- Năm 1963, Trần Quang Long bị bắt giam, cuối năm được ra tù, tiếp tục hoạt động.
- Năm 1964, lại bị bắt tù vì bài thơ “Hồi kết cuộc” đăng trên tờ báo Dân số 3 với bút danh Cao Trần Vũ.
- Năm 1965: Bị bắt, giam tại nhà tù Quy Nhơn, nhà tù Pleiku.
- Sáng lập “Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng”ở Huế.
- Phụ trách báo chí của Tổng Hội Sinh viên Huế.
- Chủ tịch Hội sinh viên sáng tác thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (trong Ủy ban Mặt trận liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình miền Nam Việt Nam).
- Thưa mẹ trái tim (tập thơ, NXB Giải phóng, 1974)
- Tiếng gọi Lam Sơn (kịch thơ),
- Bông Cúc vàng (truyện)
“Thơ Trần Quang Long sáng tác trong phong trào đấu tranh ở thành thị, có chất sôi bỏng của tuổi trẻ và có sức mạnh của những nhát búa đập phá bức tường nhà giam…”
Nhà thơ Giang Nam
Hội Văn nghệ giải phóng Sài Gòn – Gia Định,1971
Trần Quang Long
Nhà thơ “Thưa mẹ trái tim”
Trần Quang Long làm thơ từ năm 17 tuổi, khi anh học lớp đệ nhất (lớp 12) Trường Quốc học Huế. Những bài thơ “học trò” lúc ấy đã chứng tỏ khả năng thơ tinh tế, bẩm sinh của Long: “Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón…” hay “Bước nhẹ nghe em kẻo động vỡ tơ chiều…” (Nghiêng nón). Đó là bài thơ được chép vào sổ tay của rất nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh. Những năm 1960 – 1962, trong thơ học trò của Trần Quang Long đã xuất hiện những hình ảnh nhận chân thời cuộc: Ừ thôi em ở lại/ Còn gì nữa mà mong? Quê hương mình điêu đứng? Nhạt phai những má hồng… Học ở Đại học Sư phạm, mới năm đầu Long đã thể hiện ý thức phản kháng. Các năm từ 1963 – 1968 thật sự là giai đoạn dấn thân quyết liệt cho tranh đấu, cho thơ của Trần Quang Long. Anh làm thơ, đấu tranh, diễn thuyết, ra sách báo, bị bắt tù, thả ra lại đấu tranh, rồi lại vào chiến khu… trải hết niềm vui, nỗi đau của người chiến sĩ. Đêm Phật Đản 1963 dù không theo đạo Phật nhưng khi đi chơi đến đầu cầu Trường Tiền, Long đã chứng kiến cảnh lính Ngô Đình Diệm dùng xe tăng, lựu đạn đàn áp dã man tín đồ Phật giáo, thế là Long sát cánh cùng lực lượng sinh viên Phật tử đấu tranh chống Diệm từ đó. Anh là sáng lập viên Ban vận động phong trào sinh viên, học sinh chống chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm; phụ trách báo chí của Tổng Hội Sinh viên Huế, chủ trương ra tạp chí “Đất mới”, sáng lập “Nhóm thanh niên chống xa hoa phóng đãng” và mở “Quán bạn Huế”1, nơi lui tới của sinh viên, học sinh Huế. Thực chất đây là các tổ chức chính trị của sinh viên chống âm mưu của Mỹ - ngụy ru ngủ thanh niên. Tháng 8/1963, Trần Quang Long bị chính quyền Diệm bắt bỏ tù. Khi Long bị giam ở Huế có một mục sư thân chính quyền ngụy đến nhà giam đề nghị anh ký vào tờ cam đoan để được bảo lãnh về với gia đình. Trong tờ cam đoan có câu “… chúng tôi trẻ người non dạ, bị Việt Cộng lợi dụng…”, thế là Long từ chối ký tên, nói diễu cợt: “Bạn bè ở tù hết, về trước một mình chơi với ai!”2. Đến cuối năm, khi Diệm bị giết, anh mới được thả. Ra tù, anh tiếp tục ra các tờ báo và biên tập các tập thơ “Sinh viên Huế”,“Đất mới”,“Dân”. Năm 1964, khi sắp tốt nghiệp đại học, Long lại bị ngụy quyền bắt bỏ tù lần nữa vì bài thơ “Hồi kết cuộc” đăng trên tờ báo Dân số 3 với bút danh Cao Trần Vũ. Bài thơ phản đối việc “triển lãm xác Việt Cộng” mà tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh quân đoàn I ngụy tổ chức. “Những tử thi ngổn ngang/Không còn nhìn ra mặt/ Cũng không có áo quần/ Nằm chung một dải đất/ Nghèo đói và lầm than/ Bà mẹ già chống gậy/ Nước mắt chảy hai hàng…”. Bọn địch cho rằng, tác giả bài thơ “Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Việt Cộng”, là anh nên bắt giam Long3.
1 Lễ Noel năm đó, biết được một âm mưu của bọn tướng lãnh ở Huế, toan tổ chức ăn chơi, khiêu vũ rầm rộ để đánh lạc hướng đấu tranh của thanh niên, Long và các bạn nhanh chóng thành lập nhóm “Thanh niên chống xa hoa phóng đãng”, ra tuyên cáo số 1 vạch rõ âm mưu ấy, đồng thời tung ra một loạt hành động như dán áp phích phản đối tại các trường học, vận động những người ở các trại tế bần, những thương phế binh ăn mặc rách rưới xuống đường tham gia khiêu vũ ở các dạ hội. Trước tình hình này, bọn tướng lãnh phải hủy bỏ âm mưu nói trên. (Hoàng Phủ Ngọc Phan - Nhà thơ Trần Quang Long và tiếng hát những người đi tới, tạp chí Sông Hương tháng 8/ 1983)
2 Theo Hoàng Phủ Ngọc Phan:“Cả thành phố, bạn bè đều ở tù hết. Được bảo lãnh về trước một mình buồn rồi cũng bị bắt lại mà thôi”.
3 Đặc biệt là bài thơ Hồi kết cuộc đăng trên tờ báo Dân số 3 - một tờ báo nửa hợp pháp của Lực lượng giáo chức tranh đấu Huế đã đưa đến một vụ án văn nghệ đáng chú ý. Nguyên là vào mùa hè năm 1964, một đơn vị du kích Thừa Thiên bất thần mở cuộc tiến công giữa ban ngày, san bằng chi khu Hương Thủy của địch, chỉ cách thành phố Huế 10 km. Một số đồng chí của ta hy sinh tại chỗ. Địch không cho chôn mà đem xác các đồng chí ấy phơi nắng trên đường sắt trong nhiều ngày để “triển lãm” và bắt đồng bào đến xem. Quần chúng hết sức phẫn nộ, lập tức có phản ứng. Báo Dân đăng bài xã luận nghiêm khắc lên án hành động trên của ngụy quân ngụy quyền và cho rằng như thế là vô nhân đạo và không hợp với quy ước của hội chữ Thập đỏ quốc tế. Bên cạnh bài xã luận là bài thơ Hồi kết cuộc của Trần Quang Long, cũng nhằm phản đối tội ác của Mỹ ngụy. Báo Dân in 3000 số, chỉ bán trong một buổi sáng là hết sạch. Nhưng sau đó, báo Dân bị đưa ra tòa, chủ nhiệm là nhà giáo Trần Ngọc Anh bị 5 năm tù và Trần Quang Long bị giam 6 tháng. Trước đó, Long và một số bạn bè có hùn hợp cổ phần mở ra một quán cà phê, gọi là Quán Bạn. Chủ nhân khoảng 20 người, gồm học sinh sinh viên, nhà văn, nhà giáo… thay nhau đứng bán quán. Quán khai trương trong mùa đấu tranh nên thỉnh thoảng cả chủ quán lẫn khách hàng đều nhân danh nhóm Quán Bạn, tuyên ngôn chống Mỹ ngụy, rồi kéo nhau xuống đường. Hồi ấy, Quán Bạn rất đông khách, thu hút sự chú ý của bạn lẫn thù, trở nên một nơi gặp mặt lý thú của giới trí thức trẻ ở Huế và các tỉnh. Sau khi Long bị bắt vì bài thơ Hồi kết cuộc, Quán Bạn cũng bị đóng cửa.(Hoàng Phủ Ngọc Phan. sđd)
“Những tử thi ngổn ngang
Không còn nhìn ra mặt
Cũng không có áo quần
Nằm chung một dải đất
Nghèo đói và lầm than
Bà mẹ già chống gậy
Nước mắt chảy hai hàng…
Ngoài khu vườn đã cháy
Lũ trẻ đi đào khoai
Như những con chó đói
Mắt đã mờ tương lai
Đàn kên kên đổ tới
Thú vật và loài người
Nào ai nhìn ra ai…
(trích bài thơ Hồi kết cuộc)
Cả nhà hoảng hốt vì nếu Long bị tù dài ngày, thì không thể thi tốt nghiệp đại học được. Một người thân trong gia đình cho biết, lúc ấy gia đình phải bán một ngôi nhà mới đủ tiền để “chạy” cho Long trắng án! Năm 1965, Trần Quang Long chính thức gia nhập Hội Liên hiệp Thanh niên-Học sinh-Sinh viên Giải phóng Trung Trung Bộ. Anh được đưa vào vùng giải phóng Điện Bàn, Quảng Nam tập huấn một thời gian.
Cuối năm 1965, tốt nghiệp Đại học, Trần Quang Long được bổ vào dạy học tại Trường Trung học Cường Để - Quy Nhơn (nay là Trường THPT Quốc học).
Tại đây, anh vừa dạy học vừa là ngòi nổ của phong trào đấu tranh của sinh viên - học sinh Quy Nhơn. Anh thảo truyền đơn, viết biểu ngữ chống chiến tranh, kêu gọi hòa bình, tổ chức cho cả ngàn sinh viên-học sinh biểu tình chống Mỹ - ngụy và tham gia phong trào “Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc tỉnh Bình Định”. Bằng thơ ca, Long đã khơi lên sự thức tỉnh trong ý thức học sinh. Bài thơ“Buổi sáng ở đống rác” mô tả cảnh cụ già tóc bạc, người đàn bà, thằng bé gầy nhom đang tranh nhau bới rác. Bài thơ “Bài học cuối năm”, anh tổng kết chỉ trong một năm đã có 12 em trong lớp bỏ học để đi bới rác, đi bụi đời, đi làm sở Mỹ… Những bài thơ đã hun nóng ý thức dân tộc của tuổi trẻ. Cuộc đấu tranh của tuổi trẻ Quy Nhơn bị đàn áp dã man. Địch dùng lưỡi lê, báng súng tấn công các thầy giáo trường Bồ Đề, Cường Để. Trần Quang Long bị chúng dùng báng súng đánh gãy chân, té xỉu. Đêm đó, 119 thầy giáo và học sinh Quy Nhơn bị bắt, trong đó có thầy giáo trẻ Trần Quang Long. Trước khi vào tù, một học sinh trường Bồ Đề đã cởi chiếc áo trắng đầy máu đang mặc trên người đưa cho thầy Long đề bài thơ bốn câu ca ngợi tinh thần đấu tranh của học sinh Quy Nhơn. Chiếc áo có bài thơ đẫm máu chuyền tay nhau, 119 học sinh và giáo viên đều ký tên xung quanh bài thơ của thầy Long. Khi Long lành chân, gia đình lại một lần nữa bỏ tiền “vận động” cho Long ra tù và được đi dạy ở Cần Thơ. Lúc đó là mùa đông năm 1966. Có lẽ ngụy quyền cũng muốn đưa Long vào Cần Thơ để cách ly anh với phong trào tranh đấu của tuổi trẻ Huế, Quy Nhơn.
Nhưng vào Cần Thơ, ngay lập tức Long nối đường dây hoạt động với phong trào. Anh là sáng lập viên Hội Sinh viên sáng tác thuộc Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Anh tuyển chọn và xuất bản tập thơ sinh viên “Tiếng hát những người đi tới”để cổ vũ đấu tranh. Đây là thời kỳ sáng tác của Trần Quang Long nở rộ nhất. Anh viết với nhiều bút hiệu khác nhau như Trần Quang Long, Cao Trần Vũ. Hình như linh cảm thấy thời gian của mình đang ngắn dần phía trước, nên anh muốn trút tâm hồn, trí lực của mình trên từng trang viết. Anh viết ngày viết đêm, trong hơn một năm mà hàng trăm bài thơ ra đời, trong đó có những bài nổi tiếng như “Thưa mẹ, Trái tim”, “Lớn lên không ngừng”, “Nụ cười chiến thắng”… Riêng bài“Nụ cười chiến thắng”dài 60 câu, viết về chị Võ Thị Thắng, nữ sinh trường Gia Long - Sài Gòn, tham gia đấu tranh, bị tòa án quân sự ngụy quyền xử 20 năm khổ sai: Mang trong tim mình ngọn lửa trung kiên/ Chị thắp sáng nụ cười Chiến Thắng… Chính tứ thơ“Nụ cười chiến thắng” của Trần Quang Long đã trở thành hình tượng nổi tiếng của tuổi trẻ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vang vọng cho đến ngày nay.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra, Mặt trận Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam ra đời, ông Tôn Thất Dương Kỵ - cha vợ của Long - là Tổng thư ký. Còn Trần Quang Long là Ủy viên Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ Sài Gòn. Anh xông xáo cùng nhiều bạn bè tổ chức lực lượng đấu tranh. Địch phản công, không bắt được Trần Quang Long, chúng bắt Quỳnh Như, vợ anh, đang mang thai vào tù, còn anh thoát về Cần Thơ, rồi vào chiến khu.
Ở chiến khu, Trần Quang Long làm rất nhiều thơ gửi ra miền Bắc. Năm 1974, Nhà xuất bản Giải Phóng in tập thơ “Thưa mẹ, Trái tim” của Trần Quang Long, do giáo sư Dương Kỵ, cha vợ anh đề tựa.
Tài năng đang ở độ sung mãn, thì Trần Quang Long hy sinh cùng với một số đồng chí tại Bộ chỉ huy Miền (R) ở Tây Ninh ngày11/ 10/1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm1.
Nhà văn Ngô Minh
Thơ Trần Quang Long:
1 Nhưng đau đớn và xót xa biết bao khi Long đã cùng Trần Triệu Luật ngã xuống vào buổi sáng ngày 11/ 10/ 1968 sau một trận đánh bom ác liệt của máy bay Mỹ vào căn cứ của Ban tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam(B9). Quả bom 500 kg của máy bay phản lực F105 của Mỹ đã rơi trúng ngay căn hầm của Long và Luật, đào thành một hố sâu hoắm, chỉ cách căn hầm tôi núp 15 mét. (Lê Hiếu Đằng, Những chặng đường đã đi qua, hồi ký)
Thưa mẹ, trái tim
(Trích)
Thưa mẹ,
Năm nay con hai mươi lăm tuổi đầu
Công danh gì chẳng có
Cuộc sống lại cơ cầu
Bữa đói bữa no cậy nhờ bè bạn
Lây lất chẳng ra sao
Mai mốt trát đòi con vào Thủ Đức
Chắc gì mẹ gặp con đâu
Anh Cả, anh Hai, chú Cường, chú Phúc
Người chết triền đồi, người chết lũng sâu
Chỉ còn tờ điện tín xanh lạnh lùng để lại
Bây giờ con sống đây bên những người đã chết
Bên những người đang chết
Cuộc sống mù lòa giữa mặt trời đen…
… Thuở con thơ đòi mẹ bế bồng
Những nhịp ngoan hiền như gió thoảng bờ sông
Căn nhà mình, mẹ con cơm cá
Và con rùng mình những âm thanh lạ
Xoáy tròn trong mỗi thớ tim
Con nghe tiếng kêu la của bà mẹ đi tìm
Quờ quạng xác con trong căn nhà gạch vụn
Oanh tạc vùng tình nghi
Con nghe tiếng quay cuồng của vũ điệu về khuya
Từng tràng cười ré lên như địa ngục
Những tiếng cười xen vào tiếng nấc
Thằng bé con lượm mẩu bánh mỳ rơi
Con nghe tiếng cười quằn quại kêu la
Những tràng súng vô nhân giữa lòng đô thị
Bắn chết trẻ em, ông lão, bà già
Rồi “bồi thường xứng đáng”
Câu chuyện sẽ dần qua
Con nghe giữa phố phường
Lựu đạn cay và đá, chai độc thoại
Máu đổ rồi sẽ thấy mặt anh em.
Con đang nghe trái tim
Nổ tung từng mảnh vụn
Máu từng dòng im lìm
Máu từng dòng phẫn nộ
Trên bàn tay con đó
trên giải đất khô cằn
trên mặt mày khốn khổ
trên cuộc sống lầm than
Mẹ ơi, con của Mẹ
Chỉ còn có trái tim
Sẽ sống nhờ trái tim
Sẽ chết nhờ trái tim
Là tâm hồn con đó
Là vần thơ con đây
Bài học i tờ ngày xưa mẹ dạy
Con viết thành lời đắng cay
Dòng máu anh hùng cha con kháng Pháp
Con luyện thành lời hăng say
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ như kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng tương lai
Nếu thơ con bất lực
Con xin nguyện trọn đời
Dùng chính quả tim mình thành trái phá
Sống chết một lần thôi
Con sẽ chết như những người đã chết
Và những người đang chết.
Nhưng trái tim con
Sẽ đời đời bất diệt
Dầu đã nổ tan tành
Dầu đã khô máu hết
Vì Mẹ ơi, con biết
Trái tim con là thơ
Trái tim con là rừng, là núi
Là lúa ngô, là cam, là bưởi
Là quá khứ, là tương lai
Là khổ đau, là hạnh phúc
Là đấu tranh, là bất khuất
Trái tim là của con người
Viết lịch sử mình trên mặt đất
Bằng từng nét máu thắm tươi./.