Số phận đến từ đâu?
Một trong những vấn đề day dứt nhất liên quan đến sự tồn tại con người, khiến cho tất cả chúng ta lo lắng là số phận.
Người ta rất hay hỏi Vanga về nguyên nhân những thăng trầm của số mệnh, về việc vì sao bất hạnh dường như toàn giáng vào người tốt và tránh người xấu. Họ còn hỏi nhà tiên tri rằng số phận phụ thuộc vào điều gì và liệu có thể thay đổi được nó hay không.
Và Vanga đã trả lời những câu hỏi đó rằng:
Mỗi người đến thế giới này cùng với số phận của mình. Ai cũng sẽ nhận được cả điều tốt lẫn điều xấu.
Tôi thấu hiểu những đau khổ của tất cả mọi người, nhưng tôi không thể và không dám giải thích cho họ, vì có một giọng nói nghiêm khắc luôn cảnh báo rằng tôi không được cố gắng giải thích mọi điều, bởi mọi người xứng đáng với cuộc sống đã được an bài cho họ.
Những gì tôi dự đoán, xấu hay tốt, đều không thể thay đổi. Cuộc sống con người được trù định một lần và mãi mãi, và không ai có thể thay đổi nó.
Số phận là gì? Tại sao chúng ta không thể thoát khỏi nó, cho dù nó có tồi tệ đến đâu?
Trong triết học Ấn Độ có khái niệm nghiệp. Nghiệp là kết quả của những hành động xấu và tốt mà một người đã thực hiện trong quá khứ (kể cả những kiếp trước). Linh hồn của một người khi tái sinh mang theo không chỉ những kiến thức và kinh nghiệm có được trong cuộc sống trần thế của mình, mà còn cả nguồn năng lượng tâm linh, lưu giữ thông tin về những hành động tốt và xấu đã làm trong các kiếp sống trước. “Hồ sơ” vũ trụ được mã hoá này, cùng với linh hồn, theo con người từ kiếp này sang kiếp khác. Nó được đặt trong trường năng lượng (hào quang) bao quanh cơ thể tuy mỏng mảnh nhưng không thể phá hủy được của người đó. Khi linh hồn nhập vào phôi thai của con người tương lai, năng lượng nghiệp lực sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hình thành cơ thể của bào thai. Và nếu một người gây ra những nghiệp nặng trong các kiếp trước, nếu kẻ đó mang đến cái chết hay bất hạnh cho những người vô tội, nghiệp chướng của anh ta có thể tạo thành một cơ thể tương lai bị dị dạng hoặc bệnh tật ngay từ trong bụng mẹ. Số phận tương lai của con người cũng được xác định theo cách tương tự. Nếu ai đó trong cuộc sống quá khứ đã sát hại người khác để chiếm đoạt tài sản thì khi sang một kiếp mới, kẻ mang nợ nghiệp đó sẽ bị giết hại, dù không nhất thiết sự báo thù đó sẽ do những người phải chịu đau khổ vì anh ta trong kiếp trước thực hiện. Ai lừa dối người khác thì chính mình cũng sẽ bị lừa gạt, kẻ nào sống không trung thực chắc chắn sẽ trở thành nạn nhân của các vụ trộm cắp hay lừa đảo với những tổn thất không thể bù đắp nổi. Đó chính là luật nhân quả nghiệp báo.
Còn một “nơi cư trú” nghiệp nữa, ngoài hào quang của con người, đó là không gian cõi Tâm linh. Ở đó có một lớp vật chất vi tế đặc biệt mà triết học Ấn Độ gọi là Akasha, lưu giữ mọi thông tin về tất cả những gì đã từng xảy ở tất cả các cõi sống, bao gồm cả cõi Trần thế. Lớp không gian này, giống như một cuốn phim đầy cảm xúc, nắm bắt tất cả các chi tiết trong đời sống tự nhiên và xã hội, tất cả các ngôn từ, hành động và thậm chí cả suy nghĩ của con người. Điều đó thật khó tin, nhưng đúng là như vậy. Khả năng như vậy của không gian trong Kinh Thánh Lửa gọi là “Bộ nhớ Thiên nhiên”. Về hiện tượng này, các bậc Đạo sư phương Đông cho biết:
Con người thường quên mất “ý nghĩa không gian” của hành động, suy nghĩ, cảm xúc và lời nói của mình. Con người tỏ ra có nhận thức đúng đắn khi giao tiếp, ứng xử trực tiếp với người khác. Vì thờ ơ, mọi người thấy hoặc không thấy, biết hoặc không biết người khác hành xử như thế nào, nhưng không gian thì thấy hết và biết hết, vì mọi thứ đều hiện hữu trong đó. Và sự việc đã được lưu giữ trong hồ sơ không gian sẽ luôn còn mãi ở đó, ảnh hưởng đến mọi người, môi trường và cả người tạo ra nó. Vì vậy, con người sẽ không thoát được công lý và sự phán xử của không gian do con người đang sống trong không gian. Bất cứ ai nhận thức được tầm quan trọng của sự tồn tại về mặt không gian của con người sẽ luôn cẩn trọng trong các hành vi của mình nơi trần thế. Hành động phải được xem xét rộng trong cả ba cõi của nó – dù nó có được nhìn thấy hay không. Sự phán xét của con người thường một chiều, hạn hẹp, không đầy đủ và sai lầm, còn tòa án không gian không thể nhầm lẫn. Sức mạnh và các phán quyết không thay đổi của tòa án không gian sẽ kết tinh dưới dạng năng lượng tạo thành nghiệp của con người. Và hành vi của con người sẽ trở thành những nghiệp quả không thể tránh khỏi của chính họ. Vì vậy, ý thức được hành vi của mình trước không gian cũng như kết quả nó tạo ra là một cách tiếp cận đúng để giải quyết câu hỏi con người cần phải cư xử ra sao. Mọi người hoàn toàn biết cách cư xử trước mặt những người khác, nhưng khi chỉ có một mình, họ nghĩ rằng mình được phép làm mọi thứ, nếu không ai nhìn thấy. Song họ quên rằng ngoài không gian còn rất nhiều con mắt của cõi Tâm linh đang theo dõi chặt chẽ và nhìn thấy những gì con người tưởng là bí mật. Không có gì là bí mật, cần phải làm quen với suy nghĩ này và coi trọng nó, cũng như tìm thấy sự can đảm để đối diện với thực tế.
Muôn mặt Agni Yoga, năm 1956, đoạn 31
Vanga chia sẻ một câu chuyện tiêu biểu, chứng minh rằng tất cả hành động đều được lưu lại trong không gian và cả trong hào quang của chúng ta như thế nào. Một lần, có cặp vợ chồng già từ làng bên đến gặp Vanga. Họ bắt đầu phàn nàn về những vấn đề sức khoẻ. Sau khi lắng nghe họ, Vanga lắc đầu và hỏi người chồng: “Ông lão, tại sao ở đằng sau ông, chỗ nào cũng thấy kéo lê theo một sợi dây thừng?” Ông lão rất ngạc nhiên, nhìn xung quanh mình và không thấy bất kỳ sợi dây nào nên không biết phải nói gì. Nhưng người vợ đã nhớ lại và kể cho Vanga một sự việc không hay trong cuộc đời họ. Khi còn trẻ, họ đã trồng một vườn dưa hấu. Họ bán dưa hấu và thu được kha khá tiền. Một hôm, họ lái xe tải chở dưa hấu đến chợ. Một cậu bé đã lấy trộm một quả dưa hấu nhỏ trên xe. Người chồng bắt được liền nổi giận đùng đùng, và tiện tay vớ được sợi dây nên đánh cậu bé không thương tiếc. Người vợ đã kéo cậu bé thoát khỏi tay người chồng giận dữ. Sau khi nghe câu chuyện, Vanga cau mày nói: “Đây là nguyên nhân gây ra bệnh tật! Chính Đức Chúa Trời trừng phạt ông vì đã hành hạ đứa trẻ. Ông kiếm được bao nhiêu tiền từ quả dưa hấu đó? Chỉ là mấy đồng tiền lẻ! Và bây giờ ông sẽ phải trả giá cho những giọt nước mắt của đứa trẻ trong suốt quãng đời còn lại của mình... Hãy đi đến đền thờ, sám hối cho tội lỗi của mình và bố thí cho trẻ em của những gia đình nghèo!”
Nghiệp tiêu cực luôn “theo sau” con người tương tự như hình ảnh sợi dây mà Vanga nhìn thấy trong hào quang của người đàn ông đã có hành vi tàn nhẫn. Nghiệp này tạo thành một thứ gì đó giống như trường năng lượng tiêu cực, nằm trong hào quang của người mắc nợ nghiệp báo, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều vấn đề ở bất cứ nơi nào có thể, và “cản trở” những điều tốt.
Ngoài ra, tất cả hành vi của con người sớm hay muộn cũng sẽ được phơi bày trước mắt mọi người xung quanh. Các tác giả của những văn bản được Boris Abramov ghi chép lại đã nhấn mạnh rằng sau khi cuộc đời trần thế của con người kết thúc, tại thời điểm ý thức chuyển đến cõi Tâm linh, tất cả các nghiệp tích lũy dường như được phơi bày, trở nên rõ ràng đối với mọi cư dân của cõi giới kia. Ở đó không thể che giấu được điều gì, vì thần thức của mọi người đều có thể nhìn thấy và đọc được (như những người có khả năng thấu thị trên trần thế) tất cả những gì con người mang đến trong hào quang của mình. Tất cả thông tin về cuộc sống của mỗi người trong chúng ta được in dấu - như thể chụp ảnh! - trên chất liệu mềm dẻo của thế giới bên kia. Muôn mặt Agni Yoga viết:
Rốt cuộc, sẽ đến lúc bản chất trần trụi của con người hiển lộ trước tất cả mọi người trở thành nỗi xấu hổ đau đớn, nhục nhã, hoặc ngược lại, là phước lành và niềm vui cho chủ nhân của nó. Khi đó, con người cần có dũng khí để đối diện trước mọi người và không gian, bộc lộ con người mình với tất cả những gì tích lũy được giấu kín. Điều này trở nên rõ ràng. Đối với nhiều người, đó không phải khoảnh khắc dễ chịu. Con người đã quá quen với việc che giấu hành vi của mình, và khi bức màn đó được gỡ bỏ thì không có gì là bí mật. Liệu có thể không thấy xấu hổ khi bị phơi ra trước ánh sáng không? Quá trình bộc lộ bản chất bên trong đặc biệt khó khăn nếu sự đạo đức giả và gian dối đã trở thành thói quen. Vì vậy, tốt hơn hết là nên suy nghĩ về hành vi của mình khi đối mặt trước không gian để từ đó, bằng sự sáng suốt và lòng dũng, cảm đoán định được thời điểm không gian thử thách.
Muôn mặt Agni Yoga, năm 1956, đoạn 31
Một điều rất quan trọng là chính sự hiện hữu của các nhà tiên tri trên Trái Đất đã chứng minh tính đúng đắn trong tuyên bố của Agni Yoga rằng toàn bộ cuộc sống của chúng ta được lưu giữ trong hào quang của chúng ta và trong không gian thế giới vô hình. Nếu không, các nhà tiên tri thu nhận từ đâu thông tin về những gì đã xảy ra với con người trong quá khứ? Và nếu nguồn thông tin chính về một người là hào quang của chính người đó, thì Vanga rõ ràng đã đọc được thông tin về các nền văn minh cổ đại từ chính không gian.
Nếu như mọi người nhận thức được là mỗi lời nói, suy nghĩ, hành động và dự định của mình đều “được viết” trên chất liệu cực kỳ nhạy của các cõi trên; nếu như họ hiểu được rằng không có gì là bí mật trên thế giới – thì có lẽ họ sẽ không thực hiện rất nhiều hành vi đáng hổ thẹn trong cuộc sống của mình.
Trở lại với câu hỏi về nghiệp, cần lưu ý rằng kết quả của luật nghiệp báo không biểu hiện rõ ràng với tất cả mọi người bởi vì nó trải dài qua thời gian. Trong hầu hết các trường hợp, sự thực thi nghiệp của mỗi người được quyết định bằng một luật vũ trụ khác - luật luân hồi, và đó là lý do tại sao không phải lúc nào mọi người cũng có thể thấy được “tác phẩm” của luật nghiệp báo.
Một mặt, khi thấy một quan chức tham nhũng sống giàu sang, chiếm đoạt tài sản của người dân, mọi người đều phẫn nộ: “Tại sao Chúa không trừng phạt bọn tham quan?” Mặt khác, khi thấy một đứa trẻ nghèo bất hạnh, sinh ra đã bị bại liệt và bị cha mẹ bỏ rơi, họ tự hỏi: “Vì sao Chúa lại trừng phạt một đứa trẻ vô tội?” Do không biết luật luân hồi, nên con người không hiểu rằng ví dụ đầu tiên - tên tham quan - là nhân, và ví dụ thứ hai - đứa trẻ bất hạnh - chính là quả của cùng một hiện tượng. Đơn giản là chúng ta không nhìn thấy những kiếp sau của quan chức đó và cũng không biết những kiếp trước của đứa trẻ.
Luật nghiệp báo trong Agni Yoga thường được gọi là luật nhân quả. Về luật này, học thuyết viết rằng:
Nhân và quả là những hiện tượng của cùng một trật tự, hay đúng hơn, là hiện tượng hoặc hai mặt của cùng một đồng xu, hoặc hai cực của một vật thể duy nhất. Chúng không tách rời nhau, mặc dù về mặt thời gian có vẻ không phải như vậy. Nhân và quả có thể kéo dài trong nhiều năm, nhưng không có thời gian cụ thể, và cảm giác có thể chia tách chúng là không có cơ sở thực tế. Trên thực tế, những người mắc bệnh phong, bị quái thai dị dạng, tàn tật, thiểu năng là những người đã gây ra và gánh chịu tất cả hậu quả của những hành động trong quá khứ. Thời gian không ngăn cản nhân được tạo ra trong quá khứ mang đến quả ở hiện tại, dường như thời gian nói chung không bị gián đoạn. Quả thực, chuỗi nguyên nhân diễn ra liên tục và nhân không thể bi tiêu hao theo thời gian khi chưa mang lại những hậu quả làm nó tiêu hao.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 11, đoạn 639
Lẽ dĩ nhiên, nghiệp ứng vào mỗi người mỗi khác. Có những trường hợp phải trả nghiệp ngay cho tội lỗi của mình. Dân gian đã nhận thấy điều đó và đúc rút thành câu châm ngôn: “Gieo gió gặt bão”. Thường thì ban đầu, khi còn trẻ, con người luôn hạnh phúc và có mọi thứ mình muốn. Nhưng đến một độ tuổi nào đó, cuộc sống của con người dường như gặp phải một thế lực thù địch khi đem đến nhiều vấn đề như sự bất hạnh, bệnh tật, thất vọng…
Có muôn vàn cách thức để nghiệp báo ứng nghiệm. Nhưng có một điều không thay đổi là: hạnh phúc và bất hạnh của một người trong cuộc sống do chính anh ta tạo ra. Thượng đế không đưa nó đến cho con người!
Nghiệp là năng lượng
Nghiệp trước tiên là năng lượng, mà quy luật thực hiện nó gợi nhớ tới luật quán tính. Nếu bạn nhấn phanh chiếc ô-tô đang chạy thì chiếc xe vẫn di chuyển thêm vài chục mét - nó bị kéo bởi lực quán tính. Năng lượng của nghiệp cũng vậy - nó cũng “kéo” người mang nghiệp theo hướng mà nghiệp của người đó quyết định, cho dù người đó có cố gắng tránh những hậu quả không mong muốn. Đó là lý do tại sao người ta nói rằng “không thể thoát khỏi số phận”. Vanga cũng đã khẳng định điều đó.
Học thuyết Agni Yoga nhấn mạnh bản chất tự nhiên, mà không phải thần bí, của luật nghiệp báo:
Kẻ ngốc có thể học về nhân quả qua ví dụ đơn giản. Hãy gắn chắc một sợi dây cao su vào tường, nhắm mắt lại, và kéo hết sức – kết quả nhận được là một vết tím bầm thông thường sẽ xuất hiện.
Thánh đoàn, đoạn 299
Vanga nhiều lần đã nói rằng bất kỳ tội ác nào mà con người gây ra cho người khác, hoặc thậm chí với thiên nhiên, đều biến thành nỗi bất hạnh cho người đó trong cuộc sống.
Nhà tiên tri Bungari liên tục nhắc nhở những người xung quanh rằng để cảm thấy hạnh phúc và tránh gặp những điều không may mắn, người ta phải đối xử tốt hơn với mọi người. Thêm vào đó, bà nói rằng nghiệp của những hành động tiêu cực không chỉ tác động đến chính tội nhân mà còn cho con cháu của họ:
Hãy sống thiện lành hơn, để không phải chịu nhiều đau khổ, con người sinh ra để làm những việc thiện. Người xấu không thể nào không bị trừng phạt. Hình phạt tàn nhẫn nhất không chỉ dành cho người gây ra tội lỗi, mà con cháu người đó cũng sẽ phải gánh chịu. Điều này thậm chí còn đau khổ hơn.
Nhà tiên tri nhiều lần nhấn mạnh rằng người ta thường có cảm giác rằng dường như trên thế gian này không có công lý và không có sự trừng phạt đối với tội ác gây ra cho ai đó. Mọi người thường phẫn uất khi thấy nhiều kẻ đê tiện vẫn sống một cuộc sống giàu sang, đủ đầy. Và nhiều người nghĩ rằng trên thế giới này không có hình phạt cho tất cả những tội ác và sự xấu xa mà con người gây ra trong cuộc đời.
Nhưng trên thực tế ứng nghiệm nghiệp báo chỉ là vấn đề thời gian. Sớm hay muộn, bất kỳ hành động xấu nào cũng sẽ trở lại với chính người gây ra nó dưới hình thức là bất hạnh và tai họa. Nhưng không nhất thiết là trong kiếp sau; trong nhiều trường hợp, sự trừng phạt ứng nghiệm với người gây tội lỗi ngay trong kiếp sống này.
Có nhiều trường hợp Vanga dùng khả năng thấu thị để xác định nguyên nhân gây ra những bất hạnh trong cuộc sống của mọi người, và lý do chính là nghiệp tiêu cực của những hành động không đúng mà họ đã làm đối với người khác. Ví dụ như có một người đàn ông đã đến gặp Vanga để tìm hiểu lý do tại sao tất cả các con của mình đều lần lượt chết. Không một đứa nào trong số mười một đứa con của ông ta còn sống. Vanga nhắc ông này về một sự việc từ thời ông ta còn trẻ: mẹ của ông ta mang thai khi đã đứng tuổi và vì lý do nào đó chàng trai trẻ khi ấy thấy xấu hổ về điều này nên đã có lần xúc phạm nghiêm trọng mẹ của mình. Sau lần đó, người mẹ và đứa con trong bụng qua đời. Nhiều năm trôi qua, người con trai vô ơn đã quên mất điều đó. Tuy nhiên, theo Vanga, chính hành động xúc phạm người mẹ là nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của ông ta - thiên nhiên đã trừng phạt ông ta vì xúc phạm đến điều luôn được coi là thiêng liêng - tình mẫu tử. Vanga nói với người đàn ông:
Ông cần phải hiểu rằng, nguyên nhân của nỗi bất hạnh không phải là người vợ của ông. Cần phải luôn sống thiện lành hơn và khi đó ông sẽ không phải đau khổ hay bị trừng phạt trong suốt cuộc đời.
Bạn và thù
Những kiếp sống trước đây và những mối quan hệ khi đó của chúng ta với mọi người thực sự tác động rất lớn đến cuộc sống hiện tại. Những vấn đề nghiêm trọng nhất trong mối quan hệ giữa con người, theo quy luật, là kết quả của các mối liên kết nghiệp từ các kiếp trước. Như Kinh Thánh Lửa viết:
Chưa bao giờ có chuyện hào quang cũ từ các kiếp trước lại không gây mệt mỏi. Đặc biệt khi nghiệp đưa đến những người đồng hành không hề dễ chịu. Nhưng khi mỗi cuộc gặp gỡ kết thúc, thì ta lại cảm thấy nhẹ nhõm hơn, như thể đã trả lại được một phần tài sản của người khác. Ít nhất một nửa số các cuộc gặp gỡ trên trần thế đều đến từ các kiếp trước. Có thể hình dung như những hình nhân sáp được dính kết với nhau bằng điện áp cao.
Các dấu hiệu của Agni Yoga, đoạn 238
Hãy tiếp nhận thông tin về những người đồng hành mà cuộc sống đem đến. Tất cả những cuộc gặp gỡ cũ này trong điều kiện mới chỉ là sự tiếp nối của các mối quan hệ trước đây. Nếu có một người bạn, bạn sẽ gặp người bạn, nếu có một kẻ thù – bạn sẽ phải đối mặt với kẻ thù. Và một lần nữa, các mối quan hệ đang diễn ra lại được thiết lập cho một tương lai xa. Cần phải rất cẩn thận khi bắt đầu một mối quan hệ mới bởi lẽ nó sẽ nối tiếp đến tương lai và chúng ta sẽ phải đối mặt và tiếp tục mối quan hệ đó từ điểm bị gián đoạn. Các mối quan hệ không mất đi, mà chỉ có sự tiếp nối của chúng bị gián đoạn. Qua cách ứng xử với mọi người, chúng ta sẽ có bạn bè hoặc kẻ thù. Chúng ta sẽ gặt hái từ những hạt giống do chính mình gieo trồng. Con người không thể không có bạn bè và không có kẻ thù - họ sẽ gặp cả hai.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 2, đoạn 298
Vậy phải làm thế nào nếu trong cuộc sống xuất hiện một mối quan hệ với ai đó đe dọa đến cuộc sống của bạn nhưng bạn không thể ngăn chặn được? Làm thế nào để đối phó với hiện tượng này?
Về nguyên tắc, không thể chống lại hiện tượng này. Nếu nghiệp đưa người này tới cuộc sống của bạn có nghĩa là phải có lý do chính đáng cho điều đó. Bạn phải trải nghiệm những bài học nào đó, tuy đau khổ nhưng cần thiết cho sự phát triển linh hồn của bạn hoặc để bạn giải quyết được nghiệp do chính mình tạo ra. Tuy nhiên việc làm giảm bớt tác động của nghiệp, hoặc thậm chí vô hiệu hóa nó, trong mối quan hệ với “người gây rắc rối” có thể và nên được thực hiện. Trong Agni Yoga có rất nhiều lời khuyên được đưa ra để tránh điều này.
Nguyên tắc trung hòa nghiệp xấu luôn luôn chỉ có một - thay đổi thái độ của bạn đối với những gì xuất hiện theo nghiệp trong cuộc sống, cho dù bạn không thích.
Nói một cách đơn giản là, không phản ứng theo cảm xúc với những gì làm bạn tức giận, không tập trung vào nó, không nghĩ mình không may khi gặp điều này. Ở “những nút thắt” của số phận, cần phải phản ứng một cách bình tĩnh, bình thản, không có cảm xúc tiêu cực. Và nếu bạn có thể thể hiện được sự bình tĩnh như vậy thì nghiệp tiêu cực dưới hình thức là một người nào đó, hoặc thậm chí là ngoại cảnh gây rắc rối cho bạn, sẽ sớm biến mất khỏi cuộc sống của bạn mãi mãi.
Trong các ghi chép của Boris Abramov có nói:
Việc xác định các mối liên kết nghiệp, như quan hệ với bạn bè hay với kẻ thù, không có ý nghĩa gì đặc biệt, nhưng cách ứng xử của bạn với họ rất quan trọng, vì nó xác lập nền tảng của chuỗi nghiệp lực kết nối các tâm hồn và thu hút chúng lại với nhau. Nếu nhờ ý thức của bạn đã tăng cao mà kẻ thù dù tiến đến gần cũng sẽ không thể lợi dụng bất kỳ điều gì của bạn để gây hại1, mối liên hệ nghiệp báo sẽ chấm dứt và chuỗi nghiệp báo cũng tan rã. Có rất nhiều hiện tượng những người vừa gặp nhau sau một thời gian dường như đã chán nhau. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy con đường của họ đi đã tách rời nhau. Không ít những người gặp nhau thường chỉ là qua đường. Những cuộc gặp gỡ này ít ý nghĩa về mặt nghiệp báo và không cần lãng phí thời gian hay công sức với những người qua đường.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 2, đoạn 298
1 Ở đây muốn nói tới những thiếu sót cá nhân của một người mà kẻ thù có thể lợi dụng để “chơi” lại anh ta. Câu này trong Muôn mặt Agni Yoga đã được trích từ kinh Phúc Âm dẫn lời của Chúa Giêsu: “Và vua chúa thế gian này hầu đến, nhưng chẳng có gì hết nơi ta.” Nếu một người trong sạch về tâm hồn thì thậm chí cả những kẻ thù mạnh nhất, cho tới các thế lực đen tối, cũng không thể gây hại và cám dỗ người đó.
Hóa giải các nghiệp tiêu cực bằng một thái độ bình thản và không phản ứng mạnh là nguyên tắc phổ quát có thể sử dụng trong các mối quan hệ với những người không mấy dễ chịu hay trong bất kỳ hoàn cảnh tiêu cực nào.
Một điều quan trọng khác trong quan hệ với những người có liên quan tới bạn bởi nghiệp tiêu cực là: không cố gắng trả thù bất cứ ai vì những tổn hại [mà họ đã gây ra] với bạn. Tại sao điều này lại quan trọng? Bởi nếu bạn tìm cách trả thù người gây hại, nghĩa là bạn củng cố mối liên hệ nghiệp báo tiêu cực giữa bạn và họ. Và như thế bạn sẽ tiếp tục gặp lại người đó trong các kiếp sống tiếp theo của mình. Con người khó chịu đó một lần nữa có thể sẽ lại gây phiền hà cho bạn ở một nơi nào đó. Và chừng nào bạn chưa học được cách không phản ứng theo cảm xúc trước sự hiện diện của kẻ thù nghiệp báo trong cuộc đời mình, cũng như ngừng tìm cách trả thù người đó vì đã đối xử không đúng đối với bạn - thì bạn và người đó vẫn ràng buộc lẫn nhau. Con người khó chịu đó sẽ còn xuất hiện trong cuộc đời của bạn nhiều lần cho đến khi bạn hiểu cần phải làm gì để phá vỡ vòng luẩn quẩn đó vĩnh viễn.
Các bậc Thầy cảnh báo và đưa ra lời khuyên rằng:
...Nghiệp có thể được hóa giải, chứ không thể bị loại bỏ. Bị loại bỏ dưới hình thức này, nó sẽ trở lại dưới một hình thức khác cho đến khi tiêu biến hoàn toàn. Đây là sức mạnh mà người bình thường không thể kháng cự lại. (...)
Làm thế nào để dập tắt nghiệp? Làm thế nào để triệt tiêu được nó? Chỉ có cách trả hết nghiệp cũ và cố gắng không tạo ra nghiệp mới. Khi chủ nợ xuất hiện và gây hại cho bạn vì những điều bạn đã làm với họ từ kiếp trước, bạn phải xử lý một cách bình tĩnh để không tạo nghiệp mới. Nếu không, bạn sẽ tạo ra một chuỗi nghiệp mới và việc trả nghiệp là không thể tránh được. Vì vậy, đừng đáp trả điều ác bằng điều ác, khi biết hóa giải nó trong chính mình và phản ứng lại một cách phù hợp, con người sẽ giải quyết được hết hậu quả của nghiệp không mong muốn. Than vãn là vô ích. Nghiệp không thông cảm. Dù có cầu xin Đấng Tối Cao để được thoát khỏi các nghiệp quả đã tạo cũng không thể được kết quả mong muốn, bởi vì chính bản thân người mắc nợ phải trả nợ nghiệp. Luật nghiệp quả rất phức tạp. Có thể làm nghiệp giảm nhẹ nghiệp, ví dụ như bằng cách “quên mình vì người khác” và những hành động tương tự khác, làm cho cán cân pháp lý cân bằng bởi các hành động thiện nghiệp. Dù dưới hình thức này hay hình thức khác, sự bồi hoàn cho những gì đã làm trong quá khứ luôn luôn là điều không tránh khỏi.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 11, đoạn 384
Nghiệp hình thành như thế nào?
Về nguyên tắc, ai cũng có một số phận, hoặc là một cái gì đó “đã được định sẵn”, và tất cả mọi người trên thế giới đều biết điều đó. Đồng thời tất cả mọi người trên hành tinh đều biết rằng không thể thay đổi số phận của mình – nó sẽ tìm đến bạn ở bất kỳ nơi đâu. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Ai đã được định đoạt bị treo cổ thì sẽ không thể chết đuối.” Câu nói vui này hàm chứa một sự thật quan trọng: hoàn cảnh sống của mỗi người được hình thành theo các điều kiện tiên quyết cụ thể đã được chính chúng ta tạo ra trong quá khứ.
Nhưng chúng ta đến với thế giới này không chỉ để trả nợ nghiệp của quá khứ, mà còn để tạo nghiệp tương lai. Chúng ta tạo nghiệp của mình trong từng phút giây. Thanh toán các nghiệp cũ đồng thời chúng ta cũng tạo ra nghiệp mới – không thể khác được, vì nghiệp chính là cuộc sống. Điều cốt yếu là làm sao để nghiệp mới mà chúng ta tạo ra hoàn thiện hơn nghiệp kiếp trước. Các tác giả của Agni Yoga nói về điều này như sau:
Chúng ta sẽ gặt hái thành quả từ những hành động thiện và bất thiện khi nào và ở đâu? Chúng ta gặt hái bây giờ, ngay tại thời điểm này, đồng thời tạo thêm các nghiệp mới để gặt hái về sau. Tay này gieo tay kia gặt. Hiện tại là kết quả của quá khứ, còn tương lai là kết quả của hiện tại. Vòng quay nhân quả luôn chuyển động. Hãy lưu ý xem nhân nào sẽ tạo quả. Mặc dù nhân của nghiệp được tạo ra là do người tạo ra nó tự do quyết định, nhưng ngay sau khi nó được tạo ra và rơi vào vòng quay nhân quả, thì cái có quyền chi phối không phải là người tạo ra nghiệp, mà chính là nghiệp. Và không thể thay đổi bất cứ điều gì cho đến khi nghiệp tiêu tán hết toàn bộ năng lượng của mình lên chính người đã tạo ra nó.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 1, ngày 22 tháng 7
Con người cần phải rất lưu tâm tới điều này - đừng tạo cho mình những nghiệp tiêu cực mới trong tương lai.
Vậy nghiệp được tạo ra như thế nào? Nhiều người cho rằng nghiệp chủ yếu được tạo ra từ những hành vi của con người. Đúng, hành vi có vai trò của nó, nhưng nếu nhớ rằng suy nghĩ và ý định có trước, hành động có sau, thì rõ ràng suy nghĩ của chúng ta cũng đóng góp không nhỏ vào việc tạo nghiệp. Chính vì thế Agni Yoga cho rằng yếu tố chính trong việc hình thành nghiệp là những suy nghĩ của chúng ta. E.I. Roerich viết:
...cần luôn nhớ rằng nghiệp của chúng ta được tạo ra, dù nặng hay nhẹ, chủ yếu đều là do SUY NGHĨ. Chính suy nghĩ và những động lực bên trong con người dệt thành hào quang của chúng ta - đây là từ trường, hút hoặc đẩy các khả năng hành động. Chính động cơ suy nghĩ, nhân tố quyết định nghiệp của chúng ta, lại thường bị mọi người bỏ qua khi đánh giá về nghiệp. Nhưng giả sử có khác đi thì cũng không có khả năng thoát khỏi vòng xoáy nhân quả. Bởi vì tất cả đều là nghiệp, và được gắn kết bởi nghiệp (...) Vì vậy suy nghĩ là gốc rễ và khởi điểm cho mọi tạo tác. Suy nghĩ chi phối vạn vật, do đó, chi phối cả nghiệp.
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 24/9/1935
Do đó, nghiệp có thể và phải được hoàn thành trước hết bằng việc thanh lọc suy nghĩ của con người khỏi những tư tưởng và cảm xúc tiêu cực. Các tác giả Đạo đức Sống xem việc kiểm soát trạng thái suy nghĩ và cảm xúc, đồng thời có thái độ đúng đắn trước tất cả những khó khăn trong cuộc sống, là điều kiện quan trọng nhất để con người đương đầu với những hậu quả tiêu cực do nghiệp trong quá khứ gây ra.
Có thể thay đổi vận mệnh không?
Chúng ta hãy một lần nữa nhìn lại những điều Vanga nói về số phận:
Những gì tôi nhìn thấy cho dù có khủng khiếp đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi. Không ai có thể chạy trốn khỏi số phận.
Những lời này của nhà tiên tri, thẳng thắn mà nói, không đem lại hi vọng. Có ai trong chúng ta lại không muốn cải thiện cuộc sống của mình, và ai trong chúng ta lại không mơ ước hạnh phúc... Chẳng lẽ con người quả thực không thể thay đổi được gì trong cuộc sống của mình?
Nó còn tùy theo cách hiểu đổi thay là như thế nào! Khi Vanga nói không thể thay đổi được số phận, rõ ràng ý bà không phải tất cả các sự việc trong cuộc sống của chúng ta, mà chỉ là những sự kiện quan trọng nhất. Không phải ngẫu nhiên mà bà nói rằng Thượng đế ban cho con người một thứ vũ khí mạnh mẽ dưới hình thức tự do ý chí.
Số phận được định trước cho con người theo đúng những điều kiện chủ yếu của cuộc sống. Chúng ta sinh ra trong gia đình nào, được sống bao lâu ở thế giới này, được ban tặng những khả năng gì, sức khỏe của chúng ta sẽ ra sao - những đặc điểm cơ bản nhất này của cuộc sống quả thực là không thể thay đổi được, chúng ta được sinh ra với những đặc điểm như vậy và chúng không phụ thuộc vào ý chí của chúng ta. Nhưng trong cuộc sống còn có rất nhiều thứ phụ thuộc vào lựa chọn cá nhân của mỗi người và chúng ta có thể thay đổi được. Nghĩa là, nói chung, đa phần con người không phải là trò đùa của số phận mà là thực thể tự do, có khả năng tùy ý định hình cuộc sống của mình.
Học thuyết Cuộc sống nhấn mạnh đến khả năng con người có thể tác động tích cực đến số phận của mình và thay đổi nó cho tốt hơn. Theo Kinh Thánh Lửa, việc không thể tránh các nghiệp quả không có nghĩa là chúng ta không thể thay đổi được điều gì trong số phận của mình. Chúng ta có thể cải thiện số phận của mình bằng cách hoán cải nghiệp của quá khứ và, quan trọng nhất, là không mắc những sai lầm mới tạo ra nghiệp xấu trong những kiếp mới của chúng ta.
Elena Roerich đã viết về cách hoán cải nghiệp quá khứ và kinh nghiệm của mình:
Trong mỗi kiếp con người có thể trả một phần nghiệp cũ xuất hiện trong kiếp sống hiện tại, và tất nhiên, người đó ngay lập tức bắt đầu một nghiệp mới, nhưng nhờ mở mang nhận thức, con người có thể nhanh chóng vượt qua nghiệp đã được tích lũy, trong khi đó nghiệp mới được tạo ra sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, cả các nghiệp cũ sẽ không quá đáng sợ với người đó vì tư tưởng họ đã được thanh lọc, do đó, hào quang thanh tịnh sẽ có phản ứng hoàn toàn khác đối với các nghiệp quả. Và đó là cách con người có thể thoát ra khỏi vòng xoáy nhân quả luân hồi.
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 05/05/1934
Hơn nữa, việc giúp đỡ người khác và khát vọng chân thành hướng tới sự tự hoàn thiện có thể giúp con người ở một mức độ nào đó giảm bớt những nghiệp quả tiêu cực trong kiếp hiện tại. Ví dụ: một phụ nữ không có con, đã nhiều năm mong mỏi được làm mẹ, chấp nhận số phận là không thể có con riêng nên nhận nuôi một hoặc hai trẻ mồ côi. Và sau một thời gian bỗng nhiên số mệnh lại ban tặng cho người phụ nữ này đứa con của chính mình! Các trường hợp như vậy thậm chí còn xảy ra với những người nổi tiếng. Hiện tượng đó nói lên điều gì? Liệu có thể gọi đó là sự ngẫu nhiên. Vô sinh thường là sự trừng phạt nghiệp báo do đã không muốn có con hoặc không quan tâm chăm sóc con của mình trong quá khứ. Nhưng khi nhận con nuôi, họ đã “xóa” nghiệp xấu bằng những việc làm tốt. Và nghiệp tiêu cực - được hóa giải bởi năng lượng từ nghiệp mới, tích cực - đã rời khỏi vùng hào quang của người đó. Đồng thời đi kèm theo đó là những cơ hội mới, được giải thoát khỏi năng lượng của nghiệp xấu, cơ thể người phụ nữ trở nên có khả năng sinh ra đứa con của chính mình. Lẽ dĩ nhiên, không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Nếu nghiệp của quá khứ rất nghiêm trọng thì cơ thể người phụ nữ đó sẽ có những dị tật bẩm sinh để không thể có con. Tất cả tùy thuộc vào loại nghiệp.
Kinh Thánh Lửa viết rằng nghiệp có nhiều loại khác nhau, trong đó chỉ có một loại không thể sửa chữa được.
Những loại nghiệp còn lại có thể thay đổi, cải thiện đáng kể số phận của con người. Các loại nghiệp và cách hoán cải chúng đã được mô tả cụ thể trong cuốn sách của N. Kovaleva: Bốn con đường nghiệp: Agni Yoga về con người, Vũ trụ, cuộc sống”1. Vậy cần làm gì, nếu không thể thay đổi được nghiệp và số phận gắn liền với nó?
1 N. Kovaleva, Bốn con đường nghiệp: Agni Yoga về con người, vũ trụ, cuộc sống, NXB Matxcơva, năm 2009.
Agni Yoga nói rằng trong những trường hợp như vậy, con người có thể tự giúp mình bằng thái độ đúng đắn với những gì xảy ra đối với bản thân - ví dụ như trường hợp gặp phải những người không dễ chịu - những người do các nghiệp từ kiếp trước đưa đến trong cuộc sống của chúng ta. Nếu một người ứng xử trước những điều tồi tệ trong cuộc sống của mình bằng những lời chửi rủa và nỗi tuyệt vọng, lúc nào cũng nguyền rủa và phản ứng với những gì tồi tệ xảy ra với mình một cách hết sức tiêu cực, thì anh ta sẽ chẳng giúp được gì cho bản thân mình, mà còn khiến tình hình càng trở nên tệ hơn, tiêu phí năng lượng sống quý giá vào những điều không cần thiết. Cách giải thoát khỏi nghiệp xấu không thể thay đổi được trong kiếp sống này là phải bình thản mà chấp nhận nó. Trước tiên, con người không nên đổ lỗi cho tất cả mọi người và mọi thứ vì bất hạnh của mình, mà phải suy ngẫm về những gì đã xảy ra trong cuộc đời không đúng như ý nguyện của mình – và rút ra kết luận cái gì là nguyên nhân thực sự cho những bất hạnh hay hoàn cảnh không mong muốn. Thứ hai, con người cần chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc đời mình một cách tiết chế cảm xúc. Khi một người đau khổ vì gặp phải những người không đáng gặp, hoặc giả dụ như có vấn đề về sức khỏe, người đó không nên cáu giận, tìm cách trả thù người có lỗi hay ghen tị với những người khác vì cho rằng Thượng đế hay nữ thần May Mắn đã không công bằng khi không chú ý tới anh ta. Con người không nên ghen tị với người khác và liên tục giày vò bản thân bởi suy nghĩ rằng ai đó thật sung sướng, có mọi thứ cần thiết, còn mình lại chẳng có gì, trong khi người kia thậm chí còn tệ hơn cả mình. Suy nghĩ và cách sống như vậy sẽ không dẫn tới điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta phải chấp nhận nghiệp của mình một cách bình tĩnh, không than vãn, không trách móc, và phải hiểu rằng trong kiếp sống tiếp theo số phận của chúng ta sẽ tốt lên nếu trong kiếp này chúng ta không tạo ra những nghiệp xấu mới bởi những hành động và suy nghĩ sai lầm.
Học thuyết Kinh Thánh Lửa có nói rằng đau khổ là thầy giáo bất đắc dĩ của mỗi người trên con đường phát triển tâm linh và giải quyết các nghiệp xấu đã tích lũy. Muôn mặt Agni Yoga viết:
Sự giải thoát không hoàn toàn là giải phóng con người khỏi đau khổ, bệnh tật và thanh toán những món nợ nhân quả, mà là để thức tỉnh linh hồn con người hướng tới việc nhận thức được Chân lý, và con đường đó dẫn con người tới Cánh cổng của Thế giới Mới. Vì vậy, mọi nỗ lực để thay đổi nghiệp riêng của một ai đó không thể đem lại kết quả mong muốn. Do đó, Chúng ta không nên vội vàng cầu xin giúp đỡ khi nghiệp không cho phép. Để vào được Thế giới Mới, các món nợ cũ phải được trả đủ.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 11, đoạn 541
Bạn thân mến, nếu nghiệp báo đặt ra những điều kiện nhất định và không thể tránh được, thay vì than phiền và bất mãn, bạn hãy tận dụng tất cả những gì mà chúng đem đến, chẳng lẽ đó lại không phải là cách tốt nhất (...) Xét cho cùng, Cuộc sống là người Thầy tốt nhất. Tại sao lại không nhận những bài học miễn phí mà cuộc sống ban cho. Và có thể đón nhận những điều tồi tệ một cách bình thản, dùng nó để tôi luyện sự vững vàng và sức mạnh chống lại các tác động từ bên ngoài. Vì vậy, những gì đang xảy ra với chúng ta chỉ là bài học và trải nghiệm (...).
Muôn mặt Agni Yoga, tập 1, ngày 22 tháng 3
Hậu quả không thể tránh được, nhưng thái độ khi đối mặt với chúng và cách để chúng tác động lên ý thức có thể thay đổi. Vì vậy, kẻ ngốc thì khóc trước những thiệt hại vật chất, còn người có trí tuệ lại vui mừng vì thấy sự giải thoát. Và cái gì đã gieo sẽ cho thu hoạch, nghĩa là có thể cải thiện kết quả và vô hiệu hóa nguyên nhân bằng nhận thức, vì nghiệp vận hành bất biến trên cơ sở các nguyên nhân đã được tạo tác. Trong tâm, con người có thể khắc phục hậu quả của những nguyên nhân cấp thấp bằng một thái độ khác, mới mẻ, đã thay đổi đối với những hậu quả đã gây ra. Và về mặt này, sức mạnh của con người là vô hạn trước nghiệp. Nói một cách chính xác hơn là nghiệp cấp thấp được thay thế bằng một nghiệp cao hơn, thuộc về tinh thần, không liên quan tới chuỗi hiện tượng nghiệp báo bên ngoài mà liên quan tới thái độ của con người đối với chúng ở trong tâm. Kẻ ngu dốt thì đau khổ, còn người khôn ngoan vui mừng khi thấy mình có thể trả nợ cũ. Người mắc nợ nghiệp nói chung không biết hoàn trả các món nợ cho thích đáng. Do đó, họ đau buồn, than thở, và bất mãn với số phận. Trong khi việc trả nợ nghiệp không có gì khác hơn là quá trình giải phóng khỏi nghiệp. Trả nghiệp và không tạo nợ mới - đó chính là vấn đề. Bởi vì cho tốt hơn là nhận. Người lấy sẽ luôn phải trả lại. Vì vậy, tốt hơn là hãy nghĩ thiện và làm điều tốt, vì nhân và quả là những điểm mấu chốt của một sự việc. (...)
Muôn mặt Agni Yoga, tập 1, ngày 22 tháng 7
Vanga cũng đã nói điều tương tự với những người xung quanh:
Đừng than vãn, hãy trải nghiệm đau khổ! Đau khổ sẽ thanh lọc chúng ta. Để làm sạch một vật, người ta phải rửa nó.
Không ai sinh ra chỉ toàn là hạnh phúc. Có người làm việc giỏi, nhưng gia đình lại không hòa hợp. Người khác đầy đủ sung túc thì lại có vấn đề về sức khoẻ. Có người khỏe mạnh, nhưng con cái hay ốm yếu, v.v... Trong cuộc sống của mỗi người cái tốt đi kèm với cái xấu. Con người tạo thành như thế và thế giới cũng vậy. Mọi người đều cần kiên nhẫn.
“Đừng mong ước quá nhiều”
Tất cả các bậc trí giả trên thế giới - đặc biệt là những bậc Thầy tâm linh - khuyên mọi người không nên theo đuổi của cải vật chất. Sự giàu có và “cuộc sống ngọt ngào” không chỉ cản trở sự phát triển tinh thần của con người mà còn là gánh nặng cho nghiệp lực của họ khi nó cố tình “trì hoãn” cơ hội nhận thức những điểm tiêu cực của nghiệp đến từ những kiếp trước. Kết quả là trong một kiếp sống như thế, con người có thể giống như câu ngạn ngữ Nga nổi tiếng mô tả: “pho mát trượt trong bơ” - ý chỉ cuộc đời “thuận buồm xuôi gió” - song sang kiếp khác lại phải trả nợ ngay các nghiệp xấu của cả vài kiếp sống. Xét cho cùng, nếu một người đã từng sống một cuộc sống giàu sang và thậm chí còn may mắn nữa, thì rõ ràng là việc tiêu trừ các nghiệp tiêu cực từ kiếp trước sẽ được chuyển sang các kiếp khác trong tương lai. Nếu không thì khi nào con người mới có thể loại bỏ chúng được? Nghiệp xấu cũng cần phải hoàn thành chứ!
Vì vậy các văn bản của Agni Yoga viết:
...Trả tốt hơn là nhận, vì mỗi lần trả nợ là kết thúc một nghiệp trong quá khứ, trong khi đó nhận có thể sẽ kết nối lại các nghiệp của mình.
Các dấu hiệu của Agni Yoga, đoạn 238
Vanga cũng nói điều tương tự:
Đừng mong ước quá nhiều – bạn sẽ không thể trả hết được điều đó.
Những lời nói này ẩn chứa một trí tuệ lớn. Trong cuộc sống con người, tất cả mọi thứ nên quân bình. Con người càng sung sướng nơi trần thế thì sẽ càng gặp khó khăn khi sống ở một cõi giới khác sau khi chết, chưa nói đến các kiếp sau. Tất cả chúng ta đều mong muốn cuộc sống sung túc. Nhưng sự giàu có lại tiềm ẩn những nguy hiểm không nhỏ cho sự phát triển tinh thần của con người. Sự sung túc về của cải vật chất và cuộc sống nhàn hạ vô tư lự chẳng bao giờ đem đến điều gì tốt cho con người về mặt tâm linh. Bản chất của mọi người đều luôn giống nhau - sự giàu có, theo như quy luật, thường dẫn đến việc tìm kiếm những ham muốn mới. Và sau đó rất ít người nỗ lực hướng tới việc tự hoàn thiện tinh thần, vốn đòi hỏi tính kỷ luật và sự siêng năng không ngừng.
Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu nói rằng luồn một sợi dây thừng qua lỗ kim còn dễ dàng hơn là giúp một người giàu lên được Nước Trời1. Nếu một người nhận được rất nhiều may mắn sung sướng khi ở cõi Trần, thì có nghĩa là kiếp sau của anh ta, ngược lại, sẽ vô cùng khó khăn. Chính Vanga, theo lời bà kể, đã từng là con gái của một nữ hoàng Ai Cập - vợ của Pha-ra-ông, trong một kiếp sống trước. Còn kiếp sống tiếp sau của Vanga là một phụ nữ nông dân mù, hầu hết cuộc đời sống trong cảnh nghèo khó, lao động cực nhọc, một cuộc sống thực sự vất vả khiến ta phải tự đặt câu hỏi vì sao bà phải chịu đựng nhiều khó khăn và đau khổ như vậy.
1 Trong một số bản dịch kinh Phúc Âm, phần này được dịch là cho một con lạc đà đi qua lỗ kim còn dễ hơn giúp một người giàu có lên Thiên đàng. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng, nói chung người giàu cũng có thể bước vào Thiên đường - trong một số trường hợp hiếm hoi ngay cả người giàu cũng có thể thành tựu trong việc tự hoàn thiện bản thân, tất nhiên là với điều kiện người đó đã có nhiều trải nghiệm tâm linh.
Cũng cần phải nói về Nữ thần May Mắn. Nhà văn A. Duma (cha) trong tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo đã đề cập đến những lời truyền miệng của các nhân vật trong tiểu thuyết về một tín ngưỡng Tây Ban Nha cổ: để tránh gặp rủi ro lớn trong cuộc sống, những phụ nữ Tây Ban Nha mê tín từ nhiều thế kỷ trước đã tự cắt một vết sâu ở phía trong của cổ tay, mà người khác không nhìn thấy. Vết sẹo sẽ có ở đó suốt đời. Tại sao họ làm việc này? Người Tây Ban Nha cho rằng nếu họ gặp phải một rủi ro nhỏ - một vết cắt sâu hay vết sẹo - thì có nghĩa là nó sẽ giúp họ ngăn chặn một rủi ro lớn xảy ra theo định mệnh. Tuy nhiên nỗ lực ngây ngô nhằm đánh lừa số phận này thực chất không ảnh hưởng gì đến tiến trình nghiệp. Luật nghiệp báo không chấp nhận những sự hi sinh giả tạo, hay những thứ vô ích như vậy. Nhưng chính việc tồn tại một niềm tin như thế trong người dân đã nói lên rằng từ xa xưa, người ta đã biết đến quy luật cơ bản của cuộc đời và số phận - con người không thể chỉ thành công và may mắn trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta đều tích lũy nghiệp báo tích cực và tiêu cực. Cả hai loại đó đều cần phải được luân phiên thực hiện trong cuộc sống của chúng ta. Nếu số phận quá hào phóng và trong một thời gian dài ban cho một người nhiều thành công và may mắn - điều này có thể tiềm ẩn cả những rắc rối lớn, nếu không nói là rất lớn. Nghiệp tiêu cực được tích lũy, giống như kẻ thù giấu mặt, có thể vào một thời điểm thích hợp nào đó tóm lấy người may mắn và trút hết mọi sức mạnh tiềm ẩn của mình một cách tàn nhẫn và ngay lập tức lên đầu người đó.
Một nhà khoa học nổi tiếng người Nga, Giáo sư K.G. Korotkov, người đã có nhiều năm tham gia vào một trong những môn thể thao nguy hiểm nhất - leo núi, đã dẫn chứng trong cuốn sách Năng lượng từ suy nghĩ của chúng ta của ông một ví dụ về quy luật này qua số phận của nhà leo núi người Nga nổi tiếng Vladimir Balyberdin, người dường như luôn luôn gặp may mắn trong mọi chuyện. K. Korotkov viết:
...Tôi đã viết về các quy luật sinh tử. Một trong các quy luật đó là nếu lúc nào cũng gặp may mắn thì rất nguy hiểm. Những thành công lớn dẫn đến những thảm họa lớn. Tất cả mọi thứ đều phải trả giá. Tốt hơn là đôi lúc nên gặp một số vấn đề nhỏ. Khi đó chúng sẽ ngăn chặn được các vấn đề lớn. Trong môn leo núi, điều đó thể hiện rõ ở mỗi bước đi.
Volodya (cách gọi thân mật của Vladimir) là một nhà leo núi xuất sắc, người đã thực hiện những chuyến leo núi một mình tới những đỉnh núi khó khăn nhất, và tham gia vào một số cuộc thám hiểm dãy Himalaya trong vai trò người dẫn dắt. Nhà leo núi này chưa bao giờ gặp thất bại trong việc chinh phục những đỉnh núi. Anh sở hữu những khả năng leo núi đặc biệt. Anh luôn thực hiện được những dự định của mình. Anh luôn đi trước. Thế nhưng con người luôn mạo hiểm cuộc sống của mình trong mỗi mùa leo núi và đã đạt đến đỉnh cao của bộ môn này lại bị chết vì một lý do hoàn toàn vớ vẩn. Ô tô của anh đã bị một chiếc xe tải chở nặng chạy vượt đèn đỏ với tốc độ 140 km/h vào ban đêm đâm nát. Tài xế đã say rượu.
K. KOROTKOV
Năng lượng từ suy nghĩ của chúng ta, trang 41
Vì vậy - không đáng để than vãn về những sự khó chịu và thất bại nho nhỏ trong cuộc sống! Những điều đó, có lẽ, đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện nghiệp của chúng ta, “che chở” cho chúng ta khỏi những bất hạnh thực sự, thậm chí gây chết người.
Nghiệp và luân hồi
Như đã nêu, luật nghiệp báo gắn liền với một luật vũ trụ phổ biến khác - luật luân hồi. Tất cả các kiếp sống [luân hồi - tái sinh] của chúng ta đều được điều chỉnh bởi luật nghiệp báo. Về điều này E.I. Roerich đã viết:
Luật luân hồi là nền tảng của mọi giáo lý chân chính. Nếu chúng ta gạt nó sang một bên, thì mọi ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta trên Trái Đất đều biến mất. Ngoài ra, ai có thể giải thích một cách thỏa đáng tất cả sự bất công tàn nhẫn khi có người sinh ra thì xinh đẹp, giàu có và hạnh phúc, còn người khác lại phải lê lết sống một cuộc sống khốn khổ, thường là bị tàn tật, hoặc suốt đời luôn gặp phải những điều bất công hay tai họa tồi tệ nhất?
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 03/12/1937
Trong một lá thư khác, E.I. Roerich nêu rằng tất cả phẩm chất đạo đức và tinh thần của một người sau khi chết được bảo tồn và trở thành tài sản của cá nhân trong lần tái sinh mới. Mỗi phẩm chất tinh thần và đặc trưng tính cách của con người là năng lượng cá nhân được tích lũy và luôn đi cùng với người đã sản sinh ra nó ở mọi cõi giới - cả sau khi chết lẫn khi tái sinh ở cõi Trần thế.
Thật sai lầm khi cho rằng “bước qua ngưỡng cửa của cái chết chúng ta sẽ để lại mọi đau buồn, giận dữ và oán trách, các khoản nợ và con nợ, hận thù và căm ghét” và “chúng ta lại được sinh ra một lần nữa mà không còn lưu lại những thứ đó, sạch sẽ và trong sáng, xứng đáng đi vào Thế giới vĩnh hằng.”
Bước qua ngưỡng cửa của cái chết chúng ta không mang theo gì trong số những hành trang đã liệt kê ở trên, nhưng chúng ta vẫn nhận lại được nó. Con người chuyển sang thế giới tâm linh tất cả các đặc tính xấu và tốt của mình, chính con người hoàn toàn giữ lại đặc điểm riêng của mình. (...)
Như vậy, chúng ta sinh ra không phải là thiên thần như vẫn thường được miêu tả. Thông thường, những con quỷ thực sự lại đội lốt những đứa trẻ có vẻ như vô tội. Mỗi cái tôi trong mỗi hiện thân mới đều lưu giữ và mang theo toàn bộ hành trang cũ. Toàn bộ kinh nghiệm tích lũy có thể đi đâu? Rốt cuộc, không chỉ mỗi hành động của chúng ta, mà mỗi ý nghĩ đều tạo ra sự rung động, và chính những rung động đó là năng lượng đi vào cấu trúc của toàn thể con người, cả khách quan lẫn chủ quan. Chính những năng lượng do con người tạo ra đó sẽ là tài sản không thể chuyển nhượng được (nghiệp) đồng hành cùng với con người cả trong cuộc sống mới nơi trần thế. Các nghiệp quả của kiếp trước đi theo con người và trong kiếp sống kế tiếp, con người sẽ tập hợp các năng lượng hoặc rung động đã được lưu giữ trong cõi Trung giới, vì không gì có thể đến từ hư không, do đó, tồn tại một mối liên hệ giữa các kiếp sống và một lớp áo mới tinh tế được tạo thành từ cái trước đó.
E.I. ROERICH
Trích thư ngày 05/07/1938
Về vấn đề nghiệp quyết định điều kiện hoàn cảnh tái sinh của chúng ta và cuối cùng nghiệp có thể sẽ như thế nào đối với con người, Muôn mặt Agni Yoga viết:
Này Đệ tử1, hình mẫu cuộc sống trần thế, được con người lưu dấu trong không gian, cũng chỉ là một phần của dải băng trải dài từ quá khứ vô tận tới tương lai. Các hình mẫu của cõi cao hơn liên kết với hình mẫu [của cõi Trần thế] này, tạo nên bức tranh rất phức tạp. Nhiều sợi được đan dệt trong đó và mỗi giây các sợi mới lại được dệt thêm. Có thể gọi mỗi con người là một thợ dệt hình mẫu của cuộc sống. Trong mỗi kiếp sống, con người được trao cho những bộ khung vững chắc đã căng sẵn vải, để trên đó con người tự tạo hình mẫu theo ý mình. Bộ khung là cơ thể và các đặc điểm của con người, vải là những điều kiện nghiệp khác do các Thần nghiệp chướng đặt ra, còn những thứ khác là phạm vi thể hiện tự do ý chí của con người. Phạm vi này càng rộng thì tinh thần càng cao và cuộc sống của con người càng được điều hành một cách có ý thức. Nhưng bộ khung nghiệp, dù được mở rộng thì vẫn tồn tại ở hình thức này hay hình thức khác. (...)
1 Các bậc Đạo sư gọi các học trò của mình là đệ tử.
Phạm vi thể hiện tự do ý chí của con người rất rộng, mặc dù có vẻ như khuôn khổ nghiệp báo luôn ràng buộc sự tự do đó. Nhưng nghiệp không phải là người cai ngục, mà là một người giải phóng. Nghiệp chỉ trở thành cai ngục đối với linh hồn đi ngược lại sự tiến hóa, còn đối với những linh hồn mang nghiệp cùng đi với mình. nghiệp trở thành đôi cánh bay lên hay các bậc thang dẫn lên cao. Nghiệp phổ biến với tất cả mọi người. Ngay cả các Thần linh1 cũng có nghiệp riêng. Cùng với nghiệp, các Thần linh tiến lên theo các thang bậc Ánh sáng và Cuộc sống. Khi một người tự mình tiến hóa, nghiệp sẽ trở người trợ giúp và thực hiện ý chí con người.
Muôn mặt Agni Yoga, tập 2, đoạn 313
1 Thần linh - đại diện của Thánh đoàn Ánh sáng, những lãnh đạo vũ trụ cho sự tiến hóa của nhân loại.
Nghiệp, được tạo ra cả trong những kiếp trước cũng như trong kiếp cuối cùng, quyết định cả phần bí ẩn nhất trong cuộc đời của một người, hay chính xác hơn là của linh hồn người đó. Đó là những gì xảy ra với thần thức của con người sau cái chết của cơ thể - sự tồn tại sau khi chết của ý thức trong khoảng chuyển giao giữa các kiếp sống trên trần thế.