Nghiên cứu học thuật cần phải có ý thức rõ từng vấn đề. Nhận thức vấn đề, chính là dựa vào nhiều đối tượng nghiên cứu sâu rộng làm nền tảng chân thật để tiến hành nghiên cứu, dùng lý luận khoa học để làm hướng đi cho tư duy, dưới tiền đề của việc nỗ lực nắm rõ tính chất, sự quy thuộc vào loại hình đối tượng nghiên cứu. Nhận thức sự phong phú, đa dạng của vấn đề thực tiễn, lý luận chứa đựng trong đó, nắm bắt được trọng tâm của vấn đề, xác nhận rõ góc độ phân tích, lựa chọn các đề tài nghiên cứu học thuật mang đầy tính sáng tạo và đặc trưng cá nhân để nghiên cứu. Như thế, những nghiên cứu này có thể lấp đầy khoảng trống học thuật, đồng thời vừa mang ý nghĩa lý luận lại có giá trị thực tiễn sâu sắc. Với ý thức đó, quyển sách này chủ yếu y cứ vào nguồn gốc và sự truyền bá của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào Trung Quốc làm đề tài nghiên cứu. Dựa vào nhận thức vấn đề này, tôi muốn làm rõ phạm vi vấn đề học thuật nghiên cứu của đề tài. Nghĩa là giải thích rõ hạng mục nghiên cứu này thuộc loại vấn đề học thuật nào, đồng thời giải thích vị trí và ý nghĩa của nghiên cứu này trong nghiên cứu học thuật.
Đứng trên lập trường của chủ nghĩa duy vật và sự thật lịch sử, bất kỳ sự sản sinh, phát triển và diễn biến cùng với sự truyền bá ra ngoài của một hiện tượng văn hóa nào cũng phải tuân theo những quy luật nhất định. Trong lịch sử, sự truyền bá nền văn hóa tôn giáo mang tính toàn cầu được triển khai thực hiện và hoàn thành trong mối tương duyên nhiều mối quan hệ vô cùng phức tạp như: quan hệ xã hội, quan hệ dân tộc, quan hệ văn hóa và quan hệ tâm lý.
Trong quá khứ, Trung Quốc nhiều lần đón nhận những nền văn hóa khác truyền vào, điều này nói lên bức tranh lịch sử huy hoàng sáng rỡ của sự giao lưu văn minh giữa Trung Quốc với nước ngoài. Với vai trò là vũ đài lịch sử vững chắc của sự giao lưu văn minh nhân loại, đại địa Thần Châu không chỉ ươm mầm và nuôi dưỡng nền văn hóa Trung Hoa xinh đẹp, mà còn dùng tấm lòng rộng lớn bao dung chào đón, tiếp nhận nhiều nền văn minh khác nhau xuất hiện. Điều này không những góp phần làm phong phú, phát triển nội hàm của nền văn minh Trung Hoa mà còn là tấm gương sáng cho sự giao lưu phát triển của nền văn minh nhân loại. Trong lịch sử quá trình du nhập các nền văn hóa ngoại lai vào Trung Quốc, thì văn hóa Phật giáo Ấn Độ, tư tưởng dân chủ tự do phương Tây và chủ nghĩa Mác - Lê Nin trở thành ba nền văn hóa ngoại lai mới mẻ, sống động nhất. Trong ba loại hình văn hóa này, Phật giáo Ấn Độ được truyền vào sớm nhất, quy mô lớn nhất, có tầm lịch sử lâu đời nhất và sức ảnh hưởng sâu đậm nhất. Sự truyền bá văn hóa Phật giáo Ấn Độ vào Trung Quốc là một quá trình lịch sử vô cùng gian nan, phức tạp và lâu dài. Nghiên cứu quá trình này chính là nghiên cứu quá trình giao lưu giữa hai nền văn minh nổi tiếng nhất trong lịch sử, mà mối giao lưu của hai nền văn minh này lại là điển hình của sự thành công, hỗ tương và hòa bình nhất trong suốt chiều dài lịch sử giao lưu giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại. Do đó, đề cập đến việc nghiên cứu sự truyền bá của Phật giáo Ấn Độ tại Trung Hoa chính là trình bày tiến trình lịch sử giao lưu thành công và những cơ chế, quy luật nội tại chứa đựng trong đó. Đồng thời, khám phá đặc tính cá nhân hóa phong phú và sự ảnh hưởng sâu sắc của quá trình giao lưu này. Việc nghiên cứu này không những tìm kiếm được chân tướng của lịch sử, nắm bắt được ý nghĩa chân thực của lý luận, hơn nữa còn tìm thấy được sự quy chiếu của hiện thực. Do vì, diễn biến và sự truyền bá vào Hoa Hạ của Phật giáo Ấn Độ là một sự kiện lịch sử trọng đại, với nội hàm sâu sắc, phương pháp độc đáo, quá trình phức tạp và lịch sử lâu dài. Cho nên, bất luận là đứng từ góc độ ngoại diên hay góc độ nội hàm, chúng đều biểu hiện thông qua nhiều chi nhánh và tầng lớp khác nhau. Nghĩa là nội dung lịch sử của chúng chứa đựng các loại hình Phật giáo khác, và những yếu tố cụ thể của sự diễn tiến khi truyền vào đất nước Hoa Hạ. Vì thế, tìm hiểu nguồn gốc lịch sử và đặc trưng của quá trình Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, tất nhiên phải đứng ở nhiều góc độ, phương diện khác nhau, nhắm vào những vấn đề khác nhau mà đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống.
Một trong những đặc trưng tiêu biểu của Phật giáo Ấn Độ truyền vào Trung Quốc đó là tín ngưỡng Bồ tát. “Bồ tát” gọi đầy đủ là “Bồ đề Tát đỏa” hay “Bồ đề Sách đỏa” (tiếng Phạn là Boddhisattva), riêng ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) dịch thoát ý là “Đại đạo tâm chúng sinh”, hoặc “Đạo chúng sinh” v.v. Còn ngài Huyền Trang dịch là “Đại giác hữu tình”, “Giác hữu tình” v.v. Theo quan điểm của Phật giáo, Bồ tát là bậc đã chứng quả hay người tu hành có tâm nguyện rộng lớn, phát nguyện thành đạo Vô thượng, cứu độ chúng sinh vô biên. Phật giáo Trung Quốc thuộc hệ Phật giáo Đại thừa Bắc truyền. Ý nghĩa của chữ “đại” trong Phật giáo Đại thừa dùng để nhắm vào Phật giáo thời kỳ đầu mà họ gọi là “Tiểu thừa”. Cho rằng, những giáo lý này chỉ nghĩ đến việc giải thoát cho tự thân, nên đề xướng phổ độ tất cả chúng sinh. Giáo nghĩa phổ độ chúng sinh tập trung thể hiện ở phương diện tín ngưỡng, và các khái niệm liên quan đến Bồ tát. Bởi vì, người gánh vác nhiệm vụ phổ độ chúng sinh của Phật giáo Đại thừa chính là các vị Bồ tát, trách nhiệm và mục tiêu của các Ngài chính là “trên cầu trí tuệ giải thoát của Phật đạo, dưới độ hết thảy vô biên chúng sinh đang khổ nạn”. Đóng vai trò nòng cốt trong Phật giáo Đại thừa, tín ngưỡng Bồ tát dễ dàng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt và niềm tin tuyệt đối của đại đa số Phật tử. Những vấn đề lý luận và thực tiễn khác của Phật giáo Đại thừa được triển khai không nằm ngoài những lý luận, quan niệm, sự tu hành giải thoát của Bồ tát. Tổng quan lịch sử 2000 năm của Phật giáo Trung Quốc, chúng ta có thể thấy được dòng chảy của Phật giáo trên đất nước Trung Hoa, từ đầu đến cuối đều lấy tín ngưỡng Bồ tát làm hình thái tiêu biểu và cốt lõi nhất.
Theo quan điểm của Phật giáo, phàm chúng sinh nào dựa vào giáo lý phổ độ của Đại thừa mà thực hành pháp môn và cầu được quả vị Đại thừa, đều có thể gọi là Bồ tát. Mà trong hàng Bồ tát, có vị đã tu hành chứng quả, liền được tôn xưng là Bồ tát Quả địa, cũng có vị đang nỗ lực tu hành từng ngày nên gọi là Bồ tát Nhân địa. Bồ tát Nhân địa chỉ cho những vị tu hành nhờ vào sự tín phụng giáo lý Đại thừa. Vì vậy, trong lịch sử có rất nhiều vị được liệt vào hàng Đại Bồ tát. Những nhà tư tưởng nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ như: Mã Minh (Aśvaghoṣa), Long Thọ (Nāgārjuna), Đề Bà (Mahādeva), Vô Trước (Asaṅga), Thế Thân (Vasubandhu) v.v. đều được gọi là Bồ tát lịch sử, và những vị này đều có đầy đủ thần thông, trí tuệ siêu việt và tâm thái phi phàm. Cho nên, các Ngài được người đương thời và sau này rất mực sùng bái cũng như tôn kính. Còn những vị Đại Bồ tát mặc dù đã chứng được quả vị, nhưng khó mà xác định được các vị ấy có phải là nhân vật lịch sử hay không. Tín ngưỡng Bồ tát đóng vai trò trụ cột đối với Phật giáo Đại thừa, kỳ thực chủ yếu là loại hình tín ngưỡng Bồ tát vừa nêu. Vậy nên, đối với giới học giả hay giới tôn giáo mà nói, Bồ tát thông thường chỉ cho bậc Bồ tát thuộc về phạm trù đã được thần thánh hóa. Trong bài viết này, hễ đề cập đến Bồ tát, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ còn lại đều chỉ cho Bồ tát theo hàm nghĩa này.
Trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc, xuất hiện khá nhiều vị Bồ tát nổi tiếng. Ấn Độ có thuyết bát Đại Bồ tát1, còn Trung Quốc thì có thuyết tứ Đại Bồ tát hoặc ngũ đại Bồ tát2. Cho dù là Phật giáo Ấn Độ cổ xưa hay Phật giáo Trung Quốc ngày nay với hai dòng truyền thừa là Tạng truyền hay Hán truyền đi nữa, thì tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vẫn nhận được nhiều sự tôn kính nhiều nhất. Ở Ấn Độ, tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm được lưu truyền sâu rộng, trên từ hoàng cung vương thất, dưới đến bá tính lê dân, tất cả đều sùng bái hình tượng Ngài. Đồng thời lưu lại rất nhiều câu chuyện liên quan đến sự tín phụng Bồ tát Quán Âm, trở thành những chứng tích lịch sử sống có giá trị trong việc nghiên cứu tín ngưỡng Quán Âm. Phật giáo sau khi được truyền vào Trung Hoa từ thời Hán Ngụy, tín ngưỡng Quán Âm được phổ biến rộng rãi. Trải qua quá trình diễn tiến lâu dài của thời gian, dần dần trở thành một vị thần linh được người Trung Quốc tôn sùng nhất. Tín ngưỡng Quán Âm, do nhờ nhận được sự sùng bái mạnh mẽ mà trở thành một điển hình tín ngưỡng Bồ tát của Phật giáo Trung Quốc.
1 Còn gọi là “Bát Bồ tát” (tám vị Bồ tát), ở mỗi kinh đều có cách nói khác nhau: 1. Bồ tát Bạt Đà Hòa (Hiền Hộ), Bồ tát La Lân Na Kiệt, Bồ tát Kiều Nhật Đâu, Bồ tát Na La Đạt, Bồ tát Tu Thâm, Bồ tát Ma Ha Tu Tát Ha, Bồ tát Nhân Manh Đạt, Bồ tát Luân Điều. 2. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đắc Đại Thế, Bồ tát Vô Tận Ý, Bồ tát Bảo Đàn Hoa, Bồ tát Dược Vương, Bồ tát Dược Thượng, Bồ tát Di Lặc. 3. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Hư Không Tạng, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Cứu Thoát, Bồ tát Bạt Đà Hòa, Bồ tát Đại Thế Chí, Bồ tát Đắc Đại Thế, Bồ tát Kiên Dũng. 4. Bồ tát Quang Minh, Bồ tát Tuệ Quang Minh, Bồ tát Nhật Quang Minh, Bồ tát Giáo Hóa, Bồ tát Linh Nhất Thiết, Bồ tát Đại Tự Tại, Bồ tát Túc Vương, Bồ tát Hạnh Nguyện. 5. Bồ tát Kim Cương Thủ, Bồ tát Quán Tự Tại, Bồ tát Hư Không Tạng, Bồ tát Kim Cương Thủ, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Tài Phát Luân Chuyển Pháp Luân, Bồ tát Hư Không Khố, Bồ tát Thoái Nhất Thiết Ma. 6. Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Hư Không Tạng, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Kim Cương Thủ, Bồ tát Diệu Cát Tường, Bồ tát Trừ Cái Chướng, Bồ tát Địa Tạng. Khi tạo tượng Bát đại Bồ tát, thường y cứ vào những thuyết này.
2 “Tứ đại Bồ tát” chỉ cho bốn vị Đại Bồ tát là Quán Âm, Địa Tạng, Văn Thù và Phổ Hiền. Do vì mỗi vị này có những hạnh nguyện riêng, nên còn có thêm danh hiệu: Đại Bi Quán Âm, Đại Nguyện Địa Tạng, Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền. “Ngũ đại Bồ tát” ngoài bốn vị Bồ tát vừa nêu, còn có thêm Bồ tát Di Lặc, cũng có nơi thêm hình tượng Ngài Đại Thế Chí Bồ tát mà thành thuyết ngũ đại Bồ tát.
Sự phát triển của Phật giáo Ấn Độ và quá trình truyền bá của nó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau của hệ thống Phật giáo Ấn Độ đồ sộ. Như đã trình bày ở trên, tín ngưỡng Bồ tát đóng vai trò nòng cốt trong đạo Phật hai nước Ấn-Trung. Bên cạnh đó, tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm còn là một hình thái tín ngưỡng phổ biến nhất trong các hệ tín ngưỡng Bồ tát. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, sự ra đời, phát triển và truyền bá của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào Trung Quốc và quá trình Hán hóa, tất nhiên cũng được thể hiện trên toàn bộ hệ thống Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và lịch sử truyền bá, phát triển của nó khi du nhập vào Trung Hoa. Có hai nguyên nhân chính khiến cho tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm được bén rễ và sinh trưởng mạnh mẽ ở đất nước này. Thứ nhất là, sự phát triển của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ trải qua mấy trăm năm làm cho tín ngưỡng Quán Âm có được một hệ thống lý luận và thực tiễn hoàn chỉnh, với nội hàm lý luận sâu sắc cùng không gian thực tiễn rộng lớn. Thêm vào đó, Bồ tát Quán Âm với tâm từ bi cứu thế đã đáp ứng được những mong muốn của người Trung Quốc, bù đắp cho sự khiếm khuyết trong nền văn hóa Trung Hoa. Mặt khác, tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm du nhập vào Hoa Hạ được khoảng ngàn năm, tương đương với ngần ấy thời gian Phật giáo Ấn Độ truyền vào mảnh đất này. Nhưng so với các hệ tư tưởng khác của Phật giáo Ấn Độ, thì quá trình truyền bá của tín ngưỡng Quán Âm rất mực gần gũi và gắn bó với xã hội, văn hóa và tâm lý người dân bản địa hơn. Tạo tiền đề cho loại hình tín ngưỡng này không ngừng phát triển, hình thành nên một bức tranh lịch sử năng động và không ngừng hoàn thiện. Trong đó, bên truyền bá là Ấn Độ và bên đón nhận là Trung Quốc, cả hai tuy xa lạ nhưng lại có mối quan hệ và gắn bó mật thiết với nhau. Sự tương tác của cả hai yếu tố này, kiến tạo nên kiểu hình bên ngoài của bức tranh sinh động về quá trình truyền bá của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm tại Trung Hoa. Sự giao lưu hỗ tương và tác động lẫn nhau của quy chế bên trong các nhân tố xã hội, văn hóa và tâm lý, cùng với sự đan xen, giao thoa của hai dây nối móc xích bên ngoài là phía du nhập và bên tiếp nhận, khiến cho tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm trở thành một mô hình tín ngưỡng Phật giáo toàn diện, sâu sắc, triệt để và lan rộng nhất trong các phân nhánh của Phật giáo Ấn Độ lưu truyền ở Trung Hoa. Đồng thời trở thành một điển hình cho toàn bộ quá trình Hán hóa Phật giáo Ấn Độ. Do đó, nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm và sự truyền bá của loại hình tín ngưỡng này ở Trung Hoa chính là trình bày sự truyền bá của Phật giáo Ấn Độ, và lý luận rõ tính đột phá trong việc bản địa hóa.
Đóng vai trò là một bức tranh lịch sử thu nhỏ về sự phát triển và truyền bá văn hóa Phật giáo Ấn Độ ở đất nước Trung Quốc, nguồn gốc cũng như quá trình truyền bá của loại hình tín ngưỡng này không những thể hiện đặc trưng chủ yếu của sự giao lưu văn hóa Ấn Trung. Hơn thế, còn biểu hiện tất cả nhiều tầng lớp, nhiều giai đoạn, nhiều đặc trưng của quá trình truyền bá cũng như phát triển văn hóa nhân loại. Nhất là khi tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm du nhập vào Trung Quốc và tiếp nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của xã hội và nền văn hóa lâu đời tại đây, với những đặc trưng cơ bản phù hợp với xã hội địa phương, và hướng đi trở thành một quy luật cơ bản cho sự truyền bá văn hóa ngoại lai tại đất nước này. Nếu nhận thức được tính quy luật vừa nêu, sẽ là chiếc chìa khóa để chúng ta nắm vững được quy luật cơ bản của sự truyền bá văn hóa xuyên không gian và thời gian, nhằm để hòa nhập với các dân tộc khác nhau.
Liên quan đến vấn đề nghiên cứu sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ vào Trung Quốc và quá trình Hán hóa, có nhiều học giả trong giới học thuật đã đặt những bước chân vào các lĩnh vực quan trọng, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa phong phú này. Nhưng khi chúng ta lấy lịch sử phát triển của Phật giáo Trung Quốc, và lịch sử truyền bá Phật giáo Ấn Độ vào Trung Quốc chia ra làm hai để quan sát và phân tích, thì mới phát hiện, đến nay vẫn chưa thấy tác phẩm nghiên cứu lịch sử có tính hệ thống, chuyên sâu và chuyên môn nói về Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Trung Hoa.
Đối với vấn đề nghiên cứu về nguồn gốc và quá trình phát triển của hệ tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm cũng như con đường truyền bá của loại hình tín ngưỡng này sang Trung Hoa mà nói, học giả nghiên cứu lĩnh vực này vô cùng khan hiếm. Đến nay vẫn chưa có một tác phẩm nào khảo sát toàn diện lịch sử tín ngưỡng Quán Âm truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa theo chiều hướng sâu. Về vấn đề này, ở những chương kế tiếp sẽ trình bày rõ ràng hơn.
Tóm lại, Quán Âm là một hình thái tín ngưỡng Bồ tát được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt là ở Trung Quốc, nó đã trở thành khuôn mẫu điển hình của hầu hết các hệ tín ngưỡng Bồ tát, mà trong tín ngưỡng này bao quát tất cả đặc điểm của Phật giáo Đại thừa. Nhất là xét về hình thái thực tiễn của Phật giáo Đại thừa, tín ngưỡng Bồ tát đóng vai trò như giá đỡ của toàn bộ hệ thống Đại thừa. Cho nên, nghiên cứu lịch sử tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Ấn Độ và sự truyền bá của loại hình tín ngưỡng này tại Trung Quốc, chính là vén lên bức màn lịch sử về nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ và quá trình Hán hóa, đây chính là một bước đột phá quan trọng. Nhìn vấn đề ở khía cạnh sâu hơn, Phật giáo Ấn Độ từ lúc truyền vào Trung Hoa cho đến khi được Trung Quốc hóa hoàn toàn, là một quá trình du nhập văn hóa ngoại lai diễn ra lâu dài với quy mô lớn nhất lịch sử. Ở đây toát lên khá nhiều đặc điểm ngoại giao văn minh như: hòa bình, đối đãi, phổ biến, sâu sắc v.v. Cho nên, bài viết muốn nhấn mạnh rằng lịch sử truyền bá của tín ngưỡng Quán Âm vào đất Hán mang theo những đặc trưng cơ bản của Phật giáo Ấn Độ. Điều này nói lên số mệnh của nền văn hóa ngoại lai khi tiến vào đất Hoa Hạ, bao gồm những đặc tính riêng biệt cũng như cơ chế nội tại. Vì vậy, đây là quá trình tìm hiểu một thứ văn hóa mang tầm vượt thời gian, vượt không gian, và vượt luôn cả dân tộc tính. Từ đó chọn lọc, chắt chiu một loại hình ngoại giao văn minh vô cùng đặc sắc, để rồi chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nó.
Với những cơ sở học thuật đã được giải thích phía trước, quyển sách này dựa vào sự hình thành, phát triển của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Ấn Độ cũng như sự du nhập, quá trình diễn tiến của nó khi truyền vào Trung Hoa làm đề tài nghiên cứu. Nhằm trình bày những đặc tính, nguồn gốc hiện tượng văn hóa tôn giáo cực kỳ phổ biến này. Thông qua lịch sử du nhập của loại hình tín ngưỡng này để hiểu rõ quá trình bản địa hóa và mối giao lưu, bổ sung, xúc tiến giữa văn hóa truyền thống Trung Hoa với văn hóa Phật giáo Ấn Độ. Từ đó, lấp vào những khoảng trống trong học thuật, đào sâu nghiên cứu và phân tích những thông tin liên quan đến sự giao lưu văn minh nhân loại, ẩn chứa đằng sau quá trình Hán hóa của hệ tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm Ấn Độ. Với mục đích cung cấp những cơ sở lý luận, hay tư liệu quý giá cho các nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc như: tôn giáo học, lịch sử học, triết học, dân tộc học, xã hội học, tâm lý học. Từ góc độ thực tế, thiết lập một tấm gương phản chiếu lịch sử cho quá trình xã hội hóa, hiện đại hóa, giúp nắm bắt được xu hướng khảo sát, nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc trong tương lai. Đồng thời, đưa ra được những ví dụ cụ thể đáng tin cậy cho sự nghiên cứu hầu hết những nền văn hóa ngoại lai khi du nhập vào Trung Hoa và bản địa hóa. Từ đó, giúp chúng ta hiểu rõ và nắm bắt được mối quan hệ cũng như xu hướng phát triển của nền văn hóa lâu đời với nền văn hóa ngoại lai đương đại. Đẩy nhanh tiến bộ vượt bậc và phát triển không ngừng của nền văn minh Trung Hoa. Mà nhất là đẩy mạnh quá trình giao lưu, tương tác giữa các nền văn minh của nhân loại với nhau.