Trong lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã trải qua nhiều thời kỳ bi tráng... Không kể những thế kỷ xa xưa, như suốt thời kỳ đêm trường Bắc thuộc dài dặc cả ngàn năm, chỉ tính từ kỷ nguyên tự chủ và độc lập ở nước ta, thì đã có biết bao tháng ngày Việt Nam bị quân xâm lược phương Bắc chiếm đóng và đã có biết bao nhiêu cuộc dân Nam quật cường nổi dậy với những trận chiến oanh liệt giành lại non sông. Trong những năm chìm đắm trong nô lệ, trong những trận chiến giao tranh dữ dội ấy nhiều người đã anh dũng hy sinh và nhiều người khác lâm hoàn cảnh éo le, bị đối phương bắt giữ, tù đày. Trong số này có không ít người là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đó là Đặng Dung một võ tướng thời Hậu Trần đồng thời là một nhà thơ còn để lại hôm nay bài Cảm hoài làm trên đường bị bắt, giải về Kim Lăng. Đó là Lê Cảnh Tuân khi biết mình lỡ lầm cả tin nên mắc lừa quân giặc, đã viết Vạn ngôn thư cảnh cáo vua quan nhà Minh lừa lọc, nuốt lời hứa. Trong danh sách còn phải kể tên Nguyễn Biểu, Nguyễn Phi Khanh... Quân xâm lược phương Bắc còn thu đốt nhiều cuốn văn thơ, sách thuốc giá trị, bắt cống nộp nhân tài cùng với ngọc trai, ngà voi, sừng tê giác... Đại danh y Tuệ Tĩnh, sứ thần Giang Văn Minh cùng nhiều người tài giỏi nữa bị chết ở bên Tàu, do đó tác phẩm văn chương thất truyền, thường chỉ để lại trong dân gian những câu đối, những câu chuyện truyền miệng. Ngày ấy, các nhà nho, thầy thuốc, nhà sư... làm thơ bằng chữ Hán, Nôm và ngâm vịnh, đôi khi chép tay tặng nhau. Vì thế sự truyền bá không rộng. Duy chỉ có một người là Lê Quýnh sống sót trở về quê hương cùng với tập Bắc hành tùng ký và 30 bài thơ sáng tác trong 13 năm bị giam ở nhà ngục Yên Kinh.
Việc sưu tầm thơ, văn của những nhà văn, chí sĩ sáng tác trong nhà tù quân xâm lược phương Bắc dưới thời các triều đình phong kiến Việt Nam đến nay vẫn đang tiếp tục.