Sau khi viết lời tựa, gửi thêm cho tác giả một phong thư.
Lợi An!
Đối với tôi mà nói, việc viết và chỉnh sửa lời tựa là một sự vui sướng khôn tả khi nghiên cứu khoa học. “Vui” vì những ngộ tính trong lý luận của ông mà vui, “sướng” vì những thăng hoa tư tưởng trong luận văn mà sướng. Nghiên cứu học vấn chính là sơ tâm và động lực được xuất phát từ nội tâm, với niềm đam mê tri thức dành cho đề tài nghiên cứu. Học vấn vốn được bắt nguồn từ nhận thức và đam mê trong việc giải quyết vấn đề, đó mới chính là học thuật chân chính. Chỉ có tư duy về chân đế nhân sinh, chỉ có tìm hiểu, nghiên cứu những mâu thuẫn phát sinh trong xã hội nhân loại, thì học vấn mới kết nên tư tưởng sâu sắc. Trong học thuật cần phải nghiêm túc đối với công việc nghiên cứu, xây dựng nền móng vững chãi, sáng tạo bước đệm kiên định, nghĩ về những giá trị thiết thực. Còn đối với một người nghiên cứu học thuật, phải mang một tấm lòng son, lấy đạo đức làm nòng cốt, phấn đấu chăm chỉ là trọng yếu.
Những lời tâm tình trên kia được viết sau ba lần chỉnh sửa “lời tựa”, những lời muốn nói không thể dùng ngôn ngữ để khai mở tư duy. Tôi cảm thấy, những hiểu biết của ông về sự giao lưu văn minh rất chuẩn xác, đồng thời kết hợp nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm là sự lựa chọn đúng đắn. Nguồn gốc, sự truyền thừa và truyền bá đều nằm sau Luận giao lưu văn minh, Thư lộ Hồng Tung lục và Tùng Du trai nhật ký - những đoạn văn ngắn về giao lưu văn minh, những vấn đề tôi đã đi sâu vào nghiên cứu. Quyển sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm cũng vì những vấn đề này mà đưa ra những cách nghiên cứu phù hợp. Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều những nguồn tài liệu về sự giao lưu văn minh mà chúng ta có thể đào sâu nghiên cứu.
Nghiên cứu về nguồn gốc tuy là đã bị khép lại nhiều năm, nhưng tôi nghĩ rằng trong quá trình nghiên cứu, ông đã tiếp nhận được nhiều ý nghĩa thâm sâu và giá trị. Một cuộc đời khó quên của người làm nghiên cứu, đó chính là khi giới học thuật nhớ lại những giá trị đóng góp của tác phẩm mình viết nên. Tìm hiểu về vấn đề lịch sử và hiện thực thì phải tìm về nguồn cội để tìm được gốc rễ của nó, cũng từ nguồn gốc mà đi tìm quá trình phát triển của chúng. Khảo sát và nghiên cứu về ngọn nguồn, là phương pháp quay về với gốc rễ, có thể thắp sáng toàn bộ quá trình giao lưu văn minh của nhân loại, nhiều bài luận cũng ra đời từ điều này. Gần đây, khi đọc tác phẩm Tùy viên thi họa của Khương Bạch Thạch, ông dùng thơ chuyên chở những hàm ý ngoài câu thơ: “Những lời mà người đời thường dễ nói, tôi hiếm khi mà nói; những lời mà người đời không thể nói ra, tôi thường nói chúng, khi đó thơ sẽ trở nên thanh nhã”. Thế giới sử, toàn cầu sử, văn minh sử, những lời nhân loại dễ nói thì sẽ được nói nhiều, chỉ sự giao lưu văn minh nhân loại, thì người nói không nhiều và cũng không sâu. Trong lĩnh vực Nam Á Trung Đông sử, tôi đi tìm kiếm những điều xung quanh lý luận và lịch sử của giao lưu qua lại, vui với những điều như thế. Nhân loại thường cho rằng, tình cảm thầy trò là một thâm tình cao đẹp, tình cảm ấy bao hàm cả sự liên kết giữa tình cảm học vấn và cả mối lương duyên học thuật. Sức sống và năng lực của mỗi người đều có giới hạn, nhưng mối duyên tiếp nối người trước, mở lối cho người sau với tình thầy trò, có thể khiến cho sự hữu hạn của việc học trở nên sự tiếp nối lâu dài. Cung Tự Trân có câu thơ rằng: “Trăm việc không phải việc gì cũng viên mãn, bất kỳ việc gì có khuyết thiếu mới là đẹp, là lẽ thường. Hay nói buổi tịch dương dần xuống, mặt trời bắt đầu lặn, rồi từ từ khuất bóng từ dặm xa. Từ xưa đến nay trong nhân gian có ai không bị sợi tình bó buộc?” Năm nay tôi đã bảy mươi bảy tuổi, mong sống đến tám mươi. Đọc thơ của Cung tiên sinh, dâng lên niềm cảm xúc dạt dào. “Thiếu sót đáng tiếc”, kỳ thật cũng chính là một cái đẹp. Diên Nghệ Vân là một người trong thế giới điện ảnh có nói với tôi rằng, điện ảnh là nghệ thuật của sự đáng tiếc, hối lỗi, kỳ thật học thuật cũng có những điểm thiếu sót như vậy. Nhờ vào những điểm thiếu sót đó của chúng, thì sau này mới có không gian để nghiên cứu. “Muôn sự đều từ những điều khiếm khuyết mà trở nên đẹp đẽ”, cái đẹp chính là nằm trong sự khiếm khuyết ấy, là khởi điểm giúp cho những nghiên cứu của người sau vượt qua bậc tiền bối. Ánh trời chiều vô cùng đẹp, nhưng đáng tiếc hoàng hôn vội đến, tuy nhiên ráng chiều đến không nghĩa là muộn, ráng chiều đầy ắp bầu trời, cũng tạo nên nét đẹp tuyệt trần. Hiện nay, tôi cũng đang bôn ba trên những bước đường, giống như ông và những người bạn của ông độ tuổi trung niên đang cùng tôi phấn đấu trong sự nghiệp nghiên cứu. Điều này trong thơ của Cung tiên sinh: “Mang một tâm thái vẫn chưa đạt được mục tiêu” thì tôi không có, nếu như nói có sợi dây tình cảm cuốn lấy tâm tôi, thì đó chính là sự tự giác nối kết tình cảm nghiên cứu học thuật, tìm tòi giữa thầy và trò.
Người làm thơ rất chú trọng thời tiết. Thời tiết trong thơ chính là khi vịnh về núi non thì phải có hình ảnh lững lờ của mây khói, ngâm về sông nước thì phải có muôn vàn ngọn sóng nhấp nhô. Sự quyến rũ mê hồn của thi ca nằm ở điểm đó. Trong lời giới thiệu có câu “khí thế của học vấn”, tức là do đó mà có. Học vấn nếu không có cội rễ của “Chân”, không có tình lý của “Thiện”, không có trí tuệ của “Mỹ”, thì không thể trở thành học vấn, cũng không có giá trị lưu giữ và gầy dựng nên cốt lõi chân thực. Quá trình xây dựng này không chỉ nằm ở sự uyên thâm của luận tác, mà còn nằm ở tư tưởng thâm sâu. Đó chính là những lời đã nói trong phần lời tựa, “sự nhạy bén của tư tưởng” làm cho “ngọn đèn trí tuệ tư tưởng sắc bén càng thêm huy hoàng, rực rỡ”. Những lời trên đây, đều viết từ tận đáy lòng, tuy chưa nghiêm chuẩn nhưng đều là tấm chân tình, mong ông tham khảo. Hãy gọi điện cho thầy khi nhận được bức thư này, và hãy giải tỏa những áp lực lâu nay, để tâm nhẹ nhàng, yên tĩnh...
Bành Thụ Trí
Ngày 25-12-2007, viết tại Tùng Du Trai, Bắc Kinh.