N
ếu bạn là một người nhạy cảm, cảm xúc của bạn thường có xu hướng dâng trào nhanh hơn, mãnh liệt hơn và kéo dài lâu hơn. Bạn có thể phải đấu tranh mỗi ngày để xoay xở với những cảm nhận của mình. Bạn có thể hoài nghi bản thân vì bạn không thể đoán cách mình phản ứng trong những tình huống khác nhau. Nhiều khi, việc thuận theo cảm xúc của mình khiến cuộc sống của bạn thêm phiền não và rắc rối.
Mọi người xung quanh có thể không hiểu hoặc khó chấp nhận những cảm xúc mãnh liệt của bạn. Họ bảo rằng bạn đang làm quá lên, quá nhạy cảm hay “đầy chất kịch”. Bạn có thể thấy bản thân khác mọi người, thường là theo nghĩa tiêu cực. Bạn không thích, thậm chí ghét chính mình và nỗi đau bạn phải trải qua.
Mặt khác, bạn cũng có thể trân trọng tính nhạy cảm của mình. Có lẽ, những kết nối và lòng trắc ẩn với người khác là niềm vui của bạn. Bạn muốn bỏ đi những cảm xúc đau đớn, nhưng muốn giữ lại khả năng kết nối, sự thương cảm và niềm vui ấy.
Hãy nhớ là, học cách tháo gỡ cảm xúc của chính mình, cũng chính là học cách thấu hiểu đặc điểm của tuýp người nhạy cảm. Việc cảm thấy được thấu hiểu, biết rằng người khác có cùng trải nghiệm với mình và chấp nhận sự nhạy cảm của bản thân, sẽ tạo nên một nền tảng vững chắc giúp bạn đương đầu với những cảm xúc mãnh liệt ấy.
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI NHẠY CẢM
Hầu hết đặc điểm của người nhạy cảm đều có mặt tích cực và tiêu cực. Một số người cảm thấy sự nhạy cảm là một món quà, nó tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của họ. Trong khi số khác phải đương đầu với những hệ quả khó khăn và hiếm khi nào nhận thấy sức mạnh của nó.
LĂNG KÍNH NHẠY CẢM SÂU SẮC CHIẾU RỌI THẾ GIỚI TỰ NHIÊN
Với người nhạy cảm, hầu hết mọi tương tác và sự kiện đều được đánh dấu bằng cảm xúc. Những sự kiện đơn giản như chứng kiến một cơn gió thổi bung một quả bóng bay, cũng có thể là một trải nghiệm lay động tâm cảm. Những xúc cảm mãnh liệt cho thấy bạn cảm thấy căng tràn sức sống. Song, việc cảm nhận những cảm xúc mạnh mẽ như thế cũng có thể rất mệt mỏi. Khi ấy, việc tìm kiếm bình yên với bạn có lẽ là một thách thức.
Nếu bạn là người nhạy cảm, thiên nhiên có thể vỗ về và xoa dịu bạn. Kết nối với thiên nhiên mang lại cho bạn cảm giác gắn kết và không còn cô độc. Ngửi một bông hoa, nghe tiếng sóng biển, ngắm những tán lá rơi hay ôm thú cưng có thể cho bạn sức mạnh lúc mệt mỏi tổn thương, tiếp thêm năng lượng cho bạn khi sức lực cạn kiệt. Trên thực tế, nếu người nhạy cảm cảm thấy thoải mái với thú cưng, thì họ sẽ đặc biệt chăm sóc cho chúng. Mặt khác, tình yêu thiên nhiên cũng có thể khiến bạn xót xa, buồn rầu khi thiên nhiên không được người khác tôn trọng. Chứng kiến ai đó cười nhạo những con tinh tinh bị nhốt trong lồng ở sở thú, bạn thường cảm thấy đau buồn sâu sắc. Nhìn thấy con vật bị thương có thể khiến bạn tức giận hoặc rơi vào nỗi buồn khó tả. Bạn thích chăm cây cối, bạn thích trồng hoa tươi, cho nên bạn sợ làm chúng tổn thương.
NHẠY CẢM VỚI CẢM XÚC CỦA NGƯỜI KHÁC
Người nhạy cảm rất nhạy bén với cảm xúc của người khác. Nếu bạn là người nhạy cảm, bất cứ khi nào người khác buồn rầu, bạn thường cảm thấy buồn như chính họ vậy (hoặc còn hơn thế). Khi ai đó cần được xoa dịu, bạn biết chính xác mình cần nói gì. Khi ai đó khóc, bạn có thể lo lắng cho người đó hàng giờ liền. Khi còn là một đứa trẻ, bạn lo lắng về cảm nhận của giáo viên mỗi lần các bạn cùng lớp không vâng lời. Bạn lo lắng về tài chính của bố mẹ mỗi khi bạn cần những dụng cụ học tập đắt tiền.
Bạn rất giỏi làm cho người khác cảm thấy họ được chào đón và tinh tế dành tặng họ những món quà ý nghĩa. Bạn có thể là một đồng đội trung thành. Nếu có một người bạn đang gặp khó khăn, tưởng chừng như ngã gục, chẳng còn ai quan tâm anh ta nữa, thì bạn vẫn sát cánh bên người đó. Nơi nào cần giúp đỡ, nơi đó có bạn.
Song, việc bạn có thể đồng điệu sâu sắc với cảm xúc của người khác cũng cho thấy mọi người có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của bạn. Bạn thường suy xét quá mức lời nói và hành vi của người khác. Đồng thời, bạn cũng nghi ngờ và lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Bạn quá lo sợ sẽ làm tổn thương người khác, đến mức đôi khi bạn không đứng lên bảo vệ bản thân. Bạn cố gắng giải quyết vấn đề cho những người đang chịu tổn thương. Bạn đáp ứng mong muốn của họ ngay cả khi bạn không nên làm thế. Bạn có những phản ứng thân thể mãnh liệt, chẳng hạn dạ dày khó chịu hoặc thậm chí nôn mửa, khi bạn phải thực hiện những nhiệm vụ cá nhân hoặc công việc có thể khiến những người liên quan bị tổn thương.
KHOAN DUNG THÁI QUÁ VÀ BẤT KHOAN DUNG THÁI QUÁ
Sự quan tâm mà người nhạy cảm cảm nhận được, cùng với việc họ rất dễ bị tổn thương, dẫn đến những thăng trầm quan trọng trong các mối quan hệ của họ. Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể rất cần sự có mặt của người khác trong cuộc sống của mình. Bạn cũng thường có xu hướng phản ứng theo bản năng. Bạn không dễ quyết định xem điều gì là không thể dung thứ và điều gì nên bỏ qua cho người khác. Bạn có thể biện hộ cho những người không biết cách cư xử. Có lẽ bạn không nhìn nhận cách ai đó đối xử với bạn là tiêu cực, dù thật ra đúng là thế, hoặc bạn không tin mình xứng đáng với điều tốt hơn. Có lẽ bạn nghĩ việc ở bên cạnh ai đó không tử tế còn tốt hơn ở một mình.
Bạn dễ có những phản ứng mạnh với những phiền toái nhỏ nhặt, những chuyện vụn vặt trái ý và không ngừng nghĩ đến việc kết thúc các mối quan hệ vì những vấn đề không đáng bận tâm. Bạn có thể rất đa nghi, thậm chí cả với những người thân thiết nhất, đến mức lúc nào bạn cũng sẵn sàng nổi cơn giận dữ, cho rằng mọi người luôn phán xét và bất công.
Đôi khi người nhạy cảm trở nên mệt mỏi, kiệt sức và tìm cách lẩn tránh mọi người. Nếu phải lắng nghe những điều đau lòng và rắc rối, họ có thể cảm thấy căng thẳng và ám ảnh về cách người khác đối xử với mình. Đến một thời điểm nào đó, họ dường như không thể lắng nghe thêm nữa và chỉ muốn ở một mình.
YÊU - GHÉT CHÍNH CẢM XÚC CỦA MÌNH
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể cảm thấy dễ chịu và khoan khoái khi trải qua những niềm vui, niềm hạnh phúc, tình yêu và sự phấn khích mãnh liệt, cũng như việc kết nối và quan tâm tới người khác. Đồng thời, những cảm xúc khó chịu lại khiến bạn đau buồn và phiền muộn. Trong bất kì tình huống nào, bạn đều không biết mình sẽ đau buồn như thế trong bao lâu. Bạn không biết khi nào bạn sẽ bị cảm xúc lấn át và không dự đoán được chính xác mình sẽ đối mặt ra sao, phản ứng tốt đến đâu trong những tình huống đó. Đôi khi bạn ước bản thân không có cảm xúc.
Một nỗi sợ hãi lớn của nhiều người nhạy cảm là những phản ứng dễ xúc động có thể gây ảnh hưởng đến những mối quan hệ quan trọng của họ. Nhiều người đã mất bạn bè, gia đình hay người yêu bởi tính nhạy cảm thái quá của mình. Thậm chí, bạn đã nhiều lần thề thốt rằng sẽ không mất kiểm soát và không thường xuyên phản ứng như thế nữa, nhưng kết quả vẫn không như mong đợi, không có nhiều biến chuyển tích cực.
Kiểm soát cơn giận là một việc rất khó với nhiều người, đặc biệt là người nhạy cảm. Bất cứ khi nào bạn nổi cơn giận dữ, bạn thường muốn tấn công đối phương. Những cảm xúc mãnh liệt có thể dẫn đến những diễn giải sai, nên cơn tức giận của bạn thường là do sự hiểu lầm hoặc đôi chút ích kỉ của bản thân. Có khi, bạn còn gây hấn chẳng vì lí do gì cả. Bất cứ lúc nào bạn tấn công người khác trong cơn giận dữ, nó đều khiến các mối quan hệ của bạn trở nên căng thẳng. Nếu bạn sợ sự mâu thuẫn hoặc không có kĩ năng giải quyết các xung đột, thì có lẽ sẽ có thêm nhiều chướng ngại ngăn không cho bạn tháo gỡ những hiểu lầm. Có thể bạn từng quyết định không bao giờ nói chuyện với ai đó nữa và chỉ vài giờ sau đã hối hận với quyết định của mình. Những thăng trầm với người bạn yêu thương có thể đặc biệt gây chán nản. Bạn sẽ thích ở một mình hơn là chịu đau đớn khi mất đi tình bạn hoặc các mối quan hệ khác vì những phản ứng cảm tính của bạn.
Người nhạy cảm thường cảm thấy xấu hổ vì sự nhạy cảm của bản thân, vì thế họ cố giấu đi cảm xúc của mình. Bạn có tin rằng nếu bạn thể hiện những cảm xúc đau buồn của mình, người khác sẽ cho rằng bạn yếu đuối hoặc thiếu hiểu biết không, nhất là khi bạn dễ khóc. Những lời tự đánh giá như thế có thể dẫn đến việc chối bỏ cảm xúc của mình, khiến việc đối mặt với chúng trở nên khó khăn hơn.
NHẠY CẢM VỚI SỰ TỪ CHỐI
Những lời từ chối với một người nhạy cảm có thể làm họ không tận hưởng cuộc sống của mình trọn vẹn theo nhiều cách khác nhau. Mọi sự tương tác đều tiềm ẩn khả năng bị từ chối, dù là thật hay chỉ do nhận thức cá nhân. Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể sợ giao tiếp xã hội vì có thể điều đó gây tổn thương cho bạn. Những lời bày tỏ chỉ hơi mang tính phê bình từ người quen cũng có thể khiến bạn nghĩ bạn không phù hợp với họ. Nếu cô bạn thân không mời bạn đến một bữa tiệc buổi trưa, bạn sẽ nghĩ rằng mình bị bỏ rơi, dù bạn biết cô ấy có nhiều bạn bè khác. Bạn cho là giọng nói của một người đang thể hiện rằng người đó không thích bạn. Các cuộc trò chuyện lặp đi lặp lại trong đầu bạn với nỗi sợ hãi rằng bạn đã nói điều gì đó không đúng, và bạn bè có thể xa lánh bạn. Sẽ đặc biệt đau đớn nếu người yêu bạn không gọi điện, ngay cả khi bạn không chắc bản thân có muốn duy trì mối quan hệ đó hay không.
Nhạy cảm với sự từ chối cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn theo cách khác, ví dụ như không dám liều lĩnh, không dám chấp nhận rủi ro trong học tập hay trong sự nghiệp, vì bạn nhìn nhận việc không thành công là một sự từ chối.
THƯỜNG XUYÊN QUÁ TẢI CẢM XÚC
Việc đối mặt với những cảm xúc mãnh liệt kéo dài có thể làm bạn kiệt sức. Những người nhạy cảm thường chỉ dành nhiều thời gian “với thế giới” trước khi họ cần thoát khỏi khỏi sự quá tải cảm xúc. Nếu bạn là người nhạy cảm, đôi khi bạn ước được ở một mình, hoặc ở với những người “an toàn” để cảm thấy bình yên. Hoặc bạn có thể cảm thấy thảnh thơi khi lạc ở một thành phố náo nhiệt nào đó, nơi mà không ai biết đến bạn. Vấn đề là bạn cảm thấy xấu hổ khi rút lui, chui vào vỏ ốc rồi tự phán xét bản thân.
KHÓ ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể phải đấu tranh nội tâm rất nhiều khi đưa ra quyết định hoặc hành động, bởi những cảm xúc dữ dội trong bạn khiến bạn bối rối và tê liệt. Bạn tự hoài nghi chính mình. Đôi khi bạn cho rằng những cảm nhận của mình là sự thật: Nếu mình cảm thấy điều gì đó, thì điều đó hẳn phải đúng. Thỉnh thoảng, bạn có thể phản ứng nhanh đến mức không cân nhắc kĩ hậu quả.
Khi vấn đề khó giải quyết, bạn dễ dàng nản chí và từ bỏ. Bạn thường nghĩ rằng cuộc sống đơn giản là quá khắc nghiệt. Bạn ước rằng mình có thể dễ dàng đưa ra quyết định và bước tiếp, như tất cả mọi người đều làm.
TƯ DUY BẰNG TRỰC GIÁC
Trực giác được định nghĩa là khả năng nhận thức điều gì đó bằng bản năng, mà không cần đến suy luận có ý thức. Tư duy trực giác là khi tâm trí vận hành theo cách chúng ta không nhận thức được và thường không hiểu. Người có trực giác biết một số thứ là đúng, dù họ không thể lí giải tại sao họ biết điều đó, đơn giản là họ cảm thấy chắc chắn. Người nhạy cảm là kiểu người trực giác điển hình.
Bạn có thể đã trải qua việc “biết” bản thân gặp nguy hiểm, rằng ai đó nói dối, ai đó bạn vừa gặp là tình yêu của đời bạn, hoặc bạn nên rẽ trái ở đèn giao thông tiếp theo. Bạn “biết” một tình huống sẽ ổn hoặc ai đó không nên chấp nhận lời cầu hôn, mà không thể lí giải về quyết định của mình hay tại sao bạn “biết”.
Tư duy trực giác thực sự rất có giá trị, nhưng những cảm xúc mạnh mẽ của bạn có thể cản trở việc sử dụng nó. Chẳng hạn, người hay lo lắng thường hòa vào những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực của người khác, mà ít khi nhận thức được về những điều tích cực. Tất nhiên, việc hòa vào những điều tiêu cực sẽ bóp méo, làm sai lệch hình ảnh của bạn về mối quan hệ. Do đó, việc học cách sử dụng hiệu quả trực giác của bạn có thể là một thách thức.
SÁNG TẠO
Có rất nhiều cách để sáng tạo. Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể khá nghệ sĩ, có khiếu âm nhạc, có chất văn thơ, hay có tài thiết kế nội thất. Bạn có thể chế tạo những chiếc lọ cắm hoa hút mắt, phối hợp những bộ đồ lôi cuốn. Bạn có một trí tưởng tượng sống động và phong phú. Bạn biết cách tổ chức những bữa tiệc thịnh soạn và bắt mắt.
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể đặc biệt giỏi trong việc nhìn ra “bức tranh lớn”. Bạn có khả năng sắp xếp mọi thứ theo những cách độc đáo, hoặc nhìn ra một số thay đổi dẫn đến điều mới lạ. Hay bạn thường đưa ra những giải pháp mới để giải quyết vấn đề. Những kĩ năng này có thể giúp ích cho bạn rất nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, nơi những sáng kiến, những giải pháp cách tân được đề cao. Chẳng hạn, bạn có thể dễ dàng nhìn ra cách lau sàn nhà nhanh hơn và tiết kiệm công sức, giúp cha mẹ có nhiều thời gian cải thiện việc học của con cái, hoặc giúp ai đó gây ấn tượng với bà mẹ khó tính của người yêu.
Ý THỨC MẠNH MẼ VỀ CÔNG LÍ
Người nhạy cảm đặc biệt quan tâm đến công lí, dù nó có trực tiếp ảnh hưởng đến họ hay không. Họ buồn bã khi nhìn thấy những hành động họ cho là không công bằng. Họ sẵn sàng đứng lên bảo vệ người mà họ nghĩ là đang phải chịu sự bất công. Đôi khi họ sẵn sàng chiến đấu, gây lộn vì những người đáng ra phải đấu tranh cho chính họ. Chẳng hạn, nếu bạn là người nhạy cảm, bạn có thể đã từng gọi đến trường con trai mình để phân bua rằng, thằng bé không nên bị tính là đi học muộn, vì anh trai mới là người khiến nó bị đi muộn. Dù người khác coi những nỗ lực làm cho cuộc sống trở nên công bằng, hay việc bảo vệ người khác của bạn là thích kiểm soát và bao đồng, nhưng bạn vẫn sẽ sẵn sàng đấu tranh cho thứ bạn coi là công lí. Bạn không hiểu tại sao mọi người có thể để những điều bất công xảy ra, mà không hành động gì.
BẢN SẮC DỄ THAY ĐỔI
Bản sắc cá nhân là cách bạn hiểu về con người của bạn. Nó bao gồm sở thích và sở ghét của bạn, các giá trị và đặc điểm tính cách của bạn. Những cảm xúc mãnh liệt có thể cản trở bạn hiểu con người mình và phát triển một tập hợp những giá trị cốt lõi làm kim chỉ nam trong cuộc sống của bạn. Người nhạy cảm thường cảm thấy chơi vơi trong cuộc sống khi bị người khác và sự kiện bên ngoài xô đẩy.
Một người thuộc tuýp nhạy cảm đã nói với tôi thế này: “Tôi không chắc mình là ai. Đôi khi tôi là người mà tôi cần phải như thế trong tình huống đó.” Người khác thì bảo: “Tôi vẫn đang cố gắng khám phá chính mình.” “Tôi cảm thấy tôi dễ thay đổi. Tôi cố gắng trở thành người mà người khác muốn, cho đến khi con người thật của tôi trở nên vô hình.”
Cảm xúc cũng cho thấy những thông tin quan trọng về bản sắc của bạn, việc trải nghiệm và kiềm chế chúng là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không cảm nhận cảm xúc của mình, bạn sẽ không thể nhận được những phản hồi cần thiết để đánh giá chính xác điều bạn thích và không thích. Mặt khác, nếu cảm xúc của bạn quá mạnh mẽ, rất khó để bạn nghe xem những cảm xúc ấy đang nói với bạn là gì.
Nếu không có một bản sắc vững vàng, ý thức của bạn về chính mình có thể thay đổi tùy theo người bạn ở cạnh, cuốn sách bạn đọc, hay nơi bạn đang ở. Như một chú tắc kè, bạn thay đổi để thích nghi với mọi thứ xung quanh. Một ngày nọ, bạn chắc chắn mình là một nhà môi trường học, muốn sống thuận theo tự nhiên. Nhưng một tuần sau đó, bạn có thể cực kì hứng thú với việc tận hiến cho một mục tiêu tôn giáo nào đó.
PHÁT TRIỂN SỰ NHẠY CẢM
Chúng ta đã tranh luận trong hàng thập kỉ về việc là: Hành vi và tính cách của con người là kết quả của gen hay kinh nghiệm? Không có gì ngạc nhiên khi cho rằng cả yếu tố sinh học và môi trường, hay các trải nghiệm cuộc sống đều góp phần xây dựng nên tính cách và khả năng điều tiết cảm xúc của bạn.
Là một nhà trị liệu, tôi đã thực hành và giảng dạy rất nhiều về trị liệu hành vi biện chứng (Dialectical Behavior Therapy – DBT). Quan điểm của tôi về sự nhạy cảm dựa trên mô hình Sinh học - Xã hội của Marsha Linehan (1993). Linehan là một nhà tâm lí học. Bà là người sáng tạo ra phương pháp trị liệu hành vi biện chứng. Bà đã phát triển mô hình Sinh học - Xã hội để lí giải nguồn gốc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD). Về cơ bản, rối loạn nhân cách ranh giới là một chứng rối loạn mà người mắc phải khó kiềm chế cảm xúc của mình, đến mức cảm xúc của họ không ổn định.
Linehan cho rằng, một số người sinh ra đã nhạy cảm thường dễ xúc động hơn người khác. Sự nhạy cảm này, kết hợp với một hoàn cảnh sống liên tục bị người khác đánh giá thấp về cách họ cảm nhận, suy nghĩ hay hành động từ khi còn bé, sẽ dẫn đến sự phát triển của chứng rối loạn nhân cách ranh giới.
Nói cách khác, những trải nghiệm cuộc sống của bạn, bao gồm hành động, phản ứng và cách tương tác của gia đình bạn cũng như của những người quan trọng với bạn, ít nhiều gây khó khăn cho bạn trong việc đối mặt với những cảm xúc mãnh liệt của mình. Nói thế không có nghĩa rằng, nếu bạn là người nhạy cảm, bạn chắc chắn đã lớn lên trong một hoàn cảnh không tốt. Song, nếu sự nhạy cảm của bạn không được gia đình chấp nhận và thấu hiểu – chẳng hạn, cha mẹ hay người nuôi dưỡng bạn lờ đi sự nhạy cảm của bạn, hoặc họ chỉ trích, thậm chí lạm dụng chúng – thì bạn sẽ đặc biệt gặp khó khăn trong việc chấp nhận và điều tiết cảm xúc của mình.
THANG ĐÁNH GIÁ “CƠN BÃO” NHẠY CẢM
Là người nhạy cảm và có những cảm xúc khắc nghiệt không có nghĩa bạn khác biệt sâu sắc với người khác. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng người nhạy cảm giống như đang sống trong một cơn bão, sức mạnh của nó phụ thuộc vào độ nhạy cảm của bạn.
Trên thang đánh giá cấp độ nhạy cảm, một đầu thang (tức cấp độ 1) là những cá nhân hơi nhạy cảm hơn đa số mọi người. Những người này trải qua sự dữ dội tăng cao đáng kể trong cảm xúc, nhưng ít ảnh hưởng đến các mối quan hệ và mục tiêu sống của họ.
Những người ở giữa thang (tức cấp độ 3) thì sống trong sự dữ dội đến mức khó chịu. Cuộc sống của họ thường bị tổn hại ở khía cạnh ít ổn định hơn, như các mối quan hệ mới, xã giao trong kinh doanh hoặc những hoạt động có thể nảy sinh sự lo âu (chẳng hạn như việc đến trường).
Ở đỉnh thang (tức cấp độ 5) là những người nhạy cảm nhất, cảm xúc của họ luôn luôn mãnh liệt và dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng ở hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của họ, bao gồm các mối quan hệ gia đình, bạn bè và khả năng hoạt động hàng ngày của họ.
Bạn cần có một ý niệm nào đó về mức độ nhạy cảm của mình trên thang này, bởi nếu bạn đang ở cấp độ 4 hoặc 5 (tương đương mức “cực kì nhạy cảm” trong phần đánh giá sự nhạy cảm ở phần giới thiệu của cuốn sách này), bạn sẽ cần chủ động hơn trong việc rèn luyện các kĩ năng quản trị cảm xúc.
RỐI LOẠN TÂM LÍ VÀ SỰ NHẠY CẢM
Vì những lí do không rõ ràng, một số người bẩm sinh đã nhạy cảm và trải qua những tình huống căng thẳng, họ không phát triển các chứng rối loạn hành vi, tính cách hoặc cảm xúc, trong khi những người khác thì có. Một số người nhạy cảm cho rằng một niềm cảm hứng mãnh liệt như đọc sách, hoặc mối quan hệ nương tựa vào một người trưởng thành, như bố mẹ, ông bà hay thầy cô giáo, đã cải thiện đáng kể khả năng thích nghi của họ với cuộc sống.
Nếu bạn có những chẩn đoán về các chứng trầm cảm, lo âu, rối loạn nhân cách ranh giới, hoặc một chứng rối loạn khác phản ánh việc khó kiềm chế cảm xúc, thì việc trị liệu tâm lí nên là mối quan tâm hàng đầu của bạn. Có rất nhiều nghiên cứu lâm sàng cho thấy, trị liệu tâm lí có thể thay đổi cơ chế não bộ theo hướng tích cực với những người trầm cảm, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn sợ hãi, rối loạn lo âu xã hội, ám ảnh sợ hãi và rối loạn nhân cách ranh giới. Dù cuốn sách này không đưa ra cách chữa trị các chứng rối loạn trên, cũng không nhằm mục đích thay thế trị liệu, các kĩ năng ứng phó tôi sắp giới thiệu dưới đây vẫn có thể có ích với bạn. Nếu bạn đang trải qua trị liệu, hãy thảo luận về những ý tưởng trong cuốn sách này với nhà trị liệu của bạn trước khi thực hành. Nếu bạn đã hoàn thành quá trình trị liệu cho một chứng rối loạn cảm xúc nào đó, thì những ý tưởng này vẫn hữu ích trong việc quản trị cảm xúc hằng ngày của bạn.
GHIM 1
Nhạy cảm vừa là một món quà tuyệt vời, vừa là một thách thức to lớn đối với bạn. Đôi khi thật khó để trân trọng những mặt tích cực của sự nhạy cảm, bởi việc trải qua những cảm xúc mãnh liệt có thể rất đau đớn và dẫn đến những tình huống khó khăn. Các bước tiếp theo trong việc học cách quản lí cảm xúc để chúng không lấn át bạn là nhìn nhận sự nhạy cảm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào, và học về những kĩ năng quản lí cảm xúc cơ bản.