“TÍNH CÁCH SÓI” TẠO NÊN NGƯỜI GIÀU, “TÍNH CÁCH CỪU” TRỞ THÀNH NGƯỜI NGHÈO.
Những người tinh tế sẽ phát hiện ra rằng người giàu và người nghèo có đặc tính khác nhau: Đa số người nghèo đều chậm chạp, yếu ớt, nhu nhược, còn người giàu thì nhanh nhẹn, chuẩn xác, mạnh mẽ. Nói cách khác, người có “tính cách cừu” giải quyết công việc dây dưa kéo dài, làm việc qua loa tắc trách, sợ bóng sợ gió; mà người có “tính cách sói” thì ý chí kiên định, hành động quyết đoán. Nếu như người nghèo không làm bất cứ điều gì để thay đổi “tính cách cừu” của mình, thì rất khó mà vượt qua khoảng cách tồn tại giữa họ với người giàu có, để trở thành người giàu mang “tính cách sói”.
1
CỤ THỂ HÓA MỤC TIÊU, TỪNG BƯỚC TIẾN TỚI THÀNH CÔNG, THÀNH QUẢ CÀNG BỀN VỮNG
Xung quanh chúng ta, thường có một kiểu người như thế này, không chút giấu giếm tham vọng làm nên, sẵn sàng tuyên bố mình sẽ thành ông nọ bà kia, thế nhưng khi cần quyết định làm gì đó, họ lại do dự thiếu quyết đoán, không dám hành động, lo sợ thất bại. Loại người này chính là “người tính cách cừu” mà chúng ta nhắc đến ở trên, “tính cách cừu” khiến họ không có cách nào vượt qua được bản thân để đạt được thành công và sự giàu có. Thử nghĩ xem, trên con đường xây dựng sự nghiệp dài đằng đẵng, nếu xuất hiện vấn đề nghiêm trọng, một người do dự thiếu quyết đoán làm sao có thể đạt được thành công cuối cùng?
Ngược lại, chúng ta coi đại đa số người giàu là “người có tính cách sói”, bởi vì họ thường bộc lộ ra bản tính của loài sói khiến người khác phải kính sợ. Hơn nữa, người giàu đều tuân theo một quy luật chung - họ đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân, đồng thời kiên trì cố gắng thực hiện nó.
Chúng ta thường gặp trong học tập, cuộc sống cũng như trong công việc, những người khi thấy không được như ý là tuôn lời trách móc, muốn thay đổi hoàn cảnh hiện tại, thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng lại băn khoăn đủ điều, không đủ can đảm và lòng tin để đón nhận thử thách, lại không thể bình tâm mà đặt ra cho mình một mục tiêu rõ ràng cũng như nỗ lực thực hiện nó. Do đó kết quả là tình hình từ đầu đến cuối chẳng có chút thay đổi nào, vẫn sống trong tình trạng vừa không hài lòng với hiện tại, vừa phải tiếp tục duy trì cuộc sống hiện tại.
A và B là hai chiếc đồng hồ báo thức, có lẽ vì chúng được sản xuất đã quá lâu nên trông rất cũ kỹ, bị ông chủ bỏ vào hộc tủ ở trong phòng. Một ngày nọ, ông chủ đem về chiếc đồng hồ báo thức C mới tinh rồi đặt nó cùng A và B.
Đồng hồ A nhìn đồng hồ C nhỏ bé, hết sức lo lắng mà nói: “Cậu nhỏ bé như thế, tôi thật không dám tưởng tượng cậu có thể qua được mười sáu triệu lần nhảy đầy gian khổ”.
C nghe A nói xong, khiếp sợ đáp: “Thật kinh khủng, tôi làm sao có thể thực hiện mười sáu triệu lần nhảy được? Chắc chắn là vậy rồi”.
Đồng hồ B lúc này mới lên tiếng: “Đừng lo lắng, thực ra thực hiện mười sáu triệu lần nhảy cũng không quá khó khăn như cậu nghĩ đâu, cứ ‘tích tắc’ ‘tích tắc’ từng tiếng, rồi cũng đến lúc cậu hoàn thành nó”.
Nghe đồng hồ B trấn an, đồng hồ C có phần bình tĩnh lại, nó nghĩ thầm: “Đồng hồ B nói rất có lý, mình cứ từ từ vượt qua vậy”. Cứ như thế, đồng hồ C cần mẫn ‘tích tắc’ từng tiếng một, trong tiếng ‘tích tắc’ liên tục không ngừng ấy, nó đã đi hết chặng đường dài mười sáu triệu lần nhảy lúc nào không biết.
Trong câu chuyện này, phản ứng đầu tiên của đồng hồ C mang “tích cách cừu”, nó lắng nghe những điều mà đồng hồ A lo lắng cho nó, suy nghĩ quá nhiều, sau đó nó quả thực cảm thấy bản thân nó không thể hoàn thành hết lộ trình dài mười sau triệu lần nhảy. Thế nhưng, sau khi được đồng hồ B phân tích, C đã thấy được tia hy vọng, “tính cách sói” đã trỗi dậy, sàng lọc được mục tiêu, qua mỗi “tích tắc”, cuối cùng cũng thực hiện được mục tiêu tưởng chừng như ngoài tầm với của nó.
Từ đó có thể thấy rằng, việc phân chia những mục tiêu lớn thành từng mục tiêu nhỏ, đồng thời bắt tay ngay vào hành động, không để lại đường lui cho bản thân mình, vì từng mục tiêu nhỏ đã xác định từ trước mà nỗ lực phấn đấu, như vậy có thể từng bước một tiến tới bến bờ thành công.
Trên thảo nguyên bao la rộng lớn, một đàn linh dương đang thưởng thức những ngọn cỏ tươi xanh mơn mởn, có lẽ lâu lắm rồi chúng không được gặm những nhánh cỏ thơm ngon đến như thế, nên chúng mải mê gặm mà không một con linh dương nào ý thức được mối nguy hiểm đang đến gần.
Một con báo hung dữ lặng lẽ tiếp cận đàn linh dương, nó tránh ở sau một thân cây rình mồi. Đến lúc này, vẫn không có một con linh dương nào phát hiện ra nguy hiểm. Con báo vui như mở cờ trong bụng:
“Đúng là một đám linh dương ngu ngốc! Mình vẫn còn may mắn lắm, chịu đói lâu như vậy, cuối cùng đã có thể thỏa thích chén một bữa ngon lành. Chỉ có điều đám linh dương nhiều như thế, mình nên chọn ăn con nào trước đây? Thịt linh dương cái mềm, còn thịt linh dương đực khá săn chắc, loại nào cũng ngon hết. Chao ôi, khó chọn lựa quá đi.”
Trong lúc con báo đang chìm đắm trong những tưởng tượng tốt đẹp, một con khỉ ở trên cây đã phát hiện ra nó, vội vã phát tín hiệu cảnh báo cho đàn linh dương. Linh dương nghe thấy cảnh báo của khỉ, lập tức tập trung lại, dồn hết sức chạy như bay về hướng ngược lại với con báo. Con báo vừa bất ngờ vừa tức giận, mắt nhìn miếng ăn sắp đến miệng còn tuột mất chỉ vì chút chần chừ của nó.
Cuối cùng, con báo chỉ biết đứng dưới gốc cây gầm gừ với con khỉ rồi vác cái bụng đói meo, ỉu xìu bỏ đi.
Có người nói rằng: “Khi Thượng Đế ban cho bạn một cơ hội, bạn lại không biết quý trọng, đợi đến khi mất đi, dù có hối hận thế nào thì cũng không còn kịp nữa.” Con báo trong câu chuyện này chỉ vì nhất thời do dự mà để cho con mồi sắp tới miệng chạy thoát. Giả sử con báo vừa trông thấy đàn linh dương đã quyết đoán kịp thời, nhắm chuẩn mục tiêu rồi lập tức tấn công, rất có thể nó đã được chén một bữa ngon lành, chứ không phải tiếp tục chịu đựng cơn đói.
Trong thực tế cuộc sống, những người có “tính cách cừu” không hiểu được việc phải nắm bắt thời cơ, cứ lúc cần quyết định gì là lại suy nghĩ đắn đo, chỉ đến khi cơ hội vụt mất đi mới hối hận thì đã không kịp; người có “tính cách sói” sẽ kịp thời xác định mục tiêu và quyết đoán hành động. Vì vậy có thể thấy, ngoài việc phải đặt ra mục tiêu và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu, việc nắm bắt đúng thời cơ cũng cực kì quan trọng.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Tham vọng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển, nhân loại vì có tham vọng thay đổi hoàn cảnh hiện tại mới có thể không ngừng phát minh sáng tạo, chất lượng cuộc sống của chúng ta cũng nhờ vậy mà được cải thiện. Những “người tính cách sói” với tham vọng mãnh liệt chính là nguồn sức mạnh trung tâm thúc đẩy xã hội liên tục phát triển, nếu người nghèo muốn trở thành người giàu, thì họ phải có tham vọng thành công, và vì nó mà không ngừng phấn đấu.
Quả đúng như câu “‘người tính cách cừu’ do dự thiếu quyết đoán, ‘người tính cách sói’ tham vọng mãnh liệt”. Nếu bạn muốn trở thành người giàu, thì cần phải có mục tiêu và tham vọng to lớn. Nếu bạn chỉ đặt ra mục tiêu phấn đấu dễ như trở bàn tay, thì có khả năng bạn chỉ trở thành một kẻ tầm thường. Lòng ôm chí lớn, tham vọng mãnh liệt, mới có thể đạt được thành tựu.
2
THÀ VẤP NGÃ RỒI ĐỨNG DẬY, ĐỪNG ĐỨNG YÊN MỘT CHỖ
Ngạn ngữ có câu “Người luôn hướng đến nơi cao, nước luôn chảy về chốn thấp”. Tuy nhiên, câu nói này không đúng cho tất cả mọi người. Có một số người luôn muốn duy trì trạng thái an nhàn hiện tại, không muốn cố gắng làm gì hơn, nhưng lại luôn ảo tưởng một ngày nào đó bản thân có thể công thành danh toại. Còn có những người, họ luôn không hài lòng với cuộc sống hiện tại, có cơ hội là mạnh dạn xông pha, thậm chí để thực hiện ước mơ của mình mà sẵn sàng tha hương nơi đất khách, giành lấy một khoảng trời riêng cho mình. Trong quá trình phấn đấu, họ cống hiến hết mình, không ngại gian khổ, không sợ vất vả, họ dựa vào “tính cách sói” của mình mà tạo ra của cải, cuối cùng có được một cuộc sống giàu sang, sung túc.
Chúng ta sống trên thế giới này, không thể lúc nào cũng nghĩ sống một cuộc sống nhàn hạ, chỉ có những người dám đương đầu với gian khổ và cống hiến hết sức lực mới có thể đạt được thành công cuối cùng, mới có thể đứng trong hàng ngũ của những người giàu có. Trái lại với người nghèo luôn thích mơ tưởng, thậm chí lúc nào cũng mơ rằng vận may sẽ từ trên trời rơi xuống, nhưng họ nào biết rằng, mộng tưởng dù có đẹp đẽ cỡ nào, nếu không bắt tay vào thực hiện, thì cuối cùng vẫn chẳng có cách nào biến nó thành sự thực, kết cục không những để thời gian trôi qua một cách vô ích, mà còn không làm nên trò trống gì.
Đỗ vào trường Đại học xong xuôi, Tiểu Dịch thở phào nhẹ nhõm, cho rằng chuỗi ngày hưởng thụ tới rồi. Vì thế, trong khi các bạn học đi học thêm, đi làm thêm thì Tiểu Dịch lại ngày ngày cày game, đi chơi, thậm chí ngủ nướng không muốn lên lớp học. Cứ như vậy, chẳng mấy chốc Tiểu Dịch đã đến lúc tốt nghiệp Đại học, bạn bè của cậu vì thành tích tốt, vì kinh nghiệm nhiều đều đã tìm được công việc như mong muốn, nhưng Tiểu Dịch các môn học đều chỉ vừa đủ qua, chẳng có kĩ năng nổi trội hay kinh nghiệm làm thêm phong phú, cho nên đi xin việc liên tiếp bị từ chối. Lúc này, Tiểu Dịch mới hoàn toàn tỉnh ngộ, ân hận bản thân lúc đầu lẽ ra không nên chỉ lo hưởng thụ, không những xao nhãng việc học, mà còn sống uổng phí khoảng thời gian thanh xuân tươi đẹp nhất.
Người giàu hội tụ đầy đủ tính cách của loài sói, khi làm việc, họ luôn giữ thái độ kiên cường dám đương đầu với thách thức. Người nghèo thì ngược lại, mặc dù họ không lúc nào là không mơ ước có một ngày được sống trong giàu sang, nhưng lại không có dũng khí đối diện với thách thức, cứ thế mà bị hãm sâu trong cuộc sống an nhàn, tĩnh lặng để rồi chôn chân tại chỗ, thậm chí có lúc còn sợ rằng một khi không an phận, bản thân sẽ mất đi tất cả những gì đã có, vì vậy mà khoanh tay bó gối, không có can cảm đột phá giới hạn bản thân, cho nên mặc dù cơ hội đến với họ, họ cũng không thể nắm bắt kịp thời.
Jack và John là đôi bạn thân. Ba năm trước, hai người bàn nhau sẽ tự mở xưởng may quần áo. Quyết định xong, Jack bắt tay vào làm ngay, chưa tới nửa năm xưởng may của Jack đã có loạt sản phẩm đầu tiên tung ra thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó John chưa vội làm gì cả, anh ta muốn chắc ăn, trước tiên đi tham quan xưởng may của Jack một lượt, rồi về tiếp tục suy nghĩ.
Một thời gian ngắn sau, công xưởng của Jack gặp khó khăn, do không khai thác được thị trường, tiêu thụ hàng hóa không thuận lợi, tiền vốn không thể xoay vòng như bình thường, không cách nào trả tiền lương đúng hạn cho công nhân…
John biết tin, thở phào nhẹ nhõm, tự cảm thấy may mắn: “May mà lúc đó mình không làm luôn, nếu không thì chắc chắn không phải chỉ có một mình Jack, mình cũng tiêu rồi.”
Cùng lúc đó, giữa muôn ngàn gian khó, Jack vẫn không nản chí, từng bước tìm cách khắc phục những hạn chế, cải tiến sản xuất, đổi mới tiêu thụ, dần dần chiếm lĩnh thị trường, thoát khỏi kinh doanh thua lỗ, từng bước tiến lên làm ăn có lãi, hơn nữa lợi nhuận càng cao.
Thấy vậy, John vô cùng tiếc nuối. Cũng vội vàng mở một xưởng quần áo.
Mặc dù đã học được nhiều bài học từ quá trình đi lên của Jack nhưng John đã vấp phải những thách thức khác. Cho nên trong khi Jack đã tạo lập được chỗ đứng vững chắc trong nghề, thì John lại bị phá sản vì không có hành động gì để tháo gỡ khó khăn cả.
Nguyên nhân căn bản tạo ra sự khác biệt này nằm ở chỗ: Jack và John nhìn thấy cơ hội cùng một lúc, nhưng Jack biết nắm bắt đúng thời cơ còn John lại chỉ vì do dự không quyết mà lỡ mất cơ hội tốt. Jack và John cùng gặp khó khăn nhưng Jack dám lăn lộn tìm cách tháo gỡ, còn John chỉ biết thầm oán bản thân số không may.
Rất nhiều ví dụ cho thấy, người có “tính cách cừu” luôn luôn do dự không dám đi những bước mang tính quyết định, còn người có “tính cách sói” khi vừa nhìn thấy cơ hội là dũng cảm xông lên.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Trong thực tế, đại đa số người nghèo đều có tư tưởng được ngày nào hay ngày ấy, cho rằng “bình thường là phú”, luôn yên tâm thoải mái mà trải qua cuộc sống bình bình tẻ nhạt; còn người giàu thì dám đương đầu với khó khăn, đồng thời vì mục tiêu đã xác định từ trước của bản thân mà không ngừng phấn đấu, cuối cùng đạt được thành công.
Trong một nhóm người, đôi khi chỉ cần liếc mắt là có thể nhận ra người nào là người giàu, người nào là người nghèo: Đối mặt với cuộc sống hiện thực, những người ủ rũ cúi đầu, phờ phạc uể oải, tinh thần sa sút đa phần là người nghèo, những người tràn đầy sức sống, tinh thần phấn chấn, ý chí chiến đấu sục sôi phần lớn là người giàu; Đối mặt với khó khăn, những người dễ dàng bỏ cuộc chủ yếu là người nghèo, những người vượt khó tiến lên đa số là người giàu.
Nói tóm lại, người có “tính cách cừu” cuối cùng cũng chẳng làm nên trò trống gì, mà người có “tính cách sói” lại luôn có thể công thành danh toại.
3
TỪ CHỐI AN NHÀN, THÁCH THỨC MỌI GIỚI HẠN CỦA BẢN THÂN
Người ta thường nói “Người nghèo tính cách cừu ưa nhàn hạ, người giàu tính cách sói thích thử thách”, tin rằng chúng ta có thể lĩnh hội được một số bài học từ câu nói này.
Có những người thường luôn miệng phàn nàn về công việc tầm thường của mình, mỗi khi bị kích thích liền thề thốt phải thay đổi, nhưng lời thề của họ chẳng qua cũng chỉ dừng lại trong tâm trí của bản thân họ mà thôi, một khi bắt họ rời xa chiếc giường êm ấm quen thuộc, họ lập tức không chịu nổi mà lùi bước về sau. Họ thiếu dũng khí để nói lời từ biệt sự tầm thường, càng không đủ khí phách để làm chủ số phận. Nói chung, bọn họ từ lâu đã thích cuộc sống nhàn hạ, căn bản không muốn “giao đấu” với những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Đỗ Huy là nhân tài vừa tốt nghiệp xuất sắc của một trường đại học nổi tiếng, mang trong mình hoài bão gây dựng nên một sự nghiệp lẫy lừng. Tuy nhiên, đến khi Đỗ Huy đi làm, những mộng tưởng đó cũng chỉ ở trong lòng anh ta mà thôi. Ngày ngày Đỗ Huy an phận làm một công việc vô cùng an nhàn, sống cuộc sống thong dong tự tại, thời gian trôi đi, giấc mộng ngày xưa phai nhạt lúc nào chẳng hay, nhiệt huyết ngày nào đã nguội lạnh theo năm tháng. Đỗ Huy cũng chẳng bận tâm nữa mặc cho nó tan biến theo dòng chảy cuồn cuộn của thời gian.
Hiện tại mỗi ngày, trong đầu Đỗ Huy chỉ đơn giản nghĩ đến việc đi làm và tan làm. Tiêu hết tiền, anh ta lại ngày ngày đếm lịch, đợi đến kì lương tiếp theo. Nhận lương xong, anh ta lại nghĩ xem dùng tiền hưởng thụ thế nào. Mỗi dịp cuối tuần, Đỗ Huy chỉ nghĩ đến chuyện đi chơi khắp nơi. Cứ như vậy, cuộc sống của Đỗ Huy sa đà vào chuyện ăn uống hưởng thụ, tận tâm tận hưởng.
Đi làm được một năm, Đỗ Huy cũng dành dụm được một số tiền, trong lúc đó một người bạn của Đỗ Huy bỏ công việc giảng viên đại học để khởi nghiệp, mời Đỗ Huy cùng đầu tư. Đỗ Huy cảm xúc dâng trào, hứa với bạn hai tuần sau sẽ từ chức, đến thành phố người bạn kia sống để mở công ty. Tuy nhiên, trong hai tuần tiếp theo, bầu nhiệt huyết của Đỗ Huy cứ vơi cạn dần. Nghĩ tới chuyện phải từ bỏ công việc vừa ổn định vừa nhàn hạ hiện tại, Đỗ Huy liền cảm thấy khó lòng buông bỏ; rồi lại nghĩ đến việc số tiền mình vất vả dành dụm được bị mang đi đầu tư mạo hiểm, anh ta lại âu sầu, không biết phải quyết thế nào; lại thêm tưởng tượng đến chuyện phải tự thân chạy khắp thành phố tìm kiếm khách hàng, hoặc vắt hết óc để tìm cách thu các khoản nợ, Đỗ Huy càng thêm chần chừ, mất hết quyết tâm. Trước những trách nhiệm và áp lực mà bản thân tưởng tượng ra, Đỗ Huy cảm thấy nghẹt thở. Cuối cùng, Đỗ Huy từ chối lời mời của người bạn, tiếp tục yên vị ở chỗ làm, mỗi ngày quanh đi quẩn lại trong cái vòng tuần hoàn của đi làm, tan ca, nói chuyện phiếm, đánh bài, thỉnh thoảng nhậu nhẹt với bạn bè, những lúc nghĩ lại giấc mộng thanh xuân, Đỗ Huy cũng tự cười nhạo bản thân là một kẻ hèn nhát.
Về sau, thấy người bạn kia thành công chói lọi Đỗ Huy cũng chỉ biết ngậm ngùi tiếc nuối.
Trong ví dụ trên, mặc dù Đỗ Huy có tài và có hoài bão lập nên nghiệp lớn, nhưng hoài bão của anh ta cuối cùng cũng chết yểu. Bởi vì động lực và chí tiến thủ của Đỗ Huy đều đã bị cuộc sống an nhàn mài mòn hết rồi, anh ta không có dũng khí dứt bỏ công việc quen thuộc, u mê không lối thoát trong cái vỏ bọc nhàn hạ, không muốn chịu khổ lập nghiệp. Vì vậy tiền tài cuối cùng cũng không thể bỗng nhiên rơi vào tay anh ta.
Năm 1995, Đinh Lỗi vừa tốt nghiệp Đại học đã được điều tới Cục Viễn thông ở thành phố Ninh Ba làm việc. Một đơn vị luôn có sự bảo đảm về quyền lợi như Cục Viễn thông, có đãi ngộ cực kì tốt. Mặc dù qua hai năm đầu làm việc thành tích của Đinh Lỗi cũng không có gì nổi bật, nhưng hàng xóm láng giềng và bạn bè thân thiết đều rất ngưỡng mộ cậu.
Tuy vậy, Đinh Lỗi đã rất nhiều lần tự hỏi bản thân rằng: “Chẳng lẽ cuộc đời của mình cứ trôi qua một cách nhàn hạ như thế sao? Lẽ nào tài hoa của mình chỉ có thể làm những việc lặp đi lặp lại này?” Sau khi suy nghĩ một cách thấu đáo, cuối cùng cậu lấy hết dũng khí nộp đơn từ chức lên lãnh đạo Cục Viễn thông. Việc từ chức của cậu vấp phải sự phản đối của tất cả mọi người trong gia đình, bạn bè cũng không thể hiểu nổi hành động này của cậu: Dù làm việc ở Cục Viễn thông không thể khiến cậu trở thành đại gia, nhưng đủ để cậu sống một cuộc sống đầy thú vị, trong khi đây còn là công việc mà biết bao nhiêu người tha thiết ước mơ có được! Tuy nhiên, Đinh Lỗi vẫn kiên quyết từ chức, một lòng muốn xông pha ra thế giới bên ngoài tạo dựng sự nghiệp.
Hơn hai mươi năm sau, anh nhớ lại khoảng thời gian này, nói rằng: “Đó là lần đầu tiên tôi thách thức chính bản thân mình. Đời người luôn có thể gặp rất nhiều cơ hội, nhưng cơ hội là phải trả giá. Có dũng khí bước những bước đi đầu tiên hay không, thường tạo nên bước ngoặt của cả đời người.”
Đinh Lỗi sau khi từ chức đã lựa chọn thành phố Quảng Châu làm nơi khởi nghiệp của mình. Lúc anh vừa tới Quảng Châu, không quen với cuộc sống ở nơi đây, đối mặt với dòng xe cộ đông đúc và những con người xa lạ ngược xuôi, nhìn những tòa nhà cao ốc san sát nối tiếp nhau, anh càng nhận thức rõ về tầm quan trọng của sự giàu có. Đinh Lỗi sau khi phân tích toàn diện, cho rằng thời cơ lập nghiệp của mình còn chưa chín muồi, trên người anh lúc này chỉ có một ít tiền, thế là anh quyết định nhanh chóng tìm một công việc, làm quen với hoàn cảnh sống bên ngoài, tôi luyện tâm tính của mình. Đương nhiên, vào giai đoạn đó muốn tìm một công việc ở Quảng Châu chẳng hề dễ dàng, Đinh Lỗi không biết mình đã đi phỏng vấn bao nhiêu công ty, cũng không biết bản thân đã chịu bao nhiêu vất vả, cho đến tháng 5 năm 1995, bằng sự kiên trì và thực lực vượt trội của bản thân anh đã trở thành nhân viên công ty Sybase Chi nhánh Quảng Châu (một doanh nghiệp nước ngoài).
Lúc mới bắt đầu làm việc ở Sybase cực kì gian khổ, nhưng Đinh Lỗi vẫn luôn lạc quan đối mặt với nó. Hàng ngày, anh đi chợ mua rau quả thức ăn, tự mình nấu cơm, không chỉ tiết kiệm tiền, mà còn có thể hưởng thụ thú vui cuộc sống. Ngoài những điều này, anh còn tận dụng thời gian rảnh rỗi để học chơi đàn tranh, cũng là “tìm niềm vui khi vất vả”.
Một năm sau, Đinh Lỗi đã có thu nhập tương đối ổn định, cuộc sống cũng tốt hẳn lên. Tuy nhiên, “con người không chịu an phận” Đinh Lỗi lại bắt đầu không yên. Anh cảm thấy trong môi trường như vậy vẫn không thể phát huy được năng lượng lớn nhất của mình. Thế là, anh bắt đầu nung nấu ý nghĩ từ chức để cùng người khác hợp tác sáng lập một công ty Internet.
Nghỉ làm ở Sybase là một lựa chọn quan trọng khác của Đinh Lỗi, bởi vì anh phải từ bỏ một công ty nước ngoài trả lương khá hậu hĩnh, để nhảy sang một công ty nhỏ còn trong giai đoạn gây dựng sự nghiệp. Đinh Lỗi lại một lần nữa thách thức giới hạn của bản thân, anh tin chắc rằng công ty nhỏ mà mình đã lựa chọn này tương lai sẽ tham gia mạnh mẽ vào thị trường Internet trong nước, nhất định có thể gánh vác một phần trách nhiệm phát triển Internet ở Trung Quốc. Trong lòng anh tràn đầy nhiệt huyết, đầy động lực, lúc đó hầu như anh gánh vác toàn bộ mảng kỹ thuật của công ty. Đáng tiếc, dần dần anh phát hiện ra rằng công ty đang đi lệch khỏi định hướng mà mình đã hình dung lúc ban đầu. Thế là, anh lại một lần nữa lựa chọn từ bỏ nơi quen thuộc này, dũng cảm mở ra một hành trình mới trong cuộc đời - Tự mình lập nghiệp!
Tháng 5 năm 1997, Đinh Lỗi quyết tâm tự mình sáng lập công ty NetEase. Kể từ đó, anh đã đưa NetEase từ một công ty nhỏ ban đầu chỉ có mười mấy người phát triển thành một công ty công nghệ Internet có gần 300 nhân viên đồng thời thâm nhập vào thị trường nước Mỹ.
Vào thời điểm đó, Internet vẫn còn là một ngành nghề mới nổi, điều này đã định sẵn Đinh Lỗi sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách không lường trước được. Công ty NetEase do Đinh Lỗi sáng lập ra không chỉ gặp phải nhiều thách thức, thậm chí có lần còn phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tháng 6 năm 2000, cổ phiếu của NetEase đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq, trong bối cảnh cổ phiếu khoa học công nghệ từng bước sụt giảm, giá cổ phiếu của NetEase liên tục sụt giảm kể từ ngày niêm yết đầu tiên. Năm 2001, vì nguyên nhân tranh chấp tài chính, NetEase buộc phải hủy niêm yết trên sàn Nasdaq, giá cổ phiếu lúc đó chỉ còn 64 xu, sụt giảm đến thảm thương. Trong một thời gian, những tin đồn về việc NetEase bị mua lại đã truyền đi khắp thế giới. Đối mặt với thử thách, Đinh Lỗi vẫn giữ được bình tĩnh và tỉnh táo, chuyển hướng tập trung vào trò chơi trực truyến “Tây du ký”, dịch vụ SMS, phát hành cổ phiếu theo yêu cầu và một sản phẩm mới tương tự như MSN Explorer. Tầm nhìn xa trông rộng và sự bình tĩnh của Đinh Lỗi cuối cùng cũng góp phần tạo nên thành công to lớn của NetEase. Đến năm 2016, Đinh Lỗi đã lọt vào top 10 tỷ phú Trung Quốc theo danh sách tỷ phú thế giới Hurun 2016 với giá trị tài sản là 63 tỷ đô la và trở thành một tỷ phú làm giàu từ Internet.
Đinh Lỗi, người đã đạt thành công to lớn như hôm nay, nhớ lại năm đó chẳng qua ông cũng chỉ là một sinh viên đại học bình thường, nhưng có quyết tâm từ bỏ “bát cơm ổn định”, có can đảm buông bỏ cuộc sống nhàn hạ, có ý chí dám gánh vác trách nhiệm, đối mặt với thử thách chưa từng chùn bước, cho nên, thành công của ông cũng như của NetEase là lẽ đương nhiên.
Người nghèo sở dĩ càng ngày càng nghèo, rõ ràng là chỉ vì ưa nhàn hạ. Nếu muốn tích lũy càng nhiều của cải để trở thành người giàu có, thì nhất định phải “tàn nhẫn” với bản thân mình, cũng tức là rèn luyện được “tính cách sói”, từ chối sự nhàn hạ, can đảm thách thức mọi giới hạn của bản thân!
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Từ bỏ cuộc sống nhàn hạ, hoàn toàn không có nghĩa là mù quáng chọn lựa, bạn nhất định phải có kế hoạch đầy đủ rõ ràng, tìm được phương hướng nỗ lực của riêng mình, chọn được ngành nghề có hứng thú và phù hợp với năng lực của bản thân.
Một khi gặp được thời cơ tốt, nhất định phải lập tức hành động. Đừng chỉ chìm đắm trong cuộc sống an nhàn không mạo hiểm, điều này chỉ khiến bản thân bạn đánh mất đi càng nhiều cơ hội tạo lập tương lai huy hoàng.
Nếu như bạn đã xác định bản thân phải làm một việc gì đó có triển vọng, vậy thì đừng chần chờ gì nữa, hãy vững chí bền gan mà bắt tay vào làm đi. Ngay cả khi bạn thiếu kinh nghiệm, có thể gặp phải đủ loại thử thách không lường trước được, cũng đừng sợ hãi, phải biết rằng thử thách chính là cơ hội thúc đẩy bạn thành công, từ đối phó với thử thách đến tận hưởng thử thách, rồi đến khát khao thử thách, thành công cuối cùng sẽ tự tìm đến với bạn.
4
TIN TƯỞNG BẢN THÂN, KIÊN TRÌ LÀM ĐẾN CÙNG MỌI VIỆC
Người có “tính cách cừu” lười động não, thường được tới đâu hay tới đó, không có năng lực phán đoán của riêng mình, cứng nhắc mà bắt chước làm theo cách của người khác, chẳng khác gì một con rối, chưa từng động não nghĩ xem bản thân nên xử trí như thế nào, việc này phải làm sao mới hợp lý, làm như thế nào mới có thể tạo ra nhiều giá trị. Song, người có “tính cách sói” lại có khả năng giữ vững lập trường, chỉ cần việc đã quyết định, thì người ấy sẽ bỏ ngoài tai miệng lưỡi thế gian, kiên trì làm đến cùng, và cuối cùng còn có thể đào được mỏ vàng từ trong đống hoang tàn đổ nát.
Một thương nhân chuyên buôn bán quần áo thấy thích một miếng đất nằm ở ngoại ô thành phố, thế là ông ta không hề ngần ngại bỏ ra 100.000 đô la để mua miếng đất đó. Chủ sở hữu miếng đất hoàn toàn không thể hiểu nổi việc làm của ông, thậm chí trong lòng còn cười nhạo thương nhân kia là một kẻ ngu ngốc. Tuy nhiên, thương nhân không hề giải thích bất kì điều gì, ông từ đầu chí cuối luôn tin tưởng quyết định này của mình là một quyết định chính xác. Một năm sau, chính quyền thành phố thông báo rằng sẽ xây dựng một đường vành đai ở vùng ngoại ô, do đó giá miếng đất tăng lên hàng trăm lần.
Một người đàn ông giàu có trong thành phố sẵn sàng chi hơn hai mươi triệu đô la để mua miếng đất này của thương nhân, dự định xây dựng một khu biệt thự ở đây. Nhưng thương nhân dự cảm được rằng miếng đất này vẫn còn tiềm năng tăng giá rất cao, thế nên ông kiên trì không bán nó. Mấy năm sau, miếng đất mà thương nhân đã mua thực sự lại tăng lên vài triệu đô la, sau khi bán nó, ông đã trở thành một người giàu có mới trong thành phố.
Vị thương nhân này không nhẹ dạ nghe theo bất cứ lời người nào, giữ vững lập trường của mình, chính là bởi vì ông ấy đã phân tích sự vật trước mắt từ mọi góc độ và mọi khía cạnh, ông tin chắc rằng quyết định của ông là đúng. Cuối cùng, ông ấy đã thành công.
Thế nhưng, người có “tính cách cừu” lại trái ngược hoàn toàn. Họ luôn hi vọng sự việc luôn phát triển theo một kiểu, thậm chí muốn thời gian quay lại tương tự một khoảng thời gian nào đó trong quá khứ. Hoặc là họ quá mức tôn sùng một nhân vật thành công mà đi tôn thờ người ấy, xem những lời nói của người ấy là chân lý và chuẩn mực, không hề hoài nghi, đồng thời dùng nó để ràng buộc hành vi của bản thân. Thế là họ trở thành người theo đuổi chuẩn mực một cách mù quáng, chưa bao giờ họ từng nghĩ sẽ tự đặt ra một chuẩn mực để làm cho bản thân họ trở thành người mang “tính cách sói”.
Đối với Warren Buffett, ngày 30 tháng 8 năm 2016 là một ngày vô cùng quan trọng, vì đó là ngày kỷ niệm 10 năm kết hôn của Buffett và Astrid, vợ của ông.
10 năm trước, Buffett được xếp thứ hai trong danh sách tỷ phú của Forbes, ông quyết định tổ chức đám cưới với Astrid, cô bạn gái đã đợi chờ mình 28 năm, vào ngày 30 tháng 8. Vào thời điểm đó, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng đám cưới của ông nhất định sẽ vô cùng xa hoa. Tuy nhiên, ngoài dự đoán của mọi người, đó là một đám cưới cực kỳ đơn giản, con gái của Buffett là người chủ trì đám cưới, khách đến tham dự cũng chỉ có một vài người thân và bạn bè gần gũi thân thiết.
Thực ra, bản thân Buffett rất lãng mạn, và cũng có một sự hiểu biết nhất định đối với xu hướng này, sở dĩ ông làm điều này, chỉ bởi vì ông không muốn làm theo đám đông. “Ông vua cổ phiếu” Warren Buffett không những không xuôi theo dòng chảy của cuộc sống, mà có lý luận của riêng mình trong công việc.
Khi đầu tư vào cổ phiếu, người ta thường nói: “Đừng đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Quan niệm đầu tư này cũng ảnh hưởng đến một lượng lớn các nhà đầu tư. Đa số đều muốn giảm rủi ro khi đầu tư, dù cho có loại cổ phiếu nào đó xuất hiện nguy cơ, nó cũng sẽ không gây ra quá nhiều tổn thất. Tuy nhiên, Buffett lại khác với mọi người, ông thường “Đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ”, sau đó dốc hết tâm trí kinh doanh.
Trên thị trường chứng khoán, đại đa số mọi người theo xu hướng mua vào bán ra, mà hiếm khi suy xét cổ phiếu mình mua có bao nhiêu tiềm năng tăng giá, kết quả luôn là lời ít lỗ nhiều. Có lẽ, đại đa số mọi người ít khi tính đến chuyện “găm cổ phiếu”, theo mức độ tối thiểu của Buffett, mỗi cổ phiếu ông sẽ nắm giữ ít nhất trong vòng 8 năm, thông thường lệ phí mua bán cổ phiếu là 1,5% . Nếu trong thời gian tám năm, mỗi tháng thay đổi cổ phiếu một lần, mỗi lần đều phải trả 1,5% lệ phí, một năm 12 tháng cần phải trả 12 lần lệ phí, dù không tính lãi kép, thì lệ phí trả cho cổ phiếu ở trạng thái tĩnh cũng cực kì cao. Do đó, khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu, tốt nhất là nên tính toán khoản chi phí này.
Nghe nói, rất nhiều cổ phiếu mà Buffett nắm giữ có thời gian vượt qua 8 năm. Ông từng nói rằng: “Nếu bạn dự đoán thị trường chứng khoán ngắn hạn, thì chẳng khác nào mua một gói thuốc độc, tốt nhất nên đặt nó ở nơi an toàn nhất, tránh xa các nhà đầu tư giống như bọn trẻ ngây thơ trên thị trường chứng khoán.”
Sở dĩ Buffett có thể kiếm được một khối tài sản khổng lồ, là bởi vì ông ấy có quan điểm độc đáo, đồng thời có thể giữ vững lập trường của mình giống như một con sói, chứ không giống như một con cừu bị người khác chi phối.
Trong thực tế cuộc sống, đại đa số người nghèo đều thích chạy theo xu hướng, giống như những con cừu bị người khác thao túng, người ta mặc đồ gì, mình cũng phải đi mua, người ta mua cổ phiếu nào kiếm được tiền, mình cũng phải mua theo. Kết quả không phải là “người ta ăn thịt còn bạn húp canh”, ngược lại còn có khả năng bị mất hết vốn liếng. Còn người giàu biết cách giữ vững lập trường, họ thường là những người tạo ra xu hướng, chứ không phải là người chạy theo xu hướng.
Vì vậy, nếu bạn muốn trở thành một người giàu có, khi đứng trước sự chọn lựa, bạn không được bắt chước người khác, mà phải phân tích kĩ lưỡng vấn đề, giữ vững quan điểm chuẩn xác một cách lí trí. Những người chạy theo xu hướng đa phần không giỏi suy nghĩ, họ luôn đánh mất bản thân, cuối cùng để lỡ mất cơ hội kinh doanh. Như vậy, nếu bạn muốn trở thành một người giàu chân chính, hãy bắt đầu xây dựng phong cách độc đáo của riêng bạn từ bây giờ.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Làm thế nào để thoát khỏi ý thức của người “tính cách cừu” bị người khác chi phối?
1. Kiểm tra xem bản thân bạn có đang làm theo người khác không? Nếu như có, nên tạm thời dừng lại. Đồng thời kiểm tra xem bạn có hành động bắt chước một cách mù quáng hay không? Nếu có, hãy ngưng hoàn toàn việc bắt chước người khác của mình.
2. Trên cơ sở khảo sát thị trường, tìm ra các sản phẩm và dịch vụ mới có thể đáp ứng nhu cầu tiềm năng và nhu cầu ở mức độ cao hơn của mọi người. Trên cơ sở điều tra đối thủ cạnh tranh, thực hiện đổi mới sản phẩm, dịch vụ và tiếp thị. Đừng quên thu thập thông tin thị trường của đối thủ cạnh tranh, bạn có thể xác định các thị trường chính và thông tin sản phẩm chính của đối thủ từ quảng cáo tuyên truyền và trang web tin tức của họ.
5
SỐ PHẬN KHÔNG PHẢI ĐƯỢC ĐỊNH SẴN LÚC SINH RA, SỐ PHẬN NẰM CẢ TRONG TAY MÌNH
Người “tính cách sói” thích “liều mạng” đều hiểu được rằng: Bất kì thành công nào, đều là một cuộc đánh cược. Bất kể kết quả thắng hay thua, tất cả những người tham gia đều cần phải có năng lực và khả năng quyết đoán phi thường, song song với việc xem xét kĩ lưỡng trước khi “đánh cược”, còn phải có tinh thần quyết đoán được ăn cả ngã về không. Có điều, những người tham gia “đánh cược” chỉ có thể đứng trước hai kết quả cực đoan: Thắng thì có thể lật ngược tình thế, thua rất có khả năng tán gia bại sản.
Trong thực tế, có rất nhiều người quen với việc cam chịu số phận, thỉnh thoảng cũng nói đến việc chiến thắng bản thân mình, nhưng về mặt hành động thì họ lại không làm được như những lời họ nói, họ thỏa hiệp với bản thân, thuyết phục bản thân cam chịu số phận. Các nhiệm vụ học tập mà họ đặt ra cho bản thân họ thường không thể hoàn thành, họ thấy rằng kể cả hoàn thành xong rồi thì có thể làm được gì, cũng không thể thay đổi tình trạng khó khăn hiện tại. Cuối cùng, họ chỉ biết nằm trên chiếc giường ấm an nhàn hoặc là rơi vào vũng lầy thất bại, không thể đứng lên được nữa.
Tiểu Vương là một sinh viên xuất thân từ nông thôn, hoàn cảnh gia đình nghèo túng, ngoại hình cũng không nổi bật, cậu luôn rất tự ti. Vào đại học, Tiểu Vương chỉ biết học hành, thường không muốn tham gia vào các hoạt động của lớp hoặc của trường.
Mặc dù Tiểu Vương cũng muốn làm thêm gì đó cho bằng bạn bằng bè, nhưng nghĩ lại, điều kiện của bản thân mình như vậy, ngoại hình lại không ưa nhìn, thì cũng chẳng làm nên trò trống gì, thế là cứ vậy cam chịu số phận mà sống qua ba năm đại học. Năm thứ tư đại học, Tiểu Vương nghe theo lời khuyên của giáo viên, quyết định thử tự mình kinh doanh. Sau khi tìm hiểu, cậu tìm được một nhà cung cấp thiệp mừng, định buôn thiệp Giáng sinh từ đó về bán cho các bạn học. Mọi thứ đều đã chuẩn bị ổn thỏa, thế nhưng đến trước ngày Giáng sinh, Tiểu Vương lại ngây người nhìn đống hàng mình bỏ ra 100 đồng mua về. Tưởng tượng ra cái cảnh bản thân bày sạp trong sân trường, đám đông vây xem, lại có rất nhiều người quen, liền không có can đảm bước đi bước này, thế là từ bỏ. Thói tự ti của Tiểu Vương cuối cùng đã khiến cậu lỡ mất cơ hội ngày lễ Giáng sinh, còn bị lỗ nặng một khoản.
Tốt nghiệp đại học, các bạn đều bôn ba khắp nơi tìm việc ưng ý, còn Tiểu Vương thì cứ lần lữa mãi. Đến mấy tháng sau khi tốt nghiệp, cậu mới tìm được một công việc bình thường. Tiểu Vương chủ ý tìm những công việc ít phải tiếp xúc với người khác và không có nhiều áp lực cạnh tranh. Trong lòng cậu luôn nghĩ điều kiện bản thân như thế dù có làm gì cũng sẽ thất bại cho nên cứ như vậy mà sống trong sự phiền muộn và oán thán số mệnh.
Thực ra, Tiểu Vương cũng có khát vọng làm giàu và được mọi người công nhận, nhưng cậu cảm thấy điều kiện của bản thân không tốt, luôn nảy sinh tâm lí cam chịu số phận, bản thân anh ta đã tự đánh bại chính mình, tự mình thỏa hiệp với sự yếu đuối của bản thân, cuối cùng trở thành một người tầm thường không có chí tiến thủ.
Trên thế giới này, từ trước đến nay chưa hề có một huyền thoại làm giàu nào mà chưa từng một lần “đánh cược”. Thế nhưng, qua một lần “đánh cược” để có thể lật ngược số phận của mình, ngoài vận may không thể thiếu, còn phải có chí khí quyết đoán “đập nồi dìm thuyền, tử chiến đến cùng”.
Lý Gia Thành, người đàn ông giàu nhất Hồng Kông là minh chứng sống về sự sẵn sàng “đánh cược”, con trai ông - Lý Trạch Giai kế thừa ý chí của cha mình cũng nhiều lần làm mới huyền thoại “đánh cược”.
Ngoài ra, những vụ thất bại trong các sự kiện như cựu chủ tịch Tập đoàn CITIC Thái Bình Dương - Vinh Trí Kiện - mua lại công ty Hằng Xương, Tập đoàn Đức Long mua lại công ty Murray của Mỹ, và việc công ty Greencool mua lại công ty Khoa Long đều chẳng khác gì một cuộc đánh cược.
“Nếu tôi chỉ còn 100 đồng trong tay, mà 100 đồng này chỉ có thể mua một trong hai thứ, hoặc là ti vi hoặc là máy làm thịt cừu xiên, vậy thì, tôi nhất định sẽ chọn mua máy làm thịt cừu xiên. Tất nhiên, mua ti vi có thể tận hưởng cuộc sống một cách lâu dài, thế nhưng, mua một chiếc máy làm thịt cừu xiên mới có thể giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn và có thể mua thêm nhiều ti vi hơn.” Đây là những lời tổng kết lý luận “xiên thịt cừu” của Lý Trường Xuân. Lý Trường Xuân, một người có vẻ ngoài thật thà chất phác, quả thực không giống với một doanh nhân lọc lõi. Nhưng một "người trung thực" như thế đã trở thành ông chủ của một công ty xây dựng, lập nên hết kì tích này đến kì tích khác.
Khi Lý Trường Xuân mới lập nghiệp, tài chính của công ty cực kì thiếu thốn, vậy mà ông vẫn chi một số tiền lớn để nhập hai mươi chín cần cẩu tháp các loại khác nhau, kiểu đầu tư này có thể nói là chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, Lý Trường Xuân đoán trước mình sẽ thắng, kết quả là hai mươi chín cần cẩu tháp ông mua đều có thể hoạt động hết công suất trong quá trình phát triển công việc sau này, lần đầu tư này đã mang về cho công ty một khoản tiền lớn, một năm sau, tổng giá trị tài sản đã vượt qua 100 triệu, lợi nhuận ròng đạt gần 30 triệu, thương vụ bạc tỉ đó khiến rất nhiều người kinh ngạc.
Thị trường đang không ngừng phát triển và thay đổi, Lý Trường Xuân luôn theo sát biến động của thị trường, một lần nữa lại xuất chiêu ngoạn mục, liên tiếp thành lập tám công ty, bao gồm nhà máy sản xuất ván sàn thạch cao và nhà máy sản xuất đá cẩm thạch,… các sản phẩm của ông đã chiếm lĩnh thị trường thành công nhờ có chất lượng cao và giá thành thấp, trong một thời gian ngắn trổ tài kinh doanh ở địa phương, công ty của ông trở thành doanh nghiệp có quy mô lớn nhất và hoàn thiện nhất trong khu vực.
Từ xưa đến nay, những người có cả danh và lợi dường như bẩm sinh đã mang trong mình một tinh thần mạo hiểm, sẵn sàng “đánh cược” hết lần này đến lần khác để có một tương lai tốt đẹp hơn, dù gặp phải khó khăn, họ cũng có thể vượt khó mà tiến lên, thắng thua đối với họ đã không còn quan trọng, mà quan trọng là được tận hưởng tinh thần mạo hiểm.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Đúng như câu “Người nghèo tính cách cừu thường cam chịu số phận, người giàu tính cách sói thích làm liều”. Người “tính cách cừu” chịu khuất phục trước số phận, luôn luôn “sợ hổ phía trước, sợ sói đằng sau”, dù làm chuyện gì cũng do dự không quyết, muốn được thành công hiển nhiên rất khó; ngược lại người “tính cách sói” bẩm sinh đã thích “liều mạng”, họ can đảm chống chọi với số phận, ngay cả khi gặp phải hiểm nguy cũng không hề sợ hãi, dũng cảm theo đuổi mục tiêu của mình, từ đó tích góp được càng nhiều của cải. Bởi vậy, nếu muốn bước vào cánh cửa thành công, cần phải trở nên cương quyết, quả cảm tiến lên.
6
MUỐN LÀM GIÀU PHẢI NHIỀU DŨNG KHÍ
Trong kinh “Talmud” của dân tộc Do Thái có một câu như thế này: "Khi cơ hội gõ cửa, những người ngay cả cửa cũng không dám mở chắc chắn là những kẻ tầm thường". Vì vậy, nếu muốn thành công, thì phải có dũng khí và khả năng quyết đoán nhất định. Sự thành công của những người "tính cách sói" không thể tách rời lòng can đảm và dũng khí, bất kể ở trong hoàn cảnh nào, họ đều dũng đảm chấp nhận mạo hiểm, hạ quyết tâm phấn đấu đến cùng. Còn những người "tính cách cừu" luôn thiếu lòng dũng cảm và sự tự tin, trong cuộc sống, họ không dám đối mặt với những khó khăn bất ngờ xảy đến; trong công việc, cũng không có can đảm để cạnh tranh với người khác.
Người giàu sở dĩ giàu có, là bởi vì trong mắt họ, giàu có không phải là một chuyện vượt xa tầm với. Thực tế đã chứng minh, chỉ những người nhanh chóng nắm bắt cơ hội, có can đảm mạo hiểm mới có thể đạt được thành công trong sự nghiệp. Nếu dùng một từ để miêu tả họ, thì đó chính là "kiên trì mạo hiểm." So với những người "tính cách cừu", họ luôn có thể giữ vững tư tưởng của riêng mình, không quan tâm người khác nói như thế nào, chỉ cần cho rằng bản thân mình đúng, là kiên định giữ niềm tin của mình.
Vương Quân Dao, tỷ phú ở Ôn Châu – Trung Quốc, nổi tiếng trong giới doanh nhân với biệt danh người “to gan lớn mật”. Vương Quân Dao vốn là một nông dân trẻ ở thị trấn Long Cảng, huyện Thương Nam, tỉnh Ôn Châu, Trung Quốc, mười sáu tuổi bắt đầu làm nhân viên bán hàng. Bao năm lưu lạc tôi luyện, đã tạo nên một Vương Quân Dao có tư duy nhạy bén, tinh thần mạo hiểm và ý thức vượt bậc.
“To gan lớn mật”, là đánh giá đầu tiên của Vương Quân Dao về bản thân cũng là hình dung đầu tiên của người khác về ông. Khi Vương Quân Dao hai mươi tư tuổi vẫn là một nhân viên bán hàng bình thường cho cảng hàng không dân dụng Ôn Châu tại XX. Lúc đó, sân bay Ôn Châu đã đi vào hoạt động, nhưng không có chuyến bay từ Ôn Châu đến XX. Vương Quân Dao để ý thấy tất cả những người đến XX làm việc, khi trở về Ôn Châu, không những phải ngồi tàu hỏa đường dài, mà còn phải đi thêm một chuyến ô tô, mỗi lần đều là lặn lội đường xa cực kì vất vả.
Gần đến Tết âm lịch năm 1991, Vương Quân Dao cùng với những người đồng hương thuê một chiếc xe khách đi Ôn Châu, chuẩn bị từ XX trở về quê hương ăn tết. Trên đường trở về, mọi người đều nôn nóng muốn nhanh chóng trở về nhà, Vương Quân Dao cũng lẩm bẩm: “Đi ô tô về quê, thực sự quá chậm!”.
Một người đồng hương ngồi bên cạnh nghe thấy lời phàn nàn của Vương Quân Dao, cũng bùi ngùi nói một câu: “Đi máy bay thì nhanh, nhưng lại không có máy bay từ XX về Ôn Châu!”
Lúc đó, Vương Quân Dao đột nhiên nảy sinh ý tưởng táo bạo: bao thuê một chiếc máy bay.
Khi Vương Quân Dao lóe lên ý nghĩ về “máy bay hợp đồng”, anh cũng ý thức được đây là một cơ hội làm ăn lớn không thể bỏ qua, chỉ khi hành động trước những người khác, bản thân mới có thể giành được cơ hội này. Vì vậy, Vương Quân Dao bắt đầu cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm của mình.
Tuy nhiên, nhà nước Trung Quốc lúc đó đã kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp hàng không, khi Vương Quân Dao nói muốn kinh doanh “máy bay hợp đồng”, liền bị mọi người phủ định hoàn toàn, còn chế giễu anh là suy nghĩ viển vông. Thế nhưng, Vương Quân Dao không dễ dàng từ bỏ, mà ngược lại liên tục tới Cục Hàng không dân dụng tỉnh Chiết Giang và Cục Hàng không dân dụng tỉnh Hồ Nam, đồng thời thực hiện một cuộc điều tra xác minh chi tiết và đầy đủ về khách du lịch XX và Ôn Châu, cuối cùng anh viết một bản báo cáo có bố cục chặt chẽ với số liệu đáng tin cậy gửi đến hai Cục Hàng không dân dụng nói trên. Thế nhưng, Cục Hàng không dân dụng vẫn không tin Vương Quân Dao. Anh kiên quyết nói với nhân viên làm việc ở Cục Hàng không dân dụng rằng: “Tôi biết, các anh chủ yếu lo lắng về các rủi ro xảy ra trong kinh doanh, mong mọi người hãy yên tâm, tôi sẵn sàng gánh vác mọi rủi ro. Ngoài ra, tôi sẵn sàng giao trước cho các anh vài trăm ngàn nhân dân tệ, xem như là tiền trả trước, máy bay bay sau. Về sau cứ như vậy, các anh không những không phải chịu trách nhiệm bất kỳ rủi ro nào, mà còn có thể ‘nhận được lợi ích trong mọi tình huống’”.
Cuối cùng, Vương Quân Dao bằng sự chân thành của mình đã thuyết phục được hai Cục Hàng không dân dụng, hai bên đạt được "thỏa thuận thuê máy bay". Vào tháng 7 năm đó, Vương Quân Dao cuối cùng cũng đã góp phần giúp tuyến đường hàng không từ XX đến Ôn Châu đi vào hoạt động. Khi chiếc máy bay chở khách dân dụng “An 24” bay từ XX đến sân bay Ôn Châu, nó đã mở ra thị trường máy bay hợp đồng tư nhân đầu tiên tại Trung Quốc.
Tin chắc rằng vào thời điểm đó, không chỉ một mình Vương Quân Dao nhận ra thực tế đi máy bay từ XX đến Ôn Châu là nhanh nhất, thế nhưng chỉ có duy nhất Vương Quân Dao đủ dũng cảm khởi xướng loại hình “hợp đồng máy bay tư nhân”. Sau khi chuyến bay từ XX đến Ôn Châu đi vào hoạt động, máy bay hợp đồng của Vương Quân Dao hầu như mỗi lần đều kín khách, đủ chứng minh sự lựa chọn của ông là hoàn toàn chính xác. Sau đó, Vương Quân Dao nhanh chóng thành lập Công ty TNHH Máy bay thuê bao Thiên Long, và trong thời gian ngắn sau đó, liên tiếp mở các chuyến máy bay thuê bao lộ trình từ Thượng Hải đến Ôn Châu và Thượng Hải đến Hoàng Nham, tất cả đều không còn chỗ trống. Chỉ trong một vài năm, công ty Thiên Long đã hợp tác với hơn hai mươi hãng hàng không nội địa nổi tiếng Trung Quốc cho ra mắt dịch vụ cho thuê đường bay và đại lý vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Cùng lúc đó, dịch vụ máy bay hợp đồng của Vương Quân Dao nhanh chóng mở rộng sang các địa phương khác của Trung Quốc. Sau đó, Vương Quân Dao tiếp tục thành lập mười mấy công ty chi nhánh, hàng tuần đều có hơn bốn trăm chuyến bay hoạt động.
Những người mạnh bạo có thể phải đối mặt với những rủi ro nhất định, nhưng cũng sẽ có cơ hội kiếm được lợi nhuận nhiều hơn; còn những người phàm làm việc gì cũng luôn sợ bóng sợ gió, không có can đảm gánh vác bất kì rủi ro nào, hiển nhiên sẽ không thể đạt được lợi nhuận cao hơn. Nếu bạn làm bất cứ việc gì cũng nhát gan sợ sệt, mặc dù không đến mức phải chết đói, thế nhưng bạn sẽ không thể có được một cuộc sống giàu có, cả đời cũng chỉ là tầm thường không có chí tiến thủ.
Đây là một câu chuyện có thật về Toshio Iue, người sáng lập Công ty TNHH Sanyo Electric của Nhật Bản:
Một ngày nọ, Toshio Iue đang ngắm nhìn khu vườn được cắt tỉa gọn gàng và đẹp mắt bao quanh ngôi nhà của mình, người làm vườn đến và nói với ông rằng: “Thưa ông chủ, ngài là nhân vật mà tôi vẫn luôn tôn sùng, tôi hâm mộ cuộc sống thành công và giàu có của ngài. Thế nhưng, ngài hãy nhìn tôi đây, tôi giống như một con ve sầu trên thân cây, cả một đời chỉ biết mải miết làm lụng vất vả, tự tôi cảm thấy mình chẳng có chút triển vọng nào. Ngài có thể chỉ dạy tôi một vài bí quyết lập nghiệp không?"
Toshio Iue nghe người làm vườn nói xong, suy nghĩ một lát liền đồng ý, ông nói: "Ông rất thích hợp với nghề làm vườn. Bên cạnh nhà máy của tôi có một bãi đất trống rộng hai hecta, chúng ta có thể hợp tác trồng cây giống."
Người làm vườn hiếu kỳ hỏi: "Nếu tôi mua cây giống, thì một cây cần bao nhiêu tiền?"
Toshio Iue bình thản nói: "Bốn mươi đồng một cây giống, có điều, tôi sẵn sàng trả một triệu cho chi phí cây giống và phân bón, còn ông, chỉ cần chịu trách nhiệm làm những việc như làm cỏ và bón phân. Sau ba năm, chúng ta có thể thu được lợi nhuận hơn sáu trăm triệu, đến lúc đó tôi sẵn lòng chia đều khoản lợi nhuận này cho ông."
Điều mà Toshio Iue không ngờ là, người làm vườn từ chối lời đề nghị đó. Bởi vì người làm vườn cảm thấy rằng bản thân ông ta không thể làm một vụ kinh doanh lớn như vậy, và cuối cùng ông ta cũng chỉ cam chịu là một người làm vườn bình thường.
Trước Toshio Iue, người làm vườn chỉ là một người nghèo không hơn không kém, ông ta nhìn thấy sự nghiệp của Toshio Iue càng ngày càng lớn, nên nghĩ rằng muốn dựa vào sự giúp đỡ của Toshio Iue để đạt được mục tiêu làm giàu của mình, nhưng ông ta dù có khao khát làm giàu, lại không có can đảm làm giàu, dù cho Toshio Iue đã nói cho ông ấy biết cách để làm giàu, nhưng ông ta lại chỉ vì sự nhát gan của mình mà bỏ lỡ một cơ hội tuyệt vời như vậy.
Một người muốn thành công, nhất định phải là một người có lòng can đảm. Trong thực tế cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải rất nhiều vấn đề phức tạp hoặc thất bại, mà muốn giải quyết vấn đề, ngoài việc cần phải có kinh nghiệm và sự khôn ngoan nhất định, đương nhiên, còn phải có lòng can đảm phi thường.
Người làm vườn trong câu chuyện trên sở dĩ không thể thoát khỏi thân phận “người làm vườn”, không phải là vì ông ta không có cơ hội làm giàu, mà là bởi vì ông ta không có can đảm để đón nhận sự xuất hiện của cơ hội, cuối cùng chỉ có thể ngu muội mà sống qua ngày. Đây có lẽ là tình trạng mà hầu hết mọi người đều phải đối mặt, muốn đạt được sự giàu có, nhưng lại thiếu lòng can đảm, bỏ lỡ cơ hội tốt một cách vô ích, lại còn oán trách ông Trời bất công.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Mặc dù chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh xuất thân, nhưng có thể dùng đôi bàn tay của mình tạo ra một tương lai tươi sáng. Tất nhiên, trong quá trình ra sức làm việc ấy sẽ gặp đủ loại khó khăn hoặc nguy hiểm, thế nhưng, chỉ cần chúng ta kiên quyết tiến tới những mục tiêu đã định trước, cũng như không nhút nhát, không sợ sệt, dũng cảm tiến lên, thì nghèo cũng có thể vươn mình trở thành người giàu. Vì vậy, phải luôn ghi nhớ một câu này: “Thà làm một con sói chết no, còn hơn làm một con cừu chết đói”.