Mr ông James muốn Duffy cách sống càng tại xa Chapelizod1 càng tốt bởi cái thành phố mà ông là một công dân và bởi ông thấy tất cả các khu ngoại ô khác của Dublin đều bần tiện, tân tiến, và hợm hĩnh. Ông sống trong một ngôi nhà cổ ảm đạm và từ cửa sổ ông có thể nhìn vào một nhà máy rượu bỏ hoang hoặc nhìn xa lên phía dòng sông cạn nước chia đôi Dublin. Bốn bức tường cao trong căn phòng không trải thảm của ông không treo bức tranh nào. Ông đã tự mình mua từng món đồ trong phòng: một khung giường sắt màu đen, một chậu rửa bằng sắt, bốn cái ghế mây, một giá treo quần áo, một thùng đựng than sưởi, cái chắn than, bàn là sắt và một cái bàn vuông loại vừa đựng giấy tờ vừa làm bàn viết. Giá sách được làm từ những giá gỗ trắng lợi dụng chỗ hốc tường. Giường được phủ ga nệm trắng, phía chân giường có một tấm len dạ lớn màu đen đỏ. Một mảnh gương nhỏ treo phía trên bồn rửa và vào ban ngày thì chiếc đèn có chụp màu trắng là vật trang trí duy nhất trên bệ lò sưởi.
1 Chapelizod: Làng ngoại ô cách Dublin 3 dặm (5 km về phía tây, nằm phía góc tây nam công viên Phoenix. Hai địa danh này đều gắn với truyền thuyết bi kịch tình yêu bất tử của Tristan và Iseult thời trung cổ. Tương truyền tên Chapelizod bắt nguồn từ Chapelle d’Iseult, đền thờ nàng Iseult, tiếng Pháp, còn Phoenix thuộc khu rừng nơi Tristan buồn bã lui về ở ẩn một thời gian (Gifford).
Những quyển sách trên giá gỗ màu trắng được sắp xếp tuần tự từ dưới lên trên theo độ dày. Một bộ Wordsworth2 toàn tập ngự trên phía này của giá thấp nhất và một quyển Maynooth Catechism3, có bìa mềm được khâu từ bìa một cuốn sổ, nằm ở phía bên kia trên giá cao nhất. Trên bàn luôn có giấy tờ đang viết dở. Trong ngăn đựng bên trong có bản thảo bản dịch tiếng Anh vở Michael Kramer của Hauptmann4, với những dòng chỉ đạo sân khấu viết bằng mực màu tím đậm, và một tập giấy mỏng ghim với nhau bằng kẹp sắt. Đôi chỗ trên những tờ giấy lại có một dòng viết chêm vào, và vào một giây phút đầy mỉa mai, tiêu đề của một mẩu quảng cáo thuốc Bile Beans5 đã được dán lên trang trên cùng. Khi nhấc nắp bàn viết ra một mùi thơm nhẹ bay lên - mùi thơm của những chiếc bút chì mới bằng gỗ tuyết tùng hoặc của một lọ hồ dán hoặc của một quả táo chín gần nẫu có thể đã bị để đó rồi quên mất.
2 William Wordsworth (1770-1850), nhà thơ lãng mạn người Anh, vào đầu thế kỷ XX thơ ông được coi là quá lãng mạn bạc nhược.
3 Maynooth Catechism: Sách giáo lý Công giáo giảng dạy trong các trường dòng Ireland. Sách Maynooth Catechism được soạn năm 1883 tại trường Royal College of St Patrick, ở Maynooth cách Dublin khoảng 15 dặm (24 km), trung tâm hành chính của Giáo hội Công giáo Ireland (Brown).
4 Vở Michael Kramer của Hauptmann: Vở bi kịch viết năm 1900 của nhà soạn kịch người Đức Gerhart Hauptmann (1862-1946) về quan hệ xung đột giữa một người cha hà khắc và người con trai nghệ sĩ, dẫn đến chuyện người con trai tự tử.
5 Bile Beans: Tên một loại thuốc thông dụng thời bấy giờ trị các chứng rối loạn có liên quan đến tuyến mật như chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, tiêu hóa, viêm gan, v.v... (Gifford).
Mr Duffy ghét cay ghét đắng bất cứ thứ gì gây ra lộn xộn về vật chất cũng như tinh thần. Một bác sĩ thời trung cổ chắc hẳn sẽ kê ông bị chứng sao Thổ chiếu6. Mặt ông, mang toàn bộ câu chuyện cuộc đời ông, có màu nâu của những con phố Dublin. Trên cái đầu dài và khá to của ông mọc những đám tóc đen và khô và một bộ ria nâu vàng không đủ để che một cái miệng không được dễ ưa lắm. Hai gò má cao cũng làm cho khuôn mặt ông thêm nét khắc nghiệt; nhưng không hề có chút gì tàn nhẫn trong đôi mắt, nhìn thế giới từ phía dưới cặp lông mày nâu vàng, đôi mắt mang lại cảm giác về một người đàn ông luôn sẵn lòng đón nhận những bản chất tốt đẹp từ người khác nhưng lại thường bị thất vọng. Ông sống hơi cách xa thân thể mình, ngắm nhìn những hành động của chính mình một cách hoài nghi. Ông có một thói quen tự sự lạ lùng, thói quen làm ông thỉnh thoảng tạo ra trong đầu một câu ngắn về chính bản thân, sử dụng chủ ngữ ở ngôi thứ ba và động từ ở thời quá khứ. Ông không bao giờ cho tiền ăn mày, và luôn bước đi thẳng tắp, tay gõ một cây can gỗ phỉ.
6 Chứng sao Thổ chiếu (saturnine): Y học châu Âu thời trung cổ cho rằng các hành tinh có ảnh hưởng đến tâm tính và sức khỏe con người. Người chịu ảnh hưởng của sao Thổ, hành tinh lạnh lẽo và cằn cỗi, thường sẽ trông lạnh lùng, khô cằn, thường là biểu hiện của một tâm tính buồn rầu, có thể đang mắc một số bệnh như bệnh trĩ và các bệnh tâm lý như lo lắng, nghi ngờ.
Bao nhiêu năm nay ông làm nhân viên phụ trách thu ngân tại một nhà băng tư trên phố Baggot7. Mỗi sáng ông đi xe điện từ Chapelizod vào thành phố. Trưa đến ông tới tiệm Dan Burke8 gọi bữa của mình - một chai bia lager9 và một khay nhỏ bánh quy bột dong. Vào lúc bốn giờ ông được tan sở. Ông ăn tối tại một hàng ăn trên phố George10, nơi ông cảm thấy mình được an toàn, cách xa cái xã hội của bọn trẻ tuổi mạ vàng11của Dublin và nơi có một sự trung thực nhất định trên thực đơn. Những buổi tối của ông hoặc trôi qua trước cây đàn piano của bà chủ nhà hoặc đi lang thang quanh khu ngoại ô thành phố. Sự yêu thích nhạc Mozart12 đôi khi dẫn ông đến một buổi opera hoặc một buổi hòa nhạc: đây là những tiêu khiển duy nhất trong cuộc đời ông.
7 Phố Baggot: Phố lớn trung tâm Dublin, gần vườn Stephen’s Green, thời đó có nhiều nhà băng tư nhân. Nhân viên phụ trách thu ngân là một vị trí cao, có nhiều nhân viên dưới quyền (Gifford).
8 Tiệm Dan Burke: Một trong những quán rượu thuộc hãng Daniel Burke&Co phục vụ cả đồ ăn, tại số 50, phố Baggot Street Lower.
9 Bia lager: Loại bia nhẹ, màu vàng sáng.
10 Phố George: Theo Gifford, đây là phố Great George, một phố lớn khu trung tâm bờ nam Dublin, có nhiều quán ăn yên tĩnh và giản dị, và nằm trên đường Mr Duffy đi từ phố Baggot về nhà ở Chapelizod.
11 Nguyên văn là “gilded youth”, những người trẻ tuổi giàu có, sành điệu.
12 Nhạc Mozart: Giai đoạn cuối thế kỷ XIX có trào lưu yêu thích trở lại âm nhạc và tính cách của nhạc sĩ người Áo Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791).
Ông không sống chung với ai mà cũng không có bạn bè, không đi lễ mà cũng không có đức tin. Ông sống cuộc sống tinh thần của mình mà không chia sẻ với ai, chỉ đi thăm họ hàng mỗi dịp lễ Giáng sinh và tống tiễn họ về nghĩa trang khi họ qua đời. Ông thực hiện hai nghĩa vụ xã hội này chỉ vì tôn trọng lễ giáo, mà không nhân nhượng chuyện tham dự sâu hơn nữa vào những nghi thức của cuộc sống công dân. Ông tự cho phép mình nghĩ trong một số hoàn cảnh nhất định nào đó ông sẽ cướp ngân hàng nơi ông làm, và bởi vì những hoàn cảnh như thế không bao giờ xuất hiện, cuộc đời ông trôi đi đều đặn - một câu chuyện không hề có phiêu lưu.
Một buổi tối ông thấy mình ngồi cạnh hai quý bà trong nhà hát Rotunda13. Nhà hát, lác đác người ngồi và rất im ắng, báo hiệu một thất bại thảm hại. Quý bà ngồi bên ông quay nhìn nhà hát vắng teo một, hai lần gì đó và nói:
13 Rotunda: Nhà hát trên quảng trường Rutland khu đông bắc trung tâm Dublin.
- Đáng tiếc đêm nay vắng quá! Phải hát cho mấy dãy ghế trống này nghe thì khó thật đấy.
Ông đón câu nhận xét như một lời mời bắt chuyện. Ông thấy ngạc nhiên bởi bà chẳng tỏ ra lúng túng e thẹn. Khi họ trò chuyện ông cố gắng lưu giữ lại hình ảnh bà mãi mãi trong tâm trí. Khi biết cô thiếu nữ ngồi bên cạnh là con gái bà ông đoán chừng chắc bà trẻ hơn ông một hai tuổi gì đó.
Khuôn mặt bà, một khuôn mặt trước kia chắc hẳn phải rất đẹp, vẫn giữ được những nét thông minh nhanh nhẹn. Đó là một khuôn mặt hình trái xoan sắc nét. Đôi mắt xanh thẳm, tự tin. Chúng phát ra cái nhìn lúc đầu hơi có vẻ thách thức, nhưng sau đó trông lại bối rối bởi cái dãn ra như cố ý của hai đồng tử xanh biếc, để lộ, trong một tích tắc, một tâm tính vô cùng nhạy cảm. Hai đồng tử nhanh chóng bình thường trở lại, tâm tính mới vừa hé lộ kia lại bị chế ngự bởi vẻ dè chừng, và chiếc áo khoác lông cừu Astrakhan của bà ôm lấy một khuôn ngực khá đầy đặn, như muốn đẩy cao sự thách thức.
Ông gặp lại bà vài tuần sau đó trong một buổi hòa nhạc tại Earlsfort Terrace14 và tranh thủ lúc cô con gái lơ đãng để làm thân hơn. Bà có ám chỉ một, hai lần gì đó về ông chồng, nhưng giọng bà không có vẻ gì muốn biến sự ám chỉ đó thành lời cảnh báo. Tên bà là Mrs Sinico. Ông cụ kỵ bên nhà chồng bà là người Leghorn15. Chồng bà là thuyền trưởng một thương thuyền đi về giữa Dublin và Hà Lan; và họ có một con.
14 Earlsfort Terrace: Tòa nhà Triển lãm Quốc tế Dublin trên phố Earlsfort Terrace, cạnh vườn Stephen’s Green, nơi diễn ra các buổi hòa nhạc, hội họp lớn lúc bấy giờ (Gifford).
15 Leghorn: Thành phố của Ý.
Lần thứ ba tình cờ gặp lại bà, ông tìm được đủ can đảm đề nghị một cuộc hẹn. Bà đã đến. Đó là cuộc gặp đầu tiên mở đầu các cuộc hẹn tiếp theo; họ luôn gặp nhau vào buổi tối và chọn những khu vắng lặng nhất để cùng đi dạo. Mr Duffy, tuy vậy, ác cảm với những chuyện vụng trộm, nhận ra rằng họ đang buộc phải gặp nhau một cách lén lút, bèn hối bà phải mời ông đến nhà.
Thuyền trưởng Sinico luôn niềm nở trước những cuộc viếng thăm của ông, nghĩ chắc nguyên do có liên quan tới việc hôn nhân của cô con gái. Đã lâu nay thuyền trưởng không còn coi vợ nằm trong danh sách những điều đem lại khoái lạc nên ông chẳng mảy may tưởng tượng đến chuyện giờ có ai lại có thể thích bà. Vì ông chồng thường xa nhà và cô con gái đi dạy nhạc, Mr Duffy có rất nhiều cơ hội được hưởng tình bằng hữu của bà. Cả ông và bà đều chưa bao giờ có một cuộc phiêu lưu như vậy và cả hai đều không ý thức được có điều gì trái lễ giáo ở đây. Dần dần ông hòa nhập những suy nghĩ của ông với suy nghĩ của bà. Ông cho bà mượn sách, nói cho bà những ý tưởng, chia sẻ cuộc sống trí thức của ông với bà. Bà lắng nghe tất cả.
Thỉnh thoảng để đáp lại những lý thuyết của ông, bà nói đôi chút về cuộc đời bà. Với một sự quan tâm gần như mang tình mẫu tử, bà vỗ về khuyến khích ông thổ lộ hết tâm tư: bà trở thành cha giải tội của ông. Ông kể với bà có một hồi ông từng dự các cuộc họp của một Đảng Xã hội Ireland16trên một căn phòng áp mái tù mù đèn dầu, nơi ông tự cảm thấy mình là một nhân vật lạc loài giữa đám công nhân liêm chính. Khi đảng đó tách thành ba tổ chức, mỗi tổ chức có người lãnh đạo riêng và phòng áp mái riêng, ông không đến họp nữa. Những cuộc thảo luận của đám công nhân hồi đó, ông nói, quá vặt vãnh; họ tập trung quá mức vào vấn đề tiền lương. Ông cảm thấy họ chỉ là những người theo phái duy thực cứng nhắc và rằng họ phản đối lập luận chặt chẽ, một thứ sản phẩm xa hoa ngoài tầm với của họ. Có vẻ như, ông nói với bà, sẽ không có cuộc cách mạng xã hội nào nổ ra ở Dublin ít nhất trong mấy thế kỷ tới.
16 Một Đảng Xã hội Ireland: Vào thời điểm diễn ra câu chuyện (1905-1906), Ireland chưa có một chính đảng cánh tả đủ lớn mạnh, mới chỉ có những nhóm nhỏ hoạt động rời rạc.
Bà hỏi ông tại sao ông không viết ra những suy nghĩ của mình. Để làm gì, ông hỏi bà, với một vẻ cao ngạo chừng mực. Để cạnh tranh với đám nhà văn ba xu, cái bọn không bao giờ nghĩ nổi cho đúng logic dù chỉ sáu mươi giây? Để tự nộp mình cho bọn phê bình tiểu tư sản đần độn, bọn phó mặc hoàn toàn chuẩn mực đạo đức cho giới cảnh sát và nghệ thuật thi họa cho các ông bầu?
Ông thường đến ngôi nhà nhỏ của bà ở vùng ngoại ô Dublin; họ thường có những buổi tối bên nhau, chỉ có hai người. Dần dần, khi những suy nghĩ của họ hòa nhập, họ nói về những chủ đề ít xa vời hơn. Sự bầu bạn của bà như lớp đất mềm ấm bao lấy cái cây lạ. Rất nhiều lần bà cho phép bóng tối rơi phủ lên họ, chần chừ không thắp đèn. Căn phòng tối kín đáo, sự tách biệt của họ, tiếng nhạc vẫn còn vọng bên tai, tất cả khiến họ gần nhau hơn. Sự gần gũi này khiến tâm hồn ông thăng hoa, làm mềm mại những cạnh xù xì trong tính cách ông, làm cuộc sống tinh thần của ông dịu lại.
Đôi khi ông bắt gặp mình đang lắng nghe tiếng nói của chính bản thân. Ông nghĩ trong mắt bà ông đã vươn lên tầm một thiên thần; và, khi càng gần gũi hơn với bản tính nồng nhiệt của bạn mình, ông nghe thấy một giọng nói lạnh lùng kỳ lạ mà ông nhận ra chính là giọng của ông, khẳng định sự tồn tại của sự cô đơn vô phương cứu chữa của tâm hồn. Chúng ta không thể đầu hàng, giọng nói cất lên: chúng ta là của bản thân chúng ta, không ai có thể sở hữu. Hồi kết của những lần trò chuyện này là một buổi tối, sau khi biểu lộ mọi dấu hiệu phấn khích lạ lùng nhất, Mrs Sinico túm lấy tay ông một cách nồng nhiệt và áp nó vào má bà.
Mr Duffy rất đỗi ngạc nhiên. Cách bà đón nhận những lời của ông làm ông vỡ mộng. Ông không đến thăm bà liền trong một tuần; sau đó ông viết thư đề nghị bà gặp ông. Vì ông không muốn cuộc trò chuyện cuối cùng của họ bị ảnh hưởng bởi tác động của ngôi nhà xưng tội giờ đây đã bị phá hỏng, họ gặp nhau tại một tiệm bánh nhỏ gần Parkgate17. Khi đó đang là tiết trời mùa thu lạnh lẽo, nhưng mặc không khí lạnh họ vòng đi vòng lại trên những lối đi công viên gần ba tiếng đồng hồ. Họ đồng ý ngừng mối quan hệ này lại: mỗi ràng buộc thêm, ông nói, chỉ dẫn đến kết cục đau buồn. Ra khỏi Công viên, họ bước trong im lặng về phía xe điện; nhưng ở đây bà bắt đầu run rẩy dữ dội đến mức, sợ một cơn khủng hoảng khác lại đến với bà, ông nhanh chóng chào tạm biệt bà và bước đi. Mấy ngày sau ông nhận được một bưu kiện bên trong có những quyển sách và bản nhạc ông đã tặng bà.
17 Parkgate: Cổng chính vào công viên Phoenix, công viên lớn nằm bờ bắc sông Liffey, phía tây thành phố. Phoenix còn có nghĩa là Chim Phượng hoàng, loài chim huyền thoại lao vào lửa để hồi sinh.
Bốn năm trôi qua. Mr Duffy trở lại cuộc sống đều đều của mình. Căn phòng vẫn ngày ngày chứng kiến sự ngăn nắp trật tự của tâm trí ông. Một vài bản nhạc mới được chồng lên thêm trên ngăn để nhạc phòng dưới và trên giá sách của ông xuất hiện hai quyển sách của Nietzsche: Zarathustra đã nói thế và Tri thức hân hoan18. Gần như ông không còn viết lên tập giấy vẫn nằm trong ngăn bàn nữa. Một trong những câu được viết hai tháng sau lần nói chuyện cuối cùng với Mrs Sinico, như sau: Tình yêu giữa đàn ông và đàn ông là không thể vì không thể có quan hệ tình dục, và tình bạn giữa đàn ông và đàn bà là không thể vì bắt buộc phải có quan hệ tình dục. Ông tránh xa các buổi hòa nhạc vì sợ rằng có thể gặp lại bà. Cha ông qua đời; nhân viên cấp dưới ở nhà băng cũng đã nghỉ hưu. Và vẫn vậy, mỗi sáng ông đi xe điện vào thành phố rồi mỗi tối đi bộ từ thành phố về nhà sau khi đã ăn tối một cách điều độ tại phố George và đọc báo buổi tối thay món tráng miệng.
18 Zarathustra đã nói như thế và Tri thức hân hoan, hai tác phẩm của triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844-1900) bàn về cái chết của Thượng đế và khái niệm “con người siêu nhân” với ý chí mãnh liệt tự giải thoát khỏi ngu dốt và những đức tin mù quáng để vươn tới tự do cao thượng trong ý thức. Đây là những tư tưởng đột phá thời bấy giờ.
Một tối khi đang chuẩn bị cho một mẩu thịt bò muối xay cùng với món cải bắp vào miệng, tay ông dừng lại. Mắt ông dán vào một đoạn trên tờ báo buổi tối đang để dựa vào bình nước lọc. Ông để lại mẩu thức ăn lên đĩa và chăm chú đọc đoạn tin. Sau đó ông uống một ly nước, đẩy đĩa ăn sang một bên, gấp tờ báo đặt lên bàn giữa hai khuỷu tay và đọc đi đọc lại mẩu tin. Món cải bắp bắt đầu đóng một lớp váng nguội trên đĩa. Cô phục vụ lại gần hỏi có phải bữa tối hôm nay của ông nấu không ngon hay không. Ông nói bữa tối rất ngon và ăn thêm mấy miếng nữa một cách khó khăn. Sau đó ông trả tiền và đi ra.
Ông rảo bước trong ánh chạng vạng của buổi tối tháng Mười một, cây can gỗ phỉ gõ lộc cộc trên đường, rìa màu vàng tờ Thư tín19 ló ra từ túi chiếc áo choàng kép cài chéo sát người của ông. Trên con đường cô quạnh từ Parkgate đến Chapelizod ông bước chậm lại. Tiếng cây can gõ trên đường cũng bớt mạnh đi, và hơi thở ông, phả ra đứt quãng, gần như thoảng tiếng thở dài, đông cứng lại trong làn không khí mùa đông ảm đạm. Khi về đến nhà ông đi thẳng lên phòng ngủ và, rút tờ báo ra khỏi túi, ông đọc lại mẩu tin một lần nữa trong ánh sáng mờ mờ từ cửa sổ. Ông không đọc to, nhưng môi ông mấp máy như một linh mục đang đọc bài kinh Secreto20. Mẩu tin như sau:
19 Tờ Thư tín (Mail): Tờ Dublin Evening Mail, nhật báo ra buổi tối của Dublin theo cánh hữu, thân Anh (Gifford).
20 Secreto: Lời nguyện đọc thầm trong lễ Misa.
CÁI CHẾT CỦA MỘT QUÝ BÀ TẠI SYDNEY PARADE21 - MỘT TRƯỜNG HỢP ĐAU LÒNG
21 Sydney Parade: Ga xe lửa trên đường Sydney Parade Avenue, trong khu làng ngoại ô giàu có Merrion, cách Dublin khoảng 3 dặm (5 km) về phía đông nam.
Hôm nay tại Bệnh viện thành phố Dublin22, ngài Phó Chánh Phòng Điều tra Tử nạn (thay mặt ngài Leverett) đã tiến hành khám nghiệm thi thể Mrs Emily Sinico, bốn mươi ba tuổi, chết tại ga Sydney Parade tối qua. Các bằng chứng cho thấy quý bà quá cố trong lúc đang vượt qua đường ray, đã bị đầu máy chuyến tàu chậm mười giờ từ Kingstown hất ngã, do đó bị thương phía đầu và thân bên phải, là nguyên nhân gây tử vong.
22 Bệnh viện thành phố Dublin: Bệnh viện từ thiện nằm trên phố Baggot Street Upper, tiếp nhận mọi ca cấp cứu tai nạn, cách ga Sydney Parade 1,5 dặm (2,5 km) (Gifford).
James Lennon, nhân viên lái chuyến tàu, cho biết ông đã làm việc cho hãng xe lửa mười lăm năm nay. Khi nghe thấy tiếng còi của nhân viên nhà ga, ông cho tàu chuyển bánh và chỉ một, hai giây sau đó phải điều khiển tàu dừng lại bởi nghe thấy những tiếng kêu lớn. Lúc đó con tàu đang chạy tốc độ chậm.
P. Dunne, nhân viên nhà ga, nói khi con tàu chuẩn bị chuyển động ông nhìn thấy một phụ nữ đang cố vượt qua đường ray. Ông chạy về phía bà và hét lên, nhưng trước khi ông kịp đến gần bà, bà đã bị đầu tàu hất lên và ngã xuống đất.
Một vị thẩm phán - Ông đã nhìn thấy quý bà ngã xuống?
Nhân chứng - Đúng vậy.
Hạ sĩ Croly khai rằng khi đến hiện trường ông thấy người quá cố đang nằm trên sân ga có vẻ đã chết. Ông cho mang bà vào phòng chờ trong khi đợi xe cấp cứu...
Cảnh sát 57 xác nhận sự việc.
Bác sĩ Halpin, trợ tá phẫu thuật Bệnh viện thành phố Dublin, cho biết người quá cố bị gãy hai xương sườn dưới và có nhiều vết dập nghiêm trọng trên vai phải. Phía đầu bên phải bị thương tổn khi bị hất ngã. Nhưng những thương tổn này không đủ nghiêm trọng để gây tử vong đối với một người bình thường. Nguyên nhân tử vong, theo ý kiến ông có lẽ là do bị chấn động tâm lý và trụy tim.
H.B. Patterson Finlay, thay mặt cho hãng xe lửa, bày tỏ sự đau buồn sâu sắc trước tai nạn. Công ty đã và đang thực hiện mọi biện pháp cẩn trọng nhất nhằm ngăn chặn những trường hợp vượt qua đường ray, ngoại trừ bằng cầu vượt, bằng cách đặt bảng thông báo tại tất cả các ga và sử dụng thanh chắn tự động tại những chỗ lên xuống. Người quá cố có thói quen vượt qua các đường ray hằng đêm để đi từ sân ga này sang sân ga kia và, xét đến một số hoàn cảnh khác của trường hợp này, ông không cho rằng các nhân viên nhà ga phải chịu trách nhiệm.
Thuyền trưởng Sinico, sống tại Leoville, Sydney Parade, chồng của người quá cố, cũng đưa ra một số dữ kiện. Ông cho biết người quá cố là vợ ông. Ông không có mặt ở Dublin vào thời điểm diễn ra tai nạn bởi ông vừa từ Rotterdam23 trở về sáng hôm nay. Họ đã kết hôn được hai mươi hai năm và sống hạnh phúc cho đến khoảng cách đây hai năm, khi vợ ông bắt đầu thể hiện sự quá độ trong những thói quen của bà.
23 Rotterdam: Thành phố cảng của Hà Lan.
Miss Mary Sinico nói rằng người mẹ quá cố của cô thường có thói quen bỏ đi mua rượu mỗi đêm. Cô, nhân chứng, thường phải khuyên giải mẹ và đã thuyết phục bà tham gia một tổ chức cai rượu. Cô không có mặt ở nhà cho đến khi tai nạn đã xảy ra được một tiếng.
Bồi thẩm đoàn đưa ra một phán quyết phù hợp với những chứng cớ y khoa và miễn cho nhân viên lái tàu Lennon mọi trách nhiệm.
Ngài Phó Chánh Phòng Điều tra Tử nạn nói đây là một trường hợp hết sức đau lòng, và bày tỏ lời chia buồn sâu sắc tới thuyền trưởng Sinico cùng con gái ngài. Ông kêu gọi hãng xe lửa đưa ra nhiều biện pháp mạnh hơn nữa để ngăn chặn khả năng những tai nạn tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Không ai bị truy cứu trách nhiệm.
Mr Duffy rời mắt khỏi tờ báo và hướng ra cửa sổ nhìn cảnh vật buổi tối ảm đạm. Dòng sông nằm lặng lẽ bên nhà máy rượu trống rỗng, thỉnh thoảng có ánh đèn hiện ra phía mấy ngôi nhà trên đường Lucan24 . Kết cục mới kinh khủng làm sao! Toàn bộ bản miêu tả cái chết của bà làm ông ghê tởm và ông cũng thấy ghê tởm khi nghĩ đã có thời ông từng nói với bà về những thứ ông coi là thiêng liêng. Những lời lẽ sáo mòn, những câu chữ tỏ ra chia sẻ được viết một cách ngu ngốc, những từ ngữ thận trọng của một ký giả bị thuyết phục phải che đi những chi tiết của một cái chết tầm thường đáng kinh tởm, tất cả khiến bụng ông co thắt đến buồn nôn. Bà không chỉ làm hèn hạ chính mình mà còn làm hèn hạ cả ông.
24 Đường Lucan: Đường dọc bờ nam sông Liffey, nối Chapelizod với làng Lucan, cách trung tâm Dublin khoảng 6,7 dặm (hơn 10 km).
Ông nhìn thấy khía cạnh sa đọa của việc bà rượu chè quá độ, khốn khổ và sặc sụa hơi rượu. Bạn tâm giao của ông! Ông nghĩ đến những sinh linh khốn khổ ngật ngưỡng ông từng nhìn thấy trong quán rượu loạng choạng đưa can và chai cho người đứng quầy đổ rượu vào. Chúa ơi, kết cục mới ghê sợ làm sao! Rõ ràng bà đã không thể tự thích nghi với cuộc sống, bà không có can đảm, cũng không có mục đích, dễ dàng buông thả làm mồi cho những thói quen của chính mình, một trong những mảnh đắm trên đó nền văn minh được dựng nên. Nhưng làm sao bà có thể lún sâu như vậy! Có thể nào ông đã tự đánh lừa tất cả về bà? Ông nhớ lại sự bột phát của bà đêm đó và lý giải nó theo một nghĩa tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Giờ đây ông không còn khó khăn áy náy gì trong việc tán thành những gì ông đã làm.
Khi ánh sáng tắt dần và ký ức bắt đầu trở nên lẫn lộn, ông nghĩ tay bà đang chạm vào tay ông. Cơn kinh hoàng lúc trước đã co thắt bụng ông giờ đang tấn công tâm trí ông. Ông mặc vội chiếc áo choàng, đội mũ và ra khỏi nhà. Không khí lạnh lẽo ùa đến khi ông bước ra thềm; nó len vào hai ống tay áo khoác ông. Khi tới quán rượu phía cầu Chapelizod25 ông bước vào và gọi một cốc punch nóng.
25 Quán rượu phía cầu Chapelizod: Quán rượu có tên Bridge Inn, phía nam cầu Chapelizod bắc qua sông Liffey (Gifford).
Chủ quán phục vụ ông một cách niềm nở nhưng không dám khơi chuyện. Lúc đó trong quán đang có năm, sáu người thợ đang bàn tán về giá trị điền sản của một quý ông ở hạt Kildare26. Họ uống bia từ vại lớn và hút thuốc, nhổ ra sàn liên tục và chốc chốc lại dùng mũi ủng nặng nề di đống mùn cưa phủ lên bãi nhổ. Mr Duffy ngồi trên ghế đẩu cạnh quầy, mắt hướng về họ mà không nhìn hay nghe thấy họ. Một lúc sau họ đi khỏi và ông gọi một cốc punch nữa. Ông ngồi một lúc lâu trước cốc rượu. Quán rất vắng lặng. Chủ quán gò lưng trên quầy đọc tờ Truyền tin27 và ngáp dài. Thỉnh thoảng tiếng còi hú của một chiếc xe điện lại vọng tới dọc theo con đường cô quạnh bên ngoài.
26 Kildare: Hạt nằm phía tây và tây nam Dublin, đầu thế kỷ XX là nơi ở của nhiều gia đình chủ đất giàu có người Ireland gốc Anh hoặc thân Anh (Brown).
27 Tờ Truyền tin (Herald): Tờ Evening Herald, báo buổi tối của Dublin.
Khi ông ngồi đó, sống lại những giây phút từng có với bà và đan xen trong tâm trí hai hình ảnh trái ngược lúc này ông nghĩ về bà, ông bỗng nhận ra rằng bà đã chết, rằng bà đã ngừng tồn tại, rằng bà đã trở thành ký ức. Ông bắt đầu cảm thấy khó ở. Ông tự hỏi mình đã có thể làm được gì khác. Ông không thể tiếp tục một hài kịch lừa dối với bà; ông cũng chẳng thể sống công khai cùng bà. Ông đã làm những gì đối với ông dường như là đúng đắn nhất. Làm sao ông có thể bị buộc tội? Giờ đây bà đã đi rồi ông mới hiểu cuộc đời bà chắc hẳn đã cô đơn đến thế nào, ngồi đêm này qua đêm khác một mình trong căn phòng đó. Cuộc đời của ông cũng sẽ cô đơn cho đến khi, chính ông, cũng, chết, ngừng tồn tại, trở thành ký ức - nếu như trên đời này còn có ai nhớ đến ông.
Khi ông rời khỏi quán đã hơn chín giờ tối. Buổi tối lạnh lẽo và u ám. Ông đi vào Công viên bằng cổng đầu tiên và đi dọc dưới hàng cây khẳng khiu trụi lá. Ông đi trên những con đường cô quạnh nơi họ từng dạo bước bốn năm về trước. Dường như bà đang ở cạnh ông trong bóng tối. Trong một khoảnh khắc ông như cảm thấy giọng bà vọng vào tai ông, tay bà chạm vào tay ông. Ông đứng im lắng nghe. Tại sao ông lại cướp cuộc sống khỏi bà? Tại sao ông đẩy bà đến cái chết? Ông cảm thấy con người đạo đức của mình đang vỡ vụn.
Khi lên tới đỉnh đồi Magazine28 ông dừng lại và nhìn xuôi theo dòng sông về hướng Dublin, những ánh đèn thành phố tỏa ra rực rỡ và ấm áp trong đêm lạnh. Ông nhìn xuống theo sườn đồi và, dưới chân đồi, trong bóng tối bức tường rào Công viên, ông nhìn thấy những hình người đang nằm. Những cặp tình nhân vụng trộm và vụ lợi đó làm ông tuyệt vọng đến kiệt sức. Ông đã dè sẻn từng chút một để giữ sự đứng đắn chính trực của cuộc đời ông; giờ ông cảm thấy mình bị bỏ rơi ngoài bữa tiệc của cuộc sống. Một con người dường như đã đem lòng yêu ông, và ông đã từ chối cuộc sống và hạnh phúc của bà: ông đã đẩy bà đến sự đê tiện, một cái chết đáng hổ thẹn. Ông biết những hình hài đang nằm dưới chân tường kia đang quan sát ông và muốn ông đi khỏi. Không ai muốn ông; ông bị đẩy ra ngoài bữa tiệc của cuộc sống.
28 Đồi Magazine: Đồi trong công viên Phoenix, rìa phía nam, nhìn ra sông Liffey và Dublin.
Ông hướng nhìn về phía dòng sông xám lấp lánh, uốn lượn quanh Dublin. Phía xa bên trên dòng sông ông nhìn thấy một đoàn tàu chở hàng đang lượn vòng khỏi ga Kingbridge29, như một con sâu có cái đầu đỏ lửa đang lượn ngoằn ngoèo xuyên bóng tối, bền bỉ và cần mẫn. Nó chầm chậm biến khỏi tầm mắt; nhưng trong tai ông vẫn vẳng lại tiếng động cơ rung rền từng âm tiết của tên bà.
29 Kingbridge: Ga lớn, bờ nam sông Liffey, đối diện công viên Phoenix, thời đó phục vụ các tuyến đi hướng tây và nam Ireland.
Ông quay lại con đường mình đã đến, nhịp tiếng máy vẫn rền âm trong tai. Ông bắt đầu nghi ngờ sự xác thực của những gì ký ức vừa gợi lại. Ông dừng lại dưới một cái cây chờ cho những âm thanh vang vọng tắt hẳn. Ông không còn cảm thấy bà đang ở cạnh ông trong bóng tối cũng không nghe thấy giọng bà vang bên tai. Ông chờ mấy phút nữa, lắng nghe. Ông không nghe thấy gì hết: màn đêm im lặng tuyệt đối. Ông lắng nghe lần nữa: im lặng tuyệt đối. Ông cảm thấy ông chỉ còn lại một mình.