- Anh có biết Jones không? - Robert Craft hỏi khi chúng tôi đứng ở cầu thang của câu lạc bộ. Robert là chủ của Craft Farms - một sân golf tuyệt vời nhất vùng Gulf Coast. Hôm nay tôi đến đây ăn trưa.
- Tôi có biết ông ấy! - Tôi trả lời khi đưa mắt nhìn về phía cuối hành lang. Jones đang đứng đó với nhiều bạn trẻ vây quanh, chiếc cặp thân quen vẫn để dưới chân ông. Những chàng trai, cô gái khoảng mười chín, đôi mươi vui vẻ cười đùa và lắng nghe Jones nói.
- Những bạn trẻ đó là ai?
- Họ là những người giữ đồ cho khách, phục vụ bàn và nhân viên chăm sóc cây cảnh… Anh đang nhìn thấy tất cả các cô cậu trẻ tuổi làm việc ở đây đấy, lúc này họ rảnh rỗi. - Robert vừa cười vừa nói thêm. - Hình như có một vài người đang làm việc thôi.
Tôi hỏi Robert:
- Sao anh biết Jones?
Robert trả lời, mắt vẫn dán vào đám đông đang tán chuyện xung quanh Jones:
- Cha tôi biết ông ấy trước khi gặp mẹ tôi. Jones đã giúp cha tôi vượt qua những lúc khó khăn. - Robert quay sang tôi. - Anh biết đấy, cũng không có gì lớn lao lắm. Một vấn đề kiểu “nhìn sự việc theo một cách khác”, nhưng cha không bao giờ quên chuyện đó cũng như không quên Jones.
Tôi hỏi:
- Anh có hay gặp Jones không?
Robert ngạc nhiên nhìn tôi hỏi lại:
- Thế còn anh?
- Nhưng tôi hỏi trước cơ mà. - Cả hai chúng tôi phá lên cười.
Nhìn về phía ông lão, Robert kể:
- Tôi từng hỏi cha rằng lúc còn trẻ, trông Jones như thế nào. Cha tôi nói ông ấy cũng giống như vậy thôi. - Vừa nói, Robert vừa chỉ tay về phía Jones. Rồi như chợt nhớ đến câu hỏi của tôi, anh nói thêm. - Tôi nhớ… hình như đã gặp ông ấy mười hay mười hai lần gì đó ở nhiều thời điểm khác nhau.
- Ý anh nói “thời điểm” là sao?
- Anh cũng thấy đấy… Jones lúc xuất hiện, lúc lại biến mất… cứ như thế. - Robert búng ngón tay. - Có khi ông đi lâu đến nỗi tôi quên mất ông. Nhưng cuối cùng ông cũng quay lại.
Robert nhìn về phía đường lăn bóng số mười tám, anh vừa nói vừa khoát tay rộng như muốn bao quát cả vùng. - Cha tôi đã lập nên câu lạc bộ này. Trước khi làm sân golf, nơi đây là những cánh đồng hoa lay ơn bạt ngàn. Khi tôi tiếp quản câu lạc bộ cách đây vài năm, cha có dặn dò hãy để ông lão được tự do đi lại trong khu vực này.
- Thật vậy sao?
- Đúng thế. Ông ấy không chơi golf, chỉ đi vòng quanh trò chuyện cùng mọi người thôi. Tôi thấy ông ấy lúc trong phòng ăn lúc ngoài sân cỏ nói chuyện với người này người kia. Tôi không biết ông ấy ngủ ở đâu. Nhưng quả thật nếu ông có ngủ, ông không bao giờ ngủ gần đây.
Robert nói tiếp:
- Chúng tôi cố mời ông dùng bữa nhưng lúc nào ông cũng tự mình trả tiền và bồi dưỡng thêm cho nhân viên phục vụ số tiền hậu hĩ. Đó là nhiều bồi bàn nói thế. Tôi không hiểu Jones cất tiền ở đâu nhưng tôi đoán chắc trong chiếc cặp cũ kỹ kia. Có Chúa mới biết, chắc không có quần áo trong ấy đâu nhỉ… ông ấy chỉ mặc duy nhất một bộ đó thôi mà.
Một trận cười giòn giã lại vang lên từ phía đám đông vây quanh Jones. Robert lắc đầu, cười:
- Họ rất quý ông ấy.
Tôi hiếu kỳ hỏi:
- Anh không phiền lòng khi Jones ở đây à? Ông ấy không giống các thành viên câu lạc bộ. - Nói rồi tôi chỉ tay về phía đám nhân viên của Robert. - Ông ấy làm mất rất nhiều thời gian của họ.
Robert trả lời:
- Tôi phải thú nhận với anh rằng nếu tôi có cách giữ ông ấy ở lại đây luôn thì tốt quá. Bọn trẻ cảm thấy thật yêu đời sau khi nói chuyện với ông. Chúng trở nên tốt hơn. Chúng thông minh, nhanh nhẹn và làm việc hiệu quả hơn.
Mitch - con trai tôi hay kể với tôi rằng ông ấy thường khuyên bảo chúng, chỉ những việc nhỏ thôi, nhưng chúng nghe theo và những lời khuyên ấy rất hiệu quả. - Robert lắc đầu với vẻ thắc mắc. - Anh có bao giờ thấy cảnh tượng một đám thanh niên thích xúm quanh một ông lão lập dị chưa? Và anh có nghe những cuộc trò chuyện quanh đây không? Không chỉ có bọn trẻ đâu, người ta thích tìm đến Jones, thậm chí truy tìm ông. Anh cũng hiểu Jones mà, ông ấy vui vẻ trò chuyện với bất cứ ai. - Robert im lặng suy nghĩ rồi kết luận. - Lần này có lẽ ông ở lại đây lâu hơn.
Jones nhìn về hướng chúng tôi, nhận ra chúng tôi nên ông vẫy tay chào rồi tiếp tục trò chuyện với đám thanh niên. Tôi gật đầu, nhẹ nhàng nói khẽ đủ để Robert nghe thấy: - Jones.
- Không phải Ông Jones. - Robert nói thêm, giọng hài hước.
Khi tôi bước ra bắt tay chào tạm biệt Robert thì anh nói:
- Anh biết không, cha tôi không gọi ông ấy là Jones.
Tôi ngạc nhiên:
- Thật vậy sao? Cha anh gọi ông ấy là gì?
- Cha tôi quen Jones khi ông đến đây cùng với những công nhân nhập cư đi hái hoa lay ơn kiếm sống nên cha tôi gọi tên theo công việc họ làm. Cha gọi ông ấy là “Garcia”.
Jones chào tạm biệt đám thanh niên và họ tản ra bãi đậu xe hoặc trở lại làm việc. Nhưng khi đi qua hành lang của trụ sở câu lạc bộ nằm hướng mặt ra hồ, ông thấy ba người trong số họ vẫn còn ở lại.
Caroline - cô gái có dáng người dong dỏng cao đứng gần ông hỏi:
- Ông đi đâu thế Jones, ông muốn uống một lon Coca không? - Rồi quay sang hỏi mấy người bạn. - Còn các bạn?
Không chờ câu trả lời, cô kêu to:
- Bốn lon Coca.
Mái tóc dài của Caroline ánh màu nâu đỏ. Cô cao hơn Jones, trông rất xinh đẹp dù ăn mặc thật giản dị. Cô đang học trung học, là một trong những người trẻ tuổi nổi tiếng nhất vùng này. Cha cô là giám đốc ngân hàng chuyên cầm cố bất động sản còn mẹ là một người hoạt động xã hội năng động. Cả gia đình cô dường như ai cũng nổi tiếng.
Khi Jones đi về phía hành lang, ông quay nhìn Amelia - bạn thân của Caroline, đang đi cạnh mình. Amelia là sinh viên năm thứ hai, lớn hơn Caroline hai tuổi. Lúc này đang trong kỳ nghỉ mùa xuân nên cô ở nhà. Amelia là sinh viên khoa nghệ thuật sáng tạo, hoàn cảnh gia đình theo lời ca cẩm của cô thì “rất u ám”. Cạnh Amelia là anh chàng bảnh trai mười bảy tuổi Ritchie Weber.
Cả nhóm bước lên cầu thang quay trở vào. Jones thả người trên chiếc ghế dài trắng, Amelia ngồi cạnh ông. Caroline nhanh chóng theo sau, đưa nước uống cho mọi người rồi ngồi bệt xuống sàn gỗ còn Ritchie thì vắt vẻo trên lan can, quay lưng lại hồ nước.
- Hôm nay ông muốn nói về vấn đề gì thế Jones? - Ritchie hỏi. Làn da rám nắng của cậu như sáng lên dưới ánh nắng chiều, gương mặt thanh tú và hàm răng trắng đều khiến cậu trông như một diễn viên hay người mẫu. Ritchie cực kỳ thông minh nhạy bén. Cậu thường tập trung hết sức cho việc học tập và rất hiếm khi chơi môn thể thao nào khác ngoài golf. Với số điểm trung bình rất cao, Ritchie chắc chắn có một suất học bổng toàn phần vào học kỳ mùa thu.
Jones giả bộ ngây ngô trả lời Ritchie:
- Ta ư? Ta không định nói về vấn đề gì cả. Ta đến đây để ngủ một chút thôi.
Caroline đá đá vào Jones bằng bàn chân mang chiếc dép da màu hồng, trêu ông:
- Thôi nào. Ông muốn chúng cháu đến đây mà. Ông yêu quý chúng cháu. Thế nên… nói đi chứ Jones!
Ông lão cười vui vẻ, hớp một ngụm nước:
- À, vậy được rồi, chúng ta sẽ trò chuyện. Nhưng mà cháu bắt đầu đi, chàng trai trẻ! - Vừa nói Jones vừa đưa ly nước đang trào bọt về phía Ritchie. - Cháu nói trước nhé. Cứ đặt một câu hỏi.
Ritchie háo hức:
- Vậy chúng ta bắt đầu. Làm thế nào để khi đã kết hôn, chúng ta sẽ không ly dị?
Jones giả vờ kinh ngạc:
- Ồ, câu hỏi của cháu khó quá. Giống như hỏi “năm nay bọn thú dữ sẽ làm gì?”, hay “khi nào cá hồi sẽ cắn câu?” vậy.
Ritchie vẫn chờ đợi đầy hy vọng.
Jones hỏi để chốt lại:
- Đây chắc chắn là chủ đề cháu muốn nói đến chứ?
- Chắc chắn ạ! - Ritchie đáp.
Jones hít một hơi thật sâu rồi thở ra:
- Được rồi … Cháu kết hôn chưa?
Hai cô gái cười khúc khích.
Ritchie la lên:
- Jones! Ông biết là cháu chưa lập gia đình mà.
Caroline trêu:
- Nhưng bạn ấy có vài cô bạn gái.
Jones hỏi không chút ẩn ý:
- Nếu cháu chưa lập gia đình, tại sao lại quan tâm đến vấn đề làm thế nào giữ cho hôn nhân tránh khỏi đổ vỡ?
Ritchie đáp:
- Cha mẹ cháu là những người duy nhất cháu biết là đã kết hôn với mối tình đầu của họ…
Caroline xen vào:
- Cha mẹ mình cũng vậy.
Ritchie đính chính:
- Ừ, vậy là cả cha mẹ mình và cha mẹ bạn. Nói chung, rất nhiều chàng trai, cô gái kết hôn khi còn quá trẻ… những người chúng ta biết rồi đấy. - Nói rồi cậu nhìn hai người bạn để tìm sự đồng tình, và họ gật đầu.
Ritchie tiếp:
- Nhưng dường như họ đều ly hôn chỉ sau một vài năm chung sống. Tóm lại, cháu muốn hỏi làm thế nào để giữ cho hôn nhân bền vững là muốn tìm ra điều gì đó mà chúng ta thật sự cần học và hiểu trong thời gian yêu nhau. Ý cháu là, cháu hy vọng có điều đó!
Jones đu đưa chiếc ghế và nói:
- Cháu là một chàng trai khôn ngoan đấy. Tất nhiên là các cháu đều thông minh, trường học và những giáo viên giỏi đã đào tạo các cháu được như vậy, nhưng sự khôn ngoan lại là một khái niệm hoàn toàn khác. Sự khôn ngoan được trau dồi trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta có thể nhận được những kinh nghiệm khôn ngoan làm thay đổi cuộc đời mình từ người quen, từ sách vở hay từ những gì chúng ta nghe, thấy trên radio và ti vi.
Tuy nhiên, trong lúc yếu lòng chúng ta rất dễ bị tiêm nhiễm và ảnh hưởng những tư tưởng tiêu cực. Những tư tưởng này có thể xuất phát từ người quen, sách vở hoặc từ các phương tiện thông tin khác.
Ritchie, Caroline và Amelia chăm chú lắng nghe. Cả ba đã quen biết Jones đủ lâu để hiểu rằng Jones không bao giờ trả lời câu hỏi một cách trực tiếp. Chân lý quý báu mà ông đưa ra luôn ẩn dưới một lớp vỏ bọc.
Jones vẫn say sưa:
- Một trong những lợi ích tuyệt vời của sự khôn ngoan chính là giúp chúng ta có được nhận thức sáng suốt, nghĩa là khả năng ngay lập tức phân biệt được đúng hay sai, tốt hay xấu, điều có thể chấp nhận hay không chấp nhận được, tiết kiệm hay lãng phí thời gian, quyết định chính xác hay quyết định sai lầm. Và trong nhiều trường hợp, đó chỉ đơn giản là vấn đề có được một cách nhìn đúng đắn.
Ritchie hỏi:
- Chúng cháu biết thế nào ông cũng sẽ nhắc đến ý tưởng mà ông thích nhất, nhưng cách nhìn đúng đắn và sự khôn ngoan có mối quan hệ gì với nhau?
Jones giải thích:
- Mối quan hệ giữa chúng phải không? Ở khía cạnh nào đó sự khôn ngoan có thể được định nghĩa là khả năng dự đoán được kết quả trong tương lai đối với những lựa chọn ở hiện tại. Khả năng này trang bị cho chúng ta cách nhìn nhận hoàn toàn khác biệt về tương lai so với biểu hiện bên ngoài của nó.
Và đây là giá trị cao nhất của sự khôn ngoan. Nó giúp chúng ta cân nhắc những lựa chọn một cách chính xác đến nỗi người ta nghĩ rằng không thể nào làm được như vậy. - Jones hạ thấp giọng khiến đám thanh niên phải chồm đến gần lắng nghe. - Vì vậy, các cháu nghe này: xác định rõ sự lựa chọn đúng đắn trong mọi sự việc là một khả năng. Với một mức độ thông minh và khôn ngoan nhất định, hầu hết mọi người đều có thể phân biệt được cái tốt và cái xấu. Tuy nhiên chỉ có những người thật sự khôn ngoan mới nhận ra ranh giới mỏng manh giữa cái tốt và cái tốt nhất. Và, các cháu ạ, đường ranh đó cũng chính là ranh giới tạo nên các tương lai khác biệt, giống như đường phân chia các mặt của con xúc xắc. Như Kinh Thánh nói, việc “nhìn xuyên qua lớp kính màu tối” và có một tầm nhìn sâu rộng cho phép chúng ta thấy được rõ ràng những kết quả về lâu dài đối với những lựa chọn của mình. Điều này có ảnh hưởng như thế nào trong việc chọn một người bạn đời? Nó tạo ra sự khác biệt giữa một cuộc hôn nhân thông thường và một cuộc hôn nhân lý tưởng.
Amelia lên tiếng:
- Jones, đừng giận nhé, nhưng cháu muốn hỏi điều này có liên quan gì đến câu hỏi của Ritchie… Đến lúc này thì cháu chẳng còn nhớ nổi cậu ấy đã hỏi gì cơ đấy!
Tất cả cùng cười vang. Jones nói:
- Không, ông không giận đâu. Được rồi. Mọi người vẫn nghĩ hôn nhân là một sự ràng buộc và nó vốn là như vậy. Nhưng mối ràng buộc này sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu ngay từ đầu đã có sự lựa chọn khôn ngoan. - Rồi ông chỉ Ritchie. - Ta biết chàng trai này sẽ có một cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn nhiều người khác. Tại sao ư? Vì cậu ấy không ngừng tìm kiếm và tích lũy những kiến thức giúp cậu có được một sự lựa chọn hoàn hảo.
Jones nhìn lên chiếc quạt trần rồi bảo:
- Giờ chúng ta hãy phân tích tình huống này sâu hơn một chút trước khi đi vào những vấn đề phức tạp hơn để biết mình hiểu được vấn đề đến đâu. - Ông nhìn Amelia hỏi. - Này cô gái, vì sao người ta kết hôn với nhau?
Amelia đột nhiên đỏ mặt và có cảm giác như mình đang bị sát hạch. Cô mở miệng định nói nhưng rồi lại im lặng.
Jones gợi ý:
- Đây không phải là một câu hỏi trêu chọc, cháu chỉ cần trả lời tại sao thôi.
- Thì… bởi vì họ yêu nhau.
- Chỉ có thế thôi à.
Amelia cười:
- Cháu không biết ông muốn cháu nói gì!
Jones bảo:
- Ở đây không có câu trả lời nào sai cả. Chúng ta chỉ tìm hiểu thôi. Bởi vì họ yêu nhau và…
Amelia trả lời vội vã:
- Bởi vì họ yêu nhau và họ muốn sống bên nhau suốt đời.
Jones quay sang Caroline hỏi:
- Làm thế nào để biết mình yêu một người đến mức kết hôn với người ấy?
Caroline ngập ngừng:
- À, thì đó là người duy nhất mình luôn muốn ở bên cạnh. Mình luôn nghĩ về người ấy. Mình muốn giữ người ấy…
Ritchie nhướn mày xen vào:
- Muốn “làm chuyện đó” với người ấy.
Caroline nhìn Ritchie một cách bực dọc. Còn Amelia thì lên tiếng trách:
- Cậu dám nói như thế. Đúng là đồ con trai vớ vẩn, Ritchie!
Ritchie đáp lại không chút hối tiếc:
- Tớ đúng là con trai như thế đấy. Thì sao nào?
Jones cười, cắt ngang cuộc cãi vã:
- Thôi nào, thực ra đó cũng là một trong những lý do đúng không? Đó là sự hấp dẫn thể xác.
Cả ba gật đầu xác nhận.
- Nhưng làm thế nào để biết được mình yêu ai đó đủ để sống bên nhau suốt đời?
Jones lần lượt nhìn từng người một, nhưng không ai nói gì.
Cuối cùng Caroline lên tiếng:
- Cháu chưa bao giờ thực sự nghĩ về điều này…
Jones nói, gương mặt thoáng chút không vui:
- Hầu như không ai nghĩ nhiều về điều này cả.
Cả ba người bạn trẻ ngồi yên lặng, ngẫm nghĩ về những điều Jones vừa nói. Sau đó Ritchie hỏi:
- Jones, có phải ý ông muốn nói là khi chúng ta đang hẹn hò, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta nên suy xét về một mẫu người mà mình muốn chung sống trọn đời?
Jones trả lời:
- Ta không biết. Nhưng cháu nghĩ sao? Chẳng lẽ cháu cho là cứ trải qua những mối tình thời tuổi trẻ… mà không nghĩ về người mình sẽ chung sống suốt đời là khôn ngoan sao?
Tất cả đều im lặng.
Jones để họ suy tư một lát rồi nói tiếp:
- Hãy cùng ta suy nghĩ nhé. Đây là điều sẽ xảy ra với những cuộc hôn nhân cháu vừa đề cập lúc nãy. Và ta muốn nói rõ hơn. Ta không có ý nói về việc cần phải làm để một cuộc hôn nhân trở nên tốt đẹp hơn, chúng ta không cần bàn đến mọi khía cạnh. Ta chỉ muốn kể với các cháu về những gì xảy ra đối với các cuộc hôn nhân thông thường đang diễn ra hàng ngày. Khi một chàng trai và cô gái gặp nhau giữa chốn đông người và lửa tình bắt đầu nhen nhóm…
Caroline cười khúc khích.
Ritchie ra hiệu im lặng:
- Tiếp tục đi Jones.
- Họ gặp nhau và yêu nhau. Họ không chịu đựng nổi nếu phải chia cách. Những lúc rời xa họ luôn nghĩ về nhau. - Jones vừa kể với giọng đầy cảm xúc vừa chớp chớp mắt. - Họ luôn tay trong tay khi ở bên nhau. Nếu có thể hôn nhau suốt ngày đêm chắc họ cũng sẽ làm như thế.
Amelia nói:
- Vâng, chúng cháu hiểu rồi. Vì họ đang yêu nhau mà.
Jones đồng ý:
- Đúng vậy. Họ yêu nhau đến mức thấy người yêu của mình là quan trọng hơn bất cứ điều gì trên đời. Chẳng hạn cô gái ấy say mê những gì liên quan đến ngựa. Cô thường cưỡi ngựa dạo chơi, đọc tạp chí chuyên viết về ngựa và mơ đến những chú ngựa mình muốn có được… nhưng bạn trai cô lại dị ứng với ngựa. Anh không thể chịu nổi ngựa và nếu không ở trong tình thế bị bắt buộc thì anh sẽ không đời nào đến gần chúng. Chúng to lớn và khiến anh sợ hãi. Vì rất yêu anh, nên cô ấy âm thầm quyết định mà không để ai - thậm chí là lý trí của mình - can ngăn, rằng: “Anh ấy quan trọng với mình hơn những chú ngựa kia! Mình không cần ngựa trong cuộc đời cũng được…” và cô đã chọn chàng trai, chọn người mình yêu.
Chàng trai cũng say đắm cô gái như cô đối với anh vậy. Anh yêêêêêu cô ấy. - Jones vừa nói vừa trề môi phát âm từ “yêêêêêu” để chọc mọi người cười. - Nhưng có một điều là từ nhỏ đến lớn anh rất thích câu cá. Khi còn là một cậu bé, anh thường đi câu với gia đình. Câu cá và bóng đá, không gì có thể hơn được. Khi không đi câu thì ắt hẳn là anh đi xem bóng đá.
Ritchie nhanh nhảu:
- Cháu cá rằng cô ta ghét câu cá.
Jones nói:
- Đúng là cô không chịu nổi điều đó. Cô không hề thích nước. Cô cũng chẳng thích ăn cá. - Ánh mắt Jones nhìn quanh như nhấn mạnh điều trái ngược này. - Và cô nghĩ bóng đá thật… ngớ ngẩn.
Amelia đoán:
- Đây chính là vấn đề…
Jones đáp lời:
- Không, mọi việc vẫn tốt đẹp vì anh rất yêu cô ấy. Anh sẵn sàng làm nhiều việc, hy sinh nhiều thứ chỉ để anh có thể cùng cô đi suốt cuộc đời. Vì thế anh âm thầm quyết định, bỏ qua cả lý lẽ của lý trí, rằng: “Cô ấy quan trọng đối với mình hơn việc câu cá”. Anh tự nhủ: “Mình không cần câu cá. Tại sao mình cần đi câu khi mình đã có cô ấy. Còn bóng đá ư? Đúng là mình rất thích nhưng không quan trọng bằng cô ấy”.
Jones xòe bàn tay ra như vẻ mình đã nói xong:
- Thế giờ các cháu đã hiểu rồi đấy.
Ritchie hỏi lại:
- Hiểu gì cơ ạ? Cuối cùng họ đã làm gì?
Jones cười lớn:
- Dĩ nhiên là họ cưới nhau. Đây là câu trả lời cho câu hỏi của cháu là vì sao có nhiều cuộc hôn nhân kết thúc bằng ly hôn đấy.
Cả ba nhìn nhau bối rối. Rõ ràng là không ai trong số họ hiểu được điều Jones muốn nói. Amelia chậm rãi:
- Jones, chúng cháu chưa hiểu. Chuyện gì xảy ra sau đó? Tại sao họ phải ly hôn? Người ta không làm gì khác được sao? Sao họ không nhượng bộ? Giống như chuyện lấy kem đánh răng từ giữa hay phía cuối ống kem ấy?(3)
(3) Câu chuyện gắn liền với cuộc tranh luận rằng lấy kem đánh răng từ giữa hay cuối tuýp mới đúng. Đúng là có sự khác nhau về quan điểm, nhưng đây là vấn đề nhỏ và có thể dung hòa được.
Jones cười và vỗ nhẹ tay Amelia. Đoạn ông đứng dậy, đi đến chỗ Ritchie và ra hiệu cho Ritchie đến ghế ông ngồi. Ông dựa vào lan can, quay lưng về phía hồ để có thể đối diện với cả ba cùng một lúc rồi cười nhẹ nhàng và nói:
- Nếu mọi chuyện chỉ đơn giản như chuyện ống kem đánh răng thì không có vấn đề gì… Cả hai người họ đã không thể thắng nổi ma lực của sự hấp dẫn thể xác. Đừng nghĩ ta nói sai. Ta không bao giờ nói tình dục là không quan trọng. Nó quan trọng đấy. Nhưng một người có thể gặp rất nhiều người mình cảm thấy hấp dẫn vì vẻ bề ngoài. Nếu không tin, các cháu có thể mở ti vi lên xem hoặc đi dạo dọc bờ biển thì sẽ thấy ngay.
Quan điểm của ta như thế này: Sẽ đến lúc có những điều mà một đôi vợ chồng cần chia sẻ hơn, khi sự hấp dẫn thể xác không còn ám ảnh đầu óc suốt cả ngày. Và đây là những gì sẽ diễn ra: Sau ba tháng hoặc ba năm, một lúc nào đó, các cháu sẽ thấy tình dục không phải là tất cả, không còn là điều quan trọng nhất trong cuộc sống vợ chồng nữa. Lúc này nhiều việc khác bắt đầu trở nên quan trọng không kém. Lúc ấy nhiều cô nghĩ lại:“Chúa ơi! Làm sao con có thể sống cả đời mà không cưỡi ngựa được?”, hay nhiều anh sẽ nghĩ: “Khỉ thật! Có đúng là mình thực sự vui vẻ sống cả đời mà không cần câu cá không? Và mình cũng không bao giờ được xem một trận bóng đá nào nữa? Suốt đời ư?”.
Caroline, Amelia và Ritchie chợt im lặng. Giờ họ đã hiểu và Jones cũng nhấn mạnh điều này:
- Không sớm thì muộn cô gái sẽ bị cuốn hút bởi anh đồng nghiệp thích treo ảnh của những chú ngựa trên tường và hay vỗ về cô. Hay sẽ có một cô phục vụ bàn dễ thương luôn biết rõ tỉ số các trận bóng đá hiểu được vấn đề của chàng trai. Không ai muốn điều đó xảy ra. Nhưng nhớ rằng các cháu sẽ dễ dàng bị cuốn hút bởi rất nhiều người khác.
Amelia nói:
- Jones à, đó quả là một sự thật đáng buồn.
Ông già thở dài rồi nói:
- Điều này xảy ra hằng ngày, mặc dù có thể không phải với chúng ta.
Caroline hỏi:
- Làm thế nào chúng ta tránh được điều đó?
Ritchie xen vào:
- Không phải đã quá rõ ràng rồi sao? Ý mình là chúng ta chỉ cần cẩn thận không yêu thương, tán tỉnh một người mà mình cảm thấy không hòa hợp được.
Amelia nói:
- Ừ, nhưng mình nghĩ không đơn giản vậy. Hãy nhớ rằng Jones nói chàng trai, cô gái đã âm thầm quyết định rằng họ sẽ cố gắng để hòa hợp. Không một ai biết họ đã làm như thế. Đôi khi chúng ta còn che giấu cả bản thân mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu người yêu của mình không bao giờ nói rằng anh ấy không thích ngựa.
Họ quay sang nhìn Jones. Ông nhún vai:
- À, đúng là người ta dễ bị lầm lẫn bởi kẻ khéo nói dối, nhưng để tránh được điều đó hầu hết chúng ta đều có một hệ thống chọn lọc hữu ích giúp chúng ta xác định được người đó có thích hợp trở thành bạn đời sau này hay không.
Caroline hỏi:
- Hệ thống chọn lọc nào ạ?
Jones nói ngắn gọn:
- Đó chính là bạn bè, gia đình các cháu. Nhưng không gì có thể giúp cháu chọn được một người thật sự thích hợp chính xác hơn bạn bè.
Ritchie nài nỉ:
- Ông giải thích cụ thể đi Jones.
Jones quay sang Ritchie:
- Thật đáng ngạc nhiên là điều này thường trái ngược với những gì chúng ta mong đợi. Ví dụ cháu đang nghĩ rằng ta muốn nói bạn bè sẽ đánh giá về người yêu của cháu đúng không nào?
Ritchie nhìn sang hai cô bạn, vẻ mặt họ cũng thể hiện cùng ý nghĩ như thế:
- Đúng rồi, chúng cháu nghĩ ông muốn nói như thế.
Jones trả lời :
- Không, vấn đề cháu cần quan tâm là liệu cô ấy có thích những người bạn của cháu hay không. Giả sử cháu giao du với bạn bè tốt, thông minh, liệu cô ấy có khuyến khích cháu tham gia các hoạt động cùng với họ hay không? Cô ấy có thích trở thành một thành viên của nhóm không? Cô ấy có thể hòa nhập không? Hay cô ấy muốn tách cháu ra khỏi bạn bè mình? Có phải cô ấy chỉ muốn giữ cháu cho riêng mình suốt ngày?
Jones nhìn cả ba, rồi nói:
- Ta có thể khẳng định với cháu một điều, nếu người yêu các cháu cố tình tách các cháu ra khỏi gia đình, bạn bè thì chắc chắn có điều gì đó không ổn. Đây là một chiếc lá khổng lồ mà chúng ta cần lưu tâm đến.
- Cái gì khổng lồ ạ? - Amelia hỏi. - Một chiếc lá ư?
Jones dừng lại để giải thích:
- Đúng vậy, là một chiếc lá. Chiếc lá chính là dấu hiệu nhận biết tốt nhất. Một người đi qua một cánh rừng và không hề ngước nhìn lên. Nhưng anh ta có thể nhặt một chiếc lá và biết mọi điều về cái cây nơi mình đang đứng. Chỉ bằng cách xem xét một chiếc lá có thể đoán được mùa trong năm, cây lớn hay nhỏ, là loại cây độc hay cây ăn quả... Đúng thế đấy, chúng ta có thể biết rất nhiều về một cây nào đó từ một chiếc lá.
Cháu sẽ biết rất nhiều về một người từ các khía cạnh trong đời sống của họ. Cháu không cần thiết phải mất nhiều thời gian ở bên một người để biết cuộc sống của họ thế nào. Cháu chỉ cần xem xét một trường hợp ngẫu nhiên mà họ bộc lộ bản thân. Hãy tin ta. Nó nói lên tất cả đấy.
Amelia thốt lên:
- Ồ, nếu điều đó là đúng, và cháu tin là đúng, thì chắc chắn cháu cần phải chia tay với bạn trai cháu thôi.
Ritchie nói:
- Muộn còn hơn không, đúng chứ, Jones?
Nhưng ông vẫn tiếp tục im lặng.
Caroline hỏi:
- Bạn trai bạn học chung trường với bạn đúng không?
Amelia buồn bã gật đầu.
- Các bạn của bạn thích anh ta không?
Ritchie nhắc lại:
- Đó không phải là vấn đề. Nhớ không?
Amelia thành thật:
- Mình không thật sự biết bạn bè mình nghĩ gì về anh ấy. Ý mình là thật sự biết ấy…
Jones nói:
- Thường thì bạn bè chúng ta ít khi nào nói thẳng về vấn đề này. Họ không muốn làm chúng ta bị tổn thương, hoặc có lẽ chính chúng ta đã gạt bỏ những lời nhận xét không tốt của bạn bè về người yêu vì chúng ta đang yêu si mê, mù quáng. Tuy nhiên, một người bạn tốt sẽ thành thật nói cho chúng ta biết nếu chúng ta yêu cầu. Chỉ cần sẵn sàng lắng nghe. Đôi khi chúng ta phớt lờ hàng đống những chiếc lá dưới chân mình, nhưng người bạn tốt lại cố xoay xở hái vài chiếc để xem xét.
Caroline buồn bã bày tỏ:
- Những điều này nghe có vẻ khó quá.
Jones trả lời:
- Không đâu cô gái, điều này không có gì khó cả. Nó chỉ khác lạ thôi. Hãy suy nghĩ theo cách này một chút và rồi nó sẽ trở thành điều tự nhiên nhất trên thế giới. Cháu còn nhớ chúng ta định nghĩa sự khôn ngoan là gì không? Đó chính là khả năng dự đoán được kết quả trong tương lai đối với những lựa chọn ở hiện tại. Gia đình, bạn bè hiện diện trong cuộc sống của cháu đều có lý do đấy chứ. Họ giúp cháu có được cái nhìn sâu sắc hơn về mọi hoàn cảnh mình gặp phải. Họ chính là suối nguồn cho cuộc sống của chúng ta. Hãy khắc ghi điều đó.
Jones tiến đến nắm lấy tay Caroline giúp cô tự tin hơn. Cuộc gặp gỡ của họ sắp chấm dứt. Amelia vẫn đứng đó, còn Ritchie vươn tay về phía Jones, nắm lấy tay ông lão lắc lắc:
- Một câu hỏi nữa nhé Jones.
Jones nhướn mày chờ đợi.
- Ông quen Emilio chứ, cậu nhóc làm trong đội chăm sóc sân golf ấy?
Jones trả lời:
- Ta biết.
- Tại sao cậu ấy gọi ông là Garcia…?
Jones cười:
- Tại sao cậu ấy lại không thể chứ? Thế trong mắt cháu ta không giống một người Tây Ban Nha chính hiệu à?
Ritchie đáp lời:
- Thật lòng thì cháu luôn nghĩ ông là người da màu.
Jones nhìn Ritchie, Caroline và Amelia rồi hỏi lại:
- Điều này có gì khác biệt không?
- À… Không.
- Không.
- Dĩ nhiên là không rồi.
Jones cười to:
- Đúng vậy đấy! - Jones vừa nói vừa bước xuống cầu thang đi về phía bãi đậu xe.