Phim truyện Vượt sóng (về nhà tù Côn Đảo - 1996)
Hồi ký: Cái tết trong tù.
Chú chiếu bóng, Nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014)
Tuyển tập truyện trào phúng:
Thằng láu cá, Vua lừa, Ôi bóng đá, Phá án sextour,Hoa hậu phường cây mít, Nhà mùi học, Trùm cá độ, Ngôi nhà ma, Tào lao xít bộp, Chuyện chán phèo, Người bán nụ cười...
Truyện ngắn: Bạn đời (2002) Hạt bụi bên nhau (2012)
Giải thưởng:
- Giải A sáng tác văn học Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 1979.
- Giải thưởng Tiếng cười sân khấu 1981.
Năm 1970, Lê Văn Nghĩa đang là học sinh Trường Pétrus Ký - trường nam trung học công lập danh giá nhất miền Nam thời ấy - đã quyết định bỏ bút nghiên để gia nhập phong trào sinh viên - học sinh yêu nước đấu tranh chống Mỹ giành độc lập cho dân tộc. Năm 1972, anh bị chính quyền Sài Gòn bắt và đưa đi giam giữ ở khắp các nhà tù: Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo... Sau 30-4-1975, do từng làm báo cho Tổng đoàn học sinh thời hoạt động phong trào, anh là một trong ba người đầu tiên của Thành đoàn được phân công về làm tờ Bản tin của Hội liên hiệp thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2/9/1975, tờ Bản tin chuyển thành báo Tuổi Trẻ, xuyên suốt gần 40 năm Lê Văn Nghĩa vẫn ở lại báo, trở thành thành viên kỳ cựu nhất trong đội ngũ. Từ năm 1990 đến nay, Lê Văn Nghĩa là Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ Cười.
Không chỉ là một nhà báo, Lê Văn Nghĩa còn yêu thích việc viết văn (Anh là hội viên Hội Nhà văn và Hội Sân khấu TP.HCM từ năm 1981, Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006) và ngay từ đầu đã chọn cho mình lối đi riêng: Chuyên viết truyện trào phúng, châm biếm - con đường không dễ dàng và cũng không mấy người đi. Tính đến nay, anh đã có hai quyển truyện dài, 11 cuốn sách trào phúng, 2 tập truyện ngắn, 1 kịch bản sân khấu (Những đồng đội vui tính), 1 kịch bản điện ảnh (Vượt sóng) cùng nhiều kịch bản sân khấu truyền hình. Những mẩu chuyện vui, châm biếm của anh luôn có tính thời sự từ những câu chuyện thường ngày ghi nhận được qua nghề báo. Viết với một định hướng rõ ràng là châm biếm, đả kích cái xấu nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nhưng anh luôn khiêm tốn tự nhận mình như một người viết truyện... tào lao. Tào lao cỡ như vậy quả không dễ.
Vẫn là con
Truyện ngắn
Sau khi ký hiệp định Paris (73), địch càng ngày càng o ép các tù nhân chính trị trong nhà giam Chí Hòa. Chúng hiểu rằng đây là một lực lượng cán bộ rất quan trọng của chính quyền cách mạng nên tìm cách hạ uy thế lực lượng tù chính trị bằng mọi cách. Cắt giảm thăm nuôi, tiếp tế (một cách để tù chính trị liên hệ bên ngoài nắm tình hình), hạn chế khẩu phần ăn, không cho các phòng giam liên hệ với nhau... Tuy nhiên có một qui luật mà lãnh đạo lực lượng tù nhân chính trị đều biết là nếu ta lui bước khi địch tiến thì địch sẽ tấn công liên tục. Do vậy, chỉ có cách là quyết chiến đấu... Gần những ngày giáp tết, dưới sự lãnh đạo của bác Mười Lo, người đã trải qua hai mùa kháng chiến được anh em kính nể bầu làm lãnh đạo, tù nhân chính trị ở các phòng quyết liệt chiến đấu với địch. Tuyệt thực, hô la phản đối, cuộc chiến đấu này kéo dài suốt cả tuần. Bác Mười Lo, với cái tuổi gần 60, đã ở gần hết các nhà tù của Mỹ nên kinh nghiệm chiến đấu với địch đầy người đã đưa ra những đòn quyết liệt sau cùng như tù nhân sẽ rạch bụng, cắt mạch máu cổ tay nếu đòi hỏi không được đáp ứng. Sau cùng, Ban Quản đốc trại giam đã đầu hàng đồng ý để tù nhân chính trị sẽ được thân nhân thăm nuôi trong những ngày tết...
*
* *
Nơi thăm nuôi tù chính trị rất chật chội. Chỉ một dãy hành lang nhỏ, bên kia song sắt là gia đình, bên trong là tù nhân chính trị. Sáng sớm nay, tôi được gọi đi thăm nuôi. Khỏi nói là tôi mừng biết chừng nào, nhất là những ngày tết, có thêm mấy miếng thịt kho nước dừa thì quá đã... Khi tôi ra khu thăm nuôi thì đã đầy những tù chính trị ở khu khác được gia đình đến thăm. Tôi vừa gặp mẹ thì bỗng dưng nước mắt tôi rơi xuống lúc nào không hay. Mẹ ngày càng gầy đi. Nhưng tôi quyết sẽ không để mẹ tôi lo lắng. Mình là tù chính trị mà, phải tỏ rõ khí thế “anh hào trai tráng” chứ. Vì vậy, tôi vô cùng khó chịu khi nghe một bà cụ nào đó nói với con mình: - Nè, dầu gió nè. Mỗi lần nhức đầu, con nhớ xức vô nghe. Cái bao tử con làm sao, có ngủ được không? Mầy ráng giữ sức khỏe nghe “thằng chó”....
Tôi không hiểu nỗi tại sao trong nhà tù chính trị lại có một “cậu ấm” như thế mà cũng dám đi làm cách mạng, kiểu này trước sau tay này cũng đầu hàng thôi.
Không để cho thằng con nói tiếng nào, bà già tiếp:
- Trời lạnh con nhớ quấn cái khăn lông lên cổ. Hồi đó, mỗi lần ở nhà, con ho là mẹ xé ruột, xé gan... Không có tao, không biết mày làm sao... thôi ráng nghe...
Tôi không nén nổi tò mò. Nhìn qua song sắt thân nhân thấy một bà cụ đâu gần 80, chân tay lụm cụm, tóc bạc trắng...
Và tôi quay lại nhìn “cậu ấm” của bà cụ này.
Trời đất!
“Cậu ấm”, “thằng chó” của bà cụ đó là bác Mười Lo!
Lê Văn Nghĩa