CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG THÌ THÀNH NGƯỜI GIÀU, KHÔNG CHỊU THAY ĐỔI CHỈ LÀM KẺ NGHÈO
Có nhiều khi, chúng ta muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, nhưng thực tế, chúng ta lại không thể thay đổi chúng ngay lập tức, điều chúng ta cần làm lúc này là thay đổi tư tưởng của bản thân trước hết. Đôi khi, chỉ cần chúng ta bỏ đi những cố chấp và mù quáng là có thể tìm ra một thế giới mới “tràn đầy hi vọng”. Khi sự nghiệp của chúng ta không thuận lợi, chúng ta có thể dừng lại và suy nghĩ từ một góc độ khác, có thể sẽ tìm thấy con đường thành công khác. Thay đổi suy nghĩ, có lẽ chúng ta sẽ tìm thấy đường tắt để đi đến thành công.
1
ĐÁNH THỨC NÃO BỘ, TƯ DUY NHƯ NGƯỜI GIÀU
Balzac, tiểu thuyết gia của nước Pháp, từng nói: “Người biết tư duy mới là một người thực sự có sức mạnh”. Trên thực tế, những người có tư duy tốt cũng sẽ tạo ra càng nhiều của cải, đặc biệt là những người không bị ràng buộc bởi tư duy thông thường, càng có thể trở thành người xuất chúng. Tuy nhiên, một số người luôn bị mắc kẹt trong suy nghĩ thông thường và không muốn thoát ra, giống như nhân vật trong câu chuyện sau đây:
Lí Ngải là chủ của một khách sạn ba sao. Một ngày nọ, một trong những người bạn thân nhất của anh giới thiệu anh với một đạo diễn lớn vì ekip của đạo diễn đó muốn thuê phòng hội nghị tổ chức một cuộc họp báo ra mắt phim. Lí Ngải vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, khi đôi bên bàn bạc chi tiết lại có bất đồng lớn. Lí Ngải đưa ra một mức giá thuê nhưng bên đạo diễn chỉ chấp nhận được ở mức một nửa giá đó. Người bạn Lí Ngải ở giữa giới thiệu hai bên, thấy vậy liền nói riêng với Lí Ngải: "Đồng ý đi, cậu đừng chỉ quan tâm đến tiền thuê, cậu phải biết rằng lần này có rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong giới đến tham dự. Bình thường, tôi sợ rằng cậu trải thảm đỏ cũng khó mà mời được ai!".
Thế nhưng, Lí Ngải vẫn khăng khăng đòi tiền thuê như vậy lại còn trách bạn: “Tôi thực sự không nghĩ rằng cậu sẽ giới thiệu một người keo kiệt như vậy đến đây”.
Nghe vậy người bạn rất tức giận, nói sẽ đoạn tuyệt quan hệ và giận dữ bỏ đi.
Bên cạnh khách sạn ba sao của Lí Ngải có một khách sạn bốn sao. Sau khi giám đốc khách sạn kia biết được chuyện này, ông ta lập tức liên lạc với đạo diễn và đồng ý cho thuê phòng họp lớn nhất của khách sạn với giá còn thấp hơn cả giá bên phía người đạo diễn trả Lí Ngải. Trong thời gian họp báo, ngoài các phóng viên báo đài tới đưa tin, còn có rất nhiều ngôi sao điện ảnh và người hâm mộ đến tham dự, kết quả là khách sạn bốn sao này đã kín khách của mấy mươi tầng. Nhờ sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng, khách sạn bốn sao này đã trở nên nổi tiếng.
Lí Ngải lúc này mới cảm thấy hối hận. Thế nhưng, việc đã an bài, anh ta không còn cơ hội sửa chữa nữa.
Trong cuộc sống hàng ngày, đại đa số mọi người mong muốn làm tất cả mọi thứ có thể để tối đa hóa lợi ích của bản thân. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có một bước đột phá trong suy nghĩ, và cách tư duy ngược sẽ có thể giúp chúng ta nhìn rõ vấn đề hơn. Trong câu chuyện trên, Lí Ngải bị hạn chế bởi suy nghĩ thông thường, bị giới hạn trong những cái được mất trước mắt, không biết cách thay đổi góc nhìn khi xem xét vấn đề.
Một số người sở dĩ giành được rất nhiều của cải vì họ có thể tư duy ngược khi họ gặp vấn đề nào đó.
Ở Oregon, nước Mĩ có một nhà hàng đặt tên là "Nhà hàng Quá tệ". Thực tế, thức ăn trong nhà hàng này không tệ như mọi người nghĩ, cách bài trí của nhà hàng và dịch vụ không khác biệt với các nhà hàng khác, chỉ là tên của nhà hàng rất độc và lạ.
"Nhà hàng Quá tệ" công khai cho mọi người biết rằng món ăn nơi đây rất đơn điệu và thái độ phục vụ cũng rất kém. Điều khiến người ta không ngờ đến đó là mặc dù chủ nhà hàng chê đến mức tồi tệ, nhưng trong hơn mười năm hoạt động nhà hàng vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài và người dân địa phương. Phần nhiều trong số đó là bị thu hút bởi cái tên độc đáo của nhà hàng, thực khách muốn tự mình cảm nhận nhà hàng này rốt cuộc có điểm gì là tồi tệ.
Nhà hàng này phát triển thành công, tất cả là nhờ tư duy ngược của ông chủ nhà hàng, ông ta ý thức rằng mọi người sẽ có sự tò mò và nhờ đó mà thu được lợi nhuận.
Trong lĩnh vực kinh doanh, cạnh tranh cùng ngành rất khốc liệt, vì thế càng cần sự đột phá mới lạ. Thay vì thu hút khách hàng bằng các phương pháp truyền thống như làm các món ăn đặc biệt, họ sử dụng suy nghĩ ngược để thu hút nhiều khách hàng hơn.
Trên thực tế, điều mà các nhà triết học từ cổ chí kim đã dạy cho chúng ta là thế giới của tư duy, nó ảnh hưởng đến độ sâu của tầm nhìn và độ rộng khi xem xét sự việc của một người, chứ không phải dạy chúng ta những kĩ xảo nhỏ trong cuộc sống. Tất cả chúng ta đều mong muốn có khả năng tư duy siêu phàm, thế nhưng không nhiều người có thể vận dụng tư duy ngược một cách chính xác. Nếu bạn có thể làm được, thì bạn đã rất gần thành công và giàu có.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Mọi người thường quen với việc sử dụng tư duy thông thường để giải quyết vấn đề, và ít người sử dụng tư duy ngược để suy nghĩ về các vấn đề. Thực tế, nếu chúng ta gặp phải những vấn đề khó giải quyết trong cuộc sống, nếu chúng ta học cách vận dụng tư duy ngược để lật ngược toàn bộ suy nghĩ của bản thân và phân tích, thì có thể nhanh chóng tìm ra chìa khóa mấu chốt cho vấn đề, từ đó giải quyết vấn đề một cách dễ dàng.
Ở Trung Quốc, câu chuyện “Tư Mã Quang đập ang nước” được nhiều người biết đến, khi cùng các bạn nhỏ chơi đùa và phát hiện bạn mình bị ngã vào ang nước đầy nước, Tư Mã Quang không sử dụng tư duy thông thường để “nhảy vào trong ang cứu bạn”, thay vào đó, cậu dùng tư duy ngược, dùng đá để đập vỡ cái ang lớn cứu bạn ra ngoài. Đây là sức mạnh của tư duy ngược.
2
CẦN CÙ BÙ ĐƯỢC THÔNG MINH NHƯNG KHÔNG ĐỦ ĐỂ LÀM GIÀU
Có thể những năm gần đây bạn liên tục cố gắng cần cù lao động để làm giàu, nghĩ rằng chỉ cần nghe lời cha mẹ, tuân lệnh sếp, làm việc siêng năng, thức khuya dậy sớm là có thể hơn người. Đương nhiên làm việc chăm chỉ không có gì sai, nhưng làm việc chăm chỉ không phải là yếu tố quan trọng nhất để tiến tới làm giàu.
Rất nhiều việc trong cuộc sống thực tế đã chứng minh điểm này, rõ ràng là không thể trở nên giàu có nếu chỉ dựa vào lao động cần cù, nếu không thì những người nông dân làm việc chăm chỉ ở khắp nơi hàng ngàn năm nay đều đã trở nên giàu có cả rồi. Các anh chị em nông dân cũng đều được ăn ngon mặc đẹp vì họ là những người siêng năng và chăm chỉ nhất.
Tại sao xã hội bây giờ không thể dựa hoàn toàn vào "cần cù chịu khó mà giàu lên được"? Suy cho cùng, bởi vì lối sống của chúng ta đã thay đổi, phương thức làm giàu cũng đã thay đổi.
Trong thời kì công nghiệp, phương thức kiếm tiền là bạn bỏ ra công sức của mình để nhận được một mức lương tương ứng. Do đó, khái niệm "siêng năng làm giàu" trong giai đoạn đó là đúng. Những người sinh ra trong thời đại của ngành công nghiệp, tất cả đều tin rằng những người siêng năng sẽ thu hoạch lớn hơn và có nhiều khả năng trở nên giàu có hơn, ngược lại, những người lười biếng sẽ không làm nên trò trống gì.
Tuy nhiên, thế kỷ XXI là kỉ nguyên mà công nghệ thông tin đang chuyển biến mạnh mẽ từng ngày, khiến cho mô thức làm giàu cũng đã thay đổi theo. Xung quanh chúng ta, có rất nhiều người sử dụng thông tin và dựa vào trí tuệ để bước vào con đường làm giàu. Đôi khi một ý tưởng tuyệt vời cho phép họ dễ dàng đạt được sự giàu có.
Dựa vào lao động để kiếm tiền, bạn chỉ kiếm được một số tiền nhỏ, kiếm tiền thông qua trí tuệ, bạn mới có thể kiếm được nhiều tiền. Trong xã hội ngày nay, chỉ những người dám nghĩ và dám làm mới có được thu hoạch lớn. Có người nói: "Trái tim lớn bao nhiêu, ví tiền sẽ phồng bấy nhiêu". Quan điểm này là kinh nghiệm có được từ Trương Thụy Mẫn của tập đoàn điện tử tiêu dùng Haier.
Năm 1997, Trương Thụy Mẫn đến thăm vùng nông thôn tây nam Tứ Xuyên. Sau một thời gian khảo sát nghiên cứu, anh nhận thấy nhiều gia đình sử dụng máy giặt đều gặp vấn đề ống thoát nước bị tắc bùn. Trương Thụy Mẫn thấy hiện tượng này rất lạ, vì vậy đã hỏi một ông cụ: "Tại sao máy giặt nhà ông ống thoát nước luôn đầy bùn, con rất tò mò, ông có thể cho con biết không?".
Ông cụ cho biết: "Bởi vì máy giặt của gia đình tôi không chỉ được sử dụng để giặt quần áo, mà còn sử dụng để làm sạch khoai lang”.
Sau chuyến thăm, Trương Thụy Mẫn nói với nhân viên khảo sát đi cùng mình, rất nhiều nông dân không chỉ sử dụng máy giặt của công ty chúng ta để giặt quần áo mà còn dùng để rửa khoai lang, kết quả là ống thoát nước luôn đầy bùn, như vậy rất không tiện, cậu nên tìm một giải pháp để giải quyết vấn đề này. Một trong những nhân viên khảo sát trẻ vừa tốt nghiệp đại học lên tiếng: "Mọi người đều biết, chức năng của máy giặt là để giặt quần áo bẩn, làm sao lại dùng nó để rửa khoai lang?". Trương Thụy Mẫn nghiêm túc nói: "Đây là một dự án nghiên cứu quan trọng mà người nông dân đã gợi mở cho chúng ta, và vấn đề này không phải là nghe chơi, tôi hi vọng các bạn sẽ sớm cải tiến được chiếc máy giặt của chúng ta, giúp nó vừa giặt quần áo vừa rửa khoai lang".
Bởi vì Trương Thụy Mẫn rất coi trọng dự án sản xuất máy giặt kiêm máy rửa khoai lang, cho nên các kĩ sư của tập đoàn Haier đã tích cực làm việc và chỉ mất chưa đầy một tháng đã đưa ra được giải pháp cho vấn đề này.
Trong thực tế, công việc không phức tạp, chính là chế tạo hai loại ống thoát nước, ống thoát nước có phân chia kích thước lớn nhỏ, khi giặt quần áo, sử dụng ống thoát nước nhỏ, nếu muốn dùng máy giặt để rửa khoai lang, có thể sử dụng ống thoát nước to. Sau đó, khi "máy giặt rửa khoai" được tung ra thị trường, nó đã được phần lớn các khách hàng nông thôn tin dùng, và do đó doanh thu thu về càng lớn.
"Máy giặt rửa khoai lang" do Tập đoàn Haier sản xuất đã cho thấy một đạo lí:
Một số công việc khi mới đưa ra ý tưởng nghe rất hoang đường vô lí hoặc quá sức tưởng tượng, nhưng chỉ cần suy nghĩ nghiêm túc, là có thể tìm ra điểm đột phá để sáng tạo ra những huyền thoại trong kinh doanh.
Trương Thụy Mẫn bằng tầm nhìn của mình quả thực đã làm được một chiếc “máy giặt khoai”. Nhiều người bằng trí tuệ của mình cố gắng thay đổi cuộc sống của họ, thậm chí thay đổi thế giới và từ đó làm giàu. Kẻ ngốc không biết suy nghĩ, kẻ lười biếng không muốn suy nghĩ, kẻ nô lệ không dám suy nghĩ... đều không có cơ hội làm giàu, chỉ có bồi dưỡng trí tuệ tìm cách vận dụng trí tuệ, mới có thể bước vào hàng ngũ của những người giàu có và trở thành một trong số họ.
Cuốn sách bestseller “Cha giàu, cha nghèo” (Tên gốc: Rich Dad, Poor Dad) sở dĩ được săn trên toàn thế giới, là bởi vì nó cho thấy một đạo lí: Cùng với sự phát triển của thời đại, khái niệm về sự giàu có cũng thay đổi. Nhân vật “tôi” trong cuốn sách có hai người cha, trong đó "người cha nghèo" rất nỗ lực siêng năng làm việc, tuy nhiên, khi sinh hoạt phí ngày càng gia tăng, ông ta dần dần kiếm không đủ tiêu, đến bước đường nợ nần chồng chất. "Người cha giàu" thì làm việc cực kì thoải mái mỗi ngày, nhưng kiếm được rất nhiều tiền. Ông là một "người giàu có nhàn rỗi", sống giàu có và thoải mái.
Tại sao người cha cần cù lại trở nên nghèo như vậy, còn người cha làm việc nhẹ nhàng thoải mái lại trở nên giàu có như thế? Mặc dù lí do có rất nhiều, tuy nhiên, sở dĩ người cha nghèo trở nên nghèo, chủ yếu là do tư duy và cách kiếm tiền của ông không thể theo kịp với sự thay đổi của thời đại.
Trong cuộc sống, có vô số người như "người cha nghèo", trình độ học vấn của họ không phải thấp, họ vẫn làm việc siêng năng, và thậm chí làm thêm giờ mỗi ngày, nhưng tư duy kiếm tiền của họ không theo kịp với sự thay đổi thời đại, kết quả đương nhiên là “không có tiền cũng không nhàn rỗi”. Ngược lại, những người giống như “người cha giàu” nhận thức rõ sự thay đổi của thời đại, họ đi tiên phong trong việc thoát khỏi lối tư duy cũ rích, theo kịp nhịp bước của thời đại, tận dụng phương thức tư duy phù hợp với thời đại để kiếm tiền làm giàu, kết quả đương nhiên sẽ trở thành “người giàu nhàn rỗi” .
Chúng ta đều biết rằng, cần cù có thể giúp một người thành công, nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của họ. Bạn siêng năng hơn sếp của bạn, nhưng bạn không giàu bằng sếp bởi vì sếp của bạn giỏi vận dụng đầu óc kinh doanh và bạn chỉ biết bán đầu óc cho kinh doanh, bán sức lao động của mình cho sếp.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và sự tiến bộ chóng mặt trong khoa học và công nghệ, chúng ta nên làm gì để giải thoát mình khỏi tư duy cũ kĩ, ứng phó kịp với những thách thức của tương lai?
Trong quá trình phấn đấu, bạn sử dụng bộ não của bạn hay sử dụng cơ bắp, là điều quyết định liệu bạn có thể thành công hay không. Vì vậy, khi làm bất cứ điều gì, tất cả chúng ta nên huy động sức mạnh của bộ não và phát huy đầy đủ trí thông minh của chúng ta để đạt được thành công nhanh hơn và lớn hơn. Các thao tác cụ thể như sau:
Tìm giải pháp tốt nhất cho mọi vấn đề. Chiến đấu can đảm không có nghĩa là hành động liều lĩnh, tin rằng luôn có một giải pháp tối ưu cho bất kì vấn đề nào.
Đừng lo lắng và mất kiên nhẫn khi bạn gặp rắc rối, đừng vội vã hành động, thay vào đó, hãy bình tĩnh suy tính trên cơ sở quan sát và phân tích toàn diện vấn đề.
Khi bạn không biết phải làm gì, hãy tạm dừng bước.
3
TIÊU TIỀN KHÔNG QUAN TRỌNG, QUAN TRỌNG LÀ TIÊU TIỀN VÀO ĐÂU.
Trong Phật giáo, có một khái niệm mà mọi người đều quen thuộc, được gọi là "bố thí", có nghĩa là chia sẻ tiền bạc hoặc những thứ bạn có với người khác.
"Bố thí" là hành động tốt đẹp mà nhiều người giàu có đã làm và đang làm. Bố thí, nói thì rất đơn giản, thực hiện lại không phải là một việc dễ. Tuy nhiên, vua dầu mỏ người Mỹ Rockefeller, ông đã bắt đầu làm việc đó khi còn là một đứa trẻ, Carnegie - ông vua thép người Mỹ, đây là những gì ông thường làm. Về chuyện cho đi, có người đã coi nó là “bí mật kiếm tiền vĩ đại nhất”. Nhưng điều quan trọng hơn là mỗi người đều có thể thu được thứ gì đó từ bí mật này, cho dù bạn là ai.
Trong một lá thư gửi cho con trai vào năm 1924, Rockefeller đã giải thích về hành vi bố thí của mình. Ông nói rằng khi ông còn nhỏ, chỉ cần ông có một ít tiền, là ông sẽ nhanh chóng đi cho, và khi ông kiếm được nhiều tiền hơn, số tiền ông cho cũng sẽ dần dần tăng lên. Theo thống kê, trong suốt cuộc đời của mình Rockefeller đã cho đi tổng cộng 550 triệu đô la Mỹ.
Tất nhiên, một số người sẽ nói rằng việc phân phát tiền của Rockefeller chỉ là đánh bóng hình ảnh của mình trước công chúng. Thực ra không phải là như vậy. Ivey Lee, người chịu trách nhiệm về quan hệ công chúng của Rockefeller, đã viết một cuốn sách có tên là “Làm hài lòng công chúng” và mọi người đã biết được từ cuốn tiểu sử này sự thật là Rockefeller đã không tiếc cho đi như thế trong suốt một thập kỉ. Carnegie và Rockefeller đều giống nhau, đều quyên góp một lượng lớn của cải. Tất nhiên, họ cũng là một trong những người giàu nhất Hoa Kỳ.
P.T. Barnum là ông trùm truyền thông nổi tiếng người Mỹ, cũng là người hay bố thí tiền bạc. Ông tin rằng việc bố thí là quy luật của việc làm từ thiện có lợi nhuận, đem tiền cho người khác, và một ngày nào đó bạn cũng sẽ nhận được đền đáp. Tất nhiên, ông cũng là một trong những người giàu có nổi tiếng thế giới.
Bruce Barton, một trong những người sáng lập công ty quảng cáo nổi tiếng BBD, cũng tin tưởng vững chắc vào nguyên tắc bố thí. Năm 1927, ông viết: "Nếu ai đó sẵn sàng phục vụ người khác một thời gian dài, thậm chí rèn luyện thành thói quen bố thí, sau đó anh ta sẽ tập hợp được nhiều hơn sức mạnh để lập nên sự nghiệp của mình. Sau này, với tư cách là một nhà kinh doanh tài ba, Bruce Barton còn trở thành một tác giả có sách bán rất chạy, tất nhiên, ông cũng chia sẻ rất nhiều của cải cho người khác.
Đọc đến đây, có lẽ sẽ có người nói rằng những người giàu tiền tiêu không hết, và những khoản quyên góp không là gì đối với họ. Tuy nhiên, không có điều khoản nào trên đời này đòi hỏi rằng người giàu phải cho đi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ mà không cần đền đáp. Tuy nhiên, "cho đi sẽ luôn luôn được nhận lại", và cho đi cũng sẽ làm cho cuộc sống của bạn phong phú hơn.
Trong cuộc sống, hầu hết mọi người né tránh chia sẻ hoặc chỉ bố thí một phần nhỏ tiền. Tuy nhiên, nếu bạn muốn nhận được nhiều hơn, bạn nên cho đi một cách hào phóng.
Ví dụ, phần mềm Alipay được cài đặt trên điện thoại di động của hầu hết mọi người Trung Quốc hiện nay có chức năng "chia sẻ tình thương yêu", và số tiền quyên góp của nó cũng không giới hạn là bao nhiêu, một tệ cũng được, một trăm tệ cũng được. Cài đặt cá nhân của phần mềm Alipay cho phép chúng ta chia sẻ tình thương yêu của mình. Bố thí, được thể hiện ở đây. Khi chúng ta trao đi cho người khác, chúng ta có một trái tim nhân ái thực sự, đây cũng là sự thể hiện thiện chí của chính chúng ta.
Khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn, đừng quên những người đã từng giúp bạn trong cuộc sống hoặc công việc, khi những người khác gặp khó khăn, bạn cũng nên bỏ tiền để giúp họ, không nên chỉ biết giữ thật chặt túi tiền của bạn, biến bản thân thành một con quỷ keo kiệt ai gặp cũng ghét. Tất nhiên, khi bố thí không đòi hỏi sự đền đáp, chỉ có sự cho đi không mục đích, mới có thể phát huy tác dụng trong tương lai.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Khi bạn không đến mức túng quẫn, bạn nên cố gắng bố thí trong khả năng cao nhất, giúp đỡ những người cần giúp đỡ cũng là đầu tư cho cuộc đời của bạn. Khi bạn giàu có, bạn càng phải trao đi nhiều hơn. Cho đi và giúp đỡ là nét đẹp tính cách cũng là nhân sinh quan làm giàu. Người giàu lúc nghèo vẫn thích bố thí, người nghèo lúc giàu vẫn chỉ biết “vắt cổ chày ra nước”, vì vậy nếu bạn khao khát thành công, hãy học cách cho đi không cầu báo đáp.
4
CHỈ NGƯỜI CÓ TÂM THÁI TÍCH CỰC MỚI “HIỆU TRIỆU” ĐƯỢC TIỀN TÀI
Sự thành công hay thất bại của một người phụ thuộc vào thái độ của người đó đối với cuộc sống. Napoleon Hill tác giả cuốn sách “Think and Grow Rich” đã từng nói: "Tâm thái của một người cũng giống như đồng xu, trong đó một mặt đại diện cho thái độ tích cực, mặt còn lại đại diện cho thái độ tiêu cực, khi bạn chọn tâm thái sống không giống nhau, cuộc sống bạn có cũng sẽ khác biệt một trời một vực".
Một số người có thói quen quá để tâm và phóng đại những điều không như ý mà họ gặp phải trong cuộc sống, khi nhìn nhận một cách tiêu cực như vậy, họ sẽ phàn nàn việc kinh doanh khó khăn, oán thán không có cơ hội, kết quả họ tự đẩy mình vào cái bẫy tiêu cực. Có thể dự đoán, kiểu người như vậy chắc chắn sẽ không có thay đổi gì, vĩnh viễn không thể thành công. Nhưng lại có người luôn dùng thái độ lạc quan, tích cực để đối mặt với mọi điều xảy ra trong cuộc sống, họ thấy được cả cơ hội trong những khó khăn và nguy cơ, trong thất bại thấy được thành công. Một khi họ rơi vào tình cảnh khó khăn, họ sẽ tích cực phát triển các sự nghiệp khác và tìm kiếm để có được cơ hội thích hợp từ trong các tình huống khác lí tưởng hơn.
Ngày xưa, có hai tú tài hẹn nhau cùng lên kinh ứng thí. Trên đường đi thi, họ gặp một đám tang. Lúc đi ngang qua chiếc quan tài, một trong hai người tú tài thầm nghĩ: "Trời, điềm gở rồi, sợ là thi khoa lần này sẽ không thuận lợi". Dọc đường đi cho tới lúc vào thi người tú tài đó luôn nơm nớp về “điềm gở” đã gặp, lúc làm bài thi cũng không được sáng suốt như mọi khi. Ngược lại, vị tú tài còn lại gặp đám ma lại nghĩ đó là “điềm lành” vì quan tài đồng âm với quan trạng, ngầm báo đỗ đạt phát tài. Thế là, tâm trạng phơi phới, lúc làm bài thi tư duy thông suốt, mạch văn trôi chảy, kết quả được lọt bảng vàng. Từ kinh trở về, hai tú tài cùng nói với họ hàng làng xóm: “Trên đường đi gặp một đám tang, điềm báo này thật sự rất linh nghiệm”.
Cùng nhìn thấy quan tài, một người cho là điềm gở, một người xem là điềm lành, có thể thấy rằng, thái độ tiêu cực cản trở sự phát triển của con người, còn thái độ tích cực giúp mọi người phát triển tốt hơn. Tương tự như vậy, người biết vận dụng tâm thái tích cực để xem xét vấn đề sẽ có nhiều khả năng phát tài, còn người luôn giữ thái độ tiêu cực để suy nghĩ không những không có cơ hội tiến đến sự giàu có, mà còn tự đẩy mình vào ngõ cụt, cuối cùng chỉ là phí công vô ích.
Trong thực tế, mọi người đều có cơ hội để trở thành triệu phú, chỉ có điều, những người không có được thành công và sự giàu có thường hao phí quá nhiều tâm sức vào những cái bẫy tiêu cực, kết quả là sự giàu có ngày càng xa. Do đó, những người có thái độ tích cực, mới có thể mở cánh cửa đến với sự giàu có.
Fowler, một trong những "người giàu nhất thế giới", sinh ra trong một gia đình da đen nghèo. Vì cuộc sống quá nghèo khổ nên Fowler phải tham gia lao động khi mới năm tuổi. Fowler thường hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao gia đình mình lại nghèo thế?" Mẹ cậu nhẹ nhàng trả lời: "Thực tế, không phải chúng ta sinh ra đã nghèo, chỉ vì ông của con và cha của con chưa bao giờ nghĩ đến việc kiếm tiền”.
Fowler nhớ như in những gì mẹ nói với ông, cũng nhờ câu nói này của mẹ, mà cuộc sống của ông bắt đầu thay đổi. Kể từ đó, ông bắt đầu nảy ra những ý tưởng kinh doanh, ông hi vọng thông qua việc kinh doanh có thể dần dần thoát cảnh nghèo đi lên làm giàu.
Ban đầu, hàng ngày, Fowler đi khắp các con phố lớn nhỏ, tiếp thị xà phòng, ông bán xà phòng như vậy trong suốt mười hai năm. Cho đến một ngày, ông nghe nói công ty sản xuất xà phòng sẽ chuyển nhượng với giá là 150.000 đô la Mỹ, thế là ông quyết định tiếp nhận công ty xà phòng. Tuy nhiên, ông chỉ có 25.000 đô la tiền tiết kiệm, ông muốn mua công ty xà phòng và ông phải nghĩ ra một phương pháp khác. Sau khi suy đi tính lại, cuối cùng ông đã đưa ra một giải pháp, đạt được thỏa thuận với bên bán: Trước tiên giao 25.000 đô la Mỹ tiền đặt cọc, số còn lại sẽ được thanh toán trong mười ngày. Nếu mười ngày không thanh toán nốt, coi như vi phạm hợp đồng, tiền đặt cọc sẽ không được hoàn lại.
Điều kiện rất hà khắc, nhưng Fowler rất tự tin. Dựa trên uy tín và mối quan hệ cá nhân mà ông thiết lập được trong hơn một thập kỷ buôn bán xà phòng, Fowler đã nhanh chóng huy động được 115.000 đô la Mỹ từ bạn bè và các công ty tín dụng cùng các nhóm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu 10,000 đô la Mỹ. Lúc đó thời gian giao hẹn chỉ còn một đêm.
Fowler đã tận dụng hết tất cả các nguồn vay mà ông biết. Ông có phần tuyệt vọng, nhưng "một đồng xu khó đánh gục anh hùng", ông thậm chí quỳ gối trong một căn phòng tối và cầu nguyện Chúa cho ông vay 10.000 đô la. Nhưng ông biết rằng đó là một giấc mơ, ông nhanh chóng thoát khỏi tâm trạng bi quan, vẫn còn thời gian, ông tự nhủ rằng phải kiếm 10.000 đô la cho bằng được.
Thế rồi, trong cái đêm tối đủ để thay đổi số phận của ông đó, ông lái xe đi khắp tất cả các góc cùng ngõ hẻm của đại lộ 61. Cuối cùng, ông phát hiện ra một công ty thầu vẫn còn sáng đèn. Thế là, ông đã mạnh dạn đẩy cánh cửa và bước vào, cuối cùng thuyết phục nhà thầu cho vay 20,000 đô la Mỹ. Ngày hôm sau, đúng hẹn Fowler bàn giao nốt số tiền và sở hữu công ty xà phòng.
Kể từ đó, thần may mắn bắt đầu đứng về phía Fowler, việc kinh doanh của ông nhanh chóng phát triển và lớn mạnh, ông trở thành chủ sở hữu của bốn công ty mỹ phẩm, một công ty thương mại, một công ty nhãn hiệu và ông chủ của một tòa báo. Khi phóng viên hỏi về bí quyết làm giàu, Fowler đã nói lại những gì mẹ ông đã nói với ông và nói thêm: "Thượng đế không thể quyết định một người là nghèo khổ hay giàu có, lí do tại sao một người nghèo là vì anh ta chưa bao giờ nghĩ đến việc trở nên giàu có”.
Fowler đã đạt được thành công vang dội bởi vì ông luôn suy nghĩ tích cực. Lúc đầu, giống như hầu hết mọi người, Fowler không có nền tảng gia đình và không có tiền. Tuy nhiên, sau khi ông có ý tưởng trở thành một người giàu có, ông đã kiên định theo đuổi mục tiêu này. Tất nhiên, cuộc đời của một người không phải lúc nào cũng giữ được sự tích cực, chỉ có điều cần hóa giải kịp thời tâm lý tiêu cực đôi khi xuất hiện, nhanh chóng chuyển sang thái độ tích cực và tiếp tục tiến tới mục tiêu.
Làm giàu là một quá trình lâu dài, trong quá trình đó nếu cứ gặp khó khăn nào đó lại bi quan cực độ, thì trước khi tìm được cách giải quyết bạn đã bị đủ loại vấn đề làm mệt mỏi, làm sợ hãi đến muốn bỏ cuộc rồi. Trong khi, chỉ cần bạn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, bạn sẽ có được động lực để cố gắng nghĩ cách giải quyết vấn đề, dần dần đạt tới giàu có. Một người bất luận là ở trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có một thái độ tích cực và khát vọng giàu có, thì sẽ có hi vọng trở nên giàu có.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Mỗi người đều có hai kiểu tâm thái là tích cực và tiêu cực, mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta đối mặt với cuộc sống bằng thái độ như thế nào. Nếu bạn chọn đối diện với mặt trời, bạn sẽ thấy ánh sáng rực rỡ, nếu bạn chọn nhìn mặt trời từ phía sau, thì bạn chỉ thấy bóng tối u ám.
Rất khó để những người có tâm thái tiêu cực tạo ra sự giàu có hơn, nếu bạn muốn giàu có hơn, thì hãy nhanh chóng sống với một thái độ tích cực hơn. Có người nói: “Bạn muốn trở thành người như thế nào, chỉ cần bạn kiên trì, bạn có thể trở thành người như thế”. Nếu bạn có một tâm thái tích cực và dùng thái độ lạc quan để đối mặt với tất cả những thứ có thể xảy ra trong cuộc sống của bạn, thì thành công sẽ không còn cách xa bạn.
5
CÓ TƯ DUY ĐỘT PHÁ LO GÌ CHUYỆN LÀM GIÀU
Những người luôn luôn "làm như cũ", lâu dần, sẽ không theo kịp trào lưu của thời đại, cuối cùng sẽ bị xã hội đào thải, chứ chưa nói đến thành công và đạt được sự giàu có. Còn những người thường "tôi muốn thử cách của riêng mình”, thì không nghi ngờ gì nữa, họ chính là những người đứng đầu sóng ngọn gió trong xã hội, họ có đủ can đảm để tiến về phía trước, không sợ thất bại, một người như vậy sẽ luôn có được cơ hội, dễ dàng công thành danh toại và có được sự giàu có.
Một sự khác biệt giữa hai loại người này là ở chỗ người dám phá vỡ cái cũ để đi theo những cái mới, còn người thì có thói quen làm theo lối cũ. Cuộc đời vì những cái mới lạ mà tràn đầy sức sống, vì đột phá những trở ngại mà sống là chính mình. Thực tiễn đã chứng minh rằng, chỉ bằng cách phá vỡ nền tảng cũ tìm ra cái mới, đi con đường mà những người bình thường không dám đi, chúng ta mới có thể đạt được thành công mà những người bình thường không thể đạt được.
Trong một ngôi làng nhỏ nơi miền núi, nhiều nông dân dựa vào khai thác tài nguyên trên núi để sống. Hầu hết nông dân khai thác đá để bán cho công ty vật liệu xây dựng với giá thấp, và chỉ có một người nông dân tên Lão Vương bán đá cho nhà buôn hoa và chim với mức giá cao hơn. Lý do Lão Vương có lợi nhuận cao hơn so với những người khác là ông đã nhìn thấy những viên đá đẹp mà người khác bỏ qua.
Sau đó, chính phủ không cho phép nông dân khai thác tài nguyên núi nữa, và một số lượng lớn các nông dân trong làng chuyển sang trồng cây ăn quả, chỉ có mảnh đất của Lão Vương trồng cây liễu. Bởi vì ông thấy mỗi khi nhà buôn về làng mua trái cây, vì hoa quả quá nhiều, nông dân phải bán với mức giá thấp, nhưng họ lại thiếu giỏ liễu để đựng trái cây. Do đó, Lão Vương lại kiếm được một khoản tiền lớn.
Một vài năm sau, ngôi làng miền núi được nối thông bởi tuyến đường sắt, hầu hết nông dân trong làng chuẩn bị xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm trái cây, nhưng trên mảnh đất của Lão Vương, người ta thấy ông xây đá thành một bức tường. Bức tường này dài đến hàng trăm mét, cao ba mét dọc theo đường sắt, lưng tựa vào hàng cây liễu, bên trong là khu vườn lớn. Mỗi khi tàu chạy qua, hành khách trên tàu khi chiêm ngưỡng những vườn hoa nở rộ sẽ nhìn thấy 4 chữ “Coca Cola” được vẽ rất to trên tường. Bức tường quảng cáo này có thể được coi là độc nhất vô nhị giúp Lão Vương kiếm được một số tiền lớn.
Sau đó, vị đại diện châu Á của công ty Toyota Nhật Bản Yamada Shinichi đã rất ấn tượng với người nông dân khác biệt này, rất cảm phục đầu óc kinh doanh trời phú của ông, vì muốn nhanh chóng chiêu mộ nhân tài hiếm có này, Yamada Shinichi đã quyết định tự mình đi tìm Lão Vương. Khi Yamada Shinichi khó khăn lắm mới tìm thấy Lão Vương, thì thấy Lão Vương đang tranh cãi với ông chủ cửa hàng quần áo đối diện với cửa hàng quần áo của mình. Một lúc sau, Yamada Shinichi mới hay hai người này đang cãi nhau về giá cả. Giá một bộ âu phục của cửa hàng Lão Vương là 800 tệ, cửa hàng kia cũng một bộ đó nhưng giá 750 tệ và khi Lão Vương giảm giá bộ đồ xuống 750 tệ, thì cửa hàng đối diện lại giảm xuống còn 700 tệ. Bằng cách này, sau một tháng, cửa hàng đối diện bán được 800 bộ quần áo còn cửa hàng của Lão Vương chỉ bán được 8 bộ. Yamada Shinichi vô cùng thất vọng, thầm nghĩ Lão Vương chẳng qua chỉ là một tay buôn nhỏ gặp may. Tuy nhiên, khi Yamada Shinichi nghe nói rằng ông chủ của cả hai cửa hàng quần áo này đều là Lão Vương, ông đã vô cùng kinh ngạc và quyết định mời Lão Vương làm quản lý cấp cao của Toyota.
Người thành công rất khác biệt, họ không bao giờ theo khuôn mẫu; nhắm mắt đi theo lối mòn cứng nhắc, những người này không muốn làm những điều người khác đã làm đi làm lại, họ thường thích tạo ra "ý tưởng mới" khác biệt để đạt được thành công. Những người thành công xuất sắc muốn đột phá hiện tại, dám thử thách bản thân và có can đảm để không đi theo con đường không giống với bình thường.
Khả năng lớn nhất của người nghèo là chịu đựng nỗi khổ của đói nghèo và sống một cách quy củ. Luôn luôn không có chí tiến thủ, không dám chịu trách nhiệm, làm theo cách truyền thống thì có sai cũng không có ai phàn nàn gì. Nhưng bạn định sống mãi một cuộc đời tầm thường và nhàm chán như vậy sao? Nếu câu trả lời là không, thì xin hãy dũng cảm lên, đột phá bản thân, tạo ra sự khác biệt, không ngừng vượt lên chính mình, tôi tin rằng cuối cùng bạn sẽ bước đi trên con đường giàu có và thành công.
Vinh Trí Kiện sống trong một gia đình rất giàu có, ông nội là nhà tư bản thời kì Dân Quốc, Trung Quốc, cha ông là "tư bản đỏ” Vinh Nghị Nhân, nhưng ông đã không dựa vào bối cảnh gia đình để tìm kiếm một công việc dễ chịu, mà lựa chọn tìm cách sáng tạo những cái mới.
Vào năm 1978, Hồng Kông vẫn chưa trả về Trung Quốc, Vinh Trí Kiện ba mươi sáu tuổi một mình đến Hồng Kông để chuẩn bị cho công việc kinh doanh của bản thân.
Vinh Trí Kiện làm việc ở Hồng Kông và phấn đấu làm việc không mệt mỏi trong chín năm, anh đã dùng số tiền tích cóp được để dồn sức kinh doanh một xưởng điện tử là Aika. Năm 1989, nhà máy điện tử đã được một công ty Mỹ mua lại, Vinh Trí Kiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình và kiếm được số tiền đầu tiên của cuộc đời - 7,2 triệu đô la Mỹ. Sau đó, anh dùng một phần trong đó thành lập công ty đầu tiên chuyên về thiết kế phần mềm hỗ trợ máy tính và các sản phẩm mới ở California, kiếm được lợi nhuận lớn, chưa đầy một năm, đã được một nhà sản xuất phần cứng của Mỹ mua lại 28% cổ phần.
Sau hai năm nữa, công ty đã lên sàn chứng khoán thành công và giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ đó, Vinh Trí Kiện ăn nên làm ra. Người ta nói rằng tổng tài sản của Vinh Trí Kiện vượt quá 400 triệu đô la Hồng Kông vào thời điểm đó.
Một loạt các quyết định của Vinh Trí Kiện cho chúng ta thấy rằng anh dám chấp nhận rủi ro, mạnh mẽ và quyết đoán, trải qua nhiều năm vất vả, anh đồng thời thực hiện ước mơ của mình, vừa tiếp nối giấc mơ kinh doanh của tổ tiên.
Nói chung, người giàu đều nhạy bén trước cơ hội kinh doanh, và Vinh Trí Kiện là một trong những bậc thầy. Anh phản ứng nhanh nhạy với những thay đổi của thời đại và kịp thời thay đổi trạng thái cuộc sống của bản thân, phá vỡ cái cũ để tạo lập nền tảng mới, lựa chọn để có một con đường hoàn toàn khác với cha ông của mình, tạo ra sự độc đáo của riêng mình, và sự thật cho thấy anh đã thành công hơn với lựa chọn này.
Vô số sự thực đã chứng minh chỉ bằng cách tránh đi lối mòn mà đi một con đường khác với những người khác, chúng ta mới có thể tiến gần hơn đến thành công.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Thời đại đang phát triển như vũ bão, con người cũng theo đó mà thay đổi theo. Nếu bạn muốn thành công và đạt được sự giàu có, bạn phải dám phá bỏ hiện trạng bất biến, phá vỡ cái cũ sáng tạo cái mới, và đi trên một con đường của riêng bạn để đến với thành công. Mỗi khi có người không muốn thay đổi hiện trạng, họ sẽ lấy cớ là “khác người dễ sinh họa” để giải thoát cho bản thân, những người như vậy mặc định chỉ có thể là người nghèo. Chỉ những người dám phá vỡ cái cũ của cuộc sống mới có thể thoát nghèo.
6
DÁM LÀ NGƯỜI ĂN CUA ĐẦU TIÊN
Tôn Trung Sơn nói: "Trào lưu thế giới, mênh mông cuồn cuộn, thuận theo thì sống, chống lại sẽ chết". Người biết trước thì dẫn dắt trào lưu, kiểm soát được nguồn của cải; người biết chậm thì chạy theo trào lưu, đuổi theo nguồn của cải; người không biết gì thì sẽ bị trào lưu đào thải, chỉ có thể nhìn nguồn của cải chảy vào túi người khác mà thở dài.
Có một thí nghiệm như sau: Có một nhà khoa học đem một số con sâu bướm xếp hàng, đầu con nọ nối đuôi con kia thành một vòng tròn trên chậu hoa, rồi đặt một số thức ăn bên ngoài vòng tròn. Thế là, những con sâu bướm nối đuôi nhau bò về phía trước, luôn luôn duy trì hình dạng vòng tròn, cứ bò như vậy hai ngày, cuối cùng kiệt sức, lần lượt bị chết đói. Nhưng tuyệt nhiên không có con sâu bướm nào chú ý đến thức ăn đặt bên ngoài vòng tròn.
Trong khi cười nhạo sâu bướm, chúng ta cũng nên lưu ý rằng rất nhiều người trong chúng ta cũng như vậy: Hôm nào cũng thức dậy vào cùng một thời gian, ăn sáng ở cùng một địa điểm, làm cùng một công việc theo cùng một cách, thậm chí phạm những sai lầm giống nhau... Cứ như vậy, qua từng ngày, từng năm, từ làm con đến thành cha mẹ, không cảm thấy có gì sai.
Trong ý thức của họ, sống và làm việc theo "quy tắc", "kinh nghiệm" và "thói quen" thật an toàn. Tuy nhiên, những nề nếp đó đã trói buộc suy nghĩ của họ và ảnh hưởng tới hành động của họ, khiến họ liên tục bỏ lỡ cơ hội làm giàu.
Vạn vật trên thế giới đều liên tục thay đổi biến hóa từng ngày, không có sự việc nào là bất biến. Nếu bạn luôn luôn nhìn vào cùng một điều với cùng một đôi mắt, có suy nghĩ cứng nhắc, dính vào các quy tắc, sẽ không thể theo kịp bước đi của thời đại, cuối cùng người chịu tổn thất chính là bạn.
Trước đây, cổ phiếu ST luôn là cổ phiếu hàng đầu của thị trường chứng khoán, rất nhiều người đã kiếm bộn tiền từ nó. Tuy nhiên, cùng với sự ra đời của hệ thống hủy bỏ niêm yết mới, những thay đổi trong quan niệm mới về đầu cơ, rất nhiều nhà đầu tư vẫn bảo thủ, ôm giữ cổ phiếu ST, thậm chí một ngày trước khi ST hủy bỏ niêm yết, vẫn mua vào số lượng lớn, cuối cùng, chỉ có thể nhận kết cục là vốn ban đầu một đi không trở lại. Lại có một số người khác, mang tư tưởng "lâu dài là vàng bạc", suy nghĩ vẫn như trước, giữ mãi một cổ phiếu, mấy năm không chịu bán ra, cuối cùng cũng thu được lợi nhuận gấp mấy lần. Tuy nhiên, một khi tư duy đầu tư thay đổi, từ tư duy ổn định thời kì trước đây nay trở thành tư duy lướt sóng, những nhà đầu tư chứng khoán không điều chỉnh phương pháp đầu tư của họ, sẽ phải chịu tổn thất to lớn.
Đời người giống như chơi cổ phiếu, bạn phải biết cách thuận theo thời thế và "lúc cần ra tay thì ra tay". Không ngừng học tập, dũng cảm đối diện thử thách và thay đổi suy nghĩ một cách kịp thời, chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể tiến bộ, có thể thành công.
Trong một thị trấn nọ, có hai nhà hàng nổi tiếng nhất, một là Vương Kí và một là Lí Kí. Ông chủ của Vương Kí điều hành việc kinh doanh rất tốt, món ăn không quá đắt tiền, chế biến cũng rất ngon, nhân viên phục vụ cũng nhiệt tình phục vụ khách, cho nên làm ăn ngày một phát đạt. Ban đầu, bên nhà hàng Lí Kí vẫn cố gắng để cạnh tranh với Vương Kí, nhưng lâu dần, khách tới ít, tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân viên và các chi phí khác đều tăng, Lí Kí không thể cân đối được, buộc phải đóng cửa. Ông chủ của Lí Kí cũng rời thị trấn đi đâu không rõ.
Sau đó, mặc dù tại thị trấn đó có rất nhiều nhà hàng được mở mới, nhưng không ai có thể cạnh tranh được với nhà hàng Vương Kí, đành thay phiên nhau mở ra rồi nối đuôi nhau đóng cửa. Nhà hàng lớn nhất trong thị trấn vẫn là Vương Kí.
Nhiều năm sau, đột nhiên có một doanh nhân đến thị trấn, thực lực hùng hậu, nói rằng ông ta sẽ đầu tư vào thị trấn. Ngay cả lãnh đạo huyện cũng đích thân tiếp kiến người đàn ông này. Doanh nhân này là ông chủ của nhà hàng Lí Kí, người trước đó đã cạnh tranh với ông chủ Vương Kí.
Trong những năm đó, ông chủ Vương Kí hài lòng với “chĩnh vàng đầu tiên” mà Vương Kí mang đến cho ông ta, không nỗ lực mở rộng cửa hàng, cũng không mở thêm chi nhánh, và cũng chưa từng nghĩ đến việc mở rộng hơn nữa không gian phát triển. Sau khi ông chủ của Lí Kí rời thị trấn, ông chuyển hướng sang các kinh doanh lĩnh vực khác và thu “chĩnh vàng đầu tiên”. Sau đó, ông đã khảo sát rất nhiều dự án làm giàu, và nhanh chóng đem số vốn có hạn của mình đầu tư vào một ngành mới nổi khác, và cuối cùng trở thành một triệu phú.
Ban đầu xuất phát điểm của ông chủ nhà hàng Vương Kí cao hơn ông chủ nhà hàng Lí Kí. Nếu ông chủ nhà hàng Vương Kí có tư duy đầu tư, tìm xu hướng đầu tư mới, hay nhân rộng mô hình thành công của mình, thì sự giàu có của ông ta có lẽ vẫn sẽ vượt qua ông chủ nhà hàng Lí Kí. Nhưng ông chủ Vương Kí lại mắc kẹt với thành công đã có, không muốn đột phá giới hạn mình đặt ra nên đã không thể phát triển hơn nữa.
Trong thực tế, không chỉ kinh doanh, mà các sự nghiệp khác đều như vậy.
Hà Nhất là sinh viên hàng đầu của một trường cao đẳng âm nhạc ở Trung Quốc, chuyển đến Mỹ để học thêm với mong muốn quay về sẽ có tiền đồ rộng mở. Tuy nhiên, do sinh hoạt phí ở nước Mỹ cao hơn hẳn, Hà Nhất phải làm thêm để kiếm tiền trang trải các khoản chi tiêu. Sau khi suy tính, Hà Nhất quyết định chơi đàn trên phố để kiếm tiền. May mắn thay, anh tìm được khu phố sầm uất nên kiếm được nhiều tiền. Sau đó, Hà Nhất sử dụng tiền kiếm được đó chi trả cho học tập và vẫn làm việc chăm chỉ để đạt được ước mơ của mình. Cùng biểu diễn trên đường phố với Hà Nhất còn có một người da đen. Người đó chơi saxophone rất giỏi, hàng ngày lúc đếm tiền thu được, thường vui vẻ nói với Hà Nhất, chúng ta lại kiếm bộn tiền rồi!
Cứ như vậy, sau hai năm, Hà Nhất học xong, trở về Trung Quốc. Một ngày nọ, khi Hà Nhất đến Mỹ biểu diễn, đi thăm lại con phố cũ, anh bất ngờ gặp lại người bạn da đen trước đây. Hai người hàn huyên một lúc, người da đen hỏi Hà Nhất chuyển tới nơi nào kiếm tiền rồi? Hà Nhất nói nơi anh làm việc là một nhà hát rất nổi tiếng. Người da đen mỉm cười chúc mừng Hà Nhất.
Tạm không nói đến việc Hà Nhất được huấn luyện chuyên nghiệp hay không. Nếu người da đen kia có thể bước ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp của anh ta, cuộc đời của anh ta có lẽ sẽ rộng mở hơn.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Thế giới đang thay đổi liên tục với tốc độ chóng mặt. Người giàu sẽ coi sự thay đổi là một cơ hội, nỗ lực thích ứng với thời đại, và dũng cảm chấp nhận thay đổi để thích nghi với những thay đổi. Chúng ta thường vẫn nói “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, ngoại trừ những con đường bằng phẳng mà người khác đã mở ra, người giàu sẽ nghĩ cách để tạo ra con đường của riêng mình.
Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu đôi khi chỉ là một chút thói quen thường ngày. Mọi người có thể thử các thay đổi sau:
1. Hãy dậy sớm.
2. Đi xe buýt tuyến khác để đi làm.
3. Thay đổi nhà hàng thường ăn.
4. Thay đổi kiểu tóc và quần áo.
5. Sử dụng hai hoặc nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề.
6. Làm quen với công việc khác ngoài công việc của bạn.
7. Có ít nhất trong tay hai cách để kiếm sống.
8. Tiếp xúc với nhiều người hơn và kết giao với nhiều loại bạn bè khác nhau.
9. Đọc nhiều sách và dành thời gian để học tập.
10. Đi du lịch và tìm kiếm cơ hội mới.
7
LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI THÀNH CÔNG: LÀM NGƯỜI PHẢI BIẾT KHIÊM NHƯỜNG
Một số người luôn thích ngẩng cao đầu, không thích cúi mình, có một chút tài năng và thành tựu là đều thiếu nước bắc loa thông báo tới mọi người. Những người như vậy kết quả thường là trái với ý muốn ban đầu. Một số người biết cách tránh mũi nhọn và hành động khiêm nhường để không trở thành mục tiêu cho những người khác tấn công. Nếu bạn không thể hiện bản thân quá mức trước công chúng, đương nhiên bạn sẽ không thể thu hút sự soi mói của người khác, như vậy, bạn sẽ tránh được “chiến dịch bóc phốt” mà nhiều người coi là thú vui được cộng đồng chờ đợi.
Hầu hết người trẻ tinh thần phấn đấu cao, thích bộc lộ tài năng, tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão, luôn muốn thể hiện ưu điểm của bản thân, cho người khác thấy chỗ hơn người của họ, nhưng kết quả thường không nhận được sự công nhận và hỗ trợ của người khác, lại rất dễ bị bác bỏ và công kích. Đến nỗi chính những người thích thể hiện kiểu này cũng thấy khó hiểu mà tự hỏi: Tôi đã làm việc rất chăm chỉ, làm tốt nhất trong số những người cùng làm rồi, mà tại sao vẫn không được công nhận? Kỳ thực, nguyên nhân không phải vì bạn thể hiện không tốt, mà là thể hiện quá tốt. Hãy suy nghĩ một cách kĩ lưỡng mà xem, bạn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giành được sự chú ý của mọi người, để cho người ta cảm giác bị lép vế mà người ta rất ghét, khiến người ta cảm thấy bị đe dọa, sau đó chắc chắn họ sẽ ghim thù và làm khó bạn.
Tất nhiên, có tài, có năng lực không có gì sai, đây là lợi thế của bạn, nhưng không phải vì thế mà khoa trương quá độ, suy cho cùng thì chẳng ai thích những người kiêu ngạo. Khoa trương, khoe mẽ luôn là điều cấm kị trong đối nhân xử thế, do đó, bất luận là trong trường hợp nào, cần ghi nhớ phương châm “quân tử không khoe mẽ” đề phòng những tai bay vạ gió.
Tiểu Tằng là học viên cao học chuyên ngành Thông tin thư viện, sau khi tốt nghiệp, cậu được phân về một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh. Nhiệm vụ chủ yếu là phân loại các văn kiện theo tiêu chuẩn. Cậu cho rằng mình có ưu thế hơn người khác là có bằng chuyên ngành, vì vậy, mới đi làm vài ngày, cậu đã phát biểu ý kiến về phong cách làm việc của sếp và sắp xếp công việc theo ý của mình. Sếp nói với cậu ta: "Tiểu Tằng không hổ danh là một sinh viên hàng đầu trong nghề này, thực sự có năng lực”.
Đồng nghiệp cũng thể hiện sự công nhận. Tuy nhiên, cậu không biết cách tránh những cái nhìn sắc nhọn của họ, ngược lại gây ra tâm lý thù địch của mọi người, đồng nghiệp nói xấu sau lưng cậu, nói cậu là kiêu ngạo, thần kinh không bình thường, ngay cả sếp cũng ghét cậu, và kết quả là cậu đã làm việc trong viện hơn một năm, và sếp không giao cho cậu bất kỳ công việc cụ thể nào, chỉ cho cậu làm những việc linh tinh.
Cậu có chút thất vọng và chán nản, sau đó, một đồng nghiệp thấy cậu như vậy cũng tỏ ra thông cảm, nói nhỏ với cậu: "Tiểu Tằng à, trước đây tôi cũng như cậu vậy, kiêu căng ngạo mạn, luôn muốn thể hiện bản thân, đắc tội với sếp, vì vậy luôn không được trọng dụng. Nếu cậu muốn có môi trường phát triển tốt, thì đổi việc khác đi. Còn nếu muốn tiếp tục ở lại đây, thì cũng phải thay đổi đi". Lúc đầu, Tiểu Tằng không hề để tâm tới lời nói của đồng nghiệp, phong cách làm việc vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, sau một thời gian, cậu phát hiện ra rằng hầu như tất cả đồng nghiệp đều vô tình hoặc cố ý gây rắc rối cho mình, ngay cả những công việc bình thường, cũng không có ai phối hợp tốt được với cậu, cậu thực sự không thể làm việc tiếp, nên đã từ chức. Trước khi cậu đi, sếp vỗ vai cậu và nói: "Thành thật mà nói, tôi thực sự không muốn cậu đi, vốn dĩ còn muốn để cậu làm người nối nghiệp. Đáng tiếc thật".
"Đáng tiếc thật". Trong đầu của Tiểu Tằng luôn vang vọng ba từ này, cậu cười chua chát rồi ra đi.
Trải nghiệm của Tiểu Tằng là điều mà nhiều người trẻ mắc phải, lí do cho sự thất bại của họ là họ quá thích thể hiện và không biết cách nhún mình. Trong thực tế, hạ mình không có nghĩa là hèn mạt, mà là một chiến lược của kẻ mạnh “cúi xuống để vươn cao hơn”. Bước chân vào xã hội, nỗ lực chăm chỉ để đạt được lí tưởng của bạn chắc chắn sẽ thành cạnh tranh về lợi ích với những người khác. Nhưng không phải tất cả mọi người đều biết phải tranh cái gì, tranh như thế nào. Nếu một người không biết “tranh" cái gì, thì sẽ trở nên so đo tính toán, thích thể hiện, và cuối cùng là bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt; người biết tại sao phải "tranh" luôn biết nắm lớn bỏ nhỏ, cuối cùng thu được danh lợi đôi đường.
Carlo De Benedetti, một doanh nhân người Ý nổi tiếng, nhà sáng lập công ty Olivetti. Lúc đó trên thị trường đang thịnh hành Microcomputer, ông cũng thành lập riêng một trung tâm nghiên cứu, đầu tư rất nhiều nhân lực và tài chính, chỉ để nắm bắt cơ hội cuối cùng của xu hướng, phát triển dòng Microcomputer dùng ở nhà và dùng ở văn phòng. Không ngờ, khi Carlo De Benedetti phải khó khăn lắm mới thiết lập thành công bộ vi xử lí, thì công ty IBM ở Mỹ đã đi trước một bước cho ra tivi internet hai trong một tiên chiếm thị trường, và đã được tiêu thụ trong phạm vi toàn thế giới với tốc độ ánh sáng.
Trong lĩnh vực công nghệ cao, mất cơ hội đầu tiên có nghĩa là mất thị trường, đây chắc chắn là một đòn chí mạng đến De Benedetti.
Việc tiếp tục giới thiệu các máy tính mới của công ty đã mất đi ý nghĩa, mà từ bỏ thành quả sắp hoàn thành lại rất đau khổ. Điều này có nghĩa là khoản phí phát triển khổng lồ đã bỏ ra trước đó sẽ đổ sông đổ bể. Hơn nữa, muốn thuyết phục các nhà nghiên cứu đã bỏ bao tâm huyết cũng rất khó khăn.
De Benedetti đã phải từ bỏ các dự án nghiên cứu sắp được hoàn thành mặc dù suy nghĩ rất đau đầu. Đồng thời, ông đã thiết lập một nhóm người, chủ yếu tham chiếu máy tính của IBM.
Trên cơ sở của nó lại tiếp tục phát triển một máy tương thích với tính năng tương tự, nhưng với một mức giá thấp hơn, và cuối cùng đã đạt được thành công lớn.
Khi sản phẩm mới này được phát triển thành công và giới thiệu ra thị trường, nó đã được người tiêu dùng đón nhận. Olivetti cũng đã trở thành một công ty nổi tiếng quốc tế, và bản thân Benedetti cũng đã xuất hiện trên trang bìa của tạp chí “Thời đại” của Mỹ và các ấn phẩm khác.
Nói tóm lại, để từ một gã nghèo vô danh tiểu tốt trở thành một người giàu có và thành công, tuyệt đối không thể gặp việc mạnh là đứng đầu, việc mà mình không nên quản mà cứ quản. đồng thời, luôn luôn sáng suốt để tìm hiểu và học cách linh hoạt biến hóa, để tránh cạnh tranh trực diện, có hi vọng giành thắng lợi cần phải kịp thời nắm bắt cơ hội, vào thời cơ không có lợi cần lí trí rút lui khỏi chiến trường không thể giành chiến thắng.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Nước đầy sẽ tràn, trăng tròn sẽ khuyết. “Khiêm nhường” đa số lúc sẽ bị dán mác là “phục tùng”, “yếu đuối”, hay thậm chí là “đầu hàng”, tuy nhiên, “khiêm nhường” trên thực tế lại là một kiểu trí tuệ rất thực tế và khôn ngoan. Đó là một chiến lược có thể hóa nguy thành an, mưu tính sâu xa. Vì vậy, người giàu chân chính biết để tránh tham gia các vấn đề không liên quan. Suy cho cùng, thể hiện bản thân bạn sẽ gây được ấn tượng và bạn sẽ cảm thấy tự hào trong một lúc. Tuy nhiên, sau một thời gian, bạn sẽ nhận ra nguy hại của nó lớn như thế nào.
8
LÀM NGƯỜI CƠ TRÍ, CÓ TÂM PHÒNG NGƯỜI, KHÔNG BỤNG HẠI NGƯỜI
Trong cuộc sống, người ruột để ngoài da thường không giấu được bí mật, có một chút buồn bã hay vui vẻ đều tìm kiếm một ai đó để nói chuyện, thậm chí không phân biệt thời gian, địa điểm, đối tượng, thấy người ta sẵn sàng nói chuyện với mình là nói hết ra mọi chuyện, cứ như muốn cả thế giới biết. Những người như vậy thường không được trọng dụng, do đó không có cơ hội phát triển. Còn những người hiểu lòng người, biết cách nói chuyện tùy trường hợp, lựa đối tượng, có thể dễ dàng đạt được mục tiêu của họ hơn.
Trong thực tế, sự trung thực là một phẩm chất tốt đẹp, con người trung thực là không sai, nhưng trung thực cũng cần phải có mức độ, làm người mà quá trung thực, không có sự đề phòng cảnh giác, thường sẽ bị thiệt. Sống trong xã hội phức tạp ngày nay, bạn sống với lương tâm chân thật của mình, nhưng đồng thời giữ lại một con mắt và trái tim để ngăn chặn, đề phòng kẻ xấu làm hại. Vì vậy, nguyên tắc làm người là: Chúng ta nên làm người trung thực, nhưng cần đề phòng người khác coi mình như một kẻ ngốc, chúng ta có thể đối đãi chân thành với người, nhưng đừng để người khác nhầm lẫn tin rằng mình ngây thơ. Nói tóm lại, ngoài việc trung thực, bạn cũng nên cất giấu một chút “tâm cơ trong lòng”.
Ngày xưa, có một con bọ cạp và một con ếch sống bên bờ ao. Một ngày nọ, con bọ cạp muốn đi sang bờ ao đối diện tìm kiếm thức ăn, nhưng khổ nỗi không biết bơi, nó khẩn thiết nhờ ếch vì ếch vốn là loài biết bơi: "Anh ếch à, tôi muốn qua bờ ao bên kia để tìm thức ăn, nhờ anh chở tôi qua đó có được không?”.
Ếch trả lời rất đơn giản: "Tất nhiên rồi! Chỉ có điều, hiện giờ, tôi phải từ chối anh vì trong lúc tôi bơi, anh có thể sẽ cắn tôi”.
Bọ cạp vội vàng hỏi lại: "Làm sao có thể làm như vậy chứ? Chưa kể, nếu anh chết, tôi sẽ chìm xuống nước mà chết đuối. Điều này không có lợi cho tôi một chút nào”.
Ếch biết bọ cạp có độc, nhưng cảm thấy lời nó nói có lí, nên đã chấp nhận lời thỉnh cầu của bọ cạp và chở nó qua ao. Tuy nhiên, khi bơi đến giữa ao, đột nhiên bọ cạp cong đuôi và cắn ếch. Vết thương ngay lập tức chảy máu, ếch nén đau, hét lên: "Tại sao anh làm như vậy? Tôi chết anh cũng sẽ chết chìm xuống nước, điều này không có lợi cho anh một chút nào”.
Bọ cạp độc ác nói: "Tôi biết. Nhưng tôi là bọ cạp, bản tính của tôi là như vậy ". Nói rồi, bọ cạp và ếch cùng chìm xuống nước.
Tục ngữ nói: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời". Tiểu nhân tâm tính độc ác nham hiểm luôn như vậy, trong một số trường hợp giao tiếp xã hội, nhìn bên ngoài dường như mọi người đang nói chuyện phiếm, nhưng ẩn sâu trong đó lại là rất nhiều những toan tính không dễ nhìn thấu. Đó chính là cái gọi là “Không thể có tâm hại người, nhưng không thể không có tâm đề phòng người". Nếu làm người hay làm việc mà bạn không có một chút tâm cơ, đến lúc bị mắc lừa rồi, đừng trách người khác quá tàn độc, chỉ có thể trách bản thân mình quá đơn thuần.
Trong cuốn “Thế thuyết tân ngữ” do Lâm Vương Xuyên, Lưu Nghĩa Khánh biên soạn, có một câu chuyện như sau:
Thời Tam Quốc, Tào Tháo ra lệnh xây một khu vườn, sau khi hoàn thành Tào Tháo tự đi kiểm tra, thuộc hạ hỏi ông ta có hài lòng với vườn mới hay không, ông ta không nói bất cứ điều gì, chỉ viết một chữ "hoạt" trên cửa rồi rời đi. Trong khi nhiều người đang nghi hoặc, Dương Tu tự thấy mình thông minh đã lĩnh hội ra ý nghĩa trong đó, nói: “Thêm chữ 'hoạt' trong 'môn’ (cửa), sẽ thành chữ ‘khoát’ (rộng), vậy là thừa tướng không vừa ý cửa rộng”. Người làm dựa vào phân tích ấy sửa lại thu nhỏ cửa lại. Lần sửa này khiến Tào Tháo rất vui vẻ, liền hỏi ai là người hiểu được ý đồ của ông, thuộc hạ đều đáp là Dương Tu. Tào Tháo là một người rất đa nghi, ngoài mặt khen ngợi Dương Tu, nhưng trong lòng lại rất đố kị. Vì vậy, Dương Tu mặc dù có mưu trí, nhưng lại không được Tào Tháo trọng dụng.
Một lần khác, có người biếu Tào Tháo một cốc chè, Tào Tháo ăn một miếng nhỏ, nhưng không nói gì, chỉ viết trên đó một từ "hợp" trước mặt tất cả mọi người. Trong lúc mọi người đang nghi hoặc, Dương Tu bước lên trước ăn một miếng, nói: "Chúa Công muốn chúng ta mỗi người cùng ăn một miếng", mặc dù lúc đó Tào Tháo không biểu hiện gì với Dương Tu, nhưng trong lòng đã có ý nghĩ loại trừ Dương Tu, bởi vì người này có thể đoán được suy nghĩ của ông ta bất cứ lúc nào.
(Giải thích: chữ “hợp” gồm 3 bộ “nhân”, “nhất”, “khẩu” xếp chồng lên nhau, theo cách đọc từ trên xuống dưới sẽ là “nhân nhất khẩu”, nghĩa là mỗi người một miếng, Dương Tu suy luận để tìm ra ý của Tào Tháo).
Sau đó, trong một cuộc hành quân chiến đấu, đại quân Tào Tháo bị quân Thục bao vây, mắc kẹt trong thung lũng, tiến thoái lưỡng nan, mới “cảm thán trong lòng”, lấy “lườn gà” làm khẩu lệnh. Dương Tu cũng đoán được suy nghĩ của Tào Tháo và quyết định tự mình làm chủ, ra lệnh quân sĩ rút lui. Tướng Hạ Hầu Đôn vô cùng ngạc nhiên hỏi Dương Tu tại sao. Ông nói: "Với khẩu lệnh trong đêm nay, có thể biết Nguỵ Vương chẳng mấy ngày nữa mà rút quân - Lườn gà nói lên tâm trạng vừa muốn rút quân, vừa không muốn bỏ như lườn gà, ăn thì không nhạt nhẽo, bỏ đi thì thấy tiếc. Nay tiến thì không thể thắng, rút thì sợ mọi người cười nhạo, ở đây cũng vô ích, không bằng sớm rút quân...". Không ngờ sau đó, Dương Tu đã bị Tào Tháo giết với tội danh làm loạn quân tâm.
Không nghi ngờ gì nữa, Dương Tu là một người cực kì tài năng, nhưng ông quá đơn giản, không có một chút tâm cơ nào. Dưới trướng một người lòng dạ xảo quyệt, tâm tính đa nghi như Tào Tháo, không biết cách che giấu, thì làm sao có thể bảo toàn tính mạng? Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Những ngôi sao dù sáng, nhưng cũng không thể sáng hơn mặt trời”. Nguyên tắc bảo vệ an toàn chính mình trong xã hội là phải có tâm cơ, không thể quá đơn thuần.
Một số người thường nói quá thực lực của bản thân, không hiểu được tâm cơ, nói một cách quá khẳng định, thì thường sẽ tự đẩy mình đến chỗ chết.
Một công ty công nghệ nghiên cứu phát triển một dự án công nghệ mới, giám đốc giao nhiệm vụ này cho cấp dưới Hàn Thông, hỏi anh ta: "Dự án có thể hoàn thành đúng thời hạn không?" Hàn Thông mạnh dạn hứa rằng: "Xin sếp cứ yên tâm, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Ba ngày sau thấy kết quả”. Sau ba ngày, không có động tĩnh nào từ phía Hàn Thông. Giám đốc đã phải đích thân đến tìm anh ta, hỏi dự án tiến triển như thế nào rồi, lúc đó anh mới thành thật: "Dự án thực sự có một số khó khăn". Mặc dù giám đốc đồng ý sẽ cho anh ta thêm một chút thời gian, nhưng ông đã bắt đầu ghét cái kiểu hứa cho oai như vậy.
Hàn Thông hứa hẹn quá chắc chắn, những việc mà vỗ ngực khẳng định trước người khác cuối cùng không hoàn thành, mọi người sẽ không tránh khỏi có suy nghĩ không tốt về bạn, lần sau sẽ không yên tâm mà giao việc cho bạn nữa, bạn sẽ tự chặn đứng con đường phát triển của mình.
KINH NGHIỆM THOÁT NGHÈO TIẾN TỚI LÀM GIÀU
Xã hội giống như chốn giang hồ, nói và hành động cần xem xét trường hợp, lựa đối tượng, trong trường hợp đặc biệt, những lời nào nên nói lời nào không nên nói, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tương lai của bạn. Nếu bạn nói không đúng lúc đúng chỗ, sẽ khiến người khác mất lòng tin vào bạn, thì còn mong gì đến chuyện người ta sẽ tìm đến bạn để hợp tác làm ăn. Hãy nhớ rằng: Mọi chuyện đều phải “xem xét một chút đã”, là một người có tâm cơ, mới có thể nhanh chóng gia nhập được vào hàng ngũ của những người giàu có.