NGƯỜI NGHÈO DỰA VÀO MAY MẮN, NGƯỜI GIÀU DỰA VÀO HÀNH ĐỘNG
Rất nhiều người mong ước mình giàu có nhưng luôn chỉ biết đứng dưới chân núi của sự giàu có mà nhìn lên, vừa nhìn vừa thở dài thắc mắc: “Tại sao tôi lại không có được may mắn như vậy?” Mà họ không bao giờ nghĩ đến việc bằng hành động thực tế để giành lấy sự giàu có. Nhìn vào những thành công của người khác, nhiều người oán trách rằng họ không có được gia cảnh tốt hay trình độ học vấn cao. Nhưng bạn có biết rằng, lúc bạn đang than vãn những điều không tưởng như vậy, có biết bao người điều kiện không bằng bạn đã chủ động đưa ra hành động thực tế? Cái bạn thiếu chính là sức mạnh hành động.
1
GIÀU CÓ KHÔNG TỪ TRÊN TRỜI RƠI XUỐNG
Thế giới này không có bữa ăn nào là miễn phí và cũng không có chiếc bánh nào từ trên trời rơi xuống. Sự giàu có cần sự tích lũy từng chút từng chút, không thể chỉ dựa vào trí tưởng tượng viển vông mà có được. Cách tốt nhất để làm giàu là hành động thực sự, đừng mộng tưởng hoang đường giàu lên sau một đêm. Người nghèo nên tỉnh ngộ càng sớm càng tốt sớm biết dựa vào trí tuệ bản thân để kiếm tiền sẽ sớm giàu có.
Đối với bất cứ ai, sự giàu có giống như một quả táo chín mọng ngon lành, ai ai cũng đều muốn cắn một miếng. Tuy nhiên, giàu lên sau một đêm nếu không phải là cách nói ẩn dụ thì cũng chỉ là chuyện hoang đường, ngay cả khi nó trở thành sự thật với một vài người, cũng chỉ là ngẫu nhiên không có tính tất yếu. Thế nhưng nó lại làm cho một số người lún sâu trong mộng tưởng, không thể thoát ra, coi việc ăn may mà trở nên giàu có là con đường đi của đời mình. Vì vậy, có người chỉ mãi mơ mộng làm giàu, có cơ hội cũng không nắm bắt, trong khi đó có những người khác lại có thể hành động tỉnh táo tích lũy tiền tài một cách có kế hoạch, để từ đó có được nhiều tiền hơn.
Tôi tin đại đa số mọi người đều đã quen thuộc với câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”. Câu chuyện nói lên một đạo lý: Người có tư tưởng cầu may, muốn không làm mà có thì cuối cùng cũng sẽ gặp kết cục trắng tay.
Ngày xửa ngày xưa, có một ông lão cùng vợ chuyển nhà đến sống gần biển, họ dựng một ngôi nhà gỗ bên bờ biển, hàng ngày ông lão ra biển kéo lưới đánh cá, bà lão ở nhà kéo sợi, chờ đợi ông lão trở về.
Một ngày nọ, ông lão bắt được một con cá vàng, con cá vàng xinh đẹp này có phép thuật kỳ diệu có thể giúp mọi người đạt được ước nguyện của họ. Ông lão là một người lương thiện, không mong muốn gì từ cá vàng mà thả nó trở lại với biển cả. Thế nhưng sau khi vợ ông lão biết hành động “ngu ngốc” của ông, bà ta đã yêu cầu ông lão phải đi gặp cá vàng và nói rằng mình ước một cái máng gỗ mới. Cá vàng đã hóa phép cho bà lão có một cái máng gỗ mới. Tuy nhiên, khi thấy nguyện vọng của mình được đáp ứng một cách dễ dàng, bà lão lại bắt ông lão đi gặp cá vàng và xin một ngôi nhà lớn hơn để ở. Lần thứ hai, cá vàng lại đáp ứng nguyện vọng của bà lão. Cứ thế, bà lão càng trở nên tham lam.
Lần thứ ba, bà lão muốn trở thành một quý bà, cá vàng cũng đáp ứng yêu cầu của bà ta. Sau khi trở thành quý bà một thời gian, bà ta lại không hài lòng. Yêu cầu được trở thành một nữ hoàng để có thể cai trị đất nước.
Lần thứ tư, cá vàng lại đáp ứng yêu cầu của bà vợ ông lão và biến bà ta thành nữ hoàng. Cá vàng hết lần này đến lần khác đã đáp ứng các yêu cầu khác nhau của bà lão.
Lần thứ năm, bà lão tuyên bố rằng bà ta không còn muốn làm nữ hoàng nữa, bà ta muốn làm chủ nhân của biển, và cá vàng phải làm theo ý muốn của bà ta. Lần này, cá vàng không còn đáp ứng mong muốn của bà lão nữa và đã lấy lại mọi thứ đã ban cho trước đó, bà lão lại trở về cuộc sống ban đầu.
Người vợ ông lão đánh cá mơ ước qua một đêm trở nên giàu có, nhưng cuối cùng lại trở về tay trắng. Thực tế, có người nhờ chơi xổ số, chơi cổ phiếu mà kiếm được bộn tiền trong chớp mắt, nhưng sau khi có tiền thì sao? Bởi vì số tiền đó kiếm được quá dễ dàng, nó dễ khiến con người ta mất cân bằng, nảy sinh suy nghĩ sai lầm rằng tất cả mọi thứ trên thế giới là rất đơn giản, phát tài là chuyện đương nhiên. Kết quả là, những người như vậy khi giàu có xa hoa, tiêu tiền như nước, chỉ biết hưởng thụ, không biết kinh doanh, không biết kiểm soát, và kết quả là giấc mơ phát tài đổ vỡ và thậm chí còn làm sụp đổ tiền đồ của chính họ. Không thiếu những ví dụ như vậy trong thực tế. Còn những người giàu có, đặc biệt là những người làm giàu từ hai bàn tay trắng, họ đã làm nên thành công bằng bàn tay lao động chăm chỉ và trí tuệ của mình. Họ đã chịu nhiều đau khổ và phải trả giá rất lớn, họ hiểu những gian truân của lao động, cho nên sau khi có tiền, họ sẽ không đánh mất chính mình. Họ sẽ không bị lóa mắt bởi sự giàu có, họ trân quý những thành quả của lao động khó nhọc không dễ dàng có được, không dễ dàng để lãng phí, hơn nữa sẽ càng nỗ lực làm việc chăm chỉ hơn để củng cố toà thành giàu có mà bản thân đã vất vả xây dựng nên.
Khi Mạnh Kiều Ba mười bốn tuổi, gia cảnh bần hàn khiến cô bất đắc dĩ phải nghỉ học. Để kiếm kế sinh nhai, cô bé bày một cái bàn, một chiếc ấm lớn, ngồi bán trà loại một cốc một xu ở thị trấn Hoành Long Kiều ở Ích Dương, Hồ Nam. Dáng người nhỏ bé, quầy hàng cũng nhỏ, chẳng mấy ai để ý, đến nỗi có những hôm cả ngày cô bé không kiếm được đồng nào.
Cô bé không cam lòng trước tình cảnh ấy, người khác có thể kiếm tiền, cô tin chắc mình cũng có thể kiếm tiền. Thế là sau đó, cô thay cốc trà bằng những chiếc cốc lớn hơn những quán hàng khác một cỡ, để che chắn cho khỏi bụi, cô cũng cẩn thận đặt một miếng kính lên miệng mỗi chiếc cốc. Khách uống xong, cô liền hỏi xem họ đã uống đủ chưa, nếu chưa đủ, cô sẵn sàng cho thêm không tính tiền; khách vừa đặt cốc xuống, cô liền đem cốc cẩn thận rửa sạch, tráng nước, đậy nắp kính. Mọi người đều cho rằng trà của cô rất vệ sinh, uống thật đã, tiếng lành đồn xa, rồi dần dần, khách đến với quán trà của cô ngày càng nhiều.
Năm Mạnh Kiều Ba mười bảy tuổi, những người bạn của cô phần lớn chê bán trà kiếm tiền vất vả, hơn nữa lại chẳng kiếm được bao nhiêu, nên đều tìm cách khác để kiếm sống. Nhưng Kiều Ba không muốn bỏ cuộc giữa chừng, cô bắt đầu bán loại trà tốt cho sức khỏe và chuyển quầy hàng của mình đến thành phố Ích Dương, địa phương có truyền thống uống trà. Ban đầu, công việc của Mạnh Kiều Ba không mấy tiến triển. Tuy nhiên, sau khi cô chuyển sang loại cốc “béo” hơn loại của những cửa hàng khác, lượng khách đã bắt đầu tăng lên. Đồng thời, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô pha chế ra một loạt các loại trà có hương vị độc đáo để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau. Cứ như vậy, việc kinh doanh trà của Mạnh Kiều Ba bắt đầu phát triển.
Ở tuổi hai mươi, Mạnh Kiều Ba vẫn kiên trì bán trà. Nhưng lần này cô chuyển đến thủ phủ của tỉnh Hà Nam, và mở cửa hàng nhỏ đầu tiên, cửa hàng bài trí tương đối gần gũi, thân thiện - ở giữa cửa hàng đặt một bộ bàn trà chạm khắc gỗ, mỗi khách bước vào, cô đều nhiệt tình mời khách dùng thử một tách trà miễn phí; bên cạnh cửa hàng cô thiết kế một nhà vệ sinh, tất cả những người qua đường đều có thể dùng nhờ nhà vệ sinh, sau đó nếu họ không vội, có thể thưởng thức một tách trà thơm ngào ngạt do chính cô pha. Sau khi khách hàng thưởng thức, trước khi đi, họ ít nhiều đều mua một hoặc hai gói trà. Ngay cả những người không mua trà cũng nhận được đón tiếp như vậy. Cứ như vậy, bằng sự phục vụ chu đáo của mình, Mạnh Kiều Ba lấy lòng được càng nhiều khách hàng, mọi người đều rất thích đến tiệm trà của cô, và cô cũng có một lượng khách mua buôn lớn.
Người có tâm sẽ được đền đáp xứng đáng, những gì Mạnh Kiều Ba bỏ ra cuối cùng đã được đền đáp, cô không những thu hút được ngày càng nhiều khách hàng và bạn bè, mà qua sự giúp đỡ của bạn bè, cô còn bắt đầu mở nhiều chi nhánh khác nhau tại nhiều thành phố. Đến nay, cô đã có hơn bốn mươi tiệm trà, phân bố tại các thành phố lớn như Tây An, Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông,... thậm chí đã có chi nhánh ở Singapore khiến cô trở thành một người giàu có thực sự.
Kinh nghiệm làm giàu của Mạnh Kiều Ba cho thấy một đạo lí: Sự giàu có phải được tích lũy từng chút một, chứ không phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống.
Muốn trở thành một người giàu có, chỉ có một cái đầu không tưởng thì không thể làm nên việc gì. Nếu bạn đã biết bắt tay vào hành động, vậy thì xin chúc mừng, bạn đã bước đi một bước đầu tiên vững chắc.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Nếu bạn muốn thoát khỏi những mơ tưởng viển vông, thực hiện lí tưởng của mình, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau:
1. Viết ước mơ làm giàu của bạn vào một cuốn sổ ghi chép và cẩn thận xác định những ước mơ nào có thể dần dần thực hiện và cái nào là những mộng tưởng phi thực tế.
2. Tìm bạn bè hoặc những người thành công có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan để nói chuyện, họ sẽ giúp bạn xác định và chấn chỉnh những phần không thực tế. Tuy nhiên, bạn cần có khả năng phán đoán của riêng mình, không nên vì dị nghị từ người khác mà từ bỏ ý tưởng của mình.
3. Khi những tưởng tượng không thực tế xuất hiện trong đầu, cần tự kiềm chế, tự nhủ rằng hành động hiệu quả mới là con đường duy nhất để thực hiện lí tưởng của mình. Nếu không được, hãy đến vườn hoa gần đó để tản bộ, ngắm nhìn thế giới bên ngoài và thư giãn đầu óc.
4. Liên tục cụ thể hóa ước mơ. Cụ thể hóa ước mơ có giá trị của bạn, ước mơ nhỏ sẽ dễ thực hiện hơn và cũng khiến cho bạn có động lực hơn.
2
NÓI ĐƯỢC LÀM ĐƯỢC, ƯỚC MƠ MỚI THÀNH HIỆN THỰC
Trong cuộc sống, một số người chỉ giỏi “mồm miệng đỡ chân tay”, “làm thì láo báo cáo thì hay”. Lại có một số người có quan điểm ngược lại, nghĩ rằng “Nói hay không bằng làm tốt”. Chỉ có bắt tay vào làm, mới có thể biết lí tưởng của bản thân có thể thành hiện thực được hay không. Bởi vì chỉ trong quá trình làm việc mới có thể phát hiện ra những vấn đề cụ thể, ưu nhược điểm khi thực hiện các phương án, để tìm ra phương án giải pháp giải quyết chuẩn xác, và cuối cùng đạt được thành công, có được sự giàu có.
Một số người luôn lẻo mép hơn người khác, miệng luôn nói đạo lí, nhưng lại thường không làm tốt việc của mình, hoặc căn bản không chịu hành động.
Điền Hân là nhân viên của một công ty máy tính ở Bắc Kinh, ngoại hình xinh đẹp, thu nhập cao. Trong mắt các bạn học đại học, Điền Hân là “mỹ nhân giàu có”. Tuy nhiên, Điền Hân có một khuyết điểm mà ai ai cũng biết, mỗi khi cô mở miệng nói, thì thao thao bất tuyệt, thậm chí quên đi những công việc quan trọng mình đang làm. Mỗi buổi sáng vừa đến văn phòng, là có thể nghe thấy Điền Hân buôn chuyện. Hơn nữa, dù mọi người đang nói về chủ đề gì, cô đều có thể chen vào, ngay cả khi cô hoàn toàn không hiểu chủ đề mọi người đang nói. Lâu dần, các đồng nghiệp đều biết cái tật thích nói của cô.
Ban đầu, quan hệ giữa mọi người với Điền Hân còn hòa hợp, tuy nhiên càng về sau, bầu không khí đã thay đổi, đồng nghiệp không dám nói chuyện trước mặt cô ấy. Điền Hân nói càng nhiều, các đồng nghiệp khác nói càng ít, sợ bị sếp phê bình và cắt lương thưởng. Điền Hân dù năng lực nghiệp vụ không giỏi nhưng thường buông một câu: “Tôi mà phụ trách dự án này, chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận lớn”. Khi sếp giao việc cho cô, cô luôn miệng hứa trước mặt sếp, nhưng lại thiếu hành động thực tế, dùng nhiều lí do để ứng phó với các câu hỏi kiểm tra của sếp. Trong đánh giá cuối năm, các đồng nghiệp được những phần thưởng khác nhau, Điền Hân không nhận được bất kỳ phần thưởng nào. Tuy nhiên, cô không nhận ra vấn đề nghiêm trọng của việc chỉ biết nói không biết làm, cuối cùng bị cho thôi việc.
Thực ra, lãnh đạo của bất cứ công ty nào cũng không muốn giữ những nhân viên mồm mép tép nhảy, mà họ đánh giá cao những người biết hành động thực tế, làm nhiều quan trọng hơn nói nhiều.
Vương Cường tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường đại học hàng đầu Trung Quốc, sau khi tốt nghiệp, anh làm biên tập viên tại một nhà xuất bản ở Bắc Kinh. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Vương Cường một lòng muốn lập nghiệp, muốn thoát khỏi cảnh nghèo, nhưng khi mới đầu vào làm việc, anh chỉ được lãnh đạo giao cho công việc soát lỗi bản thảo, công việc này không có yêu cầu cao về chuyên môn. Thực ra, đây là một thử nghiệm mà lãnh đạo muốn thử ý chí của anh, nhưng Vương Cường cho rằng anh ta tốt nghiệp trường đại học nổi tiếng, công việc soát lỗi bản thảo chỉ là chuyện vặt vãnh, vì vậy anh không có tinh thần làm việc, công việc để xảy ra rất nhiều lỗi, sếp rất không hài lòng với màn thể hiện của anh. Cho nên Vương Cường không những không được đề bạt mà còn có nguy cơ mất việc.
Không giống với Vương Cường, bạn cùng lớp của anh là Vi Vi, sau khi tốt nghiệp đã ứng tuyển vào làm ở một nhà xuất bản, ban đầu cũng giống như Vương Cường, được giao soát lỗi bản thảo, nhưng Vi Vi không cảm thấy đó là công việc vặt vãnh, nên cô làm việc rất siêng năng. Trong mắt Vi Vi, bắt đầu vào nghề đều có rất nhiều thứ cần phải học. Ngay cả công việc soát lỗi đơn giản nhất cũng cần học làm sao cho chính xác nhất. Vi Vi rèn luyện trong một năm, làm việc siêng năng, và cuối cùng cũng được đơn vị giao phó nhiệm vụ khó hơn, giữ chức trưởng phòng xuất bản, lương cũng tăng gấp nhiều lần.
Công việc và thành tựu của Vi Vi đều nhờ sự chăm chỉ cần mẫn của chính cô, không phải dựa vào mồm mép. Chỉ những người sẵn sàng làm việc chăm chỉ mới có thể được đánh giá cao, được cấp trên cất nhắc và cuối cùng sẽ có một ngày đạt được vinh quang.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Một số người sở dĩ bị đánh bại trên con đường theo đuổi sự giàu có, lí do là họ thiếu đi phẩm chất làm nhiều nói ít, họ chỉ dồn sức vào cái miệng thao thao bất tuyệt. Tiền đề của sự giàu có luôn là “người thực việc thực”, chứ không phải là “mồm miệng đỡ chân tay”. Do đó, nếu bạn muốn có được sự giàu có và thành công, bạn phải là một người “miệng nói tay làm” chân chính.
3
THOÁT NGHÈO – QUÁ TRÌNH QUAN TRỌNG HƠN KẾT QUẢ
Xã hội hiện đại theo đuổi kết quả một cách quá đáng, rất nhiều người coi nhẹ quá trình, kỳ thực, quá trình thường là đẹp nhất. Rất nhiều người sốt sắng muốn thu lợi ngay thường mộng tưởng qua một đêm có thể trở thành triệu phú, mà bỏ qua quá trình thời gian, bởi vì họ luôn muốn nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn trước mắt khiến thể chất và tinh thần mệt mỏi.
Thực tế, quá trình và kết quả là quan trọng như nhau, đều là thứ đáng quý không thể thiếu trong cuộc đời. Quá trình theo đuổi làm giàu có rất nhiều những niềm vui, bất ngờ và những trải nghiệm cuộc sống quý giá. Những người có thể tìm được sự giàu có về vật chất thường nắm bắt được vẻ đẹp của quá trình.
Trên đường phố, chúng ta đều có thể nhìn thấy những người mặc quần jeans. Và người sáng tạo ra loại quần đi cùng năm tháng này là Levi Strauss, một người Do Thái quốc tịch Đức.
Levi Strauss xuất thân bình thường, gia đình ông không có ai làm kinh doanh, cha ông chỉ là một nhân viên nhỏ. Quá trình trưởng thành của ông cũng bình lặng như hầu hết những đứa trẻ khác, học xong trung học, lên đại học và tốt nghiệp một cách thuận lợi, rồi vào làm văn thư trong một công ty.
Tuy nhiên, vào năm 1850, Levi quyết định phá vỡ cuộc sống tẻ nhạt. Lúc đó tin đồn có một mỏ vàng lớn ở miền Tây Hoa Kỳ, lan truyền rất nhanh, người ta đổ xô đi hàng ngàn dặm tới mỏ vàng lớn, nơi không mọc nổi một ngọn cỏ. Trong số những người ôm mộng phát tài đó cũng có Levi. Lúc đó Levi hai mươi tuổi, ông đã thấy rất mệt mỏi với công việc đánh máy mỗi ngày, vì vậy ông bỏ việc và gia nhập đội ngũ đông đảo những người đào vàng.
Levi nhiệt tình háo hức khi khởi hành bao nhiêu thì sau khi đến vùng San Francisco Hoa Kỳ lại cụt hứng bấy nhiêu. Lúc ấy, San Francisco đã qua đông người, họ phải sống trong một cái lều bạt. Không chỉ có một mình Levi mà là cả một rừng người biển người đi đào vàng, có lẽ vàng đã bị đào gần hết rồi. Levi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt thấy nản, trầm tư suy nghĩ.
Levi quyết định từ bỏ đào vàng, từ bỏ giấc mộng phát tài của mình. Ánh mắt của ông chuyển hướng sang quá trình đào vàng mà người ta bỏ qua. Ông quan sát một cách cẩn thận trong một vài ngày và phát hiện ra cơ hội để làm giàu: những người đào vàng có xu hướng ở lại một nơi, sống trong lều, nhưng rất xa trung tâm mua sắm, người đào vàng muốn mua sắm rất bất tiện. Levi đã quyết định nắm bắt cơ hội này để kinh doanh kiếm tiền. Ông dùng số vốn ít ỏi mở một tiệm tạp hóa nhỏ. Mục tiêu của ông không còn là những cục vàng dưới đất nữa, mà là những người đào vàng trước mắt.
Suy nghĩ của Levi là chính xác. Tiệm tạp hóa của ông vừa mới mở ra, người đào vàng đến mua khá đông, ông nhanh chóng thu lại vốn.
Cửa hàng nhỏ với các sản phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu của một số lượng lớn người đào vàng, Levi bắt đầu mở rộng kinh doanh, ông mua hàng hóa và vải bạt che. Hàng hóa mua trong thời gian này chưa đến một ngày đã bán hết, thế là ông lại đào được một “mỏ vàng”. Tuy nhiên, ông phát hiện ra một vấn đề là nhu yếu phẩm hàng ngày được bán một cách nhanh chóng nhưng lều vải thì không thể bán được. Thì ra, những người đào vàng đến đây và họ mang theo lều của họ, không cần tốn tiền mua nữa.
Levi vốn nghĩ rằng vải bạt là mặt hàng cần thiết cho những người đào vàng, nhưng không ngờ nó là sản phẩm bán chậm. Nếu không ai mua vải, phải vận chuyển trở lại, mất tiền phí. Thế nhưng, ông không cam tâm để mất tiền như vậy, ông bắt đầu suy nghĩ cẩn thận. Ông phát hiện ra rằng khi người ta đào vàng, quần áo trên người thường xuyên cọ xát với cát đất đá sỏi, một vài ngày, quần vải mỏng đã bị rách rồi, nếu dùng vải bạt dày làm quần, vừa chắc vừa bền, rất có thể được yêu thích. Ở đây vẫn còn nhiều lều vải dùng hỏng vứt đi, đây cũng là nguồn nguyên liệu không mất tiền vốn. Vì vậy, Levi đem số vải bạt còn chất đống ở đó và những tấm vải thu gom được làm thành đủ loại quần lao động vừa có kiểu dáng mới lạ vừa bền chắc. Loại quần lao động này vừa ra mắt đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người khai thác vàng.
Năm 1853, chiếc quần vải bạt đầu tiên ra đời, với ưu điểm về độ bền, sự tiện lợi và sự thoải mái, nó đã giành được sự ưa chuộng của rất đông những người đào vàng. Những chiếc quần lao động này chính là “ông tổ” của những chiếc quần jeans mà chúng ta mặc ngày nay. Số lượng các đơn đặt hàng càng lúc càng nhiều, về sau, Levi Strauss đóng cửa hàng tạp hóa, thành lập một công ty chuyên sản xuất quần bò, sau đó liên tục cải tiến, tài sản mà Levi tích lũy ngày càng nhiều. Thực tế chứng minh, ông quả thực đã đào được mỏ vàng từ chuyến đi Châu Mỹ lần này.
Cũng là đi đào vàng, nhưng hầu hết mọi người đều tay không trở về, ngược lại người thu lợi lớn nhất lại là người bán quần jeans. Thoạt nhìn tưởng như ngẫu nhiên, nhưng kỳ thực cũng là tất nhiên. Những người đào vàng chỉ chăm chăm hướng tới những cục vàng dưới lòng đất, chỉ mong bất ngờ đào được cục vàng to và trở nên giàu có mà không quan tâm đến những thứ khác. Nhưng Levi không giống như vậy, ông không nhìn chăm chăm vào những cục vàng, mà để ý tới quá trình đào vàng, tìm kiếm cơ hội để kiếm tiền từ đó.
Kỳ thực quá trình chúng ta tạo ra của cải cũng giống như quá trình đào vàng, nếu chỉ quan tâm đến kết quả làm giàu, nhìn chằm chằm vào cục vàng nhỏ nằm im dưới lòng đất, không kiên nhẫn để ý đến việc nghiên cứu quá trình này, như vậy chẳng phải giống như người đào vàng không đạt được kết quả gì hay sao?
Vì vậy, không nên chỉ biết nhìn chăm chăm vào kết quả của sự giàu có mà hãy để ý quan sát quá trình, rất có thể sẽ tìm thấy cơ hội để làm giàu trong quá trình tìm kiếm của cải này.
Không ít người cũng có thể miễn cưỡng làm được việc quan sát quá trình và tìm kiếm các cơ hội trong quá trình này từ trong những việc bình thường, nhưng khi quá trình này trở nên nguy hiểm, họ có thể từ bỏ. Tuy nhiên, càng không dễ dàng thì cơ hội thành công càng lớn.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Từ nghèo thành giàu, không chỉ quan tâm đến kết quả, mà càng cần quan tâm đến quá trình, không thể bỏ qua bất cứ khâu nào trong chuỗi giá trị. Trong quá trình làm giàu, bạn càng chăm chỉ và kiên nhẫn, bạn càng có nhiều khả năng gặp được nhiều cơ hội hơn, đi trước một bước để làm giàu. Nếu bạn muốn có được tiền của và trở thành người giàu có, bạn phải chuyển từ sự chú ý đến kết quả sang chú ý đến quá trình.
4
THÁI ĐỘ ĐỐI MẶT VỚI THẤT BẠI QUYẾT ĐỊNH MỨC ĐỘ THÀNH CÔNG
Trước cùng một sự việc, những người khác nhau sẽ có những lựa chọn không giống nhau, chẳng hạn như, có người vì một vài lần thất bại mà lựa chọn từ bỏ, không bao giờ nghĩ đến nguyên nhân của thất bại, cũng không đúc rút được kinh nghiệm, vì vậy chán nản, chấp nhận nghèo khổ; có người lại chọn làm lại sau thất bại, tổng kết kinh nghiệm thất bại, nghĩ rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, có được bài học từ quá khứ để đảm bảo rằng sau này họ sẽ không vấp ngã tại cùng một chỗ. Đối với những người như vậy, có lý do gì mà không thành công?
Nếu so sánh con đường từ nghèo đến giàu với chuyện leo núi, thì có những người đi được một nửa hoặc thậm chí chưa được một nửa đã từ bỏ, cũng có một số người không ngại “vấp ngã” và dám làm lại ngay cả khi họ thất bại.
Vương Binh và Lí Phong sau khi bị sa thải, không có việc gì làm, họ bèn bàn bạc kinh doanh làm đại lý thuốc. Không may là, lúc đó đúng vào lúc nhà nước chấn chỉnh các ngành nghề, trừng trị nghiêm các hoạt động hối lộ kinh doanh, hầu như tất cả các đại lí thuốc đều không thể bán thuốc cho bệnh viện. Vì vậy, lần đầu tiên làm kinh doanh, họ đã tồn kho rất nhiều thuốc. Nhìn vào đống thuốc mà không tìm được kênh bán hàng, Vương Binh chán nản. Vương Binh nghĩ số mình không thể phát tài. Cuối cùng, Vương Binh đã bán tất cả các loại thuốc mình có với một mức giá thấp, chấp nhận lỗ vốn cho hiệu thuốc, rồi cậu ta thề sẽ không làm kinh doanh nữa.
Nhưng Lí Phong lại không như vậy, mặc dù trước mắt dường như thất bại, nhưng anh cũng nhìn thấy những hạn chế của mô hình tiếp thị hiện tại. Thế là Lí Phong không sử dụng cách thức cũ là đi hối lộ chạy chọt nữa, anh bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc các cách làm tiên tiến của các doanh nghiệp chính quy, gặp vấn đề là nhờ người khác chỉ dạy, nỗ lực kinh doanh, dần dần có được sự cân bằng trong thu chi. Hơn nữa, Lí Phong rất lạc quan về triển vọng của ngành dược phẩm, anh biết rằng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế quốc gia và đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, bảo hiểm y tế rộng rãi hơn, công nghiệp dược phẩm chắc chắn sẽ bùng nổ phát triển. Thế là, anh đã áp dụng các phương pháp tiêu thụ tiên tiến, các cách thức quảng cáo như thông qua hiệu ứng người nổi tiếng và các hoạt động chào hàng,… công việc kinh doanh nhanh chóng khởi sắc. Kinh doanh được nửa năm, anh đã có thể kiếm được lợi nhuận đáng kể mỗi tháng.
Sau đó, Lí Phong khi đúc kết kinh nghiệm thành công của mình, đã nói: “Lúc đầu có rất nhiều người làm đại lý dược phẩm, sau đó nhà nước tăng cường quản lí rất chặt, một số người không làm nổi đã bỏ cuộc, nhưng tôi kiên trì được. Bởi vì tôi luôn nghĩ rằng có thể làm giàu bằng con đường mở đại lý y dược, tôi không cam tâm từ bỏ như vậy. Giờ nghĩ lại, cũng thấy đã làm nên được thành quả cho mình.“
Iacocca khi ở dưới đáy cuộc đời cũng đã dùng một chí khí không chịu khuất phục để đạt được thành công cho mình.
Iacocca từng làm việc cho Công ty xe hơi hàng đầu thế giới Ford, bằng tài năng kinh doanh xuất sắc, ông đã lên được vị trí tổng giám đốc của Ford Motors.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp của Iacocca đang trên đà phát triển, ông chủ của hãng Ford, Henry Ford II, đã sa thải ông. Điều khiến mọi người không ngờ là lý do thực sự ông bị sa thải chính là danh tiếng và địa vị của Iacocca ở Ford quá cao, vượt qua cả Henry Ford II, ông ta sợ rằng một ngày nào đó công ty của ông ta sẽ đổi tên thành “Iacocca”.
Sự nghiệp của Iacocca đã từ đỉnh cao rơi xuống đáy, ông đã suy nghĩ rất lâu và cuối cùng quyết định rời khỏi Ford.
Sau khi Iacocca rời hãng Ford, nhiều công ty nổi tiếng thế giới đã mời ông, nhưng Iacocca từ chối. Bởi vì ông chỉ có một mục tiêu trong đầu ông, đó là “Ngã từ đâu, thì sẽ đứng lên từ đó”.
Cuối cùng, ông quyết định làm lại từ đầu từ Công ty Chrysler, công ty ô tô lớn thứ ba Hoa Kỳ. Lúc đó Chrysler đã là công ty đang rơi vào nguy cơ khủng hoảng, đối mặt với phá sản. Ông muốn chứng minh tài năng của mình với Henry Ford II và mọi người, rằng Iacocca thực sự là một nhân tài kinh doanh.
Sau khi tiếp quản công ty Chrysler, Iacocca đã tiến hành cải cách toàn diện công ty, cách chức 32 phó tổng giám đốc, đóng cửa 16 nhà máy, do đó tiết kiệm cho công ty một khoản chi phí lớn. Mặc dù quy mô của công ty sau khi được cải cách đã trở nên nhỏ hơn, nhưng lại tinh nhuệ hơn.
Mặt khác, Iacocca bằng đôi mắt thông tuệ bẩm sinh của mình đã nhìn ra chính xác tâm lý tiêu dùng của người dân, ông đã chi số tiền vốn hạn chế của công ty mình vào các bộ phận then chốt. Dưới sự dẫn dắt của nhu cầu thị trường, ông đã nắm đúng thời cơ, xuất kích với tốc độ nhanh nhất, cho ra loại xe mới, và cuối cùng là đứng ngang hàng với Ford và General. Tài năng kinh doanh đó đã chấn động toàn nước Mỹ suốt một thời gian.
Trong một cuộc thăm dò ý kiến công chúng vào năm 1983, Iacocca đã trở thành “nhân vật số một trong ngành công nghiệp Hoa Kỳ”.
Năm 1984, trong một cuộc khảo sát “Giám đốc được kính trọng nhất”, với số phiếu bầu cao nhất ông đã dành được danh hiệu “Giám đốc được yêu quý nhất”.
Trong thời gian này, một số người đã kêu gọi Iacocca tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Nếu như nói ở Công ty Ford, Iacocca là “quốc vương” của Ford, thì không còn nghi ngờ gì nữa, Iacocca của Chrysler là “vua” của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Sở dĩ Iacocca có thể trở thành một huyền thoại như vậy, hoàn toàn là do ông không từ bỏ, đã dũng cảm đứng dậy sau thất bại của mình. Chính nhờ tính cách không từ bỏ này mà sự nghiệp của Iacocca đã bước lên tầm cao mới. Không ai là cả đời suôn sẻ, nếu ngã mà không đứng dậy được, thì sẽ không bao giờ đến được đỉnh cao của thắng lợi, còn những người vấp ngã rồi biết vươn lên mới có thể nắm bắt được thành công.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Những người thành công không bao giờ chọn từ bỏ, và những người chọn từ bỏ sẽ không bao giờ thành công. Trong thế giới này, chỉ có một loại thất bại, đó là từ bỏ nỗ lực. Điều bất hạnh là, luôn có những người khi làm việc hễ gặp khó khăn là lựa chọn từ bỏ, chỉ khác là có người thì bỏ cuộc sau một lần, có người bỏ cuộc sau hai lần, và có người có thể bỏ cuộc sau vài lần, nhưng dù họ kiên trì mấy lần, sẽ chỉ vì lần từ bỏ cuối cùng, mà họ chắc chắn sẽ không có duyên với sự giàu có. Trong quá trình làm giàu, khi đối mặt với khó khăn, nếu bạn luôn có thể kiên trì nỗ lực và không dễ dàng bỏ cuộc, bạn sẽ có một ngày vươn tới thành công.
4
KHÔNG PHẢI KÉM MAY MẮN, LÀ DO BẠN HÀNH ĐỘNG QUÁ ÍT
Người nghèo thường nghĩ: Lỡ như thất bại thì phải làm sao? Cách nghĩ của người giàu hoàn toàn trái ngược, người giàu thường nói: “Mặc dù khả năng thành công không lớn, nhưng tôi vẫn phải cố gắng thực hiện, ngộ nhỡ thực sự thành công thì sao”. Xuất hiện một cơ hội nhỏ là phải giữ chặt lấy, đừng đợi đến khi bạn chắc chắn một trăm phần trăm mới nắm bắt, lúc đó cơ hội đã tuột mất hoặc nằm trong tay người khác rồi.
“Bất cứ chuyện gì cũng phải nghĩ ba lần rồi mới làm”, những cách nói như thế này đều có một cơ sở chắc chắn nhất định. Cho dù bạn có suy tính chặt chẽ chu đáo đến đâu, rủi ro vẫn sẽ luôn tồn tại, mà nếu bạn không làm, thì cuối cùng ngay cả một hạt gạo cũng không thu được.
Một ngày nọ, có một người đi đường trông thấy ông nông dân đứng bên ruộng, bèn hỏi người nông dân rằng: “Mảnh ruộng đó trồng lúa mì phải không?”. Người nông dân thành thật trả lời: “Không, lỡ như trời không mưa thì biết làm sao?” Người kia lại hỏi: “Vậy ông trồng cây bông à?”Nông dân đáp: “Không, lỡ như có sâu thì biết làm sao? Sâu rất thích ăn cây bông”. Người kia cuối cùng không nhịn được lại hỏi: “Vậy ông trồng cái gì?”.
Nông dân nói: “Tôi không trồng gì cả”.
Nông dân chỉ lo xảy ra tình huống “ngộ nhỡ”, kết quả trong ruộng chẳng trồng bất cứ hoa màu gì, cuối cùng cũng chẳng thu hoạch được gì, ruộng đất màu mỡ trong tay người nông dân biến thành một thửa ruộng hoang không có chút giá trị.
Cái giỏi của chủ tịch tập đoàn Lenovo - ông Liễu Truyền Chí là ở chỗ, ông hiểu rõ rằng bất cứ chuyện gì đều có khả năng thất bại, vậy thì đã sao? Nếu không tranh thủ thì chắc chắn thất bại trăm phần trăm.
Khi Tập đoàn Lenovo độc quyền đại diện cho AST tại thị trường Trung Quốc và hoàn toàn nắm giữ quyền kiểm soát thị trường máy vi tính AST, Liễu Truyền Chí quyết định từ bỏ AST, tập trung vào máy vi tính thương hiệu Lenovo.
Các nhân viên bán hàng cảm thấy thực sự tiếc bởi AST là nguồn lợi béo bở mang lại lợi nhuận kếch xù. “Miếng thịt ngon trong bát thì không giữ, lại muốn đi mò miếng khác ở trong nồi, chẳng phải là mất cả chì lẫn chài sao?”
Thế nhưng, Liễu Truyền Chí đã phác họa cho mọi người những cảnh tượng có thể xuất hiện trên chiến trường mới của Lenovo, động viên mọi người: “Có thể dự kiến được ba kết cục - thượng cuộc, trung cuộc và hạ cuộc. Thượng cuộc là vừa làm tốt việc của mình, vừa không để mất đi AST; Trung cuộc là chỉ làm tốt việc của mình, nhưng lại để mất đi AST; Hạ cuộc là cả hai thứ này đều làm không tốt, đây là kết quả tồi tệ nhất”. Những lời động viên của Liễu Truyền Chí đã có hiệu quả.
Kết quả là, toàn thể công ty đồng tâm hiệp lực, cùng nhau cố gắng, hiện tại máy vi tính của Lenovo đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu. Năm đó, Liễu Truyền Chí quyết đoán kịp thời, có được phong độ của người chủ tướng từ trong cơ may tranh thủ được cơ hội, tạo dựng nên tập đoàn đa quốc gia ngày nay.
Những người hay suy đi nghĩ lại, sợ bóng sợ gió, do dự không quyết sẽ không nhận được sự hoan nghênh của mọi người, đặc biệt là trong thế giới thay đổi nhanh chóng này, những người sợ bóng sợ gió khó mà bắt kịp bước tiến của thời đại.
Edison nói rằng: “Những người ngu ngốc mới cố gắng dùng những lời hoa mỹ để chứng minh mình là người như thế nào, bạn có thành tựu hay không nằm ở chỗ bạn có thói quen hành động hay không. Một kiểu người là sợ nọ sợ kia, lo lắng đủ thứ chuyện, nó sẽ quyết định bạn mãi mãi không có cơ hội thành công; Một kiểu khác là dũng cảm xông pha, cố gắng giành lấy thành công, nó sẽ quyết định con đường dưới chân bạn chắc chắn đi tới bến bờ thắng lợi”.
Thời học sinh, William Osler đầy lo lắng, làm bất cứ việc gì trong lòng đều nghĩ ngộ nhỡ thất bại thì làm sao, lúc nào cũng nghĩ trước nghĩ sau, sợ bóng sợ gió.
Có một lần, khi cậu đọc cuốn sách của Thomas Cameron, trong đó có một câu khiến cậu cảm động sâu sắc: “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời chính là không nên nhìn thấy tương lai mờ mịt mà do dự làm những việc đã rõ ràng trong tầm tay”. Cậu đã khắc ghi câu nói này ở trong lòng, từ đó nó giúp cậu bồi dưỡng thành thói quen dám xông pha. Vì dũng cảm xông pha mà về sau cậu đã trở thành nhà y học nổi tiếng nhất thời đại đó, hơn nữa còn thành lập trường Đại học Y Johns Hopkins nổi tiếng, trở thành giáo sư thỉnh giảng tại Viện Y khoa trường Đại học Oxford. Đây là vinh dự cao nhất mà những người học y khoa ở Anh nhận được. Không chỉ có vậy, William Osler cũng được Hoàng gia Anh phong hàm tước. William Osler cho rằng những thành tựu của mình là nhờ có những thói quen tốt, và giải thích rằng: “Dùng một cánh cửa sắt ngăn cách quá khứ và tương lai, trong ngày hôm nay hoàn toàn độc lập, bằng dũng khí gấp trăm lần, làm những gì mình muốn làm”. Câu nói này đã khích lệ các sinh viên của ông William Osler và hàng ngàn thanh niên Anh đang phấn đấu.
Người ta thường lo lắng tương lai của mình sẽ thất bại nên không dám hành động vì tương lai của mình, cần phải tích cực đối mặt với thực tế giống như William Osler, dũng cảm xông lên, mới có thể nhanh chóng tiến tới thành công.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Có người từng nói: “Chỉ có một loại lo lắng là đúng: Lo lắng vì đã quá lo lắng”. Câu nói này hoàn toàn đúng, khi bạn lo lắng về điều gì đó, bạn nên biết rằng nó chỉ có hai kết cục: Việc mà bạn lo lắng có thể xảy ra, cũng có thể không xảy ra. Bạn không có những hành động thiết thực để giải quyết, bạn vĩnh viễn không biết liệu nó sẽ thành công hay không, vì vậy, cách duy nhất để giải quyết vấn đề chính là hành động, tranh thủ để giành thắng lợi.
5
NÓNG LÒNG MUỐN CÓ ĐƯỢC THÀNH QUẢ, CŨNG LÀ TRỞ NGẠI CỦA THÀNH CÔNG
"Sốt ruột thì không thể ăn đậu phụ nóng”, rất nhiều việc không thể vội vàng. Trong hiện thực cuộc sống, có rất nhiều người lại đang làm những việc dục tốc bất đạt như thế. Họ vì muốn đạt được thành công mà nóng vội, kết quả cuối cùng lại trái ngược hoàn toàn.
Trên con đường đi từ nghèo đến giàu, cần phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm, tăng cường thực lực, ngoài ra còn phải có lòng kiên nhẫn, chỉ có như vậy mới có thể đạt tới mục đích. Một số người nóng lòng chạy về đích mà không để ý hai bên đường, bất chấp nguyên tắc, càng không quan tâm bất cứ luật lệ gì, thứ nên chú ý thì không chú ý, thậm chí những rủi ro cần coi trọng cũng không ý thức được, thì khó tránh khỏi sẽ ngã đau đớn. Trong khi một số người khác lại làm đâu chắc đấy, thực hiện mục tiêu này xong rồi tiếp tục thực hiện mục tiêu tiếp theo, bởi vì họ hiểu rằng “ăn một miếng mà thành người khổng lồ” chỉ là mộng tưởng không có thực.
Có một truyện ngụ ngôn như thế này:
Để trải nghiệm và quan sát những vấn đề xảy ra ở trần thế, Thiên thần hóa thân thành Bồ Tát xuống nhân gian. Khi ngài đi tới trước cửa một gia đình, ngài trông thấy một người ăn xin đang nằm trên mặt đất, bèn đi tới đỡ ông ta dậy và trò chuyện với ông.
“Này người ăn xin, sao ông lại lưu lạc đến nông nỗi này?”.
“Tôi mất hết rồi”. Người ăn xin nói xong đau lòng bật khóc.
“Ồ, này người ăn xin, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Hãy nói thử xem”.
“Mọi việc kinh doanh của tôi đều phá sản hết rồi, còn nợ rất nhiều”.
“Không còn vụ nào kiếm tiền được sao?”.
“Đúng vậy, ngay cả vụ tôi tập trung tinh thần và sức lực lớn nhất cũng phá sản luôn rồi, tôi đau khổ lắm”.
“Ông tìm ra nguyên nhân khiến các thương vụ của mình phá sản chưa?”.
“Chưa tìm ra”.
“Ông thực hiện những vụ làm ăn này như thế nào?”.
“Sau khi nhìn thấy có thị trường, tôi liền liên tục mở rộng kinh doanh, sau đó doanh nghiệp của tôi trải rộng đến rất nhiều nơi”.
“Ông có phân tích nghiêm túc liệu các thương vụ này có thực sự mang lại lợi nhuận cho ông không?”.
“Chưa từng nghĩ kỹ”.
“Khi mở rộng kinh doanh ông đã hiểu rõ thị trường chưa?”.
“Cũng không”.
“Vậy ông đã từng nghĩ phải mở rộng thị trường như thế nào chưa?”.
“Chưa nghĩ kỹ lắm, tôi chỉ biết cần phải không ngừng mở rộng kinh doanh, để cho tất cả mọi người đều biết đến tôi”.
“Ông quá nóng lòng rồi!”.
“Ý của ngài là…”.
“Mặc dù tốc độ mở rộng thị trường của ông rất nhanh, nhưng ông đã bỏ qua quy luật giành thắng lợi trong ổn định”.
“Ngài nói đúng, tôi là một người hấp tấp, tôi rất muốn nhanh chóng thực hiện ước mơ của mình”.
“Có ước mơ vốn là điều không hề sai. Sai lầm ở chỗ ông quá nóng vội mở rộng thị trường mà bỏ qua chăm sóc cho việc kinh doanh ở thị trường đã có. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến ông phá sản”.
“Tôi biết tại sao tôi kinh doanh thất bại rồi. Ngài có thể cho tôi một cơ hội không?”.
“Ông có thực sự mong muốn bắt đầu lại một cuộc sống mới không?”
“Nếu ngài có thể cho tôi cơ hội làm lại từ đầu, tôi nhất định sẽ trân trọng nó, làm việc đến nơi đến chốn”.
“Vậy thì tốt, tôi sẽ cho ông một cơ hội”.
Nói xong, Bồ Tát lấy từ trong bình ra một vật hình cầu.
“Ông để viên Hoàn nguyên đan này ở trong người là có thể quay trở lại quá khứ, nhưng phải nhắc nhở ông điều này, nếu trong vòng nửa năm ông vẫn không thay đổi được tình trạng hiện tại, viên Hoàn nguyên đan này sẽ tự động biến mất, ông cũng sẽ trở lại là một người ăn xin”.
Người ăn xin trở về quá khứ như ý nguyện, lúc này ông đã thận trọng hơn. Ông luôn nhớ kỹ những lời Bồ Tát đã nói, không còn mù quáng mở rộng thị trường như trước đây nữa, mà kinh doanh chắc từng bước một. Nửa năm sau, mặc dù quy mô kinh doanh của ông không lớn lắm, nhưng ông quản lý rất tốt, và cuối cùng cũng đạt được thành công.
Câu chuyện của người ăn xin nói với chúng ta rằng, mấu chốt của thành công không nằm ở tốc độ của bạn nhanh bao nhiêu, mà nằm ở bước chân của bạn vững vàng như thế nào, chỉ có đi từng bước một cách ổn định, vững chắc tiến về phía trước mới có thể đạt được thành công.
Các con vật trong nông trang cùng nhau tham gia một cuộc thi xây nhà, quy định của cuộc thi là ai xây được nhà chắc chắn nhất trong thời gian ngắn nhất sẽ là người chiến thắng và giành được giải thưởng danh giá. Các con vật bắt đầu quyết tâm giành lấy vinh quang này.
Bò và Thỏ là hàng xóm của nhau, cùng tham gia tranh tài. Thỏ tính tình nóng vội, nó muốn xây xong nhà càng nhanh càng tốt. Để tiết kiệm thời gian, ngay từ đầu nó chẳng quan tâm làm chắc phần móng của ngôi nhà, mà vội vàng xây dựng cho xong ngôi nhà. Khác hẳn với Thỏ, Bò mặc dù cũng muốn nhanh chóng xây xong ngôi nhà, nhưng nó vẫn nghiêm túc gia công móng nhà thật chắc, Bò quan niệm chỉ khi có nền móng chắc chắn ngôi nhà mới được vững chắc.
Tốc độ xây nhà của Thỏ rõ ràng nhanh hơn Bò rất nhiều, Thỏ còn cười nhạo Bò: “Anh Bò ơi, tốc độ xây nhà của tôi như vậy anh không thể nào theo kịp đâu, xem ra phần thắng lần này nằm chắc trong tay tôi rồi”. Trước sự châm chọc khiêu khích của Thỏ, Bò không hề nhiều lời tranh cãi, vẫn cứ cần mẫn xây dựng nhà.
Chỉ còn một ngày trước khi cuộc thi kết thúc, Thỏ đã xây xong ngôi nhà. Khi Thỏ dương dương tự đắc thưởng thức tác phẩm của mình, Bò vẫn đang cần mẫn xây nhà. Chiều hôm đó, bỗng nhiên trời đổ mưa lớn, dòng nước lũ dâng lên cuồn cuộn, nhà của Thỏ vì nền móng không chắc, nên chẳng mấy chốc đã bị nước lũ cuốn trôi. Trong khi nhà của Bò vì nền móng rất chắc chắn, nên vẫn vững vàng trong cơn mưa lũ.
Hôm sau, khi Bò giới thiệu với ban giám khảo và người xem ngôi nhà nó mới hoàn thành thì Thỏ ngồi buồn rầu hối hận vì đã không làm móng nhà cho thật kiên cố. Cuối cùng, Bò đã chiến thắng cuộc thi này.
Thực ra, Thỏ không sai khi cố gắng đẩy nhanh tốc độ xây nhà, nhưng nó chỉ biết theo đuổi tốc độ mà xem nhẹ vấn đề chất lượng của ngôi nhà. Một ngôi nhà mà ngay cả mưa gió cũng không chống đỡ nổi như vậy, tất nhiên sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc thi.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Trong cuộc sống, theo đuổi tốc độ không phải chuyện sai, cái sai là bất chấp tất cả để đạt được tốc độ. Nó giống như chuyện một người sải những bước lớn mà không để ý tới những cục đá dưới chân, kết cục là bị vấp ngã. Cho nên, không nóng vội một cách mù quáng, biết cách giành chiến thắng trong sự trầm ổn là một thái độ sống, cũng là một triết lý sống.
6
THỜI GIAN KHÔNG CHỜ ĐỢI AI, THÀNH CÔNG CŨNG NHỜ PHẦN TỐC ĐỘ
Đứng trước một mục tiêu, một ý tưởng, một sáng kiến hoặc một linh cảm thoáng xuất hiện, có những người sẽ không ngần ngại hành động ngay lập tức, có những người lại quen với việc trì hoãn vài ba ngày, sau vài ba ngày, liệu ai biết được những ý tưởng, mục tiêu đó có còn?
Câu chuyện nhỏ dưới đây cho chúng ta thấy sự trì hoãn có thể dẫn đến kết cục xấu.
Truyền thuyết kể rằng, trên núi Ngũ Đài có một con “chim báo rét”. Khi xuân về hoa nở, thân chim báo rét mọc đầy lông màu sắc sặc sỡ, rất đẹp mắt. Nhưng chim báo rét rất lười di chuyển, đói bụng nó cũng không đi tìm thức ăn, chỉ ăn lá cây ở bên mình, khát thì uống nước sương, rồi chẳng mấy chốc mùa xuân, hạ, thu cứ thế trôi qua.
Mùa đông giá rét kéo đến, vì thời tiết rất lạnh, những con chim nhỏ khác đã sớm chuẩn bị, chúng lũ lượt trở về tổ ấm của chúng. Lúc này, chim báo rét đã rụng hết lông, chỉ còn trơ lại thân mình trụi lủi. Nhiệt độ ban đêm hạ xuống rất thấp, nó phải trốn vào trong khe đá, giá rét khiến toàn thân run lẩy bẩy, nó cứ liên tục kêu: “Lạnh quá, lạnh quá, ngày mai mình nhất định sẽ xây một cái tổ thật ấm!”. Qua một đêm, mặt trời lại xuất hiện, ánh nắng ấm áp chiếu rọi, chim báo rét lập tức quên đi cái rét run lẩy bẩy của đêm hôm qua, thế là nó vui vẻ chào đón ánh mặt trời ấm áp và cất tiếng hát: “Được ngày nào hay ngày đó, dưới ánh nắng ấm áp tuyệt vời, thật tuyệt vời”.
Chim báo rét cứ như vậy sống từng ngày không có mục tiêu, hết hôm này đến hôm khác, tổ của nó vẫn chưa xây xong. Thế rồi liền mấy ngày, không ai nghe thấy tiếng hót của chim báo rét nữa, cuối cùng mọi người phát hiện ra thi thể đông cứng của nó trong một khe đá.
Trong thực tế cuộc sống, có những người giống như con chim báo rét lười biếng kia, sống một cuộc sống được ngày nào hay ngày ấy. Khi làm việc, họ thường kéo dài hết ngày này sang ngày khác, kế hoạch của hôm nay trì trệ đến ngày mai, ngày mai lại kéo đến ngày kia… Cứ kéo dài như vậy, kết quả đương nhiên có thể đoán ra được.
Tỷ phú King C. Gillette là một tấm gương thành công nhờ phong cách cứ có ý tưởng xuất hiện là lập tức hành động ngay.
Tỷ phú King Camp Gillette là người sáng lập ra thương hiệu dao cạo râu nổi tiếng thế giới - American Gillette. Ông là một người không bao giờ chấp nhận viện lý do mà luôn nỗ lực phấn đấu hết mình.
Vì gia cảnh nghèo khó, Gillette buộc phải thôi học năm mười sáu tuổi và bắt đầu đi làm. Do Gillette không có bằng cấp cũng như kinh nghiệm, nên chỉ có thể làm nhân viên bán hàng.
Phát minh ra dao cạo râu thực tế là một ý tưởng mà Gillette vô tình nghĩ ra. Điều quan trọng hơn là, Gillette là một người vừa có ý tưởng là bắt tay vào hành động ngay lập tức. Không có trang thiết bị kỹ thuật, không có kiến thức liên quan, nhưng tất cả những điều này cũng không làm khó được ông. Gillette lập tức mua các dụng cụ và vật liệu cần thiết, bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu và thiết kế loại dao cạo râu “dùng một lần” này.
Có công mài sắt có ngày nên kim, Gillette cuối cùng cũng thiết kế ra một phương án: Chuôi dao hình tròn, có thiết kế một rãnh ở trên (có thể cố định dao lam bằng một con vít), lưỡi dao được kẹp giữa hai tấm kim loại mỏng, lộ ra lưỡi dao, bảo đảm lưỡi dao giữ một góc cố định với mặt khi sử dụng.
Sau đó, Gillette lập tức mời nhân viên chuyên nghiệp chế tác ra hàng mẫu, mặc dù có sự khác biệt nhất định so với tưởng tượng, nhưng hiệu quả tốt hơn nhiều so với dao cạo râu truyền thống. Có hàng mẫu rồi, nhưng lại không có tiền vốn. Gillette vẫn không chịu dừng bước, ông đã tận dụng kinh nghiệm tiếp thị của mình để tìm kiếm người hợp tác. Vài tuần sau, cuối cùng ông cũng xoay sở được 5.000 USD để mua thiết bị, xây dựng một nhà máy và có công ty riêng của mình - Công ty Dao cạo râu an toàn Hoa Kỳ. Một năm sau, loại dao cạo râu kiểu mới này cuối cùng bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên lại xuất hiện vấn đề, sản phẩm bị tồn đọng nghiêm trọng. Rất nhiều người khuyên ông bỏ cuộc, nhưng Gillette vẫn tiếp tục kiên trì. Ông liên tục suy nghĩ về nguyên nhân của việc hàng bị tồn đọng, tổng kết các bài học kinh nghiệm, vừa không ngừng cải thiện chất lượng và công năng của sản phẩm, vừa bắt đầu truyền thông rộng rãi.
Tám năm sau, dao cạo râu an toàn hiệu Gillette cuối cùng cũng được người tiêu dùng công nhận. Kể từ đó, dao cạo râu Gillette liên tục được cải tiến và được bán trên toàn thế giới, bản thân Gillette cũng nhờ đó mà trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Trong con người Gillette, có một tinh thần như vậy, một ý tưởng nho nhỏ, thậm chí là một sáng kiến có phần viễn vông, ông cũng sẽ lập tức hành động, để cuối cùng đạt được thành công.
Nhìn lại những người khác, họ thường kéo dài và trì hoãn hành động, vì những vấn đề rất tầm thường, mà dễ dàng bỏ qua những cơ hội có khả năng làm giàu, điều đó đã định sẵn là họ vô duyên với thành công.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Đối với những người làm việc dây dưa kéo dài, làm thế nào để tận dụng thời gian một cách hiệu quả?
1. Xác định rõ mục tiêu. Mục tiêu là phương hướng để tiến về phía trước, chỉ khi mục tiêu chính xác, những nỗ lực sau này mới không bị lãng phí.
2. Vạch ra kế hoạch trước khi làm việc, đây là bước thứ hai trong việc nắm bắt thời gian. Trước khi làm việc, lập sẵn một kế hoạch tốt và thực hiện theo kế hoạch, sẽ giúp bạn đạt hiệu quả làm ít mà được nhiều. Khi lên kế hoạch, phải phân biệt giữa chính và phụ, và làm theo thứ tự.
3. Loại bỏ chứng trì hoãn - làm ngay, làm lập tức. Những từ như “ngày mai làm”, “rảnh sẽ làm”, “để làm sau”, “ngâm”, “chờ” không thể xuất hiện trong kế hoạch của bạn, đây là thói quen xấu lãng phí thời gian nhất.
4. Làm tốt ngay lần đầu tiên. Lúc mới đầu, chúng ta phải nghiêm túc 100%, hoàn thành tốt công việc. Lần đầu mà không thể hoàn thành tốt công việc thì chẳng khác nào lãng phí thời gian.
5. Việc hôm nay chớ để ngày mai. Chuyện hôm nay hôm nay phải xong. Mỗi ngày dựa theo thời gian biểu mà hoàn thành hết công việc của ngày hôm đó, đừng để nó đến ngày mai, phải làm cho được việc hôm nay xong trong ngày hôm nay.
7
HÀNH ĐỘNG LÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Ngồi chờ cơ hội chỉ có thể đánh mất cơ hội, ngồi chờ giàu có, cũng sẽ vô duyên với giàu có. Nếu bạn muốn đạt được thành công và giàu có, thì hãy học cách chủ động tìm kiếm cơ hội, dùng năng lực hành động để tạo ra sự giàu có, như vậy giàu có mới có thể đến với bạn.
Một số người muốn làm giàu, nhưng khổ nỗi họ không có đường lối để kiếm tiền, hy vọng có thể không làm mà hưởng, bỗng nhiên phát tài. Vì kiểu tâm lý này mà bị mắc lừa, dẫn đến kết cục “nhà tan cửa nát” là điều chẳng lạ lùng gì, những chuyện này dường như đã trở thành một hiện tượng thường thấy trong xã hội.
Những năm gần đây, trên mạng Internet và trên báo chí tràn ngập các quảng cáo làm giàu. Những quảng cáo này vẽ ra viễn cảnh rằng có thể dùng số tiền nhỏ nhất, không cần bất kỳ tay nghề nào, cũng không phải bôn ba khắp nơi, chỉ cần ngồi ở nhà gọi điện thoại là có thể trở nên giàu có. Nếu thật như vậy thì chẳng phải là những người lan truyền quảng cáo đó đã sớm trở thành người giàu có rồi sao?
Kỳ thực, những thứ này đều là cái bẫy, chỉ có những người thiếu kinh nghiệm và nóng vội muốn làm giàu mới sẵn sàng đi theo và tin tưởng. Ảo tưởng tốt đẹp đã che mờ hai mắt họ, ngược lại họ xem nhẹ những nguy hiểm tiềm ẩn. Tiền khó khăn lắm mới kiếm được, nhưng chỉ vì muốn không làm mà hưởng thì sẽ bị lừa hết.
Nhìn lại những người thành công, họ chỉ tin rằng có bỏ ra mới có thể thu được. Cho nên, đằng sau khối tài sản kếch xù là sự kiên trì bền bỉ, nỗ lực phấn đấu, chứ không phải ngồi ở nhà chờ túi tiền từ trên trời rớt xuống.
Có một đất nước phát triển thịnh vượng, dân chúng sống một cuộc sống ấm no, an cư lạc nghiệp. Một đất nước khác sau khi biết được, muốn tìm hiểu bí mật của đất nước thịnh vượng, ấm no kia. Thế là nhà vua cho triệu tập các học giả hiểu biết sâu rộng trong nước, ra lệnh cho họ đến đất nước kia để tìm câu trả lời.
Nửa năm sau, một vị học giả trình lên vua một cuốn sách rất dày và tâu rằng: “Thưa Đức Vua tôn kính, tôi đã đến thăm tất cả các thị trấn và thôn làng ở đất nước của họ, viết hết những bí mật làm giàu của họ vào đây. Chỉ cần dân chúng nước ta đọc hết cuốn sách này, là có thể đảm bảo vô lo vô nghĩ, đất nước phồn hoa thịnh vượng”. Nhà vua cầm lấy cuốn sách rất dày và nói: “Ngươi nghĩ rằng dân chúng sẽ có thời gian để đọc một cách nghiêm túc hết cuốn sách này sao?” Thế là vua ra lệnh cho họ tiếp tục tìm kiếm.
Lại qua một tháng, vị học giả này đơn giản hóa, rút cuốn sách xuống còn vài trang giấy, nhà vua vẫn không hài lòng. Lại qua một tháng nữa, vị học giả này chỉ trình lên vua một tờ giấy, hơn nữa trên tờ giấy chỉ có một câu: “Trên đời không có thứ gì không làm mà có.”
Nhà vua xem xong đập bàn khen ngợi: “Đây mới là bí quyết thực sự đảm bảo sự thịnh vượng của đất nước.”
Nếu bạn luôn mong chờ không làm mà có, luôn nghĩ đến việc không làm mà hưởng, chờ vận may, thì tâm lý này sẽ khiến bạn khó mà dốc hết sức mình. Hãy nhớ rằng bất kỳ sự giàu có nào đều phải trải qua quá trình không ngừng phấn đấu và tích lũy. Mộng tưởng một bước lên trời, ngồi mát ăn bát vàng, cuối cùng chỉ có thể khiến bạn càng ngày càng cách xa sự giàu có.
Sự giàu có là do bản thân ta sáng tạo nên, không phải là thứ chờ mà nó đến. Từ nghèo khổ đến giàu có, giống như leo bậc thang, phải vững chắc, phải nhẫn nại, nếu một bước cũng không muốn leo, cuối cùng sẽ chẳng đạt được gì cả.
Kiyoshi Sagawa, người đàn ông giàu có Nhật Bản, vua vận chuyển hàng hóa, là một người đi bước nào chắc bước đó, dần dần tích lũy nên sự giàu có của mình.
Khi Kiyoshi Sagawa còn là một thiếu niên thì mẹ ông mắc bệnh qua đời, không lâu sau cha ông tái hôn. Để thoát khỏi sự ngược đãi của mẹ kế, ở tuổi mười lăm, Kiyoshi Sagawa bỏ nhà đến Kyoto. Để kiếm sống, cậu đã phải làm người khuân vác ở thành phố Onomichi, tỉnh Hiroshima, cậu rất thích công việc này, và từ đó bắt đầu công cuộc làm giàu của mình.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước thua trận, phải tái thiết lại rất nhiều, Kiyoshi Sagawa bị thất nghiệp, sau đó ông tìm được công việc tại một công trường xây dựng. Nhờ làm việc xuất sắc, không bao lâu sau được thăng chức trợ lý của ông chủ. Sau khi chuyển qua một số đội xây dựng, Kiyoshi Sagawa đã quen thuộc với quy trình kỹ thuật của việc xây dựng công trình, ông thành lập một đội xây dựng, tự mình làm ông chủ. Năm đó, ông chỉ mới hai mươi sáu tuổi.
Vài năm sau, vì sự nghiệp của mình, Kiyoshi Sagawa quyết định giải tán đội xây dựng, bắt đầu quay lại công việc của người vận chuyển hàng hóa và thành lập công ty riêng của mình, chính là công ty “Sagawa MRT”. Sau khi thành lập, vì công ty nhỏ, không có danh tiếng, nên cũng chưa có khách hàng. Để tìm kiếm khách hàng, Kiyoshi Sagawa bắt đầu đến từng công ty để hỏi: “Có cần người vận chuyển không?” nhưng đều bị từ chối.
Tuy nhiên, ông có một niềm tin sắt đá rằng: Chỉ cần kiên trì bền bỉ, chắc chắn sẽ khiến khách hàng cảm động. Cuối cùng, sau một tháng rưỡi, ông đã nhận được sự tin tưởng của ông chủ Thương hội Kizada (kinh doanh máy ảnh) trên Phố Silicon Valley ở Osaka, yêu cầu Kiyoshi Sagawa gửi 10 máy ảnh đến một cửa hàng ở Kyoto, hơn nữa còn không thu tiền thế chấp của ông.
Kể từ đó, công ty “Sagawa MRT” dần dần phát triển. Kiyoshi Sagawa còn tiếp nhận những công việc mà người khác không dám tiếp nhận, dần dần, ông ngày càng có nhiều khách hàng, còn có rất nhiều khách hàng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với ông.
Trải qua nỗ lực không ngừng, hoạt động kinh doanh của công ty Kiyoshi Sagawa ngày càng phát triển to lên giống như một quả cầu tuyết, họ bắt đầu tuyển dụng nhân lực để giúp mình quản lý, và thành lập văn phòng chi nhánh ở Osaka, Tsuruga, Fukui, Kanazawa và Toyama. Sau khi mở rộng phạm vi kinh doanh, ông còn mua thêm 13 xe máy nữa. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Nhật Bản, “Sagawa MRT” cũng càng thêm lớn mạnh, không chỉ thuê ngày càng nhiều công nhân, xe máy cũng được thay thế bằng xe ô tô, hơn nữa số lượng cũng tăng lên với tốc độ chóng mặt, phạm vi kinh doanh cũng dần mở rộng ra cả nước. Kỷ niệm ba mươi năm thành lập công ty “Sagawa MRT”, nó đã được xếp hạng đầu tiên trong ngành công nghiệp vận tải thương mại Nhật Bản.
Trong thế giới này, ai cũng muốn trở thành tỷ phú. Nhưng bạn phải biết rằng, những người thực sự trở thành tỷ phú đều cố gắng hết mình đi bước nào chắc bước đó mới đạt được của cải của riêng mình.
Thực ra, với bất cứ ai cũng vậy, muốn làm giàu nhất định phải đi bước nào chắc bước đó, dựa vào sự thông minh tài trí của mình, phấn đấu từng bước một, từ bỏ ý niệm không làm mà hưởng, nếu không, bạn mãi mãi chỉ có thể “lăn lộn” trong đám người nghèo khó.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Nếu muốn làm giàu thì phải dựa vào hai bàn tay của bạn mà làm ra, nhất định phải bỏ ra nhiều nỗ lực hơn người khác, làm những việc mà những người khác không muốn làm. Người khác không muốn phải trả giá, bạn càng trả giá nhiều hơn; Người khác không muốn kiên trì, bạn càng phải kiên trì; Người khác sợ chịu khổ, bạn càng sẵn sàng chịu khổ. Bạn không giống như hầu hết mọi người, bạn đã rất gần thành công rồi. Nếu chỉ chờ đợi, thì vĩnh viễn không thể chờ được sự giàu có!