- Ngày ra tù: 2-1973, được trao trả theo hiệp định Paris.
- Hiện nay là hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương.
- “Nghe tiếng quê hương trong nhà tù đế quốc”: Giải khuyến khích cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc về Đài tiếng nói Việt Nam, 2005.
- Viết kịch bản và lời bình phim “Những chiến sỹ an ninh không số: phim đoạt huy chương vàng liên hoan phim Truyền hình công an nhân dân lần thứ 9 (2013)
- Viết lời cho bài hát “Hồn vọng nơi Phú Quốc”, giải khuyến khích do Ủy ban toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng năm 2014.
Nghe tiếng quê hương trong nhà tù Đế quốc
Bút ký
(Giải khuyến khích cuộc thi viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời - Đài tiếng nói Việt Nam năm 2005)
5 năm, ngồi trong nhà tù đế quốc, ở tuổi 17 xuân đời trẻ trung sung sức, tôi được liệt vào lớp “thiếu niên” của trại. Cũng nếm đủ mùi 3 nhà tù khét tiếng là nhà lao Mang Cá lớn ở Huế, rồi tiếp đến nhà tù Non Nước, Đà Nẵng, sau cùng là địa ngục trần gian Phú Quốc. Xuyên suốt thời gian 1.825 ngày bị cầm tù, qua 3 nơi giam giữ khắc nghiệt nhất, anh em chúng tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn. Song, đáng nhớ nhất là lần được nghe “Đây là tiếng nói Việt Nam…” ngay trong nhà tù của địch.
Tôi nhớ như in, hôm ấy là chiều ngày 4-9-1969, tôi đang bị giam giữ tại nhà tù Non Nước, Đà Nẵng. Trại có hơn 900 anh em, trong đó có 1/3 dân thường bị bắt oan, tuổi từ 13 đến 60. Tôi thuộc lớp tù mới, còn trẻ vừa vào trại. Người được Đảng ủy nhà lao giao nhiệm vụ tiếp cận, tìm hiểu bắt liên lạc với tôi là anh hùng quê ở Hà Tĩnh. Anh 27 tuổi, có giọng nói ấm áp, dễ truyền cảm. Sau này tôi mới biết chủ trương của Đảng ủy: Mỗi khi có anh em mới nhập trại, đều giao cho tổ chức thanh niên xung kích nhanh chóng tìm hiểu, nhằm phân hóa đối tượng có kế hoạch giác ngộ, củng cố lòng tin, thu hút, lôi kéo anh em không để địch dung dọa, ly khai chiêu hồi phản bội cách mạng.
Một tuần lễ liền, tôi và anh Hùng luôn sát cánh bên nhau. Anh giao cho tôi, lập Chi đoàn thanh niên cộng sản của phòng. Đang chăm chú nghe anh truyền đạt chỉ thị, bất chợt tôi nghe thấy tiếng“Đây là tiếng nói Việt Nam… ”âm lượng phát ra vừa phải. Với bản lĩnh của cán bộ trinh sát, tôi phản ứng nhanh ngẩng lên nhìn xung quanh và nhận ra viên giám thị trưởng. Anh Hùng dặn tôi bình tĩnh. Anh chủ động hỏi, thân thiện pha chút thăm dò: “Chết rồi! Thượng sỹ Tùng nghe đài Việt Cộng nhé!” Viên giám thị trưởng nhìn xung quanh cảnh giác. Ông vặn nhỏ chiết áp máy thu thanh và bảo: “Tôi cũng dân Bắc Kỳ, xa quê mấy chục năm rồi, cũng nhớ lắm chứ, con chim còn có tổ huống chi con người”. Tôi hỏi xen vào: “Thượng sỹ quê đâu ta?”. “Quê Bắc Ninh nổi tiếng với bài ca quan họ đấy”. Rồi ông đột ngột hỏi: “Ở đây có ai quê Bắc Ninh không?” Anh Hùng liền đánh mắt, ra hiệu cho tôi vào cuộc. Có lẽ anh biết giọng xứ Nghệ của anh khó lòng mà qua mặt được viên thượng sỹ nhất có thâm niên lõi đời trong binh nghiệp, nên tôi đành bất đắc dĩ “nhập vai”. Tôi kể về thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, về truyền thống chống giặc ngoại xâm của người Kinh Bắc… Lạ thay, ông ta không phản đối, sắc mặt ông ta thay đổi, bằng một giọng trầm buồn, ông thông báo với chúng tôi: “Cụ Hồ đã từ trần hôm qua ngày 3-9-1969 rồi”. Nói xong, ông vội rảo bước đi ngay, để lại tôi và anh Hùng trong thắc thỏm, lo âu, bâng khuâng và ngờ vực. Anh Hùng cẩn thận dặn tôi: “Phải giữ bí mật, chưa được tiết lộ tin tức, đề phòng anh em dao động”. Anh vội đi báo cáo Đảng ủy nhà lao.
Ngày hôm sau chỉ thị đưa ra là: “Phải tiếp cận nhiều nguồn thông tin, tất cả các mẩu báo anh em đi lao động nhổ cỏ về đều phải thu gom chuyển cho các chi bộ kiểm chứng”. Lại một ngày mới vô cùng nặng nề, sáng điểm danh, rồi lao động, trưa về ăn cơm, chiều lại lao động, ăn tối và điểm danh. Mọi sự việc vẫn diễn ra bình thường. Chỉ một số ít người biết thì băn khoăn lo lắng. May thay, có lớp tù mới nhập trại, trong số này có Nguyễn Văn Đức thương binh rất nặng cụt 1 chân, mất 1 mắt. Đức là con trai của liệt sỹ chống Pháp, cùng đồng hương Hải Dương với tôi. Anh em xếp chỗ cho Đức nằm cạnh tôi. Sau ít phút bỡ ngỡ, chúng tôi làm quen và tiếp cận rất nhanh. Đức cho biết: “Em vừa ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương về. Bác Hồ kính yêu đã từ trần rồi!” Nước mắt Đức rớm ướt. Chàng thanh niên 17 tuổi đời trắng trẻo, trẻ măng như chờ đợi một sự đồng cảm. Tôi ôm chặt Đức vào lòng, tình đồng hương sao mà bồi hồi tha thiết thế. Tôi bình tĩnh hỏi lại: “Nguồn thông tin này em lấy ở đâu?” Đức trả lời: “Sáng sớm ngày 4-9, một tên bác sỹ người Mỹ bước vào phòng điều trị dành cho tù binh, anh ta giục mọi người bằng tiếng Việt rất sõi: “Tất cả anh em dậy mau, dậy mau để làm lễ truy điệu cụ Hồ”. Thoạt đầu không ai tin. Anh ta có vẻ khó hiểu, giải thích tiếp: “Cụ Hồ không chỉ là lãnh tụ của Cộng Sản, mà còn là nhà cách mạng thế giới, tôi rất khâm phục cụ Hồ”. Sau cuộc tổng tấn công nổi dậy tết Mậu Thân mùa xuân 1968, vị thế của quân giải phóng miền Nam đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Phong trào phản chiến trong nhân dân và binh lính Mỹ tại chính quốc và chiến trường đang lên cao. Hình ảnh thượng sỹ Noman Morison tự thiêu trước tòa Bạch Ốc kiên quyết không đi sang Việt Nam tham chiến đã gây chấn động mạnh trên toàn thế giới. Thanh niên Mỹ xuống đường đốt thẻ quân dịch. Tôi tự đặt câu hỏi “Liệu người bác sĩ Mỹ kia có bị ảnh hưởng tinh thần phản chiến chi phối không?” Đức khẳng định với tôi “Anh ta còn đưa cho xem tờ báo “Tiền Tuyến” của Quân đội Việt Nam cộng hòa, có đăng ảnh và tin chạy tít lớn trên trang nhất “Cụ Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Cộng sản Bắc Việt đã từ trần”. Thông tin này lại được truyền cho Đảng ủy nhà lao, sàng lọc, thẩm định.
Hôm sau, anh Hùng gặp tôi truyền đạt ý kiến của Đảng ủy anh nói: “Thượng sỹ Nguyễn Thanh Tùng xưa nay không tra khảo, đánh đập tù, rất ít khi cầm vũ khí vào trại. Là người ôn hòa, vui tính, thích giao du với anh em, nhiều lần chủ động vào các phòng giam nói chuyện với các tù nhân. Ông ta không kích động, nói xấu cộng sản, không đề cao vai trò của quốc gia (chế độ Sài Gòn). Có lần ông Tùng còn bảo: “Tôi là người lính chuyên nghiệp, chỉ biết thực thi nhiệm vụ. Giờ tuổi đã cao, sắp nghỉ hưu, rất mong đất nước sớm hòa hợp để một lần được về thăm người thân ở quê hương Kinh Bắc”.
Chủ trương của cấp trên là phải tiếp cận, tuyên truyền giác ngộ viên hạ sỹ quan này. Tôi và anh Hùng nhận nhiệm vụ mới, lại tìm tới một góc cạnh hiên nhà ngồi. Buổi chiều cuối thu, gió từ ngoài biển Sơn Trà khầng khậc nhảy lên phi nước kiệu, ném theo những hạt cát li ti bay loạn xạ quất vào vách tường nghe rào rào. Trên cao, mặt trời đỏ quạch như máu ứa ra vương vãi xuống mặt đất được nước biển khúc xạ hắt vào không trung đẩy ánh nắng chạng vạng đang kiệt sức tìm lùi dần vào bóng đêm. Thượng sỹ nhất Nguyễn Thanh Tùng lại lững thững đi vào trại giam kiểm tra lần cuối, để khóa trại và bàn giao việc canh đêm cho đại đội quân cảnh. Vẻ mặt ông ta hôm nay có phần lạnh lùng, khó hiểu. Tiến lại chỗ tôi và anh Hùng ngồi, ông kể về tình hình Bác mất, rồi toàn nói chuyện đâu đâu nhưng chiếc đài thì mở, có phần tăng thêm âm lượng. Thi thoảng, ông lại nhìn về phía mấy chiếc chòi canh của bọn quân cảnh để tránh sự nghi ngờ theo dõi. Đúng rồi! Tôi và anh Hùng định kêu lên song kịp làm chủ bản thân, khi nghe đúng giọng của anh Kiên Cường và chị Tuyết Mai phát thanh viên quen thuộc đang thông báo các đoàn đại biểu trong, ngoài nước đến thủ đô Hà Nội chia buồn, viếng Bác. Một cảm giác tê tái, xót xa chạy dọc cơ thể và hằn lên gương mặt của anh em tôi. Thượng sỹ Tùng hạ giọng, ngập ngừng nói: “Mai ngày đất nước thống nhất, Việt cộng chiến thắng, các bạn gặp tôi đừng trả thù nhé!” Ông ta lại rảo bước đi vòng quanh trại để lại phía sau tiếng đài cứ chới với xa dần, xa dần. Không hiểu ông thuộc người của phái nào, song dù sao thì ông ta cũng là người Việt Nam đã để lại một hình ảnh đẹp, in đậm trong tâm trí những người tù chúng tôi. “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…”. Lập tức, nguồn tin này được chuyển về lãnh đạo Đảng ủy trại. Ngay đêm đó, 12 phòng giam gần 1000 tù binh của trại giam Non Nước nhận chỉ thị: Để tang Bác Hồ 3 ngày, bắt đầu từ 7-9-1969, với nghi thức trang trọng, khi đi điểm danh phải quấn khăn mặt trắng trên đầu. Đúng 9 giờ sáng hàng ngày, tiếng kẻng lấy nước vừa vang lên, anh em tất cả các phòng đều đeo tang hướng về phương Bắc trái tim thân yêu của Tổ Quốc để vĩnh biệt Bác Hồ trước lúc đi xa. Nơi ấy đặt tổng đài tiếng nói chính nghĩa của một dân tộc, dù mưa bom bão đạn vẫn gửi sóng lên trời mang theo những vui buồn của một dân tộc bất khuất cùng khát vọng hòa bình, độc lập tới bầu bạn năm châu bốn biển.
Đêm đó, chúng tôi không sao ngủ được. Có lẽ không ai là không khóc nhớ thương vị Cha già kính yêu của dân tộc đã hy sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ Quốc, trước lúc đi xa chưa thực hiện được nguyện vọng “Non sông liền một dải”.
Trong tâm trạng hụt hẫng nuối tiếc, chúng tôi lại tự động viên mình vào một niềm tin chiến thắng sắt son. “Khi nào không còn “Đây là tiếng nói Việt Nam…” thì khi đó nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Tổ quốc tôi mới không còn”.
Nguyễn Nam Đông
Ở nơi địa ngục trần gian Phú Quốc
(Hồi ký)
Chiếc máy bay C130 lượn vài vòng trên bầu trời, nhìn qua ô cửa hình tròn to hơn chiếc đĩa, tôi thấy biển rộng mênh mông xanh biếc hiện ra phía dưới, 3 tên phi công Mỹ xì xồ nói với nhau điều gì, rồi chúng ra hiệu cho 5 tên quân cảnh đi áp giải đoàn tù chúng tôi xốc lại sự tỉnh táo, ôm chặt súng AR15 vào lòng. Tên nào tên nấy, miệng há hốc, thi nhau ngáp hơi phả vào thinh không để xua đi cơn ngái ngủ, đã đeo bám chúng suốt chặng đường dài từ phi trường Tân Sơn Nhất ra đảo Phú Quốc. Sau ít vòng lượn lờ trên bầu trời, máy bay được lệnh hạ cánh xuống mặt đất, lúc đó là khoảng 2h chiều ngày 19.9.1969, khi hạ cánh an toàn, chiếc cửa phía đuôi máy bay từ từ được điều khiển mở ra, gió và nắng nóng từ bên ngoài hổn hển lùa vào trong thân máy bay, làm cho không khí càng trở nên ngột ngạt. Nhanh như chớp, có tới vài chục tên lính ăn mặc, đeo phù hiệu đủ kiểu, tay lăm lăm cầm dùi cui, cặc bò, roi cá đuối và súng cacbin, AR15 lao vào như ăn tươi nuốt sống chúng tôi. Phía xa hơn một chút là mấy tên cố vấn Mỹ, có cả da trắng và màu, cùng bọn lính hải thuyền, thủy quân lục chiến với những khẩu đại liên bên các Ụ súng bằng bao cát dã chiến, chĩa thẳng về phía chúng tôi để uy hiếp, nhằm đề phòng bạo loạn tấn công vượt ngục giải thoát. Do trước khi đi, anh em chúng tôi đã được chuẩn bị tinh thần rất kỹ lưỡng của tổ chức Đảng, đoàn trong nhà tù Non Nước, Đà Nẵng quán triệt, lại có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như chú Thông tỉnh đội trưởng, tỉnh ủy viên Quảng Đà, anh Đá (tức Đào) chính trị viên trưởng huyện đội Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng bắt với tôi một ngày, anh em đã quen biết nhau lâu từ ngoài đời. Anh Lung cán bộ huyện đoàn người Nam Hà, anh Nguyễn Cường thợ máy Trung đoàn Không quân 921, quê Vĩnh Phú, nay đang sống ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Anh Thuận quê Hà Nội là cơ điện trưởng, chuyên đi theo máy bay trực thăng làm nhiệm vụ thông tin với mặt đất, và một số các anh là sỹ quan bị bắt không lộ diện. Tôi là thành viên trẻ nhất trong số 44 anh em từ trại giam Non Nước, Đà Nẵng ra đảo đợt đó, và cũng là người tù trẻ nhất của phân khu A2 hạ sỹ quan vào thời điểm 1969 này.
Hiện hình trước mặt chúng tôi giờ đây là hàng chục tên lính ngụy da đen xám xịt, do nắng đảo khắc nghiệt thiêu đốt, tên nào tên nấy mặt mũi dữ dằn như đâm lê, lạnh lùng pha chút sự khát máu ghê tởm. Chờ cho anh em chúng tôi ra khỏi máy bay, hàng chục tên đã lao vào đánh, đấm tiếng rít khô khốc ghê rợn của những chiếc doi cá đuối, cặc bò và âm thanh khô cứng của những chiếc gậy gỗ vô hồn, cứ chát chúa quất vào lưng, vào đầu người tù chúng tôi. Có tới 5,7 tên cố vấn Mỹ đứng đó, mặt tỉnh khô vênh váo nhìn thỏa mãn. Sau này tại một buổi gặp mặt các bạn tù Phú Quốc ở bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày ở Phú Xuyên, Hà Nội, chủ tịch nước Trương Tấn Sang kể lại có lần tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Mỹ, ông đã nói thẳng ra rằng “sự tra tấn tàn bạo tù binh Cộng sản Việt Nam làm nhiều người chết và tàn phế vĩnh viễn, trách nhiệm chính thuộc về chính phủ Mỹ, vì Mỹ không ngăn cản những kẻ làm đồ tể tay sai của họ…” Câu nói này rất có lý, chỉ người trong cuộc như chúng tôi mới hiểu rõ.
Tuy bị đánh phủ đầu dã man tàn bạo ngay khi vừa đặt chân lên đất đảo, tôi và anh em cũng nhanh chóng nhận diện sự kiện, ấp ủ hy vọng nhỏ nhoi, nếu còn sống sót trở về, sẽ viết ra những tội ác mắt thấy, tai nghe, vì là nạn nhân trực tiếp, phải chịu đựng sự hành hạ của tội ác này, để nhân dân, bạn bè Quốc tế hiểu sâu sắc hơn về những người chiến sỹ cách mạng Việt Nam, khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ 18 đôi mươi xuân đời, đã sống chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc được trường tồn, quả cảm như thế nào, nên càng thôi thúc chúng tôi phải “chụp ảnh” khắc cốt ghi xương mọi chi tiết vào trong lòng là thế.
Nhận bàn giao từ bọn quân cảnh ở đất liền đưa tù ra đảo xong, chúng lại dong chúng tôi đi bộ vào khu nhà Ban chỉ huy điều hành trại giam của đảo. Vừa “xơi no” trận đòn nhập đảo của bọn địa phương quân, và lính của tiểu đoàn trâu điên. Giờ lại là trận đòn búa bổ xuống đầu gọi là “đòn nhập ban điều hành”, lại làm cho chúng tôi vô cùng tơi tả. Nhiều anh em đã sôi máu căm thù, bộc lộ trên gương mặt, nhưng vì đã được quán triệt không manh động, nên hầu hết đều phải nuốt hận vào lòng. Chờ cho bọn đao phủ thực hiện xong màn tế Chúa của chúng, lúc này tên Trung úy đeo biển tên ở ngực là Nguyễn Vinh Hiển mới lững thững bước từ trong phòng ra, mặt vênh váo, kiêu hãnh thuyết giảng, hắn cao giọng nói trịch thượng rằng “Tôi là Trung úy Nguyễn Vinh Hiển quê Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là sỹ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trưởng ban điều hành giám thị trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc, biệt danh Hiển “Chúa đảo”, xin lưu ý với anh em như sau, tôi biết trong số anh em ngồi đây, có nhiều người quân hàm cấp bậc còn hơn tôi, nhưng các ông không khai báo, và cho dù các ông là cấp gì thì giờ đây các ông đã bị bắt và nằm trong tay tôi, nên phải chịu sự quản lý của tôi, tôi yêu cầu quá trình bị giam giữ tại đây, các ông phải nghiêm chỉnh chấp hành moị quy định của trại, khi nào các ông được tự do trở về với cách mạng và quân đội của các ông, thì các ông muốn làm gì thì làm. Nếu ai không nghe, cố tình vi phạm thì đừng trách Chúa đảo Hiển tôi!”. Đúng là giọng côn đồ, huyênh hoang hết chỗ nói. Tôi thầm nghĩ “ác như mày sau còn lâu mới có lỗ mà chui”. Sau ngày giải phóng, vì tay nhúng quá nhiều máu, tên Trung úy Hiển đã chạy sang Mỹ và đổi tên là Hoàng Khởi Phong.
Sau mấy lời phi lộ bát nháo chi xiên sặc mùi côn đồ, chúng tôi được đọc tên phân trại, có khoảng hơn 20 anh em được đưa về phân khu A2 hạ sỹ quan, số còn lại đi đâu không rõ nữa. Tên trưởng phân khu A2 tiếp nhận chúng tôi đeo quân hàm Trung sỹ nhất, tên đeo biển ở ngực là Trần Văn Nhu khoảng 50 tuổi, người lùn đen, mặt mũi bặm trợn và lì lợm, theo áp giải chúng tôi có 5 tên quân cảnh ôm súng AR15, đi bộ một đoạn thì đến trại. Lúc này, tôi thấy có 2 tên giám thị nữa xuất hiện, đó là tên Hạ sỹ nhất Khiêm và Trung sỹ Giảng, trông vẻ mặt tên nào cũng vô cảm lạnh lùng như đít bom. Tên Trần Văn Nhu bắt chúng tôi ngồi xuống điểm danh, rồi lại cao đạo giảng giải ít phút, thế là cái bài ca muôn thuở “đánh đòn nhập trại” lại bắt đầu, sau những hình phạt “thụt dầu”, “lộn ghi sắt”, “đánh roi cá đuối”, nếm mùi các loại gậy “tâm tình”, “hắc ám”, “bỏ ăn”, “mờ đời”, “sầu đời”, là đòn roi cá đuối quất vào lưng buốt thấu xương, nhiều anh bị thối thịt phải mang thương tích suốt đời.
Trong khi chờ đến lượt mình “xúc miệng” đòn thù, tôi nhìn nhanh vào trong trại, mùa hè nắng trên đảo gay gắt và dữ dội gấp trăm lần so với đất liền, phía sân trại không một ngọn cỏ, bóng người qua lại, trông càng giống một cái chảo lửa đang rang cát, hơi nóng bốc lên trông rất rõ. Tôi thầm nhớ lại, có lần các anh lớn tuổi ở đất liền kể “vì đảo Phú Quốc ở xa đất liền nên bọn giám thị, quân cảnh ở đây tha hồ đàn áp tù binh ta, bất chấp Công ước Giơ ne vơ 1946 về quy chế đối với tù binh chiến tranh”. Hơn nữa một quân đội đánh thuê không xuất phát từ nhân dân, không có ý thức yêu nước thương nòi và lòng nhân ái như quân đội cách mạng ta, thì có công ước nào giàng buộc tội ác của chúng được.
Hành hạ anh em khoảng 1 giờ đồng hồ, tên Nhu giục tên Khiêm vào mời đại diện của anh em ra nhận chúng tôi vào. Đó là anh Hà quê Thái Bình - Đảng ủy viên của trại - là công nhân nhà máy dệt kim Đông Xuân Hà Nội, nhập ngũ năm 1965 dáng người vừa phải, có vẻ mặt điềm tĩnh, đi đôi guốc mộc ra đón chúng tôi vào. Hầu hết chúng tôi được đưa về phòng số 6 do anh Sử, quê huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương là cán bộ an ninh bị bắt, làm trưởng phòng. Về tới phòng một tình cảm chan chứa vô bờ bến của anh em cũ dành cho chúng tôi, trầm lắng và sâu sắc quá, các anh từ các phòng tìm tới hỏi thăm chúng tôi về tình hình quê hương miền Bắc, về chiến sự ngoài đời, đặc biệt là sự kiện Bác Hồ kính yêu mất, thực hư ra sao? Ngoài đảo anh em bị mù thông tin, nên rất khát khao mọi nguồn tin đều quý như vàng, kho báu này chủ yếu do anh em tù mới mang từ đất liền ra. Tôi may mắn khi ở đất liền sớm được các anh lãnh đạo tin tưởng đưa vào tổ chức và giao cho làm bí thư chi đoàn phòng 2, đây là một phòng có vị trí quan trọng, chuyên tiếp nhận tù mới để chờ ngày đủ quân số là đưa ra đảo. Anh Hùng quê Hà Tĩnh là người trực tiếp chỉ huy giao việc cho tôi, sau này tôi đã kết nạp nhiều đồng chí mới vào tổ chức đoàn của trại như anh Nguyễn Cường quê Vĩnh Phúc, anh Đức, anh Cát tức Cất quê Hải Dương… và được giao tìm hiểu làm rõ danh tính Nguyễn Văn Hùng, chuẩn úy, Trung đội trưởng trinh sát sư đoàn, bị bắt ở Quảng Trị năm 1968. Hùng quê xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, có biệt danh là “Hùng Hải âu”. Theo nguồn tin thì Hùng là thành phần chiêu hồn, có khai báo làm tổn thất cho cách mạng. Vì được các anh quý mến, nên tôi được giới thiệu theo học lớp lý luận chính trị trong tù mà anh em gọi là lớp “bảy cặp phạm trù” do chú Đô người Quảng Nam, cán bộ hồi kết, là sỹ quan cấp Thượng úy giảng dạy tại trường thiếu sinh quân Hà Tây, được điều về Nam năm 1964, bị bắt năm 1968 trực tiếp giảng dạy cho tôi. Nhờ sự học tập này, lớp trẻ chúng tôi đã được nâng cấp lý luận và tinh thần chiến đấu rất rõ rệt, nên khi ra đảo đã góp phần vào nhiều câu chuyện rất bổ ích cho anh em ta.
Nhập trại được 4 ngày, một tai họa ập xuống đầu tôi, đó là buổi điểm danh sáng hôm đó, khi tên Khiêm giám thị điểm danh tới phòng của tôi ở ngoài sân, anh Sử hô nghiêm, tôi quên không bỏ chiếc mũ tai bèo tự khâu lấy trên đầu ra, vì trong đất liền chúng tôi không có thói quen bỏ mũ chào giám thị. Tên Khiêm mặt hằm hằm tiến lại chỗ tôi đứng, nó chửi tục “đù má mày ngoan cố chống lại tao hở, điểm danh xong ra ngoài gặp tao nghe”. Điểm danh xong, trước khi tôi ra gặp tên Khiêm, mấy anh đồng hương tranh thủ dặn dò “bọn địch có nhiều quỷ kế ác độc, dù bị tra tấn thế nào cố giữ vững tinh thần, đừng để mắc mưu địch nhé”. Tôi gật đầu, lấy lại bình tĩnh bước ra ngoài phòng giám thị, tên Khiêm và tên Giảng giám thị đang ngồi tào lao với một tên quân cảnh, nó phạt tôi thụt dầu 50 cái xong, thì bắt lộn ghi 15 lần. Chắc là mải vui chuyện với nhau nó lại bảo tôi “cho mày vào, bảo bọn nhà bếp hướng dẫn cho phơi cá mòi một tuần nghe chưa”. Tôi ê ẩm toàn thân lững thững đi vào nhà bếp, mấy anh đồng hương đã chờ sẵn trong bếp vội hỏi tôi “nó có bảo gì không em?” _Tôi nói “nó bảo em vào nói với các anh hướng dẫn cho em phơi mắm mòi một tuần”. Anh Nguyễn Bình Nhưỡng sinh năm 1944, quê xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, đồng hương với tôi, là công an vũ trang, sau chuyển sang đơn vị hỏa tiễn DKB, vào Nam chiến đấu năm 1968 thì bị bắt, anh thốt lên bảo tôi “thôi chết rồi, làm gì có mắm mòi mà phơi, đấy là hình phạt nó bắt em nằm phơi mưa ngoài sân đấy, bây giờ không làm không được, cứ làm rồi mai tính sau”. Tôi bần thần nhìn ra ngoài sân, những giọt mưa lất phất bay ngày càng lã chã dày hơn, rồi như những mũi tên vô hình từ trên trời bắn ào ạt găm xuống mặt đất. Tôi nằm ngửa mặt lên trời mà lòng chộn rộn bao suy tư khắc khoải, bên cạnh tôi là chú Lê Hữu Đắc, thiếu úy, huyện đội phó, quê Quảng Đà, cán bộ hồi kết đã nằm trong chuồng cọp đan bằng dây thép gai rộng hơn 1m2, cao khoảng 80cm chỉ đủ cho 1 người nằm và ngồi, phải ăn cơm muối, chỉ có một chiếc quần đùi che thân suốt gần 3 tháng, ngày phơi nắng phơi mưa, đêm phơi sương gió não nùng, ốm đau không một viên thuốc, chỉ vì tội ham học văn hóa để sau này ra tù được làm người tử tế giúp ích cho đời mà bị án phạt thê thảm quá. Tôi lại nghĩ tới các chú, các anh đang bị biệt giam trong phòng kín cạnh tôi, có người đã ở tới gần 1 năm không được nhìn thấy ánh mặt trời, không được tắm rửa, ăn cơm muối mặn, có anh khi được thả ra thì chỉ còn tấm thân tàn ma dại, lở loét đầy người, vậy mà các chú, các anh vẫn kiên cường, thi gan với địch không ai chịu khuất phục đầu hàng phản bội cách mạng, tấm gương ấy cứ trỗi dậy mãi trong lòng tôi phải, quyết giữ vững niềm tin cho đến ngày chiến thắng trở về. Lang mang với các ý nghĩ ở chốn lao tù, vừa để củng cố mình và giết thời gian, rồi cái đích của một ngày cũng đã tới, tôi loạng choạng ngồi dậy, chân tay như bị co thắt cứng đơ, mạch máu như bị đóng băng lại không sao nhấc nổi chân tay lên được, phải cố gắng một lúc tôi mới lấy đà đứng lên cố dồn hết sức đi vào trong nhà bếp, nhiều anh em đồng hương đã đón sẵn tôi ở đó, các anh thay quần áo, hơ lửa nóng, xoa dầu cao cho tôi, rồi cõng tôi về phòng tiếp tục cấp cứu để chống cứng cơ, các anh ngồi quanh tôi bàn phương án ngày mai, có ý kiến khuyên tôi nên ra thực hiện hình phạt, có anh lại bảo không ra. Nghĩ mãi rồi anh Nhưỡng bảo “Theo tôi thì thằng Khiêm này là Chúa hay quên, nên ngày mai lúc điểm danh thì cho chú em Đông ngồi ở phòng bệnh nhân ốm, nếu nó quên là quên luôn, nếu nó nhớ thì vin vào cớ bị ốm mà khất với nó, khi nào khỏi trả nợ sau có sao đâu” Các anh đồng hương ngồi thảo luận tỏ vẻ tán thành và phương án đối phó một ăn một thua này đã được tôi chấp nhận thực hiện, các anh lại hỏi tôi một lần cuối “nếu phải chịu cực hình tra tấn em có chịu được không?” Tôi quả quyết trả lời “em không sợ, các anh các chú chịu đựng được thì em cũng chịu đựng được”. Quả thật phương án này có phép màu và tôi đã tránh được 7 ngày hình phạt quái đản là “phơi mắm mòi trời mưa” của tên Khiêm đặt ra. Nhưng sau đó một thời gian thì tôi bị liệt toàn thân suốt 3 tháng trời, tưởng là tàn phế, nhưng may được các anh hết lòng thương yêu chăm sóc, châm cứu, dành miếng ăn tốt chăm tôi như đứa em út, nên tôi đã qua khỏi cơn bạo bệnh này để tiếp tục cùng các chú, các anh sống những ngày tình nghĩa thủy chung trong chốn lao tù sinh tử đầy chất nhân văn của người Cộng sản yêu nước, yêu đồng đội đến tột cùng trái tim cháy bỏng này. Sau này anh Nguyễn Hữu Kết người Hà Nội là cán bộ cấp tiểu đoàn, phó bí thư chi bộ, sống cùng phòng với tôi kể lại, trong một cuộc thảo luận đánh giá chung của anh em tù Phú Quốc thời chống Mỹ, đều công nhận ở đảo Phú Quốc có 2 khu biệt giam khét tiếng nhất, do tên Nhu cai quản là khu biệt giam B2 và A2. Hầu hết số anh em bị đày ải tại đây sống sót được là do sự chỉ đạo chăm sóc hết sức tài tình của Đảng bộ phân khu A2, đã tạo được một đường hầm bí mật để tiếp tế thực phẩm vào cho anh em bị biệt giam trong khám tối, có đủ dinh dưỡng để sống và tồn tại trong hoàn cảnh đặc biệt nghiệt ngã này.
Sống nhiều ngày với tên nhất Nhu, chúng tôi phát hiện ra tâm địa độc ác của hắn, như chính hắn đã từng nói “một ngày hắn không đục được một chiếc răng, hoặc làm tàn phế một người tù thì hắn ăn không ngon ngủ không yên”. Mẹ hắn, nghe tin con trai quá tàn ác, nhiều lần phải bay từ đất liền ra đảo để mỗi sáng lại quay mặt về phía trại giam chúng tôi khấn các vong hồn anh em tha thứ tội ác cho con bà ta, nhưng xem ra sự sám hối của bà ta cũng không làm hạ nhiệt được đứa con trai đồ tể của bà đã quá say máu người. Vì thế, cuối năm 1970, Đảng bộ phân khu A2 quyết định tổ chức hai cuộc vượt ngục đưa 2 đồng chí Tuấn Hà Tĩnh và Bảy Quảng Bình ngồi vào thùng rác, chiều khênh ra ngoài, chờ đêm xuống thì khéo léo đội củi rác ra khỏi hố tìm đường về căn cứ trên đảo. Ta thực hiện kế hoạch tráo tù khi điểm danh, nhiệm vụ này được giao cho thương binh Lâm Văn Bảng quê huyện Nam Sách, Hải Dương, nay là giám đốc bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Phú Xuyên - Hà Nội và anh Nguyễn Văn Sanh quê Gia Viễn - Ninh Bình. Chủ trương của ta sẽ kéo dài tới 3 ngày mới quyết định dừng tráo tù, để làm mất uy tín tên Nhu phải chịu kỷ luật. Sau khi bị báo mất tù đào thoát, nhiều cố vấn Mỹ, các chuyên gia công binh, dò hầm từ Sài Gòn kéo ra rà soát, nghiên cứu nhiều ngày cũng không tìm ra đường đào thoát của anh em, chúng phải bó tay mà thốt lên “Cộng sản có phép thần biết bay mới vượt qua được 17 lớp hàng rào và bãi mìn dày đặc này”.
Sau đòn cảnh cáo bí hiểm của ta, để an toàn cho việc canh giữ tù, chúng quyết định chuyển chúng tôi sang phân khu A3, do tên Trung úy Nguyễn Quang Cơ làm giám thị trưởng. Tại đây một cuộc đào hầm mới được tiến hành, do phòng tôi làm chủ lực, nhóm đào hầm này gồm các anh Học, Vượng quê Quảng Bình, Đạt Nghệ An, Thành Ninh Bình, Mai, Thiều tức Sáng Hải Dương, Hải, Ca, Tố Thanh Hóa. Đào 5 tháng thì hầm xong. Đêm 21.12.1971 kế hoạch vượt ngục chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện, mở cửa vào phòng tôi, tại vị trí ngủ của anh Sỹ quê Vĩnh Phú, là phó phòng, kiêm bí thư đoàn phòng. Kế hoạch mở cửa hầm vào lúc 10h đêm đợt 1 đưa 20 người là lãnh đạo đi trước, sau đó tiếp tục đợt 2 kéo dài tới 2h sáng thì dừng. Đêm hôm đó, phòng tôi có 100 người đã tăng vọt lên tới gần 200 người, anh em ngồi chen nhau chật ních, thắc thỏm chờ đợi trong niềm phấn khích ước ao khao khát được tự do chiến đấu không sao tả nổi. Thời gian cứ nặng nề trôi, 20h rồi 24h nhịp đập tự do cứ thánh thót vô tư gõ vào từng con tim rạo rực của chúng tôi, không sao tả nổi cảm xúc lúc này. Ngoài trời, tiếng gió hú, tiếng xe tuần tra của bọn quân cảnh thi thoảng lại khầng khậc rú lên, pha trộn hòa tấu vào nhau, thúc vào thinh không, tạo ra một thứ âm thanh man dại, đặc thù riêng của nơi địa ngục sống mà rất ít đêm chúng tôi mới có cảm giác lạnh lùng tới tận sống lưng này. Khoảng 2h sáng, một tin buồn của ngày mới được phát ra “kế hoạch vượt ngục bị hủy bỏ do đường hầm đào chệch hướng, khi khui lên mặt đất phát hiện chưa qua hết đừng tuần tra”. Không ai tranh luận về điều này, hầu hết anh em nghĩ sợ tổ chức đánh lừa bị bỏ lại, nên cũng không ai chợp mắt được. Khoảng 3h sáng một tốp quân cảnh kéo vào trại, tên Thượng sỹ nhất đứng trước cửa phòng tôi hỏi “ai là trưởng phòng này, tại sao các ông tụ tập đông người thế” Hắn nói bằng giọng Bắc nhưng không hề căng thẳng. Anh Sử trưởng phòng đứng lên khôn khéo trả lời “thưa thượng sỹ, chẳng nói giấu gì, vì sắp tới ngày lễ Noel của Chúa, chúng tôi tụ tập nhau lại để diễn văn nghệ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà, không dám làm ồn mất trật tự đâu ạ, mong Thượng sỹ bỏ qua cho”. Hắn đi lại kiểm tra từ đầu phòng đến cuối phòng, rồi nói tử tế “bận sau các ông không được làm vậy, thế là vi phạm kỷ luật trại giam đấy, may mà hôm nay tôi đi kiểm tra, người khác thì các ông phiền to. Thôi bây giờ gần sáng rồi, đừng ai tự ý bỏ về phòng, quân cảnh phát hiện nó bắn chết đấy, chờ sáng kẻng hết giới nghiêm thì về nghe chưa”.
Lạy trời! Đúng là một phen hú hồn, suýt nữa hàng chục người phải đổ máu hy sinh, chúng tôi lại nín thở chờ kẻng báo sáng, khi tiếng kẻng cất lên, một tổ xung kích lao vội ra nhà vệ sinh và giếng nước nằm dưới chân chòi gác cao 7m ở phía sau trại, để che chắn cho nhau đưa 4 đồng chí Thành, Hải, Ca, Tố dưới hầm bí mật lên an toàn.
Sau lần này, khoảng hơn 1 tháng sau địch nghi ngờ lại chuyển chúng tôi về phân khu C3, rồi lại thấy “Hùng Hải âu” từ đâu đó được đưa vào trại, để theo dõi anh em, Đảng ủy quyết định hạ sát, giao anh Nguyễn Văn Biết chuẩn úy Trung đội trưởng trinh sát quê Hải Phòng, thực hiện bản án tử hình này vào một buổi chiều tại giếng nước ăn của phân khu C3. Trong thời gian này tên Liêu quê Hà Bắc, tên Mênh và Lửng là cán bộ hồi kết quê Quảng Ngãi cũng phải nhận án tử hình, ông Lùng người Huế, ông Đích quê miền Nam cán bộ hồi kết, tư tưởng dao động, lại mắc bệnh hoang tưởng cũng hoang mang chạy ra ngoài, xin cứ trú tại các khu tân sinh hoạt, chiêu hồi của địch lập ra ngay trên đảo. Cuối năm 1971, anh Tố quê Thánh Hóa nằm cạnh tôi vượt ngục bằng thùng rác chưa đầy một tiếng, bị địch phát hiện bắn chết ngay dưới hố rác bên ngoài trại, ít lâu sau anh Huệ quê Hưng Yên là nhạc công đoàn văn công tỉnh Long An kéo đàn phong cầm, nằm bên phải tôi, anh Huệ hiền lành vẻ thư sinh, hàng ngày vẫn dạy nhạc cho tôi anh em coi nhau như ruột thịt cũng bị địch gọi đi thủ tiêu mất, bao nhiêu sự kiện buồn cứ dồn dập nổ ra trong trại. Đầu năm 1972, nhiều đoàn quốc tế kéo ra thị sát đảo, đầu tháng 2 anh em nhìn thấy một đoàn có người đeo phù hiệu quân giải phóng, nhịp độ các đoàn hỗn hợp ra thăm đảo ngày càng tăng. Bằng nhiều nguồn tin, ta dò biết, khả năng trao trả đã đến. Buổi sáng ngày 10.2.1973, tên Trung tá Nguyễn Bằng Dực chỉ huy trưởng trại giam vào trại, tập trung anh em tù lại, thông báo tin chính thức Hội nghị Pari được ký kết, chiến tranh Việt Nam được vãn hồi, anh em được trao trả trở về với gia đình. Ngày 17.2.1973 đợt 1 tại phân khu C3 được tiến hành, tôi được trao trả đợt này cùng khoảng 200 anh em bay từ sân bay Phú Quốc về sân bay Phú Bài Huế, rồi lên xe GMC chạy thẳng ra sông Thạch Hãn, Quảng Trị trao trả tại đây, bỏ lại một đường hầm bí mật tại phân khu C3 sắp hoàn thành, cùng các kỷ niệm xương máu sinh tử thời trẻ trai bi hùng và huyền thoại của chúng tôi với các thử thách, niềm tin yêu nước đến tột đỉnh, không có mốc giới tiêu chí nào so sánh được và lại tiếp tục đón nhận những ngày tự do mới, với những gian nan thử thách mới, để vững vàng không bị gục ngã, tiếp tục vượt qua.
Chuyện ở địa ngục trần gian Phú Quốc còn nhiều vô kể , một lúc, một người không thể kể hết được. Với trách nhiệm của một chiến sỹ trong cuộc còn sống sót trở về, tôi xin kể lại một kiểu tra tấn “phơi mắm mòi trời mưa” ít được nhắc tới trong nhiều câu chuyện cảm động về người tù yêu nước đã được công bố, nhằm góp phần lên án tội ác tàn bạo của kẻ thù đế quốc và làm sáng tỏ tinh thần bất diệt của các chiến sỹ cách mạng không may bị địch bắt tù đày, khi còn ở tuổi 18 đôi mươi phơi phới xuân đời, các anh đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, không hề tính toán thiệt hơn, họ rất xứng đáng là các pháo đài chiến đấu bất khả kháng, cùng với danh hiệu cao quý “Tập thể Anh hùng LLVTND” mà Đảng và Nhà nước đã vinh danh cho anh em chúng tôi, để thanh thản tỏa sáng, sống nốt phần đời còn lại, dù còn thiếu thốn và thiệt thòi trăm bề. Để thứ ánh sang thánh thiện này không bị vẩn đục trước mọi bão giông của thời đại, nó mãi mãi tinh khiết và trong sáng, hồn nhiên như tuổi 18 đôi mươi của thế hệ vàng chúng tôi đẹp mãi tuổi thanh xuân ngày nào.
Nguyễn Nam Đông