Bành Thụ Trí
Trong lịch sử Phật giáo Bắc truyền, tín ngưỡng Bồ tát là một hình thái tín ngưỡng tôn giáo phổ biến nhất, ảnh hưởng sâu đậm lên truyền thống văn hóa Trung Quốc như là văn học, kiến trúc, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, thư pháp, phong tục, tập quán, luân lý, sinh hoạt, xã hội cho đến thói quen tư duy, tinh thần dân tộc v.v. Loại hình tín ngưỡng này không chỉ là di sản lịch sử mang sắc thái riêng biệt, không lẫn vào đâu, mà còn là một hiện tượng văn hóa xã hội rất thịnh hành ngày nay. Đồng thời, cũng chính là một trong những sự lựa chọn tất yếu về tín ngưỡng tôn giáo của đại đa số người dân bản địa, trong một thời gian dài ở tương lai. Vốn dĩ hình thái tín ngưỡng tôn giáo tràn đầy sức sống này không phải do Trung Quốc sáng tạo, mà là nhờ vào sự thông thương của con đường tơ lụa, qua sợi dây kết nối giữa các nền văn minh phong phú đa dạng như Trung Quốc và Trung Á, Trung Á và Ấn Độ, Trung Quốc và Ấn Độ v.v. liên tiếp trải qua hơn ngàn năm lịch sử, dần dần đưa văn hóa Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Trung Hoa. Nếu như nói rằng, sự truyền bá của văn hóa ấy là một trang sử huy hoàng xán lạn trong lịch sử giao lưu văn minh giữa Trung Quốc và các nước lân cận thời Cổ đại, thì sự du nhập của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm là một hình thái tín ngưỡng ngoại lai giàu tính thần thánh, tính đại chúng, tính phổ cập, tính chiêu cảm. Cho nên, Bồ tát Quán Âm không những là đề tài nghiên cứu có tầm quan trọng trong các lĩnh vực lịch sử, tôn giáo, triết học, văn học, nghệ thuật, tập quán v.v. Hơn nữa là trường hợp điển hình trong lĩnh vực giao lưu văn minh, đáng để chúng ta tư duy nghiêm túc và tiến hành phân tích kỹ lưỡng, để rồi đi đến kết luận toàn diện. Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm (观音信仰的渊源与传播) của giáo sư Lý Lợi An là một thành quả nghiên cứu khoa học vĩ đại trong lĩnh vực này. Quyển sách chuyên ngành này bắt đầu chính thức xuất bản, bản thân là giáo sư hướng dẫn của thầy Lý khi đang học tiến sĩ, tôi không khỏi vui mừng tán thán. Và nhân đây, tôi muốn phát biểu đôi chút về sự nghiên cứu tôn giáo và sự giao lưu văn minh, đặc biệt là những ý kiến nghiên cứu Phật giáo mang tính tín ngưỡng.
Tác phẩm này với tiêu đề là Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm. Ở đây, nguồn gốc chỉ cho cội rễ phát sinh và quá trình hình thành của vạn vật, là sức mạnh nội tại của nó trong quá trình truyền thừa, sự truyền bá chính là sự lưu chuyển thời gian và sự biến chuyển không gian. Dựa vào những quy luật cơ bản của quá trình giao lưu, tương tác qua lại giữa các nền văn minh mà nói, thì sự truyền bá và truyền thừa tuy có mối quan hệ mật thiết nhưng bên cạnh đó cũng có những nét khác biệt. Truyền thừa chính là chỉ cho mạng mạch được kế thừa, tiếp nhận, tích lũy và phát triển trong cùng một nền văn minh. Còn truyền bá chỉ cho sự gặp gỡ, hấp thu, chọn lựa và dung hòa giữa các nền văn minh với nhau. Truyền thừa là đường hướng phát triển theo chiều dọc của một loại văn minh, cùng dân tộc, đời đời tương truyền, lấy thời gian làm quỹ đạo đối với sự biến đổi của không gian và thời gian. Truyền bá tức là tiến trình lan tỏa theo chiều rộng giữa các nền văn minh khác nhau, là sự hấp thu văn hóa giữa các nền văn minh với nhau, lấy thời gian làm quỹ đạo biến thiên của thời gian với không gian trong cùng kinh tuyến. Truyền thừa là lộ trình phát triển tiếp nối trên cùng một trục của nền văn minh ấy. Truyền bá là sợi dây giao lưu giữa các nền văn minh, và là sự giao thoa giữa chiều sâu lịch sử và bề rộng không gian phát tiển, hình thành nên lịch sử xán lạn rực rỡ với tính đa dạng thống nhất đối với thời gian và địa điểm khác nhau của nền văn minh nhân loại, hệt như áo gấm trăm màu. Truyền thừa hay truyền bá đều là sợi dây mắt xích nội tại cũng như ngoại tại có tác dụng quan trọng không thể thiếu, nối kết giao lưu giữa các nền văn minh với nhau. Sợi dây mắt xích ấy nếu mỏng manh, yếu ớt thì sự giao lưu văn minh chắc chắn sẽ rời khỏi quỹ đạo hoạt động bền vững; sự phát triển văn minh sẽ yếu đi và từ từ suy giảm, thậm chí biến mất. Nếu như nói, nguồn gốc của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm chú trọng tìm kiếm quá trình lịch sử của hình thái tín ngưỡng này, thì truyền bá tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm đặt nặng việc trình bày một loạt vấn đề về truyền bá văn minh mà hai nước Ấn Độ và Trung Quốc thực hiện trong quá trình giao lưu. Ví như: quá trình du nhập, đột phá bản địa, mở rộng nội hàm, thay đổi loại hình, phát triển phổ biến.
Từ góc độ “lịch sử văn minh nhân loại”, truyền bá xâu kết rõ ràng hơn nội dung về “giao lưu”. Do vì ở tầng lớp này, thực tế của sự truyền bá tức là khái quát quá trình giao thoa giá trị văn minh giữa quần chúng với nhau, giữa cá thể với đoàn thể, giữa người này với người kia. Giao lưu xét trên tầng nghĩa triết học tức là xét từ góc độ quan hệ nhân loại giữa khách thể và chủ thể, nhưng các nhà xã hội học lại giảng nghĩa “giao lưu” theo góc nhìn từ mối quan hệ giữa con người với xã hội. Jürgen Habermas - nhà triết học đời thứ hai của học phái mang tên Frankfurt trong cuốn sách mang tên Sự giao lưu và tiến hóa xã hội (交往与社会进化), đã làm rõ vai trò sáng tạo của sự giao lưu đối với xã hội. Đồng thời dựa vào lý luận thông thường của sự giao lưu làm nền tảng, tiến hành thiết lập lại lịch sử lý luận duy vật. Trong thực tế, Marxism và Friedrich Engels sớm đã vận dụng phạm trù “giao lưu” này trong quyển Hình thái ý thức ý chí của Đức (德意志意识形态). Như “sự giao lưu thế giới”, “sự giao lưu giữa người với người”, “sự giao lưu phổ biến”, “giao lưu giữa dân tộc này với dân tộc khác”, “giao lưu giữa tinh thần với vật chất”. Hai nhà triết học này xuất phát từ quan điểm “tất cả sự xung đột, đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn giữa hình thức giao lưu với lực lượng sản xuất”, từ sự cao độ của quá trình lịch sử trở thành lịch sử thế giới, dùng “giao lưu” để trình bày rõ tính tất yếu của sự đổi thay lịch sử. Và lực lượng sản xuất này đã thúc đẩy quá trình văn minh hóa giữa tầng lớp nguyên nhân sâu xa trong từng giai đoạn thay đổi lịch sử, và quá trình thực hiện văn minh hóa tự thân của nhân loại trong sự biến thiên của lịch sử. Điều này nhà triết học Jürgen Habermas chưa lĩnh hội được. Những nhà triết học này quan sát sự tiến bộ của nhân loại, những đặc điểm của sự giao lưu văn hóa thông qua trình độ văn minh, điều này Jürgen Habermas cũng không nhìn thấy. Do đó, từ lịch sử mà nói, “giao lưu” là quá trình phát triển của lịch sử văn minh nhân loại. Từ góc độ sử học lý luận, “giao lưu” là một phạm trù triết học lịch sử, có thể gọi nó là “giao lưu lịch sử”. Nghiên cứu về văn minh sử và văn minh học ở thế kỷ trước, những tác phẩm về chúng chất đầy như núi, người nghiên cứu thì sáng chói như những vì sao, xa như nhà triết học người Đức Spengler, nhà triết học Anh Arnold Joseph Toynbee, nhà triết học Pháp Fernand Braudel, nhà triết học Mỹ Samuel P. Huntington, những giá trị đóng góp của họ không hề nhỏ. Những nhà triết học này lúc thì luận về sự suy yếu của nền văn minh, khi thì nói đến sự phân loại của nền văn minh, hoặc các giai đoạn văn minh, hoặc là sự xung đột văn minh. Trái lại, liên quan đến vấn đề giao lưu văn minh, đáng tiếc là chưa khái quát rõ ràng được phần lý luận về sự tương quan mật thiết giữa văn minh với giao lưu. Tôi lấy văn minh và giao lưu làm thành một chính thể lý luận, để nắm rõ sự phát triển xã hội nhân loại và lịch sử thế giới, có thể gọi là “luận về sự giao lưu văn minh” hay “quan điểm về giao lưu văn minh”. Gọi là “luận về sự giao lưu văn minh”, chính là dựa trên chủ nghĩa duy vật lịch sử và tiền đề của các hoạt động hiện thực của con người. Đối với sự tồn tại khác nhau giữa chủ thể thực tiễn của Lịch đại (Diachronique) và Đồng đại (Synchronicity), mục đích để nhận thức và thay đổi nhận thức về môi trường sống và thay đổi thế giới. Từ đó, nhận biết hệ thống hoạt động thực tiễn như là cùng nhau phát hiện, nhận biết, kết nối, hiểu rõ, hạn chế, ảnh hưởng, thâm nhập, chọn lựa, cải tạo v.v. Những khái niệm này đều thuộc về phạm trù triết học sử.
Giao lưu văn minh, là bước kế tiếp sau khi con người bước vào ngưỡng cửa văn minh. Cho đến ngày nay, và tương lai vẫn còn tiếp tục phát triển với những hoạt động thực tiễn cơ bản này. Và những hoạt động này do hàng loạt thuộc tính tổng thể hữu cơ tạo thành. Trong đó, có những loại thuộc tính tương đối quan trọng như sau: Một là tính thực tiễn, đây là bản chất thuộc tính của giao lưu văn minh. Những hoạt động thực tiễn cơ bản của sự tồn tại và phát triển của nhân loại là sản xuất thực tiễn và giao lưu thực tiễn. Thực tế của việc xuất hiện tinh thần văn minh và vật chất văn minh của nhân loại tóm lại cũng dựa vào thực tiễn giao lưu xã hội văn minh. Con người trong quá trình giao lưu văn minh đã không ngừng hạn chế tính động vật ngang tàn bạo ngược của mình, và không ngừng nuôi dưỡng bồi đắp tính văn minh. Hai là tính tương tác. Do vì giao lưu văn minh là một loạt hoạt động kết nối tự nhiên với nhau giữa con người với con người, giữa con người và thiên nhiên, là một loại động thái tích cực, có qua có lại, hỗ tương lẫn nhau, cùng nhau phát triển trên nhiều phương diện. Đồng thời là hình thái giao tiếp phức tạp, như xung đột và va chạm lẫn nhau, dung hòa, thẩm thấu cùng nhau. Như vậy, giao lưu văn minh lại là một khái niệm có tác dụng hỗ tương lẫn nhau. Ba, tính khai phóng. Một loại hình văn minh có sức sống sinh động. Tóm lại, mở toang cánh cửa, đón nhận tất cả nền văn minh khác, và ở bảy mốc đo lường sự thâm nhập văn hóa của giao lưu, đẩy mạnh việc hấp thu và tiêu hóa những thành phần văn minh ngoại lai để đáp ứng những nhu cầu phát triển bản thân. Sợi dây chuẩn xác để tiếp nhận nguồn văn hóa là đối với truyền thống văn hóa Trung Quốc tiến hành chọn lựa, vứt bỏ, chuyển hóa một cách sáng tạo, khéo léo, và có tính tự giác thăng hoa lý trí, tình cảm ưu ái khi tiếp nhận văn minh ngoại lai. Sự tiếp nhận và dung hòa văn hóa này phải đến từ hai hướng, cho đến nhiều hướng, nhưng nguyên tắc cơ bản của chúng vẫn là chuyển hóa những nền văn hóa ngoại lai, chứ không phải bị những nền văn hóa này chuyển hóa. Tức là vẫn giữ gìn những chuẩn mực căn bản của văn hóa bản địa, đón nhận những thành quả xuất sắc của văn minh nhân loại, làm cho chúng trở thành một bộ phận cấu thành văn minh của chính quốc gia ấy, mà sự sáng tạo này xuất hiện từ nền văn minh mới với nét đặc sắc mang tính dân tộc. Vả lại, chỉ có giữ gìn tính tự giác, tính phóng khoáng tích cực thì văn minh mới phát triển được. Có thể thấy, sự giao lưu văn minh là một loại hình văn hóa phát triển phóng khoáng cùng với thời đại. Bốn là tính đa dạng. Giao lưu văn minh với tư cách là hoạt động thực tiễn xã hội nhân loại, phản ánh những rối ren, phức tạp của đời sống hiện thực. Do vì những vòng quay biến chuyển của chúng đã phơi bày tính phức tạp và tính chất thay đổi liên tục. Dựa trên hình thái diễn tiến, bao hàm cả sự tồn tại giữa hai tính năng phổ biến và tính đặc thù, trên hình thức liên hệ thể hiện sự đa dạng về loại hình và sự phong phú về phương cách giao lưu. Giữa những nền văn minh với tự thân của chúng, đều trải qua những con đường giao lưu văn minh khác nhau, chứa đựng những bối cảnh phát triển của lịch sử, quan niệm giá trị và chế độ xã hội khác nhau, kế thừa những tư tưởng văn hóa và phương thức sinh hoạt không giống nhau. Tính đa dạng của giao lưu văn minh và tính đa dạng của văn minh giống nhau, là thế giới tràn đầy sức sống sinh động, là nguyên nhân, động lực dẫn đến cạnh tranh và sáng tạo. Cho nên, sự giao lưu văn minh tức là một cách nhìn đa nguyên mang nhiều màu sắc. Năm là tính di chuyển. Ở đây chỉ cho sự thay đổi di chuyển không gian của toàn thể nhân loại trong quá trình giao lưu văn minh. Nó thể hiện cách nhìn, thông qua sự khác nhau giữa thời gian với không gian. Đối với thành quả nghiên cứu khoa học của giáo sư Lý Lợi An, độc giả nếu đọc kỹ sẽ phát hiện được tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm là một loại hình văn hóa tôn giáo, xuất hiện và kế thừa từ Ấn Độ, nhưng du nhập và phát triển tại Trung Hoa. Bên cạnh đó, đã thể hiện rõ những thuộc tính căn bản của sự giao lưu văn minh giữa hai nền văn hóa lớn với nhau.
Tôn giáo bao gồm những loại hình văn hóa dân tộc, là tinh thần nội tại và giá trị những gen văn hóa chủ yếu, thể hiện mức độ khác nhau của tinh thần tôn giáo văn hóa dân tộc. Đồng thời, những hình thức biểu hiện cụ thể của tôn giáo này lại được đặt song song với hình thức biểu hiện của các loại hình văn hóa khác, từ đó trở thành một bộ phận của chính nền văn hóa ấy. Đặc biệt ở Trung Quốc, tôn giáo đã dùng nhân tố hình thái văn hóa tâm linh để cảm hóa quan niệm của người dân. Tôn giáo và văn hóa có mối quan hệ gần gũi, mật thiết, khiến nó trở thành một trong những phương tiện truyền đạt quan trọng, cũng là yếu tố căn bản trong quá trình giao lưu giữa các nước có cùng một nền văn minh hoặc khác nhau. Cho nên, tôn giáo đảm trách nhiệm vụ kết nối văn hóa, trải nghiệm giao lưu giữa những tầng lớp xã hội, quốc gia, chủng tộc cũng như sắc tộc. Phật giáo ra đời từ lưu vực sông Hằng thuộc Ấn Độ cổ đại, sau đó không ngừng lan rộng đến các nước xung quanh. Từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của vua A Dục thuộc vương triều Khổng Tước, Phật giáo bắt đầu mở rộng truyền sang những nước Nam Á, Đông Nam Á và kể cả Trung Hoa ngày nay. Trong đó, hệ Phật giáo Thượng Toạ bộ đi về hướng phía Nam, lấy tiếng Pāli làm phương tiện truyền pháp, hình thành nên Phật giáo Nam truyền kéo dài đến ngày nay. Hệ Phật giáo Đại thừa truyền lên hướng Bắc, đi qua các nước Trung Á và sau đó du nhập vào Trung Hoa, dùng tiếng Phạn để làm phương tiện truyền tải kinh điển. Sau khi đi vào Hoa Hạ thì chủ yếu dùng tiếng Hán làm phương tiện diễn đạt, dần hình thành nên hệ Phật giáo Hán truyền. Hệ Mật tông của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn truyền đến Tây Tạng, lấy tiếng Phạn làm phương tiện truyền đạt, tạo nên Phật giáo Tạng truyền. Đạo Phật có tầm ảnh hưởng sâu sắc đối với quá trình giao lưu văn minh trên toàn cầu, đặc biệt là văn hóa Trung Quốc, trong quá khứ đã từng nhận những ân huệ sâu sắc từ Phật giáo Ấn Độ. Ngược lại, Phật giáo cũng do nhờ truyền vào Trung Quốc nên đã phát triển rộng lớn và lâu dài. Từ thời Tùy Đường đến nay, sự dung hòa giữa Phật giáo với truyền thống văn hóa bản địa đã tạo thành nhiều tông phái bản địa khác nhau, tạo nên sự phát triển tiến bộ nhiều mặt trong hoạt động giao lưu giữa hai nền văn minh lớn của nhân loại là Ấn Độ và Trung Hoa. Đồng thời tiến thêm một bước nữa, truyền đến các nước như: bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản, và Việt Nam, góp phần viết nên một bản trường ca lịch sử giao lưu văn minh nhân loại, có quy mô lớn và ảnh hưởng sâu rộng.
Với vai trò là một trong những nốt nhạc chính trong bản trường ca, quá trình tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm từ Ấn Độ truyền vào Trung Hoa không những chứa đựng nhiều nét đặc thù về sự giao lưu văn minh, mà còn dựa vào những đặc tính hòa bình, tiến dần, bổ sung, phổ cập và thẩm thấu của loại hình này. Khiến nó trở thành một kiểu mẫu điển hình trong lịch sử giao lưu văn minh nhân loại. Đồng thời, nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm còn liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành học như: lịch sử học, tôn giáo học, triết học, tâm lý học, địa lý học, dân tộc học, xã hội học, tập quán học v.v. Điều này thể hiện rõ tính học thuật và tính thực tiễn một cách mạnh mẽ. Xét từ lịch sử học thuật đương đại cuối thế kỷ trước, điểm mấu chốt quan trọng trong nghiên cứu tôn giáo ở Trung Quốc là lấy tôn giáo làm thành một hiện tượng văn hóa để nghiên cứu. Điều này không những giải phóng tư tưởng, mà còn nhận thức sâu sắc sự tồn tại tính linh tôn giáo và đặc tính tư duy trong tôn giáo, tăng cường tính tự giác trong học thuật. Tôi cho rằng, ngày nay khi nghiên cứu, trước tiên cần phải đi từ cấp độ văn hóa, sau đó bước lên cấp độ văn minh, đặc biệt là đi vào giai đoạn giao lưu văn minh. Dùng quan điểm về giao lưu văn minh nhân loại để nắm bắt được sự nghiên cứu tôn giáo. Từ phương diện nghiên cứu Phật giáo, lấy tính đột phá đặt trong quá trình nghiên cứu tín ngưỡng của Phật Giáo, nhằm tìm được sự đồng thuận chung từ nhiều nhà nghiên cứu. Đối với sự nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm, đặc biệt là dựa vào những mắt xích của giao lưu văn minh như nguồn gốc, sự truyền thừa và truyền bá v.v. để làm điểm xuất phát. Từ đó tiến hành nghiên cứu vi mô và phân tích riêng biệt, điều này là vô cùng cần thiết. Cũng chính vì thế, trong suốt quá trình hướng dẫn giáo sư Lý Lợi An học tiến sĩ, tôi không những luôn ủng hộ và cổ vũ ông nghiên cứu về giáo lý đạo Phật, mà còn đề nghị giáo sư nên nghiên cứu về tín ngưỡng Bồ tát, đào sâu nghiên cứu chuyên môn tỉ mỉ, để góp phần lấp vào những khoảng trống trong học thuật nước nhà. Thêm vào đó là phân tích và trình bày rõ những mối quan hệ, nhiều yếu tố, những đặc tính liên quan đến sự giao thoa văn hóa Phật giáo giữa hai nước Trung Ấn. Cuối cùng là tổng kết một số nhận thức về tính quy luật. Nếu nói về tinh thần nghiên cứu học thuật thì sự chuyên cần, nghiêm túc, cầu thực, sáng tạo của giáo sư Lý Lợi An trong thời gian học đã giúp ông hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ, khiến tôi vô cùng hài lòng. Sau đó, giáo sư Lý Lợi An chỉnh sửa lại sao cho phù hợp và sắp xếp hài hòa với nhau, hình thành một tác phẩm nghiên cứu hoàn chỉnh như hiện tại. Trong quyển sách này, ông ấy đã giữ nguyên vẹn được tính khoa học và tính khách quan trong công tác nghiên cứu học thuật, từ đó thấy được lòng nhiệt huyết, tinh thần tôn trọng văn hóa Phật giáo của tác giả. Ông đã đi tìm nguồn gốc lịch sử của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm, trình bày hệ thống và đặc trưng căn bản của loại hình tín ngưỡng này. Tôi cho rằng, đây là sự đột phá trong việc nghiên cứu tín ngưỡng Phật giáo. Ông ấy không những đã hoàn thành xuất sắc công tác nghiên cứu khoa học hết sức khó khăn và vất vả, từ đó lấp vào chỗ trống của học thuật. Hơn nữa, thể hiện rõ cá tính khoa học của bản thân, xây dựng được thương hiệu uy tín cá nhân trong lĩnh vực nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát.
Quyển sách này của giáo sư Lý Lợi An không những có tính chuyên môn cao, mà logic thông suốt, kết cấu chi tiết rõ ràng, văn phong mạch lạc, là một kiệt phẩm cần nên đọc. Điều này làm tôi nhớ đến cái mà tôi luôn theo đuổi, đó là một cảnh giới tối cao hoàn mỹ của học thuật. Đa số mọi người đều thừa nhận, điều quý giá của việc nghiên cứu học thuật nằm ở chỗ xem trọng nguyên tắc. Nghĩa là cần phải dẫn dắt ý thức về vấn đề và sự biểu đạt ngôn ngữ bằng tiếng Trung, mà sự sáng tạo trong học thuật, vấn đề ý thức và ngôn ngữ tiếng Trung đều không thể rời xa sự truy tìm cái đẹp. Đối với học thuật mà nói, sự tự giác, tính chuyên môn, thành quả mới, đầy ắp những không gian lý tính với thi ca, độc lập và trí tuệ ngộ tính của cái đẹp. Ý thức thẩm mỹ trong nghiên cứu học thuật là năng lượng trí tuệ quý giá nhất của nhân loại. Đây chính là sức mạnh sâu rộng và lâu dài, luôn siêu việt hơn sức mạnh của chính trị, kinh tế và luân lý. Con người và động vật đều có sự sống, bản thân đều phải sinh sôi và giao lưu. Nhưng con người biết cách làm cho sự sống của mình hiện hữu trong quá trình phát triển và giao lưu trong thực tế, trở thành đối tượng của ý thức và ý chí của bản thân. Karl Heinrich Marx trong Ghi chép về triết học kinh tế năm 1844 đã chỉ rõ, hoạt động sống có ý thức làm cho sự sống của con người và động vật khác biệt. Đồng thời, phân tích những điều khác nhau giữa sự sinh sản của con người và động vật. Đặc biệt đề xuất việc “con người cũng dựa vào quy luật hoàn mỹ để kiến tạo”, “cải tạo” và “sáng tạo” nên thế giới. Nghiên cứu khoa học là tư duy của nhân loại thuộc về hoạt động đối với những quy luật vừa nêu. Quy luật hoàn mỹ là quy luật thuộc cảnh giới cao nhất của nó. Việc đầu tiên của nghiên cứu khoa học là đi tìm sự chân thật, tuy trong cái đẹp đã hàm chứa ý nghĩa chân thật nhưng lại nằm ở tầng thứ cao hơn chân thật. Trong nghiên cứu khoa học cũng cần phải có cái đẹp, nhưng cảnh giới đằng sau cái đẹp ấy vẫn là sự hoàn mỹ. Cho nên, ý thức thẩm mỹ là tầng lớp cao nhất của sở thích khoa học và ý thức đạo đức. Chân, thiện, mỹ thống nhất về mặt ý nghĩ, giống như sự thuyết pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và sự cứu khổ của Bồ tát Quán Thế Âm được lưu truyền rộng khắp mọi nơi. Trang nghiêm huy hoàng, thanh khiết chuẩn mực, không chủ động chinh phục người nhưng người tự quy phục; thuận theo đạo lý tự nhiên chứ không dụ dỗ lừa bịp. Tôi cầu chân hướng thiện, nhưng hơn hết tôi yêu cái đẹp. Cho nên trong quá trình nghiên cứu khoa học, tôi luôn hết mình hoàn thiện tác phẩm của mình một cách hoàn mỹ, thật hoàn mỹ, và hoàn mỹ hơn thế nữa. Đặt tâm vào từng câu chữ, để văn phong mạch lạc, ngôn từ vừa lưu loát lại nho nhã. Đồng thời với việc giữ gìn tính độc lập mạnh mẽ của nguyên tác, nhằm để ánh sáng trí huệ hiển bày tư tưởng ngày càng lấp lánh. Đây là cảnh giới tối cao, hiện thân tuy chưa thể đạt đến được, nhưng tâm luôn hướng về nó, và phấn đấu thực hành điều ấy. “Đường đi dưới chân vừa hẹp lại vừa dài thăm thẳm, tôi cần phải nỗ lực mỗi ngày để tìm thấy được ánh mặt trời trong tim”. Mượn những lời này của cố thi sĩ Khuất Nguyên chia sẻ với Lợi An, hy vọng sẽ thấy nhiều hơn nữa những tác phẩm nghiên cứu giá trị của ông.
Tùng Du Trai, ngày 26 tháng 12 năm 2007.