Hai loại tính cách trong cùng một bản thể
Người ta ước tính rằng cứ năm người thì có một người có độ nhạy cảm cao. Điều này không chỉ xuất hiện ở mỗi con người mà còn ở các loài động vật bậc cao khác, và có thể phân biệt giữa hai loại: loại sinh vật mang tính nhạy cảm cao và loại mang tính sôi nổi hơn. Loại sinh vật thứ hai có khả năng tận dụng cơ hội tốt hơn và mang tính tự quyết cao hơn.
Cũng như việc phân biệt hai giới tính khác nhau, chúng ta cũng có thể chia con người ra thành hai loại tính cách như trên. Sự khác biệt giữa hai loại tính cách đôi khi còn lớn hơn cả sự khác biệt giữa hai giới tính.
Đặc điểm của sinh vật cực nhạy cảm không hề là một khám phá mới. Nó chỉ được gọi bằng những cái tên khác, ví dụ như hướng nội. Nhà nghiên cứu và tâm lý học người Mỹ Elaine Aron (1997) đã giới thiệu và mô tả ý tưởng về “người nhạy cảm cao”. Cô ấy nói rằng bản thân cô ấy vẫn tin sống nội tâm và độ nhạy cảm cao giống nhau cho đến khi cô ấy nhận ra rằng 30% những người có độ nhạy cảm cao là người hướng ngoại.
Người ta cũng nêu ra những đặc điểm nhạy cảm như gượng gạo, lo âu hoặc nhút nhát. Những từ ngữ này chỉ mô tả được những đặc điểm đó xuất hiện trong con mắt người khác khi một người có độ nhạy cảm cao không cảm thấy có chỗ dựa và thiếu an toàn. Những mô tả nêu trên không đáng để mắt đến mặc dù những người nhạy cảm cao có thể gặp phải nhiều vấn đề và khó khăn hơn những người khác khi chịu áp lực, nhưng họ có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc khi môi trường xung quanh họ tĩnh tại.
Dựa trên kết quả nhiều nghiên cứu, thực tế là chúng ta có thể không được hạnh phúc nếu không ở trong đúng bối cảnh, nhưng đồng thời có thể phát triển tuyệt vời trong bối cảnh phù hợp. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có phản ứng mạnh (được đo lường bởi nhịp tim và phản ứng miễn dịch) trong những tình huống khó khăn (tức là những đứa trẻ nhạy cảm) bị ốm thường xuyên hơn và gặp nhiều tai nạn hơn những đứa trẻ khác khi bị áp lực. (Boyce et al. 1995). Nhưng những đứa trẻ này sẽ đỡ ốm hơn và ít bị tai nạn hơn những đứa trẻ khác khi ở trong môi trường bình thường và quen thuộc của chúng.
Chúng ta tiếp thu nhiều thông tin hơn và đào sâu suy nghĩ về chúng
Những người nhạy cảm cao sở hữu hệ thần kinh rất tinh nhạy. Chúng ta nhận thức nhiều sắc thái hơn và lượng thông tin tiếp thu được sẽ khắc sâu vào trong tâm trí hơn về tổng thể. Chúng ta có một trí tưởng tượng tuyệt vời và thế giới nội tâm sống động, có nghĩa là những luồng thông tin và ấn tượng mà chúng ta nhận được từ bên ngoài có thể kích hoạt vô số khái niệm, liên tưởng và suy nghĩ. Bằng cách này “ổ đĩa” của chúng ta nhanh chóng bị lấp đầy và dễ dẫn tới kích động quá đà.
Dựa trên kinh nghiệm của riêng tôi, mỗi khi bản thân mình đang ngấp nghé trên bờ vực vì phải tiếp nhận lượng thông tin quá tải, tôi cảm thấy như thể não bộ không còn chỗ cho bất cứ điều gì khác nữa. Nếu phải ở cùng với những người lạ, điều này có thể xảy ra trong ít nhất 30 phút hoặc một giờ, tôi chỉ đành cố kéo mình về thực tại và thậm chí giả vờ rằng tôi vẫn đang cảm thấy thích thú. Nhưng tôi phải mất rất nhiều sức lực cho điều này và sau đó sẽ cảm thấy mệt mỏi.
Không ai thích bản thân nhạy cảm quá mức hay dễ rơi vào tình trạng hoảng hốt. Nếu bạn là một người mang tâm hồn nhạy cảm, bạn sẽ dễ chạm tới giới hạn của cảm giác căng thẳng hơn rất nhiều so với những người khác. Sau đó, bạn sẽ cần phải thu mình lại khi có quá nhiều thứ đang xảy ra xung quanh mình.
Có lẽ bạn sẽ thấy quen quen trước những lời Erik mô tả trong ví dụ dưới đây; khi bạn cố gắng dành một quãng nghỉ cho chính mình, bạn sợ rằng người khác sẽ nhìn nhận bạn là người yếu ớt, quá nhạy cảm, xa cách hoặc khó gần.
“Khi tôi tham dự những bữa tiệc sinh nhật lớn trong gia đình mình. Tôi đi vệ sinh khá thường xuyên để nhìn mình trong gương và mát xa tay bằng nước nóng và xà phòng. Hễ có người thử mở cánh cửa khóa, tôi lại cảm thấy mình buộc phải rời khỏi phòng tắm mặc dù chưa thấy đủ yên bình và tĩnh lặng. Tôi từng cố trốn sau một tờ báo. Tôi đến ngồi một góc và giơ tờ báo lên che mặt mình. Núp mình sau tờ báo, tôi nhắm mắt và cố lấy lại bình tĩnh. Ông chú tôi luôn thích bày trò náo nhiệt bèn lẻn ra sau tôi, giật tờ báo ra khỏi tay tôi và hét lên: ‘À cháu đây rồi, muốn trốn hả!’ và mọi người cười phá lên. Lúc đó, tôi cảm thấy cực kỳ không thoải mái.”
Erik, 48 tuổi
Ta không chỉ dễ bị kích thích bởi những luồng thông tin và ấn tượng khó chịu, mà những yếu tố tích cực, chẳng hạn như vui vẻ trong một bữa tiệc – cũng sẽ có lúc trở nên quá sức đối với bạn và bạn có thể phải rút lui khi bữa tiệc lên đến cao trào.
Đây là điều khiến ta phải chịu đựng nhiều nhất từ những giới hạn của việc sở hữu tính nhạy cảm cao. Hầu hết chúng ta đều muốn mình có thể trụ vững như những người khác. Một phần ta sẽ không thấy thoải mái khi gây thất vọng với người tổ chức tiệc lúc họ muốn chúng ta ở lại. Một phần trong chúng ta thấy sẽ không hay tí nào khi chẳng thể tham gia vào phần còn lại của bữa tiệc. Và chúng ta sợ rằng người khác sẽ coi chúng ta là người nhàm chán hoặc thô lỗ khi chúng ta rời đi trước khi bữa tiệc kết thúc.
Hệ thống thần kinh nhạy cảm của chúng ta thường buộc chúng ta phải rút lui khỏi những thứ chúng ta thích, và cũng là thứ cho phép chúng ta cảm nhận những niềm vui lớn lao.
Những luồng thông tin dễ chịu về nghệ thuật, nghe nhạc hoặc nghe tiếng chim hót, thưởng hoa, tận hưởng một món ăn ngon hay ngắm nhìn cảnh đẹp đều có thể mang lại cho chúng ta những niềm vui lớn lao. Chúng ta cảm nhận được chúng ở sâu trong tâm trí và những điều đó khiến chúng ta thích thú.
Nhạy cảm khi thâu nạp thông tin mang tính cảm quan
Nếu bạn là người có độ nhạy cảm cao, có lẽ bạn hiểu rõ rất khó để dứt mình ra khỏi những thứ âm thanh, hình ảnh hay mùi hương khó chịu. Bạn bị quấy rầy và dễ nổi cáu bởi những thứ mình không muốn và không thể loại bỏ. Những âm thanh rất bình thường đối với người khác lại là những âm thanh phiền hà đẩy hệ thần kinh khỏi thế cân bằng.
Ta có thể lấy Đêm giao thừa làm một ví dụ. Là một người nhạy cảm cao, bạn có thể vô cùng thích thú trước cảnh đẹp của pháo hoa trên bầu trời nhưng lại thấy khổ sở với những tiếng nổ lớn. Chúng như đang len lỏi vào đầu bạn và hệ thống thần kinh của bạn rung lắc dữ dội, và bạn có thể cảm thấy căng thẳng đến khó chịu vì điều này trong những ngày cận Tết.
Khi tổ chức các cuộc hội thảo về tính nhạy cảm cao hoặc nói chuyện một đối một trong các buổi trị liệu, tôi thường yêu cầu mọi người kể lại những trải nghiệm tốt đẹp và tồi tệ nhất khi họ mang trong mình sự nhạy cảm cao. Thường thì đêm giao thừa hay bị liệt vào danh sách những trải nghiệm tồi tệ nhất của mọi người. Âm thanh của những vụ nổ tạo nên một địa ngục trần gian đầy tiếng ồn.
Những tiếng ồn có vẻ vô hại hơn như tiếng đi lại của hàng xóm cũng có thể là một vấn đề đối với người nhạy cảm cao vì họ thường ngủ không sâu giấc và dễ bị đánh thức bởi những âm thanh rất nhỏ.
Bạn có một danh sách những môi trường và địa điểm cần tránh. Nhiều người nhạy cảm rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh và cơn gió lùa và luôn phải từ chối tham dự những bữa tiệc ngoài vườn. Nếu bạn đến tiệm làm tóc đúng lúc bắt gặp ai đó đang uốn tóc, mùi từ hóa chất có thể là một vấn đề. Và sẽ rất khó chịu khi đến gặp một người hay hút thuốc. Kể cả họ đồng ý không hút thuốc khi gặp mặt bạn, thì mùi từ quần áo và đồ đạc vẫn xộc vào chiếc mũi nhạy cảm của bạn. Tôi đã gặp qua những người nhạy cảm phải rời khỏi nơi làm việc vì đài phát liên tục và họ không thể bỏ ngoài tai những tiếng ồn đó.
Bạn có thể không thích những quán cà phê bật nhạc âm lượng lớn và điều này là biểu hiện của vấn đề. Và nhiều người có tính nhạy cảm cao sẽ cảm thấy phiền muộn khi phải ở những nơi chật chội.
Trên thực tế, rất khó tìm được quán cà phê phù hợp với những người có tính nhạy cảm cao. Và điều này có thể gây khó chịu cho bạn và những người đồng hành của bạn - đặc biệt nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi và đói bụng.
“Tôi thực sự rất thường thất vọng về bản thân vì tôi rất khó cảm thấy hài lòng. Tôi ước giá như mình ít phải chịu ảnh hưởng vì những thứ bên ngoài được như những người khác.”
Susanne, 23 tuổi
Là người nhạy cảm cao, chúng ta khó có thể xem nhẹ mọi thứ; ngưỡng chịu đựng của chúng ta rất thấp và chúng ta phải chịu đựng nhiều hơn những người khác khi môi trường xung quanh làm phiền đến chúng ta.
Dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người khác
Nhiều người có tính nhạy cảm cao cho biết rằng họ luôn cảm nhận được lúc nào có xung đột xảy ra xung quanh mình. Bạn sẽ thấy vô cùng mệt mỏi khi phải chứng kiến một trận cãi vã, mặc dù đôi khi chỉ là cảm nhận được bầu không khí căng thẳng.
Mặt tích cực của sự mẫn cảm này cho thấy chúng ta rất giàu lòng trắc ẩn. Chúng ta có khả năng lắng nghe đầy cảm thông. Khá nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao tìm được việc làm liên quan đến dịch vụ chăm sóc và thường được khách hàng đánh giá cao trong lĩnh vực này.
Những người nhạy cảm cao làm việc toàn thời gian để giúp đỡ và chăm sóc người khác thường nói rằng họ chỉ còn rất ít năng lượng vào cuối ngày. Tính nhạy cảm khiến chúng ta dễ bị xoáy vào cảm xúc của người khác và bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm đó. Chúng ta cũng không giỏi trong việc lờ đi nỗi đau của người khác và cảm thấy khó bỏ lại công việc khi về nhà.
Điều quan trọng là bạn phải học cách tự chăm sóc bản thân khi làm việc với những người khác. Bởi bạn dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng kiệt sức. Mọi người thường hỏi tôi rằng: Có thể học cách giảm bớt sự nhạy cảm trong mình không? Một khi bạn sở hữu tính nhạy cảm cao, bạn được trang bị một cái ăng-ten tinh nhạy giúp bạn có thể cảm nhận rõ ràng những gì đang xảy ra xung quanh mình. Đôi khi tôi ước mình có thể thắt nút những chiếc ăng-ten đó để ngăn chặn thông tin đi vào não bộ, ước mình có thể giả điếc, giả mù, tê liệt cảm xúc. Nhưng tôi không cho rằng điều này khả thi. Điều bạn có thể làm là ý thức hơn trong cách mình suy nghĩ về những điều bạn đã trải qua và cảm nhận.
Chẳng hạn, hãy nhìn nhận cách bạn suy nghĩ khi gặp căng thẳng trong một mối quan hệ. Bạn có thể thầm nhủ, “Người này chắc đang giận mình, mình đang làm gì sai?” hoặc cho rằng “Người này có vẻ đang nản chí, có lẽ anh ta cần chăm sóc bản thân nhiều hơn”. Nếu bạn có xu hướng nghĩ theo ví dụ đầu tiên, những tình huống khó khăn càng trở nên khó khăn hơn mức cần thiết. Bạn có thể đọc thêm về mối liên quan chặt chẽ giữa cảm xúc và suy nghĩ ở Chương 8.
Trong hoàn cảnh phù hợp, sự mẫn cảm của bạn đối với bầu không khí xung quanh có thể là một nguồn lực. Đây là nhận định của nhà tâm lý học và chuyên gia về hệ thần kinh, Susan Hart:
Trẻ sơ sinh có phản ứng nhạy hơn với môi trường xung quanh thường sẽ nhạy cảm hơn với các tác động từ bên ngoài... Những trẻ em được nuôi dưỡng trong một môi trường an toàn và đầy sự quan tâm, các em sẽ dễ dàng thu hút, đồng cảm, vui vẻ, khơi gợi hứng thú và sự hòa nhập với môi trường (Hart 2008, trang 112)
Những đứa trẻ nhạy cảm lớn lên trong sự hỗ trợ và chăm nom cẩn thận sẽ coi sự nhạy cảm như một kho báu. Và ngay cả khi bạn không nhận được đủ sự chăm sóc, yêu thương cần thiết khi còn nhỏ, bạn vẫn có thể học cách trao điều đó cho chính mình khi đã trưởng thành. Bạn có thể tự thu xếp cuộc sống của mình theo nhiều cách để tạo cơ hội cho sự nhạy cảm của bạn phát huy hết tiềm năng và trở thành nguồn lực cho bạn.
Sự tận tâm
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ hay bị ức chế (nhạy cảm) vào độ tuổi lên bốn sẽ ít có khả năng gian lận, phá vỡ các quy tắc hoặc có những hành động ích kỷ ngay cả khi chúng chắc chắn rằng không có ai đang theo dõi mình. Hơn nữa, chúng thường đưa ra những câu trả lời hợp tình hợp lý khi phải đối mặt với các tình huống khó nhằn về đạo đức (Kochanska và Thompson 1998).
Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao rất tận tâm và có xu hướng gánh trách nhiệm với cả thế giới. Từ khi còn nhỏ, nhiều người trong số chúng ta thường “đánh hơi” được sự bất an hiển hiện xung quanh và tìm cách xoa dịu chúng.
“Khi tôi cảm nhận được sự bất hạnh của mẹ, tôi luôn cố tránh thành nỗi phiền toái của bà. Tôi đã nghĩ rất nhiều xem nên làm gì để giúp cuộc sống của mẹ tốt hơn. Một ngày nọ, tôi quyết định mỉm cười với tất cả những người tôi gặp. Tôi tưởng tượng người khác sẽ thấy ngưỡng mộ mẹ tôi vì mẹ nuôi dạy con rất giỏi.”
Hanne, 57 tuổi
Khi bạn phát hiện ra sự bất an hoặc căng thẳng xung quanh mình, bạn thường nảy sinh thôi thúc đứng ra chịu trách nhiệm về nó và lập tức nỗ lực thay đổi mọi thứ cho tốt hơn.
Bạn có thể lắng nghe những bức xúc của mọi người liên quan, đưa ra những nhận xét tích cực và cố tìm ra giải pháp. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và cần phải rời khỏi nhóm để về nhà trong khi những người khác nhanh chóng lấy lại bình tĩnh sau cuộc xung đột và tiếp tục với sự hân hoan.
Việc bước ra và chịu trách nhiệm với một chuyện gì đó là ý tưởng hay hoặc dở còn phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Vấn đề nằm ở chỗ bạn rất khó giữ cho mình không bị ảnh hưởng bởi cảm giác khó chịu khi chuyện đó xảy đến và điều này sẽ khuấy loạn bộ não của bạn.
Không ai có thể gánh chịu trách nhiệm cho cả thế giới. Ngoài ra, khi bạn nhận trách nhiệm về một điều gì đó, bạn thực sự đang lấy đi trách nhiệm từ một người khác. Trong một vài tình huống nhất định, điều tốt nhất nên làm là để người trong cuộc chịu trách nhiệm và học hỏi từ những sai lầm của họ.
“Sau khi tôi học được cách không nên luôn luôn nhận trách nhiệm thay cho người khác, tôi thấy mình trữ được nhiều năng lượng hơn để sống trong thế giới này.”
Egon, 62 tuổi
Những người nhạy cảm luôn rất cố gắng không làm người khác phải chịu đau đớn hoặc khó chịu. Do đó, chúng ta đổ rất nhiều nỗ lực vào cách giao tiếp với những người khác. Những người có tâm trí mạnh mẽ hơn dường như ít cân nhắc hơn về những gì họ sẽ nói hoặc làm. Điều này có thể gây ngạc nhiên với người có tính nhạy cảm cao.
Tôi thường nghe nhiều những người nhạy cảm cao kể lại rằng họ đã bị sốc thế nào trước những nhận xét thiếu suy nghĩ hay dễ gây tổn thương. Dường như mọi người luôn mong đợi những người xung quanh suy nghĩ thấu đáo và để tâm đến sự tương tác giữa người với người như mình. Nhưng những người khác lại không làm như vậy. Chính vì vậy, ta nên chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho điều này hơn để bản thân bị sốc hết lần này đến lần khác.
Một khi bạn đặt quá nhiều tâm tư vào mọi thứ như cách những người có tính nhạy cảm cao vẫn làm, phản ứng của bạn sẽ chậm hơn và khó tương tác tự nhiên với người khác. Bạn có lẽ đã từng chịu thua trong nhiều cuộc tranh cãi, và mãi tới tận hôm sau mới nhận ra mình nên nói và hành xử như thế nào cho đúng. Tôi thấy cần nhấn mạnh một điều quan trọng rằng những người sở hữu tính nhạy cảm cao không phải lúc nào cũng chu đáo, cẩn thận và thấu cảm. Khi chúng ta nhạy cảm quá mức hoặc choáng váng trong quá nhiều luồng cảm xúc, chúng ta dễ trở nên rất thiếu suy nghĩ và đôi khi rất khó gần.
Đời sống nội tâm phong phú
Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao kể cho tôi nghe về cuộc sống mơ mộng phong phú, thế giới nội tâm đa dạng và trí tưởng tượng sống động của mình. Ở phương diện cá nhân, tôi hiếm có lúc thấy nhàm chán khi ở một mình và thấy đó là một lợi thế lớn. Tôi không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác mang lại niềm vui cho bản thân và điều đó cho tôi sự tự do được là chính mình.
Khá nhiều người sống cuộc đời bận rộn với đủ thứ hoạt động bỗng rơi vào khủng hoảng một khi họ mất việc hoặc nghỉ hưu, nhưng những người có tính nhạy cảm cao lại hay kể với tôi rằng họ hoan nghênh sự tự do mới mẻ đó. Họ coi đó là cơ hội để dành thời gian thể hiện bản thân theo cách sáng tạo hơn hoặc chậm rãi tận hưởng cuộc sống.
Chúng ta không cần quá nhiều thứ để khơi gợi cảm hứng. Một số người có tính nhạy cảm cao còn thổ lộ họ rất sợ hãi thứ gọi là cảm hứng bởi vì nó giống như một nhu cầu mãnh liệt nảy ra từ bên trong họ - một lời kêu gọi phải bắt đầu ngay lập tức rất khó lờ đi.
“Tôi thích vẽ tranh. Nhưng đôi khi nó gần như một gánh nặng. Mỗi khi tôi nhìn thấy một hình ảnh mới trong đầu, tôi liền bị khuấy động khủng khiếp và cảm thấy một áp lực vô hình ép mình phải tái hiện bức tranh lên khung canvas càng nhanh càng tốt”.
Lisa, 30 tuổi
Những cảm hứng mạnh mẽ như thế này sẽ rất có giá trị nếu bạn biết cách kiểm soát nó. Nhiều người sở hữu tính nhạy cảm cao sáng tạo nghệ thuật trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với bản thân, tôi luôn cố gắng tắt mọi nguồn cảm hứng của mình sau 10 giờ tối. Những ý tưởng mới nảy đến vào giờ đó có thể hại tôi mất ngủ cả đêm.
Bức tường ranh giới giữa ý thức và vô thức của những người nhạy cảm cao thường mỏng manh hơn người khác. Điều này giúp ta tiếp cận dễ dàng hơn với phần tiền ý thức và hiển hiện rõ ràng trong sự sáng tạo và những giấc mơ.
Một tâm hồn với bản năng tò mò
Nhiều người nhạy cảm cao tin rằng con người chỉ là một phần của một tổng thể lớn hơn. Thông thường, một người có tính nhạy cảm cao sẽ có sự kính trọng sâu sắc đối với thiên nhiên và cảm nhận được mối liên hệ với các loài động thực vật. Một số người quyết định đào sâu khám phá về những niềm tin và thể chế tôn giáo khác nhau như nhà thờ, trung tâm phát triển bản thân hoặc những cộng đồng tâm linh. Nhưng hầu hết sẽ tạo ra đức tin của riêng mình hoặc chắt lọc ra những gì họ cảm thấy phù hợp với bản thân mình từ nhiều nơi khác nhau.
Mối quan hệ của chúng ta với Chúa, đấng toàn năng, thiên thần hộ mệnh hay bất cứ thứ gì chúng ta muốn gọi tên thường là mối quan hệ rất riêng tư.
Chúng ta thiết lập mối liên hệ của riêng mình với đấng thiêng liêng mà không cần đến một linh mục, nhà lãnh đạo tôn giáo hay bậc thầy tâm linh dẫn đường chỉ lối. Trò chuyện với một thứ siêu nhiên tuyệt vời hơn hẳn bản thân mình là một điều khá tự nhiên đối với hầu hết những người nhạy cảm, nhưng chúng ta không cảm thấy sự thôi thúc phải đề cập điều đó với những người khác.
Một giải pháp khác biệt
Khi thấy mình rơi vào một tình huống mới lạ, bạn thường có hai xu hướng giải quyết vấn đề. Bạn lập tức khám phá nó và thử những giải pháp khác nhau. Hoặc bạn có thể chờ đợi, quan sát và cân nhắc kỹ tình hình trước khi có bất kỳ động thái nào.
Một số người (và động vật) sử dụng giải pháp đầu tiên. Họ phản ứng nhanh, bốc đồng, táo bạo và thích mạo hiểm. Những người khác chọn giải pháp thứ hai. Họ cảnh giác, thận trọng và quan sát khá lâu trước khi làm việc gì đó.
Mỗi giải pháp đều hữu ích theo cách riêng của nó trong từng tình huống khác nhau. Khi một đàn thỏ tìm đến đồng cỏ mới, nơi này chỉ lưa thưa xơ xác ít cỏ và có rất ít kẻ săn mồi, những con thỏ sử dụng giải pháp đầu tiên sẽ có cơ hội sống sót cao nhất. Chúng sẽ nhanh chóng lao tới bãi cỏ và ăn trụi mọi thứ trước khi đám thận trọng hơn dám mạo hiểm tiến vào đồng cỏ. Trong tình huống ngược lại, đồng cỏ này tươi tốt và có nhiều kẻ săn mồi, giải pháp thứ hai thường thích hợp hơn. Những con thỏ nhanh nhẹn và dũng cảm lao ra cánh đồng trước có thể bị giết và ăn thịt. Còn những con thỏ thận trọng sẽ phát hiện ra mối nguy hiểm trước khi quá muộn.
Hai giải pháp này đều hữu ích cho sự sinh tồn của từng loài động vật, và mỗi loài đều sử dụng giải pháp ưu tiên của chúng. Đôi lúc chỉ những cá thể nhanh nhẹn hơn mới có cơ may sống sót vì đám quá cẩn thận đành chịu chết đói. Vào những lúc khác, những cá thể thận trọng lại đánh động được cho cả bầy và mang lại khả năng sống sót cao hơn cho tất cả. Nhưng hai giải pháp cần song song tồn tại để đảm bảo sự sinh tồn của loài.
Giải pháp thứ hai là điểm khá đặc trưng của những người nhạy cảm cao. Họ quan sát và đối chiếu trước khi đưa ra lời nói hay hành động. Bạn có thể đã quen với chuyện mình suy nghĩ kỹ lưỡng vài bước trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện: “Trong trường hợp anh ấy nói không, tôi sẽ làm như này và như này. Còn nếu anh ấy thấy thoải mái với điều đó, tôi sẽ...” Và trước khi bắt đầu một dự án mới, bạn có thể đã suy nghĩ kỹ lưỡng về tất cả những hậu quả có thể xảy ra.
Những người nhạy cảm cao thường rất giỏi trong việc tưởng tượng ra tất cả những khả năng mới mẻ, nhưng cũng giỏi dự đoán những sai lầm có thể diễn ra. Bạn được trang bị sự nhạy bén để cân nhắc chi tiết một tình huống trước khi bước chân vào đó. Điều này sẽ giúp bạn tránh mắc sai lầm. Nhưng nó có mặt hạn chế là làm bạn mất nhiều thời gian trong việc đưa ra một hành động hoặc khởi đầu những ý tưởng mới, và bạn có thể mất nhiều thời gian để lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra.
Khi tôi muốn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo một ngày. Tôi thường cân nhắc trước từng chi tiết. Tôi cố gắng tưởng tượng mọi loại tình huống có thể xảy ra và lập nên kế hoạch dự phòng. Những người mạnh mẽ hơn không cần chuẩn bị kỹ càng đến thế. Anh ta thường không dễ nao núng khi mọi thứ chẳng diễn ra theo đúng kế hoạch.
Một ngày đào tạo thường sẽ hút cạn năng lượng của tôi. Tôi sẽ không có dư bất kỳ năng lượng dự trữ nào dành cho những sự cố hoặc những vấn đề không đáng có. Vì vậy, tôi thấy đó là chuyện đương nhiên khi suy nghĩ và sắp xếp cẩn thận mọi thứ từ trước.
Khả năng phán đoán các vấn đề và xem xét chúng thực sự hữu ích. Không phải ai cũng có thể làm được điều đó. Và những người đó dễ rơi vào những tình huống khó khăn. Nhưng khuyết điểm của điều này là nguy cơ biến bạn thành kẻ lo lắng kinh niên. Có thể bạn nhận ra mình thường xuyên thấy căng thẳng. Nếu đúng như vậy, bạn sẽ hưởng lợi khi học được cách tắt bớt khả năng này. Một số kỹ năng thư giãn và thiền định sẽ có ích cho bạn.
Có lẽ bạn vẫn luôn được khuyến khích để bớt lo lắng và đón nhận mọi thứ khi chúng xảy đến. Nhưng nếu bạn là một người có tính nhạy cảm cao, dành thời gian suy ngẫm trước khi nói hoặc hành động là điều khôn ngoan. Bởi thường thì bạn không có dư năng lượng dành cho những xung đột và sai lầm, bởi vì bạn sở hữu mức năng lượng có hạn. Bạn nên tránh những tranh cãi không cần thiết vì chúng có thể gây bất ổn cho hệ thần kinh của bạn trong một khoảng thời gian dài sau đó. Ngoài ra, bạn đừng bắt bản thân mình chịu đói, chịu khát và cái lạnh vì những điều này có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều hơn những người khác.
Chậm rãi và sáng suốt
Những người nhạy cảm cao thường có thể nhìn thấu tất cả các khía cạnh của một câu chuyện. Đây là một trong những lý do khiến bạn cảm thấy sự thôi thúc phải dành nhiều thời gian hơn những người khác để suy nghĩ thấu đáo mọi thứ. Khía cạnh tích cực của điều này là khi bạn nói hoặc làm một điều gì đó, bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng về nó và thường mang tính sáng tạo. Nhiều tác giả, nghệ sĩ và nhà tư tưởng tự do thuộc típ người có tính nhạy cảm cao.
“Tôi luôn gặp khó khăn để thấu hiểu xem làm cách nào mà một số người có thể đưa ra quyết định trong chớp mắt. Khi chúng tôi tổ chức họp ở công ty, tôi thường khó nhận định được mình nghĩ gì, cảm thấy thế nào và muốn hành động theo cách nào hơn. Tôi vẫn thấy tốt nhất là mình nên có một khoảng thời gian để suy nghĩ thấu đáo và nghiền ngẫm mọi thứ.
Ban đầu, tôi thấy rất tồi tệ vì mình hay đưa ra những quyết định chậm trễ trong công việc. Nhưng mọi người cũng đã quen với cách làm việc của tôi. Khi tôi đưa ra quan điểm với các đồng nghiệp của mình, tôi cảm thấy họ rất tôn trọng quan điểm và ý tưởng của tôi vì tôi luôn trình bày vô cùng cặn kẽ và rõ ràng.”
Jens, 55 tuổi
Tính nhạy cảm cao đối lập với tính bốc đồng. Tuy nhiên, khi một số người nhạy cảm cao rơi vào tình trạng bị kích thích quá mức và không còn đường thoái lui, sự tuyệt vọng của họ bị đẩy lên đỉnh điểm và bùng nổ sự giận dữ. Họ có thể làm ra điều gì đó bốc đồng để cứu họ khỏi tình huống không thể đối phó. Hành động bốc đồng đó có thể là bỏ việc, cắt đứt tình bạn, nhậu nhẹt, ăn uống quá chén hoặc gọi cho bố mẹ già để trút bầu tâm sự.
Trong những trường hợp như vậy, một người nhạy cảm cao dễ bị hiểu sai thành người mắc chứng Rối loạn Nhân cách Ranh giới (BPD)1. Điều khác biệt là người nhạy cảm sẽ rất nhanh chóng hối hận về hành động của mình, đặc biệt nếu những hành động này mang lại sự đau đớn hay bực tức cho người khác. Và trong khi những người bị chẩn đoán mắc chứng BPD dễ nảy sinh tức giận và phản kháng, thì người nhạy cảm cao lại có xu hướng tỏ ra xấu hổ hoặc tội lỗi. Nếu là một người nhạy cảm cao, bạn thực sự muốn tránh làm bất cứ điều gì sai trái. Nếu bạn làm tổn thương người hoặc động vật theo bất kỳ cách nào, bạn sẽ cảm thấy rất đau buồn và trách móc bản thân trong một thời gian dài.
1 Tức Borderline Personality Disorder, một triệu chứng khi người ta không phân biệt được ranh giới, khó kiểm soát hành vi, thường có cách đối xử bất thường đối với bản thân và người khác.
Những người nhạy cảm thích kiếm tìm cảm giác mạnh
Hầu hết những người nhạy cảm cao ưa giải pháp thận trọng. Họ ưu tiên sự an toàn hơn là sự phấn khích và thích cảm giác quen thuộc. Nhưng một số người nhạy cảm cao lại thích phiêu lưu và khám phá những điều mới mẻ. Nếu bạn nhận định mình là một người dễ cảm thấy buồn chán và đồng thời hay dễ bị kích thích quá mức, bạn có thể thuộc típ người nhạy cảm ưa tìm kiếm cảm giác mạnh. Vậy thì, thách thức lớn với típ người này là tìm cách cân bằng mọi thứ.
Một khi là người nhạy cảm thích tìm kiếm cảm giác mạnh, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán trước những điều lặp đi lặp lại và dễ trở nên bồn chồn nếu bạn có quá nhiều thói quen trong cuộc sống. Bạn sẽ trông mong những trải nghiệm thú vị. Bạn háo hức đi du lịch, đặc biệt là những nơi mà mình chưa từng đặt chân đến.
Có vẻ như những người nhạy cảm thích tìm kiếm cảm giác mạnh thường tạo ra rất nhiều vấn đề cho chính họ. Mặc cho họ dễ bị căng thẳng và choáng ngợp, họ vẫn tiếp tục tìm kiếm những trải nghiệm mới và dẫn đến kiệt sức. Sau đó, nhiều người tự tra tấn bản thân về những hành vi của mình. Nhưng điều này hoàn toàn không cần thiết: khao khát những trải nghiệm mới mẻ không phải lỗi của họ và đó là điều rất khó cân bằng. Nó cũng giống như ta cố gắng lái một chiếc ô tô với một chân đạp ga và chân kia đạp phanh vậy.
Hướng nội và hướng ngoại
Khoảng 70% người nhạy cảm cao là người hướng nội và khoảng 30% còn lại là người hướng ngoại. Khi tôi nói với khách hàng rằng họ có thể là một người hướng nội, họ thường sẽ phản bác lại: “Không, tôi không thể như vậy vì tôi không phải dạng người chỉ thích ngồi không và muốn ở một mình.” Từ “hướng nội” giờ gần như đã trở thành sự xúc phạm; mọi người gắn nó với hình ảnh một người khó gần và không quan tâm đến người khác, chỉ thích ngồi một mình chìm vào suy nghĩ hay đắm đuối trong không gian ảo.
Theo nhận định của C. G. Jung (1976), người hướng nội là người quan tâm đến đời sống nội tâm hơn thế giới vật chất. Điều này không có nghĩa là họ chỉ quan tâm đến thế giới nội tâm của họ; họ cũng có thể quan tâm đến đời sống nội tâm của người khác.
Nếu bạn là một người hướng nội, có lẽ bạn sẽ nhanh chóng thấy nhàm chán nếu mọi người chỉ nói về những thứ vật chất bề ngoài. Bạn chắc sẽ thấy mệt mỏi với việc buôn chuyện tầm phào, nhưng lại rất vui khi được trò chuyện ở mức độ sâu hơn, nhất là nói chuyện riêng với một ai đó hoặc trong một nhóm nhỏ có chung sở thích. Bạn không hứng thú tới các buổi tụ tập lớn mà sẽ chọn các cuộc tụ họp nhỏ có mức độ đòi hỏi thấp hơn. Nếu bạn là một người nhạy cảm cao có tính hướng ngoại, bạn sẽ không dành toàn bộ thời gian của mình cho việc giao tiếp xã hội. Bạn sẽ cần thời gian để rút lui và xử lý thông tin đầu vào giống như người nhạy cảm cao có tính hướng nội.
Tính nhạy cảm cao rất dễ bị nhầm lẫn với tính cách hướng nội bởi vì chúng có một số điểm đặc trưng tương đồng. Đời sống nội tâm phong phú và xu hướng đào sâu vào bên trong là những lời C. G. Jung dùng để mô tả về đặc điểm của tính hướng nội (Jung 1976). Cả người hướng nội và người nhạy cảm đều không cần sự kích thích từ bên ngoài. Họ sở hữu sẵn đời sống nội tâm phong phú và được nuôi dưỡng bởi quá trình suy nghĩ và tưởng tượng của chính họ. Họ dành nhiều năng lượng để nghiền ngẫm và lĩnh hội những thông tin và trải nghiệm.
Rõ ràng là một số người nhạy cảm cao có thể bao hàm chiều sâu của tính hướng nội, nhưng một số cũng có thể hướng ngoại và thấy thoải mái ở trong các nhóm lớn. Họ thường được lớn lên trong một gia đình đông người, đã quen với cuộc sống sinh hoạt chung ở trường học hoặc những phong cách sống khác biệt; họ cảm thấy an toàn và thân thuộc hơn khi có nhiều người xung quanh mình. Một số người nhạy cảm cao có thể trở thành dạng hướng ngoại xã hội do áp lực từ môi trường xung quanh. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình chỉ chấp nhận sự vui vẻ và tính hướng ngoại nơi bạn, bạn sẽ thấy cần phải áp vào mình những hành vi phù hợp. Điều này cũng dễ lý giải tại sao 70% người nhạy cảm cao là mang tính hướng nội; các nhóm nhỏ dễ đem lại sự suy ngẫm sâu sắc và bạn đỡ bị lấn át trong các bối cảnh nhỏ.
Vừa là một người có tính nhạy cảm cao vừa là một người hướng ngoại mang lại thách thức không hề nhỏ. Người nhạy cảm cao mang tính hướng ngoại thường cảm thấy cực kì cáu giận khi muốn giao tiếp xã hội nhiều hơn mức độ mà hệ thần kinh của họ có thể xử lý. Điều này cũng đúng với những người nhạy cảm cao mang tính hướng nội, mặc dù ở mức độ thấp hơn.
Ưu và nhược điểm của loại hình học
Không ai có khả năng xếp vừa 100% bản thân mình vào bất kỳ kiểu người nào. Ta có đủ thể loại người không thua gì dân số. Nếu bạn cứ cố gắng xếp mình vào một kiểu người cụ thể nào đó, có thể bạn sẽ loại đi một số phần tính cách của bản thân ra khỏi ý thức của mình. Khi bạn ép mình vào một kiểu người, bạn có thể sẽ giam mình vào một vai trò nhất định và quên rằng bạn cũng có khả năng thay đổi và trưởng thành hơn. Khi mô tả mọi người dựa vào các loại hình khác nhau, chúng ta sẽ nhận ra rằng con người thực sự khác nhau đến mức nào. Nếu chúng ta không nhận thức được điều này, chúng ta sẽ luôn tin rằng tất thảy mọi người ai cũng giống như mình. Khi họ làm điều gì đó theo cách khác với chúng ta, ta nghĩ rằng có điều gì đó không ổn. Trước khi biết đến những kiểu người khác nhau, tôi thường tự nghĩ rằng những người có nhiều năng lượng với cuộc sống bận rộn thường sợ phải tiếp xúc với chính họ. Tôi cho rằng họ đang chạy trốn điều gì đó. Bây giờ tôi nhận ra rằng những người đó hoạt động theo những cách rất khác với cách hoạt động của tôi.
Một số người hướng ngoại không nắm bắt được sự khác biệt về đặc trưng hay nét tính cách thường tin rằng người hướng nội dè dặt và thu mình, không quan tâm đến và không có thời gian dành cho người khác. Khi một người hướng nội tỏ ra muốn ngồi một mình một tối thay vì cùng ở bên một người bạn hướng ngoại, người kia có lẽ sẽ bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó không ổn vì anh ta không thể hiểu được rằng ở đơn độc trong một thời gian dài là điều tương đối thoải mái. Nhận thức rõ hơn về các kiểu người khác nhau sẽ cực kì hữu ích cho nhiều cặp đôi trong việc hiểu nhau rõ hơn.