Tôi rất thích câu này. Tình cờ phát hiện ra em Hoàng Anh, một dịch giả năng động và đam mê sách cũng thích. Thật thú vị.
Thật hạnh phúc khi phát hiện ra tâm sự mình đối với mẹ mình thế nào, thì đối với mẹ chồng như thế, ở nhà mình thế nào, thì ở nhà chồng như thế. Tức là ở nhà mình rất lười, không bao giờ quét nhà, không bao giờ dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, thì ở nhà mẹ chồng cũng thế.
Tôi giật mình. Rất nhiều mẹ chồng rất chăm chỉ. Rất nhiều mẹ chồng rất yêu quý và chiều chuộng con dâu. Có rất nhiều gia đình có quan hệ mẹ chồng con dâu rất tuyệt vời. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp như vậy.
Tôi quay lại tâm sự của em Hoàng Anh. Hoàng Anh tâm sự rằng thực ra vấn đề không phải bạn làm gì, mà là THÁI ĐỘ của bạn thế nào. Có một câu chuyện rằng có cô gái kia, qua một cuộc ly hôn rồi, quay về với chồng cũ mới nhận ra mình đã sai lầm quá. Thay vì làm rồi hậm hực, chỉ cần khéo nói một chút là êm đẹp. Chẳng hạn về nhà muộn, bị mẹ càu nhàu, thay vì hậm hực “ôi, mình không được chấp nhận ở nhà này”, thì nói đơn giản là “con đi làm mệt quá, mẹ ở nhà giúp con với”. Ai cũng muốn thấy mình là quan trọng, là có ý nghĩa mà.
Hoàng Anh tâm sự rất thật rằng, việc quan trọng là không được nói giả tạo. Mình thấy như thế nào nói như thế đó. Nói thật lòng. Bởi rõ ràng mẹ chồng là người sinh ra chồng, nuôi chồng cả đời. Thế rồi lớn lên, thời gian của chồng dành cho bạn nhiều hơn, tiền của chồng bạn xài nhiều hơn, con của bạn có khi cũng chăm luôn. Đổi lại bạn đã làm gì cho mẹ chồng? Cám ơn còn không xong vậy còn kêu ca cái gì nhỉ?
KỲ VỌNG CỦA MÌNH LÀM MÌNH KHỔ
Tôi rất thích tâm sự của Hoàng Anh rằng, nhiều khi chính bạn ấy đã nói chuyện với mấy cô là mẹ chồng mới thấy làm mẹ cũng nhiều tâm tư. Các cô bảo rằng bây giờ đối với con dâu rất khó, rằng nếu các cô không làm gì thì con dâu bảo mình lười, không chăm con cho con mình, làm giúp mà con dâu không vừa ý thì sẽ khó chịu. Cho ở riêng thì buồn mà để ở chung thì ngại va chạm.
Tôi ngồi và ngẫm về suy nghĩ của Hoàng Anh rằng, khi mình nhìn ở góc độ của người khác thì dễ thông cảm hơn. Cá nhân Hoàng Anh cho rằng con mình sinh ra mình nuôi là đúng, mẹ chồng giúp cho thì tốt, nếu không giúp cũng đành chịu, chứ sao mà lại trách mẹ chồng lười. Rằng rất không nên ghen tị là mẹ chồng trông con cho thằng em mà không trông con cho mình. Đó là quyền của mẹ mà. Ngay cả khi bạn có hai đứa con, nhiều khi bạn cũng thấy thương một đứa hơn đứa kia ấy chứ.
Tôi rất ấn tượng với cách nghĩ của Hoàng Anh, rằng thay vì hậm hực ghen tị, nên nói đơn giản một câu với chồng rằng “Em phải làm gì để mẹ yêu em như yêu cái Chi nhỉ?” (tức con dâu khác của mẹ). Nên tốt nhất kỳ vọng thấp, hoặc đừng kỳ vọng gì cho khỏi bị thất vọng.
VA CHẠM VĂN HÓA
Hoàng Anh phân tích cho tôi chuyện nuôi con. Mẹ chồng thích cho cháu uống sữa bột, con dâu lại ghét sữa bột vô cùng. Mẹ chồng thích cho cháu ăn nhiều, miễn ăn nhiều là được, còn vừa chạy chơi vừa ăn, ăn một tiếng, hai tiếng, không thành vấn đề, trong khi con dâu không chấp nhận cách nuôi dạy và cho ăn như vậy. Thế là cãi vã, thậm chí rất nhiều. Thế rồi stress nặng. Khi nghĩ lại bạn mới thấy mình dại quá.
Tôi rất thích cách nhìn nhận của Hoàng Anh rằng thay vì đối đầu với mẹ chồng, tốt nhất mình nên nói với chồng, để chồng nói với mẹ giúp. Đơn giản lắm. Hoàng Anh cũng khuyên rằng chỉ cần về “nịnh nhẹ” kiểu như “Mẹ yêu cháu, em cũng yêu con mà. Sữa bột quả thật không tốt cho con. Anh tin em đi. Anh nói giúp em vài câu với mẹ đi mà”. Khả năng được chồng ủng hộ và giúp đỡ là rất cao. Và cũng cần lưu ý rằng, nói với chồng không được nói trong hậm hực, trách móc kiểu như mẹ cổ hủ, mẹ không cập nhật thông tin khoa học… Nên đứng từ quan điểm chung. Rằng bà yêu cháu, em cũng yêu con. Chẳng qua cách làm của hai người khác nhau thôi nên ta nhờ chồng đứng ra dung hòa và hóa giải giúp.
Tôi đọc chia sẻ tiếp của Hoàng Anh rằng để thuyết phục được người khác tin, bạn phải tin vào chính mình, phải thành tâm mong muốn điều tốt đẹp và phải kiên trì thực hiện thôi. Vấn đề là một khi mình chưa chứng minh được bản thân thì khó ai mà tin mình nói.
Chúng ta cần hiểu rõ sự thật rằng bà nào cũng thương con, yêu cháu. Nên chấp nhận cách sống và cách tư duy của mẹ chồng. Bực tức mà làm gì. Mẹ chồng đã lớn tuổi rồi, thay đổi tính nết và cách sống khó hơn giới trẻ rất nhiều. Mình nên thay đổi chứ không nên kỳ vọng mẹ chồng sẽ thay đổi. Rằng thay vì stress, mình nên biết ơn, biết ơn vì bà trông cháu cho mình, biết ơn vì bà quan tâm đến mình.
Hoàng Anh cho rằng vấn đề cũng nằm ở văn hóa, vấn đề là các nàng dâu ít nói lời cảm ơn. Nếu cô con dâu nào thường xuyên nói những lời cảm ơn với mẹ chồng thì thật tuyệt vời. Nếu bạn không nói được ra, giữ lại trong lòng, để trong suy nghĩ,… thì năng lượng tích cực nó cũng phát ra. Tất cả tại tâm và cách ứng xử.
ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
Tôi lắng nghe tâm sự của Hoàng Anh rằng ta chỉ cần thay đổi tầm nhìn của bản thân là thấy mọi chuyện khác đi. Có bạn bảo như vậy là tự lừa dối bản thân. Điều này chưa chắc đã đúng. Bởi niềm tin không có đúng, sai hay là lừa dối, chỉ là niềm tin đó có hữu ích hay không mà thôi. Nếu quả thật tự lừa dối bản thân mà hiệu quả, mà mang lại niềm vui, thì… Tuy nhiên nếu nghĩ rằng mẹ chồng ghét mình, mẹ chồng không chấp nhận mình thì bạn đã tự gây stress cho mình đầu tiên. Rồi đâm ra ghét mẹ chồng. Nếu chỉ cần nghĩ rằng “ồ, mẹ quan tâm đến mình mẹ mới nói vậy đấy” thì cười cái hì mà “vâng, để con suy nghĩ ạ”.
Tôi thấy ấm lòng khi nghe Hoàng Anh kết luận rằng rút cục, mẹ chồng cũng là mẹ. Rằng cho dù có khác con dâu nhiều thứ, nhưng chắc chắn có chung tình yêu. Mình yêu chồng thì bà yêu con trai, mình yêu con thì bà yêu cháu. Vậy nên thay vì mình cứ chăm chăm nhìn vào sự khác biệt để bực tức, sao không nhìn vào điểm chung để cùng tìm một chỗ đứng chung. Không phải là con phải theo mẹ hay mẹ phải theo con, mà mình cùng theo… chồng con. Mẹ sinh ra chồng, nuôi chồng khôn lớn, bây giờ mình ở cạnh chồng nhiều hơn mẹ cơ mà. Mình làm cũng vì con, vì yêu chứ không vì mình, không vì bức xúc, ghen tị, trả đũa ai cả,… thì có gì là không được.
Bạn đọc đến đây rồi và bạn đã học được cách chế tác ra hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng, trong cách ứng xử với mẹ chồng chưa. Thật ra thái độ và cách cư xử là rất quan trọng. Nếu trong cụm từ mẹ chồng, ta chỉ cần bỏ chữ chồng đi thì còn chữ mẹ. Mà bà mẹ nào chẳng là bà mẹ tuyệt vời.
Chúng ta cần học cách nhìn bằng tâm chứ không phải bằng mắt. Chúng ta cần thấy rõ rằng mình được nhiều hơn mất và nếu biết cách chế tác niềm vui thì ngày càng nhận được nhiều hơn. Ngay cả trong những trường hợp hai vợ chồng chia tay nhau, nếu biết cách chúng ta vẫn có bình an và hạnh phúc. Đơn cử rằng có thể khi mới chia tay, bạn bị ám ảnh và sợ bên nội lấy mất con bạn. Thậm chí bạn rất sợ là khác. Tuy nhiên, nếu bạn biết chế tác niềm vui và hạnh phúc cho chính bạn, biết thay đổi suy nghĩ, thay vì cuối tuần buồn phiền vì con mình về nhà nội, mình kiếm việc gì đó để làm và nghĩ rằng bà trông con cho mình trong những ngày cuối tuần là tốt quá rồi. Nhờ đó mình có thời gian rảnh để thỏa mãn đam mê, sở thích của mình. Giật mình nghĩ ra vậy, ta phải nên cảm ơn bà nội của con mình chứ.
Con người ai cũng có cái dại. Dại bởi ta không biết. Nếu ta đi học, nếu ta tìm hiểu, nếu ta nghiên cứu trước khi lấy chồng thì ta tự biết cách ứng xử tốt nhất. Và không ít bạn trẻ đã thừa nhận rằng nếu được làm lại họ sẽ không cư xử như trước kia nữa.
Mong rằng chúng ta cùng nhau chuyển hóa để yêu quý tất cả các bà mẹ, tất cả các ông bố dù là bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ. Khi có tình yêu thương thật rồi thì cuộc sống vui lắm, hạnh phúc lắm.
Và cùng tặng nhau nụ cười ngay nhé:
Nụ cười ta trao cho nhau,
Là đôi cánh trắng thần tiên nhiệm mầu.
Nụ cười ta trao cho nhau,
Là muôn thế giới bầu trời đám mây.
Cười, cười đi em, vì cuộc đời là đoá hoa trăm sắc,
Hạnh phúc bây giờ chỉ bấy nhiêu thôi.
Cười, cười đi em, vì cuộc đời là dòng suối xanh mát trong,
Soi chiếu ngàn sao nơi trái tim em.
Bí mật của hạnh phúc không phải là làm điều bạn thích, mà là thích điều bạn làm.
It is not in doing what you like, but in liking what you do that is the secret of happiness.
James M. Barrie