1 Ngày Thường Xuân (Ivy Day): Ngày 6 tháng 10 hằng năm, kỷ niệm ngày mất của Charles Stewart Parnell, thủ lĩnh phong trào Dân tộc, đấu tranh cho quyền tự chủ của Ireland trong Quốc hội Anh. Là “Đức vua không vương miện của Ireland”, ông được coi là người đầu tiên đưa được tia hy vọng độc lập Ireland thành một nội dung chính trong Quốc hội Anh, với Dự thảo Luật Ireland Tự trị năm 1886, dù sau đó nó không được thông qua. Uy tín của Parnell lên rất cao khi ông vượt qua được những vu cáo chính trị nhằm hạ bệ ông. Ông được coi là người anh hùng, nhưng sự nghiệp của ông gặp bước ngoặt vì mối quan hệ với một phụ nữ đã có gia đình. Bị phế truất khỏi cương vị đứng đầu Đảng Nghị viện Ireland trong Quốc hội Anh, bị cô lập, xa lánh, phỉ nhổ cả ở quê nhà Ireland và Anh, ông qua đời lặng lẽ khi mới 45 tuổi. Tuy nhiên những người trung thành và ngưỡng mộ Parnell cho rằng ông là nạn nhân của những toan tính đê tiện, và mỗi năm họ tưởng niệm ngày mất của ông với một lá thường xuân, biểu tượng cho sự hồi sinh, gài trên ve áo.
2 Phòng Hội đồng: Phòng Hội đồng trong tòa nhà trụ sở của Đảng Dân tộc Ireland, trên phố Wicklow trung tâm bờ nam Dublin (Gifford). Từ “Phòng Hội đồng” còn ám chỉ phòng Hội đồng số 15 trong trụ sở Quốc hội Anh tại London, là nơi đã diễn ra cuộc họp phế truất Parnell khỏi cương vị lãnh đạo Đảng Nghị viện Ireland tháng 12 năm 1890.
Già Jack lấy mảnh bìa vun đống tro lại và thận trọng rải lên đống than đang dần chuyển sang màu trắng. Khi đống than đã được phủ một lớp
mỏng khuôn mặt ông chìm vào bóng tối nhưng, lúc ông chuẩn bị cời cho ngọn lửa cháy lên, cái bóng lom khom của ông in trên bức tường đối diện và khuôn mặt ông lại chầm chậm hiện ra dưới ánh sáng. Đó là khuôn mặt của một ông già, xương nhô cao và đầy râu tóc. Đôi mắt xanh kèm nhèm hấp háy trước ánh lửa và cái miệng lẹp nhẹp thỉnh thoảng lại trễ xuống, trệu trạo máy móc cho đến khi nó khép lại. Khi đám tro cháy hết ông đặt mảnh bìa dựa vào tường, thở dài và nói:
- Giờ thì ổn hơn rồi, ngài O’Connor.
Mr O’Connor, một người đàn ông trẻ tuổi tóc màu xám, khuôn mặt biến dạng bởi vô số mụn nhọt, vừa cuốn xong một điếu thuốc lá đều đặn tuyệt đẹp nhưng khi nghe thấy câu nói bèn trầm tư tháo công trình nghệ thuật của mình ra. Rồi anh ta bắt đầu trầm ngâm cuốn lại điếu thuốc và sau một giây suy nghĩ bèn quyết định liếm viền giấy cuốn.
- Ngài Tierney có nói bao giờ sẽ quay lại không? - anh ta hỏi, giọng the thé hơi khàn.
- Ông ấy không nói.
Mr O’Connor đưa điếu thuốc lên miệng và bắt đầu lục tìm trong túi áo. Anh ta lôi ra một tập các mỏng.
- Để tôi lấy diêm cho ngài, - ông lão nói.
- Không sao, cái này được rồi, - Mr O’Connor nói.
Anh ta chọn một trong những tấm các và đọc những gì in trên đó:
BẦU CỬ HỘI ĐỒNG THÀNH PHỐ3 KHU VỰC ROYAL EXCHANGE4
3 Bầu cử Hội đồng thành phố: Bầu cử ủy viên Hội đồng thành phố Dublin. Thời đó người bầu cử ở Dublin được quy định là nam giới trên 21 tuổi với mức thu nhập nhất định (Gifford).
4 Khu vực Royal Exchange: Khu trung tâm bờ nam Dublin, trong đó có Tòa Thị chính và Lâu đài (Sở cảnh sát Dublin), những trung tâm quyền lực chính trị của giới Ireland gốc Anh hoặc thân Anh (Gifford).
Ngài Richard J. Tierney, P.L.G.5, trân trọng đề nghị có được phiếu bầu và sự ủng hộ của ngài trong cuộc bầu cử sắp tới tại khu vực Royal Exchange.
5 P.L.G.: Từ viết tắt của Poor Law Guardian, quan chức quản lý việc thi hành Luật Hỗ trợ Người nghèo, bằng cách tìm việc làm cho họ, nhưng thật ra những quan chức này bị coi là chuyên đi áp bức người nghèo (Gifford).
Mr O’Connor được cơ quan phụ trách tranh cử của Mr Tierney đề nghị tham gia tổ chức vận động bỏ phiếu tại một khu phố nhưng, bởi thời tiết đang thật khắc nghiệt và hai bốt của anh ta ướt nhẹp, anh ta dành gần như cả ngày hôm nay ngồi bên lò sưởi trong phòng Hội đồng trên phố Wicklow6 với Jack, người gác cửa già. Họ cứ ngồi như vậy từ lúc cái ngày ngắn ngủi chuyển sang bóng tối. Đó là ngày 6 tháng 10, ngoài trời ảm đạm và lạnh lẽo.
6 Phố Wicklow: Phố nằm ở trung tâm bờ nam Dublin.
Mr O’Connor xé một mẩu tấm các và mồi nó, châm thuốc. Trong lúc anh ta châm thuốc ánh lửa lóe sáng trên ve áo khoác anh ta một lá thường xuân bóng, sẫm màu. Ông lão quan sát anh ta chăm chú và rồi, lại nhấc mảnh bìa lên, bắt đầu chậm rãi cơi lò trong khi người bầu bạn của ông hút thuốc.
- Vâng, đúng vậy, - ông tiếp tục, - nuôi dạy con cái khó lắm. Ai mà nghĩ được giờ nó lại đổ đốn ra như thế! Tôi đã gửi nó theo học trường Christian Brothers, tôi đã làm tất cả những gì có thể cho nó, để rồi giờ nó chỉ say sưa tối ngày như thế. Tôi đã cố gắng để nó thành người tử tế.
Ông đặt lại tấm bìa xuống một cách mệt nhọc.
- Giờ tôi già rồi chứ không tôi đã sửa gáy cho nó. Tôi sẽ lấy roi cho nó một trận đến khi nào mệt quá không đứng nổi thì thôi - như trước kia tôi vẫn làm. Mẹ nó, ngài biết đấy, thì suốt ngày tâng nó lên thế nọ thế kia...
- Như thế chỉ làm hư con cái, - Mr O’Connor nói.
- Chính thế đấy, - ông lão nói. - Mà có được cảm ơn lời nào đâu, chỉ toàn hỗn láo. Mỗi lần thấy tôi uống tí chút là lại lên mặt dạy đời. Có đời thủa nhà ai con cái lại ăn nói với cha nó như thế không kia chứ?
- Nó bao nhiêu tuổi? - Mr O’Connor nói.
- Mười chín, - ông già nói.
- Sao ông không kiếm cho nó việc gì?
- Có chứ, từ hồi nó học xong đến giờ lúc nào tôi chẳng nói với thằng lỏi nghiện ngập. Tao không nuôi mày đâu, - tôi bảo nó. - Mày phải tự mà đi kiếm việc. Nhưng, lúc nào kiếm được việc rồi thì chắc chắn còn tệ hơn; nó chẳng nướng tiền hết vào rượu ấy chứ.
Mr O’Connor lắc đầu thông cảm, và ông lão chìm vào im lặng, nhìn đăm đăm vào lò sưởi. Ai đó mở cửa căn phòng và gọi to:
- Xin chào! Họp Hội Tam điểm phỏng?
- Ai đó? - ông lão nói.
- Mấy người đang thậm thụt gì trong bóng tối vậy? - một giọng cất lên.
- Có phải cậu không, Hynes? - Mr O’Connor hỏi.
- Phải. Mấy người đang thậm thụt gì trong bóng tối vậy? - Mr Hynes nói, bước vào vùng sáng của lò sưởi.
Anh ta là một chàng trai cao ráo, mảnh dẻ, có hàng ria màu nâu nhạt. Những hạt mưa nhỏ nặng trĩu bám trên viền mũ và cổ áo khoác dựng lên.
- Chào, Mat, - anh ta nói với Mr O’Connor. - Mọi chuyện thế nào?
Mr O’Connor lắc đầu. Ông lão đã rời lò sưởi, và sau khi dò dẫm quanh phòng, quay trở lại với hai giá nến, châm lần lượt vào lò sưởi và đặt lên bàn. Một căn phòng trần trụi hiện ra và ánh lửa bỗng mất đi tất cả những sắc vui tươi của nó. Bốn phía tường trơ trọi, chỉ độc một bản in địa chỉ bầu cử. Chính giữa phòng là một cái bàn nhỏ chất đống giấy tờ.
Mr Hynes đứng dựa vào bệ lò sưởi và hỏi:
- Lão trả tiền cho cậu chưa?
- Chưa, - Mr O’Connor nói. - Cầu Chúa lão sẽ không bỏ rơi chúng ta đêm nay.
Mr Hynes cười lớn.
- Dào, lão sẽ trả cho cậu. Không phải lo đâu, - anh ta nói.
- Tớ hy vọng lão sẽ chơi đẹp nếu đúng là lão muốn làm ăn nghiêm túc, - Mr O’Connor nói.
- Ông nghĩ sao, Jack? - Mr Hynes hỏi ông lão một cách mỉa mai.
Ông lão trở lại chỗ ngồi của mình bên lò sưởi, nói:
- Dù gì thì cũng không phải vấn đề tiền đâu. Không giống những quân khố rách áo ôm khác.
- Những quân khố rách áo ôm nào? - Mr Hynes hỏi.
- Colgan, - ông già nói một cách ghê tởm.
- Có phải vì Colgan là dân lao động mà ông nói thế không? Đâu là sự khác nhau giữa một người thợ nề giỏi giang trung thực và một chính trị gia - hử? Chẳng nhẽ người lao động không có quyền được vào Hội đồng Thành phố như những người khác phải có nhiều quyền hơn những kẻ chuyên liếm gót bọn Anh, suốt ngày chăm chăm ngả mũ cúi chào bất cứ ai có chức tước? Không đúng thế sao, Mat? - Mr Hynes nói, hướng về phía Mr O’Connor.
- Tớ nghĩ cậu nói đúng, - Mr O’Connor nói.
- Đàn ông là phải trung thực và dám đương đầu. Anh ta xứng đáng được đại diện cho tầng lớp lao động7. Cái gã ông đang phục vụ thực ra chỉ nhăm nhe kiếm chác một vai vế chính trị thôi.
7 Số lượng những người bỏ phiếu thuộc tầng lớp lao động rất ít.
- Tất nhiên, tầng lớp lao động nên được có đại diện, - ông già nói.
- Người lao động, - Mr Hynes nói, - chỉ nhận được toàn đấm đá mà không được một xu. Nhưng chính lao động làm ra tất cả. Những người lao động không tìm kiếm chỗ làm béo bở cho con trai, cháu trai và anh em họ. Những người lao động sẽ không kéo danh dự của Dublin xuống bùn đen để làm vừa lòng một vương triều Đức8.
8 Ông vua người Đức: Edward VII (1841-1910), vua nước Anh và Ireland, là hậu duệ của một gia đình vương tôn Đức. Cả vương triều Nữ hoàng Victoria, mẹ ông, và vương triều ông đều có quan hệ thân thiết với Đức.
- Sao lại thế? - ông già hỏi.
- Ông không biết họ đang muốn đọc diễn văn chào mừng9 Edward Rex nếu năm sau ông ta đến đây sao? Chúng ta muốn gì mà phải quỳ lạy một ông vua ngoại quốc chứ?
9 Diễn văn chào mừng: Theo quan điểm của những người phái Dân tộc thì đây là hành động khúm núm thể hiện sự quy thuận của Ireland với ách cai trị của Anh.
- Người của chúng ta sẽ không bầu cho bài diễn văn, - Mr O’Connor nói. - Ông ấy là ứng cử viên phái Dân tộc chủ nghĩa.
- Ông ấy sẽ không bầu ấy à? - Mr Hynes hỏi. - Cậu cứ chờ xem ông ta có làm thế hay không. Tớ biết ông ấy. Có phải là Tierney Trí trá Ti tiện không?
- Thề có Chúa! Có lẽ cậu nói đúng, Joe, - Mr O’Connor nói. - Dù sao, tớ mong ông ấy sẽ xuất hiện với những đồng xèng.
Ba người im lặng. Ông lão lại bắt đầu vun tro lại. Mr Hynes bỏ mũ ra, giũ giũ, rồi bẻ cổ áo khoác xuống, lộ ra một chiếc lá thường xuân trên ve áo.
- Nếu người đàn ông này còn sống, - anh ta nói, chỉ vào chiếc lá, - thì giờ chúng ta đã chẳng phải nói về bài diễn văn chào mừng.
- Đúng vậy, - Mr O’Connor nói.
- Đúng trên cả đúng, Chúa phù hộ cho mấy thời đó! - ông già nói. - Hồi đó quả là sôi động.
Căn phòng lại rơi vào im lặng. Rồi một người đàn ông nhỏ thó dáng tất bật, mũi khụt khịt và tai lạnh cóng đẩy cửa vào. Anh ta bước nhanh đến chỗ lò sưởi, hai tay xoa vào nhau như thể muốn đánh ra lửa.
- Không có tiền, các chàng trai, - anh ta nói.
- Ngồi xuống đây, ngài Henchy, - ông lão nói, nhường ghế cho anh ta.
- Ô, cứ ngồi yên, Jack, cứ ngồi yên, - Mr Henchy nói.
Anh ta gật đầu nhanh với Mr Hynes và ngồi xuống cái ghế ông già vừa đứng lên.
- Cậu có làm phố Aungier10 không? - anh ta hỏi Mr O’Connor.
10 Phố Aungier: Phố trung tâm bờ nam Dublin.
- Có, - Mr O’Connor nói, lục tìm trong túi áo quyển sổ ghi.
- Cậu có đi gặp Grimes không?
- Có.
- Thế nào? Ông ta về phe nào?
- Ông ấy không chịu hứa chắc. Ông ta nói: Tôi sẽ không nói với bất kỳ ai tôi sẽ bỏ phiếu thế nào. Nhưng tớ nghĩ ông ta sẽ ổn thôi.
- Sao lại thế?
- Ông ấy hỏi tớ những người đề cử ứng cử viên là ai; và tớ nói với ông ta. Tớ còn nhắc cả tên Cha Burke nữa. Tớ nghĩ sẽ ổn thôi.
Mr Henchy bắt đầu khịt mũi và xoa tay liên hồi trên lò sưởi. Rồi anh ta nói:
- Vì Chúa, Jack, hãy mang thêm cho chúng tôi ít than. Chắc phải còn một ít chứ.
Ông lão rời khỏi phòng.
- Sẽ chẳng có xu nào đâu, - Mr Henchy nói, lắc đầu. - Tớ đã đi hỏi cái gã đểu giả đấy, nhưng lão nói: Ồ vâng, thưa ngài Henchy, lúc nào thấy mọi chuyện diễn ra đúng theo kế hoạch tôi sẽ không quên ngài đâu, ngài có thể yên tâm về chuyện đó. Quân khố rách áo ôm keo kiệt! Mà đúng, lão ta còn có thể là loại người nào khác được cơ chứ!
- Tớ đã bảo cậu thế nào rồi, Mat? - Mr Hynes nói. - Tierney Trí trá Ti tiện.
- Ối dào, lão ấy còn ghê hơn thế ấy chứ, - Mr Henchy nói. - Có phải tự dưng mắt lão ấy bé tí lươn lẹo thế đâu. Quỷ tha ma bắt lão đi! Chẳng lẽ lão không thể trả tiền cho người ta thay vì cái câu: Ồ vâng, ngài Henchy, tôi phải đi hỏi ngài Fanning đã... Dạo này tôi phải chi nhiều quá. Đồ keo kiệt bần tiện! Tớ chắc lão đã quên mất cái thời ông già nhỏ thó nhà lão làm chủ tiệm đồ cũ trên phố Mary’s Lane11.
11 Phố Mary’s Lane: Phố trong khu nghèo phía bắc sông Liffey.
- Nhưng chuyện đó có đúng là thật không? - Mr O’Connor hỏi.
- Chúa ơi, thật, - Mr Henchy nói. - Cậu chưa bao giờ nghe thấy sao? Người ta vào tiệm ông già mỗi sáng Chủ nhật trước khi các quán rượu mở cửa để mua áo gi lê hoặc mua quần - thế đấy12! Nhưng ông già nhà Trí trá Ti tiện luôn có chai rượu thủ trong góc để bán. Giờ thì cậu tin chưa? Thế đấy. Đó là cái nơi lão ta chào đời.
12 Các quán rượu ở Ireland phải tuân thủ rất ngặt nghèo những quy định về giờ mở và đóng cửa, trong đó có quy định từ sáng đến trưa Chủ nhật không được mở cửa, nguyên nhân dẫn đến chuyện bán bia rượu lậu trong các giờ trên (Gifford).
Ông lão quay lại mang theo một ít than và rải lên lò sưởi.
- Chúng ta lâm vào hoàn cảnh hay quá nhỉ? – Mr O’Connor nói. - Nhưng làm sao ông ta lại có thể nghĩ bọn mình chịu làm mà ông ta lại không chịu xùy tiền ra?
- Tớ chịu rồi, - Mr Henchy nói. - Giờ mà về nhà chắc tớ sẽ thấy bọn mõ tòa đứng đầy sảnh rồi.
Mr Hynes cười to và, rướn hai vai nhấc thân mình khỏi bệ lò sưởi, chuẩn bị rời đi.
- Khi Vua Eddie13 đến, mọi chuyện sẽ ổn thỏa cả thôi, - anh ta nói. - Thôi, các chàng trai, giờ tớ phải biến đây. Gặp sau nhé. Chào.
13 Eddie: Cách gọi thân mật của Edward.
Anh ta chậm chạp rời khỏi phòng. Cả Mr Henchy lẫn ông lão đều không nói gì, nhưng, ngay khi cánh cửa đang khép lại, Mr O’Connor, từ nãy vẫn trầm tư nhìn đống lửa, bỗng nhiên gọi với theo:
- Chào, Joe.
Mr Henchy chờ một lúc rồi hất đầu về phía cửa.
- Nói cho tớ, - anh ta nói từ phía bên kia lò sưởi, - điều gì mang anh bạn của chúng ta đến đây vậy? Hắn ta muốn gì?
- Úi chà, Joe khốn khổ, - Mr O’Connor nói, ném đầu mẩu điếu thuốc của anh ta vào lò sưởi. – Anh ta rỗng túi, như bọn chúng ta thôi.
Mr Henchy khụt khịt mũi và khạc nhổ ầm ĩ đến nỗi anh ta suýt nữa làm tắt lửa, chuyện này làm dấy lên những tiếng suỵt suỵt bất bình.
- Nói riêng cho cậu biết thực sự tớ nghĩ gì, - anh ta nói. - Tớ nghĩ hắn ta là người của phe bên kia. Hắn ta là gián điệp của Colgan, nói hẳn ra là thế. Cứ đi một vòng thử xem họ đang thế nào rồi. Không ai nghi ngờ cậu đâu. Cậu có nhận ra thế không?
- Ồ không, Joe khốn khổ thực ra là người tử tế đấy, - Mr O’Connor nói.
- Cha hắn ta thì đúng là một người tử tế, đáng kính, - Mr Henchy công nhận. - Khổ thân ông già Larry Hynes! Hồi còn sống ông ấy đã làm được bao điều tử tế. Nhưng tớ thực sự e rằng cậu bạn của chúng ta không phải là người quang minh chính trực cho lắm. Chết tiệt, tớ có thể hiểu được tình cảnh không xu dính túi là thế nào, nhưng cái tớ không thể hiểu được là làm sao con người ta lại có thể kiếm chác bằng cách ăn bám như thế. Chẳng lẽ hắn không có một tí nhân cách nào hay sao?
- Lần sau mà cậu ta có đến tôi sẽ không niềm nở nữa, - ông già nói. - Cứ để cậu ta làm việc cho phe của cậu ta và đừng có lờ vờ dò xét ở đây.
- Tôi không chắc lắm, - Mr O’Connor phân vân khi anh ta lôi tập giấy cuốn và thuốc lá ra. - Tôi nghĩ Joe Hynes là người ngay thẳng. Anh ta còn là một cây bút khá sắc sảo nữa. Cậu nhớ những gì anh ta viết không...?
- Nếu mà cậu hỏi thì tớ sẽ nói có vài kẻ trong số những quân Fenian du kích đồi núi14 đó thật sao mà quá khôn khéo, - Mr Henchy nói. - Cậu có muốn nghe ý kiến thực sự của tớ về những kẻ làm trò hề đấy không? Tớ tin rằng một nửa trong số bọn họ ăn lương của Lâu đài15.
14 Quân Fenian du kích đồi núi: Nguyên văn hillsiders and fenians, từ chỉ thành viên đảng Ái hữu Cộng hòa Ireland, bắt nguồn từ phong trào Fenian những năm 1850, chủ trương lật đổ ách thống trị của Anh để lập nước Ireland Cộng hòa, bị Giáo hội Công giáo Ireland phản đối mạnh vì con đường bạo lực của họ. Những người Fenian phần lớn là giai cấp lao động bình dân, và có lẽ đó là lý do vì sao họ bị gọi là hillsider (những kẻ sống vùng đồi núi). Gifford giải thích cái tên này là do giới báo chí Anh thời đó chuyên biếm họa họ như những kẻ sống ẩn nấp trong vùng đồi núi.
15 Lâu đài: Trụ sở, đồng thời là từ chỉ cơ quan hành chính và sở cảnh sát đại diện chính quyền Anh tại Ireland. Lâu đài ở khu trung tâm bờ nam Dublin.
- Khó mà biết được, - ông lão nói.
- Ồ vâng, nhưng tôi biết chắc chắn nó là như thế, - Mr Henchy nói. - Đó là những kẻ chỉ điểm làm thuê cho Lâu đài... Tớ không nói Hynes... Không, mẹ kiếp, tớ nghĩ hắn ta rõ ràng là trên tầm đó... Nhưng có một quý ông nhỏ bé mắt lác - cậu biết ai là nhà ái quốc tớ đang nói đến chứ?
Mr O’Connor gật đầu.
- Đấy, một hậu duệ gần của Tướng Sirr16! Ôi, trái tim hừng hực của nhà ái quốc! Và thế là giờ gã bán bay Tổ quốc của mình để lấy bốn xu - oài - và quỳ mọp gối cảm ơn Đấng Quyền năng đã cho gã ta một đất nước để đi bán.
16 Tướng Sirr: Henry Charles Sirr (1764-1841), quan chức người Ireland nhưng làm việc cho quân đội Anh, đàn áp nhiều cuộc nổi dậy yêu nước của Ireland, khét tiếng vì chuyện dùng đội ngũ mật thám và cảnh sát để đàn áp (Gifford).
Có tiếng gõ cửa.
- Mời vào! - Mr Henchy nói.
Một người trông giống tu sĩ khất thực hoặc một diễn viên nghèo khổ xuất hiện ở cửa. Bộ quần áo màu đen của ông ta được cài bó sát thân hình thấp lùn và khó có thể nói cái cổ áo ông ta đang mặc là của thầy tu hay của người thường, bởi cổ chiếc áo khoác dài đã sờn của ông ta, có những chiếc khuy không cài lấp lánh phản chiếu ánh nến, được lật lên. Ông ta đội một chiếc mũ tròn đen kịt. Mặt ông ta, lấp lánh nước mưa, trông giống miếng phó mát vàng sắp mủn, trừ hai điểm màu hồng đánh dấu hai gò má. Ông ta đột ngột há cái miệng rất dài của mình ra thể hiện sự thất vọng và cùng lúc giương lớn đôi mắt màu xanh rất sáng thể hiện sự ngạc nhiên và hài lòng.
- Ô, Cha Keon! - Mr Henchy nói, đứng bật dậy khỏi ghế. - Có phải Cha đấy không? Xin mời vào!
- Ồ không, không, không! - Cha Keon nói nhanh, mím môi lại như thể đang nói với một đứa trẻ.
- Cha không vào ngồi một chút sao?
- Không, không, không! - Cha Keon nói, với một giọng dè dặt, khoan dung, êm dịu. - Đừng có bận tâm vì tôi. Tôi chỉ muốn tìm ngài Fanning...
- Ông ấy đang ở quán Đại bàng đen17, - Mr Henchy nói. - Nhưng chẳng lẽ Cha không vào đây ngồi mấy phút sao?
17 Quán Đại bàng đen: Quán rượu này là hư cấu (Gifford, Brown).
- Không, không, cảm ơn. Chỉ là mấy chuyện lặt vặt thôi ấy mà, - Cha Keon nói. - Cảm ơn rất nhiều.
Ông ta bước ra khỏi cửa và Mr Henchy, tóm lấy một giá nến, đi ra cửa để soi cho ông ta bước xuống cầu thang.
- Ấy, đừng bận tâm, tôi xin đấy!
- Không thưa Cha, cầu thang tối lắm.
- Không, không, tôi nhìn được... Cảm ơn rất nhiều.
- Cha đã xuống hết cầu thang chưa?
- Ổn rồi, cảm ơn... Cảm ơn.
Mr Henchy quay lại và đặt giá nến lên bàn. Anh ta lại ngồi xuống bên lò sưởi. Căn phòng im lặng một lúc.
- Nói cho tớ biết, John, - Mr O’Connor nói, châm điếu thuốc của anh ta bằng một tấm các khác.
- Hử?
- Thực sự ông ta là ai?
- Hỏi tớ câu khác dễ hơn đi, - Mr Henchy nói.
- Tớ thấy Fanning và ông ấy có vẻ rất thân thiết. Họ thường vào quán Kavanagh18 với nhau. Cuối cùng thì thật ra ông ấy có phải là linh mục không?
18 Kavanagh: Quán rượu nằm cạnh Tòa Thị chính và Lâu đài, là chốn quen thuộc của giới chính trị gia và những người muốn thăng tiến bằng con đường chính trị ở Dublin (Gifford).
- Ừm phải, tớ tin là vậy... Tớ nghĩ ông ta là một con chiên ghẻ, như người ta vẫn nói. Chúng ta không có nhiều kẻ như vậy, ơn Chúa, nhưng chúng ta có một số... Ông ta thật ra cũng là một người không may...
- Và làm sao ông ta kiếm sống? - Mr O’Connor hỏi.
- Đó lại là một điều bí ẩn khác.
- Ông ta có gắn với một nhà thờ hay tổ chức hay...
- Không, - Mr Henchy nói, - tớ nghĩ ông ta sống bằng tiền riêng... Chúa tha tội, - anh ta nói thêm, - tớ đã tưởng ông ấy đến đây để chuyển bia cho bọn mình.
- Liệu chúng mình có thể hy vọng được uống gì không nhỉ? - Mr O’Connor hỏi.
- Tôi cũng khát khô cả cổ, - ông lão nói.
- Tớ đã hỏi cái gã khố rách áo ôm đấy ba lần, - Mr Henchy nói, - hỏi xem lão ta có định cho người chuyển tá bia stout nào đến không. Tớ đã định hỏi, nhưng lúc đó lão đang ngả ngớn ở chỗ quầy tán hươu tán vượn với Alderman Cowley.
- Sao cậu không nhắc lão ấy? - Mr O’Connor nói.
- Dào, làm sao mà tớ xuất hiện được khi lão ta đang nói chuyện với Alderman Cowley chứ. Tớ chỉ có thể chờ cho đến khi đón được mắt lão ta, rồi nói: Về vấn đề nhỏ mà tôi đã nói với ông... Chuyện đó sẽ được giải quyết, thưa ngài H., - lão ta nói. Phải phải, tất nhiên là lão lùn đã quên tiệt rồi chứ còn sao.
- Họ đang có phi vụ gì đó hay sao ấy, - Mr O’Connor trầm tư. - Hôm qua tớ thấy ba người bọn họ thì thà thì thụt ở góc phố Suffolk19.
19 Phố Suffolk: Góc phố ngay bên cạnh phòng Hội đồng phố Wicklow.
- Tớ nghĩ tớ biết bọn họ đang bàn mưu kế gì, - Mr Henchy nói. - Bây giờ muốn được bầu làm Thị trưởng nhất thiết cậu phải nợ tiền các ủy viên hội đồng. Và họ sẽ bầu cậu làm Thị trưởng. Chúa lòng lành! Tớ đang nghiêm túc nghĩ đến chuyện phải trở thành một ủy viên hội đồng mới được. Cậu nghĩ sao? Tớ có làm được không?
Mr O’Connor cười lớn.
- Ít nhất về cái chuyện đi nợ tiền này thì...
- Ngồi xe từ Mansion House20 đi ra, - Mr Henchy nói, - mặc toàn đồ lông chồn, với Già Jack đây đầu đội tóc giả rắc phấn đứng chào phía sau - không tồi, hở?
20 Mansion House: Nơi ở của Thị trưởng Dublin, trên phố Dawnson, ngay trên bờ nam sông Liffey, có một khán phòng lớn cho thuê làm nơi hội họp biểu diễn.
- Và hãy thuê tớ làm thư ký riêng cho cậu, John.
- Phải. Và tớ sẽ đề nghị Cha Keon làm Cha tuyên úy riêng của tớ. Chúng ta sẽ có một đảng gia đình.
- Nói thật chứ, ngài Henchy, - ông già nói, - ngài còn có phong cách hơn hẳn một số người bọn họ ấy. Hôm trước tôi vừa nói chuyện với lão già gác cổng Keegan. Ông thích người chủ mới của ông chứ, Pat? Tôi hỏi lão ta. Giờ chắc ông không phải đón nhiều khách đến tiệc tùng nhỉ, - tôi nói. Tiệc tùng á! - lão ta nói. - Ông ấy sống nhờ hít mùi mỡ khăn lau bếp thì có. Và các ngài biết lão ấy đã nói gì với tôi không? Giờ, thề có Chúa, tôi không tin lời lão ta.
- Cái gì? - Mr Henchy và Mr O’Connor cùng nói.
- Lão ấy bảo tôi: Ông nghĩ thế nào về một ngài Thị trưởng Dublin ăn tối vỏn vẹn có một pound21 sườn? Cuộc sống sang trọng là thế ư? - lão ta nói. Úi chà! Úi chà, - tôi nói. Một pound sườn22, - lão ta nói, gọi đến Mansion House. Úi chà! - tôi nói, - không biết bây giờ quan chức người ta thành ra cái kiểu gì nữa không biết?
21 Pound: Đơn vị đo khối lượng của Anh, bằng 0,454 kilogram.
22 Timothy Charles Harrington giữ chức Thị trưởng Dublin (1901- 1904), vốn xuất thân từ tầng lớp thấp kém, nổi tiếng về phong cách giản dị và lòng trung thành với Parnell (Gifford).
Đúng lúc đó có tiếng gõ cửa, và một thằng bé thò đầu vào.
- Cái gì thế? - ông già hỏi.
- Cái này từ quán Đại bàng đen, - thằng bé nói, tiến vào và đặt một cái bị lên sàn bên trong lanh canh tiếng chai.
Ông già giúp thằng bé chuyển chai lên bàn và kiểm lại số lượng. Chuyển xong thằng bé đeo bị vào tay và hỏi:
- Có vỏ chai nào không?
- Vỏ chai gì? - ông già hỏi.
- Chẳng nhẽ mày không để bọn tao uống cái đã à? - Mr Henchy nói.
- Tôi được dặn là phải hỏi lấy lại vỏ chai.
- Mai quay lại, - ông lão nói.
- Này, nhóc! - Mr Henchy nói. - Mày chạy ra quán O’Farrell hỏi mượn cho chúng tao cái mở chai được không - nói là cho ngài Henchy. Nói với ông ấy là bọn tao trả ngay. Cứ để bị ở đây.
Thằng bé đi ra và Mr Henchy vui vẻ xoa hai tay, nói:
- À, ừ, dù sao thì lão ấy cũng đâu có tệ lắm. Cuối cùng thì lão ấy cũng biết giữ lời.
- Không có cốc đâu, - ông lão nói.
- Ấy, đừng để chuyện đó làm ông mất vui chứ, Jack, - Mr Henchy nói. - Đã có bao trang nam tử trước chúng ta từng uống thẳng từ chai mà.
- Dù sao thì thế này cũng tốt hơn là không có gì, - Mr O’Connor nói.
- Lão ta không phải loại tệ lắm, - Mr Henchy nói, - chỉ tội lão bị Fanning sai khiến nhiều quá. Lão ấy có ý tốt, cậu biết đấy, tốt theo cái kiểu thấp kém của lão.
Thằng bé quay lại với cái mở chai. Ông lão mở ba chai và đang chuẩn bị đưa lại cái mở chai cho thằng bé thì Mr Henchy nói với nó:
- Mày có muốn uống không, nhóc?
- Thưa, nếu ngài cho phép, - thằng bé nói.
Ông lão miễn cưỡng mở một chai nữa và đưa cho thằng bé.
- Mày bao nhiêu tuổi? - ông ta hỏi.
- Mười bảy, - thằng bé nói.
Bởi ông già không nói gì nữa, thằng bé nâng chai bia lên, nói với Mr Henchy: Xin kính chúc sức khỏe ngài, uống cạn, đặt lại cái vỏ chai lên bàn và lấy ống tay áo quệt miệng. Rồi nó nhặt cái mở chai lên và tiến ra cửa, miệng lẩm bẩm cái gì đó như lời chào.
- Chẳng chóng thì chầy rồi cũng hỏng thôi, - ông già nói.
- Rồi không rút chân ra được, - Mr Henchy nói.
Ông lão chia ba chai bia vừa mở cho từng người và họ cùng dốc chai uống. Rồi mỗi người đặt chai của mình lên bệ lò sưởi và khà một hơi dài thỏa mãn.
- Ừ, hôm nay tớ cũng làm được kha khá, - Mr Henchy nói, sau một lúc.
- Thế hả, John?
- Ừ. Tớ lấy được cho lão ta một hay hai phiếu chắc chắn ở phố Dawson23, tớ và Crofton. Nói riêng cho cậu biết nhé, Crofton (tất nhiên hắn ta là người tử tế rồi) là tay vận động không đáng một xu. Chẳng nói được lời nào, cứ câm như hến. Chỉ biết đứng đấy giương mắt nhìn trong lúc tớ diễn thuyết.
23 Phố Dawnson: Phố lớn khu trung tâm Dublin, song song với phố Grafton, có nhiều cửa hàng.
Đến đây hai người đàn ông bước vào phòng. Một trong hai người rất to béo, đến nỗi bộ quần áo vải xéc màu xanh của anh ta dường như có nguy cơ bật tung khỏi thân hình dốc đứng. Anh ta có khuôn mặt to bè, vẻ mặt trông giống như mặt một con bò đực non, đôi mắt xanh nhìn chằm chặp và hàng ria hoa râm. Người kia, trẻ và mảnh dẻ hơn rất nhiều, mặt gầy gò, nhẵn nhụi. Anh ta mặc một chiếc áo cổ kép rất cao và đội mũ tròn vành rộng.
- Chào, Crofton! - Mr Henchy nói với người to béo. - Vừa nhắc đến sói thì sói xuất hiện...
- Bia bọt đâu ra thế này? - người đàn ông trẻ hỏi. - Ăn mừng cái gì à?
- Ha, tất nhiên rồi, Lyons luôn đánh hơi được rượu đầu tiên! - Mr O’Connor nói, cười lớn.
- Lũ các cậu đi vận động thế này hả, - Mr Lyons nói. - Còn tớ và Crofton thì dầm mưa đi kiếm phiếu?
- Cái gì chứ, quỷ tha ma bắt các cậu đi, - Mr Henchy nói. - Trong năm phút tớ còn kiếm được nhiều phiếu hơn hai đứa nhà cậu kiếm trong một tuần.
- Hãy mở hai chai nữa, Jack, - Mr O’Connor nói.
- Làm sao tôi làm được, - ông lão nói, - khi không có cái mở chai đây?
- Chờ chút, chờ chút! - Mr Henchy đứng nhanh dậy. - Đã bao giờ các cậu thấy trò này chưa?
Anh ta lấy hai chai bia trên bàn, mang đến lò sưởi, đặt vào ngăn nướng. Rồi anh ta lại ngồi xuống bên lò sưởi và nâng chai uống một ngụm bia nữa. Mr Lyons ngồi lên mé bàn, kéo mũ xuống sau gáy và bắt đầu đung đưa hai chân.
- Chai nào là của tớ? - anh ta hỏi.
- Đây, ông bạn, - Mr Henchy nói.
Mr Crofton ngồi xuống một cái hòm và nhìn đăm đăm vào cái chai còn lại trong lò nướng. Anh ta im lặng vì hai lẽ. Thứ nhất, lý do này là đủ, anh ta không có gì để nói; thứ hai là anh ta cho những người bạn của mình đều dưới tầm. Anh ta từng làm người đi vận động bỏ phiếu cho Wilkins, ứng viên Đảng Bảo thủ24, nhưng khi Đảng Bảo thủ rút người và, lựa chọn cái đỡ tồi tệ hơn trong hai cái tồi tệ và, tính đến sự ủng hộ của người ta đối với ứng viên phái Dân tộc chủ nghĩa, anh ta bằng lòng làm việc cho Mr Tierney.
24 Đảng Bảo thủ Ireland liên minh với Đảng Bảo thủ Anh, ủng hộ chủ trương hợp nhất Ireland vào Anh.
Mấy phút sau một tiếng Pốc! đầy hối lỗi vang lên và cái nắp bay ra khỏi chai bia của Mr Lyons. Mr Lyons nhảy phắt khỏi bàn, đi tới lò sưởi, lấy chai bia của anh ta và mang lại bàn.
- Tớ đang nói với họ đây, Crofton, - Mr Henchy nói, - rằng hôm nay chúng ta kiếm được kha khá phiếu.
- Các cậu được những ai? - Mr Lyons hỏi.
- Ừ, tớ có Parkes là một này, Atkinson là hai này, và cả Ward ở phố Dawson nữa25. Ông ấy cũng tử tế, vị quý tộc già, thành viên già Đảng Bảo thủ đấy! Nhưng chẳng phải ứng cử viên của ngài là người phái Dân tộc chủ nghĩa sao? - ông ấy hỏi. Ông ấy là người có uy tín, tớ nói. Ông ấy ủng hộ tất cả những gì mang lợi cho đất nước này. Ông ấy nộp rất nhiều thuế điền sản, - tớ nói. Ông ấy có rất nhiều tài sản nhà cửa trong thành phố và ba hãng buôn, chẳng nhẽ ông ấy lại không muốn thuế được giảm thấp nhất có thể? Ông ấy là một công dân xuất chúng và đáng kính, - tớ nói, - và là một đại biểu Luật Trợ giúp Người nghèo nữa, và ông ấy không theo một tổ chức đảng phái nào hết, phe tả, phe hữu hay trung. Nói với bọn họ là phải nói như vậy.
25 Parkes, Atkinson, Ward: Những cái tên gốc Anh và do đó có thể là người Tin Lành, ủng hộ chuyện hợp nhất Ireland với Anh. Lấy được phiếu của họ, đó là một chiến công lớn (Brown).
- Thế còn bài diễn văn đón chào đức vua? - Mr Lyons nói, sau khi đã uống bia và chẹp chẹp môi.
- Nghe tớ này, - Mr Henchy nói. - Những gì chúng ta cần cho đất nước này, như tớ nói với Già Ward, là vốn. Chuyến thăm của đức vua đến đây có nghĩa tiền sẽ chảy về đất nước này. Những công dân Dublin sẽ hưởng lợi từ đó. Hãy nhìn đám nhà máy bên ke sông đấy, ngắc ngoải! Hãy nhìn xem liệu sẽ có bao nhiêu tiền trong đất nước này nếu như chúng ta chỉ có những ngành công nghiệp già cỗi, những xưởng sản xuất, xưởng đóng tàu và nhà máy. Chúng ta cần vốn.
- Nhưng hãy nhìn xem, John, - Mr O’Connor nói. - Tại sao chúng ta phải chào đón vua nước Anh cơ chứ? Chẳng nhẽ không phải chính Parnell đã...26
26 Khi Vua Edward, lúc đó còn là Hoàng tử xứ Wales, tới thăm Ireland năm 1885, Parnell đã kêu gọi những người cùng phe hãy phớt lờ sự kiện này (Gifford).
- Parnell, - Mr Henchy nói, - đã chết rồi. Nào, đây là cách tớ nhìn mọi chuyện đây. Ông vua ấy đâu có được ngôi đâu, bà mẹ già của ông ta giữ tiệt lấy nó cho đến khi ông ta bạc tóc27. Ông ta là người hiểu biết, và ông ta đâu có ý xấu đối với chúng ta. Ông ta là một gã tử tế, vui vẻ, nếu các cậu hỏi tớ, và không có tai tiếng gì. Ông ta chỉ tự nhủ thế này: Bà già ta chẳng bao giờ đi gặp những người Ireland hoang dã này28. Thề có Chúa, ta sẽ tự đi xem họ như thế nào. Và chẳng nhẽ chúng ta sẽ lăng mạ khi ông ta đến đây trong một chuyến thăm hữu nghị sao? Hả? Không đúng sao, Crofton?
27 Nữ hoàng Victoria trị vì đến lúc bà qua đời năm 82 tuổi (năm 1901), truyền lại ngôi cho Edward khi ông đã 60 tuổi.
28 Điều này là không đúng vì Nữ hoàng Victoria đã đến Ireland bốn lần, trong các năm 1849-1900.
Mr Crofton gật đầu.
- Nhưng dù sao bây giờ, - Mr Lyons nói, giọng tranh cãi, - cuộc đời của Vua Edward, các cậu biết đấy, cũng không phải là...29
29 Vua Edward nổi tiếng là người chơi bời với nhiều scandal tình ái.
- Chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi, - Mr Henchy nói. - Cá nhân tớ, tớ ngưỡng mộ ông ta. Ông ta cũng chỉ là một gã vui tính như những người khác, như cậu như tớ. Ông ta thích cốc rượu grog30 của ông ta và ông ta hơi chơi bời một tí, có lẽ vậy, và ông ta chơi thể thao tốt. Quỷ tha ma bắt, chẳng lẽ người Ireland chúng ta không thể công bằng được một chút hay sao?
30 Rượu grog: Rượu trắng pha nước nóng, chanh, đường.
- Tất cả những chuyện đó đều không sao, - Mr Lyons nói. - Nhưng giờ hãy xem trường hợp của Parnell.
- Có Chúa chứng giám, - Mr Henchy nói, - hai trường hợp có gì giống nhau kia chứ?
- Ý tớ là, - Mr Lyons nói, - chúng ta có những lý tưởng riêng của mình. Vậy, tại sao chúng ta lại phải đón chào một người như thế? Các cậu có nghĩ rằng sau tất cả những gì Parnell đã làm thì ông ta vẫn xứng đáng để lãnh đạo chúng ta? Và tại sao chúng ta không chấp thuận để Vua Edward VII làm?
- Hôm nay là kỷ niệm ngày Parnell mất, - Mr O’Connor nói, - và đừng có làm chúng ta phải sôi máu lên một cách vô nghĩa làm gì. Chúng ta đều kính trọng ông ấy, giờ đây khi ông ấy đã chết, ngay cả những người Đảng Bảo thủ, - anh ta thêm vào, quay về phía Mr Crofton.
Pốc! Cái nắp giờ mới chịu bay khỏi miệng chai bia của Mr Crofton. Mr Crofton rời khỏi cái hòm đang ngồi và đi về phía lò sưởi. Quay lại với chiến lợi phẩm anh ta nói bằng giọng trầm trầm:
- Phe bọn tớ tôn trọng ông ấy, bởi ông ấy là một quý ông thực sự.
- Cậu nói rất đúng, Crofton! - Mr Henchy hùng hồn. - Ông ấy là người duy nhất có thể dẹp yên được cái tổ mèo đó. Nằm im nào! Nằm xuống! Đó là cách ông ấy đối xử với họ. Vào đi, Joe! Vào đi! - Anh ta gọi to, thoáng thấy bóng Mr Hynes phía cửa.
Mr Hynes chậm rãi bước vào.
- Mở một chai nữa đi, Jack, - Mr Henchy nói. -Ấy, tôi quên mất là không có cái mở chai! Nào, đưa tôi một chai rồi tôi để vào lò sưởi nào.
Ông lão đưa cho anh ta một chai khác và anh ta đặt nó lên ngăn nướng.
- Ngồi xuống đi, Joe, - Mr O’Connor nói. - Bọn tớ đang nói về Ông Cả31ấy mà.
31 Nguyên văn là “Chief”: Những người ủng hộ Parnell thường gọi ông thân mật là Ông Cả.
- Phải, phải! - Mr Henchy nói.
Mr Hynes ngồi trên mép bàn gần Mr Lyons nhưng không nói gì.
- Dù gì thì cũng có một người trong bọn họ, - Mr Henchy nói, - không từ bỏ ông ấy. Thề có Chúa, tớ nói là nói cậu đấy, Joe! Không, thề có Chúa, cậu tôn sùng ông ấy!
- Ừ phải, - Joe, Mr O’Connor đột nhiên nói, - đọc cho bọn tớ nghe cái bài cậu viết hồi trước đi - cậu có nhớ không? Cậu có mang theo nó không?
- Phải đấy! - Mr Henchy nói. - Đọc cho bọn tớ đi. Cậu chưa bao giờ nghe bài ấy phải không, Crofton? Thế thì giờ nghe nhé: tuyệt tác đấy.
- Đọc đi, - Mr O’Connor nói. - Đọc đi nào, Joe.
Mr Hynes có vẻ không hiểu ngay họ đang nói đến bài viết nào, nhưng sau một lúc nghĩ ngợi, anh ta nói:
- À, cái bài đấy ấy à... Tất nhiên rồi, giờ thì nó cổ rồi.
- Đọc đi, anh bạn! - Mr O’Connor nói.
- Suỵt, suỵt, - Mr Henchy nói. - Nào, Joe!
Mr Hynes ngần ngừ một lúc nữa. Rồi trong sự im lặng của căn phòng anh ta bỏ mũ xuống, đặt lên bàn và đứng dậy. Anh ta có vẻ như đang nhẩm lại bài thơ trong đầu. Sau một khoảng lặng khá dài anh ta đọc to:
Cái chết của PARNELL
Ngày 6 tháng 10 năm 1891
Anh ta hắng giọng mấy lượt rồi bắt đầu đọc:
Ông đã chết.
Vị Vua không vương miện của chúng ta đã chết.
Ôi, Erin32, hãy nhỏ lệ khóc than
32 Erin: Tên lãng mạn mà các thi sĩ và các nhà hoạt động Dân tộc chủ nghĩa Ireland thế kỷ XIX gọi Ireland, nhất là để đối chọi với Anh.
Vì ông ngã xuống bởi lũ người tàn bạo
Lũ giả nhân giả nghĩa tân thời.
Ông chết bởi bầy chó săn hèn hạ
Lũ ông từng vinh danh từ bùn đen;
Và hoài bão ước mơ của Erin
Giờ tàn lụi dưới giàn thiêu vương quốc.
Trong lâu đài, nhà nhỏ hay mái lá
Thổn thức những trái tim Ireland
Đang trĩu nặng buồn đau - ông đã ra đi
Người đã có thể làm Ireland đổi thay số phận
Người đã làm vinh danh Erin,
Lá cờ xanh tung bay kiêu hãnh,
Những chính khách, nhà thơ, chiến binh dũng mãnh
Đã có thể được thế giới cúi chào.
Ông đã mơ (ôi chao cũng vẫn chỉ là mơ!)
Về Tự do: nhưng khi ông đang gắng sức
Vươn tới nó, thì bỗng nhiên phản trắc
Chia lìa ông khỏi cái đích hằng mơ.
Nhục nhã thay bọn đê tiện nhát hèn
Phản bội lại Đức ngài của họ
Bán đứng Người cho đám đông vô lại
Những thầy tu hèn hạ - đám kẻ thù.
Cầu cho nỗi nhục muôn đời này thiêu cháy hết
Trí nhớ của những kẻ đã gắng công
Làm mờ đi, vấy bẩn cái tên
Của con người chúng phải quỳ dưới gối.
Ông ngã xuống như những trang hào kiệt,
Đến phút cuối vẫn không chịu cúi đầu,
Và cái chết giờ đưa ông về với
Những anh hùng quá khứ của Erin.
Không tranh cãi nào kinh động giấc ngàn thu!
Ông yên nghỉ bình yên: không nỗi đau trần thế
Cũng không tham vọng nào lay động ông nữa
Kể cả những đỉnh cao vinh quang.
Chúng đã đẩy được ông ngã xuống.
Nhưng Erin, hãy nghe, linh hồn ông sẽ
Bay lên, như Phượng hoàng bay từ lửa,
Khi ngày rạng lóe sáng ánh bình minh,
Ngày đó chúng ta có Tự do ngự trị.
Và cũng chính ngày đó, Erin
Khi nâng chén uống mừng vui chiến thắng
Sẽ tìm lại bồi hồi một giọt nhớ Parnell.
Mr Hynes ngồi lại lên bàn. Khi anh ta đọc xong bài thơ, căn phòng im lặng một lúc rồi òa lên tiếng vỗ tay: ngay cả Mr Lyons cũng vỗ tay. Tràng vỗ tay kéo dài một lúc. Khi nó dừng tất cả người nghe im lặng uống chai bia của mình.
Pốc! Cái nắp bay ra từ chai bia của Mr Hynes, nhưng Mr Hynes vẫn ngồi im trên bàn, mặt đỏ bừng và đầu trần. Anh ta có vẻ như không nghe thấy lời mời gọi.
- Khá lắm, Joe! - Mr O’Connor nói, lôi đống giấy cuộn và túi thuốc lá của mình ra, đúng hơn là để che giấu cảm xúc.
- Cậu nghĩ thế nào về nó, Crofton? - Mr Henchy kêu lên. - Hay đấy chứ? Thế nào nào?
Mr Crofton nói đó là một bài thơ được viết rất hay.