“Tâm” giống như cánh cửa, có thể mở, có thể đóng, và cũng có thể khóa. Khi cánh cửa tâm được mở khóa, ta có thể khai thác những báu vật trong đó như ngọc thô, vàng quặng; nếu báu vật trong tâm được khóa lại, thì cao sâu ẩn khuất khó lường, người khác khó mà đoán biết.
Vậy sâu thẳm thâm tâm, con người ta nghĩ gì? Có người khóa thật kỹ trong lòng những dục vọng mong chờ, bao tâm tư tình cảm, cho đến những bí mật chưa từng bật mí. “Khóa”, nghĩa là tự mình bảo quản, cất giữ đồ đạc không để thất thoát, không để người khác lượm nhặt mang đi mất. Cho nên, ngăn kéo, cửa phòng, két sắt cần phải khóa lại, và tâm cũng cần phải khóa lại.
Hải quan các nước đâu dễ dàng để bạn đi qua, vậy hải quan cũng giống như chiếc khóa; có lúc hải vực bị phong tỏa, không cho tàu thuyền qua lại; có lúc không phận bị đóng băng, không cho máy bay hoạt động; tội phạm bị nhốt vào tù, tước quyền tự do công dân.
Trên thế gian này, trùng trùng quan ải, dường như cuộc đời của mỗi người đều có mật mã riêng, để rồi cuộc sống của mỗi người đều bị khóa chặt ở nơi sâu kín trong lòng họ.
Vật gì cũng vậy, sau khi bị khóa lại đều cất giấu trong đó những bí mật. Có người hỏi Lục tổ Huệ Năng rằng: “Thưa Đại sư! Ngoài Phật pháp mà thầy nói ra, thì còn có bí mật gì chăng?”. Lục tổ trả lời rằng: “Bí mật là ở phía anh”. Nghĩa là: “Phật pháp của tôi không khóa kín, nếu chiếc khóa trong lòng anh được mở thì tự nhiên có thể để cho Phật pháp truyền vào”.
Trên thế gian này có bí mật hay không? Trong điển cố “Triệu thị cô nhi”, Công Tôn Chử Cữu dùng con trai của Trình Anh hoán đổi con trai nhà họ Triệu, luôn giữ bí mật ấy, đây là câu chuyện gìn giữ bí mật mới thực bi tráng, mới đáng ca ngợi, đáng xót thương biết bao1!
1 Câu chuyện xảy ra từ thời Tấn Linh công (620 - 607 TCN). Theo chính sử, vua nhỏ Linh Công ham chơi sa đà, muốn giết trung thần Triệu Thuẫn. Triệu Thuẫn phải bỏ kinh thành chạy đi tránh nạn. Người em Triệu Thuẫn là Triệu Xuyên mang quân đánh vào cung giết hôn quân Tấn Linh Công. Triệu Thuẫn trở về, sai Triệu Xuyên sang nhà Chu đón chú Linh Công là công tử Hắc Đồn về lập làm vua, tức là Tấn Thành Công (606 - 600 TCN). Đến thời vua Tấn Cảnh Công (599 - 581 TCN) là con của Thành Công, Triệu Thuẫn đã qua đời, con là Triệu Sóc kế vị làm đại phu. Một viên quan từ thời Tấn Linh Công là Đồ Ngạn Cổ được Tấn Cảnh Công trọng dụng phong làm Tư khấu. Năm 598 TCN, Đồ Ngạn Cổ mâu thuẫn với Triệu Sóc, liền tìm cách mưu hại. Ngạn Cổ tâu với vua Tấn về việc trước đây Triệu Thuẫn cùng em là Triệu Xuyên giết Linh Công, nên phải trị tội họ Triệu. Được sự đồng tình của Tấn Cảnh Công, Đồ Ngạn Cổ bèn mang quân diệt họ Triệu. Cả nhà Triệu Sóc bị giết. Vợ Triệu Sóc là Trang Cơ, vốn là công chúa nước Tấn, chị của Tấn Thành Công nên không bị giết. Lúc đó Trang Cơ đang mang thai, Đồ Ngạn Cổ muốn giết đứa trẻ vì sợ bị trả thù sau này. Được đại phu Hàn Quyết cùng các gia thần, môn khách họ Triệu là Công Tôn Chử Cữu và Trình Anh hết lòng che chở, đứa con trai Triệu Sóc mới ra đời được cứu sống, đặt tên là Triệu Vũ. Để làm được việc này, sau khi bàn bạc với Chử Cữu, Trình Anh mang đứa con nhỏ cũng vừa mới sinh của mình ra thế mạng, trao cho Công Tôn Chử Cữu mang vào núi giấu, rồi tự mình đi tố cáo với Đồ Ngạn Cổ. Đồ Ngạn Cổ tìm đến nơi Trình Anh chỉ, tin là đã tìm ra con côi họ Triệu, liền giết chết cả Công Tôn Chử Cữu và đứa trẻ. Trình Anh bí mật giấu đứa con côi họ Triệu một nơi và nuôi nấng Triệu Vũ trưởng thành. Trong quan hệ huyết thống, Triệu Vũ là anh họ của Tấn Cảnh Công. Năm 583 TCN, Triệu Vũ lên 15 tuổi. Tấn Cảnh Công mang bệnh. Hàn Quyết xin Tấn Cảnh Công nhớ công lao của họ Triệu với nước Tấn để khôi phục họ Triệu. Tấn Cảnh Công thuận theo, phục chức và cho Triệu Vũ tự đi báo thù giết Đồ Ngạn Cổ.
Bí mật, thật sự có thể giữ mãi được sao? A nói với B: “Tôi tiết lộ cho anh biết một bí mật, nhất định anh không được nói với bất cứ ai”; sau đó B nói với C: “Tôi cho anh biết bí mật này, anh đừng nói với người khác”, lòng vòng một hồi, bí mật đó cả thiên hạ đều biết.
Trong vô số những người đang nắm giữ bí mật, không nên chỉ trích thái quá, vì cũng như bí mật thương nghiệp, bí mật nghiệp vụ, nhân sự, tài chính, chỉ vì rất nhiều người cho rằng bên giữ bí mật sẽ không truyền ra ngoài đến mức làm mất đi lợi ích xã hội, thật vô cùng đáng tiếc. Vì vậy, tâm mình lúc nào nên mở thì mở, nên đóng thì đóng, đặc biệt là tâm nên rộng mở, để có thể dung chứa nghĩa lý vi diệu của thế giới nhân sinh vạn vật?