Trong suốt dòng chảy lịch sử phát triển rực rỡ của nền văn hóa Phật giáo Bắc truyền, hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm đóng một vai trò tín ngưỡng tâm linh vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam, hầu như chúng ta đều có thể dễ dàng thấy được tôn tượng của Ngài ở bất cứ nơi đâu; từ thành thị náo nhiệt đến làng quê yên bình, từ non thiêng vời vợi đến đại dương bao la. Do đó có thể thấy rằng, hàng Phật tử Việt Nam chúng ta đã có một niềm tin sâu sắc và mãnh liệt vào tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm.
Thật ra, không phải Bồ tát tỏa sáng trong cuộc đời này vì sắc tướng uy nghiêm, mà vì diệu lực sâu mầu của Ngài. Với trái tim yêu thương vô bờ bến, không phân biệt sang hèn tốt xấu, chỉ cần chúng sinh niệm tưởng đến thì Ngài liền ứng hiện và hóa giải kiếp nạn. “Hữu cầu tất ứng” là thế, “Thuyền từ cứu độ” là thế. Như trong Kinh Pháp Hoa nói rằng, khi Bồ tát Vô Tận Ý hỏi Đức Phật về Bồ tát Quán Thế Âm làm thế nào dạo khắp thế giới Sa bà, và phương tiện của Ngài hóa độ là gì? Đức Thế Tôn trả lời: “Nếu có chúng sinh nào cần dùng thân Phật độ thoát, Bồ tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật mà nói pháp. Cần hiện thân trưởng giả, cư sĩ, tể quan, Bà la môn để có thể độ thoát v.v. Bồ tát Quán Âm liền hiện các thân ấy mà nói pháp”. Với ba mươi hai ứng hóa thân khác nhau, tùy theo tiếng kêu cứu của chúng sinh ở thế gian mà thị hiện. Vì lòng Đại từ bi, Quán Âm có thể hóa hiện từ thân phận thấp hèn của người lao công quét rác cho đến bậc đế vương quyền quý cao sang, thậm chí thân trời Phạm thiên hay là một vị Phật ngay bên cạnh mình.
Bồ tát Quán Âm hiện hữu khắp nơi trong thế giới Sa bà này, bằng đôi mắt thương yêu không phân biệt, với nhĩ căn viên thông lắng nghe mọi âm thanh khổ đau của hết thảy chúng sinh. Dù cho âm thanh ấy chưa phát ra bằng lời, nhưng tâm Ngài đã lắng nghe, thấu cảm và sẻ chia với tiếng nói bi thương của kiếp người. Vì lắng lòng giữa trần gian hỗn tạp, nên sự thấu hiểu của Bồ tát không giới hạn bởi thời gian, ngăn trở bởi không gian. Tình thương của Quán Âm được kết tinh bởi từ bi và trí huệ viên dung tròn đầy, nên vượt qua mọi ngăn cách đối đãi giữa ta và người. Giống như ánh sáng mặt trời chiếu sáng khắp trần thế, không phân biệt sang hèn, cao thấp, xa gần v.v. tình thương của Bồ tát cũng thế, dù chúng ta quý kính Ngài hay không, Quán Âm vẫn thương tưởng bình đẳng nhất như. Vì thành tựu tròn đầy trí lực và bi lực, Quán Thế Âm đi vào cuộc đời một cách tự tại, thân nơi cõi tục mà tâm an trú cảnh giới Như Lai.
Đôi lời vừa rồi là mạch cảm xúc bất tận của tôi sau khi đọc được cuốn sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm của tác giả Lý Lợi An trước tác, và được chuyển ngữ bởi nhóm dịch giả của Trung tâm Biên phiên dịch Tư liệu Phật giáo Quốc tế - Vĩnh Nghiêm Tùng Thư gồm: Thầy Nguyên Tú, Sư cô Chơn Thủy và bạn Trần Huỳnh Thông. Quyển sách gồm 10 chương, với độ dài trên 700 trang, là công trình nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng Quán Âm từ lúc hình thành tại Ấn Độ, rồi được truyền bá và phát triển tại Hoa Hạ. Ngoài ra, nội dung sách còn nói đến hình ảnh Quán Âm thị hiện nhiều thân tướng khác nhau trong những bộ kinh thuộc Hiển giáo và Mật giáo.
Lý Lợi An là một học giả nổi tiếng tại Trung Quốc với nhiều công trình nghiên cứu về tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm. Vốn xuất thân trong một gia đình bình dân nhưng có niềm tin kiền thành với đạo Phật. Đặc biệt là lòng kính thành của mẹ ông đối với Bồ tát Quán Âm, đã thôi thúc niềm đam mê nghiên cứu về Quán Âm lớn dần theo thời gian trong ông. Có thể nói, tập sách Nguồn gốc hình thành và phát triển tín ngưỡng Quán Âm chính là một tài sản trí tuệ được kết tinh từ nhiều nhân duyên thù thắng vi diệu, cũng như được xem là một trong những hòn ngọc của nền học thuật Trung Quốc đương đại.
Hiện nay, trên diễn đàn học thuật Việt Nam, đầu sách nghiên cứu về tín ngưỡng Quán Âm rất đỗi khiêm tốn và hạn chế so với các nước Á Đông. Nhân đây, tôi hy vọng dịch phẩm này sẽ góp phần bù lấp vào khoảng trống của nền học thuật nước nhà, cũng như cung cấp thêm cái nhìn mới mẻ và toàn diện đối với tín ngưỡng Bồ tát Quán Âm.
Vĩnh Nghiêm, ngày 16-5-2021
Giám đốc Trung tâm
TT. Thích Thanh Phong