Những ngày đầu làm quen môi trường tu tập, trong các thời công phu tụng kinh, vì các thầy (mà mình gọi là sư huynh) vốn “quen mặt” kinh nên tụng rất nhanh, giọng ngân nga trầm bổng nghe rất êm. Mình cuốn theo nhịp điệu tụng từ giọng dẫn kinh, tụng từ trang này qua trang nọ, chương này qua chương khác, rất chú tâm để tụng không bị vấp chữ hoặc bị “bỏ lại” đằng sau.
Hết thời kinh, vì quá tập trung theo con chữ, nên khi đóng quyển kinh lại, thiệt sự bản thân mình còn không biết được nội dung chương đó nói về cái gì. Bởi ngữ nghĩa trong kinh khó lòng mà hiểu ngay nếu chỉ đơn thuần là tụng theo “lào lào”, huống chi là có những quyển kinh hay chương mà lần đầu tụng thì khó lòng nắm bắt ngay được.
Vậy là sau thời kinh, mình phải dành thời gian đọc lại chương đó lần nữa, đọc theo kiểu đọc sách, nghiền ngẫm, từ từ. Đọc một lần không hiểu thì đọc lại sẽ hiểu, không sao.
Nhưng vấn đề là, ngay cái thời điểm vừa xong thời tụng kinh cùng các sư huynh sẽ có phần hồi hướng công đức. Nói thiệt, tới đoạn này mình mở miệng ra khấn: “Xin nguyện hồi hướng công đức này”, tự nhiên thấy... mắc cỡ, thấy ngượng. Vì bản thân mình hồi nãy giờ tụng xong còn không rõ kinh nói cái gì mà đi hồi hướng. Giống như khi bạn làm ra một sản phẩm không chất lượng mà đi giao cho người khác.
Vậy nên, những thời kinh sau, gặp chương nào mới, mình ngồi im dò bằng mắt, cũng như chương nào hiểu sơ nghĩa mới hòa tụng cùng các sư huynh. Còn các phần Chú phiên âm thì nếu tụng không kịp, mình dò luôn bằng mắt.
Mỗi khi như vậy, tới phần các sư huynh hồi hướng thì mình thầm nguyện trong lòng là xin cho sự tĩnh tâm trong thời kinh vừa qua cảm ứng được với đâu đó những hương linh bá tánh chúng sanh, gạn lọc thân tâm an lành.
Thấy mình ngồi im vài lần, thì một hôm cũng có sư huynh quay xuống hỏi: “Mấy huynh tụng nhanh quá, dò có kịp không?”
Mình thưa: “Dạ đọc không kịp, nhưng lật trang thì kịp.”
Vậy là sư huynh nói: “Để mai tụng chậm lại ha...!”
Chuyện rất đơn giản, nhưng mình nghĩ sẽ có đa phần các bạn trong quá trình tu tập hay tụng kinh tại nhà đôi khi gặp phải như mình. Nên mình có thỉnh ý chuyện này với thầy trụ trì. Thầy dạy khi tụng kinh phải thật tâm, đọc chậm rãi, từ tốn, gửi lực vào từng chữ chứ không phải đọc “lùa lùa” cho lẹ, cho xong, hay cố gắng lên xuống giọng cho thiệt hay thiệt đẹp. Tụng kinh mà ngay cái người còn sống là bản thân mình còn không thấm, không hiểu, không an thì lấy gì đi hồi hướng đến vạn vật.
Cũng như nếu trong thời kinh có đông người thì phải biết quan sát lắng nghe, coi người ta tụng theo kịp không. Còn tụng một mình thì ngoài tự tâm lắng lại, thì cũng nghĩ như là đang có các hương linh hữu duyên nghe, nên đọc mức độ cũng vừa phải, đừng quá nhanh. Nghĩ vậy cũng là bản thân đang rèn tâm, rèn hạnh biết sống vì mọi người, biết quan tâm cộng hưởng xung quanh với vạn vật.
Bởi vậy nếu như mọi người để ý mở các bài đọc tụng của các thầy tu lâu sẽ thấy các thầy tụng thường không nhanh. Nay trải qua thêm lời dạy của thầy trụ trì, mới thấu trong chính cái thời kinh chậm rãi đó là cả một sự tĩnh tại và nhiếp tâm mới vừa không đọc sai, không đọc sót, mà vừa hiểu, vừa ngẫm được ý nghĩa câu kinh, bài kệ, câu chú. Dần dần sẽ thuộc mà thành đúng cái nghĩa của từ tụng kinh, nghĩa là câu chữ của kinh đã nằm trong tâm, trong lòng. Khi đó thì lực mới có và mới có sự tương ưng gia trì lớn.
Mà chuyện này không phải nói suông. Ngay ở tịnh thất mình công quả, khi các huynh “trẻ trẻ” tụng cầu siêu cho một gia đình có thân nhân vừa mất gửi vào. Các huynh tụng khí thế nhanh gọn luôn. Nhưng, vì mình là người phụ trách cúng cơm mỗi ngày, mình thấy hình như “người đó” hỏng có an thông qua vài chuyện lạ xảy ra. Như khi mình dâng chén cơm cúng, thì ngọn nến trên bàn thờ tự động hất tung xuống đất bể “tan tành”.
Mình lại thưa với thầy trụ trì, thắc mắc là tại sao hương linh đó hình như chưa có an. Thầy mới kể ra những tâm ý còn chưa thành của người đó lúc còn sống, và dặn là, nếu lúc tụng kinh chỉ đơn thuần là cúng bái, đọc cho xong thời kinh thì “họ” ít khi cảm được lực đọc tụng lắm.
Ngoài đời cũng vậy mà, ai mà nói chuyện giọng êm ái, từ tốn thì mình nghe mình cũng dễ chịu. Còn gặp người mà miệng liền tay, tay liền miệng, miệng nói mà tâm để chỗ khác thì mình cũng khó chịu chứ.
Vậy nên, trong các thời kinh, mọi người sẽ được khuyên luôn nhất tâm, chứ không ai khuyên tụng cho lẹ, cho suông cho nhanh cho hay.
Chuyện này nói ra bình thường nhưng thật sự dễ mắc lắm, nhất là với ai bận rộn công việc ráng tụng cho lẹ để xong, hay ngày đó đi làm về mệt nhưng thói quen tụng kinh không thể bỏ nên là sẽ cố đọc cho nhanh để coi như hoàn thành “chỉ tiêu”.
Thôi thì mình nghĩ vầy nè, không ai bắt bạn phải đóng khung là đọc đủ đọc tròn thì công đức mới viên thành. Cũng như khi nào tụng kinh xong mình thấy bản thân an vui, bình yên và thấu hiểu thêm cuộc sống thì hồi hướng. Chứ miệng thì tụng nhưng tâm thì nghĩ đâu đâu thì tự nhiên lực hồi hướng đó hóa ra không có chút tâm ý lòng thành nào cả.
Chuyện hồi hướng thì cuối bài kinh nào cũng có, nhưng hồi hướng tới đâu, ai nhận được hay bản thân thay đổi ra sao thì do chính cách mỗi người công phu thôi à. Nên đừng thắc mắc vì sao có người ngày nào đọc tụng miên mật mà thân sắc hay tâm ý vẫn không thấy an vui.
Lực kinh là từ bản thân phát ra, nên bạn có thể tự điều chỉnh an vui hay phiền não chỉ qua một câu tụng đọc mỗi ngày bạn ha.