(Chân dung hội họa: Hoàng Tường)
Từ 1963 đến 1966, bị giam tại khám Chí Hoà Sài Gòn.
- Ảo tưởng (tập truyện ngắn- NXB Lá Bối, 1971)
- Bài thơ trên xương cụt (tập truyện ngắn - NXB Trẻ, 2011)
“Bài thơ trên xương cụt”
Số phận tác phẩm, số phận tác giả
Chinh Ba tên thật là Phan Tân Nhựt sinh năm 1934, quê ở làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cùng dòng họ và chi phái với Phan Khôi.
Vào Sài Gòn cuối những năm 50 thế kỷ trước, ông viết văn, làm báo, đã cộng tác với các báo Mã thượng, Nhân loại, Lẽ sống, Ngày mới, Bông lúa, Nghị lực, Giữ thơm quê mẹ dưới nhiều bút danh: Thông Mai, Hạ Thảo, Thảo Nguyên, Cước Nguyên, Trọng Cưu, Phan Phong Chinh, Kiều Mỹ Vân, Hà Thời Đán…
Trọn một đời văn, Chinh Ba chỉ viết khoảng 50 truyện ngắn. Nhưng với một sự nghiệp văn học ngắn ngủi, dở dang vì thời cuộc, ông đã góp phần tái hiện những trầm luân của một xã hội nhiễu nhương và bi đát, với bút pháp giản dị mà có sức nén, khiến cho những ẩn nghĩa của câu chuyện còn có thể kéo dài và lan xa.
Chinh Ba dành phần lớn tác phẩm của ông cho những suy ngẫm về sự sống và cái chết, những cảm nghiệm về thân phận khốn cùng của con người. Đọc Chinh Ba, ấn tượng nhất có lẽ là những hình thù kỳ quái, những số phận dị thường, những cái chết đáng sợ nơi tối tăm, ẩm thấp… Một vài truyện ngắn nghe vọng tiếng kinh cầu hồn, tuy thiếu những bóng ma.
…. Khát nắng vẽ ra một ngục đá lạnh lẽo và tăm tối. Ánh sáng của truyện chỉ là ánh sáng ngập ngừng của một thỏi nắng vàng, một vầng trăng. Truyện không ít những câu văn đẹp đầy chất thơ, nhưng cái lạ nằm ở chi tiết nhiều ẩn nghĩa: một người tù bị chôn vùi phần đời mình trong ngục tối và ước nguyện sau cùng của lão là có một tia nắng rọi thẳng vào mặt mình từ trên vách đá cao, “để sự sống của lão có trong không gian tới ngày này được nhận thực”. Bao ngày qua, lão nằm đó bất động trên hai tấm ván ghép, làm mồi cho bầy muỗi và những con rệp đói, chờ đến ngày chết rục, thúi ình ra như “con chuột già trụi lông nằm phơi bụng trong kẹt xó”. Trên đời này không ai chờ lão và lão cũng chẳng có gì để mà chờ đợi, ngoài một tia nắng vô tâm. “Lão chỉ biết rằng một phần đời người sau cùng của lão đã không có nắng rọi vào. Nên trước khi chết, lão thèm một tia nắng chiếu vào mặt, chiếu vào đôi mắt ngập bóng tối của lão; để da mặt lão nóng dậy lên, để mắt lão nhìn thẳng được mặt trời”. Điều ước tưởng chừng tầm thường và nhỏ mọn ấy đã được đánh đổi bằng chính cái chết của lão. Nắng trở thành ẩn dụ thể hiện nỗi khao khát ánh sáng của một cuộc đời giữa đêm đen.
Thằng Chằng, là một truyện ngắn của những vết thương chưa kín miệng để lại từ cuộc chiến tranh chưa phai. Chẳng hạn vấn đề khác biệt và kỳ thị màu da, mẹ vàng con đen. Thằng Chằng lớn lên trong bối cảnh như vậy. Nó hoàn toàn cô đơn và lạc lõng: “Cả một xóm, cả một làng ai thương nó đâu mà hòng nó chơi với...”. Bi kịch lớn nhất ở chỗ, thằng Chằng chẳng biết cha nó là ai? Bởi tóc nó quắn riết, da nó đen, thì có ai giống nó đâu mà để nhận là cha. Dù cuối cùng, mẹ nó bảo nó gọi một người là cha...
Mồ sống cũng là một truyện ngắn khá lạ, kể về một thanh niên bị tàn phá cơ thể, gần như tự chôn sống mình để cách ly xã hội. Thế nhưng, ở chốn huyệt lạnh, tối tăm tưởng chừng thế gian không hay biết ấy, vẫn có cơ duyên đẩy đưa, để sự sống đơm hoa: “nàng đã thở cái hơi hám đó trong lòng huyệt, nàng đã chung đụng với người đàn ông ở chỗ chật hẹp đó để sinh ra đứa con thơm tho này…”.
Truyện ngắn của Chinh Ba được sinh sản từ những hệ lụy, những số phận trong vòng xoáy của chiến tranh. Do vậy, nhân vật trong các truyện của ông đều là những số phận bi thương, những cái chết không bình an, những cảm xúc dữ dội và bạo liệt,...
Chinh Ba đã kể lại: Toàn bộ tuổi thơ, tuổi trẻ của tôi là những ngày chiến tranh. Khoảng năm 1948, tôi học trung học ở Tam Kỳ. Học trò lúc đầu học ban ngày, sau phải học ban đêm vì ban ngày máy bay chiến đấu cứ thấy chỗ nào có sự sống, ngay cả con trâu con bò đang đi nó cũng nhào xuống bắn.
Gọi là trường trung học nhưng chỉ có một mái nhỏ đủ một lớp bốn năm chục trò sống rải rác trong làng tụ lại. Học trò đi học, mỗi đứa phải tự đào cho mình một cái hầm, có máy bay là nhảy xuống. Lần đó tôi với một đứa bạn đi học, đang đi thì bị một đợt đại bác nã. Hai đứa cầm tay nhau chạy thật xa mong thoát chết, qua một vùng trũng, tự nhiên thấy bạn buông tay mình, tôi quay trở lại thì thấy nó nằm sấp trên mặt nước, đầu đầy máu, óc vung vãi. Đó là lần đầu tôi chứng kiến cái chết. Một lần khác tôi đi qua vùng bị chiếm, trên đường đi thấy một anh đang ở tư thế ngồi bị trúng đạn có lỗ thủng ở ngực xuyên qua lưng, vậy mà anh ấy vẫn sống, đau đớn, ngơ ngác nhìn chung quanh, nhưng lúc đó chẳng ai cứu anh được vì ai cũng lo chạy.
Rồi có lần gặp một người ăn xin, thấy hàm dưới không có, hàm trên dính với cổ họng, chảy nhớt dãi. Từ đó, những hình ảnh chết chóc, người bị biến dạng ám ảnh tôi cho đến khi lớn lên. Ngay cả bây giờ, nhớ lại vẫn cảm thấy những vết thương chiến tranh còn chảy máu chảy mủ, nghe tiếng rên la.
Vậy là khi viết văn, Chinh Ba đã tái hiện sâu sắc về những mảnh đời, những số phận bị cuộc chiến tàn phá. Điều gây ám ảnh không phải là khói lửa trực tiếp của chiến trường mà là những hệ lụy, những vết thương chiến tranh và sự đền bù của tình nhân loại. Nhiều nhân vật của ông là con người kỳ dị và bị khiếm khuyết: một gã khập khiễng với cái chân tàn tật và cánh tay độc nhất; một đứa bé với hai cục môi dày bệu, đỏ hếu như chằn tinh; một người đàn ông có gương mặt bị sứt mất hàm dưới, lưỡi dài và nước chảy lòng thòng như quái vật… Dữ dội và kinh khiếp, nhân vật của Chinh Ba là hiện thân của cái kỳ dị khiến người đọc khó quên.
Chính vì phần lớn những truyện của Chinh Ba là đề tài chiến tranh, chống chiến tranh, cho nên nhà cầm quyền đã không ngần ngại tống nhà văn vào nhà tù.
Điều không ngờ là nhà tù càng rèn luyện cho nhà văn dũng cảm hơn, ngòi bút sắc sảo hơn. Và càng yêu thương con người hơn. Trong tù, Chinh Ba vẫn viết, vẫn tố cáo. Từ trong nhà tù ông vẫn gửi ra nhiều bài báo, truyện ngắn (nhà văn kể lại: Trong ba năm ở tù, tôi viết được truyện nào là gửi ra ngoài ngay, nếu không nó xét bắt được thì còn tù nặng hơn. Có truyện mới chỉ là bộ xương, như vở kịch Pho tượng Linh Mai, sau này tôi viết thành một câu chuyện khác, vì bị cắt bỏ nhiều quá).
Rõ ràng là càng bị tù đày, đàn áp thì sự phản kháng trong con người càng quyết liệt, chống trả càng mạnh mẽ.
Và một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất được Chinh Ba sáng tác trong nhà lao Chí Hòa là truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt.
Bài thơ trên xương cụt là điệu ru buồn của cô đào hát đi tìm người du tử của đời mình: “Điệu hành vân ảo não u trầm, mang cái buồn cổ kính của dĩ vãng, rỉ ngấm qua vách lá, làm ẩm ướt những dòng cảm nghĩ… Hình như nàng sống để hát, và sống bằng tiếng hát của mình”. Số phận trớ trêu, Út Lệ bị người tình phụ bạc rồi phải gá nghĩa với Ba Lò Heo một gã cục súc, vô học. Từ ngày sống với Ba Lò Heo bất kỳ lời ca tiếng hát nào của Út Lệ cũng bị gã tra lệnh dẹp bỏ vì “qua nhiều lần bình giảng thi văn bằng dao, bằng búa và bằng hơi men sặc sụa, lão kết luận rằng câu hát nào của Út Lệ cũng có ý than duyên trách phận, cũng có chút tình kín đáo nhắn gửi người chồng cũ”. Đến hát ru con Ba Lò Heo còn cấm ngặt, chỉ chừa cho mỗi câu: Ầu ơ..ơ. Chiều chiều bắt két nhổ lông/ Két kêu bớ chị, chị đừng ác nhơn. Để cho đỡ nhàm chán, Út lệ buộc phải “sáng tác” bằng mỗi lần hát là thay con két bằng con khác. Riết rồi bắt cả con không có lông mà… nhổ lông! Rồi Ba Lò Heo xăm bài thơ ăn nhậu trên lưng bắt Út Lệ hát ngâm, Út Lệ cũng phải miễn cưỡng làm theo. Vì vậy mà cái vốn liếng văn nghệ của gia đình Út Lệ ngày càng sa sút nghèo nàn dần”. Ba Lò Heo không chỉ quy định Út Lệ phải hát với những câu hát ngô nghê, lạt lẽo và vô nghĩa, mà theo hắn định nghĩa “văn nghệ là sự tẩm quất dục vọng hoặc là sự làm đã ngứa chỗ xương cụt, nên lão đã đặt cơ sở nền văn nghệ trên chiếc xương cụt của lão”. Cố dằn lòng chịu đựng Út Lệ dùng lời ca để biểu thị thái độ của mình: “Cũng từ đó, tiếng hát của chị có giọng oán hờn thống trách, dần dà về sau lại đượm ý chán nản, liều lĩnh, khinh thị. Mỗi tiếng hát như một vết dao băm vào vết đau khổ trong lòng mình, và xỉa xói vào tâm can người nghe”. Đến khi Ba Lò Heo trịch quần đùi, bắt ngâm bài thơ khiếm nhã trên xương cụt thì Út Lệ hết chịu nổi. Để giành lấy quyền tự do được hát những bài hát mà mình ưa thích, người nghệ sĩ chân chính Út Lệ phải dũng cảm ly khai với cái nền Văn-nghệ-xương-cụt đó. Hôm sau, thừa lúc lão đi vắng, chị bồng đứa con riêng bỏ nhà ra đi. Thay vào chỗ của chị trong lãnh địa của Ba Lò Heo là một người đàn bà câm từ lúc lọt lòng mẹ, Tượng trưng cho cái công chúng ngoan ngoãn của đường lối văn nghệ lấy xương cụt làm chỗ dựa.
Cuối truyện có đoạn: “Kể từ đó, hễ nhìn bất cứ vào cái gì có hình chữ nhật – nhất là những trang giấy trắng trên bàn viết của tôi – thì tôi nghĩ đến tấm gương soi của lão Ba Lò Heo, và thấy nguyên cả một sự tục tĩu kèm với bài thơ trên xương cụt, thấy nguyên cả hiện tình văn nghệ tồi tàn của gia đình lão. Những đêm khuya, nhìn tấm vách lá, tôi lại nhớ tới tiếng hát của Út Lệ. Tôi tin rằng trong một thôn xóm nghèo nàn nào đó, dù đang đói rách, người nghệ sĩ ấy cũng đang được tự do hát những bài hát mà mình ưa thích”.
Truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt của Chinh Ba là ẩn dụ về thực trạng và nỗi đau của văn hóa nghệ thuật ở cái thời mà những Ba Lò Heo nắm quyền chỉ đạo văn nghệ, bắt văn nghệ phải đi theo “đường lối” khi vờ vĩnh, khi thô bạo, chẳng khác nào cách hành xử của nhà cầm quyền thời ấy đối với văn nghệ sĩ, một kiểu quyền lực hắc ám đối với văn chương vô cùng trâng tráo.
Chinh Ba kể lại: Tôi ở tù vì viết những truyện chống chiến tranh và họ cho là tôi đứng về phía những người chống lại cuộc chiến, họ ghép tội đi theo cộng sản.
… Sau khi ra tù, cứ nửa tháng tôi đến trung tâm thẩm vấn của công an trình diện. Có một bữa sáng tôi đi ra khỏi nhà, có người đi theo, tôi ngồi xuống uống cà phê, ổng cũng tới ngồi bên rồi nói: “Xin lỗi ông, tôi được phép phải đi theo ông”. Tôi chẳng nói gì. Biết tôi khó chịu nên một hôm anh đó nói: “Khi nào ông đi đâu, gặp ai, ông nói cho tôi biết trước một tiếng để tôi viết báo cáo, tôi khỏi đi theo ông nữa, tôi cũng mệt”. Sau đó tôi cũng báo cáo đầy đủ nhưng tránh nói tên người tôi gặp vì sợ họ bị làm phiền. Có lần cả tháng trời tôi không đến trình diện, bữa sau tôi đến mang theo một xách nhỏ, trong đó có bàn chải đánh răng, bộ quần áo. Tôi nói: “Bữa nay tôi xin cho ở tù lại, vì tôi quên không trình diện cả tháng nay!”
Năm 1967 Chinh Ba trốn sang Căm-pu-chia rồi qua Pháp, định cư ở đó cho đến nay, thỉnh thoảng mới về nước. “Ở Pháp, tôi lặng lẽ viết, nhưng viết chuyện này chuyện kia kiếm sống chứ không viết văn và cũng không tham gia hội đoàn nào, tôi sống lặng lẽ”.
Truyện ngắn Bài thơ trên xương cụt viết trong nhà lao Chí Hoà rồi bí mật chuyển ra ngoài, được đăng trên tập san Giữ thơm quê mẹ số 4, tháng 10-1965, sau đó nhà xuất bản Lá Bối in lại trong tập truyện Ảo tượng (lần đầu 1966, tái bản 1971). Hơn bốn mươi năm sau, truyện ngắn này được đưa vào tuyển tập Văn miền Nam và NXB Trẻ tái bản năm 2011 cùng 14 truyện ngắn của ông viết giữa Sài Gòn những năm 1950.
Có thể nói đây là những đoá sen hồng bé nhỏ của văn học miền Nam mọc lên giữa phong ba bão táp của thời cuộc, thiếu chút nữa thì bị bỏ quên bên dòng trôi đi vô tình của lịch sử, đang tìm cách tái sinh dưới trời xanh thẳm.
(Tổng hợp bài viết của các nhà văn Trang Thế Hy, Huỳnh Như Phương, Ngân Hà…)