Mình rất thích ý khai thị này từ hòa thượng Tuyên Hóa mà có dịp được nghe qua bài Pháp giảng. Một sự khai mở ví dụ rất sát với thời đại của chúng ta, để thấy tính uyển chuyển, linh hoạt của Phật pháp.
Để bạn thấy, trong cuộc sống này, không nhất thiết phải làm gì quá to tát, miễn trong mỗi hành động chúng ta ý thức làm từ tâm, nhận diện sự hiện hữu trong hiện tại thì đã là sống bình thường nhưng không tầm thường với các điều thiện ý.
Hòa thượng Tuyên Hóa có bài kệ thế này:
“Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông
Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong
Cho đến non cao nước cùng tận
Rong chơi pháp giới khắp Tây Đông.”
Trong đó chữ Niệm thứ nhất trong câu “Mỗi niệm chân thành mỗi niệm thông” là niệm từ Tâm. Chữ niệm thứ hai là từ nơi miệng phát ra. Bạn nhớ nha, Niệm từ Tâm, rồi mới phát ra từ Miệng.
Khi Tâm và Khẩu hợp nhất, bạn sẽ thấy sự an nhiên và cảm nhận được sự vi diệu. Cũng giống như gọi điện thoại vậy đó bạn à, nếu bạn chỉ niệm, chỉ quán tên các ngài theo thói quen mà không đặt tâm mình vào trong khoảnh khắc đó, thì cũng giống như điện thoại di động đang dùng có 10 số mà bạn chỉ bấm có đâu chừng hai ba số, vậy thì làm sao mà gọi được. Làm sao mà “đầu dây” bên kia nhận được.
Hoặc bạn không chịu gọi thì đầu dây bên kia cũng chẳng ai có thể “trò chuyện” với bạn đâu. Nếu khổ mà cứ mãi ở đó mà than khóc, không có “động thái”, không biết tự mình phấn đấu thì làm sao mà cơ vần xoay chuyển được nè.
Nếu bạn là người có niềm tin vào Phật pháp, mỗi ngày cố gắng duy trì một thời tĩnh tâm hoặc niệm Phật, mình nói vui là dành chừng 15 – 30 phút “quay số” điện thoại “trò chuyện” với các vị.
Khi đó, chúng ta gọi điện thoại mà biết rõ tiếng nói của “đầu dây” bên kia, chỉ bạn mới cảm nhận được. Cho nên như hòa thượng nói trong bài kệ trên rằng: “Tịch lặng cảm ứng tịch lặng trong”.
Nhưng mà người xưa cũng có câu: “Quân tử cầu nơi mình, tiểu nhân cầu nơi người”. Để không mang tâm ỷ lại, mang tâm mong cầu, để cứ nghĩ lạc lối rằng dành một thời để hướng tâm, niệm Phật, thậm chí dành cả ngày để tụng kinh là đã đủ “kết nối” được với Chư Phật.
Chúng ta nên chân thành, không hư ngụy. Hư ngụy thì như “hoa không nở, quả không kết”.
Khi chúng ta đặt lòng tin theo Phật pháp thì bạn phải nhớ đừng bao giờ lừa dối chính bản thân.
Hòa thượng giảng ý rất rõ là: Các bậc Chư Tổ tùy cơ ứng biến, nói Phật dùng lực tiếp dẫn, xoay chuyển là để khích lệ cho chúng ta phát lòng, phát tâm. Chứ ngẫm sâu hơn sẽ thấy sự phóng ánh sáng hào quang gia hộ cho chúng ta, sự tương ưng hay tha lực của các vị, thật ra đó cũng là do công đức của chính chúng ta đã niệm trì.
Niệm Phật, tụng kinh mà tâm hy vọng, trông mong thì thật ra sẽ bị vướng vào tâm tham, tâm ỷ lại. Đây là một loại chướng vô cùng vi tế mà tất cả chúng ta phải tỉnh giác. “Làm Phật vốn không phải Phật ban cho thành Phật, chúng sanh nên tự cường”.
Chúng ta dựa vào lực bản thân, mạnh mẽ, dũng khí, xem sự nương tựa chỉ là phương tiện, xem các thời hành trì, công phu niệm Phật, tụng kinh là phương tiện ban đầu để tỉnh thức.
Bạn cứ thực hành nhé, mỗi ngày như vậy, dẫu biết không trông chờ kết quả, nhưng với kinh nghiệm từ các bậc trí tuệ rằng, nếu bạn duy trì mỗi ngày hành trì kết nối bằng Tâm mình, thì từ trong người bạn sẽ tự phát ra một loại ánh sáng vô hình, ánh sáng đó giao cảm với ánh sáng quang minh của Chư Phật, Bồ tát. Mà khi giao cảm rồi, mọi điều sẽ chuyển biến hay lắm bạn à.
Mỗi ngày nhìn ra một chút, chuyển biến một chút, “điện thoại” cho các vị một chút. Đừng ngại khó, “tổng đài” cõi giới thanh tịnh đang chờ những “cuộc gọi” của bạn đó, đảm bảo không sợ tắc nghẽn đường truyền nhen.