Mr Holohan, thư ký trợ lý Hội Eire Abu1, tất tả xuôi ngược khắp Dublin gần một tháng nay, tay và túi áo đầy những mẩu giấy nhem nhuốc, lo chuẩn bị cho loạt buổi hòa nhạc sắp tới. Một chân bị khập khiễng nên bạn bè gọi ông là Holohan Thọt. Ông chạy đi chạy lại, đứng hàng giờ nơi góc phố tranh cãi thuyết phục, rồi ghi chép; nhưng rốt cuộc cuối cùng chính Mrs Kearney mới là người định đoạt mọi chuyện.
1 Eire Abu: Tiếng Ireland, có nghĩa “Ireland chiến thắng” - khẩu hiệu nổi tiếng của phái Dân tộc chủ nghĩa ở Ireland (Brown).
Miss Devlin đã trở thành Mrs Kearney một cách tình cờ. Cô được giáo dục trong một trường dòng danh tiếng, nơi cô học tiếng Pháp và nhạc. Bởi cái vẻ trắng xanh từ bé và cung cách cứng rắn, cô có rất ít bạn ở trường. Khi đến tuổi lấy chồng cô được cử đến rất nhiều nhà, và những bản nhạc cô chơi cùng với vẻ tháp ngà của cô vô cùng được ngưỡng mộ. Cô ngồi giữa vòng tròn lạnh lẽo những thành quả của mình, chờ đợi một kẻ si tình dám đương đầu với nó và trao cho cô một cuộc sống chói lọi. Nhưng những gã trai trẻ cô gặp chỉ toàn những kẻ tầm thường và cô quyết không tỏ ý khuyến khích họ, cố gắng an ủi những khao khát lãng mạn của mình bằng cách âm thầm ngốn kẹo gôm Thổ Nhĩ Kỳ2. Tuy nhiên, khi đã đến gần giới hạn và bạn bè bắt đầu bàn tán xì xào, cô làm họ im miệng bằng cách cưới Mr Kearney, chủ tiệm đóng giày ở ke Ormond3.
2 Kẹo gôm Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Delight): Loại kẹo dẻo truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, làm từ tinh bột và đường mạch nha, nhiều hương vị, bắt đầu du nhập vào thế giới Tây phương từ thế kỷ XIX và rất được ưa chuộng, coi là mốt.
3 Chủ tiệm đóng giày ở ke Ormond: Ke Ormond nằm phía bờ bắc sông Liffey, trung tâm Dublin. Một chủ tiệm đóng giày sẽ được xếp vào giới trung lưu giàu có, bởi nghề đóng giày thời đó là một nghề danh giá tại Anh và Ireland.
Ông hơn bà rất nhiều tuổi. Những lời của ông, rất nghiêm túc, phát ra từ khoảng trống giữa bộ râu xồm lớn màu nâu. Sau năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân, Mrs Kearney hiểu ra rằng một người đàn ông như thế sẽ mang lại nhiều lợi lộc hơn là một kẻ lãng mạn, nhưng bà không bao giờ cất đi những ý tưởng lãng mạn của riêng mình. Ông đứng đắn, tằn tiện, và sùng đạo; thứ Sáu đầu tiên tháng nào ông cũng đi quỳ trước bàn thờ Chúa4, đôi khi cùng với bà, nhưng thường là chỉ một mình. Nhưng bà chưa bao giờ vì thế mà lơi là tôn giáo của mình và luôn là một người vợ tốt đối với ông. Lúc tiệc tùng ở những ngôi nhà xa lạ chỉ cần bà hơi nhướn lông mày là ông đứng dậy cáo từ ngay và, mỗi khi cơn ho làm phiền ông, bà lại quấn chiếc chăn nhồi lông vịt biển quanh chân ông và làm một cốc rượu punch pha rum.
4 Thứ Sáu đầu tháng quỳ trước bàn thờ Chúa: Xem chú thích 1 trang 79.
Về phần mình, ông là một người cha mẫu mực. Bằng cách mỗi tuần trả một khoản nhỏ cho một công ty bảo hiểm, ông đảm bảo cho cả hai cô con gái mình mỗi cô có được món hồi môn hơn một trăm bảng khi họ hai mươi tư tuổi. Ông đã gửi cô con gái lớn, Kathleen, đến một trường dòng tốt, ở đó cô được học tiếng Pháp và nhạc, và sau đó trả tiền cho cô học tại Nhạc viện5. Năm nào cứ đến tháng Bảy Mrs Kearney lại tìm được cớ nói với bạn:
- Ông chồng tuyệt vời của tôi đang chuẩn bị đưa cả nhà đi Skerries nghỉ mấy tuần.
Nếu không phải Skerries thì sẽ là Howth hoặc Greystones6.
5 Nhạc viện: Nhạc viện Hoàng gia Ireland, trên phố Westland Row, khu trung tâm bờ nam Dublin.
6 Skerries, Howth, Greystones: Những khu nghỉ ven biển nổi tiếng, gần Dublin.
Khi phong trào Khôi phục Ireland7 bắt đầu gây được tiếng vang, Mrs Kearney quyết tâm phải tận dụng cái tên của con gái mình8 và mời một giáo viên Ireland về dạy tại nhà. Kathleen và em gái gửi những tấm bưu ảnh Ireland cho bạn bè và những người bạn này lại gửi cho họ những tấm bưu ảnh Ireland khác. Vào những Chủ nhật đặc biệt, khi Mr Kearney cùng gia đình ông đi nhà thờ, một nhóm nhỏ thường tụ tập sau buổi lễ trên góc phố Cathedral9. Họ đều là bạn bè nhà Kearney - bạn nhạc hoặc bạn phái Dân tộc chủ nghĩa, và, khi họ đã bàn tán xong đủ mọi mẩu tin nhỏ nhất, họ cùng bắt tay nhau, cười phá lên vì có nhiều bàn tay được chìa ra bắt đến thế, và chào tạm biệt nhau bằng tiếng Ireland. Chẳng mấy chốc cái tên Miss Kathleen Kearney bắt đầu được người ta nhắc đến thường xuyên.
7 Khôi phục Ireland (nguyên văn là “Irish Revival”): Phong trào bắt đầu những năm 1890, nhằm khôi phục những giá trị dân tộc qua văn hóa Ireland (văn học, ngôn ngữ, âm nhạc, nghệ thuật,...).
8 Kathleen Kearney trùng tên với Kathleen Ni Houlihan, biểu tượng truyền thống của lòng yêu nước Ireland, hình ảnh một bà già nghèo khó yếu đuối, cần sự giúp đỡ của thanh niên trai tráng Ireland chiến đấu giải thoát khỏi ách thuộc địa.
9 Nhà thờ Công giáo trên phố Marlborough, cắt phố Cathedral.
Họ nói cô rất có tài âm nhạc và là một cô gái ngoan ngoãn và, hơn nữa, cô còn là người ủng hộ phong trào khôi phục ngôn ngữ truyền thống. Mrs Kearney rất hài lòng với chuyện này. Thế nên bà không ngạc nhiên chút nào khi một ngày Mr Holohan đến gặp bà và đề nghị con gái bà tham gia đệm nhạc trong loạt bốn buổi đại hòa nhạc mà Hội của ông sắp tổ chức tại nhà hát Antient Concert Rooms10. Bà dẫn ông vào phòng khách, mời ông ngồi xuống và bưng ra bình rượu cùng hộp bánh quy bằng bạc. Bà lắng nghe chăm chú từng thông tin về Hội, đưa ra những lời khuyên và can ngăn: và cuối cùng một hợp đồng11 được thảo xong, theo đó Kathleen sẽ nhận được tám ghi-nê12 với tư cách là nghệ sĩ chơi nhạc đệm trong bốn buổi đại hòa nhạc.
10 Antient Concert Rooms: Rạp hát trên phố Brunswick (nay là phố Pearse).
11 Hợp đồng: Gifford cho rằng bởi Kathleen chưa phải là nghệ sĩ nổi danh nên hợp đồng này chỉ mang tính chất giao kèo (thỏa thuận sẽ trả cho nghệ sĩ một khoản tiền nếu như buổi diễn bán được vé) hơn là một hợp đồng pháp lý.
12 Tám ghi-nê: Bằng tám bảng tám shilling, hay một trăm sáu mươi tám shilling.
Bởi Mr Holohan còn ít kinh nghiệm trong những vấn đề tinh tế như lời lẽ trên áp phích quảng cáo và sắp xếp tiết mục chương trình, Mrs Kearney đã giúp ông. Bà có tài xử trí. Bà biết những artiste nào thì phải được in tên chữ hoa còn những artiste nào thì nên in tên chữ thường. Bà biết rằng ca sĩ giọng nam cao trưởng sẽ không muốn phải hát sau tiết mục tấu hài của Mr Meade. Để giữ cho khán giả luôn thích thú bà đan xen các tiết mục đáng ngờ giữa các tiết mục vốn được ưa chuộng lâu nay. Mr Holohan ngày nào cũng ghé qua chỗ bà để xin cố vấn về vấn đề gì đó. Lúc nào bà cũng tỏ ra rất nhiệt tình và sẵn sàng đưa ra lời khuyên - một cách thân tình, thật vậy. Bà đẩy bình rượu về phía ông, nói:
- Nào, xin cứ tự nhiên, ngài Holohan!
Và trong lúc ông tự rót rượu cho mình, bà nói:
- Đừng lo! Đừng lo gì chuyện đó!
Mọi chuyện diễn tiến một cách êm đẹp. Mrs Kearney mua một dải lụa sa tanh màu phớt hồng tuyệt đẹp ở hiệu Brown Thomas13 đính lên phía trước váy cho Kathleen. Dải lụa tốn kha khá; nhưng trên đời này có những dịp mà tiêu tốn một chút cũng xứng đáng. Bà còn mua hơn chục cái vé giá hai shilling cho buổi hòa nhạc cuối và gửi chúng cho những người bạn thuộc loại nếu không có vé mời thì không chắc sẽ đi. Bà không quên một điều gì cả, và, nhờ có bà, tất cả những việc cần phải làm đều đã được hoàn thành.
13 Brown Thomas: Tiệm Brown, Thomas & Co bán đồ tơ lụa vải vóc đắt tiền trên phố Grafton khu trung tâm bờ nam Dublin, được quảng cáo là nơi bán hàng chất lượng tốt nhất Dublin thời bây giờ (Gifford).
Loạt hòa nhạc theo kế hoạch diễn ra vào thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy. Khi Mrs Kearney cùng con gái đến Antient Concert Rooms tối thứ Tư, bà không thích cái quang cảnh kiểu đó chút nào. Mấy gã thanh niên, đeo phù hiệu xanh trên ngực áo khoác, đang đứng lờ đờ trong sảnh nhà hát; không một gã nào mặc dạ phục. Bà cùng con gái đi ngang qua họ và chỉ cần một cái liếc nhìn qua cánh cửa khán phòng đang mở bà hiểu ngay nguyên nhân sự lờ đờ của đám phục vụ. Thoạt tiên bà tự hỏi hay là mình nhầm giờ. Không, lúc này đúng là tám giờ kém hai mươi.
Trong phòng hóa trang phía sau sân khấu bà được giới thiệu với ngài thư ký Hội, Mr Fitzpatrick. Bà mỉm cười và bắt tay ông. Ông ta là một người nhỏ bé, có khuôn mặt trắng bệch, vô hồn. Bà để ý thấy ông ta đội chiếc mũ nâu vải mềm một cách cẩu thả lệch hẳn một bên còn giọng nói thì thô kệch. Ông ta cầm một tờ chương trình trong tay, và, trong lúc nói chuyện với bà, ông ta đưa một góc giấy lên nhai nhai cho mủn ra. Ông ta có vẻ chẳng thất vọng gì mấy.
Mr Holohan thì cứ mấy phút lại đi vào phòng hóa trang thông báo diễn biến ở phòng bán vé. Đám artiste đứng tán chuyện với nhau có vẻ khá lo lắng, chốc chốc lại liếc vào gương và cuộn ra cuộn vào bản nhạc của họ. Khi đã gần đến tám rưỡi, đám khán giả lèo tèo trong nhà hát bắt đầu tỏ ý muốn được xem biểu diễn. Mr Fitzpatrick đi vào, mỉm cười lơ đãng với cả phòng, và nói:
- Nào, các quý ông quý bà, tôi đồ rằng đã đến lúc chúng ta bắt đầu đêm hội.
Mrs Kearney thưởng cho cái âm tiết cuối đặc giọng quê mùa của ông bằng một cái nhìn nhanh khinh bỉ, và rồi nói với cô con gái đầy vẻ động viên:
- Sẵn sàng chưa, con yêu?
Lúc sau tìm được cơ hội, bà gọi riêng Mr Holohan ra một chỗ và bảo ông ta giải thích cho bà như thế này có nghĩa là sao. Mr Holohan không biết giải thích thế nào. Ông nói ủy ban đã sai lầm khi tổ chức bốn đêm nhạc: bốn đêm là quá nhiều.
- Và còn đám artiste nữa chứ! - Mrs Kearney nói. - Tất nhiên họ sẽ cố gắng hết sức, nhưng thật sự họ chỉ là đám vô dụng.
Mr Holohan thừa nhận đám artiste toàn kẻ vô dụng, nhưng ủy ban, ông nói, đã quyết định cứ để ba đêm nhạc đầu tiên ra sao thì ra còn để dành các tài năng cho đêm thứ Bảy. Mrs Kearney không nói gì, nhưng, khi các tiết mục tầm thường lần lượt tiếp nối nhau trên sân khấu và đám khán giả lèo tèo trong nhà hát càng lúc càng thưa dần, bà bắt đầu thấy hối hận sao mình đã mất công mất của cho một buổi hòa nhạc như thế này. Có điều gì đó bà đã không thấy thích ở cái kiểu mọi chuyện diễn ra, và nụ cười vô hồn của Mr Fitzpatrick làm bà bực mình hết sức. Tuy vậy, bà không nói gì cả và chờ xem mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Đêm nhạc chấm dứt lúc chưa đến mười giờ, và ai nấy đều nhanh chóng về nhà.
Buổi hòa nhạc đêm thứ Năm có đông khán giả hơn, nhưng Mrs Kearney ngay lập tức nhận ra rằng nhà hát ngập ngụa giấy. Đám khán giả xử sự khiếm nhã, như thể đêm nhạc chỉ là một buổi diễn tập thông thường. Mr Fitzpatrick có vẻ khá thoải mái; ông ta hoàn toàn không nhận thấy Mrs Kearney đang giận dữ về hành động của ông ta. Ông ta đứng ở phía cánh gà, chốc chốc lại thò đầu ra cười nói với hai người bạn ngồi ở góc ban công. Trong buổi tối hôm đó, Mrs Kearney biết được rằng buổi hòa nhạc đêm thứ Sáu sẽ bị hủy bỏ và ủy ban dù có phải lay trời chuyển đất cũng quyết làm nhà hát đông kín vào đêm thứ Bảy. Khi nghe thấy chuyện này, bà tức tốc đi tìm Mr Holohan. Bà níu áo ông khi ông đang lập cập mang ly nước chanh cho một quý bà trẻ tuổi và hỏi ông có phải chuyện đó là thật không. Phải, đúng thế.
- Nhưng, tất nhiên rồi, chuyện đó sẽ không ảnh hưởng gì đến bản hợp đồng, - bà nói. - Bản hợp đồng là cho bốn đêm nhạc.
Mr Holohan dường như đang vội; ông khuyên bà tìm gặp Mr Fitzpatrick để nói chuyện. Mrs Kearney bắt đầu cảm thấy báo động. Bà gọi Mr Fitzpatrick khỏi chỗ cánh gà và nói với ông rằng con gái bà đã ký hợp đồng cho bốn buổi biểu diễn và rằng, tất nhiên, theo các điều khoản của bản hợp đồng, cô cần nhận được số tiền đã thỏa thuận lúc đầu, cho dù Hội có biểu diễn bốn đêm hay không. Mr Fitzpatrick, vốn không nắm bắt vấn đề một cách nhanh nhạy lắm, có vẻ không thể giải quyết được khó khăn này và nói ông sẽ trình vấn đề lên ủy ban. Cơn giận dữ của Mrs Kearney bắt đầu làm hai má bà đỏ bừng và phải cố gắng lắm bà mới không bật ra:
- Và ai là cái uể ban đấy cơ chứ, thưa ngài?
Nhưng bà hiểu rằng làm như thế sẽ không quý phái chút nào: thế là bà im lặng.
Ngay từ sáng sớm thứ Sáu, bọn nhóc đã được phái đến những khu phố chính của Dublin với hàng tập áp phích phát tay. Những bài tán tụng đặc biệt tràn ngập trên tất cả các tờ báo buổi tối, nhắc công chúng yêu âm nhạc về bữa tiệc âm nhạc dành riêng cho họ vào tối hôm sau. Mrs Kearney cảm thấy hơi an tâm một chút, nhưng vẫn quyết định nói với ông chồng một phần những nỗi nghi ngờ của mình. Ông chăm chú lắng nghe và nói có lẽ sẽ tốt hơn nếu ông đi cùng bà đến buổi biểu diễn đêm thứ Bảy. Bà đồng ý. Bà tôn trọng chồng mình như tôn trọng Bưu điện Trung tâm14, như một thứ gì đó lớn lao, an toàn và chắc chắn; và mặc dù thấy ông có ít tài cán nhưng bà trân trọng cái giá trị trừu tượng là đàn ông của ông. Bà thấy mừng vì ông đã đề nghị đi cùng bà. Bà đã vạch sẵn sàng kế hoạch.
14 Bưu điện Trung tâm: Bưu điện Trung tâm Dublin, trong một tòa nhà lớn trên phố Sackville (nay là O’Connell), được coi là cột mốc địa lý trung tâm Dublin (Gifford).
Đêm hòa nhạc trọng đại đã đến. Mrs Kearney, cùng chồng và con gái, đến nhà hát Antient Concert Rooms sớm hơn bốn mươi lăm phút so với giờ mà buổi hòa nhạc theo kế hoạch sẽ bắt đầu. Không may đó lại là một buổi tối mưa gió. Mrs Kearney giao đống váy áo và bản nhạc của con gái cho chồng giữ rồi đi khắp tòa nhà tìm Mr Holohan hoặc Mr Fitzpatrick. Bà không tìm thấy ai cả. Bà hỏi đám phục vụ có thành viên nào của ủy ban đang có mặt tại nhà hát không và, sau rất nhiều khó khăn, một anh chàng phục vụ dẫn một người phụ nữ nhỏ bé tên là Miss Beirne đến gặp bà, và Mrs Kearney giải thích với bà này rằng bà muốn gặp một trong số các thư ký của Hội. Miss Beirne nói bà ấy cũng đang chờ họ, họ sắp đến ngay đây và hỏi liệu bà ấy có thể giúp gì được không. Mrs Kearney săm soi khuôn mặt trông già nua của người đối diện đang rúm lại tràn đầy vẻ tin tưởng và nhiệt tình rồi trả lời:
- Không, cảm ơn!
Người phụ nữ bé nhỏ hy vọng hôm nay họ sẽ có một nhà hát đầy ắp khán giả. Bà nhìn ra ngoài trời mưa cho đến khi sự buồn thảm của con phố ẩm ướt dần xóa đi vẻ tin tưởng và nhiệt tình trên nét mặt rúm ró. Rồi bà kín đáo thở dài và nói:
- Ôi vâng! Chúng tôi đã làm hết sức có thể, có Chúa chứng giám.
Mrs Kearney phải quay lại phòng hóa trang.
Các artiste đang đến. Giọng nam trầm và giọng nam cao thứ đã đến từ trước. Giọng nam trầm, Mr Duggan, là một người đàn ông trẻ mảnh dẻ có hàng ria mép đen lún phún. Anh ta là con trai người gác cửa cho một văn phòng trong thành phố và, từ bé, anh ta đã nghêu ngao những nốt nhạc trầm âm vang sảnh lớn. Từ vị trí khiêm tốn này anh ta đã tự vươn lên cho đến khi trở thành một artiste hạng nhất. Anh ta từng xuất hiện trong các vở opera lớn. Một đêm nọ, khi một artiste opera đột nhiên ngã bệnh, anh ta đã đảm nhiệm vai nhà vua trong vở Maritana15 tại nhà hát Queen’s Theatre16. Anh đã hát hết tâm hết sức và được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt; nhưng, không may, anh lại làm hỏng cái ấn tượng tốt đẹp đó vì đã vô ý một hay hai lần gì đó đưa bàn tay vẫn nguyên trong găng lên quẹt mũi. Anh ta khiêm tốn và ít nói. Anh ta nói các lài17 nhỏ đến nỗi không ai để ý và anh ta không bao giờ uống thứ gì mạnh hơn sữa, để giữ giọng.
15 Maritana: Vở opera của nhà soạn nhạc Ireland William Vincent Wallace (1812-1865), công diễn lần đầu năm 1845, về cô gái Bô-hê-miêng tên Maritana.
16 Queen’s Theatre: Một trong những nhà hát lớn nhất Dublin thời đó, nằm trên phố Brunswick (nay là Pearce).
17 Nguyên văn là “yous”: Mr Duggan dùng sai ngữ pháp đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số nhiều trong tiếng Anh, thể hiện người ít học.
Mr Bell, giọng nam cao thứ, là một người đàn ông nhỏ bé tóc vàng hoe, năm nào cũng đi tranh giải tại Feis Ceoil18. Lần cố gắng thi thố thứ tư anh ta đã được trao huy chương đồng. Anh ta luôn rất hoảng sợ và ghen tị với những giọng nam cao khác và che giấu sự ghen tị hoảng sợ đó của mình bằng một vẻ thân thiện sôi nổi. Anh ta rất thích được tỏ ra cho mọi người thấy mỗi buổi hòa nhạc là một thách thức đối với anh ta. Thế nên khi nhìn thấy Mr Duggan, anh ta tiến lại gần và nói:
18 Feis Ceoil (tiếng Ireland: Festival Âm nhạc): Cuộc thi âm nhạc lớn hàng năm, bắt đầu từ 1896, nhằm chấn hưng nền âm nhạc Ireland.
- Ngài cũng biểu diễn à?
- Vâng, - Mr Duggan trả lời.
Mr Bell cười phá lên trước người phải chịu đựng cảnh ngộ giống mình, chìa tay ra và nói:
- Xin chia buồn!
Mrs Kearney đi qua hai chàng trẻ tuổi và tiến về phía cánh gà để nhìn xuống nhà hát. Các chỗ ngồi đang được lấp đầy nhanh chóng và một tiếng ồn dễ chịu truyền đi trong khán phòng. Bà quay lại và nói chuyện riêng với chồng. Câu chuyện của họ rõ ràng là về Kathleen, bởi chốc chốc họ lại liếc nhìn về phía cô, lúc này đang đứng tán chuyện với một trong những người bạn phái Dân tộc chủ nghĩa của cô, Miss Healy, giọng nữ trầm. Một người phụ nữ lạ mặt trông đơn độc, mặt nhợt nhạt, đi ngang qua phòng. Những phụ nữ trong phòng tò mò đưa mắt theo chiếc váy xanh đã bợt màu trên cơ thể gầy gò. Ai đó nói cô ta là Madam Glynn, giọng nữ cao.
- Không biết họ đào cô ta ở đâu ra, - Kathleen nói với Miss Healy. - Chắc chắn mình chưa bao giờ nghe thấy tên cô ta.
Miss Healy không còn cách gì khác đành phải mỉm cười. Đúng lúc đó Mr Holohan khập khiễng đi vào phòng hóa trang và hai quý bà trẻ tuổi hỏi ông người phụ nữ lạ mặt kia là ai. Mr Holohan nói cô ta là Madam Glynn đến từ London. Madam Glynn đứng trong góc phòng, nắm chặt phong nhạc trước ngực và chốc chốc lại đổi hướng cái nhìn thấp thỏm. Bóng tối giúp che bớt chiếc váy bợt màu của cô nhưng lại đắc thắng làm nổi rõ phần áo ngực lép kẹp nhô ra phía dưới xương đòn. Tiếng ồn từ phía dưới khán giả càng lúc càng rõ hơn. Giọng nam cao trưởng và giọng nam trung đến cùng một lúc. Cả hai đều ăn mặc đẹp đẽ, cao lớn, tràn đầy vẻ tự mãn, và sự có mặt của họ mang lại một không khí sang trọng cho những người xung quanh.
Mrs Kearney đưa con gái qua phía họ, và trò chuyện đầy niềm nở. Bà muốn có quan hệ tốt với họ, nhưng trong khi bà đang cố gắng tỏ ra lịch thiệp, mắt bà vẫn theo sát Mr Holohan với những hành tung khập khiễng ranh ma của ông ta. Ngay khi tìm được lúc thích hợp, bà bèn cáo lỗi và đi ra theo ông.
- Ngài Holohan, tôi muốn gặp ông một chút, - bà nói.
Họ đi ra một góc khuất trong hành lang. Mrs Kearney hỏi ông khi nào con gái bà sẽ được trả tiền. Mr Holohan nói chuyện đó thuộc quyền của Mr Fitzpatrick. Mrs Kearney nói bà không cần biết gì về Mr Fitzpatrick hết. Con gái bà đã ký hợp đồng thỏa thuận nhận được tám ghi-nê và nó cần được trả số tiền đó. Mr Holohan nói đó không phải là việc của ông.
- Tại sao không phải là việc của ngài kia chứ? - Mrs Kearney hỏi. - Không phải chính ngài đã mời nó ký hợp đồng sao? Dù thế nào, nếu đó không phải là việc của ngài, thì đó là việc của tôi, và tôi nhất quyết sẽ làm rõ mọi chuyện.
- Bà nên nói chuyện với Mr Fitzpatrick, - Mr Holohan nói ngắn gọn.
- Tôi không cần biết gì về Mr Fitzpatrick hết, - Mrs Kearney nhắc lại. - Tôi có bản hợp đồng, và tôi nhất định sẽ khiến nó được thực hiện.
Khi quay lại phòng hóa trang, hai má bà hơi ửng đỏ. Căn phòng đang rất nhộn nhịp. Hai người đàn ông vẫn mặc áo khoác đã chiếm lấy chỗ bên cạnh lò sưởi và đang tán chuyện đầy vẻ thân mật với Miss Healy cùng giọng nam trung. Một người đến từ tờ Người Tự do và người kia là Mr O’Madden Burke. Người của báo Người Tự do vào để nói rằng ông ta không thể chờ xem buổi hòa nhạc bởi phải quay lại tường thuật buổi nói chuyện của một mục sư người Mỹ ở Mansion House. Ông ta nói họ phải gửi lại cho ông ta tin tường thuật buổi hòa nhạc tối nay, để lại tại tòa soạn báo Người Tự do và ông ta sẽ xem xem có thể đăng được hay không.
Ông ta là một người đàn ông tóc muối tiêu miệng lưỡi khéo léo và phong thái tỉ mỉ. Ông ta cầm một điếu xì gà vừa dụi, mùi hương vẫn còn thoang thoảng xung quanh. Ông ta không có ý định ở lại phút nào, bởi những buổi hòa nhạc và đám artiste luôn làm ông ta chán tận cổ, nhưng ông ta vẫn tiếp tục dựa vào chỗ bệ lò sưởi. Miss Healy đứng trước mặt ông ta, nói nói cười cười. Ông ta đủ già để phát hiện ra lý do cho sự thân thiện của cô, nhưng vẫn còn đủ trẻ trung để hưởng lợi từ chuyện đó. Hơi ấm, mùi hương, và sắc màu thân thể của cô gái trẻ lôi cuốn mọi giác quan của ông. Ông ta ý thức một cách thích thú rằng khuôn ngực ông ta nhìn thấy đang phập phồng phía dưới kia là phập phồng cho ông, và tiếng cười, và mùi hương và những cái liếc mắt đầy ý nghĩa kia là dành cho ông. Khi không thể nán lại thêm được nữa ông ta rời khỏi cô đầy nuối tiếc.
- O’Madden Burke sẽ viết bài, - ông ta giải thích với Mr Holohan, - và tôi sẽ xem xét cho đăng.
- Cảm ơn ngài rất nhiều, Mr Hendrick, - Mr Holohan nói. - Tôi biết ngài sẽ xem xét mà. Giờ chẳng lẽ ngài lại không uống chút gì trước khi đi sao?
- Tôi không thể khước từ, - Mr Hendrick nói.
Hai người đàn ông đi dọc hành lang ngoằn ngoèo, bước lên cầu thang tối vào một căn phòng khuất, người phục vụ đang mở chai cho mấy quý ông. Một trong những quý ông này là Mr O’Madden Burke, ông này đã tìm được căn phòng theo bản năng. Đó là một người đàn ông đứng tuổi, khéo léo, mỗi khi nghỉ ngơi thì dựa thân hình đồ sộ vào một cái ô lụa lớn. Cái tên hoành tráng phương Tây của ông chính là cái ô đạo đức ông ta dựa vào để giải quyết những vấn đề tài chính tế nhị của mình. Ông ta rất được kính trọng.
Trong lúc Mr Holohan đang giải khuây với người của báo Người Tự do thì Mrs Kearney nói sôi nổi với chồng đến nỗi ông phải nhắc bà hạ thấp giọng. Những cuộc nói chuyện của những người khác trong phòng hóa trang đã trở nên căng thẳng. Mr Bell, hát đầu tiên, đứng đó tay sẵn sàng bản nhạc nhưng người đệm đàn không tỏ dấu hiệu gì cả. Rõ ràng có chuyện gì đó không ổn. Mr Kearney nhìn thẳng phía trước, tay vuốt vuốt râu cằm, trong khi Mrs Kearney thì thầm vào tai Kathleen bằng một giọng kiên quyết cố nén. Từ khán phòng vọng lên những tiếng khích lệ, tiếng vỗ tay và giậm chân. Giọng nam cao trưởng, giọng nam trung và Miss Healy đứng lại với nhau, chờ đợi một cách bình thản, nhưng Mr Bell thì thấy cực kỳ điên tiết vì sợ khán giả có thể tưởng anh ta đã đến muộn.
Mr Holohan và Mr O’Madden Burke bước vào phòng. Ngay một thoáng Mr Holohan hiểu ra cơ sự. Ông bước lại chỗ Mrs Kearney và nói với bà bằng giọng tha thiết. Trong khi họ đang nói thì tiếng ồn từ khán phòng càng lúc càng to hơn. Mr Holohan bắt đầu đỏ bừng mặt và tức giận. Ông nói một cách gay gắt, nhưng Mrs Kearney chỉ một mực lặp lại:
- Nó sẽ không chơi tiếp. Nó phải nhận được tám ghi-nê đã.
Mr Holohan chỉ tay một cách tuyệt vọng về phía khán phòng nơi khán giả đang vỗ tay giậm chân. Ông ta cầu cứu sang Mr Kearney và Kathleen. Nhưng Mr Kearney tiếp tục vuốt râu cằm còn Kathleen thì nhìn xuống, di di mũi đôi giày mới: không phải lỗi tại cô. Mrs Kearney nhắc lại:
- Nó sẽ không chơi tiếp nếu không nhận được tiền.
Sau một hồi tranh cãi gay gắt vô ích Mr Holohan khập khiễng lao ra khỏi phòng. Căn phòng lặng ngắt. Khi độ căng thẳng của sự im lặng đã trở nên dường như không thể chịu đựng được nữa Miss Healy nói với nghệ sĩ giọng nam trung:
- Tuần này ngài có gặp Mrs Pat Campbell19 không?
19 Pat Campbell (1865-1940), nữ diễn viên người Anh lẫy lừng trên các sân khấu kịch đương thời với lối diễn xuất đam mê và thông minh, hay đi lưu diễn ở các tỉnh thuộc Anh và ở nước ngoài.
Nghệ sĩ giọng nam trung không gặp bà nhưng ông được người ta cho biết bà ấy vẫn ổn. Cuộc đối thoại dừng lại ở đó. Giọng nam cao trưởng cúi đầu và bắt đầu đếm những mắt nối sợi xích bằng vàng kéo bên sườn, cười mỉm và ngân vài nốt nhạc bất chợt trong họng để xem xét tác động của chúng đối với xoang trước. Chốc chốc mọi người lại nhìn trộm Mrs Kearney.
Tiếng ồn từ khán phòng đã lên thành tiếng la hét thì Mr Fitzpatrick lao vào phòng, theo sau là Mr Holohan thở hổn hển. Tiếng đập tay và giậm chân trong khán phòng giờ được điểm xuyết bằng tiếng huýt sáo. Mr Fitzpatrick nắm trong tay mấy tờ tiền giấy. Ông ta đếm bốn tờ đặt vào tay Mrs Kearney và nói bà sẽ nhận được nửa còn lại vào giờ giải lao. Mrs Kearney nói:
- Vẫn còn thiếu bốn shilling.
Nhưng Kathleen đã nhấc váy và nói: Nào, ngài Bell, với người hát đầu, đang run bắn lên. Ca sĩ và người đệm đàn cùng bước ra sân khấu. Tiếng ồn trong khán phòng tắt dần. Một khoảng lặng mấy giây, và rồi tiếng đàn piano vang lên.
Phần đầu của buổi hòa nhạc diễn ra rất thành công ngoại trừ tiết mục của Madam Glynn. Quý bà khốn khổ hát Killarney20 bằng một giọng hụt hơi hổn hển, với tất cả những kiểu cách luyến láy nhả âm lỗi thời mà cô tin rằng làm cho giọng hát của cô trở nên trang nhã. Trông cô như thể vừa được dựng lại từ một tủ quần áo biểu diễn lỗi mốt và những hàng ghế hạng bét bắt đầu chế giễu những nốt nhạc cao than vãn của cô. Tuy vậy giọng nam cao trưởng và giọng nữ trầm đã làm nhà hát dịu lại. Kathleen chơi một loạt giai điệu Ireland và được vỗ tay nhiệt liệt. Phần đầu kết thúc với một bài đọc thơ yêu nước hào hùng do một quý cô trẻ chuyên biểu diễn tiết mục nghiệp dư. Tiết mục được hoan nghênh một cách xứng đáng, và, khi nó kết thúc, mọi người đi ra nghỉ giải lao, đều thấy hài lòng.
20 Killarney: Một trong những bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Ireland Michael William Balfe, ca ngợi cảnh đẹp nên thơ của vùng Killarney, vùng hồ núi tây nam Ireland.
Trong suốt thời gian đó phòng hóa trang đã biến thành một cái tổ ồn ào náo nhiệt. Ở một góc là Mr Holohan, Mr Fitzpatrick, Miss Beirne, hai người phục vụ, giọng nam trung, giọng nam trầm, và Mr O’Madden Burke. Mr O’Madden Burke nói đây là buổi biểu diễn nhiều bê bối nhất mà ông từng chứng kiến. Sự nghiệp âm nhạc của Miss Kathleen Kearney ở Dublin sẽ sớm kết thúc sau vụ này, ông nói. Giọng nam trung được hỏi ông ta nghĩ gì về hành động của Mrs Kearney. Ông này không muốn nói gì hết. Ông đã được trả tiền và muốn được yên ổn với mọi người. Tuy nhiên, ông nói lẽ ra Mrs Kearney nên tôn trọng các artiste một chút. Đám phục vụ và thư ký tranh cãi sôi nổi xem đến lúc nghỉ giải lao thì cần phải làm gì.
- Tôi đồng ý với Miss Beirne, - Mr O’Madden Burke nói. - Không trả cho bà ta gì hết.
Tại một góc khác trong phòng là Mrs Kearney và chồng, Mr Bell, Miss Healy, và quý cô trẻ tuổi người có tiết mục đọc thơ yêu nước. Mrs Kearney nói ủy ban đã đối xử với bà thật vô cùng bê bối. Bà đã không tiếc gì cả công lẫn của để rồi được trả lại như thế này đây.
Họ nghĩ họ chỉ phải đối mặt với một cô gái và vậy nên, họ có thể chèn ép được cô. Nhưng bà sẽ cho họ thấy sai lầm của họ. Chắc hẳn họ đã không dám đối xử với bà như vậy giá như bà là đàn ông. Nhưng bà sẽ làm cho con gái bà được hưởng những quyền lợi của nó: bà đâu dễ bị lừa. Nếu họ không trả hết đồng xu cuối cùng cho bà, bà sẽ làm ầm cái Dublin này lên.
Tất nhiên bà lấy làm tiếc vì đã làm ảnh hưởng đến các artiste. Nhưng bà còn có thể làm được gì khác? Bà cầu cứu giọng nam cao thứ, anh này nói anh ta nghĩ bà đã bị đối xử không đúng cho lắm. Rồi bà quay sang Miss Healy. Miss Healy muốn nhập với nhóm khác, nhưng cuối cùng cô lại không muốn làm thế bởi cô là bạn thân của Kathleen và nhà Kearney vẫn thường mời cô đến chơi nhà họ.
Ngay khi phần một kết thúc Mr Fitzpatrick và Mr Holohan đi tới chỗ Mrs Kearney và nói với bà rằng bốn đồng ghi-nê còn lại sẽ được trả sau khi ủy ban họp vào thứ Ba tuần sau, và rằng, trong trường hợp con gái bà không tiếp tục chơi đàn trong phần hai của buổi hòa nhạc, ủy ban sẽ coi như hợp đồng bị phá vỡ và sẽ không trả tiền gì hết.
- Tôi không biết ủy ban nào hết, - Mrs Kearney nói giận dữ. - Con gái tôi đã ký hợp đồng. Nó phải cầm được bốn bảng tám trong tay nếu không đừng hòng nó đặt chân lên sân khấu.
- Tôi thấy ngạc nhiên với bà đấy, thưa bà Kearney, - Mr Holohan nói. - Tôi không bao giờ nghĩ bà lại đối xử với chúng tôi kiểu này.
- Thế các ông thì đối xử với tôi kiểu gì? - Mrs Kearney hỏi.
Khuôn mặt bà đỏ bừng giận dữ và trông bà như đang chuẩn bị lao vào cấu xé ai.
- Tôi đòi quyền lợi của tôi, - bà nói.
- Bà hoàn toàn đã có thể xử sự tao nhã hơn, - Mr Holohan nói.
- A, thật thế sao?... Và khi tôi hỏi khi nào con gái tôi được trả tiền tôi cũng đâu có nhận được một câu trả lời văn minh nào.
Bà hất đầu lên và lấy giọng ngạo mạn:
- Các ông phải nói chuyện với người thư ký. Đó không phải là việc của tôi. Tôi là trang nam nhi giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha.
- Thế mà tôi cứ nghĩ bà là một quý bà cơ đấy, - Mr Holohan nói, giận dữ bỏ đi.
Sau đấy hành động của Mrs Kearney bị chê trách đủ đường: ai cũng tán đồng với những gì ủy ban đã làm. Bà đứng ở cửa, bụng đầy tức tối, to tiếng với ông chồng và cô con gái, vung tay vung chân. Bà đợi cho đến lúc phần thứ hai bắt đầu, hy vọng đám thư ký sẽ đến tìm bà. Nhưng Miss Healy đã tốt bụng chấp thuận đệm một hoặc hai bản. Mrs Kearney phải đứng dẹp vào để nhường đường cho giọng nam trung và nghệ sĩ đệm đàn của ông đi lên sân khấu. Bà đứng sững một lúc im lìm như một bức tượng đá nổi giận và, khi những nốt nhạc đầu tiên của bản nhạc vang đến tai bà, bà vơ lấy áo khoác của con gái và nói với chồng:
- Gọi xe đi!
Ông đi ra ngay tắp lự. Mrs Kearney choàng áo khoác lên cô con gái và đi theo ông. Khi đi qua cửa bà dừng lại và quắc mắt nhìn thẳng vào Mr Holohan.
- Tôi chưa xong với ông đâu, - bà nói.
- Nhưng tôi thì đã xong với bà, - Mr Holohan nói.
Kathleen ngoan ngoãn theo sau mẹ. Mr Holohan bắt đầu đi đi lại lại trong phòng để tự trấn tĩnh, bởi ông thấy như đầu mình sắp nổ tung.
- Đúng là một quý bà tử tế! - ông nói. - Ôi, quý bà mới tử tế làm sao!
- Ngài đã hành động đúng, Holohan, - Mr O’Madden Burke nói, giậm giậm cái ô của ông ta biểu lộ sự đồng tình.