Hoàng Tâm Xuyên
Phật giáo truyền vào mảnh đất Trung Hoa với bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm, vì vậy có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến hầu hết đời sống tâm linh của người dân bản địa. Trong đó, tín ngưỡng Bồ tát là một trong những tín ngưỡng sau khi đón nhận nền văn minh Phật giáo Ấn Độ, họ đã chắt lọc những tinh hoa ấy và chuyển hóa thành một nền tín ngưỡng mang phong thái đặc sắc riêng, từ đó trở thành chỗ dựa tâm linh vững chắc cho thiện nam tín nữ gần xa, nhất là đáp ứng mọi tâm tư nguyện vọng của họ. Tín ngưỡng này là cội nguồn quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, đồng thời góp phần kiến tạo nên nền tảng tinh thần cũng như để lại biết bao dấu ấn lịch sử tác động sâu xa lên nền văn hóa bản địa.
Ở Trung Quốc, tín ngưỡng Bồ tát hiện diện khắp nơi, được biết đến với bốn vị Bồ tát tiêu biểu, đó là Quán Âm, Địa Tạng, Phổ Hiền và Văn Thù. Nếu như nói về mức độ phủ sóng thì tín ngưỡng Quán Âm là số một. Bởi vì thực tế chứng minh số lượng tu theo tín ngưỡng Quán Âm đông nhất, pháp môn hành trì phổ biến nhất, câu chuyện cảm ứng lưu truyền trong dân gian nhiều nhất. Những danh sơn, danh lam đạo tràng ăn theo tín ngưỡng này nhiều vô số kể. Kinh chú nói về Quán Âm như Phổ môn phẩm, Bát nhã tâm kinh, Đại bi chú, Lục tự đại minh chân ngôn v.v. lưu truyền rộng khắp, tôn tượng Bồ tát Quán Âm được thờ với số lượng áp đảo. Mãi cho đến tận ngày nay, đối với đời sống tâm linh của người Phật tử mà nói, Quán Âm chính là vị Bồ tát được dân chúng khắc ghi tôn thờ và cầu nguyện lễ bái nhiều nhất.
Bồ tát, gọi đủ là “Bồ đề Tát đỏa”, với âm tiếng Phạn là Bodhisattva, ý chỉ những vị tu hạnh Bồ tát có tâm Bồ đề rộng lớn luôn muốn thành tựu lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Dịch nghĩa là “Đạo chúng sinh”, “Giác hữu tình”, “Đại giác hữu tình”, “Đạo tâm chúng sinh” v.v. Trước khi Phật giáo truyền vào, Trung Hoa vẫn chưa có tín ngưỡng Bồ tát. Sau khi có sự hiện diện của đạo Phật, thì người dân mới tiếp xúc được tín ngưỡng Bồ tát, từ đó lan tỏa, lưu truyền và phát triển khắp nơi trên vùng đất Hoa Hạ. Câu hỏi đặt ra là tại sao tín ngưỡng Bồ tát khi truyền vào Trung Quốc liền được phần đông tín chúng tiếp nhận. Vì tín ngưỡng này đã góp phần phong phú thêm nền văn minh Trung Hoa. Nghĩa là văn hóa truyền thống Trung Quốc vốn nhấn mạnh lễ nghi, phần nhiều dựa vào tư tưởng luân lý để thiết lập quy tắc ứng xử cho người dân. Như trong sách Chu lễ nói rằng: “Có sáu điều giúp vua trị nước. Một là trị điển: quản trị, điều hành đất nước, quản lý quan lại và tạo phép tắc kỷ cương cho muôn dân. Hai là giáo điển: đào tạo quan lại, thuần dưỡng lòng dân. Ba là lễ điển: lập nên hòa bình các nước, thống lý trăm quan, hòa hợp vạn dân. Bốn là chính điển: giúp xây dựng hòa bình giữa các nước, quản lý trăm quan, bình đẳng muôn dân. Năm là hình điển: xây dựng đất nước tốt đẹp, răn đe các quan, sửa ngay trăm họ. Sáu là sự điển: để làm giàu đất nước, phát lương bổng cho quan lại, nuôi sống con dân”. Trong Luận ngữ cũng dạy: “Không nhìn vật phi lễ, không nghe lời phi lễ, không nói lời phi lễ, không làm việc phi lễ”. Do đó có thể thấy rằng, văn hóa truyền thống Trung Hoa không chú trọng phát huy tính năng động chủ quan từ nội tâm của mỗi cá nhân, phần nhiều là muốn con người dựa vào những quy tắc lễ nghi đã định sẵn, hạn chế những hành vi tự thân. Trái lại, tín ngưỡng Bồ tát để con người tự do vận dụng những hiểu biết từ nội tâm, nhằm thúc liễm hành vi và tư tưởng bản thân. Đặc biệt hơn, trong xã hội phong kiến nghiêm khắc về chế độ giai cấp, hình tượng Bồ tát từ bi, bình đẳng và gần gũi đã trở thành tấm gương sáng để mỗi người noi theo. Những nguyện lực và sự giúp đỡ của Bồ tát gần gũi với những việc làm và mục đích đời sống sinh hoạt thường ngày của quần chúng. Con người dễ dàng nhìn thấy, hiểu rõ uy thần và thệ nguyện của Ngài. Hơn nữa, chỉ cần mỗi người nương theo phương thức sinh hoạt của Bồ tát để thực hành, thì cũng có thể trở thành một vị Bồ tát, thậm chí có thể đạt được giải thoát tối thượng. Đối với dân chúng bình thường, điều này mang đến nhiều lợi ích như vậy hà cớ gì không thực hiện? Cho nên, sau khi tín ngưỡng Bồ tát truyền vào Trung Quốc, liền nhận được sự hoan nghênh, tiếp nhận của quần chúng. Tất cả những điều đã trình bày phía trên, chỉ là cách hiểu còn nông cạn, sơ sài của cá nhân tôi.
Tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm nhận được niềm tin và sự kính ngưỡng của nhiều nhân sĩ vùng Trung thổ, đồng thời được lan tỏa rộng lớn, hầu như bao phủ tất cả quần chúng Trung Quốc, theo tôi cảm thấy ngoài nguyên nhân uy lực và hạnh nguyện của Quán Âm, với lòng đại từ, đại bi rộng lớn của Ngài ra, còn liên quan đến một điểm quan trọng là công năng và năng lực của Ngài. Tư tưởng cứu khổ, cứu nạn trong truyền thống Trung Quốc xuất hiện từ thuở khai thiên lập địa. Tất cả những khổ nạn con người đều do ông trời khiển trách. Những khó khăn, khổ sở của gia đình là do những việc làm từ người đời trước tạo nên, kẻ đời sau phải gánh vác nhân quả của các bậc tiền bối. Khác với quan điểm như trên, Phật giáo Trung Quốc xác nhận vai trò của Bồ tát Quán Thế Âm là nghe tiếng kêu liền cứu khổ, khi chúng sinh gặp những khổ nạn, niệm danh hiệu Quán Thế Âm, Ngài liền đến ngay trước mặt, giúp người đó tiêu trừ khổ nạn. Cho nên, Bồ tát Quán Thế Âm không có chỗ nào là không hiển hiện, không có lúc nào là không có mặt. Bất kể thời đại nào, bất kể xã hội nào, con người đều sẽ gặp phải nhiều điều không như ý, dựa theo giáo lý nhà Phật, khổ đi theo đời người từ đầu đến cuối cuộc đời. Tuy nhiên, đã có cái khổ, tất có giải thoát, khổ nạn và giải thoát là một cặp phạm trù làm bạn với đời sống nhân sinh. Tâm nguyện từ bi cứu nạn của Bồ tát Quán Âm có thể đáp ứng được những mong ước của con người. Do đó, Quán Âm được nhiều tín chúng đặt niềm tin và xây dựng lên nhiều đạo tràng thờ phụng nhất.
Tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm bắt nguồn từ Ấn Độ, có bề dày lịch sử lâu dài và nguồn gốc xã hội sâu xa, nhưng sự ảnh hưởng ấy lại không bằng ở Trung Quốc. Có rất nhiều kinh nói về Bồ tát Quán Âm trong Phật giáo Ấn Độ và Bà la môn giáo, nhưng kinh điển trong Phật giáo Trung Quốc với số lượng kinh và chú chuyên về Quán Âm được lưu truyền lại chiếm số lượng áp đảo hơn, và có sắc thái riêng biệt, ví dụ như những mẩu truyện truyền thuyết dân gian nói về Bồ tát Quán Âm và có một lượng lớn tác phẩm văn học lấy hình tượng của Ngài làm đề tài. Tôi cho rằng, tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm vốn dĩ thuộc về hiện tượng bình dân trong tín ngưỡng Phật giáo, do vì sự bao phủ của nó rộng lớn. Sự sùng bái của mỗi tầng lớp tín đồ Phật giáo đối với Bồ tát Quán Thế Âm, có thể thấy rõ việc kiến lập đạo tràng Bồ tát Quán Thế Âm của họ ở Phổ Đà Sơn. Phổ Đà Sơn là một trong bốn đại danh sơn của Phật giáo Trung Quốc. Phàm là tín chúng đến đây, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn bé hay tông phái đều mong muốn lễ bái Bồ tát Quán Âm. Vì thế, Phổ Đà Sơn cũng không thuộc bất kỳ một tông phái Phật giáo nào, và trở thành một địa điểm thu hút tín chúng Phật giáo các tông phái, trên là bậc quyền uy, thứ đến trăm dân đều đến lễ bái Ngài. Bởi vì, tín chúng của bất kỳ tông phái nào cũng tôn thờ hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Cho nên, hình ảnh Ngài xuất hiện hầu hết trong tác phẩm kinh điển của các tông phái Phật giáo khác nhau và đều nhận được sự kiền thành tiếp thụ. Bồ tát Quán Thế Âm trở thành vị thần bản môn, nên rất được tôn kính và nâng cao giá trị nhiều hơn. Một vị Đại Bồ tát có sức ảnh hưởng đến như vậy, nhưng tiếc là hiện nay trong học thuật, chưa có nhiều tác phẩm nghiên cứu. Trước mắt có thể thấy được, chủ yếu là sách chỉnh lý và giới thiệu về tài liệu lịch sử, những nghiên cứu đơn lẻ liên quan đến nhiều phương diện tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm, nhưng đều thiếu đi tính hệ thống và tính hoàn chỉnh. Đặc biệt là xét ở góc độ nghiên cứu của toàn thể giới học thuật đối với phương diện nguồn gốc, sự thay đổi và phát triển của loại hình tín ngưỡng này để tiến hành phân tích tính bản địa hóa, đồng thời đi truy tìm nguồn gốc lịch sử của tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm còn rất ít. Trên phương diện nghiên cứu lịch sử và tôn giáo, nhất là Phật giáo, Lý Lợi An là một vị giáo sư vô cùng xuất sắc. Tôi còn nhớ, mười mấy năm trước, giáo sư từng nói với tôi, ông muốn nghiên cứu về tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm. Khi đó tôi nghĩ rằng, đây là một đề tài nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng, vì thế khuyến khích ông nhanh chóng bắt tay vào thực hiện, tranh thủ bổ sung vào khoảng trống của học thuật. Sau đó, giáo sư Lý tiếp tục viết mười mấy bài tiểu luận nghiên cứu Bồ tát Quán Thế Âm, và xuất bản một quyển sách tuy còn mang tính phổ thông. Năm ngoái, tôi đọc trong quyển sách vừa mới xuất bản mang tên Niên giám nghiên cứu tôn giáo Trung Quốc (中国宗 教研究年鉴), trong đó có thấy một bài viết với đề tài Phân tích hiện trạng nghiên cứu tín ngưỡng Quán Âm (观音信仰研究现状 述析) do giáo sư Lý viết. Trong đó, ông đã giới thiệu rất tỉ mỉ về lịch sử nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Đại Lục, Hồng Kông, Đài Loan và trên khắp thế giới. Đặc biệt, đã giới thiệu lịch sử và hiện trạng nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm của giới học thuật phương Tây, đóng góp những thông tin dữ liệu mới mẻ cho giới học thuật Trung Quốc. Điều này thấy được sự hiểu biết tinh thông của ông đối với công trình nghiên cứu tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm. Cho đến nay, công trình nghiên cứu này đã có những thành quả viên mãn, xem như hoàn thành một tâm nguyện.
Giáo sư Lý Lợi An là nghiên cứu sinh của thầy Cao Dương, trường Đại học Tây Bắc. Thầy Cao Dương là bạn học cũ của tôi, đáng tiếc một điều thầy Cao vội ra đi khi chí lớn chưa thành, để lại muôn vàn nuối tiếc. Khi còn là học trò của thầy Cao Dương, giáo sư Lý nghiên cứu về lịch sử thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa, luận văn thạc sĩ nghiên cứu về Kim cương kinh. Ông từng khảo sát chi tiết và rõ ràng sự ra đời, quá trình lưu truyền của Kim cương kinh ở Ấn Độ, đi sâu phân tích tư tưởng căn bản của bộ kinh này. Trong truyền thuyết dân gian, Kim cương kinh và tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cho nên xét từ nguyên lý khoa học, nghiên cứu về Bồ tát Quán Âm và tư tưởng Bát nhã trong thời kỳ đầu là một sự nối tiếp không ngừng của giáo sư Lý Lợi An. Sau này, khi theo học tiến sĩ với thầy Bành Thụ Trí, ông chuyên tâm nghiên cứu Bồ tát Quán Âm, có lẽ cũng chính là một mối duyên lành. Tôi và Thụ Trí đều nghiên cứu lịch sử và văn hóa Ấn Độ, nên cũng là đồng sự cùng chuyên môn, hiểu rõ về nhau. Còn nhớ vào năm 1994, lúc đó Thụ Trí mời tôi chủ trì buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của những học trò của ông, khi đó Lý Lợi An vừa từ cơ quan chính phủ trở lại trường nghiên cứu lĩnh vực này không lâu. Sau đó, dưới sự chỉ dạy của giáo sư Thụ Trí, ông nghiên cứu về sự hình thành, thay đổi, phát triển của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm ở Ấn Độ trong thời cổ đại và sự truyền bá của loại hình tín ngưỡng này vào Trung Quốc. Dựa vào nền tảng căn bản của luận văn tiến sĩ, ông đã có những chỉnh sửa và hoàn thiện hơn, cho ra đời một tác phẩm chuyên nghiên cứu về Bồ tát Quán Âm.
Đặc điểm nổi bật của quyển sách này chính là đưa tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm vào trong một hệ thống tín ngưỡng. Hơn nữa, thông qua việc phân tích kinh điển và sử liệu, ông đã tiến hành khảo sát sự xuất hiện, phát triển và những thay đổi của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm tại Ấn Độ. Bên cạnh đó là quá trình lịch sử du nhập vào Trung Quốc, chỉ rõ những đặc trưng, loại hình, kết cấu nội tại của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm, cho đến sự thay đổi và biến hóa của tín ngưỡng này ở đất Trung thổ. Sau cùng là tổng kết lại những tính chất cơ bản của tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm cũng như tính phổ biến, tính thẩm thấu, tính dung hòa, tính giản dị, tính điều hòa, tính thích hợp, và tính thế tục. Có nhiều vấn đề trước đây chưa được phát hiện, ông tiến hành triển khai và đi sâu phân tích những chi tiết ấy để nghiệm thu những phát hiện mới. Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm tài liệu cũng bỏ không ít công phu, đã dẫn chứng được khá nhiều tác phẩm học thuật trong ngoài nước. Điều này chứng tỏ tác giả làm việc rất nghiêm túc, kinh qua vô vàn khó khăn, vì vậy trước tác chuyên ngành với giá trị học thuật cao đã thoát thai hình thành, từ đó bù lấp vào khoảng trống học thuật nước nhà, thật là đáng trân trọng và vui mừng.
Với tập sách mang tên Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm(观音信仰的渊源与传播) của giáo sư Lý được nhà xuất bản Văn hóa Tôn giáo chính thức xuất bản, đây là một điều vô cùng tốt. Mười năm đèn sách, chuyên tâm mài dũa thanh kiếm học thuật sắc bén, nay đã đến thời thu hoạch. Tôi cho rằng, quyển sách này sẽ giúp ích cho giới học thuật, giải đáp những thắc mắc, nghi ngờ chưa có lời đáp, giá trị học thuật của nó đặc biệt nổi trội. Hy vọng rằng, giáo sư Lý sau này không ngừng cố gắng, tiến bước trên đỉnh cao học thuật, cho ra đời những trước tác học thuật càng ngày càng xuất sắc.
Ngày 8 tháng 10 năm 2007, viết tại phòng ở gia viên họ Phan.