Tại Nga, nhịn trị liệu được nghiên cứu bắt đầu từ năm 1769, khi giáo sư Đại học Y Matxcơva Petr Vilyaminov viết chuyên luận Slovo or postakh kak sredstve predochraneniya ot bolezney (Bàn về phương pháp nhịn để phòng bệnh).
Sau đó, từ giai đoạn đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu và bác sĩ Nga bắt đầu quan tâm đến nhịn, trong đó phải kể đến giáo sư I. G. Spassky, bác sĩ N. Zeland, hai giáo sư V. Pashutin, A. Suvorin và Bakulyev, họ đã nghiên cứu các đặc điểm sinh lý và sinh bệnh lý của phương pháp này rồi áp dụng vào các nghiên cứu trên động vật và trị bệnh lâm sàng.
Tuy nhiên, người có công phổ biến phương pháp nhịn dưới dạng một thực hành trị liệu là bác sĩ tâm thần Yuri Nikolayev: nhờ ông mà phương pháp này được phê chuẩn và giới thiệu vào hệ thống y tế công của Liên Xô (cũ). Phương pháp nhịn mới được nghiên cứu khoa học bắt đầu từ những năm 1960, sôi nổi nhất là vào các thập kỷ 1970, 1980 và 1990.
Cũng chính giáo sư Nikolayev đã đặt ra thuật ngữ razgruochno- dieticheskaya terapiya (RDT) (trị liệu ăn kiêng-nhịn – FDT)6. Thuật ngữ này phân biệt rõ nhịn tự phát hay nhịn do hoàn cảnh vượt quá khả năng kiểm soát của cá nhân với nhịn trị liệu – phương pháp đã được nghiên cứu và áp dụng trong ngành y dựa trên quy trình chi tiết được Bộ Y Tế thuộc Liên Xô (cũ) trước đây và Nga sau này phê chuẩn. Đây cũng được hiểu là một thực hành trị liệu dựa trên quá trình chuyển đổi của sinh vật sang chế độ dinh dưỡng nội sinh.
Đối với nhịn khô nói riêng, mãi đến vài thập kỷ gần đây (ở Nga), nhịn ăn uống triệt để mới bắt đầu được áp dụng trong thực hành lâm sàng (V. A. Zakirov7 và I. E. Khoroshilov8), mặc dù nhà sinh lý học Vladimir Pashutin9 năm 1902 và chuyên gia dinh dưỡng kiêm bác sĩ tiêu hóa M. Pevzner10 vào những năm 1950 đã viết về khả năng hạn chế uống nước trong thời gian nhịn triệt để.
Phương pháp nhịn khô có cơ sở khoa học. Viện Nghiên cứu Khoa học về Hô hấp ở St. Petersburg do giáo sư A. Kokosov11 điều hành đã ban hành hướng dẫn chữa trị các bệnh lý phổi bằng phương pháp nhịn khô. Một thí nghiệm lâm sàng được tiến hành vào giữa thập kỷ 1990 tại Viện Y khoa Ivanovo cho thấy nhịn tuyệt đối (không ăn uống) mở ra triển vọng đáng quan tâm trong điều trị ung thư và các rối loạn suy giảm miễn dịch nghiêm trọng. Khoa học đã chứng minh rằng nhịn khô giúp sinh vật phát triển nồng độ cao nhất các chất hoạt tính sinh học, các hoóc-môn, các tế bào đề kháng tốt và các huyết thanh miễn dịch trong thể dịch (theo nghiên cứu của Liên Xô (cũ)-Nga, vui lòng xem phần “Tài liệu tham khảo”).