Người xưa có câu: “Trong bụng tể tướng có thể chèo được thuyền!”, để nói về sự độ lượng của một người, chính là thước đo của thành tựu sự nghiệp của họ. Lòng độ lượng của bạn là không quan tâm người khác, chỉ lo cho mình, thì chỉ có thể nuôi sống mình. Giả như, tâm lượng của bạn có thể bao dung cả nhà thì bạn có thể làm người trụ cột trong nhà; có thể bao dung cả một huyện, thì bạn có thể làm chủ tịch huyện; có thể bao dung cả một tỉnh, thì có thể làm chủ tịch tỉnh; và có thể bao dung cả một nước, thì có thể làm chủ tịch nước.
Người có thể bao dung cả một huyện, một tỉnh, mà không thể làm chủ tịch huyện, chủ tịch tỉnh, thì thật là đáng tiếc. Người có lòng độ lượng, yêu nước thương dân, mà tài năng lại bị lãng quên không được sử dụng thích đáng, thì đó chính là một việc đáng tiếc đối với quốc gia, dân tộc.
Trong lịch sử, các vị quân chủ đế vương thành công chẳng phải là do ông ta có ba đầu sáu tay, hay siêu nhân, mà là do tấm lòng khoan dung độ lượng của ông ấy lớn hơn người thường. Kẻ bụng dạ hẹp hòi, không biết nghĩ cho người khác, thì ai có thể chấp nhận bạn được? Thế nên hòa thượng Bố Y được người đời ca tụng rằng: “Bụng lớn, dung chứa hết thảy nhân gian sự thế; miệng cười thật lớn, cười hết nỗi sầu trong thiên hạ xưa nay”.
Việc học từ xưa đều luôn chú trọng vào việc bồi dưỡng năng lực, học vấn, khí chất, đạo đức, tâm tính, và độ lượng. Xét theo nghệ thuật đối nhân xử thế, thì yếu tố quan trọng tiên quyết vẫn là phải bồi dưỡng lòng độ lượng.
Tể tướng Phú Bật thời Tống khi xử lý các sự vụ, bất kể là việc lớn nhỏ gì cũng đều sẽ suy đi tính lại. Song, cũng vì quá ư cẩn thận tỉ mỉ, mà có người phê bình, công kích ông.
Viên quan phụ tá nói với tể tướng Phú Bật: “Có người đang chê trách ngài”.
Tể tướng không hề để ý mà nói: “Chắc chắn là họ đang phê bình người khác”.
Quan phụ tá nói: “Thưa tể tướng! Không phải hắn đang chê người khác, mà là chỉ đích danh ngài đó ạ!”.
Tể tướng Phú Bật thản nhiên trả lời rằng: “Người cùng họ cùng tên trong thiên hạ này nhiều lắm”.
Với sự độ lượng như vậy, ông ấy có thể không làm tể tướng được sao?
Con người có một phần độ lượng, thì sẽ có một phần khí chất; con người có một phần khí chất, thì sẽ có thêm một phần nhân duyên; con người có một phần nhân duyên, thì ắt có thêm một phần sự nghiệp. Tuy nói độ lượng là do bản tính vốn có, nhưng cũng có thể trau dồi, tập luyện, bồi dưỡng thêm. Chúng ta đọc xem trong lịch sử có biết bao vị thánh nhân hiền tài, đôi khi không phải là tán dương công danh sự nghiệp đến đâu, mà là thán phục tâm lượng rộng lớn hiếm có của họ. Cho nên, lòng độ lượng thật sự vô cùng quan trọng đối với công danh sự nghiệp của con người.
Vậy làm thế nào để “bồi dưỡng lòng độ lượng”?
Một là vào lúc bình thường không nên quá so đo với người khác bởi mấy chuyện nhỏ nhặt, luôn biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Nhưng với những việc lớn, thì cũng không nên quá dễ dãi, phải có lập trường thiện ác, đúng sai một cách phân minh.
Hai là chẳng buồn phiền vì những việc không như ý. Có thể điềm nhiên xử lý những sự cố ngoài ý muốn, không lo sầu trách móc, lòng độ lượng tự nhiên sẽ được nuôi lớn.
Ba là khi bị người khác chế giễu, chửi mắng, nên bình tâm biết nhìn lại bản thân và tự mình kiểm điểm, đừng phản kích lại đối phương, lòng độ lượng tự nhiên sẽ ngày càng thêm rộng lớn.
Bốn là học cách chịu thiệt, nhường cho người khác phần hơn, tích tụ lâu dần, từ chỗ biết chịu thiệt ấy ta sẽ nuôi dưỡng lòng độ lượng của mình thêm cao xa.
Năm là khi nhìn thấy một việc thiện của người, thì hãy quên đi trăm lỗi lầm của họ. Chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác mà không nhìn vào ưu điểm của họ thì không thể bồi dưỡng được lòng độ lượng.
Kinh rằng: “Tâm biến khắp hư không, lượng phủ trùm thế giới”. Nếu bạn có thể bao dung cả hư không vũ trụ vào trong tâm mình, thì tâm lượng của bạn tự nhiên sẽ có thể rộng lớn được như hư không. Có một bài thơ nói rằng:
Được hời rồi lại mất lời,
Lúc ăn lúc mất ông trời thấy ngay,
Tâm này thẳng thắn như cây,
Cả đời không sợ người này người kia.
Bạn thân mến! Người có lòng độ lượng, nhất định sẽ không phải chịu thiệt đâu!