không thành nên bà phải làm lại từ đầu: và lần này bà chọn được một quyển kinh cầu nguyện.
Sau đó Mrs Donnelly chơi bản Miss McCloud’s Reel26 cho bọn trẻ, và Joe rót cho Maria một cốc rượu. Họ nhanh chóng vui vẻ trở lại và Mrs Donnelly nói chắc năm nay Maria sẽ vào tu viện bởi vì bà đã bắt được quyển kinh. Maria chưa bao giờ thấy Joe tốt với bà như đêm đó, chỉ toàn là những câu chuyện thú vị và những kỷ niệm xưa. Bà nói cả nhà đã thật tốt với bà.
26 Miss McCloud’s Reel: Một khúc nhạc nhảy truyền thống nổi tiếng của Ireland.
Cuối cùng bọn trẻ mệt nhoài và buồn ngủ và Joe hỏi liệu Maria có thể hát mấy bài ngăn ngắn trước khi về, một trong những bài hồi xưa ấy. Mrs Donnelly nói: Xin dì hát đi, dì Maria! và thế là Maria phải đứng bên cạnh chiếc piano. Mrs Donnelly ra hiệu cho bọn trẻ im lặng và lắng nghe bài hát của Maria, rồi chơi khúc dạo đầu và nói Nào, dì Maria! và Maria, mặt đỏ bừng, bắt đầu hát bằng một giọng mảnh, run run. Bà hát bài Em mơ thấy em có một tòa nhà27, và khi đáng lẽ sang đến đoạn hai thì bà lại hát lại:
27 I dreamt that I dwelt in marble halls: Bài hát rất được yêu thích trong vở nhạc kịch Cô gái Bô-hê-miêng. Bài hát này do nhân vật chính, cô gái Bô-hê-miêng Arline hát. Cô là con gái của một vị bá tước giàu có, nhưng ngay từ nhỏ đã bị bắt cóc và lớn lên cùng với một nhóm người Di gan. Giấc mơ cô tả lại trong bài hát này gợi về những năm tháng ấu thơ sống trong nhung lụa giờ đây chỉ đọng lại mờ mờ trong ký ức của cô. Phần lớn lời bài hát của vở opera này (dựa trên cốt truyện La Gitanilla (Cô bé Di gan) của nhà văn Tây Ban Nha Cervantes) miêu tả quá trình phát hiện nguồn gốc và tìm lại gia đình của cô gái.
Em mơ thấy em có một tòa nhà
Bằng cẩm thạch và kẻ hầu vây quanh
Đối với những người bên trong đó
Em chính là ước vọng, tự hào
Cơ man của cải giàu sang em có
Và địa vị cao quý danh quyền
Nhưng em vẫn mơ, điều sung sướng nhất
Là chàng vẫn sẽ mãi yêu em.
Nhưng không ai cố chỉ cho bà thấy sự nhầm lẫn28; và khi bà đã hát xong Joe tỏ ra cảm động vô cùng. Nó nói không gì sánh được với những ngày xa xưa và không gì hay hơn những bài hát của Balfe, cho dù những người khác có nói gì chăng nữa; và mắt nó đẫm lệ đến nỗi nó không tìm được thứ nó đang tìm và cuối cùng nó phải nhờ vợ chỉ cho cái mở chai đang nằm ở đâu.
28 Đoạn 2 của bài hát Maria đã không hát như sau: Em mơ thấy bao nhiêu chàng theo đuổi Những hiệp sĩ quỳ gối xin hôn bàn tay em Với những lời xao xuyến tim trinh nữ, Họ thề thốt theo em trọn đời, Và em mơ thấy chàng hào kiệt nhất Bước đến nâng bàn tay em lên; Nhưng em cũng mơ, điều sung sướng nhất, Là chàng vẫn sẽ mãi yêu em.