Hai cậu con trai sà vào lòng tôi, cậu nhóc sáu tuổi nói trước:
- Ông Jones thật dễ thương ba nhỉ!
- Ừ, ông ấy thật tuyệt, đúng không nào? - Tôi trả lời.
Jones vừa đi khỏi cách đây vài phút sau khi đã ở chơi cả tối cùng gia đình tôi. Cũng như mọi lần, ông vẫn từ chối khi chúng tôi mời ông ngủ lại.
- Con yêu ông Jones lắm ba ạ. - Cậu con trai bốn tuổi của tôi nói như vậy.
- Ba cũng yêu ông ấy, nhóc à… - Tôi vừa trả lời vừa hỏi thêm:
- Các con gọi ông ấy là Jones hay Ông Jones?
- Ông Jones ạ. - Cả hai cùng trả lời một cách trang nghiêm, và cậu con trai lớn nói: - Ông bảo chúng con có thể gọi ông là Jones thôi, nhưng con đã trả lời rằng thật không đúng chút nào khi không gọi một người lớn tuổi bằng “ông”.
Tôi thầm cảm ơn vì Jones không phải là phụ nữ. Tôi hỏi:
- Rồi ông nói sao?
- Ông chỉ cười thôi. - Cậu em trả lời. - Ông vui vẻ nắm tóc và cụng đầu chúng con vào nhau, nhưng nhẹ lắm, không đau đâu ạ.
Thật may mắn là cuối cùng cả gia đình tôi đều gặp được ông. Ông đến thị trấn này đã được sáu tuần và tôi bắt đầu cảm thấy hơi thất vọng khi không có nhiều thời gian được ở bên ông. Chúng tôi chỉ có vài ba lần cùng uống cà phê, những lần gặp gỡ đó đều ngẫu nhiên và vội vàng. Cho đến hôm mà ngôi nhà trên cây xuất hiện…
Sáng hôm ấy, tôi là người đầu tiên trong gia đình thức dậy và đi ra ngoài. Vừa bước qua cửa bếp chuẩn bị đi bộ đến văn phòng, tôi chợt dừng lại, không tin vào mắt mình. Lơ lửng trên sáu cây cọ cạnh nhà là một ngôi nhà trên cây mà chiều hôm trước tôi còn chưa thấy.
Phải nói rằng tôi cực kỳ kinh ngạc. Tin tôi đi, đó không phải là một ngôi nhà trên cây bình thường. Nó như từ trong tác phẩm “Gia đình Robinson”(4) hiện ra vậy, và không mảy may giống cái hộp gỗ mà lúc nhỏ tôi đã đóng chênh vênh trên cây sồi gần nhà nhất. Nhìn tổng thể, ngôi nhà không hề có một cây đinh nào. Tất cả tre, dây thừng, mái nhà bằng rơm được kết hợp tinh xảo tạo thành ngôi nhà trong mơ của bọn trẻ.
(4) Swiss Family Robinson: Tiểu thuyết của tác giả Johann David Wyss viết về gia đình Robinson, người Thụy Sĩ. Họ bị đắm tàu và sống trong ngôi nhà trên cây nơi đảo hoang.
Khi tôi còn đang há hốc miệng sửng sốt thì Jones thò đầu qua ô cửa của ngôi nhà trên cây. Ông mỉm cười toe toét rồi nói với tôi:
- Lên đây đi. - Nói rồi ông chìa tay kéo tôi lên thang. - Cháu nghĩ bọn trẻ sẽ thích chứ?
- Ai ạ? - Tôi ngơ ngác hỏi lại.
- Các con trai của cháu ấy. - Jones mỉm cười. - Chúng sẽ thích ngôi nhà này chứ?
Tôi tiến lại gần mái hiên bé tẹo, trầm trồ:
- Chúa ơi… bọn trẻ sẽ rất thích đây. Sao ông làm được vậy? Ông làm khi nào thế?
- Ồ, ta có rất nhiều thời gian. - Ông cười. - Claire và Scott đã giúp ta. Trên trang AmaZuluInc.com có tất cả các loại nguyên vật liệu. Cháu đã nghe nói điều này trên mạng Internet chưa?
Tôi nhìn ông với vẻ nghi ngờ, còn ông cười sặc sụa đến nỗi tôi nghĩ là ông có thể không giữ được thăng bằng mà té xuống đất. Cuối cùng ông nói:
- Nhớ nhé Andy, cháu có thể làm những gì cháu muốn. Cháu cũng có thể đạt mọi thứ cháu muốn. Cháu không bao giờ sợ thiếu tiền bạc. Và thời gian cũng vậy, nó không phải là chướng ngại vật của cháu. Khi cháu thật sự khao khát làm một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời, điều duy nhất cháu thiếu chính là ý tưởng. Thời gian, tiền bạc chỉ là vấn đề của cách nhìn nhận sự việc mà thôi.
Dù gì đi nữa tôi cũng không bao giờ biết được ông đã làm cách nào. Sau đó, tôi biết rằng Claire và Scott làm việc cho AmaZuluInc.com - một công ty chuyên nhập khẩu những nguyên liệu đặc biệt cung cấp cho các khách hàng như Disney và Sea World. Nhưng họ thề là họ không hề có mặt ở đây vào đêm đó, thậm chí họ còn không biết đến một ông khách nào có tên là Jones nữa. Còn các con tôi, chắc bạn cũng tưởng tượng ra, chúng thích mê ngôi nhà trên cây. Ngày nào chúng cũng leo lên đó chơi.
Thời gian đó, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe người dân trong vùng kháo nhau về “tầm nhìn của Jones”. Jones bắt đầu làm cho cuộc sống nơi đây sôi động thêm một chút.
Dường như ông đi đến đâu cũng có một đám đông vây quanh đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe ông trả lời. Ông mang đến cho mọi người những liều thuốc tinh thần dí dỏm, quý báu từ chính tấm lòng chân thành và trí tuệ của ông. Từ đó mỗi người đều có một cảm nhận mới về hoàn cảnh của riêng mình. Điều này giúp họ đứng lên, hít thở và bắt đầu lại cuộc sống với một cách nhìn hoàn toàn khác. Chúng tôi cũng nghe về chuyện nhiều người tìm cách được trò chuyện trực tiếp với ông. Dường như những cuộc trò chuyện ấy đều rất kỳ lạ bởi sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian, địa điểm khi Jones xuất hiện trong cuộc đời họ. Chuyện của họ nhắc tôi nhớ lại lần đầu tiên mình gặp ông, vào một đêm dưới gầm cầu cách đây đã lâu lắm rồi.
Vào một buổi sớm nọ, khi tôi đã xong công việc thì thấy có một tấm bảng lớn ngay trên bờ biển. Chủ nhân của tấm bảng đã trích dẫn lời của Jones và viết bằng những chữ thật to để mọi người cùng xem. Đây là câu nói khi ông trò chuyện với nhiều người về sự tàn phá của bão táp mà người dân vùng Gulf Coast phải gánh chịu trong vài năm qua. Một người bạn đã nói cho tôi biết, và mọi người xung quanh cũng truyền miệng nhau câu ấy, nhưng khi thấy lời của Jones được ghi trên bảng lớn tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Tấm bảng ghi:
“Hãy gây dựng lại mọi thứ với niềm lạc quan trong trái tim mình. Bạn có thể bị mất đi ngôi nhà, nhưng không mất đi mái ấm. Hãy nhớ rằng bạn vẫn còn được sống…”
Jones
Tôi cũng cảm thấy rất buồn cười khi nghe kể chuyện ông vào một nhà thờ trong vùng (dĩ nhiên tôi không nêu ra nhà thờ nào rồi), khi mục sư hỏi ông có cầu nguyện gì không thì Jones đứng dậy trả lời: “Tôi muốn chúng ta cầu nguyện để có được vài gương mặt tươi cười trong nhà thờ này”. Rồi ông nói thêm. “Tôi nghĩ nhiều người sẽ muốn lên thiên đàng hơn nếu nơi ấy không giống như nhà thờ mà chúng ta đang đứng đây”.
Thật sự là rất thú vị. Jones chỉ nói lên sự thật mà thôi. Tất cả mọi người, không trừ một ai, đều chấp nhận những gì ông nói với tinh thần cởi mở và hài hước. Ngay cả tâm hồn cằn cỗi nhất cũng mềm lòng trước Jones.
****
Henry Warren rời khỏi Atlanta lúc nửa đêm, hướng về phía vùng biển. Anh lái xe qua vùng Montgomery. Không bật radio, cũng không bật đĩa hát. Chưa đến năm giờ sáng, anh băng qua lối ra đầu tiên trên đường I-65, rẽ về hướng nam theo Quốc lộ 59 tiến ra hướng bờ biển giữa quang cảnh lặng như tờ. Henry, ba mươi hai tuổi, đã kết hôn, nhưng anh có rất ít thời gian ở bên cạnh vợ mình. Cô ấy đang mang thai đứa con đầu lòng. Họ sống trong một ngôi nhà mà họ đã cố dành dụm để mua được ở Buckhead, vùng ngoại ô Atlanta. Ngoài ra họ còn có căn hộ gồm hai phòng ngủ trong khu chung cư cao cấp bên bờ biển.
Về phương diện tài chính, Henry cảm thấy anh còn cách rất xa so với mong muốn của mình dù rằng anh vẫn được xem là một “tấm gương lớn”, một người làm việc không biết mệt mỏi. Đôi khi anh tự hỏi có phải làm việc như thế chẳng khác nào anh đang tự sát mà không biết hay không. Tuy nhiên, lúc nào cũng vậy, anh nhanh chóng gạt bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu và tiến lên phía trước.
Henry luôn tự xem mình là ông chủ có quyền uy tuyệt đối. Ngoài công ty quảng cáo ở Atlanta gồm năm nhân viên, Henry còn làm dịch vụ trang trí cảnh vật bên bờ biển với hai đội nhân viên khác nhau có từ ba đến bảy người tùy từng công việc cụ thể. Anh lái chiếc Chevy Tahoe thuê đã qua sử dụng hai năm và chạy được bảy mươi ngàn dặm chủ yếu là đi về giữa Atlanta và vùng bờ biển.
Henry lái xe suốt một giờ trên Quốc lộ 59 về phía Nam, anh mở toang cửa sổ và cố giữ tỉnh táo cho đến khi chạy sát vùng bờ vịnh. Rẽ phải vào Đại lộ West Beach, Henry bắt đầu thấy mặt trời nhô lên từ đường chân trời trong kính chiếu hậu. Anh liếc nhìn đồng hồ trong xe: 6 giờ 30. Không đủ thời gian để ghé qua chỗ của mình nhưng anh còn được một vài phút tạm nghỉ trước khi gặp cả hai đội nhân viên để trang trí một khu dân cư cao cấp theo hợp đồng anh vừa trúng thầu. Anh biết, công việc đó cần phải huy động cả hai đội nhân công.
Henry hứa với chủ dự án rằng tất cả cây cọ, cây bụi, hoa cảnh, thảm cỏ và hệ thống tưới tiêu sẽ hoàn tất trong vòng sáu ngày. Với khối lượng công việc khổng lồ như vậy anh biết khó có thể hoàn thành đúng thời hạn. Nhưng trong trường hợp đó, anh lý luận: công việc lúc đó đã là của anh, vì vậy chủ dự án sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là để anh phải làm cho xong công trình.
Khi Henry lái chiếc Chevy của mình vào bãi đậu xe và tắt động cơ, anh phân vân lựa chọn xem nên chợp mắt một chút hay tiếp tục chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho dự án mới vào chiều hôm đó. Nhưng trước khi kịp quyết định thế nào thì Henry đã thiếp đi.
Henry có rất nhiều mánh khóe trong công việc kinh doanh của mình. Anh không bao giờ vi phạm pháp luật một cách công khai, chẳng hạn như không ai có thể tìm ra được bằng chứng chứng minh anh thuê nhân công không có hợp đồng. Tuy nhiên về khía cạnh đạo đức thì cách làm việc của Henry cần phải xem xét lại. Henry cho rằng đối với một người phấn đấu để gây dựng sự nghiệp lớn như anh luôn có quá nhiều việc phải làm nên đó chỉ là những điều nhỏ nhặt, không phải là lỗi lầm gì cả.
“Sự nghiệp lớn” của Henry gồm việc ký hợp đồng với càng nhiều khách hàng càng tốt. Để có những hợp đồng đó, anh hứa với đối tác sẽ thực hiện theo thời hạn mà mình không bao giờ hoàn thành nổi, cam kết sử dụng nguyên vật liệu mà anh không bao giờ thật sự dùng đến, đảm bảo về mức độ chất lượng mà anh không thể nào đạt được. Những lời hứa tạm bợ này chỉ nhằm giúp cho công việc được tiến hành để chứng minh “tuyên bố” của anh. Sau đó anh bắt đầu làm mỗi việc một ít suốt tuần đủ để khách hàng thấy được một ít tiến triển. Anh giải quyết nhiều lời phàn nàn và sự thất vọng bằng cách khoan nhượng lắng nghe những lời trách móc ở khắp nơi để rồi sau đó anh lại tiếp tục hứa suông.
Cuối cùng công việc cũng hoàn thành, và Henry được thanh toán đầy đủ. Lúc ấy khách hàng đã ngán ngẩm cái tiến độ ì ạch này và vui vẻ khi Henry ra đi. Nhưng anh không hề quan tâm chuyện đó. Quan trọng là luôn có quá nhiều việc và quá nhiều khách hàng dành cho người đang gây dựng “sự nghiệp lớn” như anh. Khi Henry trả lương cho nhân công, anh thường cắt xén lại và giải thích cộc lốc rằng họ không hoàn thành tốt công việc như anh mong muốn. Họ đều là những công nhân bất hợp pháp, thế nên họ có thể kiện với ai đây?
Henry chợt tỉnh giấc khi đang giữa một cơn ác mộng. Anh hay gặp ác mộng và cho rằng đó chỉ là hậu quả của tình trạng thiếu ngủ. Liếc nhìn đồng hồ, rồi vội vã bước ra khỏi cửa của chiếc xe lớn hiệu Chevy, doanh nhân trẻ biết đã gần tám giờ. Công nhân bắt đầu làm việc trước đó một tiếng rồi.
Henry sải bước một cách quả quyết băng qua bãi đậu xe tiến về phía chiếc xe tải mười tám bánh đang chất đầy cây cọ. Công nhân cầm xẻng trên tay đứng vây quanh vì có người đang lắp đầu kéo vào nhưng vẫn chưa chạy được. Henry quát lớn khiến mọi người đều quay lại nhìn.
- Mấy người đang làm quái gì thế hả? - Anh tiếp tục thét lên. - Mấy cái cây này đáng lẽ phải được bốc xuống hết rồi. Mấy người được trả lương không phải để đứng bu quanh đây đâu. Hai người ở đây, số còn lại đi đào mấy cái lỗ đã được đánh dấu sẵn! - Henry vẫn tiếp tục la mắng khi mọi người tản ra.
Đến giữa trưa, tất cả các cây đã được bốc xuống, mười một công nhân cả nam lẫn nữ đứng rải rác khắp khu vườn. Họ luống cuống, sợ sệt khi làm công việc của mình. Henry bận rộn lúc thì quát mắng công nhân lúc thì trả lời điện thoại những khách hàng mà anh đã bỏ bê. Cuộc điện thoại duy nhất mà anh không bắt máy là của vợ anh. Anh quá bận rộn và nghĩ rằng cô ấy cũng hiểu điều đó.
Bước đến góc sát bên trong khu vườn, Henry kiểm tra đường ống dẫn nước từ giếng ra. Anh gọi công nhân đang đứng trước mình:
- Đừng có mất thời gian đào sâu quá. Lấp cát lại đi! Sâu mười hai centimet hay ba mươi tám centimet thì cũng giống nhau cả thôi.
- Sao thưa ông ? - Có một giọng nói phía sau Henry.
- Gì thế? - Henry hỏi mà không thèm quay lại.
- Thưa ông, nếu chúng ta không chôn đường ống xuống sâu thì chưa đầy một tháng gió sẽ thổi bay hết cát phủ bên trên và làm trơ nó ra.
- Một tháng nữa thì chúng ta cũng biến khỏi đây rồi.
Có một giọng trả lời lại:
- Không, chúng ta không nên làm vậy. Mọi người sẽ thấy đường ống bị lồi lên và danh tiếng của ông…
Trong cơn giận dữ, Henry có thể xô ngã bất cứ ai dám nói với anh cái kiểu đó.
- Ông tưởng ông là ai vậy? - Henry cứng người khi nhìn thấy ông lão có đôi mắt xanh chưa từng thấy đang đứng trước mặt mình. Ánh nhìn trong sáng như pha lê khiến Henry bình tâm lại, và đột nhiên anh bỗng như sắp ngất. Cố giữ vẻ điềm tĩnh, anh hỏi:
- Ông làm việc cho tôi à?
- Ta vẫn luôn làm việc cho cháu đấy chứ. - Ông lão cười trả lời.
Đó là câu trả lời vớ vẩn nhất của một người mà Henry chắc chắn rằng mình chưa từng gặp. Thế nhưng, anh lại cảm thấy ông rất thân quen. Nỗi bực dọc trong Henry tan biến, thay vào đó là cảm giác bối rối ngập tràn:
- Hãy nói lại lần nữa ông tên gì?
- Jones. Ta biết cháu thích được mọi người gọi là ông Warren. Nhưng hôm nay hãy để ta xưng hô với cháu như một người bạn được không nào?
Henry im lặng, gật đầu. “Ông ấy có bị sao không nhỉ?”, anh tự hỏi.
Anh cảm thấy hoang mang - có điều gì đó kỳ lạ toát lên từ ông lão, đặc biệt là đôi mắt; nó khiến anh không thể tập trung vào điều gì ngoài gương mặt và giọng nói của ông
- Chúng ta đi đến bóng râm đằng kia được chứ? - Jones đề nghị rồi chỉ tay về phía gốc sồi lớn gần đó. - Ta muốn hỏi cháu một vài câu.
- Nhưng còn công việc… - Henry khoát tay về phía mấy công nhân đang làm việc cật lực.
- Công việc rồi thế nào mà chẳng xong. - Jones nói và chỉ tay về phía khu vườn. - Nhưng hôm nay là một ngày quan trọng của cháu…Vì thế nên chúng ta cần nói chuyện với nhau.
Ông lão chuyển chiếc cặp cũ kỹ đang cầm sang tay khác rồi đến choàng vai Henry, nhẹ nhàng dẫn anh đến gốc sồi. Bản thân Henry không muốn đi, nhưng cũng không hiểu vì sao mình lại ngoan ngoãn bước theo ông lão mà không một lời phản đối.
- Ngồi đây. - Jones nói khi Henry miễn cưỡng ngồi xuống đất. - Cháu muốn uống gì không? - Henry lắc đầu.
Anh như đang ở trong một đám sương mù. Tâm trí sôi lên với hàng đống ý nghĩ xuất hiện cùng một lúc. Mình vô cùng mệt mỏi. Mình theo ông lão đến đây để… Mình đến đây để làm gì? Để nói chuyện à? Mà nói về cái gì chứ?
- Chàng trai trẻ!
Henry nhìn Jones, ông lão vừa đặt chiếc cặp sang một bên và ngồi bắt chéo chân đè lên cặp.
- Chàng trai trẻ… Cháu có nghe ta nói không?
- Có, thưa ông! - Vừa trả lời anh vừa tự hỏi sao ông lão lại nói to như thế. Giọng ông dường như át cả tiếng xe cộ trên đường và tiếng động cơ máy móc trong khu vườn phía sau lưng.
- Vâng. - Henry trả lời lại lần nữa. - Tôi vẫn đang nghe ông nói đây.
Đột nhiên Henry cảm thấy một nỗi sợ hãi xâm chiếm anh. Cái gì đang xảy ra vậy? Ông ta là ai? Mình có bị điên không? Sao mình không tỉnh dậy được? Jones nhanh chóng nắm lấy cánh tay Henry, mọi căng thẳng trong anh lập tức biến mất.
- Ông là ai? - Henry hỏi. - Ông cần gì ở tôi?
Jones buông tay Henry ra rồi trả lời:
- Ta đến đây để thông báo cho cháu vài tin xấu. - Đoạn ông nghiêng người về phía trước và nói tiếp: - Không lâu nữa cháu sẽ phải chết.
Ngoài mặt, Henry không hề để lộ ra chút phản ứng nào nhưng thâm tâm anh gào thét, cố vùng thoát khỏi nơi đây và thoát khỏi con người lạ lùng này. Thế nhưng, anh chỉ thì thầm:
- Tôi không hiểu gì cả.
- Cuộc đời cũng như một hơi thở, một cơn gió thoảng qua, một ngọn cỏ nảy nở xanh tươi trong phút chốc rồi cũng tàn úa, chết đi và biến mất. Rồi cháu cũng sẽ chết. Sau tang lễ, bạn bè Henry Warren sẽ tụ họp lại ăn gà rán và bánh quy chuối. Họ nói về anh ta như nói về một người nào đó mà họ không hề quan tâm. Tại sao ư? Bởi vì cuộc đời giống như trò chơi Monopoly(5). Cháu có thể sở hữu rất nhiều khách sạn ở Broad Walk hay nhà cho thuê ở đại lộ Baltic. Nhưng cuối cùng tất cả những thứ đó cũng chẳng để làm gì. Thế hệ con cháu sẽ làm tiêu tan thành quả của cháu, đem chúng ra chơi đùa hoặc tranh giành.
(5) Monopoly: Tên một trò chơi, trong đó người chơi đấu với nhau bằng hoạt động kinh tế được cách điệu như mua bán, cho thuê tài sản… bằng tiền. Người chơi di chuyển xung quanh bằng cách đổ xí ngầu.
Chàng trai à, ta đã nhiều lần nghe cháu nhắc đến “sự nghiệp lớn”, nhưng cháu cần phải nghe lời ta từ bây giờ. Sự nghiệp lớn theo như suy nghĩ của chính cháu sẽ chỉ mang đến cho cháu một cuộc sống đầy tuyệt vọng, đau khổ và tăm tối.
Henry chăm chú lắng nghe, màn sương mờ ảo trong tâm trí anh như được vén lên. Nhìn trân trân vào đôi mắt của Jones, anh lắng nghe và hiểu từng lời ông nói.
- Ông bảo rằng không bao lâu nữa cháu sẽ chết… - Henry bắt đầu một cách thận trọng.
Jones trả lời:
- Chỉ để gây sự chú ý của cháu thôi, nhưng đó cũng là một cách cảm nhận về cuộc đời đáng suy nghĩ, phải không? Và nó không chỉ đúng với cháu, nó còn là sự thật với tất cả mọi người. - Jones vẫy tay, nhìn tất cả những người đang có mặt ở đó: - Họ sớm muộn gì cũng sẽ chết.
Jones nháy mắt tiếp lời:
- Một ngày nào đó, tất cả họ đều là những người đã chết.
Henry lắc lắc đầu như để cho tỉnh táo:
- Ông đang nói về chuyện gì vậy? Cháu vẫn chưa hiểu.
- Ta biết là cháu không hiểu. - Jones mỉm cười nhẹ nhàng nói. - Để xem chúng ta có thể phân tích vấn đề rõ hơn không nhé.
Jones dừng lại một chút rồi hỏi:
- Cháu có bao giờ nghe câu “đừng để ý đến chuyện nhỏ nhặt” không?
- Có chứ. - Henry trả lời.
Jones nói:
- À, ta đến đây để giúp cháu sống tốt hơn. Nhìn xem, những “mảnh ghép nhỏ” chính là những chi tiết cấu thành nên bức tranh cuộc đời. Có rất nhiều người giống cháu, chàng trai trẻ ạ. Nhận thức của họ bị lệch lạc và phiến diện. Họ phớt lờ “chuyện nhỏ”, chỉ chăm chăm chạy theo công cuộc lớn lao mà chẳng bao giờ hiểu rằng nó thật ra là tổng thể của tất cả những điều nhỏ nhặt. Cháu hiểu chứ?
- Cháu đã bao giờ bị voi cắn chưa? - Ông lão hỏi.
Henry lắc đầu.
- Thế còn muỗi cắn thì sao?
- Dĩ nhiên là có. - Henry trả lời.
- Cháu hiểu điều ta nói chứ? - Jones hỏi rồi tiến đến gần vỗ vai Henry. - Để ta kể cho cháu nghe vài “câu chuyện nhỏ” nhé.
Jones ngả người ra sau, hai tay chống đất, tựa lưng vào hai khuỷu tay rồi nói:
- Cách đây vài năm, có một con sóc leo lên cột điện của đường xe điện ngầm phía Bắc, gần thành phố New York. Nó làm xung điện tăng đột ngột, gây cháy nổ và khiến cho dây điện đung đưa về phía đường ray. Dây điện vướng vào một đoàn tàu, khiến cả đoàn tàu phải ngưng lại, làm nghẽn cả tuyến đường. Kết quả là đêm đó, bốn mươi bảy ngàn người đi làm bằng xe điện bị mắc kẹt ở Manhattan nhiều giờ liền. Ta cược rằng con sóc đó không phải là một con sóc khổng lồ.
Cháu có biết kính viễn vọng Hubble không? - Jones tiếp tục. - Nó được tạo ra vào năm 1946 với kinh phí hai tỉ rưỡi đô-la. Nhưng khi phóng lên quỹ đạo, NASA mới phát hiện ra một tròng kính bị đặt lệch 1/1000 inch. Trước khi các phi hành gia sửa chữa “điều nhỏ nhặt” đó, nó đã khiến cho chiếc kính viễn vọng đắt giá nhất trong lịch sử có giá trị không hơn gì một chiếc kính viễn vọng loại tốt đặt trên mặt đất.
Jones nhìn Henry chăm chú để biết chắc rằng anh đang lắng nghe:
- Quan điểm của ta, ít nhất cũng từ khi bắt đầu cuộc trò chuyện này là thật khôn ngoan nếu chú tâm đến những chuyện nhỏ. Điều nhỏ bé cũng tạo nên vấn đề. Hãy lấy chuyện xảy ra với Napoleon làm ví dụ. Một sự việc nhỏ xíu trong cuộc chiến đã gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng với Napoleon khi ông đánh bại quân Wellington ở Waterloo.
Henry nhướn mày:
- Nhưng Napoleon đã không chiến thắng ở Waterloo. Đó là thất bại nặng nề nhất của ông ấy.
- Cháu chắc điều ấy chứ? - Jones hỏi.
- Chắc chắn.
Jones gật đầu nhượng bộ:
- Cháu nói đúng. Vào ngày 18 tháng 6 năm 1815, Napoleon đã phải chịu thất bại nặng nề nhất ở Waterloo, đó thực sự là một thảm họa. Nhưng thất bại đó chỉ xảy ra sau khi ông chiến thắng! - Jones cười ngất khi nhìn thấy nét mặt đầy nghi ngờ của Henry rồi tiếp. - Đây là câu chuyện rất ít người biết…
Napoleon đã áp đảo 77.000 quân Wellington một cách vẻ vang, và thêm 100.000 quân Phổ gần đó nữa. Nếu phối hợp với nhau, hai đạo quân này hoàn toàn vượt trội con số 76.000 quân của Napoleon, nhưng ông đã len vào giữa để chia cắt, ngăn không cho hai đội quân này liên hệ với nhau. Napoleon đã đánh bại quân Phổ hai ngày trước đó và tách một phần lực lượng của mình giữ chân họ tại bờ vịnh trong khi dẫn đội quân còn lại tiến thẳng vào cánh quân của Wellington.
Napoleon mở màn trận đánh vào khoảng 11 giờ sáng bằng một tràng bắn pháo và tấn công vào cánh phải của quân Anh. Chiến đấu cả ngày, ở vị trí của mình Napoleon nhìn từ sườn đồi thấy đội quân của mình tấn công phòng tuyến của Wellington và thu được hơn 160 khẩu đại bác của Anh.
Jones dừng câu chuyện lại và hỏi:
- Cháu có biết rõ về những khẩu đại bác đó không?
Henry trả lời:
- Có chứ. Đó là súng thần công đạn nhồi phải không?
- Đúng rồi. Súng thần công thường được nhồi thuốc súng, chất độn và một loại đạn nào đó. Sau đó lỗ mồi của súng được châm lửa từ một ngọn đuốc, khiến thuốc súng bắt lửa và bắn đạn ra. Cháu có hiểu kịp không?
- Có, cháu hiểu. - Henry trả lời nhưng không chắc mình hiểu hết.
Jones tiếp tục:
- Thông thường, cả đội quân phải luôn mang theo mình những thanh kim loại nhỏ, hay đinh để sử dụng khi chiếm được súng của đối phương. Những mẩu đinh được đóng vào lỗ mồi của khẩu đại bác để vô hiệu hóa chúng. Quân của Napoleon thu rất nhiều súng của kẻ địch nhưng đội quân của ông không hề mang theo một cây đinh nào. Khi Napoleon la hét từ trên đỉnh đồi để ra lệnh phá hủy những khẩu súng cũng là lúc ông nhìn thấy quân Wellington tiến lên giành lại súng và chĩa mũi súng tấn công ngược lại họ. Napoleon đã bị đánh bại… tất cả chỉ vì thiếu một nắm đinh.
Henry nói:
- Cháu chưa bao giờ nghe câu chuyện này. Mà ông kể cho cháu nghe chuyện này làm gì nhỉ?
- Rằng “những việc lớn lao” của cháu sẽ không bao giờ là việc trọng đại khi cháu bỏ qua những chi tiết nhỏ. Cháu cố gắng hết sức để thành công nhưng thành công thực sự luôn tránh xa cháu. Cháu nghĩ đến điều gì khi ta nói “thành công”. Nào cháu nói nhanh cho ta biết đi.
Henry trả lời:
- Đó là một ngôi nhà… một ngôi nhà lớn. Những chiếc xe sang trọng, những kỳ nghỉ, những chiếc đồng hồ đắt tiền, trang sức tặng vợ cháu, những chiếc du thuyền và một vài thứ khác tương tự vậy.
Jones cắt ngang để Henry không thể nói thêm:
- Trong đầu cháu nghĩ đến điều gì khi ta nói “một cuộc sống mỹ mãn”?
Henry không nói ngay. Sau đó anh nhìn mông lung rồi trả lời:
- Vợ cháu, đứa con trai cháu sắp chào đời. Ông biết không, con trai đấy.
Jones gật gù:
- Ta biết. Tiếp tục đi nào.
- Đó là thời gian bên gia đình và những người bạn tốt, những người mà cháu có thể gây ảnh hưởng và làm thay đổi cuộc đời họ.
- Một sự thay đổi tích cực chứ? - Jones cắt ngang, bỗng nhìn thấy mặt Henry trắng bệch ra. - Ta nhận thấy rằng cháu đã làm thay đổi cuộc đời một vài người rồi đấy.
- Có lẽ đúng thế. - Henry xấu hổ thừa nhận.
- Đừng nói có lẽ ở đây, chàng trai trẻ. - Jones nói. - Cháu cũng giống như bao nhiêu người khác, nếu từ bỏ sự mù quáng của mình, cháu có thể tránh va phải ghềnh đá trong gang tấc đấy. Tiền tài, vật chất, tình cảm… hầu như mỗi khía cạnh trong cuộc đời mà cháu muốn gặt hái thành công lại kéo cháu gần hơn với bất hạnh. Đến giây phút này ta là một trong hai người lo lắng cho cháu và nói thẳng với cháu như vậy. Người kia chính là vợ cháu, nhưng cháu không nghe cô ấy. Thậm chí cháu còn không trả lời điện thoại của cô ấy nữa.
Henry nhìn Jones chằm chằm:
- Sao ông biết điều đó?
- Ta nói không đúng sao?
Nói rồi Jones dõi mắt về phía mấy công nhân và hỏi:
- Cháu có thể nói cho ta biết họ tên gì không?
Henry lắc đầu.
Jones chỉ về phía ba người gần nhất, họ đang quỳ khom người xuống lắp đặt ống dẫn nước dưới ánh nắng chói chang. - Walter, Ramón và Juanita.
- Walter đã làm ông rồi đấy. Ông ấy có một cậu con trai làm kỹ sư tên là William. William đã có vợ và hai con. Họ sống ở Detroit. Nhưng cách đây một năm William bị sa thải, sau đó con trai anh lại bị bệnh. Giờ thì cả gia đình trở về chung sống với vợ chồng Walter. - Jones quay lại, lướt mắt nhìn khắp khu vườn, giơ tay che cho ánh nắng khỏi làm chói mắt. Ông chỉ về phía một thanh niên trẻ đang đào hố trồng cọ. - Đó là William, cũng làm trong đội nhân công của cháu.
Ramón và Juanita thì chưa có con mặc dù họ rất mong có được hạnh phúc ấy. Họ trạc tuổi vợ chồng cháu. Juanita vừa bị sẩy thai cách đây bốn ngày… vào thứ Bảy đấy. Cháu còn nhớ mình đã nói gì với Ramón vào sáng thứ Hai không?
- Anh ta đã không nói với cháu là cô ấy…
- Cháu bảo rằng nếu trưa hôm đó mà vợ anh ta không đi làm thì cả hai người sẽ bị đuổi việc.
Jones nhìn sâu vào ánh mắt thảng thốt của Henry trong phút chốc rồi hướng mắt ra xa:
- Martin là cậu bé làm công việc lắp vòi phun nước. - Jones vừa nói vừa hất đầu về phía cậu bé. - Cậu ấy mười sáu tuổi và đây là công việc đầu tiên. Cha cậu sở hữu một nửa bất động sản trong thị trấn. Ông ta muốn con trai tìm việc làm và tự phấn đấu trong mùa hè này. Martin có thể thực hiện ý định đó của cha mình tại nhiều nơi do cha làm chủ nhưng cậu đã chọn ở đây. Cậu ấy cũng có kể với cha về cách cư xử của cháu. Nhưng đến giờ thì ông ấy vẫn khuyên Martin không nên bỏ đi. Ta nghĩ ông ấy muốn con trai mình lấy cháu làm tấm gương. Ông biết rằng trong tương lai Martin sẽ phải quản lý nhiều nhân viên. Miễn là cháu không đánh cậu bé thì ta nghĩ ông vẫn để cậu tiếp tục ở lại. Nhưng chàng trai trẻ…
- Cháu không nghĩ là ông sẽ nói điều này với những người quen biết với gia đình Martin.
- Còn ba chàng trai trẻ kia. - Henry nhìn về phía tay Jones chỉ. - Mấy người đang đứng cạnh những cây cọ đó…Hugo, Ricardo và Mario. Họ đến từ một thị trấn nhỏ ở phía nam biên giới Texas. Cha họ đã qua đời còn mẹ thì bệnh nặng. Bệnh vì nguyên nhân gì ư? Họ không có đủ tiền đưa mẹ đi khám bệnh. Họ còn có cô em gái mười lăm tuổi luôn mơ ước một ngày kia có thể vào đại học. Họ vượt qua biên giới và lần đến nơi này vì họ nghĩ rằng ở đây sẽ khó bị bắt hơn. - Jones ngừng một chút rồi tiếp. - Ta không nói họ làm vậy là đúng, ta chỉ cho cháu biết họ là ai mà thôi.
Còn nữa, Shirley và Letha là hai mẹ con. Họ đang đứng ở bình nước lạnh và nhìn cháu kìa. Trông họ có vẻ sợ chết khiếp phải không? Như là cháu có thể la mắng họ vì đã dừng lại uống nước vậy...
Jones chờ xem Henry có đinh nói gì không nhưng anh chỉ ngồi gục đầu.
- Letha không ổn chút nào. - Jones nói tiếp. - Cô ấy đã ba mươi mà đầu óc chỉ như đứa trẻ mười hai tuổi. Chồng cô đã bỏ cô cách đây nhiều năm. Shirley có đủ tiêu chuẩn để được nhận trợ cấp từ nhiều chương trình của chính phủ. Nhưng bà rất tự trọng. Đây chỉ là một trong ba công việc bà đang làm.
Fred là người đàn ông gầy gò đang cầm xẻng. Anh ta đã năm mươi tuổi và đã chuyển vài chỗ làm. Anh sống trong một căn hộ cùng mẹ già. Một người đàn ông tốt về mọi mặt nhưng lại sống vô vọng. Anh đã đánh mất mọi hy vọng trong đời từ lâu. Có lẽ Fred đã không làm việc chăm chỉ như cháu mong đợi, đó là lý do vì sao cháu cắt bớt năm mươi đô-la tiền lương của anh ấy tuần rồi phải không? - Jones cúi đầu nhìn thẳng vào đôi mắt đang dán xuống đất của Henry.
Henry yếu ớt biện hộ:
- Cháu trả công anh ta theo đúng những gì anh ta xứng đáng được nhận mà.
- Có lẽ đúng vậy. - Jones đồng ý. Rồi gương mặt ông đanh lại. - Vậy còn cháu thì sao? Cháu có thích chỉ nhận được những gì mình đáng được nhận không? - Jones để câu hỏi lắng vào không gian rồi thở dài, lắc đầu nói: - Còn ta? Ta chắc chắn mình không muốn nhận sự trả giá sòng phẳng. Ta chỉ mong có được lòng tốt, chứ không phải là sự hà khắc.
Những cuộc đời kia, những tâm hồn kia, Walter, William, Shirley, Letha, Ramón, Juanita và những người còn lại đều quý giá đối với đấng sinh thành của họ như cậu con trai sắp chào đời của cháu đối với cháu vậy.
Cả hai ngồi lặng lẽ một lúc. Henry Warren như đang đứng trước những lối rẽ cuộc đời mà anh vừa đặt chân đến. Jones chờ đợi, quan sát dấu hiệu của một quyết định, như ông đã từng chờ đợi và chứng kiến điều đó ở rất nhiều người. Sự từng trải cho ông biết một quyết định làm thay đổi cuộc đời theo hướng hoàn toàn khác rất ít khi đến cùng với pháo hoa và băng rôn chào đón. Ngược lại, quyết định ấy thường đi kèm với nước mắt và lòng ân hận. Rồi thì, tuy hết sức khó khăn, nhưng sức mạnh của lòng khoan dung cũng sẽ lấp đầy khoảng trống vô hình đó để niềm lạc quan trong ngày mới cùng cảm giác sống có ý nghĩa sẽ nắm giữ và hướng cuộc đời mỗi người theo con đường tốt đẹp hơn.
- Cuộc đời cháu thật bẩn thỉu. - Henry nói khẽ.
Jones đồng ý:
- Đúng như vậy. Nhưng chỉ đến giây phút này thôi.
Chàng trai trẻ ngẩng lên:
- Ý của ông là sao?
- Ý của ta là cháu có thể thay đổi mọi việc. Từ lúc này, cháu có thể thay đổi cách làm ăn của mình, cách cư xử với gia đình và cách đối đãi với những con người mà họ đã tin yêu giao phó sự nghiệp của mình cho cháu. Cháu có thể thay đổi cách đối xử với họ. Ngay bây giờ. - Jones nhìn thẳng vào mắt chàng trai trẻ rồi tiếp tục:
- Nhiều người nghĩ rằng phải mất nhiều thời gian để thay đổi. Nhưng không phải thế. Thay đổi diễn ra rất nhanh chóng! Ngay lập tức! Có thể mất nhiều thời gian để quyết định thay đổi… nhưng thay đổi có thể diễn ra chỉ trong một nhịp thở mà thôi.
- Cháu sẽ thay đổi. - Henry nói. - Ý cháu là … cháu đã quyết định thay đổi.
Jones nói:
- Dĩ nhiên cháu cũng hiểu cần nhiều thời gian để danh tiếng của mình được nhìn nhận tương ứng với những thay đổi do mình tạo ra phải không? - Henry gật đầu. - Mọi người vẫn hình dung đến con người trước đây của cháu khi nghĩ về cháu trong một thời gian dài… Nhưng với sự thay đổi của mình, cháu như trở thành một ai đó tốt hơn, và sớm muộn gì những người xung quanh cũng sẽ cảm nhận khác về cháu.
Jones phấn chấn nói tiếp:
- Có một câu hỏi ngắn mà cháu cần phải biết rõ câu trả lời để hoàn tất những biến chuyển vừa diễn ra trong cuộc đời của cháu. Cháu sẵn sàng chưa?
- Dạ… - Henry thận trọng trả lời.
- Có năm chú mòng biển đang đậu trên bến tàu. Một trong số chúng quyết định bay đi. Vậy còn mấy con ở lại?
- À … bốn.
Jones trả lời:
- Không. Vẫn còn lại năm. Đang quyết định bay đi và thực sự bay đi là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Hãy lắng nghe lời ta cẩn thận nhé. Hoàn toàn không có ý nghĩa gì khi tất cả chỉ mới là dự định. Chú mòng biển có thể dự định bay đi, đang quyết định sẽ làm thế, hay nói với những con mòng biển khác là bay đi thì thật tuyệt. Nhưng trước khi nó vỗ cánh bay vào không trung thì nó vẫn còn đậu trên bến tàu. Tương tự như vậy, không có gì khác biệt giữa một người dự định làm việc gì theo cách khác và một người chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi từ giây phút đầu tiên. Cháu có bao giờ để ý rằng chúng ta thường đánh giá, xem xét bản thân bằng dự định của mình trong khi lại đánh giá người khác bằng hành động của họ không? Những dự định tốt đẹp không được thực hiện sẽ làm tổn thương những người trông chờ điều tốt đẹp đó ở cháu. Ví dụ như: “Tôi dự định tặng hoa cho em, nhưng tôi đã không làm”, “Tôi muốn hoàn thành công việc đúng thời hạn”, “Tôi sẽ đến dự sinh nhật bạn...”.
Henry cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục:
- Cháu nghĩ mình đã hiểu rõ. Giờ cháu phải làm gì trước tiên?
Jones trả lời:
- Nếu cháu đã thay đổi, hãy chứng minh điều đó. - Ông chỉ vào chiếc điện thoại giắt ở thắt lưng của Henry và cười. - Đầu tiên hãy gọi điện thoại cho vợ cháu. Phần còn lại cháu biết mình nên làm gì rồi chứ?
Henry rút điện thoại ra, liếc nhìn Jones và hỏi:
- Ngay bây giờ à?
- Ngay bây giờ. - Ông lão nói rồi vươn vai đứng dậy.
Henry bấm số quen thuộc rồi chờ vợ bắt máy. Khi cô ấy trả lời, Henry nói dồn:
- Em yêu, anh xin lỗi vì rất nhiều chuyện. Anh hứa rằng mọi việc sẽ tốt hơn. Anh biết lúc này mình có vẻ điên rồ. Chúng ta sẽ nói chuyện khi anh về nhà. Anh vừa gặp một người và muốn em làm quen với người này… Hãy giữ máy nhé…
Henry ngước lên, nhưng ông đã biến mất. Henry quay một vòng tìm kiếm bóng dáng ông lão Jones nhưng không hề thấy ông đâu cả.
Trong lúc bối rối, Henry không biết rằng anh vẫn sẽ cần đến sự giúp đỡ và khuyên bảo của Jones về sau.