Tinh thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra.
Rằng trong cõi nước Việt ta,
Biển Nam có Đức Phật Bà Quán Âm.
Quán Thế Âm là vị Bồ tát vô cùng gần gũi đối với mỗi người con Phật, nhất là ở hệ Phật giáo Bắc truyền thì Bồ tát Quán Thế Âm lại càng có một vị trí quan trọng hơn. Vì vậy, trong dân gian đã từng lưu truyền những dòng thơ mộc mạc như sau:
Tinh thông nghìn mắt nghìn tay,
Cũng trong một điểm linh đài hóa ra.
Rằng trong cõi nước Việt ta,
Biển Nam có Đức Phật Bà Quán Âm.
Ở Việt Nam, hình ảnh Bồ tát Quán Âm hầu như xuất hiện khắp nơi trong các tự viện cho tới các gia đình Phật tử. Đối với những người con Phật, Bồ tát Quán Âm như là linh hồn, là hơi thở, là bến đỗ bình yên, và là điểm tựa tâm linh cho thế nhân vượt qua những tháng ngày giông bão.
Chúng tôi còn nhớ, trong những năm tháng cầu học xứ người với muôn vàn vất vả, những lúc tâm trạng nhớ về quê nhà hay chưa tìm ra đề tài nghiên cứu, chúng tôi lại trở về bên Ngài thủ thỉ đôi điều. Và rồi, như một phép màu, niềm vui trở lại, tinh thần phấn chấn. Chính lúc này, Bồ tát Quán Âm là chỗ dựa tâm linh vững chãi nhất, giúp chúng tôi có thêm nghị lực mà kiên trì bước tiếp vượt qua mọi chông gai trên con đường học vấn. Có lẽ vì đặt trọn niềm tin kính vào lòng từ bi vô ngã của Quán Âm Đại sĩ mà có được những nhân duyên tốt đẹp, giúp chúng tôi thấy được sự hiện diện của Ngài trên những con đường đã đi qua và sắp bước tới.
Nhân duyên phúc lành khi không tìm mà gặp, không ước mà thành, những năm tháng du học chúng tôi gặp được vị giáo sư hướng dẫn là thầy Lý Lợi An, và cũng là tác giả của quyển sách này. Trong giới học thuật Trung Quốc, thầy Lý nổi tiếng với những tác phẩm nghiên cứu về hình tượng Bồ tát Quán Âm và những vấn đề liên quan đến lịch sử Phật giáo Hán truyền.
Quyển sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm được viết dưới góc độ nghiên cứu Sử học, bao gồm mười chương, nội dung chủ yếu nói về lai lịch xuất thân và công hạnh cứu độ chúng sinh của Ngài qua các hệ tư tưởng như: Tịnh độ, Bát nhã, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Mật chú v.v. kể cả hình ảnh của Ngài trong các tín ngưỡng dân gian và Nho, Lão. Điểm nổi bật ở đây chính là việc đưa hình ảnh Quán Âm vào một hệ thống tín ngưỡng, từ đó thông qua việc phân tích các tác phẩm kinh điển và tư liệu lịch sử để nghiên cứu lịch sử ra đời, quá trình phát triển và truyền bá của hình ảnh Quán Âm từ Ấn Độ sang các nước Đông Á. Khi hòa mình vào những nước này, hình ảnh Quán Âm thẩm thấu vào văn hóa của các nước ấy, hình thành nên những đặc điểm, tính chất khác nhau như: tính phổ biến, tính hài hòa và tính thích ứng.
Trong hành trình nghiên cứu, tác giả đã phát hiện nhiều chi tiết mà chưa từng ai tìm ra được, qua đó đưa ra những quan điểm mới đặc sắc. Để làm được điều này là cả quá trình hạ thủ công phu của tác giả trong việc tìm kiếm những nguồn tài liệu cổ từ Trung Hoa đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ - nơi khởi nguyên của tín ngưỡng Quán Âm, nhằm làm dẫn chứng y cứ cho quan điểm của mình. Việc này cho thấy thái độ nghiêm túc và cẩn thận của tác giả trong công tác biên soạn cuốn sách này.
Quyển sách ra đời đã phần nào khỏa lấp những khoảng trống trong kho tàng nghiên cứu học thuật. Tuy giáo sư Lý Lợi An đứng từ góc độ học thuật để nghiên cứu vấn đề và đưa ra cách nhìn khách quan nhất đối với hình ảnh Bồ tát Quán Âm, nhưng đồng thời do xuất thân từ gia đình theo Phật với hình ảnh mẹ của ông mỗi buổi sớm mai thành kính đứng trước ban thờ Quán Âm, chắp tay khấn nguyện bình an cho gia đình đã ăn sâu trong trái tim ông từ thuở ấu thơ. Do đó, tác giả cũng bộc lộ quan điểm của một người có tín ngưỡng đối với hình ảnh Ngài. Vì những lý do trên, quyển sách này chắc chắn sẽ không làm người đọc thất vọng khi muốn tìm kiếm nguồn kiến thức hết sức phong phú và đầy đủ về Bồ tát Quán Thế Âm.
Có thể nói, đây là một tác phẩm nghiên cứu học thuật có chiều sâu và độ chính xác rất cao. Tác phẩm này sẽ làm tư lương cho bạn trên bước đường vun bồi tri thức, để từ đó có một cái nhìn thấu suốt và nuôi lớn niềm tin nơi Ngài tha thiết hơn. Qua đây, hy vọng các bạn sẽ đồng hành với chúng tôi đến trang sách cuối cùng, và sẽ có chung sự cảm nhận nội tâm sâu sắc như vậy.
Nói về nhân duyên Việt dịch tác phẩm Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm. Nhóm dịch giả chúng tôi gồm ba thành viên, đều là những nghiên cứu sinh của Trường Đại học Tây Bắc (thành phố Tây An), dưới sự hướng dẫn của thầy Lý Lợi An. Thường nghe rằng:
Đời người một giọt nhận ân,
Lòng thường ghi khắc báo ân một dòng.
Cho nên, chúng tôi chọn dịch tác phẩm này như một món quà đền đáp công ơn thầy. Để tác phẩm này đến được tay quý độc giả, đầu tiên chúng tôi xin được tri ân thầy Lý Lợi An đã trao tặng bản quyền trước tác.
Thành kính tri ân đến Ban Giám đốc Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm Tùng Thư: Thượng tọa Giám đốc Thích Thanh Phong, Đại đức Phó Giám đốc thường trực Thích Quảng Lâm, Đại đức Phó Giám đốc thư ký Thích Vạn Lợi, cùng chư vị thiện tri thức đã trợ duyên cho chúng tôi hoàn thành việc phiên dịch cuốn sách này trong niềm hoan hỷ vô biên.
Cuối cùng, xin gửi lời tri ân sâu sắc đến quý độc giả đã nhiệt thành đón nhận dịch phẩm này. Trọn lòng mong duyên lành được hội ngộ qua từng lời từng chữ trong dòng tri thức bất tận.
Trong quá trình phiên dịch, khó mà tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi thành tâm cáo lỗi và rất mong nhận được sự chỉ giáo từ quý chư Tôn đức, quý vị độc giả, để lần tái bản sắp tới sẽ được hoàn thiện hơn.
Chùa Long Hưng - xuân Tân Sửu
Nhóm phiên dịch
Cẩn bút