- Năm 1960, hoạt động bí mật nội thành Sài Gòn, bị địch bắt giam, đày ra Côn Đảo cho đến ngày 30/ 4/1975.
- Bài ca lâm trận (Thơ - NXB Văn nghệ Giải phóng, 1957)
- Chủ biên, cố vấn nhiều cuốn sách, cuốn phim (Côn Đảo - ký sự - tư liệu, NXB….1996; Phim tư liệu lịch sử truyền hình nhiều tập (Hội nghị Paris về Việt Nam, Tết Mậu Thân 1968, Biệt động Sài Gòn…)
- Năm 1950: Bí thư tỉnh ủy Quảng Trị
- 1961-1967: Ủy viên Ban tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam.
- 1980-1986: Ủy viên Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam ở Campuchia
- 1986 - 1991: Ủy viên BCH TW Đảng CSVN, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương.
- 1991-1996: Phó bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh
- 2004 - 2009: Phó chủ tịch UB Mặt trận tổ quốc TP Hồ Chí Minh.
Giáo sư đỏ trong chuồng cọp Mỹ
Năm 1970, khúc ngoặt lớn trong đời tù Côn Đảo của tôi.
Don Luce, nhà báo Mỹ, dựa vào phái đoàn quốc hội Mỹ mà xâm nhập được vào các Chuồng Cọp. Ông ấy đã chụp được những tấm hình xác thực về cuộc sống sắt máu của tù nhân trong “địa ngục của địa ngục trần gian” này rồi tung lên trên các báo Mỹ khiến cả thế giới phải bàng hoàng sửng sốt.
Đúng là năm 1970, Chuồng Cọp Côn Đảo đã trở thành lời nguyền rủa linh thiêng của nhân dân thế giới làm cho ngụy quyền Sài Gòn không thể nào phủ nhận sự thật vô cùng ghê tởm ấy. Nhưng họ đã đối phó với những lời lên án của loài người tiến bộ ấy bằng những thủ đoạn mà đến ngày nay nhìn lại ai cũng phải bất ngờ.
Họ tuyên bố rằng Chuồng Cọp là do Pháp xây dựng nên từ năm 1940 và bây giờ Chính phủ VNCH quyết tâm phá bỏ. Họ cho quay phim cảnh đập phá Chuồng Cọp (tốc mái, gỡ song sắt trên các đường boong…) và cho nhốt vào trong đó vài chục con thỏ để trương lên tấm bảng đề “Chuồng nuôi thỏ” ở chính nơi Chuồng Cọp Pháp cũ. Tất cả những người tù bị xiềng nhốt trong Chuồng Cọp bấy giờ được di chuyển đến các lao hầm cấm cố khác (thì trên Côn Đảo ngoài Chuồng Cọp ra còn có những Chuồng Bò, Hầm Đá… các loại nữa mà!) và chế độ giam cầm có phần cải thiện.1
Tôi còn nhớ hồi ấy tôi được đưa về nhốt tại khu Hầm Đá lao III, mỗi ngày được ra tắm nắng nửa giờ, mỗi tuần được ăn rau 1 lần, Trưởng Trại đến báo tin là Ban Quản đốc cho phép (thực sự là cố ép) viết thư về gia đình, nếu có tiền sẽ được mua thuốc hút và nước tương hoặc “xì dầu” mà mấy tên trật tự canh gác sẽ giữ giùm cho, khi nào dùng chúng sẽ cho “cỏ-vê”2 mang tới. Tất nhiên là trong hầm, ngoài bộ áo quần mặc trên người, tôi không được giữ bất cứ vật gì nhọn cứng, hay cái gì có thể tết lại thành dây thừng để leo rào vượt ngục. Tuy nhiên, trong tiết trời mùa đông rét buốt, Trưởng Trại “ban ân huệ” cho một cái mền giấy để đắp; khi bệnh nặng, được gọi cấp cứu và y tá tù sẽ đến cho thuốc.
1 Đây chỉ là 1 màn kịch ngắn diễn ra trong thời gian họ xây dựng mới Chuồng Cọp Mỹ mà họ gọi bằng cái tên rất hiền lành là Trại VII hay Trại Phú Bình.
2 Lao dịch, đây là những người tù khổ sai được chúng sai đi đưa cơm nước cho tù bị cấm cố biệt lập
Những thay đổi này đối với một người bị nhốt trong Chuồng Cọp nhiều năm như tôi thật là to lớn.
Chỉ vài tháng sau, tôi tự thấy thịt da mình đổi khác. Từ chỗ gầy gò vàng vọt, tôi nom có vẻ hồng hào mập mạp (thì bọn trật tự cũng thường trầm trồ như thế). Rồi mẹ tôi được tàu chở ra Côn Đảo thăm tôi và cho tôi hai bộ bà ba bằng vải dù đen rất bền chắc. Không hiểu sao Trưởng Trại cũng cho tôi được giữ luôn bên mình một bộ đồ đó, âu cũng là một điều đặc biệt đối với những người tù bị biệt lập. Lâu lâu tôi lại lấy bộ áo quần của mẹ cho ra hít hít mùi vải mới thơm hăng hắc mà cứ mơ màng tưởng tượng dòng sữa mẹ ngọt ngào.
Một hôm tôi đang còn giờ tắm nắng thì bọn trật tự từ bên ngoài rần rật chạy vào giục tôi vô hầm ngay. Tôi biết là chúng sắp chuyển người mới tới khu Hầm Đá nên cố ý chần chờ trì hoãn để nhìn xem. Rồi tôi thấy hai tên trật tự xốc một ông già dáng người cao mà gầy, mặc phong phanh một làn áo mỏng, có lẽ từ một cuộc đấu tranh nào đang nóng.
Tôi bị nhốt trong hầm số 14 ở cuối dãy, ông già kia thì ở hầm khoảng 11, gì đó. Ngày hôm sau, được ra tắm nắng như lệ thường, tôi cố ý đi qua đi lại trước mấy căn hầm ấy. Tôi nghe tiếng cây sắt còng khua rổn rảng ở bên trong. Khi bóng đêm đã lan trùm dãy hầm đá, tôi bỗng nghe tiếng ngâm thơ dìu dịu vẳng sang: một giọng Huế hơi nằng nặng âm ấm ngân lên lời thơ Tố Hữu chứa chan tình cảm quê hương tôi:
“Huế ơi quê mẹ của ta ơi!…”
Và câu thơ quen thuộc này cứ lập đi lập lại mãi, hình như người ở hầm bên kia muốn nhắn cho tôi một ý tứ gì đó. Theo một phản xạ tự nhiên, tôi bỗng bật lên bài thơ “tiếng hát tử tù”. Trong bóng đêm hầm đá phút chốc có trạng thái thơ nhạc khác thường. Mãi cho đến khi những tên trật tự canh gác lên tiếng bảo “khuya rồi” tôi mới thôi1.
1 Trước đây mà hát hò như thế thì bọn trật tự sẽ mở cửa hầm ra đánh cho 1 trận “nên thân”.
Mùa đông ở Côn Đảo không có cái rét buốt xương của miền Bắc nhưng vì không có áo ấm, nên người tù cũng chẳng thấy dễ chịu gì. Tối tối tôi không còn nghe tiếng ngâm thơ ở phòng bên kia vang lên nữa. Một bữa trưa, người lao dịch đưa cơm đến hầm tôi báo cho tôi biết là ông già ở hầm đầu kia co quắp vì không chịu đựng được rét, tôi mới lấy bộ áo quần của mẹ mới cho đưa tặng cho ông. Mấy ngày sau, trong buổi ra tắm nắng ở sân, tôi nhận được một tấm lá bàng vê tròn lại ném ra từ căn hầm ông già ấy. Tôi nhặt lấy, tất nhiên là phải kín đáo không để cho bọn trật tự trông thấy và đem về hầm mình. Điều này cũng dễ dàng thôi vì dạo rày bọn trật tự buộc tôi phải tự mình dội rửa thùng cầu và tự lấy lá bàng làm giấy vệ sinh. Tôi mở tấm lá ra, đọc những dòng chữ nhỏ có lẽ được viết bằng một cái xương mắm :
“Áo lọt phòng giam, áo đến đây
Ôm hôn áo mới nhớ câu này:
Thương nhau cởi áo cho nhau mặc
Mẹ hỏi, qua cầu để gió bay”
Tuy chỉ 4 câu thơ đơn giản, nhưng tôi cũng nhận ra ngay tác giả nhất định phải là một người học thức cao rộng, chứ không phải là “loại lục lục thường tài”. Rồi tôi hỏi thăm về người tù già yếu này, với người lao dịch, với ngay bọn trật tự mà đôi khi bâng quơ chúng cũng tiết lộ một số điều. Dần dần tôi được biết ông là người xứ Huế, nhà giáo, nhà báo, nhà văn gì đó mà bọn trật tự kháo nhau rằng ông là “thành phần lãnh đạo”, ở cái lao 5 ấy, anh em tù chính trị xem chừng rất kính phục ông và các “quan” trên có căn dặn không được “làm ẩu”, “cá mè một lứa” như những người tù khác.
Từ ngày về Hầm Đá lao III, tôi được viết thư về thăm gia đình, được mua thuốc lá để hút cho nên vấn đề viết lách đã trở thành dễ dàng thuận lợi. Đến kỳ viết thư về thăm nhà, tôi tranh thủ sử dụng bút chì bút mực của nhà lao viết cho ông 1 bức thư tương đối dài trên tờ giấy cuốn thuốc hút mà tôi được mua ở căn-tin, bày tỏ những tình cảm rất chân thật mà mấy câu thơ của ông dấy lên trong tôi, thông báo một số tình hình nhà lao có liên quan đến tôi, rồi tôi bẻ một khúc ruột bút chì kèm theo một tập giấy cuốn thuốc lá gởi cho ông (tất nhiên là qua người lao dịch quen biết).
Mấy hôm sau, tôi nhận được thư trả lời và lần này thì ông gọi đúng tên tôi qua báo đài miền Bắc và cả miền Nam nữa. Ông tự giới thiệu là người giảng dạy triết học, “đồng nghiệp và đồng hương với nhà giáo nhà thơ Lê Quang Vịnh” khiến tôi giật mình vì ông biết về tôi quá rõ, quá chính xác. Tôi gởi cho ông một bài thơ luật Đường mà tôi đã cảm hứng làm hồi còn ở Chuồng Cọp (tất nhiên là chỉ trong trí nhớ):
Mưa trút dầu sôi, nắng lửa bùng
Mùa hè là bạn lũ thù chung
Cá tươi sắp lớp tê tê giãy
Thú dữ cháy rừng vật vã tung
Vôi bột sẵn phà lời tiếng rõ
Nước bùn chực dội áo quần bung
Nửa khuya sao sáng soi hầm tối
Gió nhẹ xoa lòng nặng hiếu trung./.
(Mùa hè Chuồng Cọp)
Sở dĩ tôi chọn gởi ông bài thơ Đường vì thơ Đường có niêm đối luật rất chặt chẽ, đó là thứ thơ riêng của người có học mới biết thưởng thức. Mấy hôm sau tôi nhận được bài thơ họa:
Chuồng cọp thơ anh lưả cháy bùng
Đây thơ hay súng bắn thù chung
Thương người đồng chí hoen tròng mắt
Giận lũ sài lang muốn nổ tung
Cám cảnh lả người cười chẳng tắt
Phục thay địa ngục vẫn cờ bung.
Đến sau tôi quyết noi gương trước
Nghĩa Đảng tình dân vẹn hiếu trung.
Thế là tôi có thể xác định về trình độ và tư cách của ông già này. Ông có học vấn và tâm hồn cao thượng, đức khiêm tốn ở ông đã tỏa bóng trong đáy thẳm lòng tôi. Thơ mà nhất là thơ Đường chính là người, con người cụ thể, tôi đã nhận ra ở đây một nhân cách lớn, một tinh thần cách mạng lớn. Tôi quyết định nhờ ông bổ túc cho những vấn đề triết học mà tôi đang thiếu. Sau đó tôi nhận được những bài triết học viết trên giấy cuốn thuốc hút, rất chuẩn xác mà súc tích ngắn gọn. Có nhiều vấn đề tôi băn khoăn thắc mắc đã lâu, nay bỗng nhiên sáng ra nhờ tính hệ thống của bài ông viết. Tôi thấy mình đang gặp một bậc thầy trí tuệ siêu việt. Rồi tôi cẩn thận chép lại những bài này vào giấy cuốn thuốc hút vê nhỏ lại và bọc trong miếng nilon cho khỏi ướt để chuyển ra các nhà lao khác theo những đường dây bí mật trên đảo mà tôi được giới thiệu.
Thời gian vùn vụt trôi qua và tôi cũng không ngờ nhận thức triết học duy vật biện chứng và lịch sử của tôi lại được hệ thống hóa nhanh chóng đến như vậy. Những cặp phạm trù triết học hóc búa mà tôi nắm được cũng là từ ông. Hôm nay, gần 40 năm sau và được sống trong hoàn cảnh tự do hạnh phúc mà nhìn lại, tôi vẫn không thể phân tích nổi những điều kỳ diệu qua khóa học diệu kỳ của tôi với ông thầy ấy. Hình như tôi đã tiếp thu được cái uyên ảo cô đọng qua từng chữ, từng cụm từ trong những bài giảng viết lí tí trên giấy cuốn thuốc hút bằng khúc ruột bút chì mài sắc nét theo kiểu người xưa học chân kinh. Tây Hán Chí của Trung Quốc có chép truyện Hoàng Thạch Công1 truyền thụ cho Trương Lương binh pháp thời xưa. Tôi thì không thể sánh với Trương Lương được, nhưng ông già lại có dáng dấp của Hoàng Thái Công và những bài triết học ông gởi cho tôi có tác dụng đối với tôi không khác gì Thái Công binh pháp. Thì triết học Mác Lênin không phải là vũ khí sắc bén của người cách mạng sao?
1 Hoàng Thạch Công là thần tiên Đạo giáo thấy Trương Lương đi chơi trên sông, bèn đánh rơi dép xuống sông, rồi sai Trương Lương xuống nhặt, lại giơ chân ra bảo Trương Lương xỏ dép vào, như thế 3 lần, Trương Lương đều tuân lệnh, bèn nói: “đứa trẻ này có thể dạy được đây”, đoạn hẹn sáng sớm 5 ngày sau gặp lại. Trương Lương 3 lần đến mới đúng hẹn, trao cho Trương Lương 1 thiên Thái Công binh pháp, rồi nói rằng 13 năm sau sẽ gặp lại . Nhờ đó Trương Lương tinh thông binh pháp, giúp Hán Cao Tổ (Lưu Bang) lấy được thiên hạ. (theo Từ điển Nho Phật Đạo của Lao Tử, Thịnh Lê. NXB Văn học, 2001, tr 538)
Sau mấy tháng thụ giáo triết học Mác Lênin với ông già ấy, tôi cảm thấy buồn đến nẫu ruột khi ông bị điều đi nơi khác. Rồi năm 1972, 1973 dồn dập tới. Tôi bị chuyển qua Hầm Đá lao II, rồi lao VII ngay thời điểm Hiệp định Paris 1973 qui định phải trao trả tù binh và các nhân viên quân sự và dân sự của cả 4 bên, đồng thời phải trả tự do cho các dân thường bị bắt vì dính líu hoạt động cho bên này hoặc bên kia. Nhưng oái ăm thay, chính quyền Sài-gòn không chịu trao trả, không chịu trả tự do. Trong số hơn 5000 tù chính trị Côn Đảo, họ chỉ trao trả và trả tự do cho khoảng 1000 người, còn lại họ chuyển thành thường án (với danh từ pháp luật của họ là “gian nhân hiệp đảng”), một thủ đoạn lưu manh chính trị vô cùng thâm độc. Tôi còn nhớ hồi ấy “trại 7” đã rung lên vì tiếng hô la phản đối đòi “Nhà cầm quyền miền Nam phải trả chúng tôi về với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam!” Đáp lại tiếng hô la, họ thả bầy trật tự ào vào các phòng giam dùng gậy hèo phang bổ, đâm thọc túi bụi vào những người tù tay không bị nhốt sau song sắt. Tính ra đã có cả chục người bị đánh chết1, hàng trăm người bị trọng thương, chỉ trong đợt mấy ngày đấu tranh đòi trao trả ấy.
1 Sau này, tổng kết chính xác là có 4 người địch bị đánh chết trong đợt ấy (chỉ 1 ngày thôi).
Rồi chúng tôi bị đưa vào nhốt bên trong khu chuồng cọp mới xây dựng xong cuối năm 1972 gọi là Chuồng Cọp Mỹ. Tôi được đưa vào khu F.
Sau mấy ngày sống trong khu F Chuồng Cọp Mỹ, tôi đã dần dần nhận ra được đây là 1 khu vực nhốt tù tương đối có văn hóa cao: các loại cán bộ chiến sĩ cách mạng, thanh niên sinh viên học sinh trong lao tù tham gia vào những phong trào đấu tranh từ dân sinh dân chủ dân quyền… cho đến chính trị tư tưởng bảo vệ khí tiết đã bị bọn cai tù Côn Đảo sàng lọc rồi dồn vào đây để chúng dễ ứng phó. Ở khu này, anh em tự tổ chức lấy quyền quản lý sinh hoạt tương đối chặt chẽ, đặc biệt là sinh hoạt buổi tối có tính cách như những cuộc thuyết trình về văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…
Thật ra thì các chuyên đề đều có vẻ như ở một trường đại học nhân dân, nhưng về tổ chức thì lại rất đơn giản: một người nào đó am tường một vấn đề gì đó được anh em yêu cầu trình bày cho tất cả cùng nghe, thế là người ấy ngồi trong chuồng mình và nói to lên cho các người khác trong khu (cả khu có 48 chuồng, mỗi chuồng thường nhốt khoảng 2 người, cũng có thể tăng lên đến 3-4 người trong trường hợp bọn cai tù cần dồn chỗ để có thể trấn áp những cuộc đấu tranh mới). Người thuyết trình phải nói rất to và rất chậm, nếu có những người nghe ở xa không rõ, có thể nhờ 1 người khác ở chặng giữa nhắc lại gọi là “chuyển âm”.
Người ở chung hầm với tôi báo cho tôi biết toàn khu F đã trở thành một lớp học phong phú đa dạng với nhiều bộ môn khác nhau kể cả văn nghệ thơ ca cách mạng. Anh Tư Vân được anh em trong khu gọi bằng một cái tên rất kính trọng là “Giáo sư đỏ trong Chuồng Cọp Mỹ” bởi anh luôn luôn giải đáp cho anh em trong khu những vấn đề chính trị triết lý tư tưởng.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng , tôi được về lại khu Sài-gòn Gia Định để công tác. Tổ chức bố trí cho tôi làm việc ở Ban Khoa giáo (thuộc Khu ủy Sài-gòn Gia Định). Thủ trưởng có nhã ý mời tôi đến nhà riêng.
Trong buổi tiếp đó, thủ trưởng mặc bộ bà ba đen và tôi bàng hoàng nhận ra là bộ áo quần năm xưa mẹ tôi đã cho tôi khi bà ra thăm tôi ở Côn Đảo. Thủ trưởng của tôi, đồng chí Trần Trọng Tân, cũng chính là anh Tư Vân, ông già gầy của Trại V bị bắt nhốt vào hầm đá lao 3 vào mùa đông 1971 mà tù cấm cố lao 7 vẫn gọi bằng cái tên rất đỗi yêu thương kính trọng là “Giáo sư đỏ trong Chuồng Cọp Mỹ”.
Lê Quang Vịnh
Nghe tiếng đêm Côn Đảo
Thân gầy, hầm đá, đêm đông
Không chăn, không chiếu, chân còng lạnh tê.
Muỗi kêu, khó ngủ nằm nghe
Ù ù gió thổi, bốn bề lao xao
Ào ào, sóng vỗ ào ào
Nghe như cách mạng dâng trào sục sôi.
Sân tù, xào xạc lá rơi
Cành khô răng rắc gãy rời thân cây.
Kinh hoàng sột soạt dơi bay
Vọng về cú rúc hờn thay oán hờn
Rã rời hoảng hốt thê lương
Nghe như Mỹ ngụy đang cơn suy tàn.
Tắc kè điểm, chó sủa ran
Rù rù tiếng máy giặc tuần ban đêm
Tù đói lạnh, ngủ không êm
Tiếng còng khuya, tiếng ai rên khám ngoài.
Xếp ơi! Ơi xếp! Xếp ơi!
Tù kêu cấp cứu, động trời giấc khuya.
Lắng nghe, nghe nữa, lắng nghe
Đất liền vang tiếng dội về: xung phong.
Lắng nghe nghe cả tiếng lòng
Tình dân nghĩa đảng hiếu trung mọi bề
Lạnh thân lòng ấm ấm ghê
Ta nghe cả tiếng ngày về, vui sao!
Trần Trọng Tân
Nhớ ngày giải phóng Côn Đảo
(Hồi ký của Trần Trọng Tân)
Ngày 29 tháng 11 năm 1861, giặc Pháp chiếm Côn Đảo thì đến đầu năm 1862 thủy sư đô đốc Pháp là Bôn – na (Bonard) cho xây dựng ở đó nhà tù đầu tiên ở nước ta về sau trở thành nhà đày, nơi gian giữ những người có trọng án và những thành phần chúng cho là nguy hiểm.
Lúc bị địch bắt tôi nhân tên tôi là Phan Huy Vân, bị chúng kết tội “phản nghịch” nên đã bị đày ra Côn Đảo.
Đến trước ngày giải phóng, ở Côn Đảo có 8 trại giam trong đó có trại 7 được gọi là Chuồng Cọp Mỹ với 484 xà lim nhỏ trong 8 biệt khu. Chế độ lao tù ở đây rất khắc nghiệt, nhằm giết dần mòn người tù chính trị cả về thể xác và tinh thần. Muốn sống, muốn giữ uy danh cho cách mạng, chỉ có giữ gìn đoàn kết và phải đấu tranh với địch.
Khi biết được Hiệp định Paris có quy định vấn đề trao trả tù, tất cả tù chính trị chúng tôi đã hô la, đòi phải được trao trả. Kết quả là chúng có đưa về đất liền một số để trao trả, số đông còn lại, chúng dùng lực lượng cảnh sát dã chiến cưỡng bức bằng bạo lực, ném lựu đạn cay vào phòng giam, bắt lăn tay, chụp hình, lập lại hồ sơ, biến người tù chính trị yêu nước thành những “gian nhân hiệp đảng”. Cuộc đấu tranh chống lăn tay chụp hình đã diễn ra quyết liệt bắt đầu từ ngày 02/5/1973, có 4 đồng chí đã bị chúng đánh chết (Hồ Chí Tặng, Nguyễn Kim Cúc, Huỳnh Tấn Lợi, Phạm Ngô).
Tháng 4 năm 1975, ở Côn Đảo có 7.448 tù nhân trong đó có 4.334 tù nhân chính trị (494 phụ nữ) không chịu lăn tay chụp hình nhưng vẫn không được trao trả.
Vào lúc 10 giờ đêm ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Phạm Gia Thụy – linh mục cai quản xứ đạo Côn Đảo, sau khi nghe đài phát thanh đưa tin Dương Văn Minh đầu hàng và biết Lâm Hữu Phương chúa ngục đã chuồn khỏi Côn Đảo, lo tình hình sẽ hỗn loạn, đã nhờ ông Đồng – hiệu trưởng trường học ở Côn Đảo cùng ông Hai Rồng – giám thị trại 7, là tín đồ tin cậy đến báo tin là linh mục muốn gặp đồng chí Lê Câu của ta. Khi nghe gọi tên Lê Câu, anh em cho là địch đang đến bắt người, chuẩn bị hô la phản đối.
Lúc nghe rõ, anh em cho đồng chí Tín ra gặp cha Thụy và phân công đồng chí Thành tìm gặp tôi để trao đổi ý kiến. Sau khi nghe đồng chí Thành, tôi nhận định rằng “ Anh Đồng là người tốt, cha Thụy cũng đã từng giúp đỡ anh em tù chính trị, ta nên cử người đi gặp nhưng đừng cử đồng chí Lê Câu. Khi nghe trực tiếp đài phát thanh, biết đúng là Dương Văn Minh đã đầu hàng thì cho phát loa báo tin ngay, báo tin chuyền liên tục, yêu cầu anh em tìm mọi cách thoát ra khỏi nhà giam, gây áp lực buộc Hai Rồng – trưởng trại 7 nộp chìa khóa, mở cửa các chuồng cọp ngay tức khắc”. Tôi vừa nói xong thì đã nghe tiếng loa từ phòng giam đồng chí Lê Câu báo tin Dương Văn Minh đã đầu hàng. Được tin, mỗi nơi mỗi cách, anh em tù chính trị ta đã tìm cách thoát ra khỏi Chuồng Cọp. Tôi ra khỏi phòng số 30 khu F trại 7 vào khoảng 11 giờ đêm ngày 30 tháng 4 năm 1975. Giờ phút này, ở các trại giam, tiếng la hét truyền tin, tiếng đập cửa, nạy song sắt… hừng hực khí thế phá nhà giam tự giải phóng với nỗi mừng vui không lời nào tả xiết.
Ra khỏi chuồng cọp, tôi đến bệnh xá trại 7 thì gặp anh Trịnh Văn Tư từ trại 6 ra. Tôi biết anh Tư từ năm 1962 là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long. Hai chúng tôi bàn, thấy cần phải lập ngay một cơ quan lãnh đạo của Đảng thống nhất trên toàn Côn Đảo.
Khoảng 1 giờ 30 sáng ngày 01 tháng 5 năm 1975, Đảng ủy được thành lập gồm 12 người:
Bí thư: Trịnh Văn Tư – phụ trách tổ chức, địch vận, dân vận.
Phó bí thư: Phan Huy Vân (tức Trần Trọng Tân) – phụ trách tuyên truyền, an ninh, quân sự.
Ủy viên Thường vụ: Mai Xuân Cống – lo hậu cần, quản lý các trại thường phạm, quân phạm ngụy.
Các Ủy viên: Hoàng Phụng, Huỳnh Bá, Lê Văn Triết, Nguyễn Văn Trấn, Lê Tám, Lê Ngọc Quang, Sáu Tín, chị Hai Nhâm – mỗi người một việc, vừa là Trưởng Ban chỉ đạo ở từng trại.
Các việc gấp trước mắt được nêu ra là:
Đến 5 giờ sáng 01 tháng 5 năm 1975, Ủy ban hòa hợp hòa giải dân tộc tỉnh Côn Đảo được công bố gồm có 15 người. Linh mục Phạm Gia Thụy được mời là Chủ tịch. Đệ nhất phó chủ tịch là cựu trung tá quân giải phóng miền nam Lê Câu. Kiều Văn Dậu, nguyên đại úy lực lượng bảo an ngụy được mời làm đệ nhị phó chủ tịch. Tổng thư ký, Phó tổng thư ký, ủy viên quân sự, an ninh, thông tin, kinh tế xã hội chủ yếu do anh chị em cựu tù chính trị nắm giữ.
Chính quyền cách mạng công bố 12 điều kỷ luật và một số chính sách an dân. Cử một số anh em ta vào làm chính trị viên tiểu đội, trung đội; trong “trung đội bảo an ly khai” hai đồng chí Trần Ngọc Tự và Lê Viết Lành được giao nhiệm vụ thành lập một trung đội đến chiếm ngay trại lính Bình Định Vương ở khu vực Sở Ruộng. Ở đây, lính đã chạy trốn, bỏ lại súng và nhiều đạn, lựu đạn. Đến sáng ngày 01 tháng 5 năm 1975, chúng tôi đã thành lập được một tiểu đoàn, trang bị đủ loại súng, có cả đại liên, súng 12 ly 7. Số bị cùm xiềng ở hầm đá trại 2, bị giam đói cũng được giải thoát. 10 giờ sáng, đồng chí Võ Thanh chỉ huy một đại đội vượt Đất Dốc qua Cỏ Ống chiếm đài Loran và sân bay, thu 27 máy bay (10 trực thăng) còn nguyên vẹn do bọn quan chức ở Sài Gòn để lại trước khi chạy trốn ra Hạm đội 7 của Mỹ. Đến 14 giờ ngày 01 tháng 5, một đại đội vượt mũi Cá Mập qua Bến Đàm chiếm chi khu quân sự và đài ra đa trên mũi Thánh Giá.
Chính quyền cách mạng có lệnh cho tất cả công chức ở nguyên vị trí cũ, giữ cho điện, nước, y tế được bình thường, giám thị các trại phải đến trình diện và giao nộp đủ chìa khóa, vũ khí, hồ sơ tài liệu. Số mìn, lựu đạn do tỉnh trưởng quản đốc Lâm Hữu Phương giao cho để ném vào phòng giam, giết hết tù chính trị trên đảo nhưng không ai làm nên họ cũng mang đến nộp.
Chúng tôi phân công anh em xây dựng đài liệt sĩ, sửa sang các mộ cụ Nguyễn An Ninh, đồng chí Lê Hồng Phong, chị Võ Thị Sáu…
Sau khi chiếm cơ quan vô tuyến viễn thông, chúng tôi bảo anh em ở đó cứ tiếp tục làm việc, chỉ đưa một đồng chí ta vào trực tiếp phụ trách. Chúng tôi cho đánh ngay một bức điện “anh em tù chính trị đã thiết lập chính quyền cách mạng ở Côn Đảo từ sáng ngày 01 tháng 5. Yêu cầu được sự chỉ đạo của chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam”. Nhưng cho đến 2 giờ chiều ngày 02 tháng 5 mới có đồng chí Vũ Hồng (Hai Phong) người đã được trao trả về trước đang làm việc ở Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh gọi muốn gặp Hai Tân - tên tôi – cho biết là đã nhận được tin điện, đã báo cho Trung ương Cục, yêu cầu tôi cho biết cần gì để gửi ra. Tôi trả lời là “chỉ mong có một số cờ Đảng, cờ nước và ảnh Bác Hồ”.
Tối ngày 02 tháng 5 có máy bay bay mấy vòng trên bầu trời Côn Đảo. Cho là máy bay Mỹ trinh sát để tái chiếm Côn Đảo vì vùng này có mỏ dầu, Mỹ khó bỏ. Đảo ủy chỉ đạo cho mỗi anh chị em phải mang gạo muối đủ ăn một tuần, đào hầm trú ẩn, dự trù phương án quyết tử chiến đấu chống địch tấn công tái chiếm.
Sáng ngày 04 tháng 5 năm 1975, tàu chở trung đoàn hải quân và một tiểu đoàn bộ binh của tỉnh Bà Rịa do đồng chí Lê Xuân Bột – trung đoàn phó, tham mưu trưởng trung đoàn 172 chỉ huy, cập bến Côn Đảo. Đồng chí Tường chính ủy cho biết là từ sáng ngày 02 tháng 5 năm 1975, được đồng chí tư lệnh hải quân giao nhiệm vụ: “Giải phóng Côn Đảo với điều kiện không được để chết một đồng chí tù chính trị nào”. Thực hiện sự chỉ đạo đó, có 2 phương án:
1. Đưa tối hậu thư buộc địch phải đầu hàng.
2. Nếu có chống cự thì hải quân và bộ binh tấn công đổ bộ chiếm đảo, sử dụng pháo bắn phá các mục tiêu quan trọng, phóng tên lửa vào sân bay, trận địa pháo của địch trên Côn Đảo, giải phóng Côn Đảo, đưa tù chính trị về đất liền.
Tối ngày 02 tháng 5 năm 1975, phi cơ của ta thi hành lệnh không sát để xác minh tin vô tuyến phát trắng (claire) liên tục từ ngày 01 tháng 5 năm 1975 mà Bộ Tổng Tư lệnh bắt được. Biết Côn Đảo đã được anh em tù chính trị giải phóng, ngày 03 tháng 5 Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh mới “Không làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo nữa mà tiếp quản Côn Đảo”. Đồng chí Tường cho biết, nhận được sự chỉ đạo mới này, ai cũng rơi nước mắt vì vui mừng sung sướng.
Ngày hôm sau, đồng chí Tám Hà, phái viên của Chính phủ được Trung ương Cục cử làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Côn Đảo theo tàu ra, mang cho chúng tôi cờ và ảnh Bác. Đồng chí Tám Hà thành lập Đảng ủy trong “đoàn chiến sĩ chiến thắng” gồm 10 người trong số 12 người của Đảng ủy Côn Đảo do chúng tôi đã thành lập, với nhiệm vụ tổ chức cho anh chị em lần lượt trở về đất liền. Chiều ngày 04 tháng 5, sau cuộc mít tinh mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng và đảo ủy chúng tôi bàn giao công việc quản lý Côn Đảo cho Ủy ban Quân quản. Tôi cùng anh em ở Sài Gòn về chuyến tàu chót. Đến ngày 17 tháng 5 năm 1975 thì tàu cập bến Bạch Đằng với sự đón tiếp đầy thân thương của người thân, của đồng bào, đồng chí.
Cuộc nổi dậy tự giải phóng của tù chính trị Côn Đảo đã chấm dứt hoàn toàn hệ thống nhà tù tàn ác của thực dân đế quốc đã tồn tại 113 năm trên đất nước ta, cùng với việc phối hợp rất đẹp với chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng cả vùng Côn Đảo từng được chính quyền Sài Gòn xác định là một tỉnh, thắng lợi đó rất đáng được ghi đậm nét vào lịch sử.