Jones băng qua con đường cạnh bờ biển rồi đi bộ dọc theo công viên. Chỉ trong một giờ, bóng tối dần bao phủ, hoàng hôn thẫm sắc tím đỏ như một sân khấu dành riêng cho những thanh âm về đêm. Qua khỏi chiếc cầu nhỏ đầu tiên trong công viên, ông lắng nghe tiếng ếch nhái kêu, tiếng dế gáy rộn vang trong đầm lầy. Một luồng không khí nhẹ nhàng lướt qua đầu khiến ông ngẩng nhìn và bắt gặp một con cú mèo đang bắt đầu chuyến đi săn đêm. Bước chầm chậm như để cảm nhận không gian chung quanh, Jones nghe thấy tiếng quẫy nước bì bõm, ông đoán đó có thể là một con cá lớn hay một chú cá sấu nhỏ nào đó.
Dừng lại bên gốc thông già, Jones đặt chiếc cặp cũ kỹ xuống rồi ngồi lên nó, tựa lưng vào cây. Đường phố vắng bóng người. Đây là con đường tắt mà người địa phương thường đi qua để đến quốc lộ 59. Khách du lịch ít khi lai vãng qua đây.
Tuy không hề mệt mỏi nhưng Jones vẫn nhắm mắt lại…
****
Walker Miles hiếm khi đi con đường này, lẽ ra hôm nay cũng vậy nếu anh không gặp đèn đỏ ở con đường cạnh bờ biển. Không muốn mất nhiều thời gian, cũng không muốn chờ đợi nên anh rẽ phải, vào công viên.
Khi lái chiếc xe mui trần hạng trung của mình trên con đường chật hẹp quanh co, Walker miên man suy nghĩ về cuộc đời mình. Anh là một nhân viên kinh doanh dược phẩm năm mươi ba tuổi, mới ly hôn lần thứ hai cách đây bốn tháng. Anh đến vùng biển này với hy vọng tìm thấy một khởi đầu mới tốt đẹp hơn. Cũng chính tại nơi này, anh đã được tận hưởng những kỳ nghỉ thật vui vẻ. Vì vậy anh dự định sẽ sống ở nơi mà ít nhất anh cũng từng hạnh phúc. Quan trọng hơn cả là một cơ hội để có được hạnh phúc. Đó là tất cả hy vọng của anh. Ít nhất là anh cảm thấy như vậy. Với Walker, hạnh phúc giống như một thứ ảo ảnh chập chờn, thật khó nắm bắt. Tâm trí anh luôn bị ám ảnh bởi nguy cơ gặp phải những rắc rối, sai lầm, bản thân bị khinh rẻ và sự nghiệp bị phá hoại. Mới đây anh từng có ý định tự tử.
Kendra - người vợ đầu tiên đã bỏ anh ra đi với lý do cô không thể tiếp tục chung sống với người luôn mang trong mình tâm trạng như chú lừa Eeyore trong Winnie the Pooh(2). Người vợ thứ hai là Debra, khi chia tay cũng bóng gió ám chỉ anh giống một nhân vật khác trong truyện tranh. Cô buồn bã nói: “Walker, không phải lúc nào trời cũng sập xuống đâu. Hy vọng một ngày nào đó anh sẽ nhận ra như vậy”.
(2) Winnie-the-Pooh: Một quyển truyện dành cho thiếu nhi của tác giả A. A. Milne. Trong truyện có nhân vật lừa Eeyore lúc nào cũng u sầu, chán nản, bi quan.
Đêm nay anh cảm thấy rất mệt mỏi - một cảm giác đã trở nên quen thuộc với anh - và cả chán nản nữa.
Walker bật đèn pha và lái xe qua cây cầu đầu tiên trong công viên, chợt anh thấy một bóng người đang ngồi sát bên vệ đường. Rách rưới. Lang thang. Già nua. Thật sự già nua. Những từ ngữ đó xuất hiện trong đầu Walker khi liếc nhìn ông lão bằng ánh mắt không mấy thiện cảm. Chắc chắn anh còn không muốn chạy chậm lại nữa chứ đừng nói đến chuyện dừng xe, thế nhưng Walker vẫn làm tất cả những việc đó, lòng tự hỏi “Mình đang làm cái quái gì thế này?”.
Walker dừng giữa đường một lát. Sau đó anh lắc đầu thở dài nhìn vào kính chiếu hậu rồi cho xe chầm chậm lùi lại, miệng lẩm bẩm: “Mình đúng là một thằng ngốc”. Khi xe dừng cạnh ông lão, Walker kéo cửa xe dành cho khách xuống rồi nhìn ông chăm chú trong bóng đêm lờ mờ.
Ông lão đưa tay lên:
- Chào anh bạn.
- Ông có cần giúp gì không?
Ông lão không trả lời. Ông đứng dậy, cầm chiếc cặp của mình rồi đến gần chiếc xe.
Khi ông lão tiến đến, Walker đóng cửa xe lại. Từng tế bào trong người anh như gào lên bảo anh hãy đi đi, rời xa nơi đây lập tức, bỏ chạy khỏi quang cảnh rợn người này; nhưng không hiểu sao anh không bỏ đi được.
- Xin lỗi, anh vừa hỏi gì ta à? Ta không thể nghe rõ như trước nữa. - Ông lão dừng bên chiếc xe, ân cần nói.
Walker ngập ngừng.
- À…ơ… - Anh nhìn ông lão. Mái tóc bạc phơ và đôi mắt xanh trong của ông khiến không gian như bớt đi vẻ ảm đạm dưới ánh đèn mờ nhạt.
Ông lão giục:
- Nói lại đi...
- Tôi chỉ hỏi ông có cần giúp đỡ gì không thôi.
Ông lão lắc đầu, thở dài rồi thắc mắc:
- Cả hai chúng ta à?
- Xin ông đi cùng…
Ông lão cắt ngang:
- Ồ, anh bạn, anh chẳng cần xin, ta sẽ đi cùng anh. - Vừa nói ông vừa mở cửa, mang theo cả chiếc cặp bước lên xe trước khi Walker kịp phản đối.
Walker hơi sốc. Anh không biết mình có nên giận dữ và tống khứ kẻ đột nhập này ra khỏi xe không. Nhưng rồi như một điều buộc phải làm, hay ít nhất anh nghĩ là cần phải làm, anh đóng cửa xe lại.
Walker chưa kịp nói câu nào thì vị khách không mời đã giơ tay ra:
- Jones, không có chữ “ông” phía trước. - Nói rồi ông đưa mắt nhìn xem người bạn mình có nghe rõ không và nói thêm. - À… anh là Walker Miles đúng không? Xin lỗi lúc nãy ta không nhận ra anh.
Walker nhíu mày:
- Tôi không nhớ… tôi có quen ông sao?
- Không. Ta gặp anh tuần trước ở phòng mạch của bác sĩ Surek. Có lẽ anh không để ý ta, còn ta thì nghe ông ấy gọi tên anh một hai lần. Ta thường không quên một cái tên hay một gương mặt như thế này.
Walker vẫn dửng dưng. Anh ra vào phòng mạch của tất cả các bác sĩ trong vùng - có cả phòng mạch của Chris Surek, nhưng ít khi nào để ý đến bệnh nhân của họ. Anh nghĩ “Hay ông lão này bị bệnh” rồi lên tiếng hỏi lại:
- Ông nói là ông cần giúp phải không?
Jones chớp mắt ngạc nhiên:
- Ta nói vậy à? Ồ, được rồi, vậy cho ta đi nhờ xe đến Foley nhé? Anh cũng đi đường đó phải không?
Walker buông chân thắng và tắt đèn trong xe, nhìn ông lão lạ mặt đang ngồi cạnh mình, vừa nói anh vừa tăng tốc:
- Vâng, tôi đang đi đến Foley. Ông có muốn ghé chỗ nào đặc biệt không?
- À, ta không nghĩ hôm nay mình đặc biệt muốn đến nơi đặc biệt nào cả. - Jones thích thú với cách chơi chữ của mình nhưng thấy Walker không hưởng ứng dù chỉ là một nụ cười, ông bèn đổi cách khác. - Ta nhớ có một đêm ở Chicago - hình như là vậy, ta trông thấy một người đàn ông chạy giữa đường để đuổi theo chiếc nón của ai đó bị bay trên đường. Một chiếc xe hơi đã đụng chết ông ta.
Walker liếc nhìn ông lão, vẻ bực bội:
- Ông kể chuyện này với tôi làm quái gì?
Jones ngước nhìn lên và trả lời:
- Chỉ vì ta thấy thật buồn cười. Con người có thể mất mọi thứ khi theo đuổi một thứ.
Cả hai cùng im lặng. Ánh đèn xe rọi lướt qua công viên, nhảy múa trên mặt đường và chiếu sáng những vòm cây. Walker lái xe như thể rất tập trung về nơi mình đang đến nhưng thực ra anh vẫn đang miên man suy ngẫm về những gì đã qua. Nhịp nhịp ngón tay trên bánh lái, anh thở dài nói:
- Đó chính là tôi.
Jones tựa người vào ghế rồi tặc lưỡi:
- Con người ai cũng có lúc hành động như thế, tại sao anh lại cho đó chính là mình?
Trong suy nghĩ của Walker diễn ra một cuộc đấu tranh. Anh là một người thông minh, đầu óc tỉnh táo và xuất thân từ gia đình nề nếp. Anh không thể tìm ra lý do chính đáng trong việc mình dừng xe lại cho ông lão này đi nhờ. Và giờ đây anh lại định nói hết những suy nghĩ riêng tư của mình. Anh không muốn như vậy. Nhưng thật lạ lùng, Walker như trở thành người khác trong cuộc trò chuyện này. Lý trí nhắc anh nên im lặng, nhưng có một điều gì đó mạnh mẽ hơn mang đến cho anh cảm giác thoải mái và tin tưởng. Anh thư giãn rồi bắt đầu trò chuyện cùng Jones như thân quen từ lâu lắm.
Walker kể cho ông lão nghe về cuộc đời mình, về việc anh là con út trong một gia đình có ba anh em, về nỗi đau vì cha anh là một kẻ nghiện rượu. Anh cũng nói về những cuộc hôn nhân của mình, về những việc anh từng làm, những thời điểm thành công nhất nhưng cuối cùng tất cả đều kết thúc vì anh không thể nắm giữ được hạnh phúc. Càng tâm sự, anh càng có cảm giác được trải lòng mình như với một người bạn cũ...
****
Khi Walker nói hết mọi chuyện với Jones thì cũng là lúc họ uống đến ly cà phê thứ tư tại quán Waffle House. Một lần nữa, Walker vứt bỏ cảm giác kinh ngạc khi mình ở đây và trò chuyện với ông lão này, nhưng anh thừa nhận rằng anh như tìm được một người bạn thân đã nhiều năm không gặp.
- Nói chung, tôi luôn thấy mình là một kẻ thất bại bởi vì tôi có một người cha nát rượu.
Jones nói, vẻ ngây thơ:
- À, hay cha anh trở thành kẻ nghiện rượu vì có một người con thất bại?
Jones phá lên cười rồi nghiêng người dùng tay che mặt để tránh cú đấm của Walker:
- Ta chỉ nói đùa thôi mà. Chỉ đùa thôi.
Walker không biết mình có nên cho ông lão này biết tay hay không.
Jones nói tiếp, giọng nghiêm nghị:
- Này anh bạn, cha anh và tất cả những vấn đề của ông ấy đã là dĩ vãng. Giờ ông ấy chết rồi, tại sao anh vẫn mãi nặng mang trong lòng nỗi buồn khổ “cha tôi là một kẻ nghiện rượu” vậy? Đã đến lúc anh nên thoát khỏi sự trói buộc của quá khứ đối với số phận của mình.
Walker nhắm mắt lại:
- Tôi biết, tôi biết chứ. Tôi hiểu như vậy mà. Tôi biết mình không nên nghĩ quá nhiều về quá khứ. Tôi biết mình không nên lo lắng. Tôi biết tôi không có gì phải buồn phiền… - Anh mở mắt, ngước nhìn Jones với ánh nhìn ẩn chứa tất cả sự tuyệt vọng của năm mươi ba năm đang vỡ òa. Sau đó, mặc dù rất muốn hét lên, nhưng Walker vẫn cố kìm giọng và nói:
- Tôi thật sự nhận thức được như vậy. Chỉ là… không thể dừng lại. Cảm giác này đã hủy hoại cả cuộc đời tôi. - Anh dừng lại, thì thầm không thành tiếng. - Tôi không biết phải làm sao.
Jones với tay cầm lấy cánh tay Walker siết nhẹ. Sự căng thẳng trong Walker nhanh chóng giảm xuống. Anh hít một hơi thật sâu. Jones lên tiếng:
- Hãy nhìn vào mắt ta, con trai.
Và Walker nhìn lên.
- Anh không cần phải phản ứng quá dữ dội với cảm giác đó. Cho dù mọi việc có vẻ khủng khiếp đi nữa… thì hãy nghĩ rằng cảm giác này cũng chẳng có gì là ghê gớm cả. Được không?
Walker gật đầu.
Jones dường như nhẹ nhõm hơn một chút. Ông hít thật sâu và phân tích:
- Có hai vấn đề anh cần phải hiểu về cảm giác của mình và một việc cần phải làm. Điều trước tiên cần hiểu đó là nếu anh luôn lo lắng, thậm chí sợ hãi đến phát cuồng thì chỉ vì anh là một người thông minh.
Mặt Walker xịu xuống, anh ngồi tựa vào thành ghế. Ông lão nhẹ nhàng trách móc như thể đọc được suy nghĩ của Walker:
- Từ từ nào, không phải ta muốn ra vẻ hay đùa cợt gì anh cả. Đó là sự thật… chỉ là do cách nhìn nhận khác biệt mà thôi. Anh là người có khả năng lập luận, cứ ngồi đây, rồi anh cũng sẽ đánh giá đúng về điều này.
Jones mỉm cười, hớp một ngụm cà phê, giải thích:
- Như ta đã nói, anh lo lắng chỉ vì anh thông minh. - Rồi ông nhìn quanh như đang giữ điều bí mật. - Những người ngốc nghếch xung quanh ta không lo lắng nhiều. Họ cũng chẳng sợ gì cả.
Trán Walker nhăn lại trước những ý tưởng phức tạp này. Jones tiếp tục giải thích:
- Như vầy nhé, anh bạn trẻ, người thông minh thường có óc sáng tạo và giàu trí tưởng tượng hơn người ngốc nghếch, anh đồng ý không?
Walker vẫn chưa hiểu được ý của ông lão. Anh trả lời:
- Có lẽ thế.
- Đó là nguyên nhân vì sao những người thông minh thường bị nỗi lo lắng và sợ hãi bủa vây. Lo lắng… sợ hãi… chỉ là do sai lầm trong trí tưởng tượng của bản thân mỗi người. Vì chúng ta thông minh và sáng tạo nên chúng ta tưởng tượng những gì có thể xảy ra, hoặc sẽ xảy ra thành những điều xảy ra trên thực tế. Anh hiểu ý ta nói không?
Walker gật đầu chăm chú rồi thoáng nở nụ cười:
- Chính là tôi. Không chỉ do phần thông minh trong tôi…
Jones phẩy tay ngăn anh lại:
- Ta hiểu ý của anh. Nhưng dù sao… - Ông nói tiếp. - Ngược lại, kẻ ngốc nghếch không lo lắng bất cứ điều gì cả! Họ không sợ gì hết! Giống như khi anh xem chương trình trên ti vi ấy, điều duy nhất điên rồ hơn việc một anh chàng nói “Hãy nhìn đây” là có một anh chàng khác gào lên “Đồ chết tiệt, tôi có thể làm như vậy”.
Walker cười to với ông lão:
- Tôi nghĩ là ông nói đúng.
Jones trả lời:
- Chắc chắn là vậy. Những người thông minh, giống như anh đấy, quá lạm dụng trí tưởng tượng của mình để rồi tự thét lên “Cháy!” trong khi ở đó không có dù chỉ là một làn khói.
Walker hỏi:
- Vậy làm thế nào để ngừng những ý nghĩ ấy lại chứ, đó mới là vấn đề. Tôi thường hay lo lắng những việc không đáng, thậm chí không nên xuất hiện trong đầu tôi.
- Nếu anh đã biết như thế thì cách dễ dàng nhất là dùng suy luận logic để triệt tiêu chúng.
Walker nhìn Jones chăm chú rồi lắc đầu:
- Tôi không hiểu.
- Anh sẽ hiểu ngay thôi. - Jones trả lời. - Đây là hai điều anh cần phải biết. Một là anh cứ nghĩ theo cách nghĩ của mình vì anh thông minh. Hai là anh phải xóa bỏ những ý nghĩ đó bằng suy luận.
Jones xoay người, chống hai khuỷu tay lên bàn nhìn chăm chú vào người đàn ông đối diện:
- Khi những nghi ngờ, sợ hãi tấn công, một cách bản năng, chúng ta lập tức liên tưởng đến những tình huống trong tương lai: “Điều này có thể sẽ xảy ra!” hay “Tất cả sẽ ra sao nếu…?”. - Ông tiến sát hơn. - Chúng ta nhanh chóng bị tê liệt vì ý nghĩ thảm họa sẽ ập xuống đến nỗi không hoàn thành trách nhiệm với công việc hoặc làm tan vỡ cả những mối quan hệ. Chúng ta tưởng mình đã rơi vào cảnh khốn cùng. Đây chính là vấn đề anh đang gặp phải đấy anh bạn. Điều anh cần làm để đánh bại suy luận tiêu cực bằng ý nghĩ lạc quan hơn, là thay đổi ngay trong tiềm thức của mình cách dự đoán về những sự kiện có thể xảy đến. Hãy hướng sự quan tâm vào khía cạnh ít nghiêm trọng của vấn đề. Anh sẽ nhanh chóng học được cách đoán biết một sự việc nào đó sắp diễn ra như thế nào và biết cách loại bỏ nó ngay cả khi nó mới chỉ là dự cảm xa xôi.
Jones mượn cây bút của cô phục vụ bàn vừa đi qua:
- Hãy ước tính mức độ rủi ro của những điều mình lo lắng.
Jones với tay lấy chiếc khăn giấy trên bàn và viết “40%” lên đó, ngước nhìn Walker. Walker đọc:
- Bốn mươi phần trăm.
Jones khẳng định:
- Bốn mươi phần trăm điều anh lo lắng chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.
Jones tiếp tục viết lên tấm khăn con số “30%”:
- Ba mươi phần trăm những điều anh lo lắng đã xảy ra trong quá khứ. Và cho dù anh lo lắng thế nào đi nữa thì cũng không thay đổi được việc đã xảy ra, đúng không ?
Walker gật đầu đồng ý.
Jones cúi xuống, viết số “12%”:
- Ta nghĩ rằng mười hai phần trăm những điều anh lo lắng xuất phát từ sự lo nghĩ thái quá về sức khỏe. Chân tôi đau, tôi có bị ung thư không? Tôi bị đau đầu. Vậy tôi có khối u trong não không? Cha tôi qua đời vì bệnh tim khi ông sáu mươi tuổi, còn tôi năm nay đã năm mươi chín tuổi rồi. - Đoạn ông ngước lên. - Anh hiểu ý ta không?
- Tôi hiểu.
- Mười phần trăm, - ông vừa viết vừa nói, - là những lo lắng vớ vẩn về suy nghĩ của người khác. Nhưng chúng ta không làm gì được đối với suy nghĩ của người khác.
Walker nghiêng đầu đọc những con số được viết trên tấm khăn đang để ngược trước mặt, nhìn Jones hỏi:
- Nếu tôi tính đúng thì còn lại tám phần trăm, thế tám phần trăm đó là gì?
Jones trả lời:
- Tám phần trăm còn lại là những mối quan tâm chính đáng. - Jones giơ một ngón tay lên. - Nhưng… hãy nhớ rằng đối với những lo lắng chính đáng này chúng ta cần hết sức chú tâm. Hầu như mọi người mất quá nhiều thời gian để lo lắng cho những gì không bao giờ xảy ra hoặc không thể kiểm soát được nên không còn đủ sức để giải quyết những việc họ thật sự cần phải làm.
Walker nói đơn giản:
- Tôi là người như thế.
Jones hỏi thêm:
- Sẽ không như vậy nữa đâu. Giờ, hãy cho ta biết những suy nghĩ nào xuất hiện ngay trong tâm trí anh trong suốt mười phút đầu tiên sau khi anh thức dậy mỗi ngày?
Walker nhún vai:
- À… tôi nghĩ tôi phải làm gì, gọi điện cho ai, vấn đề nào cần giải quyết trước tiên.
- Đó hẳn là những thử thách đầy áp lực trong ngày?
- Đúng.
Jones bắt đầu:
- Ta không khuyên anh đừng nghĩ đến việc mình cần phải làm… Điều ta muốn là anh hãy thử cộng thêm vào đấy vài ý tưởng khác. Hãy để tập giấy ghi chú và một cây bút cạnh giường ngủ, buổi sáng ngay khi vừa thức dậy hãy mang chúng theo đến bất kỳ đâu trong vòng mười phút hay khoảng chừng ấy thời gian. Liệt kê ra giấy những gì trong cuộc đời mà anh muốn cám ơn. Anh có thể viết tên người, vật, hoặc cảm xúc của bản thân… Nhớ ghi cả chiếc khăn trải giường tinh tươm và mái nhà che nắng mưa cho mình đấy nhé - nên biết rằng hàng triệu người đang sống trong cảnh không có cả hai thứ đó. Dù ăn sáng hay không anh cũng nên nghĩ đến biết bao người chẳng có được một bữa no. Hãy hào phóng và sáng tạo khi liệt kê những điều mình cảm thấy biết ơn. Anh đừng xấu hổ khi mỗi ngày đều ghi cùng một chi tiết. Cứ viết ra hết. Suy nghĩ như vậy không phải là thực hiện một bí quyết gì cả. - Jones cười sảng khoái. - Nhưng rồi anh sẽ biết ngay thôi. Đây thật ra là cuộc đấu tranh của anh với chính sự tưởng tượng của mình.
Jones tựa người ra sau và đặt bút xuống khi nói câu giảng giải cuối cùng cho thấy buổi gặp gỡ của họ đã kết thúc:
- Từ giờ trở đi anh sẽ thấy mình khác hơn trước. Những người lo lắng thái quá nói rằng họ không thể tập trung được, điều đó tước mất của họ công việc cũng như các mối quan hệ. Nói như vậy không đúng. Một người bị sự lo lắng trói buộc vẫn có thể tập trung. Không phải vậy sao? Lo lắng cũng là một sự tập trung, nhưng là tập trung vào những việc không chính đáng. Anh bạn à, anh đã được trang bị cách đơn giản hóa sự việc. Theo đó, anh sẽ chỉ tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát được. Anh sẽ không buồn bã hay lo lắng nữa. Anh sẽ thật lạc quan! Trên hết là không có một mầm mống của sự muộn phiền nào có thể bén rễ được trong một trái tim lạc quan.
Jones chỉ tay về phía nhà vệ sinh và bảo Walker:
- Nào. Hãy đi rửa mặt đi.
Walker đứng dậy, bối rối, vụng về nhìn Jones trong phút chốc. Anh đặt tay lên vai ông lão với đầy vẻ biết ơn:
- Cảm ơn Jones, nếu hôm nay tôi không gặp ông, có lẽ tôi…
Jones vỗ vỗ lòng bàn tay mình vào cánh tay Walker:
- Đi đi. Ta hiểu. Đừng bận tâm.
Nhưng chỉ hai phút sau, khi Walker từ nhà vệ sinh bước ra, ông lão đã tính tiền và đi mất.