(1373 - 1414)
Đặng Dung người làng Tả Hạ, xã Tả Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc trấn Nghệ An nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh cùng với cha là Đặng Tất theo Giản Định Đế chiêu mộ binh mã nối nghiệp nhà Trần chống quân Minh (tháng 4-1407). Vua phong Ðặng Tất giữ chức Quốc công, chỉ huy toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Sau khi đã chiếm được Phúc Thanh (thị xã Ninh Bình ngày nay,) Ðặng Tất tiến sang tả ngạn sông Ðáy và ở đây đã đánh tan đội quân 10 vạn người do Tổng binh Mộc Thạnh chỉ huy. Ðây là trận thắng Bô Cô vang dội, được Ðại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Tháng 12 năm Mậu Tý, vua nhà Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh mang ấn Chinh di tướng quân, đem năm vạn quân từ Vân Nam tiến vào nước ta. Dưới sự chỉ huy của Quốc công Đặng Tất, quân ta chém được Thượng thư binh bộ là Lưu Tuấn, Ðô đốc Lữ Nghị. Trận Bô Cô kéo dài từ giờ tỵ đến giờ thân, quân Minh thua chạy, chỉ một mình Mộc Thạnh thoát được về thành Cổ Lộng.”
Ðáng tiếc là sau chiến thắng Bô Cô trước uy thế của Ðặng Tất, bọn nịnh thần đã xúc xiểm Giản Ðịnh ám hại Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân.
Ðặng Dung bỏ vua Giản Ðịnh đem quân về Thanh Hóa rước Trần Quý Khoáng, là cháu vua Trần Nghệ Tông vào La Sơn (Hà Tĩnh) tôn lên làm vua, hiệu Trùng Quang (1409 - 1413). Ðặng Dung được vua Trùng Quang phong chức Bình chương quốc sự, đã cùng vua và các tướng lĩnh Nguyễn Cảnh Dỵ, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu dựng cờ tiếp tục đánh quân Minh. Để đoàn kết, thống nhất lực lượng chống ngoại xâm dưới danh nghĩa vua Trùng Quang, Đặng Dung đã gạt bỏ thù riêng, đưa Trần Ngỗi về tôn làm Thái Thượng hoàng. Lực lượng quân khởi nghĩa phát triển nhanh chóng, thanh thế vang dội. Nhà Minh cử Trương Phụ đem đại binh sang cứu viện. Nghĩa quân chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do không cân sức, nên phải rút về Nghệ An, Hà Tĩnh rồi vào Hóa Châu, dựa vào thế núi sông hiểm trở để chặn giặc. Trương Phụ chia quân làm hai đạo thủy, bộ đuổi theo đến Giả Cảng rơi vào ổ mai phục của nghĩa quân. Trong trận Ái Tử còn gọi là trận Thái Gia nghĩa quân đã tiêu diệt hơn một nửa quân số của giặc. Đặc biệt lợi dụng đêm tối, Đặng Dung với thanh kiếm long tuyền nhảy lên thuyền Trương Phụ định bắt sống y nhưng vì không rõ mặt, nên trong khi giết hết bọn tướng tá hộ vệ thì sáng ra mới biết Trương Phụ nhảy xuống sông tẩu thoát.
Cuối năm 1413, do bị phản bội, vua Trùng Quang, Ðặng Dung, Nguyễn Súy... đều rơi vào tay giặc. Trương Phụ cho giải bằng thuyền vua Trùng Quang và Ðặng Dung về Yên Kinh, Trung Quốc. Trên đường đi, Ðặng Dung làm bài thơ “Cảm hoài” khắc lên mạn thuyền. Ðến gần biên giới, Trùng Quang và Ðặng Dung nhảy xuống biển tuẫn tiết. Bài thơ “Cảm hoài” gây xúc động tới mức nhiều người truyền đọc. Sau mười năm kháng chiến gian khố trường kỳ, vua Lê thái Tổ đã đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi và cử sứ thần sang Bắc quốc giao hảo. Trong đoàn, có một sứ thần biết được tấm gương trung nghĩa của Đặng Dung và bài thơ Cảm hoài, đã tìm đọc và thuộc lòng đưa về nước.
Cảm hoài1
Thế sự du du, nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai: đồ điếu thành công dị
Vận khứ: anh hùng ẩm hận đa!
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma
1 Bài thơ Cảm hoài còn có tên Thuật hoài, hiểu nghĩa là: Nỗi lòng hoài bão.
Dịch nghĩa:
Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.
Dịch thơ:
Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Phan Kế Bính
Sau này vua Lê Thánh Tông đã có đôi câu đối vịnh gương trung liệt của hai cha con Ðặng Tất, Ðặng Dung:
“Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng.”