Trước khi tiến hành nghiên cứu, thiết nghĩ cần phải làm rõ giới hạn những khái niệm cơ bản liên quan đến những vấn đề được nghiên cứu, nhằm để giới hạn phạm vi rõ ràng. Chủ yếu có năm khái niệm như sau:
1. Phạm vi khái niệm “Ấn Độ cổ đại”.
2. Nội hàm danh hiệu “Quán Âm”.
3. Hàm nghĩa “Tín ngưỡng Quán Âm”.
4. Hiểu rõ ý nghĩa của từ “nguồn gốc”.
5. Đặc tính và sự vận dụng của khái niệm “Trung Quốc” và “sự truyền bá vào Trung Quốc”.
Thứ nhất, khái niệm “Ấn Độ cổ đại” trong quyển sách này được hiểu theo nghĩa rộng mà Trung Quốc cổ đại thường dùng. Dù xét theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp đi nữa, thì Ấn Độ cổ đại và hiện đại đều có sự sai khác khá nhiều. Theo nghĩa hẹp, Ấn Độ cổ đại chỉ cho khu vực thuộc lưu vực sông Hằng ngày nay, như cao nguyên Deccan Plateau và khu vực sông Ấn Độ, thời cổ đại gọi là khu vực “Ngũ Thiên Trúc”, gồm năm bộ phận cấu thành là: Trung Ấn, Bắc Ấn, Nam Ấn, Đông Ấn, và Tây Ấn. Theo nghĩa rộng thì Ấn Độ thời cổ đại gồm luôn các quốc gia xung quanh vùng Ngũ Thiên Trúc hoặc là những khu vực bên cạnh các quốc gia ấy. Tức lấy Ấn Độ thời nay làm trung tâm cho toàn bộ khu vực Nam Á, bao gồm các nước thuộc Ấn Độ cổ như: Pakistan, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Sri Lanka, Maldives, cho đến một số bộ phận các khu vực các nước cộng hòa Afghanistan, cộng hòa Iran.
Thứ hai, trong lịch sử vấn đề danh hiệu Quán Âm và hàm nghĩa của nó đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Trong quyển sách này ngoài việc dẫn dụng nguyên văn hoặc khi nghiên cứu chuyên môn về vấn đề danh hiệu Quán Âm sẽ sử dụng các danh xưng Quán Âm khác nhau. Đồng thời thể hiện rõ quan điểm của tác giả, trong trường hợp thông thường vì để tiện cho việc diễn giải, đều sử dụng danh hiệu Quán Âm. Đây là danh xưng đơn giản và lưu hành nhiều nhất được chọn lựa từ trong những danh hiệu khác nhau của vị Bồ tát thuộc hệ tư tưởng Phật giáo Đại thừa này. Ở đây chỉ cho Bồ tát Quán Âm, mà không bao hàm những quan điểm học thuật mang tính chủ quan của học giả liên quan đến danh xưng Quán Âm. Cho nên, có nhiều danh xưng khác nhau để chỉ Bồ tát Quán Âm như: “Quan Thế Âm”, “Quán Thế Âm”, “Quán Tự Tại”, “Quán Âm Tự Tại”, “Quán Âm Thanh” v.v.
Thứ ba, “Tín ngưỡng Quán Âm” được đề cập trong sách này chính là một loại hình tín ngưỡng Bồ tát trong hệ thống Phật giáo Đại thừa. Nghĩa là, dùng hình tượng Bồ tát Quán Âm làm đối tượng sùng bái trong toàn bộ hệ thống tín ngưỡng tôn giáo. Vừa bao gồm các yếu tố hình thái tôn giáo bên trong cấu thành nên hệ thống giáo lý, phương pháp tu hành, tâm lý và lịch sử phát triển của nó, lại vừa bao gồm các yếu tố tôn giáo ngoại tại như: tín đồ, đạo tràng, hoạt động và quá trình diễn biến của nó. Hình thành một hệ thống văn hóa tôn giáo hoàn chỉnh, sống động và có đặc trưng riêng theo từng khu vực.
Thứ tư, liên quan đến sự lý giải về nguồn gốc lịch sử, ở đây sử dụng hai từ “uyên nguyên”. Xét từ góc độ thời gian, chúng ta đang đứng ở thời kỳ đương đại quay về khảo sát lịch sử. Xét theo góc độ không gian, đứng tại Trung Quốc nhưng truy tìm về Ấn Độ. Chủ yếu có hai tầng ý nghĩa: Một là nguồn gốc, tức chỉ cho mạch nguồn ban đầu của tín ngưỡng Quán Âm. Hai là dòng chảy, nghĩa là lịch sử quá trình du nhập và phát triển liên tục của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm. Cho nên, “uyên nguyên” chính là nhấn mạnh việc khảo sát nguồn gốc của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm trong thời kỳ Ấn Độ cổ đại, mà không phải khảo sát theo trạng thái tĩnh của chiều ngang. Cho nên, vấn đề quan trọng nằm ở việc nghiên cứu nguồn gốc lịch sử hình thành, thay đổi, phát triển của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Ấn Độ. Dựa vào việc truy tìm gốc rễ của loại hình tín ngưỡng này để nắm bắt và hiểu rõ những đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Ấn Độ thời cổ đại, đồng thời cung cấp một số tiền đề thiết yếu trong việc nghiên cứu lịch sử truyền bá tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm từ Ấn Độ cổ đại vào Trung Hoa.
Thứ năm, liên quan đến hàm ý khái niệm “Trung Quốc” và “truyền bá vào Trung Quốc”, có ba điểm cần lưu ý: Một là, thông thường, khi nghiên cứu sự du nhập của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào Trung Quốc hoặc trong quá trình thay đổi và phát triển của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm tại đây, hàm ý ngoại tại của hai từ “Trung Quốc” trong tập sách này bao hàm khu vực của dân tộc Hán thời cổ đại hoặc là chỉ cho các vùng văn hóa thuộc dân tộc Hán. Do Trung Quốc là một đất nước vô cùng rộng lớn, bản đồ của quốc gia này cũng từng ít nhiều thay đổi theo lịch sử. Phật giáo Ấn Độ du nhập rộng rãi vào khá nhiều khu vực của Trung Quốc, đồng thời hình thành nên hệ thống văn hóa Phật giáo vừa có mối quan hệ gắn bó lại vừa mang nét đặc sắc từng vùng miền. Đặc biệt là ba hệ thống Phật giáo lớn như: Nam truyền, Hán truyền và Tạng truyền. Bởi vậy, nói một cách nghiêm túc, sự truyền bá của Phật giáo Ấn Độ vào Trung Hoa vừa chứa đựng những nội dung khác nhau vừa liên quan lẫn nhau giữa các vùng của ba dân tộc chính này là Hán, Tạng và Thái. Tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm “truyền vào Trung Quốc” trong quyển sách này không nhằm nói đến nội dung truyền bá của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào những nơi khác như các khu vực thuộc dân tộc Tạng, Bạch, mà chủ yếu chỉ thảo luận đến lịch sử phát triển của người Hán và sự truyền bá tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm trong khu vực theo truyền thống Hán truyền Phật giáo. Hai là từ góc độ nội hàm, đã là “sự truyền bá vào Trung Quốc”, tất nhiên điểm dừng chân phải là ở Trung Quốc, mà đối tượng khảo sát tất nhiên là từ ngoại lai. Ở đây, khái niệm “ngoại lai” và “Trung Quốc” đều là những khái niệm quan trọng. Nhấn mạnh “tính ngoại lai” là nhằm mục đích nắm vững chính xác “tính Trung Quốc”. Giới học thuật trong quá khứ, khi bàn luận về sự diễn biến phát triển của Phật Giáo Trung Quốc, đặc biệt là Trung Quốc hóa, luôn có người xem nhẹ yếu tố này. Cuốn sách này nhấn mạnh hai vấn đề tuy khác nhưng gắn kết hòa quyện với nhau. Đó là sự du nhập của tín ngưỡng Quán Âm Ấn Độ vào Trung Hoa, sau đó đồng hành với quá trình lịch sử tiến hóa và bản địa hóa nền tín ngưỡng này. Vấn đề thứ nhất là lấy văn hóa Ấn Độ làm đầu mối thiết yếu hoặc là điểm khởi đầu, nhằm để nghiên cứu thế phát triển của nó khi sang vùng đất khác, thông qua việc nghiên cứu quá trình diễn biến mối quan hệ giữa chúng với nền văn hóa bản địa, nhất là nêu rõ đặc sắc của nó tại quê nhà trên đà biến mất. Cùng với đó, là đặc trưng và quá trình địa phương hóa sau cùng. Vấn đề kế tiếp là lấy văn hóa Trung Hoa làm trọng tâm, mổ xẻ chi tiết văn hóa Trung Hoa làm sao để đối diện với văn hóa ngoại lai đến từ Ấn Độ, không ngừng làm cho tự thân ngày một phong phú và phát triển hơn. Khái niệm “truyền bá vào Trung Quốc” trong sách này là dựa trên tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm làm đề tài nghiên cứu chính. Thế nên, bất luận là khảo sát rộng hay phân tích sâu, thì mục đích cuối cùng vẫn là nắm rõ được điểm cốt lõi của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm từ bên ngoài truyền vào. Nhắc đến “truyền bá vào Trung Quốc” cần phải nói rõ ba điểm là. “Truyền bá” ở đây chỉ cho sự truyền bá văn hóa, toàn bộ quá trình được quảng đại quần chúng tiếp xúc, biết đến, hiểu rõ, đón nhận, là hệ thống bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều giai đoạn và sinh động. Cho nên, người viết cho rằng truyền bá không giống với du nhập. Du nhập chỉ cho người làm công tác truyền bá đứng từ một sự kiện văn hóa nào đó thông qua các kênh và phương tiện truyền thông, lấy những thông tin của loại hình văn hóa nào đó truyền đạt đến nhiều người làm cho họ biết đến, đồng thời trình bày rõ, giúp cho họ hiểu và tiếp nhận. Nhưng để hiểu và tiếp nhận được thì lại không quá phụ thuộc vào người truyền bá mà do người được truyền bá quyết định. Trình độ hiểu rõ và phạm vi tiếp nhận, quá trình của người được truyền bá liên quan đến hoàn cảnh xã hội, bối cảnh văn hóa, nền tảng tri thức, đặc trưng tâm lý mà người được truyền bá trực tiếp tiếp xúc và sinh hoạt. Vì thế, truyền bá là sự tổng hợp giữa du nhập với đón nhận. Nghiên cứu sự truyền bá của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm Ấn Độ cổ đại truyền vào Trung Quốc, không những quay về khảo sát lịch sử tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm Ấn Độ cổ đại truyền bá liên tục vào Trung Quốc. Điều quan trọng hơn nữa chính là nghiên cứu loại hình văn hóa tôn giáo ngoại lai ở đất nước Trung Quốc trong thời đại lịch sử không giống nhau, xã hội khác nhau và bối cảnh văn hóa không đồng nhau, nhưng lại được người dân Trung Quốc thông hiểu và đón nhận.