Những chùm hoa đỗ quyên tím hồng rực rỡ trên cành, lấn át cả đám sơn thù du và muồng búp đỏ, che khuất tán lá xanh đang ẩn mình bên dưới. Willow Callaway đã chứng kiến những khóm hoa đua nhau khoe sắc trong suốt bảy mươi sáu năm qua. Bà chầm chậm bước dọc theo hành lang, qua khoảng sân rộng rồi đứng chờ đèn hiệu giao thông để băng sang đường. Bà sống trên đường Canal, cách quảng trường trung tâm khoảng một dặm về phía tây. Con đường này còn được biết đến với cái tên Quốc lộ 180, nhưng hình như chỉ có khách du lịch mới gọi như thế.
Trong lúc chờ đợi, bà chợt nhớ về ngày xưa khi con đường này còn là một lối mòn âm u vắng người qua lại. Ấy vậy mà bây giờ bà đứng đây, chịu đựng bao nhiêu là khói bụi và chứng kiến sự vội vã của bao người - những người mà bà không hề muốn có sự hiện diện của họ. Bà không thể nào hiểu được, họ quá ồn ào và có lối cư xử quá khác biệt so với thời của bà. Willow nhớ lại thuở bà cùng lũ trẻ thường ra khỏi nhà vào tầm này của buổi chiều và chơi đùa thoải mái bên bờ sông. Bà cùng các con vẫy tay chào người lái thuyền rồi bắt đầu trò chơi đoán xem họ sẽ về một bến đỗ xa xôi nào. Những chiếc tàu kéo giờ đây đã được trang bị máy lạnh và không còn ai ra ngoài đứng vẫy tay chào nữa. Dù vậy, bà vẫn thường ngồi trông theo từng chuyến tàu qua lại.
Willow bước vội sang đường và tiến đến bên chiếc ghế dài trước mặt. Đây không phải là công viên nên không có đèn chiếu sáng, cũng không có thùng rác. Gần đó không có cửa hiệu làm cá thuê, không vòi phun nước và không có bất kỳ một biển báo nào. Chỉ trơ trọi hai chiếc ghế giống hệt đặt cạnh nhau trong bến tàu nhỏ với diện tích không quá năm mét vuông. Mấy mươi năm về trước, chính chồng bà đã mở bến tàu và cho đặt những chiếc ghế này ở đây.
Khi công trình nhỏ bé ấy được tự hào đặt cạnh bờ sông cũng là lúc lũ trẻ rời khỏi đây, bỏ lại ngôi nhà vắng vẻ chỉ còn bà và Bobby Gray - người chồng bà kết hôn từ năm bà mười sáu tuổi. Ngày ông còn sống, rất nhiều đêm hai vợ chồng ngồi bên nhau, nhâm nhi tách trà ngọt ngào rồi ngắm nhìn thủy triều chầm chậm lên xuống, lặng yên không nói, chỉ thư giãn, cảm nhận tình yêu của Chúa và yêu thương dành cho nhau.
Con trai lớn của bà, Tommy, đang sống ở Dallas. Anh đã có con, thậm chí đã có cháu. Ray và Martha, hai cô con gái sinh đôi, thì sống với gia đình riêng ở Sarasota. Còn Bradford, cậu con út bé bỏng của bà, đã đi xa. Khó mà tin được bà lại sống lâu hơn con của mình, nhưng sự thật là như vậy. Brad mất ở tuổi bốn mươi bảy. Có thể với mọi người Brad đã là một người trưởng thành nhưng với bà, anh vẫn chỉ là một đứa trẻ thơ dại, chạy bằng đôi chân trần và vướng vào những dây hoa kim ngân, cười nắc nẻ với những câu chuyện đùa ngớ ngẩn nhưng lại khóc trong đêm Giáng sinh năm nào vì thương Chúa Jesus phải sinh ra trong một hang lừa.
Bà rất tự hào về những gì đã đạt được, về quãng đời mình từng trải qua, nhưng giờ bà nghĩ cuộc sống của mình không còn cần thiết nữa. Cách đây nhiều tháng, bà đành chấp nhận sự thật đó với cảm giác nuối tiếc như người bị lãng quên không được ai trao tặng vòng nguyệt quế và phải ở nhà trong ngày lễ hội tháng Ba. Nhưng dường như chưa sẵn sàng đối mặt với nó, bà vẫn còn chờ đợi một điều gì đó.
“Ồ… Xin lỗi!” - Willow nói khi trông thấy một ông lão ngồi sẵn trong bến. Nơi đây vốn là chốn ngắm cảnh của bà. Ngay cả thị trưởng của vùng Orange Beach cũng có lần phát biểu trên một bài báo như thế. Mọi người trong vùng ai cũng biết cái bến ấy là do chồng bà tạo nên và nó nằm đối diện với căn nhà của bà. Chưa bao giờ có chiếc xe nào đỗ ở bến, cũng chưa bao giờ có ai khác đến đây. Cả thành phố dành riêng nó cho bà. Nó được gọi là bến Willow Callaway.
Bà như bị mê hoặc bởi những khóm hoa đỗ quyên và không ngờ rằng có một ai khác sẽ ngồi ở đây, thế nên bà hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy ông.
Ông đứng dậy, mỉm cười nói:
- Thật là một buổi tối dễ chịu. Cảnh vật cũng thật tuyệt vời nữa chứ!
Rồi ông cúi đầu nhẹ nhàng bảo:
- Bà Callaway… xin mời ngồi. Tôi sẽ đi ngay nếu bà muốn ở lại một mình. Nhưng tôi mong có thể nán lại cùng bà trong phút chốc nếu được phép.
- Ông… Tôi cảm thấy không thoải mái lắm… khi ông biết rõ về tôi, và tôi cũng không nghĩ là mình sẽ vui với cái cách giới thiệu như thế. - Bà trả lời.
Ông lão khom người xuống và giơ tay ra trước:
- Tôi vô cùng xin lỗi quý bà xinh đẹp. Bà thật nổi tiếng ở đây, còn tôi lại chỉ là một người kể chuyện, một kẻ lãng du không có chút hành trang, một con thuyền lênh đênh không bến đỗ. Tôi tên là Jones, thưa bà. Không phải ông Jones, nếu bà không muốn chế giễu tôi, chỉ đơn giản là Jones mà thôi.
Willow mỉm cười giơ tay ra cho phép người đàn ông lịch sự này dìu bà ngồi xuống.
- Tôi có thể ngồi cùng bà chứ? - Ông hỏi.
- Vâng, xin mời ông. - Bà trả lời một cách duyên dáng.
Họ cùng ngồi trên một chiếc ghế băng. Willow ngồi bắt chéo chân và để tay lên đùi còn Jones thì đặt chiếc cặp của mình trên tấm ván mỏng dưới chân.
- Chiếc ghế này làm tôi thán phục. - Jones vừa nói vừa vỗ vỗ vào khoảng ghế trống giữa họ. - Nó đúng là một ví dụ điển hình cho cách làm việc tỉ mỉ, công phu mà thời nay chúng ta không còn được thấy nhiều nữa. Tôi nghe nói chồng bà được rất nhiều người thán phục khi làm ra chiếc ghế tuyệt vời này?
Mặt Willow rạng rỡ, ánh lên niềm tự hào:
- Vâng, đúng thế đấy. Ông Bobby Gray nhà tôi đã làm nó vào năm 1969. Hoàn toàn dùng những cái chốt bằng gỗ và vết khía chữ V. Không hề sử dụng một cái đinh nào, ông có nhận ra không?
- Có chứ, tôi đã để ý điều này. - Jones vừa nói vừa đưa tay sờ vào những mối nối, xuýt xoa. - Đẹp! Đẹp quá!
- Theo tôi đoán thì ông không phải là dân vùng này đúng không? - Willow hỏi.
- Đúng vậy. Tuy không phải là dân ở đây nhưng tôi cũng qua lại nhiều năm, đủ để biết rõ vùng này, yêu con người nơi đây và hiểu được giá trị của chiếc ghế này.
- Ồ, dĩ nhiên là ông luôn được chào đón ở đây… Tôi có nên tin vào điều ông vừa nói không nhỉ? - Willow nở nụ cười thân thiện.
- Nên chứ, cảm ơn bà.
Willow xoay người chỉ tay sang bên phải, nhìn về hướng dòng sông và hỏi:
- Ông có thấy hòn đá lớn kia không?
- Vâng, tôi thấy.
- Bây giờ thủy triều đang xuống nên ông có thể nhìn thấy nó, còn thường thì nó nằm chìm sâu dưới mặt nước. Phía ngoài hòn đá kia khoảng một mét rưỡi, có một cái hang lớn. Chỗ đó nước không sâu lắm nên bầy cá hồi đỏ thường tụ tập bên trong khi dòng nước chảy xiết. Các con trai tôi thường kiếm được thức ăn từ cái hang đó. Giờ thì không ai biết về nó, thuyền bè vẫn ngược xuôi qua lại và tôi vẫn thấy những chú cá nhao nhao vẫy đuôi dưới đáy sông săn tìm tôm cua. Những con thuyền kia chưa bao giờ dừng lại nơi đó...
- Bà nhắc đến con cái, chắc các cháu đã lớn và sống ở nơi khác. Các cháu có thường xuyên về thăm bà không? - Ông hỏi.
- Lúc nào được, chúng đều cố gắng về thăm tôi. Thực sự tôi cũng không mong chờ lắm. - Bà tỏ vẻ rất ngạc nhiên. - Ông có biết các con tôi đứa nào cũng có cháu rồi không? Tôi chưa bao giờ nghĩ mình già như thế. Không biết tôi đã già từ khi nào. Chắc có lẽ từ khi Brad ra đi. Brad là đứa con bé bỏng của tôi. - Bà giải thích. - Cũng không hẳn là một đứa trẻ… nó gần năm mươi tuổi… nhưng vẫn...
Cả hai im lặng trong chốc lát rồi Willow kể tiếp:
- Tôi đã không đau đớn tột cùng khi Bobby Gray qua đời, nhưng một người mẹ không nên sống lâu hơn con mình… như vậy thật tàn nhẫn. - Môi bà chợt run lên và giọng bà òa vỡ. - Tôi sống chẳng có ích gì nữa. Tại sao tôi lại già thế này. - Bà sụt sịt, ngước mặt lên. - Tiếp tục như thế này thì giống một kẻ điên quá. Tôi xin lỗi. Chắc ông nghĩ tôi thật điên rồ.
- Ồ, không, không. - Jones nhẹ nhàng nói. - Tôi không hề nghĩ bà điên rồ dù chỉ là một chút. Sai lầm thì có thể, nhưng chắc chắn không phải là điên rồ.
Willow vội quay sang, không chắc mình vừa nghe đúng, hỏi lại:
- Ông làm ơn nói lại?
Jones mỉm cười rồi uốn từng lời thật cẩn thận:
- Quý bà thân mến. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng bà điên rồ. - Jones nhún vai. - Tuy nhiên, khi bà nói những câu nghe buồn cười như “Tôi sống chẳng có ích gì nữa” thì tôi e rằng...
Willow quay lại nhìn xuống mặt sông, nói:
- Ông thật tử tế khi nói vậy.
- Nhưng bà có vẻ không tin tôi nhỉ? - Jones hỏi mặc dù đã biết câu trả lời.
Vì phép lịch sự nên Willow không thể đứng lên bỏ đi hay thậm chí là nhắc nhở ông ấy hãy lo việc của mình, thay vì lo chuyện bao đồng. Bà kinh ngạc khi thấy người đàn ông mình không hề quen biết lại dám táo tợn bàn cãi những suy tưởng của bà về chính cuộc đời mình. Rồi bà nhấn mạnh:
- Thưa ông. - Bà nói với một chút kích động. - Tôi là một bà lão chỉ mong muốn sống những ngày còn lại trong đời khác với cái cách của những người có quá nhiều việc để làm.
Jones đưa hai tay lên rồi ngẩng nhìn lên trời, nói to:
- Chúa ơi, xin đừng để bà lão già nua này chết ngay trên chiếc ghế bên cạnh con. - Vẫn giữ điệu bộ đó, ông nheo mắt chăm chú nhìn Willow.
- Đừng trêu chọc tôi. - Bà cười nói khẽ.
Jones nói thêm:
- Bà đã nghiêm trọng hóa mọi việc. Bà không già lắm đâu. Thế bà nghĩ tôi bao nhiêu tuổi? - Jones dừng lại khi thấy Willow nhìn mình.
- Hãy nghĩ đi nào. Nhìn tôi này. Bà đoán xem tôi bao nhiêu tuổi?
Willow trả lời:
- Tôi không biết.
Jones pha trò:
- À tôi chắc bà luôn là người thắng cuộc vì bản thân tôi cũng không có câu trả lời.
Cả hai cùng cười lớn. Jones nói thêm:
- Kể từ lần kỷ niệm thứ năm mươi của sinh nhật thứ 39, tôi thôi không còn đếm số lần sinh nhật của mình nữa.
Willow lắc đầu hỏi:
- Có thật là ông không biết không?
- Có thể khoảng vài chục năm. - Jones trả lời. - Nhưng để làm gì? Chúng ta có nên để một con số ảnh hưởng đến cảm xúc của mình không? Hơn nữa, hỡi người phụ nữ trẻ trung, tôi thực sự nghĩ rằng bà còn rất trẻ, ai cho phép bà tự quyết định mình không còn gì để làm và không có gì để cống hiến nữa?
Willow nói:
- Đó chỉ là một ý nghĩ để an ủi tôi thôi. Sau khi Bobby qua đời và các con đều có cuộc sống riêng… - Bà thẫn thờ, nhưng rồi bà cố gắng trấn an mình và nói tiếp: - Mỗi người có sự lựa chọn riêng cho bản thân, và không phải nhiệm vụ của người già là nhường đường cho bọn trẻ sao? Tôi chỉ đơn giản cảm thấy mình đã hết thời.
- Ồ! - Jones vừa vỗ hai tay vào gối vừa cất cao giọng. - Thật may là không phải ai cũng nghĩ như vậy! Nếu không thế giới này ắt hẳn đã thiếu đi nhiều thành tựu lớn lao.
Willow cố gắng không cười:
- Ông Jones, ông lại chế giễu tôi rồi.
Jones đáp:
- Ồ, đúng mà cũng không đúng. Và tôi chỉ là Jones mà thôi. Nhưng hãy để tôi chỉ cho bà một cách nhìn khác về cảm giác đã qua thời của bà nhé. Chẳng phải việc Harlan Sanders không hề nghỉ hưu khi ông sáu mươi lăm tuổi là điều rất tốt đấy ư?
Cái tên này không hề có ấn tượng gì với Willow nên bà hỏi lại:
- Harlan Sanders là ai?
- Có lẽ bà sẽ nhớ ông ấy với biệt hiệu Đại tá Sanders. Mãi cho đến năm sáu mươi lăm tuổi ông mới lấy cái tên này và bắt đầu sử dụng đến công thức chế biến món ăn của gia đình để tạo nên chuỗi cửa hàng nhượng quyền chuyên bán gà rán. Tất cả những gì ông có lúc bắt đầu chỉ là số tiền lương hưu ít ỏi mỗi tháng một trăm năm mươi đô-la.
Willow thành thật:
- Tôi không biết điều này. Ông ta sáu mươi lăm tuổi à? Cũng còn khá trẻ đấy chứ.
Jones cười thầm:
- Tôi đã nghĩ rằng bà sẽ nhìn nhận sự việc như vậy…
Thế còn Benjamin Franklin thì sao nào? Ông ấy phát minh ra mắt kính vào năm mình bảy mươi tám tuổi. Winston Churchill cũng đã bảy mươi tám tuổi và từng làm một vài nghề trước khi bắt đầu viết sách và đoạt giải Nobel Văn học đấy thôi. Bà có muốn nghe tôi kể tiếp không nào? - Chưa kịp dừng lại để thở thì ông đã tiếp. - Nelson Mandela nhậm chức tổng thống Nam Phi lần đầu tiên vào năm bảy mươi lăm tuổi sau nhiều năm tù đày. Igor Stravinsky vẫn trình diễn hòa nhạc khi ông tám mươi bảy tuổi. ‘Grandma’ Moses là một họa sĩ và bán được bức tranh đầu tiên khi bà chín mươi tuổi. Michelangelo bắt đầu làm việc tại St. Peter Basilica, một trong những kho tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới khi ông bảy mươi hai tuổi.
- Dừng lại! - Willow yêu cầu, bà giơ tay ra hiệu và cố nén nụ cười. - Ông có thể liệt kê cái danh sách đó trong bao lâu?
- Vậy bà có bao nhiêu thời gian?
- Tôi đang nghĩ xem nếu đó là chủ đề chúng ta thảo luận thì tôi có bao nhiêu thời gian. - Willow trả lời. Bất chợt bà ngập ngừng. - Chỉ là…
- Chỉ là… sao? - Jones hỏi nhanh.
- Chỉ vì… Tôi như ở một nơi cô quạnh đáng sợ. Tôi đã sống một mình nhiều năm, ông biết đấy. Và… cố không làm điều gì để thay đổi hoàn cảnh đó… Đây là khoảng thời gian tệ hại nhất trong đời tôi.
- Bà có muốn nghe cách suy luận minh chứng rằng mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn không? - Jones hỏi.
Willow giễu cợt:
- Nào thử xem, có một minh chứng như vậy thật sao?
Jones trả lời nghiêm túc:
- Có chứ. Rất nhiều điều quý giá còn tiềm ẩn trong chúng ta vì chúng ta không bao giờ tìm kiếm nó. Trước thử thách khó khăn, chúng ta thường không đặt ra được những câu hỏi xác đáng để giải quyết vấn đề. Ta cuống lên trong sợ hãi và hối tiếc, đến nỗi xem niềm hy vọng là một cố gắng xuẩn ngốc. Tuy nhiên, nguồn hy vọng không chỉ tồn tại thực sự, nó còn là một quy luật của vũ trụ.
Willow dịu giọng:
- Thôi được, tôi thử nghe ông nói xem sao.
Jones nhìn xuống đôi bàn tay chai sạm của mình rồi bắt đầu:
- Trước tiên phải hiểu một điều quan trọng là dù trải qua bao lần khốn khó thì chúng ta cũng nên xem chúng chỉ là một phần bình thường trong chuỗi thăng trầm của cuộc đời. Không có gì phải lo lắng nhiều đến thế. Thật sự, mỗi chúng ta luôn trong tình trạng khủng hoảng, vừa thoát khỏi hoặc sắp đối đầu với nó. Khủng hoảng ư? Đó cũng chỉ là một phần tất yếu của thế giới này.
Đột nhiên ông nhìn thẳng vào bà và nói:
- Hãy hít một hơi thở thật sâu.
- Gì cơ? - Bà hỏi lại.
- Nào, nào… một hơi thở mạnh. Một hơi thở mạnh và sâu...
Đôi vai bà vươn cao rồi hạ xuống, bà nhìn Jones đầy thắc mắc.
- Bà cảm thấy thế nào? - Jones hỏi khi thấy bà thở ra.
- À… không khí mới trong lành làm sao.
- Không. - Jones tỏ ra rất sôi nổi. - Bà hãy nói cụ thể hơn nào. Bà hãy nói với tôi bằng suy nghĩ đơn giản nhất. Khi một người còn thở thì hiển nhiên chúng ta biết được điều gì?
- Thì người đó còn sống.
- Đúng vậy. - Jones hồ hởi. - Họ còn sống! Vì thế từ sự thật là bà vẫn còn thở được, chúng ta có thể xác định được gì nào?
- Nghĩa là tôi vẫn còn sống. - Có một chút chắc chắn hơn trong lời nói của bà.
- Đúng thế đấy! - Jones đáp. - Với nhận thức này, chúng ta đã nắm được mắt xích đầu tiên của một chuỗi chân lý đơn giản, tự nhiên về sự tồn tại của mình trong thế giới này. Mỗi một nhịp thở là một minh chứng rõ ràng, không thể tranh cãi. Người bạn thân mến, ngay cả khi bà cảm thấy mình đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong đời thì hãy vững tin rằng còn đó suối nguồn hy vọng ở tương lai. Dĩ nhiên, nguồn hy vọng này luôn ẩn chứa trong mỗi người bất kể tuổi tác, thể chất, tình hình tài chính, màu da, giới tính, trạng thái tình cảm và cả lòng tin nữa. Hãy lắng nghe thật kỹ…
Nếu bà đang thở, nghĩa là bà đang sống. Nếu bà còn sống nghĩa là bà thật sự hiện hữu trên mặt đất này. Nếu bà còn ở nơi này nghĩa là bà chưa hoàn thành hết nhiệm vụ mà mình được giao phó khi được sinh ra. Nếu bà chưa hoàn thành hết nhiệm vụ được giao… nghĩa là lý tưởng trong đời vẫn chưa đạt được. Nếu lý tưởng chưa đạt được nghĩa là bà chưa trải qua quãng đời quan trọng nhất. Và nếu quãng đời quan trọng nhất chưa trải qua thì… - Jones bỏ dở câu nói, chờ đợi Willow tiếp nối suy nghĩ của mình.
- Thì tôi vẫn còn một tương lai phía trước để hy vọng, để phấn đấu và cống hiến. - Willow nhẹ nhàng nói.
Jones tán thành:
- Đúng như thế đấy. Nếu phần quan trọng nhất trong đời bà còn ở phía trước, thì ngay cả trong lúc gian khổ nhất, con người vẫn vững tin rằng có rất nhiều niềm vui đang đến, nhiều thành công đang đợi chờ, nhiều đứa trẻ cần được giúp đỡ và dạy dỗ, nhiều bạn bè cần quan tâm, chia sẻ. Có một nguồn hy vọng… cho nhiều thứ hơn nữa.
Cả hai yên lặng một lúc rồi Willow nói tiếp:
- Nhưng tôi biết bắt đầu từ đâu? Và bằng cách nào? - Bà hỏi khẽ. - Đừng hiểu sai về tôi Jones ạ. Tuy tôi đã già nhưng không phải quá cố chấp. Tôi đã bị ông thuyết phục và thấy phấn chấn hơn. - Bà cười bẽn lẽn. - Tôi muốn mình làm một điều gì đó mặc dù tôi biết nó không quá lớn lao. Thật tuyệt khi biết rằng ít ra tôi cũng có thể tạo nên một chút thay đổi.
Jones mím môi, dè dặt nhìn Willow rồi nói:
- Bà sẽ phản ứng ra sao khi tôi không đồng ý với bà hai lần ngay trong một ngày?
Bà mở to mắt, ngạc nhiên hỏi lại như không thể tin được:
- Lần này tôi nói có gì sai nào?
Jones hít một hơi rồi thở ra thành tiếng, lắc đầu nói:
- Cái từ “một chút thay đổi” đấy.
- Gì cơ? Vậy thì có gì sai? Chắc chắn tôi có thể tạo nên một chút thay đổi.
Jones lắc đầu nói tiếp:
- Xin lỗi, tôi chưa bao giờ nghe người nào có thể tạo nên một chút thay đổi. Bản thân tôi không bao giờ tin điều đó. Vậy nên bà phải chuẩn bị để làm nên một thay đổi lớn lao.
Willow ngẩng đầu lên, vẻ rất tò mò:
- Tiếp đi nào...
- Dù sự thật là rất nhiều người thường không nhận ra hoặc không hiểu được những thay đổi do mình tạo ra, hay thỉnh thoảng chỉ hình dung rằng hành động của họ có ảnh hưởng rất nhỏ thì hành động của mỗi người vẫn luôn tạo ra những kết quả vượt xa mong đợi.
Lúc nãy chúng ta nói đến những người đặc biệt đã đạt được thành công vang dội vào những năm cuối đời. Bà có biết Norman không? - Willow lắc đầu. Jones giải thích. - Khi Norman Bourlag được công nhận là có công cứu sống khoảng hai tỉ người, lúc đó ông đã chín mươi mốt tuổi đấy.
- Hai tỉ người? - Bà thảng thốt. - Làm sao lại như thế được chứ?
- Norman Bourlag là người lai giống thành công giữa bắp và lúa mì trong vùng khí hậu khắc nghiệt. - Jones trả lời. - Ủy ban xét giải thưởng Nobel, các học giả thẩm định giải thưởng Fulbright và nhiều chuyên gia đã tính rằng có hơn hai tỉ người trên toàn thế giới từ miền Trung và Nam Mỹ, Tây Phi đến châu Âu, châu Á, cả vùng đồng bằng Siberia, vùng hoang mạc phía Tây Nam châu Mỹ thoát khỏi nạn đói nhờ vào thành tựu của Bourlag... con số này liên tục tăng lên mỗi ngày.
- Thật không thể tin được. - Willow nói.
Jones đồng tình:
- Đúng vậy. Khó tin quá phải không? Nhưng phần khó tin nhất của câu chuyện là cho dù Bourlag được nhận tất cả những vinh dự đó… - Jones liếc nhìn xung quanh như thể sợ người nào đó sẽ nghe thấy điều mình nói - thì thật ra ông lại không phải là người đã cứu sống hai tỉ người.
- Sao thế?
- Tôi tin rằng người đó phải là Henry Wallace - Phó tổng thống Mỹ dưới thời Roosevelt. - Jones nói một cách chắc chắn.
- Tôi nhớ Truman là Phó tổng thống dưới thời Roosevelt. - Willow hoài nghi.
- Đúng vậy. Nhưng bà hãy nhớ rằng Roosevelt làm tổng thống trong bốn nhiệm kỳ. Hai nhiệm kỳ đầu tiên thì John Nance là Phó tổng thống, nhiệm kỳ thứ tư là Truman. Nhưng suốt nhiệm kỳ thứ ba thì Phó tổng thống chính là Henry Wallace - cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Khi Wallace trở thành Phó tổng thống Mỹ, ông đã dùng quyền lực của mình lập nên một trung tâm ở Mexico. Mục đích duy nhất của trung tâm này là làm cách nào để lai tạo được giữa bắp và lúa mì trên vùng khí hậu khắc nghiệt… và ông ta đã thuê một thanh niên trẻ tuổi quản lý trung tâm tên là Bourlag. Vì thế, khi Norman Bourlag nhận giải Nobel thì chính Henry Wallace mới là người có công đầu tiên trong việc cứu sống hai tỉ người.
- Tôi chưa bao giờ biết điều này. - Willow nói. - Thậm chí tôi còn không nhớ nổi ông ấy.
Jones trả lời:
- Không sao. Giờ nghĩ về việc này, tôi lại cho rằng có lẽ Henry Wallace cũng không phải là người được nhận công lao…
Willow giật mình:
- Sao ông lại nói như thế?
Jones nhìn xuống đất, tay xoa cằm như thể đang rất tập trung suy nghĩ:
- Có thể chính George Washington Carver mới đúng là người cứu sống hai tỉ người đó. - Ông gật gù nói tiếp. - Bà có nhớ ông ta không?
Willow vội đáp:
- Nhớ. Đậu phộng. Nhưng ông ta đã làm…?
- Mọi người không biết rằng khi George Washington Carver mười chín tuổi và là sinh viên của trường đại học công lập Iowa, ông có một người thầy dạy nuôi bò sữa. Thầy cho phép cậu con trai yêu quý sáu tuổi của mình đi theo người học trò xuất sắc làm các thí nghiệm về thực vật mỗi tuần. George Washington Carver dìu dắt và định hướng cho cuộc đời cậu bé. Carver đã mở ra cho Henry Wallace một tầm nhìn sâu sắc về tương lai và dạy cho cậu bé cần phải làm gì với cỏ cây để giúp nhân loại.
Jones lắc đầu phân vân:
- Điều này đáng ngạc nhiên quá phải không? Carver có thể dành hết thời gian của ông để nghiên cứu hạt đậu phộng, đúng không? Ông làm việc liên tục hàng giờ, hàng tháng, hàng năm liền. Ông đã tạo ra hai trăm sáu mươi sáu sản phẩm từ đậu phộng mà ngày nay chúng ta vẫn còn sử dụng. Sau đó là cây khoai lang. Tám mươi tám công dụng mà ông đã tìm ra từ cây khoai lang. - Jones chồm tới, hai tay chống gối. - Ông còn viết một luận án về nông nghiệp và dựa vào đó để phát triển nên dự án mà ông gọi là “khải hoàn viên”.
Willow cười:
- Tôi nhớ những khu vườn chiến thắng đó. Chúng tôi cũng có một khu như thế.
Jones đáp lời:
- Đúng rồi, rất nhiều người cũng có. Khải hoàn viên có mặt thậm chí ở giữa các thành phố lớn, nó đã nuôi sống một bộ phận dân cư đáng kể trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Carver đã dành thời gian và nỗ lực suốt nhiều năm liền để nghiên cứu cây đậu phộng, khoai lang và khu vườn chiến thắng, nhưng thật ngạc nhiên là chỉ với một vài buổi chiều làm việc cùng cậu bé Herry Wallace sáu tuổi, ông đã tạo ra được điều lớn lao khác nữa.
Willow thán phục:
- Vì vậy chính George Washington Carver mới là người cứu sống tất cả những người kia.
Jones lắc đầu:
- Cũng… không hẳn thế.
- Sao?
- Có thể là một nông dân ở vùng Diamond bang Missouri. - Ông cười khi thấy Willow buông cả hai tay xuống.
- Có một người nông dân ở vùng Diamond, bang Missouri tên Moses và vợ ông ta là Susan. Vùng họ sống vẫn duy trì chế độ nô lệ nhưng họ phản đối điều này. Đó chính là lý do khiến cho những kẻ điên cuồng đột nhập vào các nông trại lúc nửa đêm, khủng bố những người được gọi là “Người cảm thông”. Vào một đêm đông lạnh giá, đạo quân thảm sát Quantrill tấn công trang trại của Moses và Susan. Chúng đốt chuồng trại, bắn chết vài người và mang đi một phụ nữ tên là Mary Washington… chỉ vì bà ngăn không cho họ bắt George, con trai mình.
Mary Washington và Susan là bạn rất thân. Vì thế Moses đã lập tức viết thư cho những kẻ giết người tàn bạo kia đề nghị gặp nhau nhằm cố gắng cứu hai mẹ con Mary trở về. Vài ngày sau đó, ông được hẹn gặp. Thế là vào một đêm tháng Giêng, Mose cưỡi một con ngựa đen đi suốt mấy giờ liền theo hướng Bắc để đến giao lộ của vùng Kansas.
Ở đó ông gặp bốn tên Quantrill cưỡi ngựa, tay cầm đuốc, đầu trùm vải bố có khoét lỗ chỉ để lộ hai con mắt. Moses đã đổi con ngựa duy nhất của mình lấy thứ chúng đang đựng trong bao bố. Khi chúng lớn tiếng dọa nạt, Moses đã quỳ xuống van xin. Nơi ấy, trong màn đêm lạnh giá, với hơi thở bốc thành làn hơi trắng, Moses ẵm từ trong bao ra một cậu bé trần như nhộng, thân thể lạnh ngắt gần như sắp chết. Ông cởi áo khoác, cởi cả áo sơ mi rồi ôm chặt thằng bé sát vào người mình để truyền hơi ấm. Sau đó Moses nhanh chóng lấy áo của mình quấn quanh cậu bé và bế đi. Mỗi bước đi ông đều nói với thằng bé rằng ông sẽ chăm sóc và nuôi dạy nó như chính con mình… hứa sẽ dạy dỗ nó nên người với tất cả tình cảm dành cho Mary, người mà ông biết là đã bị chúng giết.
Jones chăm chú nhìn Willow đang rất thắc mắc, ông nhẹ nhàng nói:
- Đêm ấy người nông dân đã đặt tên cho cậu bé. Vì vậy, Moses và Susan Carver đã nuôi dạy cậu con trai bé bỏng George Washington Carver. Thế nên rõ ràng người nông dân ở vùng Diamond bang Missouri mới chính là người đã cứu sống hai tỉ người kia.
Họ ngồi bên nhau yên lặng một lúc, rồi Jones giơ ngón tay lên như vừa nảy sinh ý tưởng gì đấy. Ông nói bằng giọng trêu đùa:
- Có lẽ là trừ khi … - Chợt thấy mắt Willow rưng rưng, ông nói. - Thế nên bà thấy đấy, chúng ta có thể tiếp tục cùng nhau lý luận như vậy suốt đêm. Ai mà biết được người nào đã thật sự cứu sống hai tỉ người kia? Chúng ta có thể đi đến thời điểm nào của quá khứ? - Jones với tay nắm lấy tay bà Willow - Và chúng ta có thể đi đến đâu trong tương lai để biết được có bao nhiêu cuộc đời mình đã chạm tới? Có những thế hệ sau chưa sinh ra nhưng biết đâu cuộc đời chúng sẽ thay đổi và định hình do những thay đổi bà tạo nên hay do những hành động của bà… hôm nay. Ngày mai, đêm mai, ngày kế tiếp và tiếp nữa…
Thế nên bất kể tuổi tác, thể chất, khả năng kinh tế, giới tính, tình cảm và niềm tin… mọi việc bà làm, mọi thay đổi bà tạo nên cũng ảnh hưởng đến nhiều người. Mãi mãi sẽ là như thế.
Willow nói khẽ:
- Cảm ơn, cảm ơn ông.
- Cảm ơn bà, người phụ nữ trẻ. - Ông nói rồi đứng dậy. - Cảm ơn đã cho tôi cơ hội cùng bà chuyện trò và thư giãn tại một nơi tuyệt vời như thế này… - Ông đi chầm chậm về hướng tây ra phía bờ sông và nói vọng lại. - Nhưng đừng nghỉ ngơi lâu quá nhé. - Willow nghe tiếng ông vọng lại trong bóng đêm. - Thời gian thật quý báu và bà có rất nhiều việc phải làm.