**
“Khi nhắc đến tên bạn, người ta sẽ không nói là bạn thắng hay thua, mà là bạn đã chơi thế nào trong trận đấu.”
– GRANTLAND RICE
Đ
ể dạy học viên cách rà soát một tòa nhà tối mà không phải nổ súng, Học viện Cảnh sát bang Arizona đã trang bị súng bắn sơn cho một số người và để họ nấp sẵn trong tòa nhà, chờ đợi nhóm thực tập vào tìm kiếm và áp giải họ ra ngoài. Tiếp theo, viên sĩ quan hướng dẫn cho các cặp đôi học viên mặc áo giáp để tránh những cú tấn công trực diện.
Yêu cầu là các học viên phải tìm ra và tước vũ khí của kẻ bị tình nghi trước khi bị hắn ta “giết chết” hay “làm bị thương”, mà điều này thì không tính trước được.
“Suốt buổi diễn tập, tôi luôn trong tư thế quỳ một chân và liếc vào căn phòng tối om khi anh bạn đồng đội quét đèn pin vào trong, ngay phía trên đầu tôi”, - một học viên kể lại. - “Rồi anh ấy chiếu thẳng đèn xuống đầu tôi. Anh ấy nghĩ đã tắt nó rồi. Kẻ tình nghi trong phòng ngay lập tức trông thấy và bắn vào tay tôi. Mặc dù chúng tôi có mặc áo giáp, nhưng mấy ngón tay thì không. Trúng đạn chỗ đó rất đau. Giờ tôi đang vẫy cái ngón trỏ sưng bầm để chế nhạo chiến thuật tuyệt vời của anh bạn đồng đội”.
Năm tháng sau, học viên trên trở thành cảnh sát tại bang Phoenix. Một lần, anh chặn một chiếc xe có biển đăng ký quá hạn. Anh cho biết: “Một đồng nghiệp thấy tôi tấp xe vào lề đã đến hỗ trợ. Tôi đến cửa xe và đề nghị xem giấy phép lái xe của tài xế. Hắn bảo không có. Tên đi cùng đang thu thu bàn tay dưới chân. Tôi đề nghị hắn lấy tay ra. Lúc đó, viên cảnh sát hỗ trợ tiến về phía cửa xe bên kia, và cả hai chúng tôi đều cảm thấy có điều gì đó không ổn”.
Kiểm tra bước đầu phát hiện ra một túi cần sa ở băng ghế sau và một túi heroin trong túi xách của tên đi cùng. Sau khi còng tay hai kẻ tình nghi, anh quay trở lại chiếc xe để kiểm tra kỹ hơn. “Tôi đến chỗ ngồi của tên đi cùng, nghe trống ngực đập mạnh khi thấy một khẩu Ruger 9mm ở giữa hai chiếc ghế, bị tờ giấy che khuất một phần”, - anh kể tiếp. - “Súng đã nạp đạn và lên nòng. Nếu muốn thì hắn sẽ chỉ mất hai giây để cầm khẩu súng lên”. Khẩu thứ hai cũng nạp đạn sẵn, được giấu giữa chỗ ngồi của lái xe và bảng điều khiển phía trước.
“Tôi đã tóm được hai tên phạm trọng tội sẵn sàng nổ súng. Nếu anh bạn đồng nghiệp không đến thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Hai chọi một (cảnh sát) sẽ khiến bọn chúng nắm lấy cơ hội tháo chạy, hoặc thậm chí là nổ súng”, - viên cảnh sát mới vào nghề chia sẻ.
Mỗi người đều cần đặt niềm tin vào người cộng sự. Mỗi người đều nhận lấy nguy hiểm khi bị cộng sự, vô tình hoặc cố ý, chiếu ánh sáng vào mình giữa căn phòng tối. Mỗi người đều cần đến sự hỗ trợ đáng tin cậy, và đó chính là sự khác biệt giữa thành công và thất bại.
Điều này thể hiện rõ nét qua bảng phân tích của Gallup về những mối quan hệ hợp tác tốt nhất và tệ nhất của những người tham gia khảo sát. Sự tín nhiệm trong mối quan hệ công việc được thể hiện qua ba câu sau:
• Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau.
• Chúng tôi tin vào lời nói lẫn hành động của nhau.
• Chúng tôi đều kể với người khác rằng người cộng sự của mình tài giỏi ra sao.
Trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp thì có 58% đồng ý rằng họ tín nhiệm lẫn nhau, còn trong mối quan hệ hợp tác yếu, tỷ lệ đó chưa đến 3%.
Sự tín nhiệm là chất keo gắn kết các mối quan hệ hợp tác. Nhờ nó mà cả hai có thể chuyên tâm hoàn thành trách nhiệm riêng. Một nghiên cứu về bộ não khám phá ra rằng một khi có niềm tin, bộ não của con người sẽ xử lý động thái hợp tác của cộng sự anh ta trước khi nó thật sự diễn ra.
Nếu không có sự tín nhiệm, tốt hơn hết bạn nên làm một mình. Khi cả hai nghi ngờ lẫn nhau, phải kiểm chứng hành động của nhau, hay phải lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp cộng sự không hoàn thành nhiệm vụ, thì lúc đó nỗi thất vọng còn gây bực bội hơn việc tự mình đảm nhận toàn bộ công việc. Không có tín nhiệm thì không có sự hợp tác.
Bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan mỗi khi thiết lập mối quan hệ với người mới. Nếu bạn tin người ấy và người ấy tin bạn thì cả hai sẽ làm việc tốt hơn là khi hành động độc lập. Còn ngược lại, nếu không có sự tin tưởng thì đừng bao giờ cố gắng hợp tác. Quyết định đúng đắn, bạn sẽ chọn ra được người thích hợp làm cộng sự.
Hãy tưởng tượng rằng bạn được chia cặp với một người lạ trong trò chơi sau: Bạn nhận một chiếc phong bì rỗng màu đỏ, người kia nhận chiếc phong bì rỗng màu xanh; người hướng dẫn đề nghị hai bạn bí mật bỏ tờ 100 đô-la vào phong bì hoặc không bỏ gì cả, sau đó anh ta sẽ nhân đôi số tiền trong hai chiếc phong bì, và trả chúng lại cho mỗi người sau khi đã hoán đổi để bạn nhận phong bì màu xanh và người cùng chơi nhận phong bì màu đỏ.
Bạn sẽ bỏ tờ 100 đô-la vào phong bì màu đỏ chứ? Đó là một câu hỏi đơn giản cho một câu trả lời phức tạp – một trong những câu hỏi có sức mạnh nhất trong việc nghiên cứu về hành vi con người. Câu hỏi rõ ràng minh họa cho vấn đề niềm tin. Câu trả lời của bạn sẽ thể hiện tầm quan trọng của người mà bạn xem là cộng sự.
Tình huống trên sẽ cho bốn kết quả sau:
Tin tưởng nhau: Nếu cả hai cùng mạo hiểm, thì đều được nhân đôi số tiền ban đầu. Bạn kiếm được 100 đô-la, và đồng đội của bạn cũng thế. Đây là cách duy nhất cả hai cùng thu về lợi nhuận.
Cộng sự phản bội bạn: Nếu chỉ có bạn bỏ tiền vào phong bì, còn người kia thì không, bạn sẽ mất 100 đô-la và người ấy có được 200 đô-la. Niềm tin của bạn bị lợi dụng, và bạn nhận lấy phần thua thiệt.
Bạn phản bội cộng sự: Nếu chỉ có người kia bỏ tiền vào phong bì, còn bạn thì không, thì bạn sẽ có được 200 đô-la. Đây là chiến lược ngắn hạn có lợi nhất, và vì thế, nó thật sự có sức cám dỗ, bạn sẽ có được tiền bằng việc lợi dụng lòng tin của người cộng sự.
Phản bội lẫn nhau: Nếu không ai chịu mạo hiểm, thì chẳng ai mất gì. Nhưng cũng chính vì tính cạnh tranh đó, cả hai sẽ mất cơ hội nhân đôi số tiền của mình.
Trong thực tế, sự hợp tác chỉ xuất hiện khi cả hai tin tưởng lẫn nhau và chứng minh bản thân là người đáng tin cậy. Đây là một việc làm mạo hiểm, bởi niềm tin có thể dẫn đến trường hợp người còn lại “lật kèo” khi thỏa thuận đi đến giai đoạn cuối.
Chương trình trò chơi truyền hình trên ti vi nước Mỹ tên Friend or Foe? (Bạn hay Thù?) đã tạo ra tình thế khó xử cho người tham gia khi đặt cả hai người chơi vào tình huống phải xác định sự tin tưởng lẫn nhau để phân chia số tiền thưởng mà họ thắng được ở vòng trước. Mỗi người có hai nút bấm mà người kia không thể thấy – một nút “bạn”, nút kia là “thù”. Nếu cả hai người chơi cùng nhấn nút “bạn”, thì họ sẽ chia đôi số tiền thưởng. Nếu cả hai nhấn “thù”, họ sẽ cùng ra về tay không. Nhưng nếu một người nhấn “bạn” và người còn lại nhấn nút “thù”, thì người chọn “thù” sẽ nhận toàn bộ số tiền thưởng, và đồng đội của anh ta sẽ trắng tay.
Ở vòng trước, hai người chơi đã tích lũy được 7.500 đô-la. Người chơi tên Rob đặt bàn tay lên ngực trái nói: “Mike à, chơi cùng anh rất vui, và tôi nghĩ anh là một người đáng tin cậy. Tôi hứa sẽ nhấn nút ‘bạn’”.
“Rob, vòng trước cả hai chúng ta đều có mặt ở đây, và thật xấu hổ khi lần này ra về tay không”, - Mike cam đoan với người bạn chơi.
Họ đã nhấn nút chọn. Rob chọn “bạn”, còn Mike, mặc dù đã quả quyết nhưng lại chọn “thù”, và một mình nhận tất cả tiền thưởng.
Sự phản bội, thường là phản bội lẫn nhau, khá phổ biến trong trò chơi “Bạn hay Thù?”. “Trên bàn vẫn còn lại hàng ngàn đô-la. Trong gần 1/4 lượt chơi, cả hai người chơi đều lựa chọn bất hợp tác do thiếu lòng tin vào nhau nên họ đã mất số tiền gần 100.000 đô-la”, - nhà nghiên cứu John A. List Đại học Chicago viết.
Tuy nhiên, khi có sự tín nhiệm lẫn nhau, cả hai sẽ trở nên giàu có. Hai người chơi khác là Stacia và Jennifer đều đã chọn “bạn” và chia đôi số tiền thưởng.
Trong một mối quan hệ hợp tác, việc trở thành người đáng tin cậy không chỉ là chuyện bỏ tờ 100 đô-la vào phong bì hay nhấn đúng nút, mà là có mặt đúng giờ trong một cuộc họp quan trọng, làm nhiều hơn phần công việc được giao, nhanh chóng trả lời thư và cuộc gọi, dành tất cả sự sáng tạo cho một dự án, tự động làm thay vì đợi yêu cầu, không trở thành gánh nặng cho cộng sự, nỗ lực hết mình vì thành công của dự án, làm việc chăm chỉ trong những công việc tay chân và thông minh khi làm công việc liên quan trí óc, cùng hàng trăm điều lớn nhỏ khác.
Trong bước đầu của mối quan hệ hợp tác, cả hai thành viên đều có thái độ để-xem-thế-nào- đã vì không tin rằng người kia sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng nếu cả hai đều chuyển sang động thái hợp tác thì họ sẽ tạo lòng tin vững chắc cho nhau. Nỗi lo bị lợi dụng dần biến mất. Sự tín nhiệm xóa bỏ mọi nghi ngờ và những tình huống khó xử.
Hơn 350 năm trước, triết gia Thomas Hobbes đã kết luận rằng trong mối giao tiếp với người khác, tính ích kỷ trong bạn sẽ trỗi lên mạnh mẽ đến mức khó cưỡng. Gặp những trường hợp như vừa nói ở trên, ông hẳn sẽ khuyên bạn không bỏ gì vào trong phong bì vì người kia gần như chắc chắn sẽ làm như thế.
Những động cơ thúc đẩy trong cuộc sống, theo lẽ tự nhiên, sẽ kéo con người theo hướng đối đầu trong “cuộc chiến của con người chống lại con người”. Khi mỗi người đều theo đuổi những mục tiêu cá nhân thì sự tồn tại của con người, theo ông, tất sẽ trở nên “cô độc, đáng khinh, thô tục, tàn bạo và ngắn ngủi”.
John Nash, nhà toán học người Mỹ đoạt giải Nobel được khắc họa chân dung trong bộ phim A Beautiful Mind (Trí Tuệ Siêu Việt), đã ứng dụng mẫu hành vi này vào trò chơi lòng tin, trong đó mỗi người chơi đều làm điều tốt nhất cho bản thân. Thuyết “Cân bằng Nash” của ông cũng đề cập đến cuộc thử nghiệm phong bì dành cho cả hai người giữ lại tiền của họ mọi lúc.
Hobbes và Nash đều đúng trong trường hợp niềm tin được đáp trả bằng sự bất tín. Mỗi cộng sự trải qua vụ việc ấy đều tuyệt giao với mối quan hệ.
Tại một công ty bán lẻ, mối quan hệ hợp tác ăn ý giữa hai vị phó chủ tịch khu vực – một chịu trách nhiệm một nửa miền Tây Hoa Kỳ và người kia phụ trách miền Đông – đã kết thúc khi một trong hai từ chức và gia nhập công ty đối thủ. “Tôi đã đầu tư rất nhiều vào anh ta, và đây là cách anh ta đáp lại tôi ư? Mặc xác hắn”, - người bị bỏ lại nói.
Giữa những lời chỉ trích, nhà khoa học chính trị - giáo sư Robert Axelrod người Mỹ đã tổ chức một cuộc thi gây chú ý. Vào năm 1979, Axelrod sử dụng máy tính để tìm chiến thuật tối ưu khi muốn mở rộng và chấm dứt sự tín nhiệm của người khác.
Mười bốn người tham gia vòng thi đấu đều là những chuyên gia đến từ các ngành tâm lý, kinh tế học, khoa học chính trị, toán học và xã hội học. Họ nêu ra một nhóm chiến thuật khác nhau. Rốt cuộc, người chiến thắng cuộc thi hóa ra là người đưa ra chiến thuật đơn giản nhất suốt các vòng đấu.
Đó là chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng” do nhà tâm lý học Anatol Rapoport nghĩ ra. Theo đó, lần đầu sẽ hợp tác, còn những lần sau chỉ làm theo đối thủ trong vòng trước, nghĩa là bắt chước chiến thuật của bạn chơi, bất kể họ phản bội hay hợp tác. “Ăn miếng, trả miếng” là một giải pháp khéo léo đối với vấn đề niềm tin.
Chiến thuật này làm mọi thứ đi đúng hướng nhờ thể hiện sự tin tưởng ngay từ bước đầu. Theo cách thức đó, điều mà Hobbes hay Nash dự đoán không còn đúng nữa. “Thật ngạc nhiên, chỉ có một đặc tính phân biệt giữa số người thi điểm cao và điểm thấp, đó là sự tử tế, nghĩa là không bao giờ trở thành người phản bội trước tiên”, - Axelrod viết. Khi hai chiến thuật tín nhiệm kết hợp cùng nhau, mối quan hệ sẽ hình thành, và sự cộng tác hầu như sẽ diễn ra suốt trò chơi, theo đó điểm số của mỗi người sẽ được nâng lên.
“Ăn miếng, trả miếng” là chiến thuật thân thiện, nhưng không dại dột. Ngay khi bị phản bội, nó sẽ trả đũa trong lượt đi kế tiếp và sẽ tiếp tục từ chối hợp tác cho tới khi đối thủ dừng thái độ thù địch. Vì có tính mô phỏng nên chiến thuật không bị lợi dụng. Sự chuyển đổi như vậy đóng vai trò then chốt, giúp những người có lòng tốt tồn tại được. Nếu không có sự trả đũa để kìm hãm thì chỉ một vài kẻ ích kỷ cũng có thể nhanh chóng tàn phá cả một tập thể nhân từ. Bất chấp lời kêu gọi lẽ công bằng, một số ít kẻ độc ác sẽ lợi dụng lòng tin của đồng nghiệp nếu không có gì ngăn họ lại.
Một đặc tính chiến thắng khác của chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng” là sự tín nhiệm sẽ quay trở lại khi người cộng sự thể hiện sự tin tưởng. Đó là lòng vị tha. Axelrod đã khám phá ra rằng “trong tất cả quy luật tử tế, người ghi điểm thấp nhất chính là người ít vị tha nhất”.
Vị giáo sư quyết định tiến hành lại cuộc thử nghiệm. Ông muốn biết nếu có nhiều người chơi hơn và chiến thuật đa dạng hơn thì có thể thay đổi kết quả hay không. Axelrod mời những người chơi lần trước tham gia lần nữa. Ông cũng cho đăng quảng cáo trên các tờ tạp chí máy tính. Số lượng phản hồi vượt hơn ông dự đoán. Có 62 người chơi đến từ Mỹ, Canada, Anh, Na Uy, Thụy Sĩ và New Zealand. Họ là những giáo sư ngành khoa học máy tính, vật lý học, kinh tế học, tâm lý học, toán học, xã hội học, khoa học chính trị và sinh học tiến hóa.
Có hàng triệu lượt đấu trong vòng thi thứ hai này. Kết quả, người chiến thắng một lần nữa, là người sử dụng quy luật đơn giản của Rapoport. “Chiến thuật ‘Ăn miếng, trả miếng’ đã phát huy hiệu quả tối ưu trong vòng thứ hai của cuộc thi, cũng giống như ở vòng một”, - Axelrod viết. Ông kết luận: “Rõ ràng, đó là chiến thuật rất thành công”.
Nhưng Hobbes đã sai. Cả Nash cũng sai nốt. Con người không hoàn toàn ích kỷ và tính toán; họ sẽ đáp lại theo cả hai hướng, tích cực lẫn tiêu cực. Họ đáp trả điều mà họ nhận được. Sự có qua có lại là một trong những bản tính mạnh nhất của con người.
Theo nhiều cách, cuộc thi của Axelrod đã xác nhận sự thông thái của một đoạn trong sử thi Edda của Na Uy vào thế kỷ 13: “Trao nụ cười, con người sẽ nhận được nụ cười; còn trao sự dối trá, con người sẽ nhận lấy sự dối trá”. Qua đó ta thấy những cảm xúc tích cực, chân thành là chất keo gắn kết một mối quan hệ hợp tác.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành và gìn giữ nhiều mối quan hệ hợp tác bền chặt không nằm ở sự gian xảo, mà ở sự sẵn sàng mạo hiểm đặt niềm tin vào những người cộng sự tiềm năng và đáp trả sự tín nhiệm họ dành cho bạn. Cũng giống như chiến thuật “Ăn miếng, trả miếng”, trong mối quan hệ, bạn cần háo hức hợp tác; sớm đưa ra những lời đề nghị một cách thân thiện; cương quyết không làm người phản bội trước; và sẵn lòng tha thứ.
Động thái ban đầu của bạn, thân thiện hoặc thù địch, sẽ tác động đến sự cân bằng trong những lần tương tác sau. Khi bạn bày tỏ sự tín nhiệm, bạn sẽ tìm thấy sự tín nhiệm. Khi bạn ích kỷ, bạn sẽ tìm thấy sự ích kỷ. Nếu bạn ganh đua, người khác đành phải ganh đua. Nếu bạn tìm cách để cuộc chơi nghiêng lợi thế về phía bạn thì những nỗ lực hợp tác của bạn quả thực sẽ trở nên “cô độc, đáng khinh, thô tục, tàn bạo và ngắn ngủi”.
Tóm lại, mức độ thành công trong việc hình thành các mối quan hệ hợp tác nằm ở sự tin tưởng, tín nhiệm của hai bên dành cho nhau.