Những người nhạy cảm hoặc sở hữu một tâm hồn mong manh chứa đựng nhiều khả năng cũng như những hạn chế. Trong nhiều năm qua, tôi hầu như chỉ chú tâm tới những hạn chế. Tôi biết mình không có sức chịu đựng được như những người khác trong một số bối cảnh nhất định. Trước khi tôi tìm hiểu được về những đặc điểm của người mang tính nhạy cảm cao, tôi xét mình là một người hướng nội.
Khi tôi thực hiện những khóa đào tạo tại Đại học Mở và ở các cơ sở khác, tôi đã chia sẻ với những học viên rằng trong thời gian nghỉ giải lao, tôi muốn được tập trung vào chính mình và nghỉ ngơi. Mọi người luôn luôn tôn trọng nhu cầu đó. Và luôn luôn có những học viên đến gặp tôi và chia sẻ rằng họ có nhu cầu giống tôi và tôi rất vui khi nghe người khác mở lòng về điều này.
Bất chấp những hạn chế bản thân phải đối diện, tôi lại có những kinh nghiệm phong phú trong nhiều lĩnh vực khác. Tôi có một đời sống nội tâm rất phong phú. Tôi chưa bao giờ thấy thiếu cảm hứng hay thiếu ý tưởng để giảng dạy. Cá tính này giúp tôi có thể biến mọi thứ trở nên thú vị và thu hút nhiều người tìm đến với các bài giảng và khóa học của tôi suốt từ năm này qua năm khác.
Nhiều người nhạy cảm hay tự ti về mình. Chúng ta đang bị định hình trong một khung văn hóa coi trọng những đặc trưng tính cách và hành vi rất khác với mình. Một số người nhạy cảm cao nói rằng cả đời họ đã phải đấu tranh để trở nên “đầy sức sống” như những gì người khác mong đợi. Và chỉ khi về hưu, họ chấp nhận sống chậm lại và thiền định.
Hẳn nhiều người từng động viên bạn đừng quá lo lắng, hãy trở nên cứng rắn hơn và học cách tận hưởng những điều tương tự như mọi người xung quanh. Khi người ta liên tục khuyến khích bạn trở nên khác đi, bạn sẽ khó học được cách yêu thương sự nhạy cảm của bản thân mình. Bạn có thể đã cố gắng thay đổi bản thân để đáp ứng đúng kỳ vọng của người khác. Nếu đúng là như vậy, bạn sẽ cần phải học cách trân trọng cái tôi của chính mình. Bước đầu tiên là tự đánh giá bản thân trên bề mặt chất lượng chứ không phải số lượng. Có thể bạn không làm việc năng suất hoặc hiệu quả được như những người khác, nhưng rất có thể kết quả công việc của bạn luôn đảm bảo chất lượng cao. Bạn có thể thua về bề rộng, nhưng bạn hoàn toàn có thể bù đắp được chiều sâu.
Trong nhiều năm, tôi liên tục so sánh bản thân với những người khác và luôn cảm thấy rằng mình chưa bao giờ đủ tốt và điều này khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi đã phải chấn chỉnh lại bản thân để học cách chuyển sự tập trung từ những việc bản thân không thể làm sang nhận thức về tất cả các nguồn lực mình sở hữu.
Bạn chắc cũng từng cảm thấy mãi lấn cấn, bận tâm đến những điểm mình thiếu hụt? Thường thì đấy là những điều dễ nhận thấy nhất. Ví như, bạn chỉ có thể giao tiếp hòa đồng trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn nhận thấy điều này và những người khác cũng vậy: “Cậu đã về rồi sao?”. Bạn quên mất việc để ý và trân trọng năng lực kết nối và tạo ra mối quan hệ mới của mình. Ví như, bạn chỉ mất vài tiếng đồng hồ để hoàn thành khối lượng công việc ngang với những người kiên trì hơn làm trong suốt một đêm.
Tôi mong rằng cuốn sách này giúp được những người sở hữu độ nhạy cảm cao cũng như những tâm hồn mong manh nhận thức rõ hơn về những thứ chúng ta đang có và những gì chúng ta có thể làm.
Sự mẫn cảm hơn người thường mang lại sự phong phú hơn trong cá tính… Chỉ có điều, khi những tình huống khó khăn hay những sự kiện bất thường xảy tới, những ưu điểm thường sẽ biến thành bất lợi rất lớn, vì sự bình tĩnh cân nhắc dễ bị rối loạn bởi những ảnh hưởng xuất hiện không đúng lúc.
Tuy nhiên, điều sai lầm nhất dễ xảy ra khi ta coi sự nhạy cảm hơn người là một đặc điểm bệnh lý. Nếu thực sự là như vậy, thì chúng ta sẽ có khoảng ¼ dân số trên thế giới mắc bệnh tâm thần.
C. G. Jung, 1995 [1913], đoạn 398