Châm ngôn cá nhân
Không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được những quy tắc mà ta đặt ra cho chính mình. Những quy tắc này có thể do cha mẹ đặt ra. Hoặc chúng ta đã tự tạo ra chúng trong một số thời điểm nhất định trong cuộc đời. Các châm ngôn hơi giống việc ăn bằng thìa. Khi ta bắt đầu học cách sử dụng thìa, bạn phải nghĩ về nó, tập cầm nó, xoay theo đúng cách để đảm bảo đưa được thức ăn lên miệng bạn. Nhưng khi bạn đã sử dụng được nó, việc dùng thìa sẽ trở nên tự nhiên hơn và cuối cùng bạn không cần phải suy nghĩ về nó nữa.
Có lẽ bạn vẫn tự động sống cuộc sống của mình theo những quy tắc nhất định bạn đã từng học mà không ý thức về chúng. Vấn đề nằm ở chỗ những quy tắc này có thể đã lỗi thời từ lâu và không còn phù hợp với bạn.
Đối với những người nhạy cảm cao, duy trì giao tiếp xã hội trong thời gian dài có thể rất khó khăn. Nếu bạn vừa phải duy trì sự hòa đồng với xã hội, vừa phải tuân theo những châm ngôn cũ kỹ, cứng nhắc, bạn sẽ sớm cảm thấy mệt mỏi. Có thể bạn sẽ khắt khe với bản thân hơn là với những người khác. Dưới đây là một số ví dụ về những châm ngôn cá nhân dễ gây trở ngại mà tôi gặp phải khi nói chuyện với những người nhạy cảm.
• Trong mọi tình huống, tôi phải cố gắng hết sức - và cố thêm một chút nữa.
• Tôi phải đảm bảo rằng người khác không nhìn ra điểm yếu của tôi.
• Tôi không được phép ích kỷ.
• Lúc nào tôi cũng phải cẩn thận để ý đến người khác và đảm bảo rằng họ đều ổn thỏa.
• Để tâm đến nhu cầu của bản thân khi có sự hiện diện của người khác là thô lỗ.
• Tôi không được phép mắc sai lầm.
Tiêu chuẩn cao
Thông thường, những người có tính nhạy cảm cao sẽ tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn rất cao để đánh giá hành vi của chính họ. Bạn có thể đặt tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực khác nhau như:
• có ích
• hiếu khách
• chu đáo
• chú ý quan tâm
• thấu đáo
• có trách nhiệm và đáng tin cậy
• thể hiện sự quan tâm đến người khác
Có thể một số học sinh yêu cầu rằng bạn phải thực hiện được 100% trong tất cả các lĩnh vực ở trên để vừa đủ mức đạt đối với bản thân. Nếu đúng như vậy, bạn có thể thấy thực sự khó khăn để thư giãn và đặt ra ranh giới cho mình, bởi vì mỗi lần tự đặt ra ranh giới, bạn sẽ thấy bản thân đang mâu thuẫn với châm ngôn và hình ảnh của riêng mình.
Lòng tự tôn hay sự tự tin
Bạn có thể phân biệt giữa lòng tự tôn và sự tự tin theo những cách sau:
• Tự tin là biết tin tưởng vào khả năng và hành động của bản thân.
• Lòng tự tôn là ý thức về điểm cốt lõi của chính mình và hiểu sâu sắc giá trị của bản thân.
Bạn hiếm thấy người nào có nhiều lòng tự tôn nhưng lại rất ít sự tự tin về bản thân. Những người có ý thức lành mạnh về bản thân sẽ tìm thấy những thách thức phù hợp với họ để dẫn đến thành công.
Ta thường thấy sự kết hợp của sự tự tin cao với lòng tự tôn thấp hơn. Những người có lòng tự tôn thấp thường sẽ cố gắng bù đắp bằng cách làm việc chăm chỉ hơn những người khác và xuất sắc trong một lĩnh vực cụ thể. Một đồng nghiệp xuất sắc tại nơi làm việc có thể nhận thức rất rõ về năng lực của bản thân họ và tự tin hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Nhưng đồng thời, người đó có thể rất bất ổn và tự hỏi liệu mình có đủ tốt để người khác thực sự yêu thích mình hay không.
Tại sao những người nhạy cảm cao thường thiếu niềm tin vào giá trị của bản thân?
Sở hữu tiêu chuẩn cao thường liên quan mật thiết với lòng tự tôn thấp. Tiêu chuẩn cao xuất hiện như một cách để bù đắp cho lòng tự tôn thấp nơi họ. Bạn càng cho rằng mình không đáng để được yêu quý, bạn càng cố gắng tìm ra các giải pháp bù đắp chọ sự thiếu hụt này.
Rất nhiều yếu tố khác nhau góp phần tạo ra lòng tự tôn thấp ở những người nhạy cảm cao.
• Chúng tôi lớn lên trong một nền văn hóa mà bản thân không phù hợp với cách cư xử được cho là lý tưởng. Một số đứa trẻ mang tính nhạy cảm cao rất có thể bị cho là khiếm khuyết.
“Mẹ tôi nói với tôi rằng tôi nhạy cảm một cách thái quá.”
Inger, 50 tuổi
• Từ khi sinh ra, một số người trong chúng ta có thể rất tốn công nuôi dưỡng và bố mẹ thi thoảng lại phàn nàn về chúng ta. Những lời trách mắng đó sẽ không trôi tuột qua chúng ta không lưu lại dấu vết gì. Những lời nói đó có thể không ảnh hưởng nhiều đến một đứa trẻ kiên cường nhưng có thể đọng lại rất lâu trong tâm trí của một đứa trẻ nhạy cảm, là một trải nghiệm về việc chúng đã khiến người khác cảm thấy mệt mỏi hoặc đau buồn như thế nào.
• Chúng ta đặc biệt giỏi trong việc nhìn nhận chính mình để tìm ra gốc rễ của bất kỳ vấn đề nào. Một trong những sách lược ưa thích của chúng ta là cố gắng dự đoán những điều có thể dẫn đến sai sót, nhưng trong lúc đánh giá ta thường cố gắng “bới lông tìm vết” chính những hành vi của bản thân mình. Chúng ta thà tự trách mình hơn là chịu cảnh bị người khác bất ngờ buông lời chỉ trích.
“Nếu ai đó chỉ trích tôi, tôi sẽ nghĩ về điều đó rất lâu. Ngay cả khi những lời chỉ trích đó là không công bằng, tôi vẫn tự hỏi bản thân rằng liệu điều đó có đúng không hay mình chỉ không chịu đựng nổi việc phải nghe chúng.”
Janne, 31 tuổi
• Chúng ta thường cảm thấy có trách nhiệm với gánh nặng của người khác. Chúng ta có thể nhấn chìm mình trong đó từ khi còn là những đứa trẻ. Đây là một ví dụ:
“Tôi luôn cho rằng mẹ tôi không hạnh phúc là do lỗi của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ vì không thể giúp tình trạng trầm cảm của bà ấy sớm chấm dứt và tôi nghĩ rằng mình không đủ tốt.”
Ida, 52 tuổi
Lòng tự tôn thấp và tiêu chuẩn cao duy trì lẫn nhau như thế nào?
Bạn có thể sở hữu những suy nghĩ ít nhiều có ý thức như:
• “Tôi rất khó gần, nhưng nếu tôi cố gắng hết sức để làm hài lòng người khác, họ sẽ không bỏ rơi tôi.” Ám chỉ: “Nếu tôi không làm hết sức mình, tôi sẽ phải đơn độc.”
Hoặc là:
• “Về cơ bản, tôi là một người không ai yêu quý nổi, nhưng nếu tôi nỗ lực, tôi có thể được cộng đồng chấp nhận.” Ám chỉ: “Nếu tôi không nỗ lực, mọi người sẽ bỏ rơi tôi.”
Nếu bạn nghĩ mình là người không thể yêu thương nổi nhưng không cố tạo ra các giải pháp bù đắp khuyết điểm, rồi bạn sẽ gặp những người yêu thương chính con người bạn. Thực tế sẽ chứng minh rằng những giả định của bạn là sai. Tuy nhiên, lòng tự tôn thấp và tiêu chuẩn cao có thể duy trì và củng cố lẫn nhau. Nếu bạn cứ tuân theo các tiêu chuẩn cao của mình, tạo ra các giải pháp bù đắp vấn đề, và khi bạn thấy người khác thích mình, bạn sẽ không bao giờ thực sự biết liệu họ thích bạn vì chính bản thân bạn hay chỉ vì họ đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn.
Bằng cách này, suy nghĩ bạn là người không thể yêu thương nổi sẽ luôn tồn tại. Ngay cả khi, bạn được trải nghiệm vô số lần rằng mọi người rất yêu quý bạn, bạn có thể tự nhủ rằng tình yêu này là nhờ vào những tiêu chuẩn cao của bạn chứ không phải vì chính con người bạn. Khi tôi hỏi một khách hàng rằng cô ấy có nghĩ là tôi thấy cô ấy dễ mến không, cô ấy đã đáp là: “Có, nhưng tôi trả tiền cho cô vì điều này”. Các khách hàng thường nói với tôi, “Thật là một cảm giác thoải mái khi phải trả tiền cho sự có mặt của cô ở đây, vì tôi không phải lo lắng đến chuyện làm cô hài lòng hay cố tỏ ra thú vị.” Nhiều người trả tiền để được trở thành một phần của cộng đồng. Sự chu đáo tỉ mỉ và có ích cũng là một hình thức thanh toán. Nếu bạn phải chi trả bằng cách này hay cách khác để trở thành một phần của cộng đồng, bạn không bao giờ có thể thực sự chắc chắn liệu mọi người thích bạn hay dịch vụ của bạn. Bằng cách này, lòng tự tôn thấp càng phát triển mạnh mẽ hơn bất chấp những trải nghiệm tích cực.
Tiêu chuẩn cao cũng có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác về bản thân nếu bạn cứ làm chính mình thấy thất vọng. Bạn dần kiệt sức với những yêu cầu cao đặt ra cho bản thân mình. Và nếu bạn cũng có xu hướng hay tự đánh giá và tự trách bản thân, bạn dễ mắc vào một vòng luẩn quẩn.
Vòng luẩn quẩn
Nếu bạn có các tiêu chuẩn rất cao, điều cấp thiết là phải tìm cách hạ thấp tiêu chuẩn xuống. Nếu không, bạn sẽ đổ quá nhiều gánh nặng lên mình. Hành động đơn giản là để tâm đến những châm ngôn cá nhân của mình có thể khởi đầu cho một quá trình thay đổi. Sau đó, bạn chỉ cần tiếp tục luyện tập. Nếu bạn sẵn sàng cố gắng làm ngược lại những châm ngôn của mình, bạn sẽ thấy rằng những thảm họa mà bạn dự đoán sẽ không xảy ra. Và mỗi khi bạn nhấm nháp cảm giác an ổn - ngay cả khi không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của riêng mình – bạn sẽ khắc phục được một phần nào đó bớt sự cầu toàn và thư giãn hơn bên trong mình. Hành động chống lại châm ngôn cá nhân của bạn bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn của chính mình sẽ mang lại những trải nghiệm tốt bất chấp những điều bạn lo lắng, và bạn sẽ thấy rằng vẫn có những người thích bạn ngay cả khi bạn không thể diễn vai hoàn hảo theo đúng tiêu chuẩn cao của mình. Thậm chí, một số người còn nói với bạn rằng bạn trở nên dễ tính hơn, dễ gần gũi hơn và họ cảm thấy thoải mái hơn khi dành thời gian ở cùng bạn.
Các trải nghiệm ổn thỏa khi được là chính mình mà không cần liên tục cung cấp điều gì cho người khác sẽ có tác động tích cực đến ý thức về bản thân của bạn. Hạ thấp tiêu chuẩn cũng sẽ giúp bạn có nhiều năng lượng hơn để ở bên người khác. Bạn đang bước vào một vòng kết nối mang tính xây dựng hơn.
Hãy thử với việc nói “không”
Nếu bạn đang dành phần lớn cuộc đời để làm những việc với cái giá rất đắt cho bản thân, bạn sẽ cực kỳ lo âu khi phải ngưng chúng lại. Bạn có thể thực hành theo từng bước nhỏ. Nếu bạn đã quen với việc luôn luôn nói đồng ý khi ai đó nhờ vả mình, bạn có thể thử nói không một lần. Bạn cũng có thể giới hạn sự giúp đỡ lại: “Vâng, tôi rất vui khi được chăm sóc mấy đứa con nhà chị tối nay, nhưng chỉ đến 9 giờ tối thôi vì tôi còn việc khác muốn làm.”
Nếu bạn lo sợ mình bị loại bỏ hoặc bị bỏ rơi do hạ thấp tiêu chuẩn, điều này không hoàn toàn là suy nghĩ viển vông. Một số bạn bè có thể đã chọn bạn chỉ vì thấy thuận tiện khi có người chu đáo, dễ chịu và hữu ích như bạn ở bên. Họ có thể mất hứng nếu bạn không cung cấp cho họ những dịch vụ mà họ đã quen nhận được.
Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng một khi sẵn sàng mạo hiểm đánh mất một số tình bạn của mình. Cũng rất tốt nếu bạn đặt câu hỏi liệu có đáng để cố gắng giữ chân những người có lẽ chỉ quan tâm đến bạn vì bạn là người dễ gần. Hay có đáng để bạn mạo hiểm tìm hiểu xem có nhiều thứ khác ẩn trong tình bạn đó? Điều này không có nghĩa tất cả bạn bè của bạn sẽ rời bỏ bạn. Có thể là một số. Điều này sẽ giải phóng bạn và cho bạn thời gian để tìm kiếm những người bạn thực sự, những người sẽ trân trọng chính con người bạn chứ không phải những điều bạn làm cho họ.
Nỗi sợ bị bỏ rơi
Đối với một đứa trẻ có tính nhạy cảm cao với hệ thần kinh mẫn cảm, trải nghiệm bị bỏ rơi vào bàn tay chăm sóc của những người xa lạ với chúng sẽ thê thảm hơn nhiều so với những đứa trẻ kiên cường. Điều này có thể khiến đứa trẻ thêm lo âu.
Đôi khi bạn chưa hoàn toàn nhận thức được giờ bản thân đã là người lớn. Có lẽ bạn vẫn sợ bị bỏ rơi giống như hồi nhỏ, như thể bạn vẫn còn nhỏ bé, bất lực và không thể tự sinh tồn.
Tất cả trẻ nhỏ đều cần sự chăm sóc yêu thương ở mức nhất định. Nếu không chúng sẽ chết. Nhưng những người trưởng thành có khả năng sống sót một mình trong nhiều thập kỷ trên các hòn đảo hoang. Bạn có thể xoa dịu lo âu khi tự nhắc nhở mình rằng thời thơ ấu của bạn đã là quá khứ, bạn vẫn sống sót và cuộc sống không còn nguy hiểm đối với bạn như ngày trước nữa. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi có thể đã ăn sâu vào cơ thể bạn đến nỗi chỉ những trải nghiệm mới mẻ có thể thâm nhập vào hệ thống của bạn và thay đổi mọi thứ. Khi ngôn từ không tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần đến trải nghiệm cá nhân.
“Tôi đã quyết định ngừng làm một kẻ chỉ biết chiều lòng người khác ở nơi làm việc. Một bước nhỏ để hướng tới điều này là nói với một đồng nghiệp của tôi rằng tôi thấy rất khó chịu khi cô ấy nói chuyện điện thoại quá ồn ào. Tôi đã thức trắng cả đêm; diễn đủ thứ kịch bản khác nhau trong đầu. Tôi còn tưởng tượng đến chuyện cô ấy sẽ hầm hầm đứng dậy và đi thẳng đến gặp người quản lý của chúng tôi, đòi đổi chỗ ngồi.
Cả buổi sáng, tôi ngồi chờ cơ hội để nói chuyện với đồng nghiệp của mình, nhưng mỗi lần có cơ hội, tôi lại không đủ lòng dũng cảm.
Tôi đi dạo trong giờ nghỉ trưa và khi quay lại, tôi hít một hơi thật sâu và nói với cô ấy những gì tôi định nói. Tim tôi đập dồn dập và tôi thấy khó thở. Mọi thứ lặng lẽ hẳn, và tôi lo đến mức chẳng dám ngước lên. Sau vài giây. Cô ấy nói: ‘Sao cậu không bảo tớ sớm hơn. Nhưng tớ thấy may vì cậu đã chỉ cho tớ biết.’ Chúng tôi đã cùng nhau giải quyết khúc mắc và tìm ra giải pháp. Cuối cùng, đó là một trải nghiệm tích cực. Sau đó, tôi thấy thích cô ấy hơn rất nhiều và chia sẻ với nhau nhiều thứ hơn hồi trước.
Kinh nghiệm này thực sự khuyến khích tôi. Tôi trở về nhà và nói với chồng rằng việc anh ấy bật đèn mỗi khi thức dậy vào ban đêm đã ảnh hưởng đến tôi như thế nào.”
Line, 43 tuổi
Vòng mang tính xây dựng
Một khi xử lý được những châm ngôn cá nhân cản trở và hạn chế bản thân, bạn sẽ tìm thấy nhiều không gian hơn để là chính mình. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn và bạn sẽ không còn giới hạn mình bởi những quy tắc cứng nhắc.
Nắm lấy cơ hội
Nhiều người phải chờ đợi cả đời thu gom đủ niềm tin vào bản thân để bất chấp khả năng bị bỏ rơi, và họ thường phải trả một cái giá đắt. Cách nhanh hơn chính là thử mạo hiểm trước khi bạn thu gom đủ sự tự tin. Sự tự tin có thể theo sau. Nhưng điều này mang lại cảm giác giống như nhảy vào khoảng không.
Nếu bạn cứ không ngừng cố gắng hết sức để bản thân xứng đáng được yêu mến, thì bạn có nhiệm vụ phải dừng lại. Nếu bạn luôn cố gắng che giấu những phần mà bạn nghĩ người khác sẽ không thích về mình, thì nhiệm vụ của bạn cũng tương tự.
Sâu trong lòng, bạn có thể vẫn luôn mơ được người khác yêu quý bởi chính bản thân mình, mà không cần phải chứng minh rằng bạn xứng đáng. Điều kiện đầu tiên để giấc mơ này trở thành hiện thực là bạn phải lấy hết can đảm để bộc lộ cho mọi người thấy bạn là ai. Bạn sẽ phải bỏ cái mặt tiền hoa mĩ mặc dù bạn sợ rằng mọi người sẽ bỏ chạy và la hét. Đúng là bạn sẽ bộc lộ ra sự dễ vỡ, phơi bày bản thân trước những điều bạn sợ hãi. Nhưng bạn sẽ nắm được cơ hội. Bạn sẽ phải chờ xem liệu mọi người có bỏ chạy hay không. Một số người có thể sẽ đến gần bạn hơn.
Khi bạn ngừng nỗ lực để trở thành những gì bạn nghĩ người khác mong đợi vào bạn và bắt đầu thể hiện bản thân nhiều hơn, bạn đang trên đường tiếp nhận những trải nghiệm mới, khẳng định cuộc đời mình. Bạn sẽ phát hiện ra rằng mình không bị loại trừ khỏi các nhóm, khỏi cộng đồng và mọi người vẫn tiếp tục quan tâm đến bạn ngay cả khi bạn đang thể hiện ra những mặt kém hoàn hảo của mình. Điều này sẽ giống như một liều thuốc giải độc cho nỗi sợ hãi của bạn và tiếp thêm dũng khí để bạn sống là chính mình. Đồng thời, bạn sẽ thấy mình có nhiều năng lượng hơn khi ở cạnh những người khác và bạn sẽ có thể duy trì giao tiếp xã hội trong quãng thời gian dài hơn.