T
ư duy logic thường được coi là dấu hiệu của sự trưởng thành và trí thông minh. Nếu bạn là người dễ xúc động, việc muốn sống theo tiêu chuẩn của sự trưởng thành và trí thông minh có thể khiến bạn khó chấp nhận và khó đối mặt với cảm xúc của mình hơn, bởi cảm xúc của bạn thường lấn át lí trí. Có thể bạn tin rằng cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu không có nỗi buồn, sự ghen tuông, hay nỗi sợ hãi. Như thế, bạn sẽ không phải chịu đựng ánh nhìn của người khác khi bạn khóc vì giận dữ. Hoặc lúc đó mọi người sẽ không lắc đầu cho rằng bạn chỉ là đứa trẻ, vì cả ngày bạn tự hỏi tại sao người hàng xóm không chào hỏi sáng nay. Cuộc sống không có cảm xúc có vẻ sẽ khá hấp dẫn với bạn.
Song, cảm xúc cũng có thể đem đến thông tin quan trọng giúp bạn sống một cách an toàn và thoải mái. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi cho bạn biết khi nào phải chạy thoát khỏi nguy hiểm. Tình yêu thương cho bạn biết người bạn nên kết nối và bảo vệ. Niềm vui cũng có thể củng cố khả năng trân trọng những trải nghiệm tích cực. Cảm xúc của bạn còn là nguồn động lực quan trọng giúp bạn cải thiện và phát triển các kĩ năng và phẩm chất cá nhân. Bạn không thể lãng phí thời gian lên kế hoạch chạy trốn, khi một con hổ đói đang tấn công bạn, bạn sẽ muốn bỏ chạy, đúng không? Chính cảm xúc, chứ không phải lí trí, sẽ thúc đẩy bạn giúp người nghèo và những người đang gặp rắc rối (theo Linehan, 1993). Logic không phải là lí do ai đó nhảy xuống hồ nước lạnh như băng để cứu một đứa trẻ khỏi chết đuối. Do đó, một cách thức hiệu quả để đưa ra các quyết định hàng ngày là sử dụng tư duy logic kết hợp với dữ liệu từ cảm xúc của bạn.
Việc chấp nhận cảm xúc và thông tin chúng truyền tải có thể giúp bạn đưa ra lựa chọn tốt hơn. Một khía cạnh trong việc chấp nhận cảm xúc chính là thấu hiểu cách bạn thể hiện chúng.
CÁC KIỂU NHẠY CẢM THƯỜNG GẶP
Sự nhạy cảm có thể biểu hiện rõ thông qua hai hình thức: thiên hướng bộc lộ cảm xúc và thiên hướng tránh né cảm xúc. Tôi sẽ mô tả tách biệt hai khuôn mẫu hành vi này, nhưng rất có thể bạn nằm ở đâu đó giữa cả hai. Đôi khi hành vi của bạn còn tùy từng tình huống.
THIÊN HƯỚNG BỘC LỘ CẢM XÚC
Nếu bạn thường dễ bộc lộ cảm xúc, bạn sẽ hành động theo cảm nhận của mình mà không suy nghĩ. Bạn thể hiện cơn giận, nỗi buồn, niềm hạnh phúc, sự phấn khích và các cảm xúc khác với sự thích thú. Bạn sẽ chạy lên máy bay để đi thăm một người bạn dù không có tiền. Bạn là người khởi xướng nhảy múa và ca hát ở các bữa tiệc. Nếu sếp của bạn không ủng hộ yêu cầu nghỉ phép của bạn, bạn sẽ gửi cho sếp một email đầy giận dữ. Nếu bạn tìm thấy tin nhắn từ một người phụ nữ khác trong điện thoại của chồng, bạn có thể sẽ vứt hết quần áo của anh ta ra bãi cỏ. Nhưng ngày hôm sau, khi bạn bình tâm lại và nhận ra mẩu tin nhắn đó không có ý gì, bạn sẽ gửi cho anh ta hàng trăm tin nhắn xin lỗi.
Khi cảm xúc của bạn có xu hướng bộc phát, bạn khá khó khăn trong việc kiểm soát những cơn bốc đồng đi kèm cảm xúc mạnh của mình. Tại thời điểm bạn gửi email giận dữ cho sếp, bạn không màng đến việc mình có thể bị sa thải. Khi bạn ném quần áo của chồng bạn ra bãi cỏ, bạn không quan tâm đến lời giải thích chính đáng, chẳng hạn như mẩu tin nhắn là từ thư kí của anh ấy về một cuộc họp với khách hàng. Khi ấy, cảm xúc của bạn bảo rằng hành động đó là đúng. Nhưng sau đó, bạn ngượng nghịu vì mình cư xử rất bốc đồng. Bạn tự hứa rằng “Không còn lần sau nữa, không còn lần sau nữa”, nhưng rồi luôn luôn có lần sau.
Với những người nhạy cảm tiêu cực, bước đầu tiên để giảm thiểu sự rối loạn là trì hoãn hành động theo cảm tính. Bạn cần các giải pháp giúp bạn bình tâm lại để có thể suy nghĩ mạch lạc hơn và quyết định hành động nào hữu hiệu nhất. Chánh niệm hay tập tỉnh thức (mindfulness, xem chương 4)1 là một phương pháp tuyệt vời giúp bạn trì hoãn quá trình từ thôi thúc hành động đến thực sự hành động. Các kĩ thuật giúp bạn bình tâm khác tôi giới thiệu trong chương này cũng rất hữu ích.
THIÊN HƯỚNG NÉ TRÁNH CẢM XÚC
Nếu bạn là người né tránh cảm xúc, bạn không muốn đối mặt với những cảm giác khó chịu hoặc những tình huống dẫn đến chúng. Việc tránh né những cảm xúc đau đớn có thể là một ý tưởng tốt. Bạn có thể đóng băng cảm xúc của mình thông qua việc luyện tập quá sức, làm việc quá mức, ăn uống quá nhiều hoặc những hoạt động tương tự. Bạn có thể đẩy cảm xúc của mình ra xa để không phải nhận thức về chúng, nhanh đến mức bạn thậm chí không nhận ra chúng tồn tại. Việc không cảm nhận được cảm xúc của mình tốn rất nhiều năng lượng, vì thế bạn có thể thường xuyên mệt mỏi. Thực tế, một cảm giác mệt mỏi bất chợt có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang trốn tránh cảm xúc của mình.
Có thể bạn nhận thức được cảm xúc mình nhưng cố gắng che đậy chúng. Bạn giữ nụ cười trên môi và không hé lộ bất cứ sự thất vọng nhỏ nhoi nào. Bạn nói những lời như “Tôi ổn. Mọi thứ đều tuyệt vời.” Bạn có thể bộc lộ cơn giận để che đậy những cảm giác khác khiến bạn bị tổn thương, như nỗi buồn chẳng hạn. Tập chánh niệm có thể tăng khả năng nhận thức của bạn về những cảm xúc khắc nghiệt, để bạn có thể phát triển các giải pháp đối mặt với chúng. Việc từng bước nhận biết cảm xúc, như phân tích các cảm nhận cơ thể, truy lùng thôi thúc hành động và xác định nguyên nhân (xem chương 5), sẽ giúp bạn phát triển các giải pháp hiệu quả để phản hồi lại những cảm xúc của mình, những cảm xúc vốn đem đến cho bạn những thông tin chỉ dẫn bạn hành động.
Nếu bạn có khuynh hướng tránh né cảm xúc của mình, bạn có thể đặc biệt muốn bỏ qua các bài tập trong cuốn sách này. Song, việc thực hành các bài tập này không chỉ giúp bạn có được thông tin, mà còn giúp bạn vượt qua sự né tránh.
Tìm kiếm những cảm giác tốt đẹp
Nhìn chung, sự né tránh cảm xúc đi kèm với việc theo đuổi cảm giác tốt đẹp và không phải chịu đau đớn trong ngắn hạn, ngay cả khi hậu quả dài hạn là vô cùng tiêu cực. Việc trốn tránh những cảm xúc khắc nghiệt bằng cách theo đuổi một cảm giác yên ổn, tốt đẹp không thực sự hiệu quả. Bạn luôn muốn tìm kiếm niềm hạnh phúc nhưng mãi chẳng thể tìm ra nó. Hãy nghĩ xem, sau khi ăn một chiếc bánh nướng, bạn tin rằng ăn thêm một cái bánh nướng nữa sẽ thật tuyệt vời. Nhưng không như bạn nghĩ, ăn cái bánh thứ hai không thực sự khiến bạn hạnh phúc. Bạn có thể uống nhiều cà phê hơn, mua nhiều quần áo hơn, hay xếp hàng dài để mua điện thoại mới, ngay cả khi bạn đã có tất cả những thứ đó. Song, việc mong muốn có nhiều hơn thực chất lại dẫn đến cảm giác bất hạnh.
Như bạn biết đấy, vượt qua thôi thúc ăn uống quá nhiều, chi tiêu quá mức, hay cố gắng để cảm thấy tốt (và tránh né cảm xúc tiêu cực) là một việc không dễ dàng. Để làm được điều đó, bước đầu tiên là lên kế hoạch cho những gì bạn sẽ làm khi bạn cảm thấy buộc phải hành xử theo cách không có ích lắm. Hãy viết kế hoạch của bạn ra. Sau đấy, lựa chọn một hành vi hữu ích hơn, như tập thể dục, chơi cùng bạn bè hoặc gọi điện cho người khác để tìm kiếm sự trợ giúp.
Một lựa chọn khác bạn có thể làm là viết ra những lí do bạn không nên hành xử như vậy một lần nữa. Hãy giữ danh sách đó bên mình và đọc nó khi bạn đang muốn chạy theo những điều mà sau cùng lại khiến bạn khốn khổ hơn. Một số người thường đeo một đồ vật như viên đá hay chiếc vòng cổ có biểu tượng, hoặc một số đồ trang sức khác, coi đấy như một lời nhắc nhở bản thân về cam kết không tham gia vào những hoạt động đem lại cảm giác tốt đẹp giả tạo. Nếu bạn cảm thấy mình không thể dừng lại, hãy cân nhắc đến việc tìm kiếm chuyên gia có thể hỗ trợ và đưa ra cho bạn những lời khuyên hữu ích hơn.
Có nhiều động lực khiến bạn có mong muốn tìm kiếm những cảm giác tốt đẹp. Một trong số đó là nỗi sợ hãi trong bạn về chính những cảm xúc của mình. Bạn trở nên lo lắng ngay từ những dấu hiệu cảm xúc đầu tiên.
Chứng sợ hãi cảm xúc
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bạn phát triển chứng sợ hãi cảm xúc. Có thể hồi còn bé, bạn bị ông bà hay cha mẹ phạt rất nặng khi bạn thể hiện một cảm xúc nào đó, chẳng hạn như sự giận dữ. Có thể bạn đã nghe ở đâu đó rằng việc có cảm xúc là điều “sai lầm”. Cũng có thể bạn đã từng phải chịu đựng chứng trầm cảm sâu sắc trong một thời gian, và giờ đây bạn sợ rằng mình sẽ rơi vào trạng thái đó một lần nữa. Bạn sợ hãi việc mất kiểm soát khi bạn xúc động. Dù lí do là gì đi nữa, bạn cũng trở nên hoảng loạn khi trải qua những cảm xúc sợ hãi. Bạn cảm thấy tê liệt hoặc cảm thấy muốn chạy trốn ngay khi nhận ra dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn đang sợ hãi. Sự hoảng loạn của bạn đến nhanh tới mức bạn không nhận thức được cảm xúc nào đã gây ra nó, bạn chỉ biết rằng mình đang chìm trong lo âu, bị cảm xúc lấn át.
Thực ra thì, để vượt qua nỗi sợ hãi cảm xúc, bạn buộc phải trải qua những cảm xúc sợ hãi này. Chỉ bằng cách đó bạn mới có thể nhận ra rằng, cảm xúc không phải là thứ bất biến, chúng không kéo dài mãi mãi, bạn có thể chịu đựng chúng. Sự giúp đỡ của một nhà trị liệu có thể quan trọng trong tình huống như thế.
BỊ CẢM XÚC LẤN ÁT ẢNH HƯỞNG ĐẾN CUỘC SỐNG CỦA BẠN NHƯ THẾ NÀO?
Dù bạn có thiên hướng bộc lộ hay né tránh cảm xúc, hoặc lúc này lúc khác, thì cảm xúc của bạn vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn theo nhiều cách khác nhau. Mẫu khảo sát dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá xem những cảm xúc mãnh liệt có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến các khía cạnh đời sống của bạn.
Bạn có thể cảm thấy việc hoàn thành bài tập này sẽ gây đau đớn cho bạn. Hãy tìm sự ủng hộ từ ai đó thân thiết hoặc lên kế hoạch làm điều gì đó khi bạn trả lời xong. Điều này giúp bạn chuyển hướng sự chú ý của mình sang các hoạt động khác, như ăn trưa với một người bạn hoặc tập thể dục. Bạn có thể phân tán những ý nghĩ đau khổ liên quan đến bài tập này.
Việc nhận ra những lí do cần chuyển hướng sự chú ý sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện các kĩ năng ứng phó của bạn. Những cảm xúc bạn có thể trải qua khi làm các bài tập này chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu đâu đó còn bất kì sang chấn nào trong quá khứ chưa được tháo gỡ, hoặc nếu bạn có bất kì lí do nào tin rằng bài tập này có thể khiến bạn tổn thương, hãy chỉ làm khi có sự ủng hộ hoặc giúp đỡ từ một nhà trị liệu.
Bài luyện tập số 1:
LỢI ÍCH VÀ BẤT LỢI CỦA CẢM XÚC MÃNH LIỆT
Với mỗi khía cạnh đưới dây, hãy xem sự nhạy cảm có thể giúp ích và cản trở bạn như thế nào. Cách cảm xúc ảnh hưởng tích cực đến bạn có thể không rõ ràng ngay, nhưng nếu suy nghĩ kĩ, bạn có thể nhận ra rằng cảm nhận của bạn đã gắn kết mật thiết với cuộc sống của bạn. Bạn có thể tải phiên bản đầy đủ của mẫu khảo sát này tại: http://www.newharbinger.com/29934.
Quan hệ tình cảm, Hôn nhân
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Công việc
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Làm cha mẹ
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Bạn bè
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Ước mơ trong cuộc sống
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Học tập
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Thời gian rảnh, sở thích
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Đời sống tinh thần
Sự nhạy cảm giúp ích gì cho bạn?
......................................................................................
Sự nhạy cảm gây cản trở gì bạn?
......................................................................................
Giờ, hãy chú ý đến các xu hướng bạn nhận thấy trong câu trả lời của mình. Các cảm xúc mãnh liệt cản trở hay giúp ích cho bạn ở các khía cạnh có giống nhau hay không? Chính xác thì bạn muốn cái gì khác đi? Chẳng hạn, bạn thường xuyên nản chí và dễ dàng từ bỏ các dự án bạn đã cam kết hoàn thành và bạn muốn vượt qua điều đó. Việc học cách đối mặt với sự nản chí có thể trở thành một trong những mục tiêu của bạn.
Tiếp theo, bạn sẽ đi vào cụ thể cách bạn thể hiện cảm xúc của mình. Việc hiểu rõ những hành vi điển hình của mình khi có những cảm xúc nhất định sẽ giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn. Việc xác định những xu hướng phản ứng cảm xúc có thể giúp bạn thay đổi những xu hướng không hiệu quả và không lành mạnh.
Bài luyện tập số 2:
CẢM XÚC VÀ HÀNH VI CỦA BẠN
Hãy vẽ lại bảng dưới đây, hoặc tải về từ http://www. newharbinger.com/29934. Khoảng một hoặc hai tuần sau, bất cứ khi nào bạn trải qua một trong những cảm xúc được liệt kê dưới đây, đầu tiên hãy đánh giá cảm xúc đó theo thang từ 1 đến 5, trong đó 1 = thoáng qua, và 5 = cực kì mãnh liệt. Sau đó hãy viết ra những gì bạn làm khi bạn cảm thấy như thế. Chẳng hạn, nếu bạn buồn, bạn đã khóc. Hoặc bạn có thể nói chuyện với bạn bè, ăn quá mức, đi mua sắm, hoặc trốn tránh cảm xúc đó.
Bất kể bạn làm gì với cảm xúc của mình, bạn đều có những mong muốn với những gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn, khi bạn buồn, tùy theo điều bạn làm, bạn mong bạn có thể tránh được cảm giác buồn rầu, không cảm thấy quá cô đơn, quên đi những điều khiến bạn buồn, tìm ai đó chú ý đến bạn, hoặc thậm chí thay đổi hoàn cảnh đó. Nếu bạn ăn quá nhiều khi bạn buồn, có thể bạn đang tập trung đến việc cảm thấy ổn hơn trong thời gian ngắn và mặc kệ việc bạn cảm thấy ra sao về lâu về dài. Hãy viết ra điều bạn mong chờ sẽ xảy ra khi bạn làm điều bạn đã làm.
Ở cột “Kết quả thực tế”, hãy mô tả điều thực sự đã xảy ra, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Những thứ diễn ra chính xác như những gì bạn mong đợi, hoặc trái ngược hoàn toàn. Chẳng hạn, bạn có thể mong muốn bạn mình hỏi thăm khi bạn rút lui trong tức giận, nhưng thực tế là cô ấy đã mặc kệ bạn.
Hãy cố gắng ghi lại tất cả các thông tin sau trải nghiệm sớm nhất có thể. Bạn làm càng sớm, thông tin càng chính xác và hữu ích.
Khi đã hoàn thành bảng này (hoặc gần hoàn thành), hãy xem lại những gì bạn đã viết ở mỗi cảm xúc. Một số hành động có thể hữu ích, thỏa mãn mong muốn của bạn, trong khi các hành động khác lại cản trở bạn sống theo cách bạn muốn. Bạn có lặp đi lặp lại cùng một hành vi để đáp lại một cảm xúc nào đó dù nó không hiệu quả, thậm chí là không đem đến kết quả như mong đợi không? Hành động của bạn thay đổi phần nào theo mức độ mãnh mẽ của cảm xúc chứ?
Hãy ghi nhớ những gì bạn học được từ những bài tập trước khi bạn học những kĩ năng quản lí cảm xúc tổng quát hơn. Bạn có thể thay thế những hành vi không hiệu quả bằng những hành vi khéo léo hơn.
SƠ CỨU CẢM XÚC: BƯỚC ĐẦU LẤY LẠI THẾ CHỦ ĐỘNG
Giờ đây, bạn có thể đã nhận ra rằng khi cảm xúc đong đầy, bạn thường không hành xử bằng lí trí, và kết quả của hành động đó, về lâu dài, chẳng có gì là vui vẻ cả. Chẳng có gì là bất ngờ cả. Có thể bạn đã tự hứa nhiều lần rằng bạn sẽ không bị cảm xúc chi phối nữa. Bạn tin rằng vấn đề của bạn là thiếu sức mạnh ý chí trung thành với những gì bạn nói bạn sẽ làm. Nhưng sức mạnh ý chí của tất cả chúng ta đều có giới hạn, nó không vô hạn. Bạn có thể giữ lời hứa trong vài giờ hoặc vài ngày, và cảm xúc của bạn lại tiếp tục lấn át bạn1.
1 Baumeister, Bratslavsky, Muraven and Tice, “Ego Depletion: Is the Active Self a Limited Resource?” Journal of Personality and Social Psychology 74, 1998.
Trong trường hợp này, sức mạnh ý chí dường như không có tác dụng. Chỉ sử dụng ý chí, việc né tránh cảm xúc và theo đuổi cảm giác ổn thỏa nhất thời sẽ khiến bạn đau khổ hơn và dễ bị lấn át hơn về lâu về dài. Có một số phương pháp hiệu quả mà bạn có thể đã biết nhưng không sử dụng. Khi cảm thấy không thể kiểm soát được hành động của mình, bạn sẽ khó thấy rằng bạn có thể thực hiện các bước để tạo ra khác biệt.
Các kĩ thuật dưới đây sẽ giúp bạn ít bị cảm xúc làm cho choáng ngợp hơn. Ở các chương kế tiếp, tôi sẽ giới thiệu nhiều phương pháp cụ thể. Hãy nhớ rằng, chỉ biết về các phương pháp thì không đủ, quan trọng là bạn phải luyện tập và áp dụng chúng.
XÁC ĐỊNH NGUYÊN NHÂN KHƠI GỢI CẢM XÚC CỦA BẠN
Nếu bạn là người nhạy cảm, bạn thường không chắc chắn về những lí do đằng sau cảm xúc của mình. Đôi khi bạn cảm thấy suy sụp, sợ hãi hoặc tức giận nhưng không biết tại sao. Nếu bạn có thể xác định chính xác cảm nhận của mình và nguyên nhân gây ra cảm xúc đó, bạn sẽ biết cách đối mặt với nó hiệu quả hơn. Chẳng hạn, nếu bạn sợ hãi một cơn bão tuyết sắp tới, thì việc dự trữ thức ăn và lắp bánh xe đi trên tuyết cho ô tô của bạn là điều cần thiết và hợp lí bạn cần làm.
Nếu có thể thực hiện những hành động hợp lí để giải quyết vấn đề và tạo ra thay đổi, sẽ giúp bạn kiềm chế cảm xúc. Dù thế, đôi khi bạn cũng không cần làm gì cả. Nếu bạn nhận ra mình lo lắng vì người thân sắp có một cuộc tiểu phẫu nhỏ vào ngày mai, hãy hiểu rằng bạn chẳng thể làm gì để thay đổi tình huống, và lí do bạn buồn chỉ là tạm thời. Khi biết rằng bạn đang tạm thời đối mặt với nỗi lo âu đó, bạn sẽ tìm ra cách xoa dịu hoặc xao nhãng bản thân.
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn đang lo lắng nhưng chưa nghĩ đến nguyên nhân. Bạn trải qua cả tuần cảm thấy khó chịu. Cuối cùng, bạn nghĩ đến việc có thể khiến bạn khó chịu. Bạn nhận ra mình chưa nhận được tin tức gì từ công ty bạn xin việc tuần trước. Điều đó giúp bạn suy xét cảm xúc của mình. Bạn có thể cười và lắc đầu khi nhận ra rằng, dù mình rất thích công việc này, nhưng chẳng có gì tệ hại nếu bạn không trúng tuyển. Trong trường hợp này, việc xác định lí do đằng sau cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn quản lí cảm xúc theo cách khác.
Đôi khi, người nhạy cảm cho rằng lí do họ buồn là vì những điều thực sự tồi tệ vẫn xảy ra trên thế giới. Chắc chắn, suy nghĩ này càng làm họ buồn khổ hơn. Nhưng những ý tưởng chung chung như thế thường là kết quả của cảm giác buồn bã và tổn thương hơn là nguyên nhân. Hãy tìm ra những sự kiện cụ thể dẫn đến đánh giá tổng quan này. Nếu bạn nghĩ cuộc sống của bạn là một mớ hỗn độn thì sự kiện gần nhất cho thấy điều đó là gì? Những câu nói thực tế và chi tiết như, “Mẹ tôi nói bà tức giận và chán ngấy vì tôi lại hỏi xin tiền thuê nhà”, có thể giúp bạn tìm ra giải pháp cho vấn đề. Những câu nói chung chung mô tả cảm giác khốn khổ “Mẹ tôi thật ích kỉ”, sẽ chỉ khiến bạn cảm thấy bị lấn át và vô vọng. Hãy tiếp tục với một bài tập để tìm ra nguyên nhân dẫn đến nỗi buồn trong bạn.
Bài luyện tập số 3:
LIÊN KẾT CẢM XÚC VỚI NGUYÊN NHÂN
Hãy để ý bất cứ khi nào bạn trải qua một cảm xúc mãnh liệt. Sau mỗi lần, hãy điền vào mẫu câu hỏi dưới đây (bạn có thể chép lại hoặc tải ở http://www.newharbinger.com/29934) để giúp bạn quan sát các xu hướng hành vi của mình.
Cảm xúc bạn đang trải qua:
......................................................................................
Sự kiện khơi dậy cảm xúc đó (mô tả cụ thể):
......................................................................................
Bạn có thể giải quyết hoặc xoa dịu vấn đề không?
......................................................................................
Có hành động nào cần làm không?
......................................................................................
Nếu vấn đề không dễ gì giải quyết nhưng chỉ là tạm thời, bạn làm gì để xoa dịu hoặc làm bản thân xao nhãng?
......................................................................................
Sau khi làm bài tập này khoảng một tuần, bạn có thể cảm thấy dễ kết nối cảm xúc của mình với nguyên nhân của chúng hơn. Khi bạn hiểu rõ được lí do của bất kì cảm xúc cụ thể nào, bạn sẽ biết làm thế nào giải quyết chúng hiệu quả hơn.
CẢM XÚC ĐÔI KHI LÀ DO SUY NGHĨ CHỨ KHÔNG PHẢI DO HOÀN CẢNH THỰC TẾ
Khi bạn cảm thấy hạnh phúc hoặc vui sướng, bạn thường suy nghĩ tích cực, mọi thứ dường như đều đúng và thoải mái với thế giới này. Khi bạn buồn, bạn chú mọn vào nỗi đau hiện tại, mà không nhớ đến cảm giác tốt đẹp bạn từng có. Bạn không thể tin rằng mình có thể có lại cảm giác tốt đẹp đó lần nữa, mặc dù cuộc sống của bạn chẳng thay đổi gì lớn. Trong suốt khoảng thời gian đó, suy nghĩ của bạn thường bi quan và thường coi tất cả đều vô vọng. Bạn thường nghĩ theo kiểu như “Tôi cảm thấy đau khổ bởi thế giới này là một nơi tồi tệ và cuộc sống của tôi là một mớ hỗn độn.”
Như bạn biết đấy, đây là cách não con người hoạt động. Bạn có xu hướng nhìn nhận thế giới bằng cảm xúc của mình ở một thời điểm nhất định. Với tuýp người nhạy cảm, điều này có thể tạo ra một cung đường cảm xúc khúc khuỷu, hôm nay bạn đang cao hứng nhưng hôm sau bạn đã suy sụp.
Có một cách để từ bỏ niềm tin rằng sự đau khổ của bạn kéo dài mãi mãi, đó là truy tìm nguồn cơn của những cảm xúc mãnh liệt đấy. Bạn nên có một cuốn nhật kí để ghi lại những cảm xúc của mình và những sự kiện xảy ra mỗi ngày. Sau vài tháng, hãy đọc lại những gì bạn đã ghi. Bạn sẽ nhận thấy quan điểm của mình thay đổi theo từng cảm nhận. Việc thừa nhận rằng suy nghĩ của bạn thường phản ánh cảm xúc của bạn, chứ không nhất thiết là do hoàn cảnh sống thực tế khiến bạn buồn bã.
KHÔNG NUÔI DƯỠNG NHỮNG CẢM XÚC ĐAU ĐỚN
Để quản lí cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn, sự thất vọng, bạn có thể không làm những việc khiến những cảm xúc đó trở nên mạnh mẽ hơn. Song, nói vẫn dễ hơn làm. Khi bạn trầm cảm suy sụp, lẽ dĩ nhiên bạn có thể không chọn ở cạnh những người vui vẻ đang cười nói. Bạn sẽ tìm kiếm những người không vui khác. Nếu bạn đang tức giận ai đó, bạn sẽ nghĩ đến nhiều lí do để tức giận với người đó hơn, kết quả là bạn càng bực tức lâu hơn. Nếu bạn vừa chia tay người yêu, bạn sẽ u sầu trong những bài hát buồn thương bi phẫn. May mắn là, có nhiều cách có thể giúp bạn ngăn chặn những dòng cảm xúc tiêu cực thêm trầm trọng hơn.
Dừng “tua lại” những đoạn băng cũ xước
Khi bạn tức giận, sợ hãi hay trải qua các cảm xúc khó chịu khác, bạn có thể tua đi tua lại trong đầu bất kì điều gì khiến bạn cảm thấy như vậy. Bạn có thể tìm kiếm nhiều bằng chứng để củng cố và biện minh cho những cảm nhận của mình. Bạn nhớ đến tất cả những bất công mà người khác làm với bạn, hay những lúc có người nào đó bị tổn thương, hoặc tất cả những lỗi lầm bạn phạm phải. Hành vi này rất phổ biến, thậm chí bạn có thể lôi ra bất cứ chuyện gì để biện minh cho cảm xúc của mình, kể cả những chuyện không đáng, chổi cùn rế rách. Tuy thế, việc liệt kê những bất công trong quá khứ không giúp bạn tháo gỡ tình huống hiện tại. Nó chỉ khiến bạn buồn càng thêm buồn mà thôi.
Một cách để bạn dừng việc khơi lại cảm xúc là nhẹ nhàng nhắc bản thân nhìn vào hiện tại. Hãy chỉ tập trung vào tình huống đang diễn ra. Nếu tâm trí bạn cứ trôi về quá khứ, hãy chậm rãi chuyển hướng sự chú ý của bạn trở lại hiện tại, cứ thế và cứ thế (tôi sẽ nói thêm ở chương 4).
Bạn cũng có thể làm theo bài tập tỉnh thức thông dụng sau: Hãy chú ý đến những trải nghiệm trong quá khứ khiến bạn đau buồn. Sau đó để ý xem những suy nghĩ khi ấy của bạn có hữu ích hay không. Hãy mô tả những suy nghĩ đó như thế này: “Đó là một suy nghĩ có ích” hoặc “Suy nghĩ đó không có tác dụng gì cả.”
Một lựa chọn khác là luyện tập chấp nhận. Việc chấp nhận những gì đã xảy ra không có nghĩa là bạn tán thành hay đồng ý câu chuyện đấy. Việc chấp nhận những gì đã xảy ra chỉ có nghĩa là bạn thừa nhận nó tồn tại. Bạn dừng ước mong nó khác đi, dừng tin rằng nó đáng ra không nên xảy ra. Bạn dừng trách cứ người khác và chấp nhận rằng nó đã xảy ra. Hãy chấp nhận những suy nghĩ của bạn. Chấp nhận rằng bạn đang có một suy nghĩ u buồn có nghĩa là bạn cũng dừng việc đấu tranh với suy nghĩ đó. Mỗi lần bạn trải qua suy nghĩ này, hãy gắn cho nó cái nhãn “Đây chỉ là một ý nghĩ” và ngăn bản thân đi vào con đường “Giá như”. Hãy nhớ là, bạn thừa nhận những gì bạn nghĩ, không có nghĩa rằng đấy phải là sự thật. Con người luôn luôn có những suy nghĩ mông lung, không phản ánh sự thật. Nhiều ý nghĩ của chúng ta là về những thứ chúng ta không kiểm soát được.
Bạn cũng có thể thay thế bằng những suy nghĩ khác để dừng việc tua đi tua lại vô ích một tình huống tiêu cực, một đoạn băng cũ xước nào đó. Chẳng hạn, bạn đếm ngược các số từ 100 đến 1 cách nhau 3 đơn vị hoặc nhẩm bảng cửu chương trong đầu. Nghe có vẻ trẻ con, nhưng đây là một cách làm khá hiệu quả và cũng rất hay ho nữa.
Thoát ra khỏi tư duy cảm tính
Khi cảm xúc của bạn đang dâng trào, rất dễ để tin vào những suy nghĩ đi cùng với chúng. Những suy nghĩ này được gọi là lập luận cảm tính. Đôi khi chỉ vì trải qua nỗi sợ hãi hay một cảm xúc đau đớn nào khác, cũng khiến bạn chắc chắn rằng có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Chẳng hạn, nếu bạn sợ không qua được bài kiểm tra năng lực, bạn sẽ có ý nghĩ “Tôi chắc chắn sẽ trượt bài kiểm tra.” Hoặc nếu bạn sợ hãi sức khỏe của mình có gì nghiêm trọng, bạn có thể nghĩ rằng: “Tôi ốm thật rồi.”
Một niềm tin đầy cảm tính về những gì sẽ diễn ra như thế, có thể làm cho tình huống trở nên tồi tệ hơn. Chẳng hạn, nếu bạn tích trữ suy nghĩ “Tôi chắc chắn sẽ trượt bài kiểm tra” dựa vào cảm giác của mình, bạn có thể tránh làm bài kiểm tra đó hoặc không ôn tập thật kĩ càng, vì bạn nghĩ việc đó có vẻ vô ích. Vì thế, bạn để tuột mất cơ hội thực sự vượt qua bài kiểm tra đó. Nếu bạn tin vào suy nghĩ “Tôi ốm thật rồi”, bạn có thể tránh đi gặp bác sĩ, vì bạn thà không biết nó tệ như thế nào, còn hơn biết rồi lại thêm nhiều âu lo. Nếu thế thì bất kì vấn đề sức khỏe nào bạn mắc phải đều trở nên nghiêm trọng và khó chữa hơn. Bạn cũng đánh mất luôn cơ hội nghe bác sĩ bảo bạn không sao cả, sức khỏe của bạn vẫn tốt, và bỏ đi mối lo ngại thường trực của mình.
Cảm xúc cho bạn thông tin, nhưng đôi khi thông tin có thể bị diễn giải sai. Lập luận cảm tính lắm lúc giống như báo động giả. Bạn có thể lo lắng về kết quả kiểm tra sức khỏe, nhưng cảm xúc đó không có nghĩa là kết quả sẽ không tốt. Cảm thấy tồi tệ về một buổi phỏng vấn xin việc không có nghĩa là bạn không có khả năng đảm nhận công việc đó.
Lập luận cảm tính khác với trực giác. Khi bạn sử dụng trực giác của mình, bạn sẽ bình tĩnh và có cảm giác mình biết về điều đó. Bạn biết điều gì đó là đúng, ngay cả khi bạn không lí giải được tại sao, và hầu như không có cảm xúc đi kèm với sự biết đó. Khi bạn tư duy cảm tính, bạn thường dễ căng thẳng và dễ bị kích động.
Việc xác định bạn đang phản ứng bằng trực giác hay lập luận cảm tính là rất quan trọng. Nếu bạn đang phản ứng theo lập luận cảm tính, hãy thừa nhận rằng suy nghĩ của bạn dựa trên cảm xúc chứ không phải thực tế. Hãy thử các bài tập hít thở, thư giãn và những ý tưởng khác trong chương này để giảm cảm xúc khó chịu.
DÀNH THỜI GIAN ĐỂ NGHỈ NGƠI
Khi đang trải qua một cảm xúc khó chịu như sợ hãi hay tức giận, bạn có thể muốn giải quyết vấn đề sớm nhất có thể. Nhưng việc đưa ra quyết định trong những lúc cảm xúc đang rối ren, e rằng là không nên, vì nó thường mang nhiều cảm tính. Thay vào đó, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi cho đến khi bạn bình tâm lại, có thể dùng lí trí mà suy nghĩ. Những gì bạn làm khi nghỉ ngơi rất quan trọng. Một số hành động sẽ giúp bạn quản lí hiệu quả cảm xúc của mình, trong khi một số khác khiến bạn buồn rầu hơn. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn điều hòa cảm xúc.
Bài tập hít thở
Cơ thể của bạn có xu hướng căng thẳng khi bạn cảm thấy buồn bã. Một trong những phương pháp giúp thân bạn bình tĩnh, yên ổn hơn là hít thở chậm. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng, đồng thời mím môi lại và phồng hai má để tạo ra âm thanh. Bạn có thể đếm theo nhịp từ 1 đến 7 trong lúc hít thở. Dù bạn muốn đếm tới số nào, hãy hít vào ở khoảng giữa. Chẳng hạn, nếu bạn đếm tới 7, hãy hít vào ở số 3 hoặc 4. Lặp lại 4 lần như thế. Hãy luyện tập 1 - 2 lần/ngày, hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy buồn bã, khó chịu.
Hình dung hoặc tưởng tượng theo chỉ dẫn
Hình dung là một phương pháp sử dụng trí tưởng tượng để tạo ra những sự kiện làm bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Hình dung hay tưởng tượng theo chỉ dẫn là khi có ai đó bảo bạn cần tưởng tượng những gì, thông qua các video hoặc bản ghi âm hướng dẫn. Mọi người thường tham gia bài tập hình dung để giảm áp lực, hoặc giúp bản thân ngừng tua lại các sự kiện trong tâm trí.
Bạn có thể muốn hình dung ra mọi khó khăn đều được thổi bay. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn nhét những ý nghĩ rắc rối của mình trong một cái hòm sắt khóa chặt. Sau đó, bạn bỏ cái hòm xuống hố sâu. Hoặc bạn thả trôi nó trên biển, để những ý nghĩ đó đi xa mãi và không làm phiền bạn nữa.
Bạn cũng có thể hình dung bản thân đang ở một nơi thư thái: Hãy giữ một tư thế thoải mái. Bạn hít vào và thở ra, thật sâu và thật chậm. Cứ tiếp tục hít thở như vậy. Hãy cảm nhận luồng khí tiến vào cơ thể bạn và cảm nhận nó khi bạn thở ra. Bạn cảm thấy mình càng lúc càng nặng nề hơn. Tại thời điểm đó, bạn không có nơi nào để đi, không có gì để làm. Hãy tập trung vào nhịp thở của bạn khi hít vào và thở ra, thư giãn các cơ.
Hãy tưởng tượng bạn đang bước đi trên một bãi biển dài đầy cát. Từng lớp cát trắng tinh, mịn và ấm dưới đôi chân trần của bạn. Không khí có chút hơi mặn của biển và chút mát lành của gió. Bạn đến gần biển hơn, làn nước xanh lấp lánh trong sạch như pha lê. Những chú sò với đầy đủ hình thù kích thước, sáng long lanh bên mép nước, dưới những làn sóng. Bạn đứng đó một lúc lâu, ngắm nhìn và lắng nghe sóng vỗ nhè nhẹ. Mặt trời ấm áp, nắng mơn man trên làn da bạn. Bầu trời xanh thẳm không một gợn mây. Một làn gió nhẹ thoảng qua, vài giọt nước biển mằn mặn bắn lên mặt và cánh tay bạn. Thỉnh thoảng, bạn nghe thấy từ xa tiếng kêu loáng thoáng của một con mòng biển. Rồi, bạn để ý thấy một lùm cây cọ cách đó không xa, xung quanh là những bông hoa nhiệt đới rực rỡ sắc màu. Bạn bước qua để chiêm ngưỡng những bông hoa tuyệt đẹp ấy và thấy một chiếc võng mắc giữa hai cây cọ. Bạn nằm lên võng, gối đầu lên cái gối ở trên đó. Bạn nằm yên, lắng nghe sóng vỗ lại gần rồi ra xa, vào gần rồi lại ra xa, cứ như thế và như thế. Bạn hít vào và thở ra, cho qua mọi cơn căng thẳng.
Bài luyện tập số 4:
TỰ TẠO BỨC TRANH TƯỞNG TƯỢNG CHO RIÊNG MÌNH
Bạn có thể tạo ra bức tranh tưởng tượng cho riêng mình sẽ đem lại cho bạn nhiều hiệu quả tích cực hơn. Bạn thích một chiếc cabin trên núi hơn là dưới biển. Một vài mùi hương và âm thanh có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu. Để giúp bạn đưa ra những ý tưởng về bức tranh của riêng mình, hãy đi theo chỉ dẫn dưới đây và viết ra câu trả lời của bạn.
1. Cách thư giãn bạn yêu thích là gì?
2. Những gì giúp bạn thư giãn nhất khi bạn quan sát?
3. Những mùi hương nào giúp bạn thư giãn nhất?
4. Thứ gì giúp bạn thoải mái nhất khi chạm vào?
5. Nơi nào khiến bạn thoải mái nhất? Hãy mô tả thêm trải nghiệm của bạn về nơi này bằng tất cả các giác quan;
6. Bạn muốn thêm những ai vào bức tranh tưởng tượng?
7. Bạn muốn đi lại hay ở yên một chỗ?
Bây giờ, hãy kết hợp tất cả các câu trả lời lại thành một câu chuyện tưởng tượng. Chẳng hạn, nếu mùi hương yêu thích của bạn là mùi bánh táo, bạn có thể tưởng tượng mùi hương đó thoảng qua bạn mà không biết nó đến từ đâu. Khi đã viết ra câu chuyện tưởng tượng của mình, hãy tự thu âm câu chuyện hoặc bạn có thể nhờ một ai đó thu âm lại. Hãy lưu nó vào trong điện thoại hoặc một thiết bị khác, để bạn có thể mở ra nghe bất cứ khi nào bạn cần.
Bài tập thư giãn cơ tăng dần độ khó
Bài tập này làm giảm sự căng cơ và mức độ lo lắng của bạn. Về cơ bản, trong kĩ thuật này, bạn sẽ co các nhóm cơ lại khi hít vào và giãn chúng khi thở ra. Hãy bắt đầu với bàn chân, từ các ngón chân rồi đến bắp chân, dần dần lên mặt. Thư giãn cơ tăng dần có thể giúp bạn làm giảm lo lắng, đồng thời cải thiện tình trạng mất ngủ.
Xao nhãng bản thân
Đôi khi cách tốt nhất để bình tâm lại là khiến bản thân xao nhãng khỏi những gì làm bạn buồn, khó chịu. Hãy cảm nhận mọi cảm xúc của bản thân trước khi sử dụng phương pháp xao nhãng. Việc cảm nhận cảm xúc này rất quan trọng, nhằm giúp thân thể bạn nhận được tín tức rằng bạn không sử dụng phương pháp xao nhãng để né tránh những cảm xúc của mình. Nhưng việc tiếp tục cảm nhận những cảm xúc mãnh liệt trong thời gian dài có thể vô cùng mệt mỏi.
Bạn nên nghỉ ngơi khi có thể: chơi trò chơi, xem phim hoặc trò chuyện với một người bạn. Dĩ nhiên, phương pháp xao nhãng không loại bỏ được những cảm giác đau đớn, nhưng nó giúp bạn chịu đựng chúng cho đến khi tình huống qua đi và sự mãnh liệt trong cảm xúc giảm dần.
Khởi động lại cảm xúc
Đôi khi rất khó để bạn cho qua một cảm nhận. Việc tìm ra cách “khởi động lại” cảm xúc của mình có thể có ích cho bạn. Người xưa nói rằng mọi thứ đều có vẻ tốt đẹp hơn vào buổi sáng quả không sai1. Nếu chẳng còn phương pháp nào hiệu quả, tốt nhất là đi ngủ. Khi bạn thức dậy, sẽ cảm thấy ít buồn rầu hơn.
1 Cartwright R, The Twenty-Four Hour Mind: The Role of Sleep and Dreaming in Our Emotional Lives, New York: Oxford University Press, 2010.
Tập thể dục rất tốt trong việc làm giảm lo âu và giúp xoa dịu cảm xúc của bạn, giúp bạn suy nghĩ mạch lạc hơn. Bất kì bài tập nào tăng nhịp tim đều có ích.
Việc thay đổi nhiệt độ cơ thể cũng rất hiệu quả. Tắm bằng nước ấm hoặc đi dạo trong thời tiết êm dịu cũng là một phương pháp tốt.
Đôi khi chỉ cần cười lớn, một nụ cười dài và sâu dưới bụng, cũng có tác dụng làm giảm sự u buồn. Bạn chỉ cần cười thôi là đủ.
HÃY NHỚ VỀ “BỨC TRANH LỚN”
Cảm xúc của bạn có thể khiến bạn mù quáng trước sự thật về con người hoặc tình huống không củng cố cho những cảm xúc bạn đang trải qua lúc này. Chẳng hạn, khi bạn đang tức giận ai đó, bạn khó mà nghĩ rằng người đó luôn luôn hiền lành và tử tế. Sự tức giận thu hẹp tầm nhìn của bạn, những gì bạn thấy chỉ là người ta tồi tệ thế nào và bạn ghét anh ta ra sao. Hay khi vợ bạn quên mua rau củ vào phút cuối cho bữa tiệc bạn chủ trì trong một tiếng nữa. Khả năng cao là bạn sẽ tức giận và nhớ lại những lúc cô ấy không hoàn thành công việc, mà quên đi những lúc cô ấy tháo vát và quán xuyến mọi thứ đâu vào đấy. Nếu bạn khuyến khích bản thân nghĩ về những lúc vợ luôn ủng hộ mình, bạn sẽ có một cái nhìn cân bằng và chính xác hơn.
Hãy lập ra một danh sách những việc mà mọi người thường xuyên hỗ trợ và giúp đỡ bạn. Hãy luôn mang theo danh sách này. Khi bạn giận dữ hoặc thất vọng về họ, hãy đọc lại nó để giúp bạn luôn nhớ về một bức tranh toàn cảnh và thầm cảm ơn họ.
TẠO RA MỘT CẢM XÚC KHÁC BIỆT
Đôi khi việc quản lí cảm xúc của bạn cùng đồng nghĩa với việc tạo ra một cảm xúc khác, một cảm xúc tích cực hơn.
Đặc biệt là khi một cảm xúc cần nhiều thời gian để phai mờ và hoàn cảnh lúc đó không phù hợp với cảm xúc mãnh liệt của bạn (bạn không rõ tại sao mình phản ứng như thế), sẽ tốt hơn nếu bạn tham gia một hoạt động có thể tạo ra cảm xúc đối lập với cảm xúc hiện tại của bạn1. Chẳng hạn, nếu bạn suy sụp hoặc lo lắng, việc xem một chương trình vui nhộn có thể cho bạn những tràng cười sảng khoái và cảm giác lo lắng sẽ dần vơi đi. Nói chuyện hoặc nghĩ đến người bạn yêu thương (hoặc yêu thương bạn) cũng có tác dụng tích cực. Có thể bao dung với người khiến bạn giận dữ chắc chắn sẽ thay đổi cảm xúc của bạn.
1 Marsha M. Linehan, Cognitive Behavioral Treatment of Borderline Personality Disorder, New York: Guilford Press, 1993.
SUY NGHĨ VỀ THỰC TẠI
Thỉnh thoảng lúc bạn bị cảm xúc lấn át, đó là bởi bạn đang nghĩ về tương lai. Bạn có thể đang tự hỏi làm thế nào có bằng đại học khi bạn vẫn đang học các môn năm nhất. Hoặc làm thế nào để chuyển nhà mới khi bạn mới chỉ đang tìm kiếm. Có thể bạn đang nói với chính mình rằng chẳng có cách nào giúp bạn chống chọi với những áp lực công việc này cho đến tận cuối tuần.
Điều này có khó hiểu quá không? Hãy tưởng tượng, nếu bạn là một đứa trẻ, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi đọc một cuốn giáo trình đại học. Hẳn là bạn sẽ choáng ngợp lắm khi mải miết nghĩ đến cái đích cuối cùng. Nhưng nếu bạn chỉ nghĩ về những gì bạn cần làm bây giờ, bạn có thể kiểm soát nó.
Có thể những sự kiện hàng ngày thường dẫn đến việc bạn có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, kiểu như “Làm sao mình chịu đựng nổi hôm nay sau lời xúc phạm của chị gái?” Câu trả lời đơn giản thôi: Hãy tập trung vào hành động kế tiếp. Nếu những việc tiếp theo bạn phải làm là đi siêu thị, hãy chú tâm vào việc lấy xe, sau đó tập trung lái xe đến siêu thị và mua những thứ mình cần trong danh sách. Việc chỉ làm những thứ bạn cần làm trong một thời điểm nhất định sẽ làm giảm cảm giác choáng ngợp của bạn.
KHÓC CHƯA CHẮC ĐÃ LÀ TIÊU CỰC
Nếu bạn là người nhạy cảm, hẳn bạn cũng là người dễ rơi nước mắt. Bạn thường lo lắng về việc khóc có liên quan gì đến tính cách của mình. Nếu mọi người bảo bạn “lúc nào cũng khóc”, thì bạn đánh giá mình tiêu cực. Bạn có thể coi việc khóc là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tuy nhiên, khóc thực chất cũng là một cách để giải tỏa những cảm xúc mạnh mẽ. Khóc có những mặt tốt của nó.
Đầu tiên, khóc được xem là một hành vi có tính hợp tác, một hành vi mang nghĩa hướng về hòa bình và tình bạn, thay vì sự khắc nghiệt. Dấu hiệu “khóc” với người khác có nghĩa là bạn không muốn gây gổ. (Sau tất cả, bạn cũng chẳng thể chiến đấu tốt khi nước mắt giàn giụa ở khóe mi.)
Thứ hai, khóc cho thấy bạn là người dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ và dễ đồng cảm trong các mối quan hệ, vốn là một yếu tố cần thiết cho sự thân thiết. Khi bạn khóc, bức tường phòng vệ của bạn gần như đã sụp đổ. Đây là một cơ hội tốt cho cả bạn và người khác gần gũi hơn. Theo cách này, việc khóc có thể giúp bạn xây dựng các mối quan hệ thân thiết, góp phần vào một cuộc sống hạnh phúc và viên mãn.
Thứ ba, khóc là một phương thức hữu hiệu để nhận được sự giúp đỡ hoặc an ủi, bởi hầu hết mọi người đều có bản năng giúp đỡ hoặc xoa dịu người đang khóc.
Thứ tư, khóc là một cách khác để bạn thể hiện cảm xúc của bản thân. Chúng ta có thể cười đến phát khóc. Chúng ta khóc cả khi hạnh phúc, hân hoan, cũng như khi sợ hãi, đau khổ hoặc buồn bã. Một số người khóc khi họ tức giận. Đôi khi bạn thấy mình khóc vì những cảm xúc mạnh mẽ mà bạn không thể nói thành lời.
Cuối cùng, khóc cũng có thể giúp bạn bình tâm lại. Trong lúc khóc, cùng với nước mắt, thân thể sẽ giải phóng oxytocin và opioid nội sinh, còn được gọi là endorphin có thể giúp bạn giảm đau cả về thể chất và tinh thần. Endorphin giống như liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể giúp ngăn chặn cơn đau và giảm cảm giác khó chịu.Oxytocin hay còn gọi là hormone tình yêu có thể mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc. Nhờ thế, bạn thường cảm thấy ổn hơn sau khi khóc1. Khóc có lẽ là một cách giải tỏa cảm xúc khá tích cực.
1 William H Frey. Crying: The Mystery of Tears, Minneapolis: Winston Press, 1985.
Bài luyện tập số 5:
LUYỆN TẬP SƠ CỨU CẢM XÚC
Hãy dành một tuần để luyện tập các kĩ năng được thảo luận ở chương này. Hãy luyện tập cả khi bạn buồn bã hoặc không. Sau đó, ghi lại cách bạn áp dụng từng kĩ năng và hiệu quả của nó như thế nào. Bạn có thể luyện tập thêm vài tuần nữa, trong khi tiếp tục đọc cuốn sách này, điều đó giúp bạn củng cố các kĩ năng của mình. Bạn cũng có thể muốn quay lại bài tập này (và các bài tập khác) sau khi hoàn thành cuốn sách. Bạn có thể phóng to bài tập phía dưới hoặc tải bản đầy đủ ở http://www.newharbinger.com/29934).
Xác định nguyên nhân khơi gợi cảm xúc của bạn
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Không nuôi dưỡng những cảm xúc đau đớn
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Dành thời gian để nghỉ ngơi
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Nhớ về “Bức tranh lớn”
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Tạo ra một cảm xúc khác biệt
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Suy nghĩ về thực tại
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
Khóc
Bạn sử dụng kĩ năng này thế nào
......................................................................................
Tác dụng của kĩ năng này
......................................................................................
GHIM 2
Cảm xúc có thể lấn át lí trí của bạn đến mức bạn hành động theo cách khiến cuộc sống của mình chệch khỏi hướng đi ban đầu. Hãy chú ý và thấu hiểu những xu hướng phản hồi cảm xúc của bạn và cách chúng ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Điều này có thể gây khó chịu, nhưng nó sẽ giúp bạn biết bạn cần làm gì để quản lí cảm xúc của mình. Ở chương này, bạn đã học được những phương pháp ứng phó tổng quan. Trong chương tiếp theo, chúng ta sẽ đi cụ thể vào cách quản lí hiệu quả cảm xúc của bạn.