- Tháng 8/1945: Thanh niên cứu quốc, Vệ quốc quân (Chi đội 23)
- Năm 1954: Kháng chiến chống Pháp kết thúc, về Sài Gòn dạy học, làm thuê kiếm sống và tiếp tục hoạt động cách mạng. Viết báo, làm thơ và viết truyện đăng trên một số tờ báo ở Sài Gòn như Nhân loại, Hừng sáng, Công lý...
- Năm 1960: bị bắt giam trong khám Chí Hòa (Sài Gòn).
- Năm 1962: Ra tù, rời Sài Gòn vào chiến trường (Củ Chi) tiếp tục chiến đấu và làm thơ.
- Sau 30/ 4/ 1975: Hoạt động văn hóa, văn nghệ.
- Năm 1950: Ủy viên BCH Chi hội văn nghệ Nam Bộ.
- Năm 1954: Tổng thư ký hội văn nghệ giải phóng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
- Sau 1975: Chủ tịch hội văn nghệ giải phóng thành phố Hồ Chí Minh.
Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam.
- Năm 1996: Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp VHNT thành phố Hồ Chí Minh
Viễn Phương như tôi đã biết
…Ba mươi năm chiến đấu của dân tộc, Viễn Phương có mặt liên tục ở những nơi gian khổ và ác liệt nhất. Chàng thư sinh 17 tuổi của colège Cần Thơ đi kháng chiến, làm bộ đội trinh sát, co tiếng Pháp nên nói chuyện được với sĩ quan Pháp và qua mặt được nó để đưa bộ đội vào đánh địch; sau đó làm văn nghệ, giáo dục… Chín năm đó, bây giờ viết lại, nhớ lại là cả một huyền thoại. Viễn Phương hay kể lại, nhắc lại trong bút ký, trong hồi ký của mình những năm ấy, những năm không thể nào quên… Cái đáng nói anh là một người viết có giọng điệu riêng. Trong văn chương giọng điệu riêng, cá tính, phong cách riêng hầu như quyết định tất cả. Giọng của Viễn Phương tưng tửng, đùa đùa nhưng sâu bên trong là những tình cảm yêu mến sâu sắc, trầm lắng làm người ta đọc một lần cứ thấy quấn quýt, cảm tình và nhớ mãi. Anh quan sát cuộc đời, nhân vật… tinh tế và nhìn cuộc đời dưới góc độ ít nhiều trào lộng. Còn gì “nghiêm túc” hơn chiến đấu, tù tội, tra tấn, chia ly, chết chóc, hy sinh… Nhưng cuộc đời là vậy, hãy nhìn nó một cách vui vẻ lạc quan vì nó là sự sống sinh động mãi mãi, cuốn hút mãi mãi và thú vị làm sao!
…Viễn Phương là người bề ngoài như nho sĩ mà bên trong thì nghịch ngầm. Chính cái cười và cái trữ tình đi đôi với nhau đã làm nên chất riêng trong toàn bộ tác phẩm của anh. Tất cả các bức chân dung văn nghệ kháng chiến mà anh họa lại bằng hồi ức đều như vậy. Những truyện anh viết về Củ Chi cũng ngời lên những chi tiết đời thường vui vui giữa biết bao ác liệt căng thẳng thành ra câu chuyện anh viết về chiến đấu, chiến trường mà vẫn trữ tình, bình dị… Những người lính Mỹ, khách Mỹ đọc truyện của anh qua bản dịch rất đạt của Vũ Tiến Thống (theo đánh giá của một tùy viên văn hóa ở Tổng lãnh sự Anh duyệt lại bản dịch) chắc sẽ hiểu hơn con người Việt Nam mà họ đã va chạm trong cuộc chiến vừa qua.
Chế Lan Viên đánh giá rất cao truyện của Viễn Phương. Anh có nói rằng người ta thường biết Viễn Phương là nhà thơ, nhưng thực ra truyện của Viễn Phương mới thật đặc sắc.
Thơ của Viễn Phương chân tình, đằm thắm, chân thực…1 Đôi lúc bên cạnh những câu thơ trữ tình của anh, tôi vẫn mỉm cười nhớ lại những câu anh làm trong tù như:
Đen thủi đen thui tợ thổ thần
Chiều chiều nhớ vợ đứng chần ngần
1 Thơ Viễn Phương dễ nhớ, giàu cảm xúc, nhưng không bị lụy, cường điệu nỗi đau... Thơ ông lung linh hình bóng người phụ nữ miền Nam và Mẹ. ấn tượng nhiều mặt về người mẹ rất đậm đà, thắm thiết. Anh viết rất nhiều bài thơ về Mẹ. Người mẹ dưới gầm cầu, những người phụ nữ trong các đề lao, người nữ chiến sĩ hy sinh trong ngọn lửa, những nữ học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn “xuống đường” trong những ngày “bão tố đô thành”, người vợ chiến đấu trong nội thành, chồng ở chiến khu, người mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ, bà mẹ đưa đường các anh bộ đội - bà mẹ ấy nói những lời rất thật, như dặn dò, như lời thề quyết tử: “Ðể má cầm đuốc đi trước, gặp giặc má chúc ngọn đuốc xuống, các con ở sau biết mà tránh. Nếu chúng bắn má chết, tức là chúng báo động các con” (Lời má Sáu).
...Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt, cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ. Không đợi đến Tiếng tù và trong sương đêm, Hoa lục bình trôi man mác tím, bông lau bát ngát nắng chiều hay Chòm xanh điên điển nhuộm vàng mặt nước... Một mái lá khô hanh trong rừng vắng anh cũng đưa vào đấy cái thực, cái hư, rất thơ mà thực, rất thực mà thơ.
(Mai Văn Tạo: Viễn Phương nhà thơ chiến trường, tù ngục, nhà thơ của đời)
Đó cũng là Viễn Phương “thứ thiệt”. Trữ tình đã là khó, trào phúng còn khó và quý hơn.
…Từ ngày ra đi “Mùa thu rồi ngày hăm ba” năm ấy, đến nay, qua ba mươi năm chiến trường, tù ngục, địa đạo qua ba mươi năm hòa bình đầy biến động… Viễn Phương vẫn là mẫu người của một thời đại vĩ đại của lịch sử. Cùng với nhiều văn nghệ sĩ khác, còn hay mất, Viễn Phương là một tượng đài bất diệt có sức lay động và cổ vũ những người đi sau.1
1 Lời giới thiệu cuốn sách Hình bóng thân yêu của Viễn Phương, (NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản năm 2005) của Mai Quốc Liên, GSTS Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học.
Viễn Phương tâm sự:
Trước năm 1975 tôi hoạt động khi ở chiến trường, khi trong lòng giặc. Thời gian này tôi viết chủ yếu về chiến tranh hoặc viết về đấu tranh. Tôi luôn quan niệm ngòi bút là vũ khí. Từ sau chiến thắng, tôi vân tiếp tục viết về chiến tranh…Tôi thấy cuộc chiến đấu của dân tộc ta vĩ đại quá, sự hi sinh của nhân dân cao cả quá mà những gì ta có được về văn học chưa tương xứng với tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc… Hơn nữa tôi rất khổ tâm vì cuộc chiến mới qua chưa bao lâu, đã có người cố tình bôi đen lịch sử, xuyên tạc sự thật trên trang viết của mình. Do đó tôi muốn nói lên sự thật, góp phần giúp thế hệ mai sau hiểu đầy đủ và đúng đắn hơn về cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại này. Tôi ước mong sẽ có những nhà văn tài năng dựng lên được những tác phẩm đồ sộ về cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Văn nghệ trong đề lao Gia Định
(Hồi ký của Viễn Phương)
Khi chiều xuống, mỗi “săm” trở thành một câu lạc bộ văn nghệ. Ngoài cửa ngục, hết xếp Mèo (vì nó đi đứng êm ru như con mèo) đến xếp Méo (vì cái miệng nó có tật méo sẹo) luân phiên nhau tuần tra cẩn mật.
Nhưng trong ngục Ban đại diện cũng bố trí người đứng áp tựa song sắt canh gác hai chúng nó.
Khoảng gần tám giờ tối lúc chúng ngồi vào bàn nhậu (đêm nào chúng cũng nhậu, có gì nhậu nấy, có bữa chúng nhậu cả chuột cống rô - ti) thì chúng tôi bắt đầu sinh hoạt văn nghệ.
Ngục sâu hun hút đen ngòm có đến 20 mét chiều sâu, bề ngang độ bốn mét giam giữ trên một trăm tù nhân. Tường ngục đen thui nhớp nhúa có lẽ hàng thế kỷ nay chưa được sơn phết.
Tù nhân nằm, ngồi, đi, đứng, ăn, ngủ, tiêu, tiểu đều tại đó.
Văn nghệ trong tù thật hết sức phong phú đa dạng: Cải lương, hát bội, kịch nói, kịch câm, tấu hài, ca hát, kể chuyện, ảo thuật, ngâm thơ…
Tất cả tù nhân đều là khán thính giả, hầu hết đều là diễn viên, tiết mục không bao giờ cạn. Mỗi người luôn có đôi ba tiết mục “tủ” để dành. Tiết mục “ruột” của tôi là “Liêm pha - Lạn Tương Như”. Ở tù phải biết đoàn kết để đấu tranh chớ!
Tôi mặc quần cụt, ở trần (trong khám ngày đêm đều nóng nực như cái lò sấy) mồ hôi nhễ nhại đứng giữa khám thao thao bất tận kể chuyện Liêm pha - Lạn Tương Như. Tôi hào hứng hấp dẫn, ông Tư Mã Thiên mà nghe được chắc cũng vỗ tay.
Nhưng tiết mục của tôi còn thu xa tiết mục “Mả Tào Tháo” của ông Năm Sanh. Không biết ông này đọc sách nào hay ông bịa truyện giỏi mà kể vô cùng hấp dẫn.
(Sau giải phóng, ông Năm Sanh về công tác ở phòng thương nghiệp quận Năm Ông năm Sanh đã chết bì bệnh hậu. Ông bị chúng nó tra tấn dữ quá).
Trở lại vụ Bí mật mả Tào Tháo, ông Năm Sanh nói ai thoát chết, qua được những cạm bẫy máy móc tinh vi mà ráng vô gần tới huyệt đạo thì đất sẽ nổi trận cuồng phong rồi có đoàn quân ma xông ra giết chết.
Khán thính giả chất vấn: Rồi đoàn quân ma ăn cái gì mà sống?
Không cần suy nghĩ ông trả lời tỉnh rụi: Ăn bánh tét.
Rồi ông kể tiếp: Khi ấy Tưởng tổng tài ra lịnh cho một sư đoàn công binh đi khai quật ngôi mộ Tào Tháo (Sắc lệnh số mấy, ngày nào, năm nào ông có nói rõ). Sư đoàn đào được ba tháng, qua nhiều hầm hố cạm bẫy, qua khỏi cái đèn dầu vĩnh cửu cháy ngàn năm không tắt thì đụng một đòn bánh tét lớn quá xá ề!
Bánh tét gói từ thời ông Lưu Bị tam cố thảo lư tới bây giờ mà nếp vẫn deo dẻo ăn vẫn thơm ngon. Đó là do cái nghệ thuật thời Tào Tháo. Tưởng tổng tài được báo cáo liền ra chỉ thị số… ngày…. đào cho được đòn bánh tét. Đào hai tháng trôi qua, cả sư đòan đều mệt mỏi mà mới đào sạt cái góc phía tây của đòn bánh tét, ai ai cũng chán ngán. Bỗng một tối tiểu đoàn D2 đang đào bới thì lưỡi cuốc va vào vật gì kêu cái “căng” tóe lửa xanh, thì ra chạm phải một tảng đá lớn. Viện Hàn lâm khoa học và Viện khảo cổ Nam Kinh kéo nhau về nghiên cứu mới phát hiện ra đó là một cái cột cây số bằng đá hoa cương thứ đá lấy tận đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, trên mặt có khắc dòng chữ lạ, nghiên cứu mới phát hiện ra đó là dòng chữ: “cent kilometres à nhân” nghĩa là còn đúng một trăm cây số thì tới nhân bánh!
Anh em cười lăn cười lộn còn ông Năm Sanh thì vẫn tỉnh rụi vừa lau mồ hôi trán vừa lẩm bẩm:
- Đ. M… Nói dóc mà cứ chất vấn hoài thì làm sao nói được.
Tám giờ hơn.
Thằng Mèo thằng Méo đã say quắc. Tiết mục ngâm thơ bắt đầu.
Thơ Tố Hữu hình như tù nhân ai cũng thuộc ít bài.
Bây giờ đêm đã khuya, ngục thất thật âm u buồn thảm. Tù nhân đã trở về với thực tế nhà tù.
Thơ Tố Hữu ngâm lên âm âm trong nhà ngục.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Những lời thơ tưởng như bình thường mà sao giờ phút này, trong hoàn cảnh này nó đi sâu vào trong tâm hồn mình đến thế? Rồi:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề tận cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Bài “trăng trối” tôi đã được anh Huế Cương đọc cho nghe từ hồi tôi còn ở bộ đội trong kháng chiến chống Pháp mà nay nghe lại trong ngục tù nó mới thấm thía làm sao? Đó là một bài thơ, đó cũng là một lời nhắn nhủ, lời tâm sự não nùng, đó cũng là bài học tiết tháo làm người:
Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ
Sống đã vì cách mạng anh em ta
Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà
Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng
Lòng khỏe nhẹ như anh dân quê vui sướng
Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành
Và trong mơ thơm ngát lửa đồng xanh
Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng
Đã khuya rồi.
Tiếng kẻng tù vang lên lạnh lẽo. Giờ tắt lửa. Ngục tù hoàn toàn im lặng, nhưng tôi biết rõ rằng mọi người vẫn còn thao thức, trăn trở suy ngẫm về những bài thơ, về những cuộc đời, suy nghĩ về một thái độ làm người, về một thế đứng làm người để sáng mai còn mặt đối mặt với quân thù trong những cuộc điều tra bổ túc những cuộc tra tấn man rợ ở Nha tổng giám đốc công an, sào huyệt của bọn quỷ dữ đội lốt người.
Và tôi hôm nay, khi những ngày máu lửa đã qua, nhìn lại thời ấy, nhìn lại đời mình, xin chân thành cảm ơn thơ Tố Hữu xin vô cùng cảm ơn anh Tố Hữu.
Và tôi hiểu trong cuộc đời cách mạng thủy chung trong sáng này có biết bao người suy nghĩ như tôi.
Ngày 10/ 6/1994
Nhớ thương anh Quách Vũ
( Trích Hồi ký của Viễn Phương)
…Ta đại thắng ở Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ-neo được ký kết. Tây rút về tây. Nhạc sĩ Quách Vũ được bố trí về Sài Gòn công tác.
Tôi cũng được phân công về Sài Gòn. Trước khi đi, các anh dặn dò kỹ lưỡng: Về trển lo ổn định việc ăn việc ở. Khi ăn, ở đã an bài tức khắc có người của tổ chức đến liên hệ, móc nối, trao công việc.
Một hôm đi làm về đã thấy ông Quách Vũ ngồi đợi ở nhà.Thấy tôi, ông cười cười rồi rỉ tai: “Tụi mình sinh hoạt cùng tổ”. Rồi ông đi. Ba hôm sau ông trở lại giao cho một bó truyền đơn bằng đòn bánh tét.
Thấy ớn quá, nhưng Đảng giao thì phải ráng. Chiều, cơm nước xong độ tám giờ tối, hai vợ chồng dắt díu nhau đi rải truyền đơn.
Độ ba hôm sau ông lại đến thảy cho một bó truyền đơn bàng cái gối. Cứ đều đều như vậy. Đêm nào cũng đi rải truyền đơn, sợ bị lộ, sợ bị bắt mà để ở nhà càng sợ hơn. Đồ “quốc cấm” mà! Vợ tôi cằn nhằn: Bộ có bao nhiêu truyền đơn ông Quách Vũ ổng áp tải giao hết cho mình sao vậy cà?
Tôi không nói gì nhưng nghĩ thầm: Truyền đơn đêm nào cũng rải hoài không hết, chắc có bữa vô Chí Hòa.
Họp tổ ở nhà tôi độ ba bốn lần rồi, tôi nhắc nhỏ: Phải dời địa điểm thôi. Họp lì một chỗ dễ “hôi ổ”.
Ông có vẻ ngẫm nghĩ, rồi gật đầu, phán: Kỳ tới họp chỗ khác. Tôi sẽ báo sau.
Ông dắt xe ra cửa. Nhìn ông trèo lên chiếc xe mô bi lết sơn mầu xanh lặc lìa gò lưng đạp, tôi nghĩ: Đi cái xe cũng kỳ hình dị tướng không giống ai, sơn màu xanh lá cây in con rắn lục. Thành phố này chắc không có chiếc thứ hai… Nó mà chú ý… Sợ e có ngày…
Ông đã rồ ga, máy nổ rầm rầm như chiếc xe ủi đất, khói bay như cháy nhà, cả xóm bước ra nhìn theo…
…Đùng một cái, ông Quách Vũ bị bắt. Trung tá cảnh sát ngụy Quách Vinh Cung, cháu ông cũng bị bắt luôn. Biến động rồi!
Tôi bỏ nhà, tức tốc dắt vợ con trốn tuốt về tỉnh.
Vô tù ông Quách Vũ bị tra tấn đánh đập tơi bời.
Rồi ông bị đày ra đảo. Ra đảo đâu có được yên. Ít bữa ông bị điều về đất liền đối chất. Đó là vì anh em bị bắt sau ai cũng đổ trút là cơ sở của Quách Vũ.
Cũng tại anh em mình không hiểu được cái thâm độc của thằng Mỹ.
Anh em rút kinh nghiệm thời Pháp. Tù nhân ai được kết thúc hồ sơ, lãnh án đi đày rồi thì dù có bị khai thêm bao nhiêu sự việc nó cũng bỏ qua.
Còn thằng Mỹ bây giờ thì khác, tù chính trị dù đã bị đày lên rừng xuống biển gì, nhưng lỡ có bị khai thêm, nó lại lôi cổ về, điều tra bổ túc, lại tiếp tục tra tấn đánh đập
Ông Quách Vũ được nhiều anh em “chiếu cố”, bị điều tra bổ túc nhiều lần, sắt thép còn phải tan hà, huống da thịt con người.
Còn tôi, luồn lách mấy năm rồi cũng bị bắt tống vào biệt kích II.
Trên tổ quốc mình mà mình lại là kẻ “vô địa dung thân”. Nó đánh đập tra tấn cho bầm dập rồi đem nhốt trong đề lao Gia Định. Sau đó nó lại đưa qua Nha tổng giám đốc cảnh sát công an điều tra bổ túc, lại tra tấn đánh đập chán chê rồi mới kết thúc hồ sơ tống lên Phú Lợi. Lên Phú Lợi tôi được sung ngay vào tổ rửa chén. Sau mỗi bữa ăn tôi phải rửa muỗng đĩa, tô chén cho ba, bốn trăm tù nhân. Ở đây giặc không cho dùng đũa vì đũa có thể đâm vào mắt hặc đâm vào cổ tự tử được.
“Khổ quá, chết còn sướng hơn” Anh em thường nói như vậy. Rửa chén thiếu xà bông lại không có nước tắm. Mới nửa tháng qua mà ghẻ lở đầy mình. Ghẻ gì kỳ lạ lắm. Da trơn thịt liền bông mụt nổi lên chong bóng. Rồi mụt bể ra, nước chảy tới đâu, da lở lầy nhầy tới đó. Tôi có cảm giác là da thịt mình đã mục cả rồi.
Thấy tôi ghẻ lở dơ dáy, “thầy chú” cũng gớm liền đưa qua tổ “nhà thùng”. Tổ này chuyên đi gánh phân để ủ trồng rau cải. Tổ này tuy dơ dáy nhưng mỗi ngày được tắm hai lần, mỗi lần tắm được phát hai người một thùng nước, lại được thảnh thơi đi vòng vòng trong trại để gánh phân. Thế là sung sướng.
Có bữa tôi vừa gánh phân vừa làm thơ.
Thơ rằng:
Đen thủi đen thui tợ thổ thần
Chiều chiều nhớ vợ đứng chần ngân.
Cơm ăn ba bữa lưng lưng dạ
Cứt gánh hai thùng oải oải gân..
Trước có đánh Tây làm chiến sĩ
Sau từng múa bút gọi văn nhân.
Ở tù chỉ có hai quần cụt
Hết áo nên tôi thích ở trần.
Một bữa đang gánh phân đi nhởn nhơ. Trực ngó qua bên trại “lao – cùi - điên” tôi bỗng giật mình. Ông già nào mặt mày đầy râu ria, lông lá mà trông dáng quen quá.
Trong trại tập trung Phú Lợi có một nhà lao nhỏ chúng dùng để nhốt riêng những tù nhân bị các bệnh nguy hiểm “lao – cùi - điên”. Trại này không ai dám héo lánh tới gần. Nhưng tổ nhà thùng thì bắt buộc phải vào lấy phân.
Tôi để ý nhìn xem ông già này là ai mà coi có vẻ quen quá. Cái ông già nhỏ thó, gày gò, xanh xao, tóc dài râu rậm giống hệt “kim mao sư vương” ấy, sáng nào cũng xách cái lon “gô” đựng đồ ăn thừa ra ngồi cú rũ bên thềm lò phơi nắng. Ông ngồi bất động hàng giờ, đầu gục giữa hai gối, im như pho tượng. Một hình ảnh bỗng vụt thoáng qua trong đầu tôi: hình ảnh ông Quách Vũ tóc tai rũ rượi lù xù ngồi gục đầu núp mưa núp gió sau lưng tôi, cái ngày anh em tôi chèo xuồng trong giông tố trên sông Trèm Trẹm.
Phải rồi ông Quách Vũ! Suýt nữa tôi la lên.
Nhưng đâu phải… Ông Quách Vũ hồi đó vạm vỡ phương phi linh hoạt bông bắn. Còn ông già này xanh xao, nhỏ nhắn, dơ dáy, u xù. tướng tá chỉ bằng nửa ông Quách Vũ ngày xưa…
Chắc là không phải rồi… Chắc người giống người…
Muốn hỏi mà không dám… Ở đây người quen dầu là ruột thịt cũng cấm nhìn nhau, đừng nói đến chuyện hỏi nhau. Hỏi nhau, nhìn nhau, liếc nhau đều mang tội “giao dịch bất hợp pháp”. Tội này nặng lắm, phải đi phòng tra Cây Mít đối chất với hung thần Phú Lợi, Trung sĩ Trị, mà nhẹ nhất cũng ăn hai chục “roi thần đánh chẳng cần khai”.
Muốn bỏ qua! Xem như người không biết mà sao dạ không đành, cứ mãi vấn vương.
Một buổi trưa vắng vẻ, tôi gánh hai thùng phân cố đi sát cạnh ông già và liều tằng hắng một tiếng. Ông giật mình ngẩng lên. Mắt ông chạm mắt tôi, một tia sáng vụt lóe lên. Miệng ông nở nụ cười méo mó. Đúng là ông Quách Vũ. Ông đã nhận ra rồi!
Ôi! Mà sao ông tàn tạ đến thế! Còn gì nữa đâu? Còn đâu chàng sinh viên trẻ tuổi, lanh lẹ, hoạt bát, hay nói, hay cười. Giờ đây chỉ còn một ông già râu tóc rối đanh, suốt ngày ngồi ho lụ sụ bên thềm lò, giữa một đám lao cùi điên ghê tởm.
Chưa đầy năm năm qua, ngục tù, tra tấn đã cướp hết những gì là đẹp đẽ, tài hoa, tinh anh ở nhạc sĩ Quách Vũ rồi, chỉ còn để lại một cái xác già còm cõi ghẻ lở tanh hôi và nhung nhúc những vi trùng.
Khoảng tháng tư năm 1961 tôi ra tù.
Ít năm sau tôi được tin anh Quách Vũ cũng ra tù và được đưa về R công tác.
Tôi vui mừng vì ở R có điều kiện bồi dưỡng, chữa trị.
Tôi hồ hởi trong lòng đinh ninh sẽ về R nhậu với anh một bữa “đã đời”.
Nhưng đột ngột một tin buồn vụt đến. Nhạc sĩ Quách Vũ đã từ trần. Anh em kể lại: Chiều ngày 6-3-1966 anh xuống bờ suối để hái lá bứa nấu canh chua. Anh đang nhón chân hái lá bỗng dưng máu trào òng ọc. Anh té xuống gốc cây. Nắm đọt bứa xanh nhuộm đầy máu đỏ.
Máu cứ trào, trào mãi. Những vết thương dập tim dập phổi ở chốn lao tù cộng với vi trùng lao, cộng với những bình toong rượu giải sầu cho một số kiếp u buồn đã giết cuộc đời anh, một sinh viên, một nhạc sĩ tài hoa bất hạnh.
Anh chết lúc 3 giờ chiều ngày 9 tháng 6 năm 1966.
Viễn Phương (Tháng 5/ 1995)