Có một cậu bé chỉ mới 16 tuổi. Cái tuổi mà hẳn có nhiều bậc cha mẹ đang không biết cách ứng xử với con cái thế nào về mặt phát triển tâm lý. Và cũng là một trường hợp hiếm bởi độ tuổi này, mà chịu vào đọc những ngẫm ngợi ở trang của mình.
Em ấy nhắn cho mình thế này:
“Luôn có một nỗi dằn vặt xuyên suốt tồn tại trong con, theo đó là cả cảm giác bình an nhưng lại ảm đạm và khiếm khuyết điều gì đó. Con vẫn đang đi, có lẽ con đang bị lạc giữa trùng điệp thuyết lý, giáo điều, niềm tin và cả điều mà mọi người xem như là đang yêu thương , quan tâm con, tình thương đó làm cho con cảm thấy ngột ngạt lắm.
Nhiều khi con cảm thấy cuộc đời rất đẹp nhưng cũng nhiều khi con rất buồn, con cảm thấy như ai cũng đang khổ nhưng rất ít người ý thức được họ đang tổn thương , nỗi đau vi tế nhỏ nhặt và cứ thế lớn dần trong tâm thức. Còn con và mọi người thì mải mê chạy vạy để mặc nỗi đau lớn lên từng ngày. Con nghĩ rằng ai cũng xứng đáng có cuộc sống tốt đẹp và được yêu thương”.
Bạn có bị giật mình ở đoạn cậu bé ấy nói là: “Rất ít người ý thức được họ đang tổn thương. Nỗi đau vi tế nhỏ nhặt và cứ thế lớn dần trong tâm thức, và mọi người thì mải mê chạy vạy để mặc nỗi đau lớn lên từng ngày”.
Để thấy, đôi khi chúng ta không phải là một “diễn viên chuyên nghiệp” với vai diễn đời mình. Vì diễn viên chuyên nghiệp họ sẽ không để vai mình diễn mãi ám ảnh bản thân, không thoát vai ra được. Chúng ta hay có thói quen cố che lấp đi những cái đau, cái xấu, cái sai lầm mà không chịu nhìn nhận và sửa chữa.
Sau dòng tin của cậu bé 16 tuổi đó, trùng hợp là có một cô bạn ở nước ngoài, cũng gửi về cho mình mấy dòng trong kinh Pháp Cú. Đoạn nói rằng, bản thân chúng ta đang là cái muỗng hay cái lưỡi. Cái muỗng dầu cho hàng ngày múc thức ăn nhưng nó không bao giờ biết được vị. Cái lưỡi thì nếm ra đó là vị gì.
Ngụ ý về việc chúng ta đang ở trong môi trường “đủ đầy” các bài học để trưởng thành mà không chịu biết quan sát, biết thấu đáo thì chỉ như cái muỗng, là vật “trung chuyển”.
Còn cái lưỡi, nếm được vị, chua cay mặn nồng, thì sẽ biết được, cảm được, mà điều chỉnh thái độ, điều chỉnh ứng xử, hành vi ngay lập tức.
Vậy, việc nhìn vào cái “xấu”, vào nỗi đau lẫn vào những thực tế đang diễn ra là để chúng ta có cái nhìn quán xét lại bản thân, liệu rằng có đang bị cái vi tế tiêu cực che lấp đi, mà cứ ngỡ rằng đang tích cực, quên mất mình cần phải thay đổi cách sống và suy nghĩ. Để tới một ngày, góp gió thành bão, cái hiện thực phũ phàng kia, đủ mạnh, đủ lớn để tạo nên những nỗi khổ tự mình dằn vặt mình?
Không thể cứ mãi khen tốt khi chúng ta chưa tốt, cũng không thể cứ mãi nhìn vào cái xấu, khi chúng ta đang cải thiện từng ngày. Hai mặt luân phiên nhau để hỗ trợ cho chúng ta điều chỉnh.
Bạn có chân thật nhìn nhận, cái gì đang diễn ra và điều chỉnh. Hay sẽ che lấp đi? Mọi thứ tùy vào bản thân thôi à.
Mình tin vào “vị giác” của mỗi người sẽ có cách nêm nếm để cuộc sống của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhất là khi hiện thực thời gian qua đã quá “nghiệt ngã chua cay” cho toàn thể nhân loại.