Bầu trời rực rỡ ánh nắng khi Jones thong thả bước lên cây cầu Gulf State Park. Tôi đang ngồi đợi ông, chân gác lên chiếc bàn ăn ngoài trời, thưởng thức nước giải khát mát lạnh và ngắm nhìn những người đánh cá.
Chúng tôi vui vẻ chào đón nhau lần nữa và bắt đầu trò chuyện, chủ yếu là nói về tôi và cuộc sống của tôi từ khi ông rời khỏi nơi này. Tôi không muốn nói quá nhiều về mình còn ông thì vẫn rất ít kể về bản thân. Khi tôi hỏi ông đã đi đâu và làm gì trong thời gian qua, ông chỉ trả lời đại khái như “đây đó”, “đã làm được rất nhiều việc”. Nói chung, cách trả lời của ông khiến tôi hơi thất vọng, tuy nhiên tôi cảm thấy tốt hơn là mình không nên gặng hỏi thêm.
Tuy từ chối lời mời đến ở cùng nhà với chúng tôi nhưng ông đã chúc mừng tôi có được một ngôi nhà. Jones chỉ tay xuống phía gầm cầu, giọng nghiêm nghị: “Nhà mới của cháu tốt hơn chỗ cũ nhiều, đúng không?”. Sau đó Jones kể cho tôi nghe về Jan và Barry. Ông giải thích rằng ông không hề xâm phạm bí mật của người khác vì ông chỉ kể về vai trò của chính mình trong câu chuyện đó mà thôi. Ông nói: “Bên cạnh đó, họ sẽ sớm truyền đạt với người khác những gì đã học được”.
Khi ông nói về các phương thức biểu lộ lòng yêu thương, tôi hỏi ông ngoài hai cách mà ông đã chỉ cho vợ chồng Hanson còn có thêm cách thức thể hiện nào khác không. Ông đáp:
- Có chứ. Ta nhận thấy dường như có đến bốn hình thái chung nhất mà con người dùng để chuyển tải và cảm nhận tình yêu. Tuy chúng có thể kết hợp với nhau hoặc phân chia ra thêm nhưng theo ta thì có bốn hình thức cơ bản ấy.
Tôi thích thú hỏi:
- Cháu đã biết cách sử dụng lời khen và thể hiện lòng yêu mến bằng hành động. Thế còn hai cách kia là gì?
Jones giải thích:
- Cách thứ ba là chạm vào nhau. Đó có thể chỉ là một cái vỗ nhẹ vào lưng cũng đủ khơi dậy cảm xúc trong mối quan hệ yêu đương. Một thoáng chạm nhẹ, xoa đầu, một vòng tay ôm hay một nụ hôn là ví dụ điển hình của cách thức biểu cảm này. Những người bày tỏ tình yêu bằng cử chỉ âu yếm sẽ cảm nhận tình yêu theo cách đó. Thậm chí đó có thể là cách duy nhất giúp họ cảm nhận được tình yêu.
- Và đó cũng chính là cách để họ bộc lộ tình yêu của mình? - Tôi hỏi.
- Chắc chắn rồi. Ở đây không có đúng hay sai. Đơn giản nó là phương thức duy nhất mà họ hiểu được. Chúng ta có thể đánh giá họ giống như loài mèo. - Jones nói.
Tôi nhướn mày:
- Sao ạ?
- Mèo là động vật tiêu biểu cho kiểu bày tỏ tình cảm qua cử chỉ âu yếm. - Jones trả lời, rồi ông nhe răng cười giống điệu bộ của chú mèo Cheshire. - Cháu không cần cho nó ăn. Cháu biết đấy, khi đói nó sẽ tự tìm thức ăn. Mèo không chú ý đến những gì cháu nói hay làm, vì những việc đó không có ý nghĩa gì với nó cả. Nó sẽ không đến bên cháu khi cháu gọi. Mèo chỉ muốn được vuốt ve và gãi nhẹ. Đó là lúc nó cảm thấy được yêu thương. Vậy mèo thể hiện tình cảm của mình thế nào? Câu trả lời là, chúng sẽ cọ lưng hay dụi đầu vào người cháu như thể muốn nói rằng: “Hãy vuốt ve âu yếm tôi”. Một số người cũng có cách biểu hiện như vậy.
Tôi thán phục:
- Đúng thế. Thật đáng ngạc nhiên. Thế còn cách thứ tư là gì hả ông?
- Cách thứ tư chính là dành thời gian bên nhau. - Jones trả lời. - Với những người mang ngôn ngữ tình yêu này, việc cháu âu yếm họ, làm nhiều điều cho họ hay liên tục nói những lời yêu thương với họ chẳng là gì cả. Chỉ có thời gian bên nhau mới thực sự có ý nghĩa với họ.
- Hiện giờ cháu không phải là kiểu người “yêu thương bằng thời gian dành cho nhau” Andy à. - Jones cười lớn. - Để ta hỏi cháu vài câu nhé. Có khi nào vợ cháu nói những câu như “Ước gì chúng mình có nhiều thời gian bên nhau hơn” hay “Sao anh ít dành thời gian ở bên cạnh em vậy” không?
Tôi gật đầu một cách e dè, bắt đầu nghi ngờ nhận xét của ông và trả lời:
- Thật ra cô ấy có nói như vậy ông ạ. Ông biết đấy, cháu làm việc tại nhà nên mỗi khi cô ấy nói thế cháu đều nghĩEm nói anh không ở bên cạnh em là sao? Làm sao chúng ta dành thời gian cho nhau hơn được nữa? Trời đất! Anh luôn ở đây cả ngày cơ mà!
- Đúng là cháu ở nhà suốt ngày nhưng không phải với cô ấy. - Jones nói. - Vợ cháu thuộc nhóm người cảm nhận yêu thương bằng thời gian dành cho nhau. Cô ấy khao khát có được khoảnh khắc riêng tư với cháu. Đó cũng là cách cô ấy thể hiện tình yêu của mình. Nếu muốn cô ấy cảm thấy hạnh phúc và vững tin vào tình yêu của cháu thì cháu phải học cách thể hiện tình yêu theo phương thức này. Cháu phải dành cho cô ấy sự quan tâm trọn vẹn, lắng nghe tỉ mỉ những chuyện thường ngày, những ước mơ, buồn vui của cô ấy.
Tôi thành thật thú nhận:
- Ôi, thật buồn cười vì cháu chưa bao giờ biết đến những điều ấy!
Jones xua tay:
- Làm sao cháu biết được, bởi chúng ta luôn muốn người khác giống mình. Nhưng họ không như vậy. Còn bây giờ thì cháu hiểu rồi chứ?
- Đúng là giờ đây cháu đã hiểu và có thể làm điều gì đó tốt hơn. - Tôi dừng lại, cố hiểu tất cả những điều này và chợt nảy ra một ý nghĩ. - À Jones ơi, ông nói những người biểu đạt tình cảm bằng cử chỉ âu yếm giống với loài mèo… vậy con vật nào biểu trưng cho kiểu người chú trọng đến thời gian bên nhau?
Ông cúi đầu, mơ màng:
- Có chứ con trai, ta vẫn thường ví người cho và nhận tình yêu thông qua việc dành thời gian bên nhau với loài chim hoàng yến. Loài chim này không bận tâm xem ai cho nó thức ăn và nước uống. Nó cũng không cần biết cháu nói gì hoặc có vuốt ve nó hay không. Chim hoàng yến hạnh phúc nhất khi cháu ngồi đó và thưởng thức tiếng hót thánh thót của nó. Nếu bị bỏ mặc, nó sẽ chết. Nó chết không phải vì thiếu thức ăn mà vì thiếu tình yêu và sự quan tâm.
- Còn cháu thì sao hả Jones? - Vừa hỏi, tôi vừa dò xét vẻ mặt ông.
Jones cười thích thú bảo:
- Cháu ấy à, anh bạn của ta, cháu giống một chú chó nhỏ. Ta chắc rằng cháu cảm nhận tình yêu thương qua những lời khích lệ.
Tôi vui vẻ:
- Hoàn toàn chính xác. Nhưng sao lại là chú chó nhỏ?
Jones trả lời:
- Cháu nghĩ xem nếu khen một chú chó rằng nó thật tuyệt, thế là toàn thân nó cũng ve vẩy. Làm cách nào để dạy chó cưng hiệu quả? Cách tốt nhất là tán thưởng “Chó con ngoan nào”. Nhưng vẫn phải cảnh báo những người thích loài chó hay những người cảm nhận tình yêu bằng cách này rằng không có gì khủng khiếp và hủy hoại con người bằng những lời chê trách lúc nóng giận. Chó con sẽ co rúm người lại khi bị tổn thương. Và con người cũng thế.
- À, vậy ta biết mèo, chim hoàng yến, chó cưng… - Tôi vừa nói vừa giơ ngón tay lên đếm. - Thế con vật nào là tiêu biểu cho cách yêu thương bằng sự quan tâm và hành động thiết thực. Giống như Jan ấy?
Jones trả lời:
- Jan và những người như cô ấy là… những con cá vàng.
Tôi cười lớn:
- Chắc cô ấy sẽ rất vui khi nghe nói thế.
Jones quay lại và nheo mắt cười:
- Cháu sẽ nói điều này với cô ấy phải không?
Tôi vẫn cười:
- Cháu sẽ nói với tất cả mọi người.
Ông nhún vai:
- Đâu có gì xấu khi mọi người biết như vậy. Không chỉ có vợ chồng mới cần hiểu điều đó. Khi nắm vững được các cách thức đó, chúng ta sẽ có mối quan hệ tốt hơn với con cái, bạn bè và đồng nghiệp. Bất kể tuổi tác hay mối quan hệ, mỗi cá nhân đều bộc lộ tình cảm theo một phương cách. Không phải cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta hiểu rõ các hình thức thể hiện đó sao?
Tôi nghĩ một lúc rồi chợt nhớ ra và hỏi:
- Jones, tại sao Jan lại giống như một con cá vàng?
- Cá vàng cảm nhận tình yêu thương thông qua những hành động chăm sóc dành cho chúng. Cháu không thể chạm đến chúng, cũng không biết chúng có nghe được điều cháu nói hay không. Vì thế không nhất thiết cháu phải làm những điều đó. Và việc dành thời gian cho chúng nữa, chúng cũng không cần biết cháu có ở cạnh chúng hay không. Cá vàng chỉ muốn cháu cho ăn và lau rửa bể kính.
Tôi cười to:
- Ông nói rất đúng, Jones ạ.
Ông khiêm tốn:
- Đó là vài điều ta đã nhận ra qua nhiều năm. Chỉ là một chút cảm nhận khác biệt về mối quan hệ giữa người và người. - Ông đứng dậy, vươn vai và nói: - Sắp tối rồi, đã đến lúc cháu nên về nhà dành thời gian quý báu cho người vợ xinh đẹp của mình.
Tôi cũng đứng dậy chuẩn bị ra về nhưng đột nhiên cảm thấy thật khó nói lời tạm biệt. Tôi biết rằng mình đã nợ ông thật nhiều, nợ một con người mà tôi gần như không biết gì về ông. Dù thế nào đi nữa tôi cũng rất quý mến ông và tôi biết ông cũng rất yêu thương tôi.
Tôi hỏi:
- Jones, ông có chắc là ông không cần đến nhà…?
Ông đáp:
- Ồ, ta rất cảm kích lời mời. Nhưng ta khỏe mạnh. Ta không bị đói rét. Đừng lo cho lão Jones này. Thực ra thì ta còn một cuộc hẹn khác. Giờ cháu hãy biến đi. Được chứ? - Nói rồi ông cầm chiếc cặp lên, cười và cùng tôi rời khỏi cầu.
Khi ra đến xe tôi quay lại hỏi:
- Cháu có thể gặp lại ông không? Ý cháu là trong thời gian ông còn ở đây ấy?
- À, được chứ. - Ông trả lời. - Ta còn ở đây một thời gian nữa. Hãy tìm ta nhé! - Ông chỉ tay vào chiếc áo sơ mi và quần jeans của mình. - Ta là một người ăn mặc như vầy này!