N
gười nhạy cảm thường bị choáng ngợp khi phải đối mặt với những quyết định. Vào lúc bạn cần tỉnh táo nhất, cảm xúc của bạn có thể tuôn trào, cuồn cuộn. Ngay cả những quyết định hàng ngày như mặc gì đi họp, hoặc đưa bạn bè đi ăn tối ở đâu, cũng có thể là cuộc sự đấu tranh nội tâm gay gắt.
Những lựa chọn kĩ lưỡng đòi hỏi bạn phải cân nhắc thực tế tình hình, biết bạn muốn gì, lường trước những hệ quả có thể xảy ra và sẵn sàng thỏa hiệp khi cần thiết. Bất kì khi nào bạn dễ xúc động, quá trình này trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
NHỮNG CẢM XÚC TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN
Cảm xúc có thể làm hỏng quá trình đưa ra quyết định của bạn theo vài cách. Bạn có thể quá lo lắng hoặc choáng ngợp với mớ bòng bong cảm xúc, nên chẳng thể cẩn thận phân tích lựa chọn của mình. Bạn quá sợ hãi thất bại hoặc phản ứng của người khác đến mức liều lĩnh đưa ra quyết định. Có lẽ bạn quá tập trung vào những gì bạn muốn ở một thời điểm đến mức không thể cân nhắc hợp lí những hệ quả lâu dài của bất kì lựa chọn nào. Bạn có thể không ý thức rõ ràng về những khó khăn khi đưa ra quyết định. Hoặc bạn đánh giá quá thấp hoặc quá cao lượng vấn đề liên quan cần giải quyết. Trong trường hợp này, bạn thường dễ nản chí và muốn bỏ cuộc trước khi giải pháp của bạn có hiệu quả.
Người nhạy cảm có khuynh hướng tự đặt mình vào thế tiến thoái lưỡng nan vì cảm xúc của bản thân khi đưa ra quyết định. Bảng câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn xác định cách bạn tiếp cận vấn đề và đưa ra quyết định. Khi bạn biết xu hướng ra quyết định của mình, bạn có thể nhận thức rõ hơn về những vấn đề điển hình mà bạn sẽ gặp khi phải đưa ra quyết định.
Bài luyện tập số 18:
XU HƯỚNG RA QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN
Đánh dấu tích (x) trước những câu đúng với bạn trong thời điểm này. Để trống nếu câu nói phần lớn không đúng với bạn.
☐ 1. Tôi có thể đi chơi vài ngày mà không nghĩ về những quyết định quan trọng mà tôi phải đưa ra. Tôi khiến bản thân bận rộn với việc khác, như đọc sách, tập gym, nghe nhạc và dọn dẹp nhà cửa;
☐ 2. Khi tôi cần đưa ra quyết định, tôi thường nói chuyện với người có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn;
☐ 3. Tôi không thể chịu được việc nhìn vào những hệ quả có thể xảy ra của những lựa chọn. Tôi lựa chọn điều tôi muốn, dù thường nó không hiệu quả lắm;
☐ 4. Khi tôi cố đưa ra quyết định, tôi cảm thấy choáng ngợp vì lo âu, đến mức tôi không suy nghĩ được. Để vượt qua nó, tôi chỉ đơn giản là lựa chọn thôi;
☐ 5. Tôi rà soát nhiều lần tất cả những lựa chọn và bị bế tắc. Tôi cứ nghĩ tôi đang bỏ lỡ điều gì đó và lựa chọn sai lầm;
☐ 6. Khi đối mặt với các quyết định, tôi bị suy sụp. Thường tôi chỉ từ bỏ thôi;
☐ 7. Tôi cẩn thận nghiên cứu từng lựa chọn. Đôi khi tôi có nhiều thông tin đến mức tôi bị quá tải;
☐ 8. Tôi lỡ những deadline quan trọng bởi tôi không thể ngừng suy nghĩ về chuyến được mất trong mỗi quyết định của mình;
☐ 9. Tôi trì hoãn quyết định đến khi không còn quyết định phải đưa ra nữa, bởi tôi không biết phải làm gì và không có năng lượng để suy nghĩ về nó;
☐ 10. Tôi không đưa ra quyết định bởi tôi không quan tâm;
☐ 11. Tôi thường đưa ra những lựa chọn quan trọng mà tôi biết là sai với mình bởi tôi nghe điều người khác muốn tôi làm;
☐ 12. Người khác quyết định làm gì, tôi thường nghe theo;
☐ 13. Tôi đưa ra quyết định quan trọng dựa vào điều tôi muốn tại thời điểm đó, không phải điều tôi cho là sáng suốt nhất;
☐ 14. Tôi không giỏi trong việc trì hoãn quyết định. Tôi lao vào và tiến nhanh về phía trước;
☐ 15. Tôi sợ đưa ra quyết định. Vì thế tôi chỉ chọn một lựa chọn và hi vọng điều tốt nhất;
☐ 16. Khi tôi cần đưa ra quyết định, tôi tránh bất kì điều gì nhắc tôi về quyết định đó;
☐ 17. Quan trọng là luôn đưa ra lựa chọn tốt nhất, vì thế tôi muốn có mọi thông tin có thể;
☐ 18. Tôi chọn những gì có vẻ là ý tưởng hay, nhưng thường chúng không hiệu quả;
☐ 19. Tôi thường không giỏi việc nói không với chính mình;
☐ 20. Nếu bây giờ tôi muốn điều gì đó, tôi không chờ đợi, ngay cả khi chờ đợi là điều sáng suốt hơn;
☐ 21. Tôi vật lộn với việc nói không với người khác;
☐ 22. Tôi cảm thấy bị đánh bại khi phải đưa ra quyết định. Dù sao thì chẳng có gì có tác dụng cả;
☐ 23. Tôi chỉ để chúng xảy ra thôi;
☐ 24. Tôi lờ đi những quyết định và vấn đề lâu nhất có thể;
☐ 25. Tôi thường cảm thấy bị tê liệt khi phải đối mặt với một quyết định hoặc một vấn đề.
Tính điểm. Chỉ ra số câu bạn đánh dấu tích trong từng nhóm dưới đây:
4, 14, 15, 18:_____(Cách tiếp cận Bốc đồng)
5, 7, 8, 17:_____(Cách tiếp cận Vạch lá tìm sâu)
1, 16, 23, 24, 25:_____(Cách tiếp cận Bị động)
2, 11, 12, 21:_____(Cách tiếp cận Phụ thuộc)
3, 13, 19, 20:_____(Cách tiếp cận Ngoan cố)
6, 9, 10, 22:_____(Cách tiếp cận Chủ bại)
Nếu bạn tích vào ba hoặc nhiều hơn các câu nói trong bất kì nhóm nào, thì đấy có thể là cách tiếp cận vấn đề và đưa ra quyết định của bạn.
Cách tiếp cận Bốc đồng
Mức độ lo âu về việc giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định của bạn quá cao, đến mức bạn không thể suy nghĩ mạch lạc. Bạn chỉ muốn tình huống trôi qua thật nhanh. Bạn không thể thông suốt vấn đề. Bạn có thể nói bạn không quan tâm đến hệ quả. Kết quả là, những lựa chọn của bạn thường dẫn đến những kết quả không như ý, khiến bạn nghi ngờ chính mình và sợ hãi phải đưa ra quyết định hơn.
Cách tiếp cận Vạch lá tìm sâu
Bạn thường vô cùng lo âu và rất cảm tính khi đưa ra quyết định. Điểm khác biệt giữa cách tiếp cận này với Cách tiếp cận Bốc đồng là: Bạn suy nghĩ mà không hành động. Bạn rà soát tất cả lựa chọn và liên tục xem lại chúng. Bạn có thể biết lựa chọn nào mình thích hơn nhưng lại trì hoãn đưa ra lựa chọn, vì bạn sợ đó không phải lựa chọn hoàn hảo. Bạn lo lắng bất tận về những câu hỏi “Lỡ như…” Bạn tập trung vào mặt trái của mọi lựa chọn, đến mức cảm thấy tê liệt và quyết định vẫn bị bỏ ngỏ cho đến khi hoàn cảnh tự đưa đẩy, bạn không cần phải quyết định. Chẳng hạn, thời hạn nhập học đại học qua đi và bạn không cần phải lựa chọn việc đến lớp hay không nữa.
Cách tiếp cận Bị động
Bạn cố gắng không nhận thức vấn đề. Bạn lờ đi, không suy nghĩ đến, hoặc trì hoãn về cân nhắc những vấn đề và quyết định đáng sợ. Đôi khi bạn cố gắng để người khác đưa ra quyết định nhằm giải tỏa nỗi lo lắng của bản thân, nhưng rồi bạn thường không muốn làm theo những quyết định đó. Thường thì bạn không đưa ra quyết định hoặc bạn đợi đến khi buộc phải làm thế.
Cách tiếp cận phụ thuộc
Bạn quá tập trung vào những gì mọi người nghĩ hoặc làm. Bạn tìm kiếm quan điểm của họ. Khi họ giải thích điều họ làm, bạn thấy lựa chọn của họ hợp lí, bạn quyết định đó là điều tốt nhất. Nếu có nhiều phản hồi khác nhau từ nhiều người khác nhau, bạn sẽ lưỡng lự và ưu tiên bất kì quan điểm nào bạn nghe gần nhất. Bạn có thể trách cứ người cho bạn lời khuyên nếu nó không hữu ích. Hoặc bạn đưa ra lựa chọn tránh gây mâu thuẫn, thay vì một lựa chọn thật sự hiệu quả.
Cách tiếp cận ngoan cố
Bạn có xu hướng quyết định dựa trên điều bạn muốn, không dựa trên thực tế hoặc lí trí. Bạn không muốn cân nhắc đến lợi hại của mỗi quyết đinhj. Bạn hành động như thế bạn có thể làm cho lựa chọn bạn muốn có hiệu quả bất chấp khó khăn. Bạn cố kết với điều bạn nghĩ và cho rằng đó là lựa chọn lí tưởng nhất.
Cách tiếp cận chủ bại
Khi đối mặt với một lựa chọn, bạn ngay lập tức nản chí và chắc chắn mọi chuyện sẽ xấu đi. Sự nản chí của bạn có thể nhanh chóng chuyển thành nỗi buồn sâu sắc. Bạn hay nói “Tôi bỏ cuộc.” Bạn còn mắng nhiếc chính mình, tin rằng có gì đó không ổn với bản thân và mọi thứ chẳng bao giờ suôn sẻ với bạn.
Việc nắm được phong cách quyết định của bạn (có thể bao gồm nhiều hơn một cách tiếp cận) có thể giúp bạn nhận thức rõ hơn về hành động của mình khi đối diện với những sự lựa chọn. Nó sẽ giúp bạn biết điều bạn cần làm để quyết định một cách hiệu quả hơn. Hãy ghi nhớ cách tiếp cận vấn đề của bạn để lựa chọn đúng cách cải thiện tình trạng này nhé.
“LẠI CHẤP NHẬN NỮA À? ĐÚNG THẾ, LẠI NỮA”
Có thể bạn tin rằng việc chấp nhận phải đưa ra một quyết định là lẽ tự nhiên phải thế, nhưng biết và chấp nhận thật sự là khác nhau. Nếu bạn đang than vãn về vấn đề, phàn nàn rằng nó không nên xảy ra, hoặc trách cứ một ai vì điều đó, thì bạn đang không chấp nhận nó. Một phần của việc chấp nhận vấn đề là nhìn nhận nó như một phần tự nhiên của cuộc sống. Rốt cùng thì, trong suốt cuộc đời mình, bạn sẽ thấy bạn phải giải quyết vấn đề và đưa ra những quyết định khó khăn.
Những suy nghĩ như “Mình không nên đối mặt với điều này” hoặc “Mình không thể nghĩ đến điều này” sẽ cản trở việc chấp nhận vấn đề và tiến về phía trước. Sự oán giận, buồn rầu, bực tức và sợ hãi việc đưa ra quyết định sẽ khiến bạn không thể tỉnh táo và suy nghĩ thông suốt. Hãy để ý tới những suy nghĩ và cảm xúc như vậy, chấp nhận chúng và đưa bản thân trở lại với hoàn cảnh thực tế và những lựa chọn của mình. Nếu bạn buộc phải lùi lại một thời gian ngắn, hãy làm thế một cách khôn ngoan. Hãy tỉnh thức để dành cho mình những quãng nghỉ hợp lí mà không gây ra hậu quả tiêu cực, như mất việc hoặc bỏ lỡ một cơ hội nào đó. Hãy rõ ràng về cách bạn sẽ sử dụng thời gian nghỉ để quản lí cảm xúc của mình, giúp bạn bình tâm hơn và có thể đưa ra quyết định chính xác.
Nếu bạn có xu hướng sử dụng cách tiếp cận Bốc đồng để đưa ra quyết định, việc luyện tập tỉnh thức (xem chương 4) sẽ giúp bạn có một quãng nghỉ trước khi hành động. Điều này có nghĩa là dành thời gian để lùi lại trước cảm xúc và quan sát chúng, xem xem bạn có đang bị thôi thúc phải hành động cảm tính. Khi phải đối mặt với một quyết định, hãy luyện tập chờ đợi. Nếu có thể, bạn nên cam kết “không” đưa ra quyết định cho đến khi bạn nhận thức đầy đủ vấn đề, dù thôi thúc hành động có lớn cỡ nào. Việc này sẽ cho bạn cơ hội suy nghĩ cẩn thận hơn và luyện tập trải qua những cảm giác khó khăn liên quan đến quá trình ra quyết định.
Tỉnh thức cũng hữu ích nếu bạn có lối tiếp cận Phụ thuộc khi đưa ra quyết định. Khi bạn tỉnh thức về trải nghiệm nội tại, bạn sẽ nhận thức rõ hơn về sở thích của mình, trái ngược với suy nghĩ của người. Bạn cũng có lợi từ việc tập trung xây dựng bản sắc của mình (xem chương 8). Nếu đã biết rõ giá trị và mục tiêu của bản thân, bạn sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định hằng ngày. Bạn cũng có thể cho mình nhiều lựa chọn hơn. Hãy cân nhắc việc hỏi ý kiến nhiều người về sự khó xử của bạn, kể cả khi sẽ có ý kiến trái chiều. Sau đó, cân nhắc cẩn thận mọi gợi ý để xác định điều gì là tốt nhất với bạn. Ghi ra những điểm cộng và điểm trừ của mỗi lựa chọn sẽ giúp bạn dễ dàng cân nhắc và lựa chọn hơn.
Nếu bạn có lối tiếp cận Bị động khi đưa ra quyết định, bạn có thể cải thiện tình hình từ những phương pháp tôi đã giới thiệu ở chương 2. Khi đối mặt với một quyết định, bạn nên thiết đặt thời hạn cho mình. Thúc đẩy bản thân hành động dù cảm thấy khó chịu của bạn sẽ là một thử thách đáng làm. Đối với những quyết định hằng ngày không quá quan trọng như đi đâu ăn tối, mặc gì đi chơi, hãy cho bản thân khoảng 5 phút. Nếu quyết định đó có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bạn, như có nên nhận một công việc nào đó không, thì bạn nên cho bản thân một - hai ngày (miễn là không lỡ bất kì thời hạn thực tế nào).
Nếu bạn có cách tiếp cận Ngoan cố để đưa ra quyết định, bạn hãy viết ra những trải nghiệm trong quá khứ khi bạn quyết định dựa trên điều bạn mong muốn. Nếu bạn cảm thấy bản thân đang ngoan cố khi quyết định, bạn nên đọc những gì bạn đã ghi để nhắc nhở bản thân về những trải nghiệm đó. Đồng thời, hãy liệt kê những lợi ích và bất lợi của mỗi lựa chọn bạn có, và cân nhắc mỗi lựa chọn một cách công tâm. Hãy nghĩ tới những hệ quả có thể xảy ra với mối quan hệ của bạn và cách bạn nhìn nhận chính mình từ mỗi lựa chọn đó. Khi bạn cảm thấy mình cố đấm ăn xôi với một lựa chọn không thành công hoặc không hiệu quả, nghĩ xem tại sao lựa chọn đó quan trọng với bạn? Bạn sẽ được gì? Có cách nào khác đạt được kết quả bạn mong muốn hay không? Chẳng hạn, nếu bạn muốn sống tự lập, có thể có những cách khác ngoài việc sống ở trong một căn hộ nào đó, hoặc với người nào đó. Đôi khi, khi bạn biết điều mình muốn, bạn có thể tìm ra một cách khác để biến nó thành hiện thực.
Nếu bạn đưa ra quyết định bằng cách vạch lá tìm sâu, bạn có thể đặt thời hạn để đưa ra quyết định. Sau đó, tự thưởng cho bản thân vì đã đúng hạn, hoặc nêu ra những hậu quả xấu nếu không đưa ra quyết định đúng hạn. Sau khi vấn đề được giải quyết, hãy sử dụng phương pháp thư giãn và xao nhãng (xem chương 2) để trấn an nỗi sợ hãi không thể đưa ra những lựa chọn hoàn hảo của mình.
Nếu bạn có lối tiếp cận Chủ bại khi đưa ra quyết định, bạn có thể nghĩ mình người thiếu sót hoặc thường làm hỏng mọi thứ. Đấy là lí do bạn không thể đưa ra quyết định. Hãy luyện tập ngừng phán xét (xem chương 6) để bạn có thể tập trung vào việc đưa ra quyết định hiệu quả. Bạn có thể tưởng tượng bản thân thành công tiến từng bước đến việc đưa ra quyết định.
Những bài tập trong chương này sẽ giúp bạn học các kĩ năng đưa ra quyết định. Nếu hiện tại bạn phải đưa ra một quyết định quan trọng và không có nhiều thời gian, hãy đọc lí thuyết trước rồi quay lại với từng bài tập. Bạn sẽ cảm thấy hữu ích khi xem lại những ý tưởng đưa ra quyết định này bất cứ khi nào bạn phải chọn lựa trong tương lai.
TÁCH BIỆT QUYẾT ĐỊNH KHỎI CẢM XÚC
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra bất cứ quyết định nào, từ đó nảy sinh những cảm xúc đau khổ. Theo cách này, cảm xúc ngăn cản bạn biến những quyết định tốt nhất thành hành động. Chẳng hạn, bạn đang không có đủ tiền thanh toán hóa đơn. Bạn cần có một công việc mới. Tuy nhiên, khi bạn nghĩ đến việc ứng tuyển, bạn nghĩ “Mình muốn làm việc nhưng mình rất sợ hãi không ai thuê mình.” Ý nghĩ này bao gồm cả giải pháp (xin việc) và một sự khó xử về cảm xúc (bạn sợ thất vọng hoặc xấu hổ nếu không ai nhận bạn vào làm việc). Nhận định tình huống theo cách này sẽ khiến bạn không thể thể thực hiện những hành động cần thiết để giải quyết vấn đề. Cảm xúc đan xen vào các vấn đề là điều đặc biệt khó đối với tuýp người hay trốn tránh, nhìn nhận vấn đề là không thể giải quyết được.
Nỗi sợ hãi những cảm xúc không mong muốn sẽ che mờ thực tế rằng bạn biết bạn muốn gì và cần làm gì. Trong ví dụ ở trên, bạn muốn và cần tìm một công việc. Đó là giải pháp. Thách thức cảm xúc là đối mặt với cảm giác thất vọng và những cảm xúc khắc nghiệt khác trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Khi đối mặt với một quyết định khó khăn, hãy tự hỏi chính mình: Mình đang cố gắng giải quyết điều gì? Mục tiêu quan trọng nhất của mình là gì? Cảm xúc nào ngăn cản mình đạt mục tiêu đó? Nếu có thể tách biệt giải pháp khỏi thách thức cảm xúc bằng cách này sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn.
Giả sử bạn muốn chia tay với bạn trai Joaquin, bạn muốn hẹn hò với người khác. Ý nghĩ “Mình không muốn Joaquin tức giận với mình và mình muốn hẹn hò với người khác” không phải là cách định nghĩa vấn đề. Đấy là một lựa chọn theo mong muốn và sự khó xử về cảm xúc bị nhập lại thành một. Điều đó khiến vấn đề của bạn tưởng chừng như không có cách giải quyết, bởi bạn sẽ không thể làm cả hai điều cùng lúc. Nếu bạn tháo gỡ sự tiến thoái lưỡng nan về cảm xúc khỏi vấn đề, giải pháp sẽ trở nên rõ ràng, thách thức cảm xúc của bạn trong việc biến giải pháp thành hiện thực cũng thế. Trong trường hợp này, kết quả mong muốn là hẹn hò với người khác. Cảm xúc khó xử là bạn không muốn Joaquin tức giận với mình. Cho nên, thách thức thực tế của bạn là điều tiết cảm xúc để có thể đối mặt với việc Joaquin giận dữ với bạn. Hầu hết mọi giải pháp và quyết định đều có hệ quả về cảm xúc, bạn cần ý chí sẵn sàng đối mặt với cảm xúc và một giải pháp thích đáng để vượt qua những khó khăn trước mắt.
Chấp nhận những hậu quả cảm tính của một quyết định là một phần của quá trình ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nếu bạn tức giận và đau buồn về hậu quả sẽ chỉ làm bạn khốn khổ và chật vật hơn thôi. Chỉ đơn giản là không thể tránh được những hậu quả không mong muốn. Cho nên, hãy nhẹ nhàng đón nhận nó và tìm cách cải thiện tình hình cho phù hợp.
Bài luyện tập số 19:
KIỂM TRA HỆ QUẢ CẢM XÚC
Trong bài tập dưới đây (tải bản đầy đủ ở https://www. newharbinger.com/299340), hãy viết ra một quyết định bạn đang cân nhắc. (Nếu bạn đang phải đối mặt với nhiều quyết định hoặc lựa chọn, bạn có thể copy tờ mẫu, hoặc làm bài tập trong một quyển vở hoặc nhật kí.) Dưới quyết định, ghi lại những hệ quả cảm xúc tích cực và/hoặc tiêu cực. Chẳng hạn, nếu bạn đang cân nhắc nghỉ việc, một hệ quả tức thì có thể là cảm giác nhẹ nhõm. Hệ quả lâu dài có thể là sự hối tiếc hoặc buồn bã. Cuối cùng, dựa vào những hệ quả cảm xúc được dự đoán, xem quyết định đó là một hành động né tránh hay một sự tận dụng hiệu quả những thông tin cảm xúc. Nếu bạn đang cân nhắc bỏ công việc bạn thích vì bạn mắc một sai lầm, thì đó là trốn tránh. Bạn sẽ biết đâu là khác biệt. Khi bạn đang né tránh, bạn sẽ cảm thấy bất an hoặc lo lắng, có thể là choáng ngợp. Khi bạn đang sử dụng hiệu quả thông tin cảm xúc, bạn có thể thấy buồn, vui hoặc đau đớn về quyết định đó.
Khi làm bài tập này, hãy làm theo những lời khuyên dưới đây, tùy thuộc vào cách đưa ra quyết định của bạn:
• Cách tiếp cận Vạch lá tìm sâu: Hãy ngăn bản thân liên tục rà soát danh sách “Lỡ như…” và tập trung vào thực tế;
• Cách tiếp cận Chủ bại: Hãy chú ý đến những suy nghĩ vô vọng của bạn về tình huống và tiếp tục làm việc. Đừng bỏ qua quá trình. Hãy hành động theo những quyết định của bạn;
• Cách tiếp cận Bốc đồng: Hãy làm từng bài tập trong sách này một cách chậm rãi và cẩn thận. Từng bước đối mặt với cảm xúc lo âu để bạn ngừng hành động mà không suy nghĩ kĩ lưỡng;
• Cách tiếp cận Phụ thuộc: Hãy hoàn thành bài tập này chỉ dựa trên suy nghĩ của bạn, không phải vì người khác nghĩ hay nói gì, hoặc câu trả “đúng” là gì. (Việc có thêm thông tin sau đó có thể hữu ích, khi bạn đã biết rõ hơn suy nghĩ của chính mình.);
• Cách tiếp cận Bị động: Đặt thời hạn cho mình và thúc đẩy bản thân hành động;
• Cách tiếp cận Ngoan cố: Luyện tập cân nhắc mọi lựa chọn một cách chính xác và cẩn thận. Giống như một thử ng- hiệm, hãy chọn một lựa chọn hợp tình hợp lí nhất, cố gắng tưởng tượng chi tiết kết quả có thể đạt được.
HỆ QUẢ CẢM XÚC TỪ QUYẾT ĐỊNH CỦA BẠN
Quyết định:......................................................................................
Hệ quả tức thì :
• Tích cực :......................................................................................
• Tiêu cực:......................................................................................
Hệ quả lâu dài:
• Tích cực :......................................................................................
• Tiêu cực:......................................................................................
Quyết định có hiệu quả không hay nhằm mục đích trốn tránh?
Ví dụ: Quyết định: Mình muốn quay lại trường học để hoàn thành bậc học.
Hệ quả tức thì:
• Tích cực: Mình sẽ được vui vẻ cùng bạn bè, sẽ tự hào về chính mình, cha mẹ sẽ tự hào về mình.
• Tiêu cực: Mình sẽ phải học, sẽ sợ trượt môn, ngân sách hạn hẹp, sẽ không thể mua quần áo hoặc đi chơi nhiều.
Hệ quả lâu dài:
• Tích cực: Mình có thể có công việc mình thực sự muốn và thu nhập cao hơn, nhìn nhận bản thân có thể tiến bộ, mình có thể làm nhiều hơn để giúp đỡ người khác.
• Tiêu cực: Mình phải đóng thuế nhiều hơn, lịch học căng thẳng hơn.
Quyết định có hiệu quả không, hay nhằm mục đích trốn tránh? Không quay lại trường học là trốn tránh bởi quay lại trường là điều mình thực sự muốn. Mình muốn tránh nỗi sợ hãi thi trượt và không đủ tiền trang trải khi ở trường. Mình cần một kế hoạch để đối mặt với những thách thức ngắn hạn để có thể đạt được điều mình muốn về lâu dài.
Hãy đọc lại những gì bạn đã viết. Với những quyết định liên quan đến trốn tránh cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực ngắn hạn, nhưng cản trở bạn đạt được mục tiêu lâu dài. Sau đó, lên kế hoạch đối mặt với những thách thức ngắn hạn. Trong trường hợp mắc sai lầm ở chỗ làm, bạn có thể gọi bạn bè nhờ hỗ trợ, nhìn lại thành công bạn có ở chỗ làm để cân bằng quan điểm và tìm cách để xoa dịu bản thân (xem chương 2). Bạn có thể chịu trách nhiệm cho sai lầm của bản thân và tìm cách sửa chữa, hoặc lên kế hoạch cho thấy cách bạn tiến về phía trước.
THAY ĐỔI SUY NGHĨ “HOẶC CÁI NÀY, HOẶC CÁI KIA”
Người nhạy cảm có xu hướng tư duy theo hướng phải chính xác tuyệt đối và giới hạn lựa chọn, chẳng hạn như đến trường hoặc không. Bất cứ khi nào bạn đang phải đối mặt với một quyết định “hoặc thế này, hoặc thế kia”, hãy cân nhắc đến những lựa chọn khả thi khác. Trong ví dụ đã cho, việc học bán thời gian ở trường và tìm một công việc mới có thể là lựa chọn cũng đáp ứng được nhu cầu của bạn. Một phương án khác là bạn muốn dành thời gian và nguồn lực để du lịch, hoặc thực tập ở một công ty bạn hứng thú. Bởi sự lo lắng về một vấn đề sẽ làm giảm khả năng giải quyết vấn đề, hãy cố gắng giữ tâm trí cởi mở và linh hoạt. Hãy nhớ tự hỏi những phương án khác bên cạnh hai lựa chọn bạn đang cân nhắc1.
1 Chip Heath and Dan Heath, Decisive: How to Make Better Choices in Life and Work, New York: Crown Business, 2013.
Tư duy “hoặc cái này, hoặc cái kia” còn cản trở bạn đánh giá cách bản thân xử lí một vấn đề. Nếu bạn nhìn nhận hành động của mình là lựa chọn “đúng” hoặc “sai”, bạn sẽ luôn tìm ra những phần không hoàn hảo trong quyết định đó. Bất cứ khi nào bạn chỉ trích giải pháp của mình mà không cân nhắc kĩ lợi hại của nó, bạn sẽ làm giảm độ tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của bản thân.
Trong bảng dưới đây, bạn có thể sử dụng sổ nhật kí hoặc sổ tay, liệt kê những vấn đề bạn đang phải giải quyết. Sau đó, ghi ra những lựa chọn bạn đang cân nhắc. Cuối cùng, tìm kiếm những lựa chọn khác bạn có thể cân nhắc. Chẳng hạn, có thể bạn đang cân nhắc nên hay không nên đi xem phim với bạn bè. Hãy nghĩ về những lựa chọn khả thi, như đi tập gym, đi thăm gia đình hoặc hoàn thiện các khoản thuế. Dù bạn có thể có những suy nghĩ nản lòng về một lựa chọn hoặc nhiều hơn, như “Nó sẽ mất thời gian, hoặc Mình không đủ thông minh để làm việc đó”, hãy chú ý đến chúng và để chúng qua đi, không thiên về bất cứ lựa chọn nào lúc này. Bạn có thể đánh giá chúng kĩ lưỡng hơn về sau.
Quay lại với các lựa chọn. Gạch những lựa chọn bạn không hứng thú, nhưng không phải những lựa chọn bạn sợ hãi hoặc nghĩ mình không thể làm. Sắp xếp lựa chọn còn lại theo sở thích. Sau đó liệt kê ra lợi ích và bất lợi cho từng lựa chọn. Nhớ bán sát vào thực tế. Quá trình này sẽ giúp bạn tư duy linh hoạt hơn về những lựa chọn bạn có.
MỖI BƯỚC TIẾN NHỎ GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ TO
Tuýp người nhạy cảm thường nhìn thấy một bức tranh lớn về những gì cần làm để đi đến quyết định mà dường như họ không thể tiếp tục. Chẳng hạn, một sinh viên năm nhất đại học có thể nghĩ về toàn bộ năm tháng cần học ở trường y để trở thành bác sĩ và tự hỏi làm thế nào để vượt qua. Điều đó giống như một đứa trẻ bảy tuổi tự hỏi làm sao có thể đọc được Moby Dick1 vậy. Đương nhiên phải bắt đầu học từng chữ trong bảng chữ cái, rồi sẽ đến lúc nó giải quyết được những vấn đề lớn hơn và chinh phục những mục tiêu đã đặt ra.
1 Cá voi trắng (nguyên tác: Moby-Dick) là một tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm của tác giả người Mĩ Herman Melville (1819- 1891), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1851.
Một lời khuyên dành cho bạn là nên tập trung vào những bước nhỏ. Hãy viết vào nhật kí, sổ tay hoặc một trang giấy trắng về một giải pháp cho một vấn đề nào đó. Bây giờ, bạn liệt kê các bước tiến đến giải pháp đó. Từng bước một, càng nhỏ càng tốt. Hãy thực hiện bước đầu tiên và từng bước sau đó. Bạn có thể cần sửa đổi các bước cần làm trong quá trình thực hiện giải pháp. Điều này không có nghĩa là giải pháp của bạn không hiệu quả, việc điều chỉnh kế hoạch ban đầu là điều bình thường khi bạn tiến về phía trước.
Đôi khi, người nhạy cảm không muốn thực hiện những bước cần thiết hoặc tháo gỡ căng thẳng liên quan đến việc đạt được những gì họ mong muốn. Điều này thường đặc biệt đúng với những người sử dụng lối tiếp cận Bốc đồng khi đưa ra quyết định, như Emily:
Emily hiện đang thất nghiệp. Cô đã từng mất việc vài lần vì thường xuyên vắng mặt, mỗi khi cô bị chỉ trích hoặc cô cho rằng miìn bị cấp trên chỉ trích. Cô muốn trở thành một nhà quản lí hàng đầu, nhưng sự thiếu ý chí chịu đựng phê bình từ cấp trên cản trở cô xây dựng sự nghiệp của mình.
Khi bạn nghĩ về những gì bạn muốn theo hướng “bức tranh lớn”, hãy cân nhắc bạn đang sẵn sàng hoặc có khả năng hoàn thành những bước cần thiết để thành công chưa. Chẳng hạn, nếu bạn muốn bắt đầu thành lập công ty riêng, bạn sẽ cần tiền để sống cho đến khi công ty bạn có lợi nhuận. Nếu bạn muốn dọn ra ngoài ở, bạn sẽ cần có cách để trả tiền nhà, tiền đặt cọc, hoặc thanh toán chi phí đi lại, phương tiện giao thông. Hãy nhận thức những mục tiêu nhỏ khác bạn cần phải đạt được để chinh phục mục tiêu lớn hơn.
Một khi đã đi đến quyết định, bạn nên dự đoán và chuẩn bị cho những khó khăn ở mỗi bước đi. Bạn phải hiểu rằng bạn có thể cần thêm thời gian để đối mặt với những khó khăn bất ngờ. Hãy thừa nhận là đôi khi một quyết định không có hiệu quả, dù bạn có suy nghĩ cẩn thận đến đâu, và bạn sẽ cần một phương án dự phòng. Một sự linh hoạt và nhạy bén sẽ giúp bạn thành công, dù mục tiêu có xa tít tận chân trời.
ĐỐI MẶT VỚI THẤT BẠI HÔM NAY, GẶT HÁI NHỮNG THÀNH CÔNG NGÀY MAI
Dù không ai thích thất bại, nhưng nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể có xu hướng coi quyết định hoặc hành động thất bại của mình như một bằng chứng cho thấy bạn là người thất bại. Bạn xem bất kì phản hồi tiêu cực nào từ sếp, bạn bè và những người xung quanh là phủ nhận bạn. Điều đó dẫn đến cảm giác xấu hổ khó chịu. Trong trường hợp đó, không có gì ngạc nhiên là bạn sẽ buồn khổ trước mọi quyết định bạn đưa ra. Ngoài ra, có thể bạn coi thất bại của mình là thích đáng do những sai lầm cá nhân, thay vì nhìn nhận chúng là tạm thời và là một phần tự nhiên trong quá trình học hỏi. Với quan điểm như thế, bạn thường phải chịu đựng đau khổ khi có những chuyện không vừa ý, dù là nhỏ xíu. Bạn dễ dàng bỏ cuộc, dù đã lên kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật, đi học, chọn một điểm đến cho kì nghỉ, hay quyết định nấu gì cho bữa tối.
Ai cũng từng thất bại ở một thời điểm nào đó. Bạn càng nhiều mục tiêu để chinh phục, bạn càng có khả năng thất bại. Việc thay đổi cách suy nghĩ của bạn về thất bại sẽ giúp bạn học hỏi từ sai lầm của mình và đưa ra quyết định đúng đắn hơn1. Nếu bạn coi thất bại là một cơ hội để học hỏi, bạn có thể công nhận rằng khi bạn cố gắng thực hiện một nhiệm vụ nào đó nhưng không thành công, bạn thường vẫn có được những kĩ năng mới và hiểu hơn về các tình huống tương tự2. Ngay cả khi biết rằng bạn không thể làm điều gì đó cũng hữu ích, có lẽ đấy là dấu hiệu cho thấy bạn nên thay đổi mục tiêu. Hoặc chỉ cần nghĩ đến những người tập thể hình, họ xây dựng cơ bắp bằng bài tập nâng tạ “để thất bại” (cho đến khi họ không thể nâng thêm bất cứ lần nữa).
1 Joseph T. Hallinan, Why We Make Mistakes: How We Look Without Seeing, Forget Things in Seconds, and Are All Pretty Sure We Are Way Above Average, New York: Broadway Books, 2010.
2 Carol Dweck, Mindset: The New Psychology of Success, New York: Random House, 2006. Tiếng việt: Tâm lí học thành công, Alphabooks, 2018.
Một cách khác để đối mặt với thất bại là công nhận những thành công của mình. Việc chú ý đến những thành tựu sẽ giúp bạn không phán xét bản thân khi bạn không thành công. Bạn càng rõ ràng về điều bạn muốn chinh phục và vạch ra các bước tiến đến mục tiêu đó, bạn càng chắc chắn khi nào mình sẽ đạt được điều gì. Một ý tưởng rõ ràng về điều bạn muốn hướng tới và những bước đi cụ thể, sẽ giúp bạn không bỏ cuộc khi vấp phải khó khăn. Hãy tự thưởng cho bản thân vì đã hoàn thành từng bước và cổ vũ sự bền bỉ của chính mình. Phần thưởng không nhất thiết phải đắt đỏ, chúng có thể đơn giản, như là một tách cà phê ưa thích hoặc một cuốn tạp chí bạn thích đọc.
Thành công có thể dành cho bất cứ ai biết nắm lấy cơ hội và không ngừng nỗ lực. Bạn cũng thế, bạn có thể thành công bằng chính những nỗ lực của bản thân. Hãy học cách nhìn nhận bản thân là có thể thành công. Thử hình dung ra bức tranh thành công của bạn. Sẽ như thế nào khi bạn hoàn thành được mục tiêu của mình? Hãy cân nhắc và viết ra cái nhìn của bạn về thành công. Nhìn lại bức tranh đó vài lần trong tuần.
Bài luyện tập số 20:
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ LÀ TRẢI NGHIỆM HỌC HỎI
Hãy cam kết coi việc giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định là những kĩ năng bạn có thể phát triển để cải thiện đời sống của mình và làm giảm cảm giác đau đớn. Hãy điền vào bảng với những đề mục dưới đây (hoặc tải phiên bản đầy đủ ở https://www. newharbinger.com/29934).
Với mỗi vấn đề bạn gặp phải, hãy viết ra các giải pháp. Đừng trì hoãn và cân nhắc về từng vấn đề hoặc quyết định. Nếu bạn nhận thấy bạn đang phán xét chính mình, hãy buông bỏ chúng (xem chương 6) và tập trung vào những giải pháp khả thi. Rà soát từng phương án dự phòng và cân nhắc những hệ quả tiềm năng. Rồi chọn một giải pháp để thử. Nếu nó không hiệu quả, hãy viết ra điều bạn học được từ trải nghiệm này. Đừng quên tự thưởng cho bản thân vì đã đi hết cả quá trình.
Vào cuối tuần, hãy nhìn vào xu hướng bạn chọn giải pháp và kết quả bạn có được. Nếu bạn liên tục không đạt được kết quả mong muốn, hãy xem bạn có đang chọn những giải pháp thực tế không, hay bạn đã suy nghĩ thông qua những kết quả tiềm năng chưa. Có thể bạn đang bỏ cuộc trước khi hành động, bỏ cuộc khi bạn đối mặt với một chướng ngại, hoặc chỉ nỗ lực nửa vời. Ồ, như thế bạn sẽ không thể đi đến bước cuối cùng là chạm vào thành công. Hãy nỗ lực thêm một chút nữa thôi, đích đến đã ở rất gần rồi.
GHIM 7
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn thường cảm thấy khó ổn định được cảm xúc khi đưa ra quyết định. Chỉ riêng việc phải quyết định đã khơi dậy nhiều cảm xúc khó khăn. Việc nắm rõ cách bạn đưa ra quyết định sẽ giúp bạn tìm ra giải pháp điều tiết những cảm xúc mãnh liệt đang trỗi dậy, để bạn có thể đưa ra quyết định hiệu quả và toàn diện hơn. Việc tập trung vào những hệ quả cảm xúc tích cực lâu dài, thay vì đi theo bất kì lựa chọn nào nhằm trốn tránh tổn thương hoặc vui vẻ nhất thời, sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và bình yên hơn trong cảm xúc. Việc đặt mục tiêu và giải quyết hiệu quả vấn đề đòi hỏi bạn phải nắm rõ điều bạn muốn và điều bạn coi trọng trong cuộc sống. Điều này có nghĩa là bạn phải hiểu rõ bản sắc của mình, đây chính là chủ đề của chương tiếp theo.